Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai hoạ – Thi Hoàng

Tại Hội thảo Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn đã có trên 100 tham luận về hai nhà thơ có hai phong cách đối lập nhau. Có nhiều tham luận sâu sắc như của Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương… đã được đông đảo nhà thơ nhà văn và dư luận tán đồng. Dưới đây chúng tôi chọn giới thiệu  tham luận của Nhà thơ Thi Hoàng.

Tại Hội thảo Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn đã có trên 100 tham luận về hai nhà thơ có hai phong cách đối lập nhau. Có nhiều tham luận sâu sắc như của Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương… đã được đông đảo nhà thơ nhà văn và dư luận tán đồng. Dưới đây ,vanhaiphong.com chọn giới thiệu  tham luận của Nhà thơ Thi Hoàng.

 

Thương sự cách tân, nể sự cách tân, ghét sự cách tân, phục sự cách tân… Tôi có tất cả tâm trạng này khi đọc thơ Mai Văn Phấn. Lãng đãng nhớ về những bài thơ ban đầu có phần bản năng ở tập thơ đầu tiên “Giọt nắng”. Cái bản năng đam mê thơ ca bồi hồi run rẩy với những thói quen của ý thích chứ ý thức thì chưa có bao nhiêu.

Nhưng rồi từ tố chất ở cá tính, muốn vượt qua sự tò mò mà dò dẫm những bước đầu tiên trên chặng đường khám phá. Thì, cũng mới chỉ rụt rè mở ra ở đơn vị nhỏ nhất của tác phẩm là chữ, đã thấy Mai Văn Phấn manh nha muốn thiết lập mối quan hệ giữa con chữ và con người: Anh đi vòng quanh con chữ/ Gọi ơi hời! (Một lần… thi pháp). Gọi thế nghĩa là đã coi con chữ như một sinh thể để muốn nó nên và có thể làm được những biến đổi trong thơ mình. Nhưng môi trường thơ quen thuộc vẫn ám đặc (ở cả người viết và người đọc) như cơn mưa dầm dai dẳng mà những hạt mưa gieo xuống những vần vèo ướt át của một vùng thơ nặng về duy cảm! Thì biết làm gì? Chưa đủ tự tin, hay chưa đủ nội lực? Mai Văn Phấn vẫn để mình ở trạng thái ít nhiều thụ động: Ngồi chờ mưa tan/ Đi tìm một nhịp điệu khác (trường ca Người cùng thời). Chờ, và rồi cũng ở trường ca này, trong toàn bộ chương VII (Mail cho em) anh đã để cho tấm áo thi ca cũ thoải mái bục chỉ may, tuột chỉ khâu, hay nói cách khác là một cuộc khai phá san ủi mặt bằng, lấy độ cao mới để quy hoạch lại thơ mình cả về vóc dáng lẫn công năng, nghĩa là ở cả hình thức và nội dung. Đầu tiên là giọng điệu, ngay cả những điều đã cũ được nói với một giọng điệu khác thì ý nghĩa những điều đã cũ kia ít nhiều cũng khác đi.

Còn từ cái khác đến cái mới, cái hay thì trong tiến trình thơ ca Mai Văn Phấn bằng vào sự đọc, sự học, sự trải nghiệm, anh đã làm dày dặn mình lên ở cả hai phương diện là kiến thức và kinh nghiệm để chọn lựa. Trên đường dấn thân đi tìm nẻo khác cho thơ mình, cái nẻo càng ít dấu chân, thậm chí chưa có dấu chân ai đó càng tốt. Mai Văn Phấn đã dằn mình để cho sự mạo hiểm thắng sự sợ hãi và chấp nhận cả những đau xé; Cơn đau siêu thực hành hạ anh có khi còn hơn những cơn đau hiện thực, khiến anh mong rằng nó chỉ là một giấc mơ: Tôi cúi xuống đón chiếc ách lên vai/… Tôi chạy quanh và miệng sùi bọt/ Tôi nhễ nhại giả chết, lồng lộn/ Tôi rã rời, loạn nhịp/ vỡ tung/ Tôi thấm nước và vắt ra nước. (Chỉ là giấc mơ).

Đây rõ ràng là tác giả không mấy đi tìm nỗi cảm thông ở người đọc mà là đang làm một việc gần như bóp chết bản ngã để hình thành một chủ thể khác, mong trình bầy tâm trạng một cách khách quan nhất có thể. Vậy, cũng là bước đầu tìm một điểm tì vịn mà bật lên đổi mới nội dung. Chỉ tiếc là vẫn hiện hữu nguy cơ lại rơi về sự thay đổi cách nói mà chưa làm mới được bao nhiêu vấn đề định nói! Tuy nhiên, cũng đã thấy lờ mờ dấu chân Mai Văn Phấn trên cái nẻo lạ này, đang rời xa dần không khí của trường thi ca cũ mà giá trị không phủ nhận, nhưng thiên chức (hay nhiệm vụ gì đấy) thì dường như đã xong, nó phải dừng lại, nó đã chết (theo một nghĩa đen có tính lịch sử):… Ông khách không còn đó/ Gọi điện thoại/ Người nhà bảo ông mất đã bẩy năm/… Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt/ Chốc chốc lại cúi gập. (Vẫn bình tĩnh tiễn khách ra ngõ).

Cũng đã thấy dưới bề sâu của tâm lý sáng tạo, Mai Văn Phấn đang cố gắng để không bị ràng buộc vào bất cứ một phương pháp sáng tác nào. Anh tìm cách huy động cả hình thức và nội dung cùng ghé vai đưa bài thơ lên cao hơn cái nền chung của thói quen đọc thơ ở người đọc và hy vọng tìm ra thi- pháp- của- mình. Đây là chuyện tày đình, nếu nói ra thì như một sự bất kính hay ảo tưởng gì đó với trường thơ hiện thời. Song,  ở những khát vọng sáng tạo thành thực,  thường có ý định vừa tàn phá vừa xây dựng như vậy. Thế rồi cũng may mà trong muôn một anh có được những thi phẩm mà giá trị chắc chắn sẽ ngày càng được xác định: thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch/ quay về tắm bằng ngọn đèn/… vừa xối mạnh vừa gọi tên em/ ánh sáng bồng bềnh bụng mang dạ chửa/ thử gọi một ai xa lắc xa lơ/ ngọn đèn lặng phắc càng tỏ/ càng tỏ (Tắm đầu năm).

Đến một trong những bài mới viết gần đây thì ý thơ và tình thơ được mở mang dọn chỗ cho những con chữ phổng phao lớn khoẻ lên đặng mà đủ sức hiện thực hoá những ý tưởng thơ ca siêu thực, trừu tượng: Bình yên trong miệng anh/ Em thúc nhẹ bờ vai/ Vòm ngực, ngón chân vào má/ Huyên thuyên và hát thầm/ Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể/ Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động (Ngậm em trong miệng). Đây cũng là một cách gián tiếp để rành mạch, sòng phẳng với sự lẫn lộn (thậm chí cố tình đánh tráo) giữa sự sơ lược, đơn giản với sự giản dị mà Mai Văn Phấn từng quan niệm: Thật kỳ diệu nếu chỉ bằng sự giản dị mà nói được những vấn đề lớn lao và mới mẻ. (Trả lời phỏng vấn báo Thể thao Văn hoá 2004). Phải luôn tự bồi đắp mình Mai Văn Phấn mới phong phú, phồn tạp, dư thừa rồi chọn lựa mà phủi vưỡi, vất bỏ đi những lòe loẹt rườm rà rối vướng để giản dị chứ đâu phải nghèo nàn, thậm chí không có gì ở năng lực thi ca mà ngộ nhận là giản dị!…

Ngẫu nhiên từ trường hợp thơ Mai Văn Phấn, đưa mắt nhìn về chặng đường cách tân thơ phía trước. Dẫu mừng cho chặng đường đã qua song, cũng không khỏi lo ngại ở những chặng đường chưa tới.

Sau đây là những băn khoăn (có thể ít nhiều chứa đựng mâu thuẫn) về những đổi mới thi ca trong những năm gần đây của không riêng gì Mai Văn Phấn. Thơ, sau khi xuất bản ra dường như nó không quay lại với tác giả mà thẳng hướng tìm tới người đọc. Người đọc ở đây tạm thời chia thành hai kiểu cách: Một kiểu đọc lý thuyết và một cách đọc hưởng thụ.

Đọc lý thuyết là tìm sự đắc ý, còn đọc hưởng thụ là tìm sự sướng khoái. Đắc ý thì chỉ trong não bộ, còn sướng khoái thì không chỉ trong não bộ mà ở khắp cơ thể. Thực ra bảo tồn và phát huy giá trị của thơ ca là ở cách đọc hưởng thụ, chứ kiểu đọc lý thuyết thì cuối cùng có vẻ như chỉ để cấp chứng chỉ, đặt tên cho những trào lưu, khuynh hướng; Trong khi tác động hay dở thế nào vào đời sống, tác phẩm sau khi ra đời chả phụ thuộc bao nhiêu vào việc gọi tên đó là thơ hiện thực, siêu thực, hậu hiện đại, tân hình thức hay gì gì đấy. Không hiểu do đâu, những tìm tòi dày vò chữ nghĩa, thay đổi cách viết để làm lạ với những ý tưởng rời vụn kỳ quặc ngày càng có vẻ hướng đến phục vụ kiểu đọc lý thuyết mà sao nhãng phần lớn độc giả ở cách đọc hưởng thụ! Lại nữa, kiểu đọc lý thuyết thường là ở những độc giả đặc tuyển, độc giả chuyên nghiệp mà loại độc giả này trong đời sống không có bao nhiêu, ở Việt Nam lại càng ít. Nếu tính hưởng thụ khi tiếp cận thi ca bị chối từ thì phần lớn người đọc sẽ quay mặt! Đây có lẽ là một phần nguyên do khiến người đọc thơ ngày càng ít. Bởi thơ (tìm tòi) trước hết là để cho người đọc với nghĩa chung nhất chứ không chỉ chăm chăm muốn phơi mở ra dưới mắt các nhà nghiên cứu, phê bình. Còn bảo rằng thơ cách tân là gợi mở, là mời gọi người đọc đồng sáng tạo thì tôi cứ nghi ngại cái ý vừa thách đố vừa có tính mị dân này (Người ta đến nhà hàng để ăn, hà cớ gì lại bắt người ta phải vào bếp cùng nấu nướng).

Đến đây, do cũng là một người làm thơ, tôi lại phải dè chừng ý kiến chủ quan của người biết đâu đấy đã không còn khả năng làm mới thơ mình. Thế là giật mình, nhảy vội sang phần thiên chức của thơ ca. Vâng, thơ đang ngày càng phai nhạt tính lý tưởng (Hình như hậu hiện đại gọi đó là giải đại tự sự thì phải). Cắt dán, phân mảng.

Không quan tâm đến những vấn đề sống còn có tính toàn cục, thời đại. Chẳng hạn như thời kinh tế thị trường, chất lượng hàng hoá được ráo riết quan tâm trong khi chất lượng người thì ít được quyền lực chú ý đến (?). Thế là hàng hoá lôi con người vào tâm lý kỹ trị và có vẻ các nhà thơ cũng bị áp lực nặng nề. Thơ dở thì không nói làm gì, xuất hiện khá nhiều những bài thơ trung bình chỉ thấy dàn ra những câu nói hay chứ không phải những câu thơ hay. Chao ôi! Chẳng lẽ thơ ca đang như là nạn nhân của cuộc ăn  hiếp của văn minh đối với văn hoá.

Thưa các nhà thơ! Nên chăng, có cách nào đó để hình thức được tự nhiên chuyển hoá thành nội dung; Còn nếu do thói quen, hình thức vẫn cứ đòi có một khái niệm riêng thì cách tân hình thức phải lui xuống vị trí thứ yếu mà chủ yếu vẫn là ở nội dung. Chứ nếu để chứng tỏ mình mới mẻ, hiện đại mà nằng nặc hình thức thì rồi không khéo mình chả còn yêu người thật mà đi yêu người silicon mất! Xin các nhà thơ đừng quá quan tâm đến những gì thật lạ mà hãy viết ra những gì mới mẻ thật bụng./.

TH

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder