Cảm hứng về Điện Biên trong thơ Việt Nam – Nguyễn Công Lý

Với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, trang sử Việt đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên,  sánh cùng những địa danh sáng ngời chiến công của cha ông thuở xưa Tất cả sẽ mãi mãi bất tử trong trang sử vệ quốc oai hùng của dân tộc, mãi mãi bất tử trong tâm thức và mãi mãi là niềm tự hào của con dân Việt Nam

 

Kết thúc bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) đã viết:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Theo như nhà thơ cho biết để có cảm hứng viết những dòng thơ tài hoa với hình tượng kỳ vĩ và rực rỡ này, nhất là hai câu “Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ” là nhờ âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng vào trưa ngày 07/5/1954, mà gần một năm sau nhà thơ mới có dịp tái hiện lại.

Như tác giả đã từng tâm sự, Đất nước là bài thơ được sáng tác bởi một quá trình chiêm nghiệm từ 1948 đến 1955. Phần đầu của bài thơ là sự kết tinh nghệ thuật từ bài Sáng mát trong như sáng năm xưa viết năm 1948 và bài Đêm mít tinh viết năm 1949; phần sau của bài thơ được khơi gợi từ hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm rất vất vả mà lạc quan, thần thánh và vĩ đại. Bốn câu thơ trên là đoạn kết của bài thơ, được viết sau ngày hoà bình được lập lại, nhân dân Miền Bắc đang tiến hành công cuộc lao động dựng xây quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, tái kiến thiết đất nước.

Trước đó khoảng một năm, trong bài thơ Bài ca Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Thi đã khắc hoạ hình ảnh người lính cụ Hồ đang tham gia chiến dịch với phẩm chất kiên cường, xông xáo, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì đất nước, không lùi bước trước gian nguy:

Người ngã lại người ngã

Trên cánh đồng Mường Thanh

Mắt quắc lên nảy lửa

Chiến sĩ vút lao nhanh.

Không riêng gì Nguyễn Đình Thi, trong thơ chống Pháp cũng đã có một số bài thơ xuất sắc, mà những bài này đều được gợi cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Những bài thơ đó đã được các tác giả viết trong lúc chiến dịch đang diễn ra hoặc ngay sau khi chiến dịch kết thúc. Nhắc đến thơ viết về Điện Biên, không thể không kể đến nhà thơ Tố Hữu (1920-2002), bởi ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam và ông đã có một bài thơ rất hay, rất kịp thời và đúng lúc viết về chiến thắng oai hùng chấn động địa cầu này: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Chiến dịch Biện Biên với 56 ngày đêm mà anh bộ đội cụ Hồ đã phải miệt mài vượt bao gian khó “khoét núi, ngủ hầm”, trong cảnh “mưa dầm, cơm vắt”“máu trộn bùn non”, nhưng các anh vẫn “gan không núng, chí không mòn” như Tố Hữu đã từng tái hiện trong bài thơ vừa nêu.

Bản hùng ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên được Tố Hữu hoàn thành đúng vào lúc chiến dịch vừa kết thúc, và lúc này anh bộ đội cụ Hồ đang nghỉ ngơi sau giờ phút chiến thắng, y như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng chỉ huy chiến dịch đã thầm nhủ: “Chắc giờ này anh Lành đang làm thơ về chiến dịch”. Lời thầm nghĩ của vị Đại tướng như là lời tiên tri dự báo, bởi sau đó quả nhiên là như thế.

Sau này, trong bài thơ Việt Bắc viết vào tháng 10-1954, nghĩa là sau chiến thắng Điện Biên khoảng 5 tháng, lúc này Chính phủ kháng chiến từ thủ đô Việt Bắc gió ngàn dời về Hà Nội, nhằm ghi lại những ân tình sâu nặng giữa Việt Bắc đối với cách mạng và giữa người cán bộ cách mạng đối với nhân dân Việt Bắc, với núi rừng Việt Bắc từng gắn bó trong 15 năm “thiết tha mặn nồng”, “ân tình thuỷ chung”, Tố Hữu có khắc hoạ lại cái khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên với một niềm tin vô biên hướng về tương lai tươi sáng:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta từ cổ chí kim, có thể nói chưa có chiến dịch nào mà cha ông ta đã huy động một lực lượng hùng hậu và đông đảo không thể nào đếm được như chiến dịch Điện Biên, mà nhiều nhất là lực lượng dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong. Họ là những người nông dân áo vải thầm lặng bình dị chân chất, đủ mọi lứa tuổi và giới tính đã cùng với anh bộ đội cụ Hồ đã làm nên những chiến công vĩ đại để cuối cùng đem đến chiến thắng vẻ vang, chấn động năm châu bốn biển. Từ khúc ca khải hoàn này, danh xưng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp gắn liền với Việt Nam và Điện Biên. Những con người bình dị đã làm nên những chiến công vĩ đại ấy chính là những con người với sức trẻ đã dùng “những bàn tay xẻ núi, lăn bom” để “mở đường cho xe ta lên đường tiếp viện”; là những “chị gánh, anh thồ” hàng vạn vạn tấn hàng tiếp tế cho chiến trường[1]. Những con người anh hùng thầm lặng ấy đã vượt qua vất vả gian lao, đối diện với cái chết, với bom đạn mà lòng vẫn phơi phới lạc quan:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Bên cạnh đội quân thanh niên xung phong và các đoàn dân công hoả tuyến thì anh bộ đội Cụ Hồ vẫn là nhân vật trung tâm của chiến dịch. Cũng như Nguyễn Đình Thi trong Bài ca Điện Biên Phủ vừa dẫn ở trên, Tố Hữu trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên đã khắc hoạ rõ nét hình tượng giản dị mà kỳ vĩ của các anh, các chị bộ đội, thanh niên xung phong và dân công:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm,cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

Những đồng chí, thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt còn ôm

Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện…

Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến

…Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Cả bài thơ là niềm hân hoan, là tiếng reo vui chiến thắng, là khúc hát khải hoàn của một dân tộc đang “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Đất Nước, Nguyễn Đình Thi). Trên 90 câu thơ tự do như là những dòng ký sự chiến dịch, xen lục bát và vài câu song thất lục bát như là khúc tâm tình reo vui chiến thắng, tất cả được Tố Hữu thể hiện bằng một ngôn từ trong sáng, mộc mạc và một tiết tấu thơ linh hoạt, phong phú, nhanh và mạnh, khi thì trào dâng như sóng cuộn, như thác tuôn; lúc thì ào ạt như bão táp, như lửa bùng gió cuốn. Cảm hứng xuyên suốt bài thơ là tiếng reo vui, là niềm hân hoan tột độ của cả dân tộc đang bước lên vũ đài chiến thắng, hát vang khúc khải hoàn ca:

Vinh quang Tổ quốc chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm  sống mãi

Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Và thật đúng là sau những tháng năm dài “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ/ Bắp chân đầu gối vẫn săn gân”, nên lúc chiến thắng thì tất cả dân tộc người người đều bừng vỡ niềm vui:

Kháng chiến ba ngàn ngày.

Không đêm nào vui bằng đêm nay.

Đúng là Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực.

Trên đất nước như huân chương trên ngực.

Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Đồng thời với Tố Hữu, còn có Chính Hữu, một nhà thơ quân đội. Ông có mấy bài viết về Điện Biên Phủ thể hiện một góc sâu trong tâm hồn, tình cảm của người lính đang tham gia chiến dịch Điện Biên. Rất nhiều người đã biết đến Chính Hữu qua bài thơ Đồng chí nổi tiếng. Chỉ có tình đồng đội, đồng chí ấm áp mới là động lực để giúp tất cả vượt qua bao khó khăn gian khổ, vượt qua mưa bom lửa đạn để giành lấy chiến thắng. Chỉ có trong chiến đấu, khi đối diện với cái chết, chúng ta mới cảm nhận đầy đủ và thấm thía hai tiếng “đồng chí”, “đồng đội” thiêng liêng và cao cả. Bài thơ Giá từng thước đất, Chính Hữu đã bộc lộ tiếng nói chân thành và rưng rưng cảm động về cái tình đồng đội thiêng liêng này qua một ngôn ngữ thơ giản dị mà ý thơ lại sâu lắng:

Đồng đội ta

Là hớp nước uống chung

Nắm cơm bẻ nửa

Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa

Chia khắp anh em một mẩu tin nhà

Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp

Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Cũng với tình đồng chí, đồng đội cao cả này, Chính Hữu còn có bài Thư nhà ấm áp. Qua bài thơ, Chính Hữu đã nói hộ tình cảm của tất cả anh lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch Điện Biên. Trong chiến đấu nơi chiến trường gay go ác liệt, những lá thư của người thân nơi quê nhà theo đường quân bưu đưa đến chính là nguồn tiếp tế vô song, là nguồn động viên to lớn giúp ngưới lính yên tâm, vững dạ cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương, làm nên chiến công, giành lấy chiến thắng. Có lẽ đây là một đề tài mới trong thơ ca kháng chiến mà Chính Hữu là người khơi mở đầu tiên cho đề tài này:

Một lá thư nhà

Hôm nay ta đọc

Trong chiến hào chuẩn bị tiến công

Chưa bao giờ hiểu hết

Ta mới biết

Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông

Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết

Và chắc chắn những lá thư nhà ấy không chỉ là “của riêng” của người nhận thư, mà là “của chung” tất cả anh em đồng đội, đồng chí cùng chung chiến hào, bởi ở đó, họ đã “Chia khắp anh em một mẩu tin nhà” (Giá từng thước đất – Chính Hữu).

Không riêng gì với các nhà thơ, ngay cả với vị Lãnh tụ vĩ đại tối cao của dân tộc, khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã tạo cảm hứng để Bác viết mấy bài thơ mang tính thời sự nóng hổi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm Bác nhiều đêm trăn trở không ngủ, dù trước đó, trong bài Thơ chúc Tết năm Nhâm Thìn (1952), Bác đã có tiên đoán cuộc kháng chiến chắc chắn sẽ thắng lợi:

Kháng chiến vừa sáu năm

Trường kỳ và gian khổ

Chắc thắng trăm phần trăm.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận, Bác đã viết bài Tặng bộ đội Điện Biên Phủ với giọng thơ chắc khoẻ như một lời hiệu triệu, thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, qua hình thức đối nhau ở hai câu đầu:

Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá,

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.

Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được,

Gian khổ không thể làm lòng ta sờn.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, theo kế hoạch Nava, Pháp đã thành lập cứ điểm Điện Biên. Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta bắt đầu chiến dịch Điện Biên. Sau 56 ngày đêm chiến dịch, cuối cùng trưa ngày 07 tháng 5 năm 1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng, mặc dù lúc này Bác phải giải quyết trăm công ngàn việc, nhưng chỉ năm hôm sau ngày toàn thắng, Bác đã có một bài thơ dài chào mừng sự kiện lịch sử vĩ đại này: bài Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ đăng trên báo Nhân dân số 184 ngày 12/5/1954, ký bút danh CB.

Bài thơ có 45 câu chia thành 5 đoạn, viết theo thể thơ 7 tiếng, gieo vần chân, có dáng dấp như một bản tin, với số liệu cụ thể nhưng giàu hình ảnh nên dễ nhớ, dễ thuộc.

Đoạn đầu gồm 10 câu, giới thiệu về kế hoạch Na-va và binh lực của Pháp; nêu lên sự hợm hĩnh, kiêu căng của thực dân, bởi họ đã được đồng minh Mỹ hỗ trợ tích cực:

20 tháng 11 năm cũ

Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ

Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất

Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất

Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Na- va”

Thật là mạnh dạn và tài hoa

Phen này Việt Minh phải biết tay

Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay

Các báo phản động khắp thế giới

Inh ỏi tâng bốc Na-va tới.

Đoạn hai gồm 9 câu, thể hiện quyết tâm của bộ đội, dân công sẵn sàng vượt khó, lặng lẽ chuẩn bị cho chiến dịch, với quyết tâm sẽ giành thắng lợi:

Bên ta thì:

Bộ đội, dân công quyết một lòng

Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông

Khắc phục khó khăn và hiểm trở

Đánh cho giặc tan mới hả dạ

Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày

Không quản gian khổ và đắng cay

Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ

Đã hứa với Đảng, Bác, Chính phủ.

Chính yếu tố bí mật chuẩn bị cùng quyết tâm cao đã dẫn đến thắng lợi.

Đoạn ba chỉ có 8 câu nhưng đã ghi lại khá rõ nét sự chủ quan của các tướng Pháp như Na-va cùng Cô-nhi dựa vào sự viện trợ của Mỹ, nên họ nuôi ảo tưởng như đang “trong giấc mơ mòng”:

13 tháng 3 ta tấn công

Giặc còn ở trong giấc mơ mòng

Mình có thầy Mỹ lo cung cấp

Máy bay cao cao, xe tăng thấp

Lại có Na-va cùng Cô-nhi

Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy

Chúng mình chuyến này nhất định thắng

Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng.

Đoạn thơ như một màn hài kịch tái hiện và mỉa mai “giấc mơ mòng” của tướng lĩnh chỉ huy Pháp. Những câu thơ giàu tính hóm hỉnh và trào lộng nhằm tạo ra tiếng cười để châm biếm thói kiêu căng, ngạo mạn của giặc Pháp, khi họ cho rằng họ “chuyến này nhất định thắng” và “Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.

