Cánh phượng đỏ giữa bao la xanh – Đình Kính


Năm 2003, lãnh đạo Hải Phòng vào Sài Gòn kêu gọi con em đất Cảng về đầu tư cho quê hương. Thiềng coi đây như thời vận để đền ơn đáp nghĩa quê nhà và là cơ hội để góp phần làm cái gì đấy cho mảnh đất đói nghèo đã sinh ra mình. Thiềng náo nức hưởng ứng. Anh bay ra Hải Phòng khảo sát. Và, vùng đất sỏi đá ven đồi 72, núi Đầu Nở kề biển là nơi Thiềng chọn lựa.

 

Năm 2003, lãnh đạo Hải Phòng vào Sài Gòn kêu gọi con em đất Cảng về đầu tư cho quê hương. Thiềng coi đây như thời vận để đền ơn đáp nghĩa quê nhà và là cơ hội để góp phần làm cái gì đấy cho mảnh đất đói nghèo đã sinh ra mình. Thiềng náo nức hưởng ứng. Anh bay ra Hải Phòng khảo sát. Và, vùng đất sỏi đá ven đồi 72, núi Đầu Nở kề biển là nơi Thiềng chọn lựa.

VHP trân trọng giới thiệu bút ký của nhà văn Đình Kính.


Một góc khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu (Ảnh internet)

Đã chạm hè. Biển Đồ Sơn chưa hẳn xanh, nhưng sáng dần. Sương lãng đãng trên mặt nước đang loãng mỏng. Những vệt trắng ven bờ khi sóng vỗ nhẹ vào, nhìn từ xa tựa những cánh cò sà xuống. Bãi tắm khu Một, khu Hai tạnh khách, chỉ khu Du lịch quốc tế Hòn Dấu khá nhộn nhịp.

Tôi và Hoàng Văn Thiềng, Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Hòn Dấu ngồi trong phòng làm việc của anh nơi tòa nhà năm tầng gần cổng Công ty. Anh rất bận. Khách đông. Người đến đề nghị xem lại hợp đồng. Kẻ tới trình thiết kế, hỏi phương cách xây dựng hạng mục A, hạng mục B. Hình như cái gì nơi đây cũng phải có giám đốc cho ý kiến, cũng cần đến giám đốc cân nhắc giải quyết. Rồi ký. Rồi điện thoại… Trăm việc có tên và không tên. Câu chuyện của chúng tôi bởi vậy bị ngắt đoạn. Để anh tập trung vào những việc cần kíp, quan trọng gấp bội phần cái sự ngồi kể lể vô bổ, tôi đề nghị được lượn một vòng quanh vùng.

120 héc ta đất lấn ra biển giống hình cánh cung ôm lấy núi Đầu Nở và ngọn đồi dân địa phương vẫn gọi là Đồi 72, vì cao 72 mét, một nửa đang tiếp tục xây dựng. Nhiều khách sạn cao tầng bề thế, nhà hội nghị, hội thảo và các công trình khác định hình. Nửa còn lại đã thành khu du lịch nghỉ dưỡng với kiến trúc và cảnh quan chẳng nói là hơn, nhưng không thua kém những khu du lịch nghỉ dưỡng có tiếng thế giới.

Từ tầng 5, nơi có phòng làm việc của vị Giám đốc, qua cầu Yên Ngựa, kiến trúc theo phong cách cầu Long Biên, sẽ gặp núi Đầu Nở. Núi Đầu Nở là một Đà Lạt thu nhỏ. Nơi đây có đồi thông, có chim muông cùng các loại thú quý hiếm. Hương hoa và nhựa thông quyện ngan ngát với không khí thoáng đãng le se nhờ gió biển mang theo hơi nước, vị mặn lách tới tạo cảm giác như đang về với Cao nguyên Lâm Đồng. Những ngôi nhà sàn vừa dân giã vừa tiên tiến tiện nghi năm sao thấp thoáng, khuất mờ sau các rặng cây là chỗ nghỉ dưỡng lý tưởng. Không chỉ vậy, núi Đầu Nở còn là chốn vui chơi giải trí với những máng trượt nước hiện đại, sân khiêu vũ, mặt bằng có thể đốt lửa trại vân vân… mà không hẳn đâu cũng có.

Tôi đứng nơi sân bay trực thăng giáp đỉnh núi nhìn xuống. Biển trải ra đùng đục, mông lung. Những con sóng mơn man vỗ vào bãi tắm nhân tạo rì rầm tựa giọng người hát rong kể lể. Gần hơn chút nữa, kề chân núi là hồ tắm nước biển đã qua hệ thống lọc vào hạng nhất Đông Nam Á, nhập từ Ý.

– Giỏi! Quả sơn thủy hữu tình!

Tôi buột miệng sau khi ngồi trên xe ô tô điện của Công ty đi hết một vòng quanh. Nhớ có lần Hoàng Văn Thiềng kể:

– Nước ở Đồ Sơn, do phù sa của ba con sông đổ về nên không trong như biển các tỉnh miền Trung, bởi vậy để chiều khách, cần có máy lọc. Bỏ thêm hàng trăm tỷ, nhưng dân du lịch hài lòng là vui rồi. Còn ai muốn tắm nước biển nguyên thủy, đã có bãi tắm tự nhiên.

Bãi tắm tự nhiên! Đấy là cách nói. Thực ra đó là một bãi tắm nhân tạo. Nơi ấy trước kia vốn là vùng sỏi và đá. Để tạo nên bãi tắm mà Hoàng Văn Thiềng muốn như thể bãi tắm thiên nhiên ban tặng, chẳng dễ gì. Đã có hàng vạn vạn khối cát biển lấy từ nơi khác chở về, đổ xuống. Rồi thiết kế, san lấp và nhiều công đoạn công phu, mệt nhọc khác nữa…

Vốn lính đoàn tàu không số, cớ gì khiến người này lại nghĩ ra lắm chiêu trò vậy chứ?

Tôi mang băn khoăn ấy ra hỏi. Hoàng Văn Thiềng cười tươi, phô:

– Duyên số!

Duyên số ư? Có lẽ thế thật! Người ta có duyên phận và số mệnh mà!  Số mệnh của người cựu chiến binh này là gắn với biển Đồ Sơn!

Đồ Sơn cách quê Thiềng, làng Đượng, xã Đại Hợp không xa. Anh vẫn đùa rằng đứng trên núi Đầu Nở la to, ở Đại Hợp nghe tiếng.

Đại Hợp xưa kia là vùng quê nghèo! Đất ít, biển không nhiều. Nhà Thiềng càng nghèo. Nghèo tới mức người du kích sinh thành ra anh bị giặc Pháp bắn chết, vẫn không có tiền mua quan tài chôn cất. Bốn tuổi, mồ côi bố, Thiềng thấm thế nào là sự vắng thiếu người cha trong nhà. Gánh nặng gia đình đặt cả lên vai mẹ. Tần tảo lần hồi cấy vài ba sào ruộng, mò cua bắt ốc nuôi con, vẫn bữa đói bữa no. Nhìn ba đứa trứng gà trứng vịt đang tuổi ăn tuổi lớn lúc nào cũng háo cơm, người mẹ không khỏi xót xa. Có lần đi dệt cửi thuê về, bà mang cho anh em Thiềng một nắm tấm. “Mẹ ăn rồi, đây là phần các con”, mẹ bảo. Anh em Thiềng vô tư, mắt sáng lên, hớn hở bẻ làm ba phần, chia nhau. Sau đó thì ân hận vô cùng vì rõ rằng mẹ chỉ có củ khoai, uống ngụm nước lã cầm hơi…

–  Không bao giờ tôi quên được những ngày đói nghèo ấy! – Có lần Thiềng tâm sự.

Có phải vậy mà mặc dù đã trở thành một doanh nhân tạm coi là thành đạt, với hàng ngàn tỷ bạc trong tay, con người này vẫn sống đạm bạc, tằn tiện và giản dị ?

Thiềng kể, 17 tuổi anh tình nguyện đi bộ đội, và run rủi thế nào lại may mắn được và đơn vị có những chiến công như huyền thoại: Tàu không số.

Đêm trước hôm lên đường, nằm trên giường, trùm chiếc chăn cũ nhìn lên, thấy cả sao trên trời. Thì ra tấm chăn mẹ vẫn đắp đã mỏng tang, bở tơi; mái nhà, nơi chui ra chui vào của mấy mẹ con đã dột rách! Thiềng bật khóc, thương mẹ quá! Mẹ nằm ngay cạnh mà tự dưng nhớ thế!

“Mẹ ơi, mấy năm nữa về, con sẽ mua cho mẹ tấm chăn mới, sẽ lợp lại mái nhà cho mẹ”, Thiềng thầm nghĩ, rồi chia tay mẹ, chị gái và anh trai.

– Những năm bí mật chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trên những con tàu không số là thời đọan nhiều kỷ niệm khó mờ trong đời quân ngũ của tôi – Hoàng Văn Thiềng kể – Sau này có dịp gặp lại đồng đội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên hỏi nhau rằng tại sao hồi ấy lại có thể làm được những điều phi thường, mà bây giờ kể lại, người đời chắc gì đã tin, nó vượt qua sự tưởng tượng bình thường… Máy bay Mỹ, tàu chiến chính quyền Sài Gòn ken dày trên biển, tàu không số vẫn lách qua sự kiểm tỏa đó để mang vũ khí vào bến… Ra đi là xác định đón nhận cái chết… Nhiều đồng đội đã bỏ xác ngoài khơi, nhưng vũ khí vẫn vào được bến bờ cần đến… Cái thời hào hùng ấy sao mà quên!

– Phải chăng bởi những ngày cùng đồng đội bốc súng đạn từ Đồ Sơn này chất lên “tàu không số” bí mật vượt biển mà anh yêu mến có phần thái quá vùng đất này?

– Có lẽ thế!  Nhưng tôi đã chẳng nói duyên phận mà!

Lại cười. Hoàng Văn Thiềng có nụ cười rất lạ, không hơ hớ tự đắc tự tin như nhiều kẻ lắm tiền nhiều của khác, mà chỉ khiêm nhường mủm mỉm, rất duyên; có cái gì đấy hết sức cởi mở, dễ gần. Đã từng được Chủ tịch nước mời vào dinh để tiếp, đã từng rong ruổi nhiều nơi trên thế giới, đã từng tiếp xúc với nhiều chuyên gia, trí thức nước ngoài, từng đón nhiều ông Tây bà đầm song bản tính anh vẫn vậy: dung dị, chân chất, một nông dân thật thà của Đại Hợp chính hiệu.

Tôi hỏi:

– Anh hay nói tới duyên phận. Ừ, cứ cho là thế, vậy duyên phận nào đã đưa anh đến vùng biển Đồ sơn?

–  Chuyện này phải kể dài một chút…

Thiềng lắng lại một lát, có lẽ anh chưa thật rõ nên bắt đầu từ đâu, rồi kể… Tôi lắng nghe và hiểu rằng tại sao Hoàng Văn Thiềng bỏ lại mọi vinh hoa phú quý đúng nghĩa đen của từ ấy ở Sài Gòn để lặn lội ra Hải Phòng tự mua việc, khoác nhọc nhằn vất vả lên vai mình…

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, anh ra quân. Đã quen với sóng nước nên lại theo nghề vận tải biển… Hết bom đạn rồi, chẳng lẽ cứ mãi dai dẳng đói nghèo! Cứ mãi xếp hàng chia nhau từng lạng thịt, cân cá ươn và ăn cơm độn?… Đất nước loay hoay tìm lối ra. Hoàng Văn Thiềng đưa vợ con vào Sài Gòn đúng giai đoạn ấy. Dịp đó đường dây tải điện năm trăm ki lô vôn đang được thực hiện, có người mời Thiềng làm đại diện phía Nam cho một đơn vị thi công đường dây đó. Vốn có chút am tường lĩnh vực này, đây là cơ hội đổi đời, Thiêng bập ngay… Bươn trải một thời gian, Thiềng học được khá nhiều kinh nghiệm, anh quyết định tự mình làm ông chủ. Không chỉ lập một công ty, mà hai công ty luôn…

– Có lẽ do trước đây nghèo quá, nên ông trời thương tình bù đắp – Hoàng Văn Thiềng nói tiếp – … Không ai khó ba đời! Đó là trường hợp của tôi. Công ty làm ăn tốt. Cứ vậy tiến tới, có của ăn của để và… giầu. Thì cầm trong tay trên dưới vài ba trăm tỷ, có đất, có biệt thự đã gọi là giầu chưa?

– Quá giầu! – Tôi đáp.

Thiềng nói:

– Mới lập nghiệp, mục đích trước tiên của con người là kiếm được thật nhiều tiền, nhưng khi đã có của nả lớn rồi, thì hình như tiền không còn là điều đáng bận tâm nữa. Người ta bắt đầu hướng về cái gì đấy mang tính cống hiến ý nghĩa hơn. Suy từ mình ra, tôi nghĩ vậy. Tài sản hàng ngàn tỷ rồi, mà vẫn phải lao tâm khổ tứ, vẫn vắt óc suy nghĩ và trằn ra làm việc. Đó không phải vấn đề tiền nữa, mà là nghiệp!  Nếu với mục đích kiếm được nhiều tiền thì chẳng ai dại gì đổ của ra san lấp và lấn biển ven chân núi này.

Điều ấy thì tôi hiểu. Nếu đầu tư vào nơi khác, lĩnh vực khác rõ ràng  Hoàng Văn Thiềng sẽ dễ dàng hơn, ít vất vả hơn. Điều Thiềng nói rằng duyên phận là chỗ này chăng?

Năm 2003, lãnh đạo Hải Phòng vào Sài Gòn kêu gọi con em đất Cảng về đầu tư cho quê hương. Thiềng coi đây như thời vận để đền ơn đáp nghĩa quê nhà và là cơ hội để góp phần làm cái gì đấy cho mảnh đất đói nghèo đã sinh ra mình. Thiềng náo nức hưởng ứng. Anh bay ra Hải Phòng khảo sát. Và, vùng đất sỏi đá ven đồi 72, núi Đầu Nở kề biển là nơi Thiềng chọn lựa. Đúng hơn vùng đất cọc cằn hoang vắng này đã chọn người con của Đại Hợp.

Quyết rồi là bắt tay thực hiện. Nhưng ở đời, không việc gì dễ dàng, chỉ được mà không mất. Người phụ nữ đã có với Thiềng hai mặt con phản đối quyết liệt. Chị kiên quyết không đi khỏi Sài Gòn. Nhìn từ khía cạnh đời thường, chị có lý. Cớ gì bỏ lại tài sản không nói là quá lớn, nhưng đủ để sung sướng mấy đời với những biệt thự cao sang nơi chốn đô hội đang làm ăn phát đạt để cõng trên lưng cái dự án mà tương lai hết sức mù mờ? Không chỉ vợ, nhiều bạn bè cũng cho rằng việc lấp biển nhằm tạo nên khu du lich nghỉ dưỡng ven núi Đồ Sơn là, điên rồ, ảo tưởng, là điều không thể. Đút tiền bạc vào đấy khác gì đổ muối vào biển. “Liều!”, “ khùng” là những từ không ít người chỉ hành động của Thiềng.

Anh đứng giữa hai lựa chọn. Hoặc sống sung túc với vợ con và tiếp tục điều hành hai công ty đang ăn nên làm ra tại Sài Gòn, hoặc phá vỡ  quan hê vợ chồng nhằm dấn thân vào nghiệp lấp biển, bồi đất để xây dựng khu du lịch tầm Quốc tế? Cái đói, cái nghèo nơi miền quê cách Đồ Sơn một tiếng hú gọi ám ảnh. Và với bản lĩnh người lính Tàu không số năm xưa, Thiềng quyết định bỏ lại mọi thứ, đeo ba lô, về neo mình nơi vùng đất nhiều bọ và dĩn dưới chân đồi 72. Một cuộc sống mới với nhiều  toan tính, cân nhắc bắt đầu…

Một xe đất, một xe đá, hai xe đất, hai xe đá rồi hàng vạn xe chở đất chở đá từ Thủy Nguyên, Quảng Ninh kìn kìn chạy ra Đồ Sơn. Đất đổ tới đâu ngót tới đó. Biển ăn đất tựa voi liếm lá tre. Đất đá đổ xuống loãng tan như thể giọt mực rơi vào chậu nước. Không ít lần Thiềng hoang mang. Hoang mang nhưng không nhụt chí. Người Nhật đã từng lấp biển, thậm chí xây dựng sân bay trên đó, tại sao Việt Nam không thực hiện được? Vậy là lại tiếp tục. Bay sang nước bạn học kinh nghiệm. Thuê chuyên gia nước ngoài làm cố vấn, thiết kế… Hàng trăm xe tải được huy động. Hàng triệu khối đất, đá được chuyển tới. Kiến tha lâu đây lỗ, Thiềng mẫn cán làm việc trong ý thức nhẫn nại đó… Vừa làm vừa học, anh vỡ vạc nhiều điều. Nắng cũng như mưa, chiềng ra bám công trường. Da mặt sạm. Mắt quầng sâu. Má hóp. Nhưng vui vì mỗi ngày mặt bằng lại rộng thêm.

Trong công việc lấp biển thì công đoạn dựng đê chắn sóng là nhọc nhằn, tốn kém và cần tỉ mỉ nhất. Thiết kế mặt bằng đáy đê là 120 mét, chiều sâu cần lấp là 38 mét nhưng thực tế không như tính toán trên bản vẽ. Đất đá đổ xuống, có nơi sụt lún thêm đến 45 mét so với dự kiến…

Hồi đang xây dựng, mỗi lần bão về là canh cánh lo tai họa. Không ít cơn bão dồn đẩy sòng đánh vỡ đê, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Giống con dã tràng, bão tan, biển lặng lại đổ thêm đất, thêm đá. Báo phá lại đổ thêm đá, thêm đất. Cứ thế, năm nọ nối tháng kia, kiên nhẫn, quyết tâm… Và sự cố gắng ấy cuối cùng được đền đáp. Trên trăm héc ta đất hình thành. Hơn mười năm kiên trì lấp biển tạo mặt bằng, khác gì bà Nữ Oa đội đá vá trời ngày xưa!

– Mỗi ki lô mét đê, bởi vậy đội lên đến ba trăm tỷ – Thiềng kể tiếp- Năm ki lô mét ngốn hết một ngàn năm trăm tỷ. Nhiều người kêu tội dại, với số tiền ấy, nếu gửi ngân hàng, không làm gì, mỗi năm cũng có trăm tỷ lận lưng quần… Nhưng thế nào là dại, là khôn? Tôi xây dựng khu du lịch ven biển này đâu phải vì tiền. Tôi muốn quê mình có một khu sinh thái  sánh với các khu du lịch đẳng cấp trên thế giới để bà con ta và bạn bè nước ngoài đến thưởng ngoạn, đến du lịch và nghỉ dưỡng.

Tôi nhìn Thiềng. Khuôn mặt chất phác, đôn hậu, không khác những công nhân tôi gặp trên công trình đang xây dựng nơi khu du lịch quốc tế mang tên Hòn Dấu này. Có một chút gì đấy như thể sự kính nể vừa nhập vào mình.

Vâng, người lính tàu không số năm xưa chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi! Không mầu mè, mà đậm tính nhân văn. Cụm từ “nhân văn” là tôi bắt chước cách nói của nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành. Trong một lần đến nơi đây, ngắm cơ ngơi hiện tại của Hoàng Văn Thiêng bên bờ biển, ông đã khen rằng công trình của anh mang tính nhân văn cao, bởi Thiềng chẳng những không lấy đất của dân làm dự án mà còn là người đã tạo dựng nên hàng trăm héc ta đất…

Tôi và Hoàng Văn Thiềng là chỗ thân tình nên thỉnh thoảng lại lân la ra Công ty du lịch Quốc tế Hòn Dấu tán gẫu. Một lần tôi hỏi:

– Ở Đồ Sơn chỉ kinh doanh được ba tháng hè, những tháng còn lại đắp chăn ủ chiếu, làm sao có khách?

– Đói khách sẽ làm cho no khách!- Thiềng đáp.

– Nghĩa là thế nào?- Tôi ngạc nhiên.

– Nghĩa là sẽ tạo ra nơi tắm biển mùa đông!

Tôi tròn mắt, không hiểu. Thiềng giải thích:

– Sẽ có máy ủ cát, ủ nước biển!

Anh nhìn tôi bằng ánh mắt bao dung thương hại. Một lát, không hướng về tôi mà ngóng ra biển, anh kể về những dự định tương lai nơi mảnh đất chúng tôi đang ngồi. Con người này trông cũ kỹ vậy nhưng nhiều ý tưởng lãng mạn lắm! Thiên nhiên đảo Hòn Dấu sẽ được bảo tồn để thành khu nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu Việt Nam. Nơi đó sẽ có công viên khủng long, các khách sạn, nhà hội thảo, hội nghị, nhà nghỉ dưỡng cho mọi người, đặc biệt là người già, tiêu chuẩn năm sao…

– Nhưng muốn vậy, phải cần một chiếc cầu bắc qua biển. Có dự kiến và thiết kế rồi.- Thiềng nói.

– Lãng mạn quá không?- Tôi hỏi.

Hoàng Văn Thiềng tự tin:

– Hiện thực như ông và tôi đang ngồi đây, nhưng…

– Nhưng sao?

– Chính quyền cần ủng hộ… Tôi làm dự án công trình này đâu phải để cho tôi.

– Nhà nước không bỏ đồng vốn nào, mà vẫn có một điểm du lịch lý tưởng, coi như ông làm từ thiện cho Thành phố, sao không quan tâm?- Tôi nói.

Thiềng im lặng, cười tủm. Mỗi lần có điều gì cần cân nhắc, suy tư, chưa ưng ý, người này có nụ cười hết sức khả nghi. Một lúc, quay qua tôi, anh bảo:

– Ai cũng có tư duy giống ông, các doanh nhân được nhờ…

Giáp hè, tôi lại ra với anh. Chúng tôi ngồi ô tô điện đi một vòng.  Núi Đầu Nở khách khá đông. Lũ trẻ có vẻ thú vị với ngựa, với công, với gấu và nhiều loại thú nữa. Thanh niên trượt máng nước. Hồ tắm và bãi tắm đặc biệt đông người. Tôi nhìn khách nườm nượp kéo nhau lên núi, và ô tô đỗ chật bãi, quay qua người giám đốc, bỗ bã:

– Lãi chứ?

– Nếu tính lỗ lại, tôi đã không đâu tư ở đây!

Tôi ngượng, vội nhìn lên. Trên đầu, một nhành phượng đỏ nở sớm đang cháy lên giữa bao la xanh.

Tôi quay về phía Hoàng Văn Thiềng, anh đã lẫn vào giữa những người khách du lịch từ bao giờ.

… Nhưng nhành phượng đỏ thì vẫn sáng ánh giữa mênh mông xanh.

 

Đồ Sơn, ngày 4- 4-2016

Đ.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder