Thiên Sơn, từ giã hồ Ixứckun. Vĩnh biệt Ixứckun, bài ca dang dở của tôi! Tôi muốn đem hồ cùng làn nước biếc và những bờ cát vàng đi theo mà chẳng được, cũng như tôi chẳng thể mang theo được mối tình của người tôi yêu quí. Vĩnh biệt Axen! Vĩnh biệt cây phong nhỏ bé trùm khăn đỏ của tôi! Vĩnh biệt người tôi yêu. Cầu mong em hạnh phúc!…
Thiên Sơn, từ giã hồ Ixứckun. Vĩnh biệt Ixứckun, bài ca dang dở của tôi! Tôi muốn đem hồ cùng làn nước biếc và những bờ cát vàng đi theo mà chẳng được, cũng như tôi chẳng thể mang theo được mối tình của người tôi yêu quí. Vĩnh biệt Axen! Vĩnh biệt cây phong nhỏ bé trùm khăn đỏ của tôi! Vĩnh biệt người tôi yêu. Cầu mong em hạnh phúc!…
Câu chuyện của người lái xe
Chương 4
Tôi đã không bỏ đi. Gần sáng chúng tôi ngủ thiếp đi. Khi thức giấc thì trời đã sáng bạch. Tôi vội vã mặc quần áo. Một cảm giác lạnh buốt, day dứt, đâm nhói vào tim tôi. Tôi vừa đi vừa xỏ tay vào chiếc áo da lông cừu, bước vội xuống sân và lẩn nhanh ra khỏi cổng. Phía trước mặt có một người đội chiếc mũ da cáo đo đỏ xù lông đang đi thẳng lại phía tôi. Ôi, giá mắt tôi có thể bắn ra những luồng đạn! Giantai đang đi làm, nhà hắn ở gần đây. Cả hai chúng tôi đứng ngẩn người ra trong giây lát. Tôi làm ra vẻ như không trông thấy hắn. Tôi quay ngoắt lại và rảo bước về phía trạm xe hơi. Giantai ném theo một tiếng đằng hắng đầy ý nghĩa. Chân hắn bước trên tuyết lạo xạo, không gần lại mà cũng chẳng xa thêm. Chúng tôi cứ đi theo chân nhau như thế về đến tận trạm xe hơi. Tôi không rẽ vào gara mà đi thẳng đến văn phòng. Trong phòng làm việc của kỹ sư trưởng, chỗ vẫn thường hội ý buổi sáng, đang có những tiếng nói râm ran khẽ vẳng ra. Sao tôi thấy muốn được vào đây thế; giá được ngồi lên một bậu cửa sổ, vắt chéo chân lên châm thuốc hút, nghe anh em lái xe cãi cọ và mắng nhiếc nhau không hề có ác ý. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng con người có thể ao ước điều đó thiết tha như vậy. Nhưng tôi không dám vào. Không, quả tình không phải tôi sợ. Lúc này nỗi hằn học, cơn bướng bỉnh đầy ý thách thức liều lĩnh, bất lực, vẫn sôi sục trong người tôi. Và thêm vào đấy là tâm trạng rối loạn sau cái đêm ở nhà Kađitsa… Mà mọi người tuyệt nhiên chưa hề có ý muốn quên việc thất bại của tôi: chính họ đang bàn chuyện tôi trong phòng ấy. Có ai quát lên:
– Không còn ra thể thống gì nữa! Phải đưa hắn ra toà mới đúng, đằng này các anh lại cứ xuê xoa! Lại còn cả gan nói là ý kiến hắn đúng nữa chứ! Chiếc rơ-moóc thì vứt lại trên đèo!…
Tiếng một người khác ngắt lời:
– Đúng! Chúng mình đã thừa biết những tay như thế. Thông minh lắm. Muốn làm ầm ĩ lên để lĩnh tiền thưởng, ra cái điều ta đã ra tay giúp cho trạm xe thoát khỏi nước bí đây… Rốt cuộc lại xôi hỏng bỏng không!
Họ bắt đầu cãi nhau ầm ĩ. Tôi bỏ đi: chả nhẽ lại đứng sau cánh cửa mà nghe trộm. Nghe có tiếng mấy người nói đằng sau, tôi càng rảo bước thêm. Anh em vẫn còn bàn cãi xôn xao, Alibêk đang vừa đi vừa nói rất hăng, hình như đang chứng minh điều gì cho một người nào không rõ:
– Còn các phanh rơ-moóc thì chúng mình sẽ làm lấy ở trạm, bắc tuy-ô từ bộ phận ép hơi ra, đặt vào má, có phải là việc gì khó khăn lắm đâu!… Ilyax kia hay sao ấy nhỉ? Ilyax, đứng lại đã! – Alibêk gọi tôi.
Tôi cứ thẳng đến gara. Alibêk đuổi kịp, túm lấy vai tôi.
– Rõ đồ quỷ! Cậu hiểu không, thế mà mình cũng đã làm cho các cậu ấy tin rồi đấy. Chuẩn bị đi, Ilyax! Cậu đi với mình làm lái kép nhé? Đi thí nghiệm kéo rơ-moóc!
Nỗi hằn học lại tràn vào lòng tôi: định ra tay cứu giúp kéo cái thằng bạn bại cuộc này theo đấy. Làm lái kép! Tôi hất tay anh chàng ra khỏi vai:
– Cút mẹ nó đi với thứ rơ-moóc ấy của cậu!
– Sao lại cáu kỉnh thế? Chính cậu có lỗi… à mà mình quên khuấy mất. Vôlôđka Sưriaev không bảo gì cậu à?
– Không, không gặp. Sao?
– Còn sao nữa! Cậu đi đâu mất tăm thế? Axen cứ đứng chờ ngoài đường, hỏi anh em trạm ta xem cậu đi đâu, đang lo đấy! Mà cậu thì…
Chân tôi muốn khuỵu xuống. Trong lòng bỗng thấy nặng trĩu, ngán ngẩm không sao chịu được, đến nỗi giá được chết ngay đi tại chỗ tôi cũng vui lòng. Alibêk vẫn cứ níu tay áo tôi mà giảng giải về những bộ phận phụ gì lắp thêm vào rơ-moóc… Giantai đang đứng cạnh lắng tai nghe.
– Lui ra! – tôi giật phắt tay lại – Sao các người cứ bám lấy tôi là cái cóc khô gì? Xin đủ! Đây chẳng cần rơ-moóc nào cả. Và cũng chẳng đi làm kép lái phụ gì hết… Đã rõ chưa?
Alibêk nhíu mày, nghiến răng lại, làm những thớ thịt dưới hai mang tai nổi lên cuồn cuộn:
– Chính cậu bắt đầu, chính cậu làm hỏng việc, rồi chính cậu lại định chuồn trước hả? có đúng thế không?
– Cậu muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Tôi đến cạnh xe, hai tay cứ run bần bật, không còn nghĩ được gì nữa, rồi bỗng dưng nhảy xuống cái hố xây bên dưới xe, nằm vật ra thềm gạch cho mát đầu.
– Này, Ilyax! – có tiếng thì thầm bên tai.
Tôi ngẩng đầu lên: lại ai nữa thế này? Giantai đầu đội mũ lông đang ngồi xổm bên miệng hố trông như một cái nấm, nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí xảo quyệt.
– Cậu cho hắn một trận là phải lắm, Ilyax ạ!
– Cho ai?
– Cho Alibêk, cái ông tích cực ấy! Thật như một hòn đá giáng vào giữa hàm răng! Nhà phát minh phải tịt ngay.
– Thì việc gì đến cậu nào?
– Việc gì thì chắc cậu cũng thừa hiểu ra rồi: bọn lái xe chúng mình cần quái gì những cái rơ-moóc ấy. Bọn mình biết thừa là sự thể sẽ như thế nào mà: tăng hiệu suất vận chuyển lên, giảm bớt được chuyến đi, thế là cứ việc nai lưng ra, còn tỷ lệ tiền cước hàng chở một cây số thì họ sẽ hạ xuống, vậy tội gì mà chịu thiệt như thế. Danh giá được một ngày, còn sau đó thì sao? Bọn mình không giận cậu đâu, cậu cứ thế mà…
– Bọn mình là những ai? – tôi cố hỏi cho thật thản nhiên – Bọn mình đây là cậu à?
– Có phải mình tớ đâu – Giantai bắt đầu chớp mắt lia lịa.
– Nói láo, đồ trứng rận ghẻ kia! Tao sẽ cứ đi kéo rơ-moóc cho mày biết tay… Có toi mạng thì tao cũng sẽ làm kỳ được. Còn bây giờ cút! Mày sẽ còn biết tay tao!
– Thôi thôi, đừng quá quắt! – Giantai hầm hè đáp – Tao biết tỏng mày rồi, trong sạch lắm đấy… còn về chuyện kia thì một khi còn chơi bời được hãy cứ chơi đi…
– A, cái thằng này! – tôi giận quá gầm lên và lấy hết sức tống vào quai hàm hắn.
Giantai đang ngồi như thế nào trên miệng hộ, thì cứ thế mà ngã nhào ra. Chiếc mũ lông lăn lóc trên mặt đất. Tôi nhảy ra khỏi hố, chồm lên người hắn. Nhưng Giantai đã đứng lên được, nhảy sang một bên và gào váng cả sân:
– Đồ du côn! Đồ ăn cướp! Muốn đánh nhau à? Sẽ có kẻ trị được mày! Mày tưởng mày có thể tha hồ trút giận lên đầu tao phỏng?… Người từ bốn phía đổ xô lại. Cả Alibêk cũng chạy đến.
– Làm sao thế? Sao cậu lại đánh nó?
– Vì tôi nói sự thật đấy! – Giantai hết sức rống lên – Vì tôi đã nói thẳng sự thật vào mặt nó!… Chính mình lấy trộm chiếc rơ-moóc, đánh đổ trên đèo, ỉa bậy ra đấy, đến lúc người ta thực tâm bắt tay vào sửa chữa lỗi lầm thì lại gây sự đánh nhau. Bây giờ thì việc này không có lợi cho hắn mà, đánh sổng mất danh vọng rồi còn gì!
Alibêk đến cạnh tôi, mặt trắng nhợt ra, giận quá nói lắp bắp:
– Đồ khốn nạn! – anh hích vào ngực tôi – Phá bĩnh, trả thù vì chuyện trên đèo đấy hẳn! Không sao, không có anh chúng tôi cũng vẫn xoay xở được. Chả cần đến các vị anh hùng!
Tôi nín lặng, không đủ sức nói được điều gì nữa. Những lời bịa đặt trắng trợn của Giantai làm tôi đớ người ra không nói được câu nào. Anh em đứng chung quanh hầm hầm nhìn tôi.
Trốn! Phải trốn khỏi nơi này… Tôi nhảy vọt lên xe hơi và phóng ra khỏi trạm. Dọc đường tôi uống rõ say. Tôi chạy vào một quán nhỏ bên đường: chưa ăn thua gì cả; tôi lại đỗ xe, nốc cạn một cốc đầy. Hơi men bốc lên, những đoạn cầu, những tấm biển tín hiệu và những chiếc xe ngược chiều chỉ còn thấy vút qua loang loáng. Lòng tựa như vui lên. “Chà! – tôi nghĩ – Đã đi tong hết thì thôi! Mình còn cần gì nữa, ngồi lái xe thì cứ việc lái đi. Còn Kađitsa… Cô ta thua kém gì mọi người? Trẻ, đẹp. Yêu mình tha thiết, chẳng còn tiếc gì… Mình thật đã ngốc lại vô ơn!”
Tôi về đến nhà thì trời đã tối. Tôi đứng trong khung cửa, người lảo đảo. Chiếc áo ngoài đeo một bên vai lủng lẳng sau lưng. Nhiều khi tôi vẫn không xỏ áo vào tay phải, để ngồi lái cho thoải mái. Thuở nhỏ, những khi đi ném đá tôi vốn đã có thói quen như thế.
Axen bổ nhào ra đón tôi:
– Ilyax, anh làm sao thế? – rồi hình như nàng đã đoán được sự tình – Sao anh cứ đứng đấy thế? Anh bị mệt, lạnh cóng rồi phải không? Cởi áo ngoài ra đi! Axen toan giúp tôi cởi áo, nhưng tôi lặng lẽ ẩy ra. Phải thật phũ phàng để che đậy nỗi xấu hổ. Tôi loạng choạng bước đi trong phòng, vấp phải cái gì đổ đánh rầm một tiếng, rồi nặng nề rơi phịch xuống ghế.
– Có việc gì thế, anh Ilyax? – Axen lo lắng, nhìn vào đôi mắt say lờ đờ của tôi.
– Sao, còn không biết nữa à? – Tôi cúi đầu: thà đừng nhìn còn hơn.
Tôi ngồi yên đợi Axen lên tiếng trách móc, than thân trách phận và nguyền rủa. Tôi sẵn sàng nghe hết, không biện bạch. Nhưng vợ tôi cứ lặng yên như không có mặt trong phòng vậy. Tôi rụt rè ngước mắt lên. Axen đang đứng bên cửa sổ, quay lưng về phía tôi. Và tuy không trông thấy mặt, tôi cũng biết nàng đang khóc. Một niềm xót thương da diết cấu xé lòng tôi.
– Em biết không, anh muốn nói với em, Axen ạ! – tôi ngập ngừng mở đầu – Anh muốn nói… Tôi nghẹn ngào không nói được nữa. Tôi không đủ can đảm thú nhận. Không, tôi không thể giáng cho Axen một đòn như vậy được. Tôi thấy ái ngại, mà đáng lẽ không nên như thế mới phải… – Có lẽ chúng mình chưa về làng thăm thầy mẹ được ngay đâu – tôi nói lảng sang chuyện khác – ít lâu nữa hẵng hay. Bây giờ thì chưa nghĩ đến việc ấy được…
– Chúng mình hoãn lại vậy, chẳng đi đâu mà vội – Axen đáp, lau nước mắt và đến bên tôi – Giờ đây đừng nghĩ đến việc ấy nữa, Ilyax ạ. Rồi sẽ êm đẹp cả thôi. Anh nên nghĩ đến mình thì hơn. Anh bỗng đâm ra khác thường thế nào ấy. Em không nhận ra anh được nữa, Ilyax ạ!
– Thôi được rồi! – tôi ngắt lời Axen, lòng tức giận vì đã tỏ ra hèn yếu – Anh mệt lắm, muốn ngủ một tí.
Hôm sau trên đường về tôi gặp Alibêk ở bên kia đèo. Anh ta kéo theo chiếc rơ-moóc. Đèo Độ Long đã phải khuất phục.
Trông thấy tôi, Alibêk nhảy ra khỏi buồng lái trong khi xe vẫn chạy, giơ tay lên vẫy. Tôi cho xe chạy chậm lại, Alibêk đứng trên đường, gương mặt hớn hở đắc thắng.
– Chào cậu, Ilyax! Xuống đây hút thuốc đã – anh ta nói.
Tôi hãm xe lại. Trong buồng xe Alibêk có một cậu lái kép trẻ măng ngồi sau tay lá. Bánh xe được quấn những sợi xích vặn chéo lại. Chiếc rơ-moóc có lắp phanh hơi. Điều đó tôi trông thấy ngay. Nhưng không, tôi chẳng dừng lại. Anh thành công ư? Hay lắm! Còn tôi thì xin đừng đụng đến.
– Đỗ lại, đỗ lại! – Alibêk chạy theo tôi – Tớ có việc báo cho cậu, dừng lại, Ilyax! Chà, thằng quỷ, làm sao thế?… Thôi được…
Tôi phóng xe đi. Kêu thì cứ việc kêu. Tôi với anh không còn có việc gì nữa hết. Việc của tôi hỏng bét từ lâu rồi. Tôi đã đối xử không hay, tôi đã để mất Alibêk, người bạn tốt nhất của tôi. Vì Alibêk đúng, đúng hoàn toàn, giờ thì tôi đã hiểu. Nhưng lúc ấy tôi không thể dung thứ được: Alibêk đã thành công một cách quá nhanh chóng và đơn giản trong khi tôi phải căng thẳng tột độ tốn bấy nhiêu hơi sức, bấy nhiêu tinh lực mà vẫn không xong. Alibêk xưa nay vẫn là người chín chắn, biết suy nghĩ. Anh không đời nào đi vượt đèo kiểu du kích như tôi. Mang theo lái kép đi cũng là rất đúng. Dọc đường hai người còn có thể thay nhau lái, để đến khi vượt đèo sức vẫn còn nguyên. Trên đèo thì máy xe, ý chí và bàn tay con người quyết định tất cả. Hơn nữa Alibêk cùng với tay lái kép lại đã giảm thời gian vận chuyển xuống gần một nửa. Tất cả những điều đó anh đều suy tính. Anh lắp vào rơ-moóc những chiếc phanh ăn vào buồng hơi ép ở máy xe và cũng không quên những sợi xích tầm thường nhất, đem quấn vào hai bánh phát động. Nói chung anh đã vũ trang đầy đủ để chiến đấu với đoạn đường đèo, chứ không hò hét xông bừa ra trận địa. Sau Alibêk, những người khác cũng bắt đầu kéo theo rơ-moóc. Vì bất cứ việc gì, cái chính vẫn là khi khởi sự. Trong khi ấy số xe cũng được tăng lên: trạm bên cạnh đã gửi đến giúp thêm. Con đường cái Thiên Sơn ầm ì tiếng bánh xe hơi suốt ngày suốt đêm trong một tuần rưỡi. Tóm lại, tuy gặp khó khăn, chúng tôi cũng đã thực hiện được đúng hạn lời đề nghị của nhà máy điện, không lỡ việc. Tôi cũng góp sức vào đấy… Giờ đây, qua bấy nhiêu năm trời và mọi việc đã lắng vào dĩ vãng, tôi kể lại chuyện đó một cách bình thản như thế này, nhưng trong những ngày sóng gió ấy, tôi đã không ngồi được vững trên yên. Tôi đã không biết cầm cương cuộc sống… Nhưng để tôi kể tiếp cho tuần tự.
Sau khi gặp Alibêk, tôi về đến trạm xe thì trời đã tối. Tôi đi bộ về nhà tập thể, nhưng dọc đường lại rẽ vào quán rượu. Suốt mấy ngày ấy tôi cứ muốn uống cho thật say mềm để quên hết mọi sự đời mà ngủ như chết, một ý muốn điên cuồng, phi nhân tính, không tài nào cưỡng lại được. Uống đã nhiều mà rượu vốtca vẫn như không có tác dụng gì cả. Tôi bước ra khỏi quán, lòng càng thêm bực tức, trí óc càng thêm rối loạn. Tôi đi lang thang khắp thành phố giữa đêm khuya, và không còn ngần ngại gì nữa, tôi rẽ ra phố Bờ sông đến nhà Kađitsa.
Sự việc cứ thế mà tiếp diễn. Tôi cuống cuồng lên như người rơi vào giữa hai luồng đạn. Ban ngày đi làm, ngồi sau tay lái, rồi đêm đêm lại lập tức đến với Kađitsa. Ở bên Kađitsa tôi thấy thoải mái, yên tâm hơn. Tôi như đang trốn tránh chính mình, trốn mọi người và trốn lẽ phải. Tôi cảm thấy như chỉ có Kađitsa mới hiểu tôi và yêu tôi. Về đến nhà là tôi lại cố bỏ đi cho mau. Axen, Axen yêu quí của tôi! Giá Axen biết được rằng chính lòng tin cậy, chính tâm hồn trong trắng của nàng đã xua đuổi tôi đi! Tôi không lòng nào lừa dối, biết rằng mình không xứng đáng với Axen, không đáng hưởng những gì nàng đã làm cho tôi. Mấy lần tôi về đến nhà say bí tỉ. Thế mà Axen cũng không hề có lấy một lời trách móc. Cho đến nay tôi vẫn không sao hiểu được: đó là vì thương hại, vì nhu nhược, hay trái lại, vì kiên nghị và tin tưởng ở con người? Phải, tất nhiên là Axen đã chờ đợi, đã tin tưởng rằng tôi sẽ tự chủ, sẽ chế ngự được mình và trở thành con người như trước. Nhưng giá Axen cứ chửi mắng, bắt tôi phải thực thà nói hết sự thật ra còn hơn. Có lẽ nếu Axen biết tôi không phải chỉ bị những buồn phiền trong công tác giày vò mà thôi, thì nàng đã bắt tôi phải nói rõ ngọn ngành. Axen đã không hình dung được những gì đã xảy ra với tôi trong những ngày ấy. Còn tôi thì cứ thương hại nàng lần lữa gác mãi chuyện này sang hôm sau, đến bận khác, thế rồi chẳng kịp làm được điều tôi có bổn phận phải làm vì Axen, vì tình yêu của chúng tôi, vì gia đình chúng tôi…
Lần cuối cùng Axen gặp tôi nàng vui mừng, phấn chấn. Má nàng ửng hồng, mắt nàng sáng long lanh. Mặc dù tôi còn mặc áo ngoài và đi ủng. Axen cũng cứ lôi thẳng tôi vào phòng trong.
– Xem kìa, anh Ilyax! Xamát đứng được rồi!
– Thế à! Nó đâu?
– Dưới gầm bàn kia kìa!
– Nó đang bò dưới đất đấy chứ!
– Rồi anh xem! Nào con, đứng lên cho ba xem! Nào đi, đi Xamát!
Xamát hình như cũng hiểu được là mọi người đang muốn nó làm gì. Nó vui vẻ bò ra khỏi gầm bàn, vịn vào thành giường, khó nhọc đứng lên. Nó đứng một lúc, mỉm cười gan dạ, loạng choạng trên đôi chân mềm mại, bé tí, rồi ngã bổ chổng xuống nền nhà, môi vẫn nở nụ cười gan dạ như cũ. Tôi nhảy tới, bế xốc nó lên xiết chặt vào người và hít lấy hít để mùi sữa thơm thơm trên da thịt nó. Cái mùi mới thân thuộc làm sao, thân thuộc như Axen vậy.
– Anh làm con chết ngạt mất, Ilyax, cẩn thận chứ! – Axen bế lấy thằng bé – Sao, anh bảo thế nào? Anh cởi áo ngoài ra đi. Nó sắp lớn đến nơi rồi, bấy giờ thì mẹ nó cũng sẽ đi làm việc. Mọi việc sẽ ổn thoả, tất cả sẽ tốt đẹp. Đúng thế phải không nào, con nhỉ? Còn anh thì cứ… – Axen nhìn tôi, đôi mắt buồn buồn và tư lự. Tôi ngồi xuống ghế. Tôi hiểu rằng vợ tôi đã dồn tất cả những điều muốn nói, tất cả những gì tích tụ lại trong lòng suốt những ngày vừa qua vào mấy lời ngắn ngủi ấy. Đó vừa là lời cầu mong, vừa là lời trách móc, vừa là niềm hy vọng. Giờ đây tôi phải lập tức kể cho vợ tôi nghe hết mọi sự hoặc là bỏ đi ngay. Thôi, thà đi còn hơn. Axen đang vui sướng lắm, nàng không hề hay biết gì cả. Tôi rời ghế đứng dậy.
– Anh đi đây.
– Anh đi đâu bây giờ? – Axen giật mình – Hôm nay mà anh cũng không ở nhà ư? Không thì cũng uống nước đi đã chứ.
– Không được. Anh phải đi – tôi lẩm bẩm – Mình cũng biết đấy, công việc bây giờ như thế…
Không, không phải công việc đã thúc bách tôi ra khỏi nhà. Mãi đến sáng mai tôi mới phải lên đường.
Leo lên buồng lái, tôi gieo mình rơi phịch xuống đệm và rên lên vì đau khổ, loay hoay mãi không cắm được chìa khoá vào ổ mở điện. Sau đó tôi đánh xe ra đường và phóng đi cho đến khi khuất hẳn những ánh đèn trên các cửa sổ. Đến chỗ hẽm núi ngay bên kia cầu, tôi lái sang vệ đường, đánh xe vào giữa những bụi rậm và tắt đèn pha đi. Tôi quyết định ngủ lại đây. Tôi rút thuốc lá ra. Trong hộp diêm chỉ còn lại mỗi một que. Nó bùng lên trong khoảng khắc rồi vụt tắt. Tôi lẳng cả hộp diêm lẫn thuốc lá ra cửa sổ, kéo chiếc áo ngoài trùm đầu và co chân lên nằm còng queo trên ghế.
Mặt trăng rầu rĩ treo trên những triền núi tối tăm lạnh lẽo. Gió trong hẽm núi buồn bã rít lên từng hồi, lay động cánh cửa buồng lái khép hờ khiến nó kêu cót két. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thấm thía cảnh trơ trọi một mình, xa cách mọi người, xa cách gia đình và bè bạn ở trạm xe đến thế. Không thể tiếp tục sống thế này được nữa. Tôi tự hứa: hễ về đến trạm tôi sẽ gặp Kađitsa ngay, xin cô tha thứ cho tôi và quên đi hết những gì đã có giữa hai người. Như vậy ngay thật và phải lẽ hơn.
Nhưng cuộc sống đã xoay vần cách khác. Tôi không ngờ không hề nghĩ rằng sự thể lại xảy ra như thế. Sáng hôm sau nữa tôi mới quay về trạm chuyển tải. Không có ai ở nhà, cửa để ngỏ. Thoạt tiên tôi tưởng Axen vừa chạy đi xách nước hay lấy củi ở đâu đấy. Tôi nhìn quanh. Trong phòng đồ đạc ngổn ngang. Chiếc bếp lò đen sì nguội ngắt to ra một mùi lạnh lẽo hoang vắng. Tôi bước lại chiếc giường con của Xamát: chiếc giường trống không.
– Axen! – tôi hoảng hốt thì thầm – Axen! – bốn bức tường thì thầm đáp lại.
Tôi cắm đầu lao ra cửa.
– Axen!
Không một ai thưa. Tôi chạy sang các nhà bên cạnh, đến cột bơm xăng: chẳng ai hiểu đầu đuôi ra sao cả. Họ nói hôm qua vợ tôi đi đâu cả ngày, gửi thằng bé ở nhà người quen, mãi đến đêm mới về. “Bỏ đi rồi, biết chuyện rồi!” – tôi giật thót người lên vì điều phỏng đoán khủng khiếp ấy.
Có lẽ chưa bao giờ tôi phải lao xe đi trên triền núi Thiên Sơn như cái ngày oan nghiệt ấy. Tôi luôn luôn tưởng chừng như sắp đuổi kịp Axen ở sau chỗ ngoặt phía trước, hay trong hẽm núi xa xa kia, hoặc ở nơi nào đó dọc dường. Như một con chim ưng, tôi phóng theo các xe đi trước, hãm lại, chạy ngang hàng, đưa mắt nhìn vào buồng lái, thùng xe rồi lại dận hết ga vọt lên trước, giữa những tiếng chửi rủa của các tay lái xe ném theo sau. Tôi cứ lao đi như thế ba tiếng đồng hồ liền không nghỉ, mãi cho đến khi nước trong két sôi lên sùng sục mới thôi. Tôi nhảy ra khỏi buồng lái, vốc tuyết ném lên két nước và rót thêm nước vào. Két nước bốc hơi nghi ngút, chiếc xe thở ra như một con ngựa vừa rong ruổi đường xa. Tôi vừa định ngồi vào lái thì bỗng trông thấy chiếc xe của Alibêk đang kéo rơ-moóc. Tôi mừng quá. Tuy tôi với anh ta lâu nay không chuyện trò và chào hỏi gì nhau, nhưng nếu có Axen ở đằng ấy thì thế nào anh ta cũng nói. Tôi chạy ra giữa đường giơ tay lên:
– Đỗ lại, đỗ lại, Alibêk! Dừng lại!
Người lái kép đang ngồi sau vôlăng đưa mắt hỏi Alibêk. Anh hầm hầm quay mặt đi. Chiếc xe chạy vụt qua. Tôi cứ đứng trên đường, mình đầy bụi tuyết, tay vẫn giơ cao. Mãi hồi lâu tôi mới bỏ tay xuống lau mặt. Biết làm thế nào được, có vay thì có trả. Nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào mà bực tức nữa. Như vậy nghĩa là Axen không đến đấy. Thế lại càng nguy hơn. Vậy thì Axen đã về làng, ngoài ra chẳng còn đi đâu được nữa. Axen làm thế nào bước qua được ngưỡng cửa nhà bố mẹ, nàng đã nói được những gì? Và gia đình đã nhìn nhận sự trở về nhục nhã của nàng ra sao? Về một mình, tay bế con thơ! Phải về làng ngay mới được.
Tôi hối hả dỡ hàng rồi để xe ngoài đường, chạy vào phòng điều vận nộp giấy tờ. Trong phòng thường trực, tôi vấp phải Giantai, chà, nụ cười khẩy của hắn mới trân tráo, khả ố làm sao!
Kađitsa nhìn tôi một cách lạ lùng khi tôi thò đầu vào cửa ghisê ở phòng điều vận và ném giấy tờ lên bàn.
Có điều gì lo lắng, ân hận thoáng hiện lên trong mắt cô.
– Nhận đi, mau lên! – tôi nói.
– Có việc gì thế?
– Axen không có nhà. Bỏ đi rồi!
– Anh nói gì thế? – Kađitsa tái mặt đi, đứng nhổm dậy từ sau bàn giấy và cắn môi thốt ra – Tha lỗi cho em, Ilyax! Chính em đã… đã…
– Thế nào, em cái gì? Nói cho có đầu có đuôi, kể hết ra xem nào! – tôi lao vào trong cửa.
– Chính em cũng không biết mọi sự đã xảy ra thế nào. Em nói thật đấy, Ilyax ạ. Hôm qua bác thường trực đến gõ vào cửa sổ bảo có cô nào muốn gặp em. Em nhận ngay ra Axen. Chị ấy lặng lẽ nhìn em rồi hỏi: “Có thật thế không?” Còn em, em bỗng không còn biết gì nữa, buột ra: “Phải, có như thế. Tất cả đều có thật. Anh ấy ở với tôi đấy!” Chị ấy vụt lùi ra xa cửa sổ. Em thì ngã gục xuống bàn khóc nức lên, nhắc đi nhắc lại như một con ngốc: “Anh ấy là của tôi! Của tôi!” Em không gặp lại chị ấy nữa… Tha lỗi cho em!
– Khoan đã, sao Axen biết được?
– Đó là tại Giantai. Chính tại hắn, hắn vẫn thường dọa em. Chả nhẽ anh lại còn không biết rõ cái thằng khốn nạn ấy nữa! Anh đi đi, Ilyax, về với Axen, tìm chị ấy đi. Em sẽ không quấy rầy hai người nữa, em sẽ bỏ đi nơi khác…
Chiếc xe đưa tôi đi trên cánh thảo nguyên đang giữa mùa đông. Mặt đất tê cóng lại, một màu xám ngắt. Gió uốn quăn những bụi cây loà xoà trên các đống tuyết như bờm ngựa, lôi từ dưới các con mương lên những chiếc hoa cù gai vô gia cư và lùa chúng đi. Xa xa, những bức tường đất dãi dầu mưa gió và các khu vườn trơ trụi trong làng vẽ thành những vệt đen xẫm.
Vào khoảng chập tối, tôi về đến làng. Tôi dừng xe bên cái sân quen thuộc, vội vàng châm thuốc lá hút lấy hút để, hòng xoa dịu nỗi lo âu, đoạn dập tắt đầu mẩu rồi bấm còi. Nhưng Axen chẳng thấy đâu, chỉ thấy mẹ nàng khoác chiếc áo bông lên vai bước ra. Tôi bước ra bậc xe khẽ nói:
– Chào mẹ!
– A, ra mày còn dám vác mặt đến đây? – bà đáp, vẻ dữ tợn – Và sau những việc như thế mà mày còn dám gọi tao là mẹ nữa ư? Cút đi, cút ngay cho rảnh mắt! Quân đầu đường xó chợ! Mày đã quyến rũ con tao, bây giờ lại còn đến đây! Đồ mặt dày mày dạn! Mày đã làm hại cả đời chúng tao…
Bà cụ không để cho tôi kịp mở miệng ra nữa. Bà cụ không ngớt mồm chửi bới, mắng nhiếc tôi hết sức nhục nhã. Nghe tiếng bà cụ, người lớn trẻ con từ các sân nhà bên cạnh bắt đầu chạy sang.
– Xéo đi ngay, không thì tao gọi làng nước đến bây giờ! Mày thật đáng nguyền rủa! Đừng để tao nhìn thấy mặt mày lần nào nữa! – người đàn bà đang cơn giận dữ xông đến gần tôi, ném chiếc áo bông xuống đất.
Tôi không còn cách gì khác là ngồi vào tay lái. Phải đi thôi, một khi Axen cũng không còn muốn nhìn mặt tôi nữa. Sỏi đá và gậy gộc ném tới tấp vào xe. Đó là lũ trẻ con tiễn tôi ra khỏi làng…
Đêm hôm ấy tôi đi lang thang mãi trên bờ hồ Ixứckun. Mặt hồ tràn ngập ánh trăng, đang nổi sóng cuồn cuộn. Ôi Ixứckun! Từ ngàn xưa nước hồ vẫn ấm áp, nhưng đêm ấy hồ đã trở nên giá buốt lạnh lùng. Tôi ngồi trên đáy một con thuyền lật sấp. Từng đợt sóng hung hăng tràn lên bãi cát, thuyền lật sấp. Từng đợt sóng hung hăng tràn lên bãi cát, xô vào cổ giày ủng và rút đi với một tiếng thở dài nặng trĩu…
… Có ai bước đến bên cạnh, nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi: đó là Kađitsa.
Chương 5
Mấy ngày sau chúng tôi ra đi về Frunze, xin được vào một đội đi thăm dò những cánh đồng cỏ có thể khai khẩn để chăn nuôi súc vật ở thảo nguyên Anarkhai. Tôi làm lái xe còn Kađitsa làm công nhân. Thế là đã bắt đầu một cuộc sống mới. Chúng tôi đã cùng đội thăm dò đi sâu mãi vào trong lòng thảo nguyên Anarkhai, đến tận vùng ven hồ Bankhas. Đã đoạn tuyệt với dĩ vãng thì phải đoạn tuyệt đến cùng. Thời gian đầu tôi lao vào công tác để dập tắt nỗi buồn. Mà việc ở đây thì không phải là ít. Chúng tôi đã lăn bánh ngang dọc khắp vùng Anarkhai mênh mông hơn ba năm, khoan giếng, mở đường, đặt trạm. Tóm lại, bây giờ nơi đây không còn là miền Anarkhai hoang dại khi xưa, nơi đây ban ngày cũng có thể lạc lối và lang thang cả tháng giời trên vùng thảo nguyên mọc đầy ngải đắng, ngổn ngang những gò, đụn. Bây giờ nơi đây đã là một vùng chăn nuôi súc vật có nhiều trung tâm văn hoá và những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi… Người ta đang gieo lúa mì và dự trữ cả cỏ khô nữa. Công việc trên Anarkhai đến nay cũng vẫn còn ùn ra, nhất là đối với dân lái xe chúng tôi. Nhưng tôi đã quay về. Không phải vì tại ở các vùng đất vẫn còn hoang vắng quá ư gian khổ, chuyện đó chỉ là tạm thời thôi. Tôi với Kađitsa không hề sợ khó khăn và phải nói rằng chúng tôi sống với nhau cũng không đến nỗi tồi tệ, biết trọng nể nhau. Nhưng trọng nể là một chuyện, mà tình yêu lại là chuyện khác. Dù cho một người có yêu, nhưng người kia không yêu lại thì theo tôi đó chưa phải là một cuộc sống thật sự. Không biết có phải con người vốn dĩ như thế, hay do bản chất tôi như vậy, nhưng tôi cứ luôn luôn thấy thiếu một cái gì. Và dù công tác, tình bạn, lòng tốt hay sự chăm sóc của một người đàn bà yêu mình, cũng đều không đền bù lại được sự thiếu thốn ấy. Đã từ lâu tôi vẫn âm thầm ân hận rằng mình bỏ đi quá hấp tấp, không thử cố gắng lần nữa để lấy lại được Axen. Và trong nửa năm trời sau cùng tôi đã thực sự thấy nhớ vợ nhớ con. Đêm đêm tôi không ngủ. Tôi mường tượng thấy Xamát đang mỉm cười, đứng không vững trên đôi chân nhỏ xíu còn yếu ớt, mùi sữa thơm tho trên người nó dường như đã thấm vào tôi suốt đời. Tôi chỉ muốn về với những ngọn Thiên Sơn thân thuộc, với hồ nước Ixứckun xanh biếc của tôi, với dải thảo nguyên dưới chân núi, nơi tôi đã gặp được mối tình đầu và cũng là mối tình cuối cùng của tôi. Cuối cùng chúng tôi đã hiểu ra rằng không thể cùng sống chung được nữa.
Mùa xuân năm ấy đã về rất sớm trên vùng Anarkhai. Tuyết tan nhanh chóng để lộ ra những ngọn đồi xanh rờn, bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Thảo nguyên đang sống lại, hút lấy hơi ấm và khí ẩm. Đêm đêm không khí trở nên trong suốt, bầu trời vằng vặc những vì sao.
Hai chúng tôi nằm trong chiếc lều bên cạnh tháp khoan, trằn trọc mãi không ngủ được. Bỗng trong cảnh tĩnh mịch của thảo nguyên không biết từ nơi nào có tiếng còi xe lửa xa xôi vẳng lại. Khó lòng nói rõ làm sao tiếng còi lại vẳng đến tận đây được. Từ đây ra đến đường xe lửa phải mất nửa ngày đi xe trên thảo nguyên. Hay là tôi mường tượng ngỡ chừng nghe thấy thì không biết. Chỉ biết là tim tôi bỗng bồi hồi xao xuyến và giục giã lên đường. Tôi nói:
– Tôi sẽ đi, Kađitsa ạ.
– Phải đấy, anh Ilyax. Chúng mình đành phải chia tay – cô đáp.
Thế rồi chúng tôi chia tay nhau. Kađitsa lên vùng Bắc Cadăcxtan, nơi đang khai hoang. Tôi rất mong cho Kađitsa được hạnh phúc. Tôi muốn tin rằng cuối cùng cô sẽ gặp được con người đang đi tìm cô mà không biết. Cô đã chẳng được may mắn với người chồng trước, cuộc sống với tôi cũng lại không thành. Giá tôi chưa từng biết thế nào là một tình yêu thực sự, thế nào là yêu và được yêu thì tôi đã ở lại với Kađitsa rồi. Quả tình đó là một điều khó lòng giải thích nổi.
Tôi đánh xe cho Kađitsa ra ga xép, đưa cô lên xe lửa. Tôi chạy theo bên toa xe cho đến khi xe chạy nhanh quá phải tụt lại sau. “Lên đường may mắn nhé, Kađitsa, có nhớ lại thì đừng nghĩ tệ cho tôi nhé!…” – tôi thì thầm lần cuối cùng. Đàn sếu bay trên miền Anarkhai về phương Nam, còn tôi lên đường về miền Bắc, về Thiên Sơn…
Câu chuyện của người lái xe
Chương 6
Tôi đến nơi, và không ghé vào đâu hết, lập tức đi ngay về làng. Tôi ngồi trên thùng sau một chiếc xe gặp ở dọc đường, cố không suy nghĩ gì hết. Tôi vừa sợ lại vừa mừng. Xe đi trên cánh thảo nguyên dưới chân núi, dọc theo con đường thuở trước tôi với Axen vẫn gặp nhau. Nhưng bây giờ đó không còn là một con đường làng nữa, mà là một con đường cái lớn trải đá, có nhiều cầu bê tông và những biển hiệu đi đường. Tôi đâm ra tiếc con đường thảo nguyên trước kia. Tôi không còn nhận ra được đoạn đường chạy qua con mương, nơi xe tôi đã bị sa lầy, không tìm thấy tảng đá trên đấy Axen đã ngồi đợi tôi. Xe chưa chạy đến đầu bản tôi đã gõ vào buồng lái.
– Gì thế? – người lái xe thò cổ ra hỏi.
– Đỗ lại, cho tôi xuống đây.
– Ở giữa đồng thế này à? Sắp đến nơi bây giờ đấy mà!
– Cám ơn! Đây chẳng còn xa mấy nữa – tôi nhảy xuống đất – Tôi đi bộ một tí – tôi nói và chìa tiền ra.
– Thôi! – anh ta nói – Chỗ anh em đồng nghiệp với nhau ai lại lấy tiền.
– Cầm lấy, có đóng dấu trên trán đâu mà biết.
– Cứ trông dáng điệu thì biết.
– Thôi đã vậy thì cũng được. Mạnh khoẻ nhé.
Chiếc xe bon đi. Tôi vẫn đứng trên đường, chưa định thần lại được. Tôi quay lưng che gió và châm thuốc hút. Mấy ngón tay cứ run run khi đưa điếu thuốc lên môi. Tôi rít vài hơi, dẫm tắt mẩu thuốc lá và bước đi. “Thế là đến nơi rồi!” – tôi lẩm bẩm trong miệng. Tim đập mạnh đến nỗi tai ù lên, đầu như có ai lấy búa gõ liên hồi. Xóm làng thay đổi rõ rệt, lớn hơn trước, rất nhiều ngôi nhà mới lớp đá đen đã xuất hiện. Những sợi dây điện chăng dọc theo các phố, loa phóng thanh đang nói trên cây cột, cạnh trụ sở ban quản trị nông trang. Lũ trẻ con chạy đến trường học. Một đoàn thiếu niên lớn hơn đang đi với người giáo viên trẻ tuổi chuyện trò gì đó. Có lẽ trong bọn chúng có cả những đứa đã lấy đá và gậy ném tôi… Thời gian vẫn trôi đi, mãi không hề ngừng lại. Tôi rảo chân bước vội. Cái sân có mấy cây liễu và dãy tường đất đây rồi. Tôi dừng chân để thở lại cho đều. Tôi ngập ngừng bước đến cổng, người lạnh toát đi vì lo âu và sợ hãi. Tôi gõ cổng. Một cô bé tay xách cặp chạy ra. Chính là cô bé đã thè lưỡi ra nhạo tôi dạo trước, bây giờ đã đi học. Cô bé đang vội đến trường, ngỡ ngàng nhìn tôi nói:
– Không có ai ở nhà cả!
– Không có ai à?
– Vâng. Mẹ đi sang chơi bên lâm trường. Còn bố đi chở nước cho máy kéo.
– Thế Axen đâu? – tôi rụt rè hỏi, miệng như bỗng khô hẳn đi.
– Axen à? – cô bé ngạc nhiên – Axen đi từ lâu rồi…
– Thế không về đây lần nào à?
– Năm nào hai vợ chồng chị ấy cũng về đây. Mẹ bảo anh ấy tốt lắm!…
Tôi không hỏi thêm gì nữa. Cô bé chạy đến trường và tôi quay trở lại. Tin này làm tôi ngẩn cả người ra, đến nỗi chẳng còn thiết hỏi xem Axen lấy ai, lúc nào và đi đâu. Biết mà làm gì? Không hiểu sao tôi chưa bao giờ nảy ra cái ý là Axen có thể tìm thấy một người khác. Mà lẽ ra, tất nhiên phải như thế. Chả nhẽ suốt trong từng ấy năm nàng cứ ngồi đấy mà chờ tôi dẫn xác về ư?
Tôi bước đi trên đường cái, không chờ gặp xe qua đường nữa. Phải, con đường tôi đang đi đã thay đổi: nó đã được đầm phẳng và trải đá. Chỉ có thảo nguyên là vẫn như xưa, cũng vẫn cánh đồng cày ải tối sẫm và những gốc rạ bạc trắng. Thảo nguyên chạy dài từ các dãy núi xuống tận chân trời thành những triền đất thoai thoải, rồi nhường chỗ cho những dỉa cát loang loáng bao quanh hồ Ixứckun xa tít. Mặt đất đã sạch hết tuyết, trải rộng ra trơ trụi, ẩm ướt. Đâu đây đã có tiếng máy kéo xình xịch trên cánh đồng cày xuân.
Đêm hôm ấy tôi lần về đến huyện lỵ. Đến sáng hôm sau tôi quyết định sẽ đi về trạm xe. Tất cả đều đã chấm dứt, đã mất hết. Nhưng phải sống và làm việc, rồi sau đó sẽ ra sao thì không biết…
Con đường Thiên Sơn vẫn ầm ĩ tiếng máy như mọi khi. Xe hơi chạy nối đuôi nhau từng đoàn, nhưng tôi cứ cố nhìn cho ra được một chiếc xe của trạm nhà. Cuối cùng tôi giơ tay lên.
Chiếc xe đang dở đà chồm qua trước mặt rồi phanh rít lại. Tôi nắm lấy quai vali, người lái xe từ buồng lái bước xuống. Tôi trông mặt thì ra Ermêk, một người bạn đồng ngũ đã trải qua thời kỳ nghĩa vụ quân sự ở tiểu đội tôi phụ trách. Hồi ấy cậu còn là một thiếu niên vừa mới lớn lên. Ermêk đứng lặng thinh mỉm cười bỡ ngỡ.
– Cậu không nhận ra được à?
– Đồng chí trung sĩ… Ilyax! Ilyax Alabaiev! – cuối cùng anh ta đã nhớ ra.
– Chính thị! – tôi mỉm cười mà trong lòng thấy chua xót: hẳn là tôi đã thay đổi rất nhiều, nên mọi người mới khó nhận ra như vậy.
Chúng tôi lên xe đi, nói hết chuyện nọ sang chuyện kia, nhớ lại hồi tòng ngũ. Tôi cứ lo mãi: chỉ mong anh chàng đừng hỏi đến cuộc sống của tôi. Nhưng Ermêk xem ra không biết gì hết. Tôi thấy yên dạ.
– Cậu về nhà từ bao giờ?
– Tôi làm đây đã được hai năm rồi?
– Thế Alibêk Gianturin bây giờ ở đâu?
– Tôi không rõ. Tôi không được gặp anh ấy. Nghe nói anh ta bây giờ làm trưởng ban cơ khí của một trạm xe nào trên Pamir…
“Giỏi lắm Alibêk ạ! Giỏi lắm, bạn của tôi ạ! Anh thật là một tay gighit cừ khôi!… – tôi thấy mừng thầm trong bụng – Thế là anh ấy dù sao cũng đã đạt được ý nguyện rồi – hồi còn ở bộ đội anh đã học hàm thụ trường chuyên nghiệp ô tô cầu đường rồi sau lại sửa soạn thi tốt nghiệp đại học hàm thụ.”
– Amangiôlôv vẫn làm trưởng trạm chứ?
– Không, có trưởng trạm mới. Amangiôlôv được thăng chức về bộ rồi.
– Cậu nghĩ sao, liệu họ có lấy mình vào làm không?
– Sao lại không, thế nào cũng lấy chứ. Anh là lái xe ưu tú, ngay hồi ở bộ đội cũng đã được xếp vào loại giỏi cơ mà.
– Trước thì thế đấy! – tôi lẩm bẩm trong miệng – Cậu có biết Giantai không?
– Ở trạm không có ai như thế cả. Cũng chưa nghe nói đến bao giờ.
“Phải, ở trạm cũng đã thay đổi không phải là ít…” – tôi nghĩ thầm rồi hỏi:
– Còn chuyện rơ-moóc thì sao, vẫn kéo qua đèo đấy chứ?
– Thường vẫn kéo – Ermêk thản nhiên đáp – Cũng tùy loại hàng. Nếu cần họ sẽ lắp vào và cứ việc kéo. Xe bây giờ khoẻ lắm.
Cậu ta không biết những chiếc rơ-moóc ấy đã bắt tôi phải trả bằng giá nào. Dù sao tôi cũng đã quay về trạm xe thân thuộc. Ermêk mời tôi về nhà, thết cơm, mời uống rượu mừng cuộc gặp gỡ, nhưng tôi từ chối: đã lâu nay tôi không uống. Tại trạm xe anh em đón tiếp tôi cũng khá vồn vã. Tôi rất cám ơn những anh em biết tôi khi trước đã không hỏi chuyện lôi thôi. Họ thấy một người đi lưu lạc ra ngoài, nay trở về làm ăn tận tình, thế là tốt rồi, việc gì còn phải khuấy động đến quá khứ nữa? Tôi cũng cố sức quên, quên vĩnh viễn. Đi ngang qua trạm chuyển tải, chỗ gia đình tôi ở ngày trước, là tôi phóng như bay, mắt không nhìn sang hai bên, thậm chí cũng chẳng ghé vào cột lấy xăng nữa. Song không có cách gì cứu giúp được tôi, tôi đã không tự lừa dối được. Tôi làm việc đã được khá lâu, sống đã quen, đã bắt mạch được chiếc xe, đã thử thách động cơ trên mọi tốc độ và đường dốc. Nói tóm lại là đã nắm được việc… Ngày hôm ấy tôi bình thản cho xe chạy, không nghĩ ngợi gì, tay cầm bánh lái, mắt nhìn ngó hai bên. Bấy giờ là mùa xuân, cảnh vật chung quanh đang đẹp. Xa xa, lác đác có những mái lều mới dựng lên; những người chăn súc vật đã ra các đồng cỏ mùa xuân. Những làn khói xám bốc lên từ mái lều. Ngọn gió đưa lại tiếng ngựa hí xốn xang. Những bầy cừu đi quanh quẩn bên cạnh đường. Lòng bỗng nhớ lại thời trẻ thơ và thấy buồn man mác. Chợt đến chỗ rẽ ra hồ tôi giật thót người lên: những con thiên nga! Lần thứ hai trên đời tôi được trông thấy bầy thiên nga mùa xuân bay về trên hồ Ixứckun. Đàn chim trắng cứ lượn vòng trên mặt hồ Ixứckun xanh biếc. Không hiểu sao tôi bỗng rẽ ngoặt ra khỏi đường cái; và cũng như lần ấy cho xe chạy qua dải đất hoang ra thẳng bờ hồ. Ixứckun, Ixứckun, bài ca dang dở của tôi!… Sao tôi còn nhớ lại ngày hôm ấy, khi cũng tại mỏm núi cheo leo trên mặt nước này, tôi đã dừng lại với Axen? Phải, mọi vật vẫn như xưa; những đợt sóng xanh bạc đầu như thể nắm tay nhau chạy từng hàng lên bờ cát vàng. Mặt trời đang khuất dần sau rặng núi, và những khoảng nước phía xa như nhuộm hồng. Bầy thiên nga đang lượn đi lượn lại, cất tiếng kêu rộn rã thảng thốt. Chúng bay vút lên cao, dang rộng đôi cánh vun vút chao xuống nước làm loang ra những vòng rộng sủi bọt. Đúng, mọi vật đều như xưa, chỉ không có Axen ở bên tôi. Bây giờ em ở đâu, cây phong nhỏ bé trùm khăn đỏ của tôi?
Tôi đứng hồi lâu trên bờ, rồi quay về trạm xe và không ghìm được nữa, tôi lao vào thói cũ… Tôi lại vào quán rượu để dập tắt nỗi đau buồn tê tái trong lòng. Mãi đến khuya tôi mới ra về. Bầu trời tối mịt phủ đầy mây đen. Gió từ hẽm núi thổi ra hun hút, hung dữ vặn cong cây cối, rít lên trên những sợi dây điện, đập vào mắt như những vốc sỏi lớn. Hồ nước kêu lên than vãn. Khó nhọc lắm tôi mới lần về được đến nhà tập thể và cứ để nguyên quần áo lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau tôi không sao nhấc đầu dậy được, cơn say làm người đau như dần. Ngoài cửa sổ, mưa rơi lâm thâm xen kẽ với tuyết, trông mà phát ngán. Tôi nằm lì đến ba tiếng đồng hồ không muốn dậy đi làm. Đây là lần đầu tiên tôi như thế; đến cả công việc cũng không còn đem lại nguồn vui nữa. Nhưng sau tôi tự thấy xấu hổ và dậy đánh xe đi. Chiếc xe chạy uể oải, đúng hơn là chính tôi uể oải, và thời tiết cũng chẳng ra gì; những chiếc xe chạy ngược lại đều lốm đốm bụi tuyết, thế nghĩa là tuyết đã xuống nhiều trên đèo. Tuyết thì tuyết, tôi cần gì, dù cho có nổi cơn bão tuyết cũng mặc kệ, tôi chẳng còn gì mà sợ nữa, chết là hết…
Tâm trạng tôi lúc này thật đen tối. Tôi nhìn vào chiếc gương con mà thấy tởm: râu đâm tua tủa, mặt sưng phù lên, nhão ra như sau một cơn ốm. Lẽ ra phải ăn dăm ba miếng dọc đường vì từ sáng đến giờ chưa có gì lót dạ cả, nhưng tôi chẳng thấy đói, chỉ muốn uống rượu. Xưa nay vẫn thế; đã một lần thả lỏng cho mình thì sau khó lòng mà giữ được. Tôi đỗ xe lại bên quán điểm tâm. Sau cốc đầu tôi thấy phấn chấn lên và tỉnh người ra. Chiếc xe bon đi vui hơn. Một lát sau tôi lại rẽ vào nơi nào dọc đường, uống hết trăm gam rượu rồi lại gọi thêm nữa. Con đường vút qua loang loãng, hai que gạt nước đưa đi đưa lại trước mắt. Tôi cúi xuống, răng nhai nhai điếu thuốc lá. Chỉ còn trông thấy những chiếc xe ngược chiều chạy vút qua làm các vũng nước bắn tung lên mặt kính. Tôi cũng mở hết tốc lực vì trời đã muộn. Đêm xuống bất chợt tới giữa núi, âm thầm, dày đặc. Và đến bây giờ rượu vốtca mới ngấm. Người tôi choáng váng. Tôi đã thấm mệt. Những vệt đen chập chờn trước mắt. Trong buồng lái ngột ngạt, tôi bắt đầu thấy buồn nôn. Chưa bao giờ tôi say đến thế. Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả mặt. Tôi tưởng chừng như không phải đang đi trên xe mà là đang cưỡi trên hai luồng ánh sáng từ đèn pha dọi ra đang chạy ở đằng trước đưa tôi đi đâu không rõ. Cùng với hai luồng ánh sáng ấy, khi thì tôi chúc đầu lao xuống một vực sâu tràn ngập ánh sáng, khi thì bò lên cao trên những ánh lửa rung rinh trườn theo các vách đá, khi thì lại bắt đầu chạy ngoằn ngoèo theo hai luồng ánh sáng lia từ bên này sang bên nọ. Tôi mỗi lúc một kiệt sức, nhưng tôi không dừng lại vì biết rằng chỉ cần buông tay lái ra là sẽ không thể nào lái xe đi được nữa. Tôi cũng không biết đích xác mình đang đi ở chỗ nào, chỉ nhớ là đang ở đâu trên đèo. Ôi, Độ Long, Độ Long, con quái vật khổng lồ của giải Thiên Sơn! Ngươi thật ghê gớm! Nhất là đang giữa đêm khuya, nhất là đối với một người lái xe đang say rượu!
Chiếc xe hơi khó nhọc leo lên một đoạn dốc nào đó rồi lại bon xuống chân núi. Bóng đêm quay cuồng nghiêng ngả trước mắt. Hai bàn tay không còn tuân theo ý tôi nữa. Chiếc xe bon trên đường mỗi lúc một nhanh thêm, lao thẳng xuống dốc. Rồi bỗng nghe đánh rầm một tiếng nặng trịch, có cái gì nghiến cót két ánh đèn pha loé lên, rồi bóng tối trùm lên mắt. Ở một nơi nào rất sâu trong tiềm thức loé lên ý nghĩ: “Tai nạn!” Tôi không nhớ mình đã nằm đấy bao nhiêu lâu. Chỉ biết là đột nhiên có tiếng nói từ đâu xa lắm vẳng lại như qua hai lỗ tai bịt bông: “Nào, soi vào đây!” hai tay ai sờ vào đầu, vào vai, vào ngực tôi: “Còn sống, chỉ say mềm thôi” – tiếng người ấy lại nói. Người kia đáp: “Phải dẹp vào lấy đường cho xe đi!”
– Nào, ông bạn, thử nhúc nhích một tí xem. Ta sẽ đánh xe sang bên – hai bàn tay lại khẽ ẩy vào vai tôi.
Tôi rên lên một tiếng, khó nhọc nhấc đầu lên. Một dòng máu chảy từ trán xuống mặt. Chỗ ngực có gì vướng làm tôi không ngồi thẳng lên được. Người kia quẹt diêm lên nhìn tôi. Sau lại quẹt thêm một que nhìn tôi lần nữa như thể chưa tin ở mắt mình…
– Thế ra anh đấy à, anh bạn! Làm sao lại như vậy hở? – anh ta buồn bã thốt ra trong bóng tối.
– Cái xe… bị hỏng tợn à? – tôi vừa nhổ máu ra vừa hỏi.
– Không, chẳng hư hại lắm. Chỉ nằm quay ngang ra giữa đường thôi.
– Vậy thì để tôi đi bây giờ, buông tôi ra! – tôi đưa hai bàn tay tê dại run run ra định mở công tắc và ấn đề-mar.
– Khoan đã! – Người ấy giữ chặt lấy tôi – Đừng giở quẻ nữa. Xuống đi. Cậu ngủ đây đêm nay rồi sáng mai sẽ hay… Họ lôi tôi ra khỏi buồng lái.
– Đánh xe lui sang vệ đường ấy, Kêmen ạ, ta sẽ xem sau!
Anh ta kéo cánh tay tôi choàng qua vai và dìu tôi đi trong bóng tối đến một nơi nào cách xa đường cái. Chúng tôi đi mãi mới đến một cái sân nhà ai không rõ. Người ấy đỡ tôi bước vào nhà. Trong gian phòng ngoài có một ngọn đèn dầu hoả đang cháy. Người ấy đặt tôi ngồi xuống ghế đẩu và bắt đầu cởi chiếc áo ngoài ra. Lúc bấy giờ tôi mới nhìn lên mặt anh ta. Tôi đã nhớ ra. Đấy chính là người trạm trưởng cầu đường Baitemir, người đã cùng với tôi kéo chiếc xe trên đèo dạo trước. Tôi thấy ngượng, nhưng dù sao cũng mừng, muốn xin lỗi, cám ơn anh ta, nhưng giữa lúc đó có tiếng những thanh củi rơi xuống đất làm tôi phải quay lại. Tôi ngước mắt nhìn và khó nhọc đứng dậy từ từ như thể có một vật gì nặng ghê gớm vừa trút xuống đôi vai. Trong khung cửa, cạnh những thanh củi rơi lăn lóc, Axen đang đứng thẳng đờ ra như súc gỗ, nhìn tôi với đôi mắt không hồn.
– Sao thế này? – Axen khẽ thì thầm trong miệng.
Suýt nữa thì tôi bật kêu lên tiếng “Axen”, nhưng đôi mắt xa lạ, cách vời của nàng làm tôi không thốt ra được nửa lời. Người tôi nóng ran lên vì tủi nhục. Một khoảnh khắc im lặng rợn người bao trùm lấy căn phòng. Tôi không hiểu nếu không có Baitemir ở đây thì sự việc sẽ kết thúc ra sao. Anh ta dìu tôi ngồi xuống như không có chuyện gì xảy ra cả.
– Có gì đâu, Axen – Baitemir thản nhiên nói – Anh lái xe bị sây sát chút ít, nằm một lát rồi sẽ lại sức thôi… Em mang hộ lọ iôt vào đây.
– Iôt à? – giọng nàng trở nên ấm áp vào lo lắng – Bên hàng xóm mượn mất lọ iôt rồi.. Em đi lấy về bây giờ! – nàng sực nhớ và chạy ra ngoài cửa. Tôi cắn môi ngồi yên không nhúc nhích. Hơi men như bay đi đâu hết, tôi tỉnh hẳn trong nháy mắt. Duy máu vẫn còn rần rật hai bên thái dương.
– Phải rửa sạch đi đã – Baitemir vừa xem những vết sây sát trên trán tôi vừa nói. Anh ta cầm chiếc thùng xách nước đi ra ngoài. Từ phòng bên, một thằng bé trạc năm tuổi, chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc áo sơmi nhỏ xíu, ló đầu ra. Nó giương đôi mắt to đứng nhìn tôi đầy vẻ tò mò. Tôi nhận ra đứa bé ngay. Tôi không hiểu bằng cách nào, nhưng dù sao tôi cũng đã nhận ra nó, lòng tôi đã nhận ra nó.
– Xamát! – tôi nén giọng thì thầm và vươn người tới phía con. Vừa lúc ấy Baitemir hiện ra trong khung cửa và không hiểu sao tôi bỗng thấy hoảng sợ. Có lẽ anh ta đã nghe thấy tôi gọi tên con. Tôi đâm ra lúng túng như tên kẻ trộm bị bắt quả tang. Để đỡ ngượng, tôi bỗng vừa lấy tay che vết xước trên mắt vừa hỏi:
– Con anh đấy à? – sao tôi lại phải hỏi thế làm gì? Cho đến nay tôi vẫn không tài nào tha thứ cho mình được câu hỏi đó.
– Con tôi đấy! – Baitemir đáp với cái giọng quả quyết của một người chủ nhân. Anh ta đặt chiếc thùng xuống đất, bế Xamát lên tay – Dĩ nhiên là con tôi, con đẻ của tôi đấy, phải không Xamát? – anh ta vừa nói vừa hôn thằng bé và cọ ria vào má nó. Trong tiếng nói và cử chỉ của Baitemir không hề thoáng có chút gì giả tạo – Sao con không ngủ đi? Chà, con ngựa nhỏ của bố, cái gì cũng muốn biết cả, thôi chạy vào giường!
– Thế mẹ đâu? – Xamát hỏi.
– Mẹ về ngay bây giờ. Đây rồi. Thôi con đi ngủ đi.
Axen chạy vào, lặng lẽ nhìn vội chúng tôi có vẻ lo lắng, đưa cho Baitemir lọ iốt và dẫn con vào ngủ.
Baitemir nhúng ướt khăn, lau mặt tôi cho hết máu.
– Chịu khó một tí nhé! – anh ta nói đùa và bôi thuốc xót vào những chỗ bị sây sát rồi nghiêm mặt nói – Phải cho cậu xót nữa vào mới đáng tội, nhưng thôi, cậu đang là khách ở đây… Thôi, xong rồi, sẽ lên da. Axen, giá cho bọn này được ấm trà nhỉ?
– Có ngay đây.
Baitemir trải chăn bông lên tấm nỉ và đặt lên đấy một chiếc gối.
– Cậu sang đây mà nghỉ đi một lát – anh ta nói.
– Thôi được, cám ơn! – tôi lẩm bẩm.
– Ngồi xuống, ngồi xuống, cứ tự nhiên như ở nhà vậy – Baitemir cố nài.
Tôi đứng ngồi như trong giấc mơ. Trái tim như thể có ai bóp chặt lại trong ngực. Mỗi thớ thịt trong người tôi đều căng thẳng trong cơn lo lắng và chờ đợi. Chao ôi, không biết mẹ tôi đã sinh tôi ra trên đời này làm gì!
Axen bước ra và cố không nhìn chúng tôi, cầm lấy chiếc ấm xamôvar đem ra sân.
– Để anh giúp cho một tay, Axen ạ – Baitemir nói với theo. Anh đã toan ra sân với vợ thì Xamát lại chạy ra. Nó không muốn đi ngủ tý nào.
– Sao thế, Xamát? – Baitemir hiền từ lắc đầu.
– Chú ơi, chú ở trong phim ảnh bước ra đấy à? – đứa con chạy lại gần, nghiêm trang hỏi tôi.
Tôi băn khoăn cố đoán xem như thế là thế nào, còn Baitemir thì cười phá lên.
– Chà chà, thằng bé ngu si của bố! – Baitemir cười, ngồi xổm xuống bên cạnh thằng bé – Làm người ta cười đến vỡ bụng… Vợ chồng tôi vẫn sang bên mỏ xem chiếu bóng – anh quay lại phía tôi – Cả nó cũng đi theo…
– Đúng rồi, chú ở trong phim ra đấy! – tôi nói để góp phần vào cảnh vui chung.
Nhưng Xamát lại cau mặt:
– Không phải! – nó tuyên bố.
– Sao lại không phải?
– Thế thanh kiếm để chú đánh nhau đâu?
– Chú để ở nhà…
– Chú sẽ cho cháu xem chứ? Mai chú cho xem nhé?
– Chú sẽ cho xem. Nào, lại đây. Tên cháu là gì, Xamát có phải không?
– Xamát! Thế gọi chú là gì?
– Gọi là… – tôi im bặt – Gọi là chú Ilyax – tôi khó nhọc thốt ra.
– Đi vào ngủ đi, Xamát, muộn rồi – Baitemir nói xen vào.
– Bố ơi, con ở đây tí tẹo nữa nhé! – Xamát xin phép bố.
– Thôi được! – Baitemir bằng lòng – Bố mẹ sẽ mang nước chè vào bây giờ.
Xamát bước đến chỗ tôi. Tôi vuốt bàn tay nó, thằng bé giống hệt tôi, giống quá thể. Đến hai bàn tay cũng thế, cái miệng cười cũng y như tôi.
– Lớn lên cháu sẽ làm gì? – tôi hỏi cốt để bắt chuyện với con.
– Cháu sẽ làm lái xe.
– Cháu thích đi ô tô à?
– Thích lắm ấy… nhưng những lúc cháu giơ tay lên thì chẳng có ai chịu chở cả…
– Mai chú sẽ chở cháu đi, có thích không?
– Có. Cháu sẽ cho chú mấy con xúc xắc của cháu! – nó chạy vào buồng lấy xúc xắc.
Bên ngoài cửa sổ, ống khói chiếc xamôvar đã phụt lửa lên. Axen và Baitemir đang nói chuyện gì với nhau.
Xamát mang cái túi nhỏ bằng da cừu núi dựng xúc xắc ra.
– Chú chọn đi, chú! – nó đổ ra trước mặt tôi mở tài sản sơn đủ màu của nó.
– Tôi muốn nhặt lấy một quân xúc xắc để làm kỷ niệm, nhưng không dám. Cánh cửa mở rộng và Baitemir bưng chiếc xamôvar đang sôi vào. Axen vào theo. Nàng bắt đầu pha trà, còn Baitemir đặt lên tấm thảm dạ chiếc bàn tròn nhỏ đóng chân thấp và trải khăn ra. Tôi cùng Xamát nhặt những quân xúc xắc bỏ vào trong chiếc túi nhỏ.
– Mang của cải ra khoe đấy, rõ hợm hĩnh! – Baitemir âu yếm búng vào tai Xamát.
Một phút sau chúng tôi đã quây quần bên chiếc ấm xamôvar. Tôi và Axen làm như chưa hề biết nhau. Chúng tôi cố sức thản nhiên, và hẳn là vì thế nên đều ít nói. Xamát ngồi lên đầu gối Baitemir, nép sát vào người bố, đầu ngọ nguậy:
– Eo ôi, râu của bố lúc nào cũng chích đau đau là! – và nó lại rúc vào, chìa má ra dưới hàng râu.
Tôi thật khổ tâm khi ngồi cạnh đứa con, không dám gọi nó là con mà phải nghe nó gọi một người khác là bố. Thật khổ tâm khi biết rằng Axen, Axen yêu dấu của tôi, đang ở ngay bên cạnh mà tôi không có quyền được nhìn thẳng vào mặt. Sao nàng lại đến đây? Nàng đã yêu, và đã lấy chồng? Tôi còn có thể biết được gì, một khi nàng không còn muốn tỏ ra là có biết tôi, như thể tôi là người hoàn toàn xa lạ, chưa hề quen biết? Chả nhẽ nàng thù ghét tôi đến thế? Còn Baitemir? Lẽ nào anh ta lại không đoán ra được tôi là ai? Lẽ nào anh ta lại không nhận thấy Xamát giống tôi? Vì sao anh ta lại không nhắc đến cuộc gặp gỡ trên đèo khi kéo chiếc xe tải ngày trước? Hay đã quên thật rồi?
Khi đi ngủ lại càng thấy khổ tâm hơn nữa. Họ dọn chỗ cho tôi ngủ trên tấm nỉ ở ngay đấy. Tôi nằm quay vào tường, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn vặn nhỏ. Axen thu dọn ấm chén.
– Axen! – Baitemir khẽ gọi qua cánh cửa phòng bên để ngỏ.
Axen bước lại:
– Em chịu khó giặt đi một chút.
Nàng cầm lấy chiếc sơmi kẻ ô vuông dính đầy máu của tôi và bắt đầu giặt, nhưng rồi bỗng dừng tay lại. Tôi nghe thấy nàng đi lại phía Baitemir.
– Thế đã tháo nước ra khỏi két chưa? – nàng khẽ hỏi – Nhỡ nó đóng băng lại…
– Tháo ra rồi, Kêmen tháo ra rồi! – Baitemir đáp, giọng cũng khẽ như thế – Chiếc xe hầu như chưa việc gì… Đến sáng mai ta sẽ giúp một tay…
Thế mà tôi quên khuấy đi; chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến những két nước với môtơ nữa.
Axen giặt nốt chiếc áo và, khi treo nó lên trên bếp lò, buông một tiếng thở dài nặng trĩu.
Nàng tắt đèn và đi ra.
Trong nhà tối hẳn lại. Tôi biết rằng cả ba chúng tôi đều không ngủ, mỗi người riêng một tâm tư. Baitemir nằm chung giường với thằng bé. Anh ta lẩm bẩm nựng con, đôi lúc lại ôm lấy Xamát mỗi khi nó trở mình, giãy đạp trong giấc mơ. Axen thỉnh thoảng lại thở dài một tiếng ấm ức. Tôi tưởng như đang nhìn thấy đôi mắt long lanh của nàng trong bóng tối, hẳn là ướt đẫm nước mắt. Axen đang nghĩ gì, nghĩ đến ai? Giờ đây nàng đang có ba người bên cạnh… Có khi nàng cũng như tôi, đang điểm lại trong ký ức tất cả những gì tươi đẹp và đau thương đã từng ràng buộc hai chúng tôi. Nhưng bây giờ nàng đối với tôi đã vô cùng cách biệt, cả tâm tư của nàng cũng thế. Qua mấy năm nay Axen đã thay đổi nhiều, mắt nàng đã khác trước… Đó không còn là đôi mắt tin cậy, sáng ngời lên vì trong trắng và vô tư như trước nữa. Chúng đã nghiêm khắc hơn. Nhưng đối với tôi Axen vẫn là cây phong bé nhỏ của thảo nguyên trùm khăn đỏ xưa kia. Trong mỗi nét mặt, cử chỉ của nàng tôi đều tìm thấy một cái gì gần gũi, thân thuộc. Và trong lòng tôi lại càng thấy cay đắng, càng thấy tủi hờn và đau xót. Tôi tuyệt vọng cắn răng vào mép gối, mãi cho đến sáng không hề chợp mắt.
Cây phong non trùm khăn đỏ
Câu chuyện của người lái xe
Chương 7
Ngoài cửa sổ, vầng trăng trôi bềnh bồng, khi hiện khi ẩn trong những đám mây đen đang kéo tới.
Sáng sớm khi Axen và Baitemir ra sân sửa soạn nấu nướng thì tôi cũng dậy. Đã đến lúc phải đi rồi. Tôi rón rén bước đến cạnh giường Xamát, hôn thằng bé và vội vàng ra khỏi buồng.
Ngoài sân, Axen đang đun nước trong một cái nồi lớn bắc trên mấy hòn đá, Baitemir đang bổ củi. Tôi cùng anh ta đi ra chỗ xe đổ. Chúng tôi vừa lặng lẽ bước đi vừa hút thuốc. Thì ra hôm qua xe đã đâm phải những cây cọc trồng bên lề đường. Có hai chiếc bị bật lên cùng với cả bệ bêtông. Chiếc xe bị vỡ một đèn pha, cánh chắn bùn và parơsốc bị oằn, một bánh xe bị nghẽn trục không quay được. Chúng tôi lấy xà beng và búa gõ tạm lại. Sau đó bắt đầu một công việc vất vả khá lâu. Máy bị đóng băng lại, câm tịt. Chúng tôi đốt một bó sợi gai để sưởi hộp biên, rồi cùng chung sức quay maniven. Vai hai người chạm sát vào nhau, bốn bàn tay cùng nóng lên trên một chiếc tay quay, chúng tôi thở vào mặt nhau, cùng làm một việc và có lẽ cũng đang cùng chung một ý nghĩ.
Máy xe mãi vẫn không chịu nổ. Chúng tôi bắt đầu thở hổn hển. Lúc này Axen đã đem hai thùng nước nóng đến. Nàng lặng lẽ đặt xuống trước mặt tôi rồi đứng sang một bên. Tôi rót nước vào két rồi cùng Baitemir quay lần nữa, lần nữa. Cuối cùng máy bắt đầu chạy. Tôi ngồi vào buồng lái. Máy chạy không đều, nổ phành phạch. Baitemir cầm búa chui đầu vào hòm máy kiểm tra lại các bugi. Giữa lúc đó Xamát thở hổn hển chạy đến, mình mặc chiếc áo choàng phanh khuy ra. Nó chạy quanh chiếc xe: thằng bé đang muốn đi ôtô. Axen túm lấy con không cho chạy đi nữa và đứng cạnh buồng lái. Nàng nhìn tôi đầy vẻ trách móc, cái nhìn đau đớn và xót thương đến nỗi giây phút ấy tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn sao chuộc được lỗi, lấy lại được nàng và đứa con. Tôi chồm ra ngoài cửa xe để ngỏ, cúi xuống phía nàng.
– Axen! Bế con ngồi lên đây! Anh sẽ đưa đi như trước, đi mãi mãi! Ngồi lên đây! – tôi van xin nàng trong tiếng máy nổ xình xịch.
Axen không nói gì, lặng lẽ đưa cặp mắt nhoà lệ nhìn đi nơi khác, lắc đầu từ chối.
– Đi đi, mẹ! – Xamát kéo tay nàng – Ta đi ô tô nào!
Nàng bước đi không hề ngoái lại, đầu cúi gầm. Xamát vẫn vững vàng không muốn về.
– Xong rồi! – Baitemir gọi to, đóng nắp hòm máy lại và đưa đồ nghề vào buồng lái cho tôi.
Tôi đánh xe đi. Cầm bánh lái trong tay, lại đường trường và đồi núi – chiếc xe hơi cứ đưa tôi đi, chẳng hề hay biết gì…
Thế là tôi đã tìm thấy lại Axen và con tôi trên đoạn đèo, thế là chúng tôi đã lại gặp nhau, rồi lại chia tay. Suốt dọc đường tới biên giới, rồi suốt dọc đường về tôi cứ suy nghĩ mãi mà không tìm được cách gì nữa. Tôi mệt lử vì những ý nghĩ mà không có lối thoát… Bây giờ lại phải bỏ đi thôi, đi cho thật xa, đi đâu cũng được, không thể ở lại đây được nữa. Tôi đã quyết định dứt khoát như vậy, và trên đường về tôi vẫn giữ những ý nghĩ ấy. Lúc đi qua trạm coi đường tôi trông thấy Xamát. Thằng bé đang chơi bên cạnh đường với một đứa con trai và một con bé lớn hơn nó chút ít. Chúng chơi tas-cargon: lấy đá làm chuồng và sân thả súc vật. Có khi trước kia tôi vẫn trông thấy chúng chơi cạnh đường… Hoá ra hầu như ngày nào tôi cũng đi qua ngay trước mặt con mà không hề ngờ tới… Tôi dừng xe lại.
– Xamát! – tôi gọi. Tôi muốn trông mặt thằng bé một tí. Lũ trẻ chạy ùa tới.
– Chú ơi, chú đến chở chúng cháu đấy à? – Xamát chạy đến gần.
– Ừ, chú chở một tí tẹo thôi! – tôi nói.
Bọn trẻ theo nhau trèo cả lên buồng lái một lượt.
– Chú ấy quen với nhà mình đấy! – Xamát khoe với hai đứa bạn.
Tôi chỉ chở chúng đi một đoạn ngắn, nhưng lòng thấy vui sướng biết chừng nào, có lẽ còn vui hơn cả mấy đứa trẻ. Sau đó tôi cho chúng xuống.
– Bây giờ chạy về nhà đi! Ba đứa trẻ toan chạy đi. Tôi giữ con lại:
– Khoan đã, Xamát, chú bảo cái này! – tôi bế nó lên, nhấc bổng ngang đầu, nhìn vào mặt thằng bé, đoạn ôm ghì vào ngực, hôn nó và thả xuống đất.
– Thế kiếm đâu, chú có mang đến không? – Xamát bỗng nhớ ra.
– Chà, thế là quên mất con ạ, lần sau ta sẽ mang đến!… – tôi hẹn.
– Lần sau thì chú không quên chứ? Chúng cháu sẽ vẫn chơi ở chỗ ấy đấy.
– Được rồi, bây giờ chạy mau lên!
Về trạm xe tôi vào xưởng mộc đẽo ba thanh kiếm làm đồ chơi và đem đi theo.
Bọn trẻ chờ tôi thật. Tôi lại chở chúng đi một quãng.
Thế là tôi bắt đầu làm bạn với con và bạn bè nó. Chúng rất chóng quen tôi. Từ xa chúng đã ùa nhau chạy ra đường:
– Ô tô, ô tô của chúng mình kia rồi!
Tôi như sống lại, trở thành con người. Tôi đi chở hàng mà tâm hồn xán lạn hẳn lên: tôi mang theo một cảm xúc thật tốt đẹp. Tôi biết rằng con tôi đang đợi tôi ở bên đường. Tôi sẽ được ngồi bên cạnh con trong buồng lái, dù chỉ vài phút. Giờ đây tôi chỉ còn lo nghĩ làm cách nào đến với con cho kịp. Tôi trù tính thời giờ để đi qua đèo ban ngày. Bây giờ đang lúc trời xuân ấm áp, bọn trẻ thường xuyên chơi ngoài ngõ nên tôi gặp chúng bên đường luôn. Tôi sung sướng đến nỗi tưởng chừng như mình chỉ vì mục đích ấy mà làm việc. Nhưng đôi khi tim tôi vẫn như lặng đi vì phấp phỏng lo sợ. Có thể ở trạm coi đường họ biết là tôi hay cho bọn trẻ đi xe, cũng có khi không biết, nhưng họ có thể cấm thằng bé gặp tôi, không cho nó ra chơi ngoài đường. Tôi rất lo ngại, thầm van xin Axen và Baitemir đừng làm điều đó, đừng lấy nốt của tôi dù chỉ là những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy. Nhưng rồi một ngày kia việc ấy đã xảy ra…
Sắp tới ngày một-năm. Tôi quyết định cho con một món quà nhân ngày lễ. Tôi mua chiếc ô tô chạy bằng dây cót, một chiếc xe tải bé tí. Ngày hôm ấy tôi có việc giữ lại ở trạm xe hơi, đánh xe ra muộn nên rất vội. Có lẽ vì vậy mà tôi linh cảm thấy điều gì chẳng lành, cứ hốt hoảng lo âu vô cớ. Chạy đến gần khu coi đường, tôi lấy gói quà ra để bên cạnh, hình dung xem Xamát sẽ mừng rỡ thế nào. Đồ chơi thì nó vẫn có những thứ thích hơn, nhưng đây là món quà đặc biệt – món quà của người lái xe quen biết trên đường cho một chú bé đang mơ ước trở thành lái xe. Song lần này không thấy Xamát ở vệ đường. Trong đám trẻ chạy đến không có nó. Tôi rời buồng lái bước xuống.
– Thế Xamát đâu?
– Ở nhà, nó bị ốm – thằng bé đáp.
– Ốm à?
– Không, nó chẳng ốm đâu! – đứa con gái ra vẻ hiểu biết giảng giải – Mẹ nó không cho ra đây!
– Sao thế?
– Cháu không biết. Mẹ nó bảo không được ra.
Tôi sa sầm mặt xuống: thế là hết.
– Này đem lại cho nó – tôi đã đưa cho thằng bé gói quà, nhưng lại thay đổi ý kiến – Hay thôi, không cần – tôi cầm lại, rầu rĩ bước về xe.
– Sao chú ấy không chở chúng mình nhỉ – thằng bé hỏi chị nó.
– Chú ấy bị ốm – đứa con gái cau mặt đáp.
Đúng, con bé đã đoán đúng. Tình trạng tôi còn trầm trọng hơn bất cứ bệnh nào. Suốt dọc đường tôi cứ ngẫm nghĩ xem vì sao Axen lại có thể tàn nhẫn với tôi đến mức ấy. Chả nhẽ trong lòng nàng không còn giữ lấy một chút gì, dù chỉ là lòng thương hại, dù cho tôi có tệ đến đâu chăng nữa. Không, tôi không thể tin được… Axen không phải con người như thế, ở đây chắc là có chuyện gì khác. Nhưng chuyện gì? Tôi làm sao mà biết được… Tôi cố làm cho mình tin rằng con tôi quả có hơi ốm thật. Vì sao tôi lại không thể tin lời thằng bé kia? Tôi quả quyết như thế và bỗng hình dung thấy con tôi đang vật vã trong cơn sốt, đang mê sảng… Nhỡ cần phải giúp đỡ gì, cần đi mua thuốc hay chở đi nhà thương thì sao? Ở đây là giữa đoạn đường đèo chứ có phải một đại lộ nào ở thành phố đâu! Bứt rứt không sao chịu được nữa, tôi vội vã quay lại, cũng chưa hình dung ra được mình có thể làm gì, sẽ đối xử ra sao, tôi chỉ biết một điều: sao cho chóng trông thấy mặt con, chóng lên… Tôi tin rằng tôi sẽ gặp nó, lòng tôi mách bảo tôi như vậy. Nhưng dầu xăng trong bầu lại hết như thể trêu ngươi, đành dừng lại ở cột bơm xăng ở trạm chuyển tải…
Câu chuyện của người lái xe
Chương 8
Anh bạn đồng hành Ilyax im lặng. Anh lấy bàn tay xoa khuôn mặt nóng bừng, buông một tiếng thở dài nặng trĩu, nâng cửa sổ lên đến hết cỡ và lại châm thuốc hút, không biết lần này là lần thứ mấy nữa.
Đã quá nửa đêm từ lâu. Ngoài chúng tôi ra, trên xe lửa chắc mọi người đều ngủ cả. Bánh xe gõ mạnh trên đường sắt bài ca đường trường vô tận của nó. Ngoài cửa sổ, bóng đêm mùa hè đang tan dần, ánh đèn của các ga xép vút qua loang loáng. Đầu tầu giật giọng rúc còi lên.
– Ấy chính lúc bấy giờ agai đến hỏi tôi, agai ạ, và tôi đã từ chối. Bây giờ chắc agai đã rõ là vì sao? – anh bạn đồng hành nhếch máy cười tư lự – agai ở lại chỗ cột xăng rồi sau đó đuổi kịp tôi trên chiếc Pôbêđa. Tôi có trông thấy… Phải, tôi đánh xe đi, lòng hồi hộp lạ lùng. Linh tính tôi báo quả không sai. Xamát đang chờ bên cạnh đường. Vừa trông thấy chiếc xe nó đã chạy ra đón:
– Chú! Chú lái xe!
Thằng con tôi vẫn khoẻ mạnh! Chao ôi, tôi mừng rỡ không biết chứa đâu cho hết.
Tôi đỗ xe lại, nhảy ra khỏi buồng lái, chạy lại đón con.
– Sao cháu bị ốm à?
– Không, mẹ cháu không cho ra. Mẹ bảo cháu không được đi xe của chú nữa, nhưng cháu khóc mãi – Xamát phàn nàn.
– Thế sao bây giờ cháu lại ra đây được?
– Bố cháu bảo là người ta đã muốn chở trẻ con đi chơi thì cứ để cho người ta chở.
– Ra thế đấy!
– Cháu lại bảo cháu sẽ làm lái xe…
– Cháu sẽ lái, mà còn lái rất cừ ấy chứ! Cháu có biết chú mang cho cháu cái gì không? – tôi lấy chiếc xe trẻ con chơi ra – Cháu xem chiếc xe vận tải vặn dây cót này, chính là thứ thích hợp nhất cho các chú lái xe tí hon!
Thằng bé mỉm cười, mặt tươi rói lên.
– Cháu sẽ còn được đi mãi, đi mãi với chú, chú nhé? – nó nhìn tôi với cặp mắt cầu xin.
– Đúng rồi, đi mãi chứ! – tôi nói cho nó tin – Nếu cháu thích, chú sẽ chở cháu ra dự ngày mồng một tháng năm ở thành phố, chúng mình sẽ treo nhiều cờ lên xe, xong chú lại đưa cháu về.
Bây giờ thì khó lòng mà giải thích được vì sao tôi lại nói như thế, tôi nào có quyền gì, và nhất là không hiểu sao tôi lại bỗng tin chắc mình sẽ làm như vậy. Thế cũng chưa đủ, tôi còn đi xa hơn nữa:
– Mà nếu cháu thích thì cứ ở hẳn với chú! – tôi nói với thằng con, hết sức nghiêm trang – chúng mình sẽ ở trong buồng lái, chú sẽ chở cháu đi theo khắp nơi và không bao giờ rời bỏ cháu. Cháu có thích không?
– Có! – Xamát bằng lòng ngay – Chúng mình sẽ sống trên ô tô! Ta đi đi chứ, đi ngay bây giờ nào!
Có nhiều lúc người lớn cũng hoá ra như trẻ con. Chúng tôi ngồi vào buồng lái. Tôi ngập ngừng mở điện, dận đềmar. Xamát thì vui thích bám lấy tôi nũng nịu, nhảy cẫng lên trên ghế. Chiếc xe chạy đi. Xamát lại càng thích, nó cười, nói với tôi bằng những gì gì, tay chỉ vào bánh lái, vào các nút bấm ở trên bảng máy. Tôi đang làm gì thế này? Tôi từ từ hãm xe, song Xamát không chịu cho tôi dừng lại.
– Nhanh nữa đi chú, chạy nhanh lên nữa đi! – nó nói.
Tôi làm sao từ chối được đôi mắt ngây thơ vui sướng ấy? Tôi dận thêm ga. Vừa phóng đi được một quãng thì trông thấy chiếc máy san đất đang lăn xình xịch ở phía trước. Chiếc máy san đất đang lăn xình xịch ở phía trước. Baitemir đứng ở cuối vạt đất phía sau chiếc máy. Anh ta đang lấy xẻng xúc nhựa đường ở chỗ ngoặt. Tôi sững sờ cả người. Muốn đỗ xe lại, nhưng đã muộn rồi: tôi đã chở thằng bé đi xa quá. Tôi cúi đầu xuống và điên cuồng dận ga. Baitemir không để ý gì cả. Anh ta đang cắm cúi làm việc: ở đây phút nào chẳng có bao nhiêu xe qua lại. Nhưng Xamát đã nhìn thấy anh ta.
– A bố kia kìa! Chú ơi, cho cả bố cháu đi nữa nhé? Đỗ lại để cháu gọi bố cháu!
Tôi lặng thinh. Dừng lại bây giờ thì không được, tôi sẽ ăn nói thế nào? Xamát bỗng ngoái nhìn phía sau, hoảng hốt kêu lên và bắt đầu khóc:
– Cháu muốn đến với bố cháu! Đỗ lại cho cháu đến với bố! Đỗ lại, cháu không thích nữa!
Mẹ ơi!…
Tôi phanh lại, lái xe vào sau một tảng đá ở một chỗ rẽ. Tôi vội quay sang dỗ dành thằng bé:
– Đừng khóc, Xamát, đừng khóc nào! Chú sẽ chở cháu quay lại ngay bây giờ. Nhưng cháu đừng khóc nữa! Nhưng thằng bé sợ quá không còn muốn biết gì nữa.
– Không, cháu không thích! Cháu lại chỗ bố cháu cơ! Mở cửa ra! – nó đập tay vào cửa xe – Mở ra để cháu chạy đến với bố cháu! Mở ra! Sự thể như thế có khổ không.
– Nhưng cháu đừng khóc mới được! – tôi van xin nó – Chú mở cửa ngay bây giờ đây, nhưng phải nín đi chứ! Chú sẽ dẫn cháu đến với bố. Thôi, xuống đi, ta đi nào!
Xamát nhảy xuống đất và vừa khóc vừa chạy ngược về phía sau. Tôi giữ nó lại:
– Khoan đã! Cháu lau nước mắt đi. Cháu đừng khóc. Chú xin cháu, bé ngoan của chú, đừng khóc nữa! Thế còn cái ôtô của cháu thì sao? Xem đây này! – tôi với lấy cái đồ chơi, tay run run lên dây cót – Xem nó chạy đến chỗ cháu đây này, bắt lấy! – Chiếc ô tô con chạy trên đường, đâm phải hòn đá và đổ chổng kềnh xuống một cái hố bên đường.
– Cháu không thích! – Xamát lại càng gào to và chạy khỏi chỗ tôi đứng không hề ngoái lại.
Một cái gì nóng ran trào lên nghẹn ngào trong cổ tôi. Tôi cắm đầu đuổi theo thằng bé:
– Khoan đã, cháu đừng khóc nữa, Xamát! Khoan đã, chú với cháu là… cháu có biết không… – nhưng tôi không nói hết câu được.
Xamát cắm đầu chạy một mạch rồi khuất vào sau chỗ ngoặt. Tôi chạy đến vách núi, đứng lại và nhìn theo thằng bé.
Tôi trông thấy Xamát chạy đến gần chỗ Baitemir đang làm việc trên đường và bổ nhào lại với bố. Baitemir ngồi xuống ôm lấy nó, ghì chặt vào lòng. Thằng bé cũng ôm choàng cổ bố, sợ sệt nhìn lại phía tôi.
Sau đó Baitemir dắt tay nó đứng dậy vác xẻng lên vai, và hai người bước đi trên đường – một lớn một bé.
Tôi đứng dậy hồi lâu, người tựa vào vách đá, rồi quay lại. Tôi dừng chân bên chiếc ô tô trẻ con chơi. Nó nằm chổng bốn bánh lên trời. Nước mắt chảy giàn giụa trên mặt tôi. “Thế là hết!” – tôi nói với chiếc xe lớn của mình, tay vuốt trên nắp máy. Hơi nóng trong máy toả sang người tôi. Bây giờ ngay cả trong chiếc xe này cũng có một cái gì thân thuộc: nó đã chứng kiến buổi gặp con lần cuối cùng…
Cây phong non trùm khăn đỏ
Câu chuyện của người cán bộ cầu đường
Ilyax đứng dậy đi ra hành lang.
– Tôi ra ngoài thở một lúc cho thoáng – anh ta đứng ở cửa nói.
Tôi ngồi lại trong buồng toa. Bầu trời sắp rạng đông đung đưa ngoài cửa sổ thành một dải trăng trắng. Những cột dây thép mờ mờ vút qua. Đã có thể tắt đèn được rồi. Tôi nằm trên giá ngủ và nghĩ xem có nên kể cho Ilyax nghe những chuyện tôi đã rõ mà anh ta còn chưa biết không? Nhưng mãi anh ta vẫn không quay vào. Thế là tôi cũng không kể lại được gì cho anh ta biết hết.
*
Tôi đã có dịp làm quen với anh trạm trưởng cầu đường Baitemir vào lúc Ilyax đã biết rằng Axen cùng đứa con trai sống ở trên đèo.
Người ta đang sửa soạn đón đoàn đại biểu cán bộ cầu đường xứ Kirghizia sắp lên Pamir. Nhân dịp đó có một tờ báo của nước Cộng Hoà Tatgikixtan giao cho tôi viết một bài về các cán bộ cầu đường.
Trong số những đoàn viên có Baitemir Kulôv, một trong những cán bộ cầu đường xuất sắc nhất.
Tôi đi lên Độ Long để tìm gặp Baitemir.
Chúng tôi gặp nhau một cách bất ngờ và lúc đầu rất thuận lợi cho tôi. Đến một nơi trên đoạn đường đèo, chiếc ôtô buýt của chúng tôi bị một công nhân cầm cờ đỏ ngăn lại. Thì ra vừa có chỗ núi lở và bây giờ họ đang dọn đường. Tôi bước xuống xe đi lại chỗ núi lở. Quãng này đã được nẹp rất chắc. Chiếc máy ủi đang đùn đất xuống bờ dốc. Ở những chỗ máy không quay đầu được công nhân đang dùng xẻng và đầm san đất. Một người mặc áo tơi vải bạt đi ủng caosu bước cạnh chiếc xe ủi và ra hiệu cho người lái:
– Sang trái tí nữa! Lại vào lần nữa! Chạy qua chỗ nẹp kia! Thế! Thôi! Lùi lại…
Đường sửa đã gần xong, chỗ qua lại đã dọn sạch. Các tay lái xe từ hai phía bóp còi tới tấp, chửi ầm lên đòi mở đường, nhưng người khoác áo tơi vẫn không để ý đến, vẫn bình tĩnh chỉ huy. Anh ta cứ bắt chiếc máy ủi chạy đi chạy lại mãi qua chỗ đường ấy, nén chặt chỗ đất đóng nẹp xuống. “Đây đích thị là Baitemir rồi. Thật là người biết làm chủ công việc!” – tôi quyết đoán như vậy. Và tôi đã không nhầm, đúng là Baitemir Kulôv. Cuối cùng đường đã mở, xe từ hai ngả chạy qua.
– Sao anh lại đứng đây, ô tô buýt chạy mất rồi còn gì? – Baitemir bảo tôi.
– Tôi đến gặp đồng chí đây!
Baitemir không tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh ta bắt tay tôi, vẻ giản dị và chững chạc:
– Có khách đến thăm tôi rất mừng.
– Tôi có việc cần hỏi đồng chí, Bakê ạ – tôi nói, xưng hô với anh ta bằng tên gọi thân mật – Đồng chí có biết là các cán bộ cầu đường Kirghizia ta sắp đi thăm Tatgikixtan không?
– Tôi có nghe nói.
– Ấy thế cho nên tôi muốn được nói chuyện với đồng chí ít nhiều trước khi đồng chí lên đường đi Pamir.
Trong khi tôi nói rõ mục đích cuộc tới thăm, Baitemir mỗi lúc một sa sầm mặt xuống, tư lự mân mê hàng ria mép cứng màu nâu sẫm.
– Đồng chí đến đây là rất hay – anh ta nói – nhưng tôi sẽ không lên Pamir, và cũng chẳng cần phải viết về tôi.
– Vì sao vậy? Đồng chí bận việc, hay ở nhà làm sao?
– Công việc là con đường này, đồng chí cũng thấy đấy. Còn ở nhà? – anh ta nín bặt, lấy thuốc lá ra – ở nhà thì… tất nhiên cũng có công chuyện như mọi người, tôi có gia đình… Song tôi sẽ không lên Pamir.
Tôi bèn bắt đầu thuyết phục Baitemir, giảng giải cho anh thấy rõ cần có một cán bộ cầu đường như anh trong thành phần đoàn đại biểu như thế nào. Baitemir đứng nghe hầu như chỉ vì giữ xã giao và rốt cục tôi đã không thuyết phục được anh ta. Tôi rất bực, và trước hết là bực với mình. Cái linh tính nghề nghiệp đã phản bội tôi, tôi đã tìm đến con người này không đúng cách. Tôi chỉ còn có việc ra về tay không, không hoàn thành được nhiệm vụ của toà soạn giao cho.
– Làm thế nào được, thôi xin lỗi Bakê, tôi đi về. Chắc sắp có chiếc xe nào qua đường bây giờ…
Baitemir chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt điềm đạm thông minh, mỉm cười sau hàng ria:
– Người Kirghizia ra ở thành phố quên mất phong tục rồi. Tôi còn có nhà, có gia đình, có mâm cơm thết khách và chốn ngủ. Anh đã đến đây với tôi thì mai anh mới có thể ở nhà tôi ra đi, chứ không thể bỏ đi giữa đường được. Thôi ta đi, tôi đưa anh về chỗ nhà tôi và cháu. Anh đừng giận, tôi còn phải đi xem xét một lượt trước khi trời tối. Tôi sẽ quay về ngay. Công việc như thế đấy…
– Khoan đã, Bakê ạ – tôi đề nghị – Tôi cũng cùng đi xem đường với đồng chí.
Baitemir hóm hỉnh nheo đôi mắt, ngắm nghía bộ y phục tỉnh thành của tôi.
– Chỉ sợ anh không tiện cùng đi với tôi. Hai đầu đường cũng xa, lại lắm dốc.
– Không sao!
Và hai người cùng đi. Chúng tôi dừng lại bên mỗi chiếc cầu, mỗi chỗ ngoặt, cạnh mỗi vực sâu và những ghềnh đá cheo leo. Dĩ nhiên là chúng tôi cùng trò chuyện. Cho đến nay tôi vẫn không sao đoán ra tôi đã tranh thủ được lòng tin và cảm tình của Baitemir từ lúc nào, bắt đầu từ câu nói nào. Anh đã kể cho tôi nghe hết chuyện đời anh và chuyện gia đình anh.
Câu chuyện của người cán bộ cầu đường
Anh có hỏi tại sao tôi không muốn lên Pamir. Bản thân tôi chính người Kirghizia vùng Pamir mà rốt cục lại ở trên dãy Thiên Sơn này. Hồi lên làm ở công trường xây dựng đường cái qua Pamir, tôi hầu như chỉ là một thằng bé con. Tôi đi theo lời kêu gọi của Đoàn thanh niên Cộng sản. Chúng tôi làm việc hăng hái, đầy nhiệt tình, nhất là bọn thanh niên. Còn phải nói, làm đường lên vùng Pamir khét tiếng là hiểm trở chứ có phải chuyện thường đâu! Tôi đã trở thành lao động tiên tiến, thường được thưởng tiền và các phần thưởng khác.
Nhưng đó là tiện thể nói thế thôi.
Lên đấy tôi gặp một thiếu nữ ở công trường. Tôi đã yêu cô, yêu tha thiết. Cô đẹp và thông minh. Cô đã bỏ làng lên công trường. Hồi bấy giờ việc đó đối với một cô gái Kirghizia không phải là chuyện dễ làm. Ngay đến bây giờ đường đời của một người con gái cũng chưa phải đã thong dong – anh cũng biết đấy, vẫn bị các phong tục cũ ràng buộc. Gần một năm trôi qua. Công trình làm đường đã sắp xong. Lúc bấy giờ cần có cán bộ để trông nom con đường. Xây dựng chỉ là một nửa việc, có thể chung sức khắc phục được, nhưng sau đó lại phải biết cách theo dõi trông nom đường sá nữa. Khi ấy chỗ chúng tôi có một kỹ sư trẻ tên là Huxainôv – bây giờ anh ấy vẫn làm công tác cầu đường, thành một cán bộ cỡ lớn rồi. Khi ấy tôi kết thân với anh ta. Chính Huxainôv đã mách cho tôi nên đi học các lớp huấn luyện. Tôi tưởng Gulbara sẽ không chờ đợi tôi được, bị đưa về làng mất, nhưng không, cô đã chờ tôi. Chúng tôi sống yên vui, hoà thuận. Phải nói rằng đối với các cán bộ cầu đường sống trên núi đèo, chỉ có một gia đình vững chãi, một người vợ, là một điều đặc biệt quan trọng. Về sau tôi đã có dịp được thể nghiệm điều đó. Và nếu tôi đã yêu thích được công việc của mình đến trọn đời, thì trong đó công lao của vợ tôi không phải là nhỏ. Chúng tôi sinh được một đứa con gái rồi sau lại thêm đứa nữa, và đúng ngay khi ấy chiến tranh đã bùng nổ.
Con đường cái Pamir như dòng sông giữa trận mưa rào. Người đi nhập ngũ tuôn xuống núi nườm nượp.
Tôi cũng đã đến lượt. Sáng hôm ấy cả nhà tôi ra đường cái. Tôi bế đứa con gái trên tay, chị nó đi bên cạnh, bám lấy tôi. Gulbara của tôi, Gulbara tội nghiệp! Vợ tôi lấy hết nghị lực, cố bình tĩnh, mang chiếc balô cho tôi, nhưng tôi thì tôi hiểu rõ tình cảnh vợ tôi phải ở lại khi con đường trên núi vắng vẻ với hai đứa con thơ. Tôi vẫn định gửi vợ con về làng với họ hàng, nhưng Gulbara không muốn thế. Em và các con sẽ chịu đựng được, vợ tôi nói thế, sẽ chờ anh, vả lại con đường cũng chẳng có thể bỏ mặc không người trông coi… Lần cuối cùng chúng tôi đứng bên vệ đường tôi nhìn vợ, nhìn con từ giã. Khi ấy tôi và Gulbara còn trẻ lắm, chỉ mới bắt đầu cuộc sống…
Tôi về một tiểu đoàn công binh. Trên miền đất chiến tranh chúng tôi đã xây dựng nên biết bao nhiêu con đường, bến sông, bao nhiêu nhịp cầu. Không đếm xuể nữa! Chúng tôi đã tiến qua sông Đông, sông Vixla và sông Đunai. Nhiều khi cóng người giữa dòng sông băng giá, da thịt cháy bỏng trong lửa khói, đạn đại bác nổ chung quanh, cầu phao vỡ tung toé, bao nhiêu người hi sinh, không còn sức đâu chịu đựng được nữa, chỉ mong có chết thì chết quách cho xong! Nhưng cứ nhớ đến vợ con đang chờ mình trên núi là không biết lại lấy đâu ra bao nhiêu sức lực. Không, tôi nghĩ bụng, mình từ Pamir xuống đâu phải để chết dưới gậm cầu này. Cứ lấy răng vặn dây thép trên các khúc xà ghép, không chịu chùn bước. Và tôi đã không chết, tôi đã tiến sát tới gần Berlin. Vợ tôi viết thư luôn, vì tuyến bưu vụ cũng đi qua đường ấy. Gulbara viết cặn kẽ mọi chuyện, nói cả đến con đường nữa. Vợ tôi đã ở lại làm cán bộ cầu đường thay tôi. Tôi biết Gulbara vất vả: đường trên Pamir chứ có phải ở chỗ nào khác đâu. Nhưng đến mùa xuân năm 1945 tôi bỗng bặt tin nhà. Ôi, xưa nay ở ngoài mặt trận thiếu gì chuyện xảy ra, tôi tự an ủi như vậy. Thế rồi một hôm tôi được gọi lên ban chỉ huy trung đoàn. Chuẩn uý ạ, cấp trên nói, thế là đồng chí đã tham gia chiến đấu, đồng chí được cám ơn, khen thưởng. Bây giờ thì hãy về nhà, bây giờ ở nhà cần đến đồng chí hơn. Tất nhiên là tôi mừng lắm, còn đánh điện về trước nữa. Đang lúc vui sướng, tôi cũng không hề nghĩ xem vì sao lại được xuất ngũ trước thời hạn…
Tôi về đến chốn cũ, cũng chẳng rẽ vào Uỷ ban quân chính nữa, còn kịp chán, tôi chẳng đi đâu được nữa mà sợ. Về! Về nhà cho mau! Dọc đường tôi gặp được chiếc xe tấn rưỡi và bò lên theo con đường núi Pamir!
Lúc ấy tôi chỉ mong được chắp cánh, tôi quen đi các xe hơi ngoài mặt trận rồi nên cứ quát vào buồng lái bảo anh lái xe:
– Dận khoẻ vào, người anh em, đừng tiếc con mọt gỗ nhà cậu nữa! Mình đang mã hồi đây!
Và thế là gần đến nơi rồi. Sau chỗ rẽ kia là bắt đầu khu vực tôi trông coi. Sốt ruột không chịu được. Xe chưa kịp dừng tôi đã nhảy xuống, chiếc túi dết vắt sau vai, và cắm đầu chạy. Tôi cứ chạy, chạy mãi, qua chỗ rẽ và … không nhận ra được gì nữa cả. Cảnh vật dường như vẫn y nguyên: vẫn những dãy núi đứng kia, vẫn con đường này đây, nhưng chẳng thấy nhà cửa đâu hết. Chung quanh không một bóng người. Chỉ có những hòn đá nằm lăn lóc. Nhà tôi trước xây hơi cách biệt, ngay dưới ngọn núi. Đất ở đây cũng chật. Tôi nhìn lên núi và choáng người đi. Khối tuyết lớn từ mỏm núi cheo leo đã đổ xuống. Trên đường rơi nó đã quét sạch tất, không để lại một vật gì, tưởng chừng như một bàn tay đầy móng sắt đã cào đất khỏi sườn núi và đào lên một vực sâu hoắm tít dưới thung lũng. Trong lá thư cuối cùng vợ tôi có việc rằng tuyết đã rơi xuống nhiều và trời bỗng mưa liên miên. Đáng lẽ phải giật mìn phá khối tuyết cứng đi từ trước cho nó đổ xuống, nhưng đâu có phải việc đàn bà làm được…
Tôi đã gặp lại gia đình như thế đấy! Một ngàn lần tận mắt trông thấy cái chết, sống sót từ hỏa ngục trở về, thế mà vợ con ở nhà lại không còn nữa… Tôi cứ đứng đấy không sao bước đi nổi. Muốn thét lên, gào vang cho rung chuyển cả núi đồi mà không được. Cả người tôi như đã hoá đá, dường như tôi không còn là người sống nữa. Tôi chỉ nghe thấy chiếc túi dết tuột khỏi vai rơi xuống chân. Tôi vứt luôn nó lại đấy, tôi những tính mang quà cáp về cho vợ và hai con, dọc đường tôi đã đổi ít đồ cũ lấy kẹo… Tôi cứ đứng mãi hồi lâu như chờ đợi một phép nhiệm màu nào. Sau đó tôi quay lại và đi trở lui. Tôi dừng chân, nhìn lần nữa: dãy núi đung đưa qua lại, nhích đến gần và đang đổ xuống người tôi. Tôi rú lên một tiếng và cắm đầu chạy. Đi! Đi khỏi cái chốn đáng nguyền rủa này! Lúc bấy giờ tôi đã khóc… Tôi không nhớ mình đã bước tới những đâu, và đi đứng ra sao. Đến ngày thứ ba thì tôi thấy mình đang ở nhà ga. Tôi lang thang giữa đám đông như một kẻ lạc đường. Một sĩ quan gọi tên tôi. Tôi nhìn lại, thì ra Huxainôv đã xuất ngũ đang đi về nhà. Tôi kể cho anh ta nghe điều bất hạnh của tôi. Anh nói: “Thế bây giờ cậu định đi đâu?” Cái đó thì chính tôi cũng chưa biết! “Không, anh nói, như thế không được, phải cố chịu đựng. Tôi quyết không để cậu đi vật vờ một mình như thế. Ta đi lên Thiên Sơn làm đường, rồi sau đó sẽ hay…”
Thế là tôi lên đây. Mấy năm đầu tôi đi xây cầu trên đường vận tải. Thời gian trôi qua, đã đến lúc tôi phải có một chốn ở nhất định. Lúc bấy giờ Huxainôv đã làm việc ở Bộ. Anh thường về trạm, khuyên nên làm lại công tác cũ, nhận phụ trách một trạm coi đường. Tôi vẫn phân vân. Cứ thấy sợ. Ở công trường tôi sống không phải chỉ một mình, có anh có em cũng khuây khoả đi. Còn ở trạm coi đường thì khéo tôi đến chết buồn mất. Tôi vẫn chưa bình tâm lại được, tôi chưa quên được dĩ vãng, tưởng chừng như cuộc đời đã chấm dứt ở đây, và sau này chẳng còn gì nữa. Về chuyện lấy vợ khác thì tôi tuyệt nhiên không hề nghĩ đến. Tôi yêu Gulbara và lũ con quá đỗi. Tưởng như không bao giờ và không ai có thể thay thế vợ con tôi được. Còn nếu cứ cưới vợ cho xong chuyện, chỉ cốt có một gia đình mà sống thì chẳng ra gì. Thà ở vậy một mình còn hơn.
Nhưng rồi tôi cũng quyết định nhận công tác coi đường: cứ thử xem, nếu không ổn thì lại đi chỗ khác. Họ cho tôi coi trạm này, ngay trên đèo. Rồi cũng xong, tôi sống được ít lâu cũng đã quen. Có lẽ tại khu này khá vất vả; đường đèo mà lại. Tôi thấy thế lại càng hay. Dần dần nỗi đau đớn trong lòng cũng nguôi bớt, lắng đi. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới lại nằm mơ thấy mình đang đứng sững sờ ở chỗ trước kia là cái sân nhà và cảm thấy chiếc túi dết đang tuột khỏi vai… Vào những ngày như thế tôi thường ra đường từ sáng sớm và đến tận tối mịt mới về nhà. Thế là tôi cứ ở một mình. Quả tình cũng có lúc một ý nghĩ buồn buồn trỗi dậy trong óc: “Mình còn có thể có hạnh phúc được nữa chăng?” Thế rồi hạnh phúc đã đến, một niềm hạnh phúc khó khăn, đau khổ, giữa lúc tôi ít có thể ngờ nó đến hơn cả.
Một lần cách đây khoảng bốn năm, bà mẹ anh hàng xóm bị ốm. Bản thân anh ta thì khó lòng mà dứt ra khỏi nhà được: công việc, gia đình, con cái, mà bệnh tình bà cụ thì mỗi ngày một nặng thêm. Tôi bèn quyết định đưa bà cụ đi cho bác sĩ khám. Vừa lúc ấy có một chiếc xe hơi của Công ty Giao thông chở mấy thứ đến trạm coi đường. Thế là chúng tôi đáp xe ấy về thành phố. Các bác sĩ muốn thu xếp cho bà cụ nằm bệnh viện, nhưng không xong. Tôi về chết ở nhà, bà cụ bảo thế, không muốn nằm lại đây. Chở tôi về, không thì tôi sẽ rủa cho. Thế là đành phải chở về. Lúc bấy giờ trời đã tối từ lâu. Chúng tôi chạy qua trạm chuyển tải. Bỗng người lái xe hãm lại. Tôi nghe thấy anh ta hỏi:
– Chị về đâu?
Có tiếng phụ nữ trả lời một câu gì không rõ, rồi tiếng chân bước.
– Chị lên đi! Sao lại thế? – người lái xe nói và đánh xe chạy lại gần.
Một thiếu phụ tay bế con, vai đeo chiếc khăn gói nhỏ bước đến bên thành xe. Tôi giúp cô leo lên thùng xe, nhường cô chỗ ngồi sát buồng lái cho gió đỡ thốc vào, còn mình thì ngồi vào một góc.
Xe lại chuyển bánh. Rét đến ghê người. Gió tạt vào, ẩm ướt lạnh thấu xương. Đứa bé khóc oà lên. Người mẹ ru nó trên tay, nhưng nó vẫn không nín cho. Thật đến khổ! Kể ra thì phải để hai mẹ con ngồi vào buồng lái, nhưng trong ấy đã có bà cụ sắp chết. Tôi khẽ đập vào vai cô:
– Nào chị đưa cháu cho tôi, may ra nó nín đấy, còn chị thì cúi đầu thấp xuống cho đỡ gió.
Tôi ủ đứa bé trong áo bông, ghì chặt vào người. Nó nín khóc, mũi thở phì phì. Đứa bé được độ mười tháng, trông kháu khỉnh lắm. Tôi ẵm nó dưới nách bên trái. Và bỗng nhiên không hiểu sao tim tôi cứ xao xuyến lên, đập loạn xạ như một con chim phải đạn. Lòng tôi vừa vui vừa chua xót “Chà, chả nhẽ không bao giờ mình còn được làm cha nữa?” – tôi nghĩ. Đứa bé thì rúc vào ngủ, không phải dỗ dành gì nữa – Cháu giai à? – tôi hỏi. Cô gật đầu. Tôi thấy người phụ nữ tội nghiệp ấy đã lạnh cóng, chiếc măngtô mặc trên người rất mỏng manh. Còn tôi thì mùa đông vẫn mặc cả áo tơi ra ngoài áo lông, đi làm việc không có nó không xong.
Tôi ôm chặt đứa bé, chìa tay áo để không về phía cô:
– Chị kéo lấy chiếc áo tơi của tôi mà khoác. Cứ ngồi thế thì chết cóng mất.
– Không, ai lại thế, anh đừng lo – cô từ chối.
– Chị kéo đi, kéo đi – tôi nằn nì – Che vào cho kín gió.
Cô trùm áo tơi lên kín người, tôi kéo vạt áo xuống cho cô kín mé chân.
– Chị đã ấm được tí nào chưa?
– Ấm rồi.
– Sao chị đi muộn thế?
– Sự thể phải như vậy – cô khẽ đáp.
Giữa lúc đó, xe chạy vào hẽm núi. Chỗ này là xóm mỏ. Mọi người đều đã ngủ, các cửa sổ tối om. Mấy con chó vừa chạy vừa sủa theo xe. Và tôi bỗng sực nghĩ không biết cô ta đi đâu thế này? Không hiểu tại sao tôi nghĩ chắc cô về mỏ, vì chẳng còn đi đâu được nữa: đã tới đèo, và đến đó là trạm chúng tôi rồi.
– Chắc chị đến nơi rồi? – tôi bảo cô và đập vào buồng lái – Đã sắp tới chân đèo, xe chỉ chạy đến đấy thôi.
– Thế đây là chỗ nào? – cô hỏi.
– Mỏ. Không phải chị về đây à?
– Tôi… tôi về đây – cô nói ngập ngừng, rồi hấp tấp đứng lên, đưa giả tôi chiếc áo tơi, đón lấy thằng bé. Nó lại bắt đầu khóc. Hẳn có cái gì không ổn đây, chắc cô gặp phải một chuyện không may. Chả nhẽ để cô lại một mình giữa đêm khuya hay sao?
– Chị chẳng có chỗ nào mà đi cả! – tôi nói thẳng ra – Chị đừng có nghĩ gì xấu nhé. Đưa thằng bé đây cho tôi! – Tôi gần như giằng lấy đứa bé – Chị đừng từ chối. Đêm nay chị nghỉ lại trạm chúng tôi đã, rồi sau đó tùy chị. Thôi xong rồi! Đi! – tôi gọi to bảo anh lái xe.
Chiếc xe chuyển bánh. Cô ngồi lặng lẽ, mặt úp vào lòng bàn tay. Tôi cũng không rõ thế nào, có lẽ cô khóc.
– Chị đừng sợ! – tôi khuyên giải – Tôi sẽ không làm điều gì xấu cho chị đâu… Tôi là Baitemir Kulôv, cán bộ cầu đường. Chị có thể tin tôi được. Tôi thu xếp cho hai mẹ con nghỉ lại nhà tôi. Trong sân có một căn nhà xép bỏ không, tôi ra đấy ngủ trên tấm ghế dài. Mãi vẫn không chợp mắt được. Tôi cứ suy nghĩ mông lung, lòng không ổn định. Hỏi ra thì bất tiện, chính tôi cũng không ưa cái thói ấy, nhưng đằng nào thì cũng phải hỏi: nhỡ người ta đang cần giúp đỡ thì sao? Cô trả lời khó khăn, miễn cưỡng. Song tôi cố đoán ra những điều cô không nói hết. Khi con người đang đau khổ thì phía sau mỗi một lời của họ ẩn hàng chục những lời không nói ra. Cô đã rời nhà, bỏ chồng ra đi. Hẳn phải là một người có lòng tự trọng. Cứ trông vẻ mặt thì rõ ràng là cô đang đau buồn nhưng cố chịu đựng. Có phải thấy rõ hơn người ngoài. Nhưng dẫu sao tôi cũng ái ngại cho cô, một người đàn bà còn quá trẻ, thân hình thon thon nom như một thiếu nữ. Cô ăn nói dịu dàng, chắc là người trung hậu. Sao người ta lại có thể để cho cô phải phủi áo ra đi? Nhưng đấy là việc của họ. Sáng mai tôi sẽ để cho cô đáp một chiếc xe nào qua đường và từ biệt cô. Hôm ấy tôi mệt lắm. Tôi ngủ thiếp đi, và vẫn tưởng chừng như đang đi trên xe hơi, dưới làn áo lông có đứa bé con. Nó nằm ấm chỗ, rúc vào lòng tôi. Tôi dậy lúc tờ mờ sáng, đi kiểm tra đường, nhưng rồi không hiểu sao lại về ngay. Tôi nghĩ mà băn khoăn không biết hai mẹ con người khách ở nhà ra sao. Tôi nhóm lò, đặt ấm xamôvar, cố làm thật khẽ để khỏi phá mất giấc ngủ của họ. Nhưng hoá ra cô đã dậy và đang sửa soạn đi. Cô cám ơn tôi. Chưa uống nước thì chưa thể để cho cô đi được, tôi bắt cô ngồi đợi một lúc. Người bạn đồng hành tí hon của tôi đêm qua xem ra rất ngộ nghĩnh.
Được chơi với nó thật là một niềm vui lớn… Lúc ngồi uống trà tôi hỏi:
– Chị đi đâu bây giờ?
Cô nghĩ ngợi một lát rồi nói:
– Về Rưbatsiê.
– Có người nhà ở đấy à?
– Không. Cha mẹ tôi ở trong làng, mé sau Tôxor.
– Ồ, thế thì giữa đường lại phải chuyển sang xe khác. Thật bất tiện.
– Nhưng tôi cũng không về đấy. Mẹ con mình không thể về làng được – cô nói với con, vẻ tư lự – Chính chúng mình có lỗi.
Tôi đoán hẳn là cô đi lấy chồng trái ý bố mẹ. Và sau mới biết là đúng thế thật. Cô định đi ra đường, nhưng tôi đã khuyên được cô tạm ngồi chờ ở nhà để khỏi phải bế thằng bé ra trước gió. Đón xe thì tôi cũng có thể đón hộ được. Tôi bước ra đường cái mà lòng nặng trĩu. Không biết vì đâu tôi bỗng cảm thấy buồn khi nghĩ rằng hai mẹ con cô sắp ra đi, và tôi sẽ lại thui thủi một mình. Thoạt tiên không có xe qua đường. Sau đó tôi bỏ lỡ một chiếc, không giơ tay lên gọi. Và chính tôi cũng đâm hoảng. Sao tôi lại làm như vậy? Thế là tôi bắt đầu khổ sở day dứt. Bao nhiêu xe đã chạy qua, mà tôi thì cứ lần lữa mãi. Lần này, tôi nghĩ bụng, sẽ giơ tay lên chặn chiếc xe sắp tới, nhưng rồi cánh tay lại chẳng chịu giơ lên. Tôi nóng ran cả người. Cô ta thì đang đợi trong kia, đang mong ngóng. Tôi thấy tự căm ghét mình quá mà chẳng làm thế nào được. Tôi đi đi lại lại trên đường, tìm ra những lý do và những lời biện bạch này nọ. Nào là buồng lái bị lạnh và kính vỡ, nào là chiếc xe không thích hợp, nào là anh lái xe trông mất cảm tình, có vẻ ngông nghênh và chắc đã nốc ít nhiều rồi. Những khi thấy xe đi qua, mà thấy trong buồng lái đã chật chỗ thì tôi lại mừng rơn như đứa trẻ. Miễn là đừng cho đi ngay, cố thêm chút nữa, để hai mẹ con ngồi lại nhà tôi độ dăm phút nữa thôi. “Nhưng cô ấy biết đi đâu bây giờ? – tôi nghĩ – Về làng thì không được, chính cô đã nói thế. Về Rưbatsiê? Cô ta nách mang con mọn, về nhà ai ở đây? Thắng bé đến chết mất thôi, đang giữa mùa đông thế này. Tốt hơn hết là cô ấy cứ ở lại đây ít lâu, suy nghĩ cho chín chắn đã. Có thể là cô sẽ quay về với chồng, hoặc anh chồng sẽ tìm đến cô ta…” Ôi, thật là một hình phạt, giá tôi cứ đưa cô ra đường cho lên xe đi ngay còn hơn! Tôi đi lại loanh quanh trên đường mãi ba tiếng đồng hồ. Tôi căm ghét mình hết sức. Không, tôi nghĩ, cứ đưa cô ấy ra đây và gọi xe ngay trước mặt cô. Nếu không thì chẳng còn ra làm sao nữa. Tôi quay về nhà. Cô đã bước ra ngoài, đang sốt ruột chờ đợi. Tôi thấy hổ thẹn, len lén nhìn cô ta như một đứa bé có lỗi.
– Chị chờ lâu lắm phải không? – tôi nói lúng búng – Không có xe qua đường… không hẳn là không có, nhưng không tiện đi. Chị tha lỗi cho… chị đừng nghĩ gì… Thôi xin chị ghé vào nhà lát nữa. Hết lòng xin chị đấy!
Cô ngạc nhiên và buồn rầu nhìn tôi, lặng lẽ quay vào nhà.
– Anh thương hại tôi à? – cô hỏi.
– Không, không phải thế. Chị có hiểu không… Tôi lo thay cho chị. Sẽ khó khăn đấy. Chị sẽ sống ra sao?
– Tôi sẽ làm việc. Tôi đã quen lắm rồi.
– Làm ở đâu?
– Tôi sẽ thu xếp kiếm việc làm ở một nơi nào đó. Nhưng tôi sẽ không quay lại và cũng không về làng. Tôi sẽ làm việc mà sống.
Tôi nín lặng. Tôi còn biết nói gì để bác lại? Lúc này cô không suy nghĩ gì hết. Người cô đang bừng bừng cơn tức giận và lòng tự trọng. Những cảm xúc ấy đang xua đuổi cô đi không biết đến tận đâu. Nhưng cứ nói “tôi sẽ làm việc mà sống” thì cũng dễ thôi. Có phải muốn thế mà được ngay đâu. Nhưng không thể ép uổng người khác được. Đứa bé đòi tôi bế. Tôi bế nó lên. Tôi hôn nó và nghĩ bụng “Chao ôi, chú bé kháu khỉnh của ta, chúng mình đành phải chia tay thôi. Ta đã bắt đầu yêu quí chú mày như con đẻ…”
– Thôi, ta đi vậy – tôi nói khẽ.
Chúng tôi đứng lên. Tôi bế thằng bé đi, nhưng ra đến cửa lại đứng lại.
– Công việc thì ở chỗ chúng tôi cũng có – tôi thốt ra – chị có thể sống và làm việc ở đây. Nhà cửa thì cũng có tuy chẳng rộng rãi lắm. Thật thế, chị ở lại đi. Đừng hấp tấp quá. Chị muốn đi thì lúc nào đi cũng kịp. Chị thử nghĩ xem…
Thoạt tiên cô không bằng lòng, nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được.
Thế là Axen cùng với thằng bé Xamát ở lại trạm coi đường của chúng tôi. Ở căn buồng xép ngoài sân thì lạnh, nên tôi cố nài Axen cùng với con trai ở trong nhà tôi, còn tôi ra buồng xép. Đối với tôi như thế đã là đủ.
Từ đây cuộc đời tôi khác hẳn. Bề ngoài dường như không có gì thay đổi, tôi vẫn sống độc thân như trước, nhưng con người trong tôi đã sống lại, tâm hồn tôi lại được sưởi ấm sau những ngày đằng đẵng cô đơn. Tất nhiên trước kia tôi cũng vẫn sống giữa mọi người, nhưng có thể cùng ở chung, kết bạn với nhau, cùng làm việc với nhau, giúp đỡ người và được người giúp đỡ lại, thế nhưng vẫn có một khía cạnh của cuộc sống không lấy gì thay thế được. Tôi quấn quít lấy đứa bé. Khi đi kiểm tra đường tôi ủ nó thật ấm và bế đi theo khắp các quãng đường. Hễ có thì giờ rỗi là tôi ngồi chơi với nó. Tôi không sao hình dung nổi trước kia mình đã làm thế nào mà sống được. Hàng xóm nhà tôi là mấy người rất tốt, cư xử tử tế với cả Axen và Xamát. Ai mà chẳng mến trẻ con? Còn Axen là người thành thực, cởi mở, sống ở trạm ít lâu đã quen ngay. Tôi vồ vập đứa bé cũng còn là vì cô, vì Axen nữa. Giấu mà làm gì, đến giấu mình cũng chẳng được, mặc dù tôi đã cố sức. Tôi đã yêu Axen. Yêu ngay cho đến trọn đời với tất cả tâm hồn. Bao nhiêu năm tháng sống cô đơn, bao nhiêu buồn tủi đau thương, tất cả những gì đã mất mát đều dồn vào mối tình ấy. Nhưng tôi không có quyền nói ra. Cô đang chờ đợi người ấy. Cô chờ đợi mãi, mặc dầu không hề để lộ ra. Tôi thường để ý thấy những lúc ra làm ngoài đường cô cứ đón nhìn và trông theo mỗi chiếc xe đi qua bằng đôi mắt đợi chờ. Có nhiều lúc cô bồng con ra đường ngồi hàng giờ. Nhưng người ấy không hề xuất hiện. Không hiểu anh ta là ai và là người thế nào, tôi chưa hề hỏi, và Axen cũng không bao giờ nói tới. Thời gian lần lữa trôi qua. Xamát lớn lên dần. Chà, cái thằng cu thật là kháu khỉnh, tinh nhanh! Không biết có ai dạy hay tự nhiên nó thế, nhưng thằng bé đã bắt đầu gọi tôi là bố. Cứ trông thấy tôi là nó ôm choàng lấy cổ: “Ata! Ata!” Axen mỉm cười tư lự nhìn nó. Còn tôi thì vừa mừng vừa tủi. Giá được làm bố nó tôi rất thoả lòng, nhưng biết làm thế nào… Mùa hè năm ấy có lần chúng tôi ra chữa đường. Những chiếc xe hơi chốc chốc lại chạy lại. Axen bỗng gọi một người lái xe:
– Này Giantai, đỗ lại!
Chiếc xe đang dở đà chồm lên và phanh lại. Axen chạy lại gặp người lái xe. Hai người nói gì ở đấy tôi cũng không rõ, nhưng bỗng nghe thấy cô kêu lên:
– Nói láo! Tôi không tin! Đi đi! Đi ngay đi!
Chiếc xe chạy đi, và Axen nhào qua mặt đường chạy về nhà. Hình như cô khóc. Công việc cứ như tuột khỏi tay. Người ấy là ai? Hắn đã nói gì với cô? Những mối nghi ngờ, những điều dự đoán cứ ám ảnh tâm trí tôi. Tôi sốt ruột quá đi về nhà, nhưng không thấy Axen ra ngoài. Đến chiều tôi đành bước vào buồng cô.
– Xamát đâu? Nhớ nó quá!
– Đây, nó đây – Axen uể oải đáp.
– Ata! – Xamát nhoài người ra theo tôi. Tôi bế Xamát lên tay đùa với nó, còn Axen cứ ngồi buồn thiu và nín lặng.
– Có việc gì thế, Axen? – tôi hỏi.
Axen buông một tiếng thở dài nặng trĩu.
– Tôi đi thôi, Bakê ạ. Không phải vì tôi sống ở đây khổ cực gì. Tôi rất mang ơn anh, mang ơn anh lắm lắm.
– Nhưng như vậy thì cả tôi cũng không sống ở đây được nữa. Lại phải đi thôi. Đã một lần rồi tôi phải lìa bỏ chỗ đất chỉ còn trống không. Chẳng cần phải nói dài dòng, chính Axen cũng biết đấy. Nếu Axen bỏ đi thì điều đó đối với tôi cũng sẽ lại như việc trước kia xảy ra trên Pamir. Thử nghĩ xem, Axen ạ. Nếu người ấy trở về và lòng Axen lại gọi về chốn cũ thì tôi sẽ không hề ngăn cản, lúc nào Axen cũng vẫn tự do làm theo ý mình. Nói xong, tôi bế Xamát lên và ẵm nó đi trên đường. Tôi ôm nó đi mãi hồi lâu. Chú bé của tôi chẳng hay biết gì cả.
Axen tạm thời chưa đi khỏi chỗ chúng tôi. Nhưng cô nghĩ gì, đã quyết định ra sao? Tôi héo hon đi trong những ngày ấy, mặt xạm lại.
Một hôm vào buổi trưa tôi đang đi vào sân bỗng trông thấy Xamát đang cố tập đi hẳn hoi.
Axen đỡ theo, sợ nó ngã. Tôi dừng lại.
– Bakê, con anh đã biết đi đấy, xem này! – cô mỉm cười sung sướng.
Axen vừa nói thế nào? Con anh! Tôi ném chiếc xẻng, ngồi xổm xuống và vẫy thằng bé lại:
– Chậc chậc chậc, chú lạc đà con của bố đâu, lại đây nào! Dẫm chân xuống đất đi, dẫm mạnh lên! Xamát giang hai tay ra.
– Ata! – nó chập chững chạy đi. Tôi túm lấy nó ở giữa đường, nhấc bổng lên quá đầu rồi ôm ghì vào ngực.
– Axen! – tôi bảo cô – Sáng mai ta gọi bọn trẻ sang làm lễ “cắt dây” đi. Cô bện một sợi dây bằng len đen pha trắng nhé.
– Được rồi, Bakê ạ! – cô cất tiếng cười.
– Đúng, đúng, nhất định là phải bằng len đen pha trắng đấy.
Tôi nhảy lên ngựa, phi đến chỗ những người bạn làm nghề chăn nuôi, mang kumưx, thịt tươi về và hôm sau chúng tôi mời bà con hàng xóm sang dự lễ “cắt dây” trong nhà. Tôi đặt Xamát xuống đất, quấn sợi dây đen trắng lẫn lộn vào chân như trói lại, để cái kéo bên cạnh và ra lệnh cho lũ trẻ đứng ở đầu sân đằng kia:
– Em nào chạy đến cắt được dây trước tiên thì được giải nhất, những em khác thì cứ lần lượt mà lĩnh giải. Nào, chạy đi! – tôi khoát tay. Bọn trẻ reo lên thi nhau chạy.
Khi dây đã cắt xong, tôi bảo Xamát:
– Nào, bây giờ con tôi chạy đi! Các em dắt nó chạy đi!
Lũ trẻ cầm lấy tay Xamát, còn tôi đứng nhìn theo thốt ra, không nói với riêng ai:
– Thưa bà con, chú ngựa non nhà tôi đang chạy kia! Chúc chú lớn lên thành con tuấn mã.
Xamát chạy theo bọn trẻ rồi quay lại gọi: “Ata!” và bị ngã xuống. Tôi với Axen cùng vội chạy lại đỡ nó. Khi tôi nhấc thằng bé lên khỏi mặt đất, lần đầu tiên Axen nói với tôi:
– Anh của em!
… Chúng tôi đã nên vợ nên chồng như thế đấy.
Đến mùa đông vợ chồng tôi cùng đứa con về làng thăm ông bà nó. Hai cụ giận mãi. Tôi và Axen đã phải chịu lấy mọi tội. Tôi kể cho hai cụ nghe hết sự thật, tất cả những gì đã xảy ra. Và hai cụ đã tha thứ cho Axen, vì đứa cháu, vì tương lai của chúng tôi mà tha thứ. Thời gian trôi qua lúc nào không biết, Xamát đã lên năm. Tôi và Axen sống rất hoà thuận, việc gì cũng hiểu nhau, chỉ có mỗi một điều không bao giờ chúng tôi đả động tới, mỗi điều không bao giờ chúng tôi nhắc đến. Chúng tôi tựa thể đã mặc ước với nhau như vậy: con người ấy không có đối với chúng tôi.
Nhưng trong cuộc sống không phải khi nào cũng được như ý muốn. Mới gần đây thôi, người ấy đã xuất hiện…
Có một tai nạn xảy ra trên đường cái. Vào lúc ban đêm. Tôi cùng anh hàng xóm là người phụ việc của tôi chạy ra xem có chuyện gì. Chúng tôi đến nơi thì thấy một chiếc xe tải đâm phải cọc rào ven đường. Người lái xe bị chấn thương, gần ngất hẳn đi, và say bí tỉ. Tôi đã nhận ra anh ta, chỉ không nhớ được tên. Đã có lần anh ta giúp chúng tôi thoát khỏi khó khăn, kéo hộ chiếc xe lên đèo. Trên đỉnh Độ Long chứ có phải chuyện chơi đâu. Trước đó ở đây chưa có ai làm được như thế cả. Anh ta xem ra là tay gan dạ, dám nghĩ dám làm, liều lĩnh nữa, anh ta đã kéo được chúng tôi đến khu trạm. Lúc bấy giờ tôi rất thích anh ta, rất có cảm tình. Sau đó ít lâu có một người kéo được rơ-moóc lên đến đèo. Đã sắp thành công, chẳng còn mấy tí, chắc là có gì trở ngại. Nhưng rồi người lái xe ấy đánh đổ rơmoóc xuống hố và bỏ đấy mà đi. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ không biết có phải là anh chàng táo bạo kia không. Tôi thấy tiếc cho con người gan dạ đã không đạt được ý nguyện. Nhưng sau đó các xe hơi bắt đầu kéo rơ-moóc thường xuyên qua đèo. Anh em đã quen đã làm rất đúng cách.
Thật tình mà nói, lúc đầu tôi không biết đó là người ấy, người mà Axen đã rời bỏ. Nhưng dù có biết tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi lôi anh ta về nhà và mọi sự rõ ràng ngay lập tức. Lúc ấy Axen đang khuân củi vào. Cô vừa trông thấy anh ta là bao nhiêu củi rơi xuống đất hết. Nhưng trong cả ba chúng tôi không ai để lộ ra ý gì. Làm như đều mới gặp nhau lần đầu. Hơn nữa tôi lại phải hết sức tự chủ để khỏi vì một lời nói vô ý hay một câu bóng gió mà làm cho họ đau lòng hay ngăn trở họ hiểu lại nhau. Ở đây tôi không quyết định gì cả. Họ quyết định lấy: giữa họ có một quá khứ chung, giữa họ còn có đứa con trai đang nằm với tôi trên giường, đứa bé mà tôi đang ôm vào lòng vuốt ve âu yếm. Đêm hôm ấy trong ba chúng tôi không có ai chợp mắt, mỗi người một tâm tư. Tôi cũng theo đuổi những ý nghĩ riêng.
Axen có thể cùng đứa con ra đi. Đó là quyền của họ. Cứ để họ làm theo trái tim và lý trí của họ. Còn tôi… thì nói làm gì, vấn đề chẳng phải ở tôi, chẳng lệ thuộc vào tôi, tôi không được ngăn cản…
Bây giờ anh ta vẫn ở đây, vẫn chạy trên con đường chúng tôi phụ trách. Anh ta ở đâu suốt bấy nhiêu năm anh ta đã làm gì? Nhưng điều ấy không quan trọng… Đó là việc của họ…
*
Tôi cùng Baitemir đi xem đường trở về. Trời đã xế chiều. Ánh hoàng hôn mùa xuân như màu khói xám toả xuống chân trời trên những đỉnh Thiên Sơn băng giá. Những chiếc xe hơi rú lên lao vun vút trên đường.
– Sự tình như thế đấy – Baitemir tư lự thốt ra sau một lát im lặng – Tôi không thể đi khỏi nhà vào lúc này. Nếu Axen quyết định ra đi thì cốt sao cho lương tâm cô được trong sạch, tôi mong cô cứ nói ra với tôi và nhận lấy lời tôi chúc đưa con lên đường lần chót. Vì đối với tôi nó còn quý hơn cả con đẻ. Nhưng tôi không thể lấy mất đứa con của họ… Vì thế nên tôi không đi đâu hết. Nhất là đi Pamir. Tất nhiên tôi kể ra đây không phải để đăng báo. Chỉ như một con người kể cho một con người…
Cây phong non trùm khăn đỏ
Thay cho lời kết
Tôi chia tay với Ilyax ở Osơ. Anh ta lên Pamir.
– Đến nơi tôi sẽ đi tìm Alibêk. Tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới! – Ilyax mơ ước – Anh đừng cho tôi là người bỏ đi. Rồi một ngày kia tôi sẽ lấy vợ, sẽ có nhà cửa, gia đình, con cái nghĩa là mọi sự giống như mọi người. Bạn bè đồng chí rồi cũng có. Chỉ mỗi một điều tôi sẽ không có được là những gì đã mất đi, mãi mãi không bao giờ trở lại… Cho đến tận những ngày cuối cùng của đời tôi, cho đến tận hơi thở cuối cùng tôi sẽ còn nhớ mãi Axen.
Ilyax cúi đầu xuống nghĩ ngợi rồi nói tiếp:
– Hôm ra đi tôi lại đến bên hồ, đúng chỗ vách núi dựng đứng khi xưa. Tôi từ giã rặng núi
1961