Liên quan đến hành lang pháp lý, các biện pháp quản lý xuất bản, hướng dẫn và hỗ trợ xuất bản sách điện tử… chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí CHU VĂN HÒA (ảnh bên), Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông)…
Liên quan đến hành lang pháp lý, các biện pháp quản lý xuất bản, hướng dẫn và hỗ trợ xuất bản sách điện tử… chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí CHU VĂN HÒA (ảnh bên), Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Phóng viên: Trước hết, đồng chí có thể cho biết tình hình xuất bản sách điện tử hiện nay ở Việt Nam có những vấn đề gì nổi cộm, đáng quan tâm?
Cục trưởng Chu Văn Hòa: Giữa thực tế và tương lai phát triển công nghệ như hiện nay, xuất bản điện tử nói chung và xuất bản sách điện tử nói riêng là một xu thế tất yếu. Thực tế hiện nay cho thấy, sau một khoảng thời gian manh nha mua và đọc sách điện tử nói chung của xã hội, từ năm 2012 trở lại đây, tình hình xuất bản sách điện tử ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành và có những bước phát triển đầu tiên. Một số nhà xuất bản (NXB) có doanh thu, thậm chí là lãi đến vài ba tỷ đồng từ nguồn sách này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhìn một cách toàn cục, hầu hết các nhà xuất bản đều rụt rè đầu tư cho mảng xuất bản điện tử vốn rất giàu tiềm năng. Cho đến nay mới có khoảng một phần sáu số nhà xuất bản trên cả nước xin cấp phép xuất bản sách điện tử. Sự rụt rè này của các NXB đặt ra vấn đề nếu cứ tiếp tục chậm trễ như vậy, ngành xuất bản sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu.
Phóng viên: Vậy theo đồng chí, lý do căn bản khiến ngành xuất bản Việt Nam còn “rụt rè” với xuất bản điện tử là gì?
Cục trưởng Chu Văn Hòa: Thứ nhất, người dân mình nói chung vẫn giữ thói quen đọc sách in. Thứ hai là giải pháp bảo vệ bản quyền của ta chưa đồng bộ. Luật Xuất bản (sửa đổi) đã có từ cuối năm 2012, Luật bản quyền cũng đã có, nhưng để thực hiện nghiêm chỉnh các luật này, theo tôi phải có hưởng ứng của cả cộng đồng, sự đa dạng hóa cách thức đọc sách của cả xã hội nói chung cũng như sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng. Thực tế ở Việt Nam, tất cả các khâu mà tôi vừa nhắc đến đều yếu.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác khiến các NXB còn rụt rè là do họ cảm thấy đầu tư vào lĩnh vực này chưa hiệu quả, chưa an toàn, nhất là vấn đề bản quyền. Các NXB và phát hành sách điện tử phải tự tìm cách bảo vệ bằng các giải pháp công nghệ hiện đại, với sự tương hỗ của các mảng khác trong hoạt động nội dung số trên in-tơ-nét và các thiết bị điện tử. Ðây là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi tiềm lực tài chính. Nhưng thực tế cũng cho thấy, một số NXB đã phát triển ổn định trong mảng xuất bản này, như NXB Trẻ, NXB Kim Ðồng và họ hoàn toàn có thể là những địa chỉ tham khảo hữu ích cho các NXB khác muốn phát triển xuất bản điện tử.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong sáu tháng đầu năm nay, khi tiến hành xong việc cấp lại giấy phép cho các NXB theo Luật Xuất bản mới, cũng chính là một bước rà soát lại năng lực hoạt động và tiềm lực kinh tế của họ trong hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng, ngành xuất bản sẽ có thêm động lực để phát triển ổn định và đúng hướng. Chúng tôi đồng thời đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ xuất bản điện tử, góp phần giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này và giảm thiểu nguy cơ tụt hậu của ngành xuất bản trong hoàn cảnh phát triển mới của đất nước. Trước mắt, trong năm nay, Cục Xuất bản sẽ tổ chức ít nhất là hai cuộc hội thảo quốc tế về xuất bản điện tử, mời chuyên gia từ các nước phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này sang trao đổi kinh nghiệm.
Phóng viên: Nhìn ở góc độ hành lang pháp lý, theo đồng chí, việc ban hành các văn bản dưới luật có độ trễ nhất định ảnh hưởng thế nào đến việc quản lý và phát triển xuất bản điện tử?
Cục trưởng Chu Văn Hòa: Phải nói rằng, Luật Xuất bản (sửa đổi) được ban hành ngay trong thời điểm mà xuất bản điện tử của Việt Nam mới manh nha hình thành và dành hẳn một chương với tám điều đã cho thấy sự tiên liệu xu thế phát triển tất yếu của lĩnh vực xuất bản hiện đại để dọn sẵn hành lang pháp lý cho sự phát triển ấy. Tôi khẳng định đây là một điểm mạnh của Luật Xuất bản.
Về độ trễ của các văn bản dưới luật, trong văn bản Luật có những phần được quy định chi tiết và có những phần được quy định chung, yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết. Chính vì thế, cần phải có một độ lùi nhất định. Tuy nhiên, độ trễ này không gây ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển xuất bản điện tử. Phần lớn văn bản luật đều tạo điều kiện thuận lợi cho những thành phần muốn tham gia vào sự phát triển xuất bản điện tử và có thể thực thi được ngay. Tôi lấy thí dụ nhỏ, việc nộp lưu chiểu chẳng hạn. Với xuất bản điện tử, lẽ thường là sẽ nộp lưu chiểu điện tử, nhưng nếu như vậy, chúng ta có giải pháp công nghệ nào để bảo vệ bản quyền? Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản vẫn đang trong quá trình hoàn thiện trung tâm công nghệ để tiếp nhận lưu chiểu điện tử, phải vài ba năm nữa mới xong. Vì vậy, chúng tôi linh hoạt tiếp nhận lưu chiểu điện tử theo cách truyền thống là nộp bản lưu chiểu qua ổ lưu trữ cứng như CDR, USB… Cho đến nay, chưa có một chủ thể NXB nào gặp khó khăn hay trở ngại liên quan đến vấn đề quản lý hay hành lang pháp lý trong xuất bản điện tử.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
P. V.
(Nguồn báo Nhân Dân)