Đoạn bốn với 12 câu, ghi lại những chiến thắng liên tiếp và dồn dập của quân ta với con số thống kê cụ thể. Những chiến thắng đó đã làm cho hai ông trùm tướng lĩnh Pháp đang chỉ huy ở Đông Dương là Na-va và Cô-nhi phải “méo mặt”, các sĩ quan và binh lính Pháp phải đầu hàng! Có thể xem đoạn thơ là tiếng reo vui hả hê, là khúc khải hoàn ca của quân và dân ta, đồng thời cũng là màn bi kịch của đội quân xâm lược Pháp, thông qua cách diễn đạt bằng biện pháp đối lập và cấu tứ tăng tiến dần:

Hơn 50 ngày, ta đánh đồn

Ta chiếm một đồn, lại một đồn

Quân giặc chống cự tuy rất hăng

Quân ta anh dũng ít ai bằng

Na-va, Cô-nhi đều méo mặt

Quân giặc tan hoang, ta vây chặt

Giặc kéo từng loạt ra hàng ta

Quân ta vui hát “khải hoàn ca”

Mười ba quan năm đều hàng nốt

Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt

Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây

Đều làm tù binh, hoặc bỏ thây.

Cuối cùng là đoạn kết với 6 câu ngắn gọn, Bác đã tổng kết thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua. Và Bác xem đó là một món quà đặc biệt mà bộ đội, dân công dâng lên mừng thọ Bác tròn 64 tuổi:

Thế là quân ta đã toàn thắng

Toàn thắng là vì rất cố gắng

Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ

Xin Bác vui lòng mà nhận cho

Món quà chúc thọ sinh nhật Bác

Chúng cháu cố gắng đã sắm được.

Xin được lưu ý, cũng trong thời gian chiến dịch này, Bác đã viết một bức thư Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở Điện Biên Phủ trong đó có những câu rất thân tình và rất vui: Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác… Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao. Qua lời thư, chúng ta thấy không có một khoảng cách nào giữa vị Lãnh tụ tối cao của dân tộc với toàn thể nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang tham gia chiến dịch Điện Biên. Đó là sự chân tình, gần gũi, giản dị, thân thương của Bác đối với đồng bào. Và đây cũng chính là một trong rất nhiều những phẩm chất cao quý của Bác Hồ kính yêu.

Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ chính là món quà tinh thần vô giá, cao quý và đẹp đẽ nhất mà quân và dân ta đã kính dâng lên Tổ tiên, kính dâng lên Bác Hồ. Bài thơ được viết theo một kết cấu mạch lạc, kể lại diễn tiến chiến dịch theo trình tự thời gian, bằng một ngôn ngữ bình dị, đại chúng, dễ thuộc, dễ nhớ. Có thể xem đây là bản tổng kết về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng thơ ngắn gọn mà súc tích.

Để rồi mười năm sau ngày chiến thắng Điện Biên, năm 1964, cũng trên báo Nhân Dân số 3878, ngày 12-11-1964, Bác cho đăng một bài văn Uy danh lừng lẫy khắp năm châu, ký bút danh “Chiến sĩ”, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra trong một tương lai gần, chẳng khác nào Pháp bị thua đau ở Điện Biên năm 1954:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

* * *

Với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu từ 60 năm trước, trang sử Việt đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1,… Những địa danh này từ đây được sánh cùng những địa danh sáng ngời chiến công của cha ông thuở xưa như Bạch Đằng, Sông Cầu, Như Nguyệt, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Rạch Gầm – Xoài Mút, Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi, Khương Thượng… Tất cả sẽ mãi mãi bất tử trong trang sử vệ quốc oai hùng của dân tộc, mãi mãi bất tử trong tâm thức và mãi mãi là niềm tự hào của con dân Việt Nam, để các thế hệ sau viết tiếp những trang sử mới trong thời đại chống Mỹ như thế giới đã chứng kiến và khâm phục mà chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với đại thắng mùa Xuân 1975 là minh chứng cho chân lý này.

 

NCL

Tài liệu tham khảo

1. Trang web Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia

2. Hồ Chí Minh, Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Văn học, HN, 1990.

3. Tố Hữu, Thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục Giải phóng, 1974.

4. Chính Hữu, Tuyển tập Chính Hữu, Nxb Văn học, HN, 1998.

5. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, HN, 2001.

6. Everwan Bergot, Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, bản dịch, Nxb QĐND, HN, 2001.

 

Nguồn: Văn học và ngôn ngữ ( Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder