Cây trên đảo quê tôi – Nguyễn Ngọc Toàn

Thời sinh viên, mỗi kì nghỉ được trở về quê đảo Cát Hải là náo nức lắm, không chỉ vì đó là nơi gia đình tôi sinh sống, mà còn là nơi thấm đẫm kí ức tuổi thơ, vừa ngọt ngào vừa thấm đẫm mồ hôi mang cái vị mặn mòi của muối biển hệt như mảnh đất quê tôi vậy.
Là người con đảo cát, ai chẳng có lần xốn xang sau những ngày tháng xa quê khi thấy chiếc ca-nô chở khách đang giảm tốc độ để cập vào Bến Gót; hai bàn chân rời cầu đò dưới nắng hè oi bức, nhúng dưới làn nước biển được những con sóng nhẹ vỗ về; rồi thả bộ dưới dặng dừa xanh mát và thấy làn gió biển mơn man trên da thịt… ta có cảm giác như đã tới nhà mình vậy.
Cát Hải vốn là những bãi bồi cửa sông tiếp giáp với biển, cây cối không nhiều. Người đất liền phiêu dạt ra đây và chọn nơi này dừng chân lập nên làng mạc, chòm xóm cũng chỉ mới vài trăm năm nay. Thế nhưng khi nhìn những cây đa, cây bàng cổ thụ, những cây duối lâu niên và những ngôi đình, chùa, miếu mạo trên đảo cát, ta thấy làng mạc nơi đây cũng giống như bao khu cư dân khác của vùng đồng bằng trên dải đất Việt.
Làng nào ở Cát Hải quê tôi cũng có các cây cổ thụ gần gũi với văn hoá tâm linh. Tuy nhiên mỗi làng lại có những loại cây khác nhau. Trong khi gần khu vực đình chùa Lục Độ, Đôn Lương, Văn Chấn… là những cây đa, cây si,.. thì ở chùa Hoà Hy là cây thị, ở Lương Năng là những cây bàng. Có những cây từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi đã thấy nó già nua lắm như cây đa cạnh ngôi đình, ngôi chùa làng Lục Độ và cũng là cạnh nhà tôi. Bây giờ khi mà ngôi đình và ngôi chùa làng cổ xưa không còn nữa thì nó vẫn đứng đó, vẫn toả bóng mát xanh và chưa có dấu hiệu của sự úa tàn mỏi mệt. Một cây đa to nữa ở ngay cạnh về phía Đông thì kém may mắn hơn vì nó bị cơn bão năm 1967 làm đổ gục. Tôi tận mắt chứng kiến cậu hàng xóm nhà tốc mái cõng em chạy lên đình, đúng lúc cây đổ hai anh em đứng giữa chỗ chạc ba, nhanh hoặc chậm một chút thôi thì quả là hiểm hoạ khôn lường. Còn một cây đa to nữa ở làng tôi là cây đa ở cổng nhà cụ Khuê, nơi bọn trẻ chúng tôi lấy làm ranh giới tập trận hai xóm, giờ cũng chỉ còn bóng hình mờ ảo của nó trên các bức tường rêu phong .
Cây si ở cửa chùa Đôn Lương vẫn đứng đó “trơ gan cùng tuế nguyệt” cho dù người ta đã phũ phàng phá bỏ cái cổng tam quan với nét đẹp cổ kính mà nó giang tay ôm ấp cùng ngôi chùa làng được xây dựng từ thời các cụ nhà ta “khai thiên lập địa” nơi đảo cát. Thuở nhỏ mỗi lần có cúng giỗ bên ngoại, anh chị em chúng tôi bao giờ cũng ra chùa Đôn Lương “chơi” nên những hình ảnh ngôi chùa với hai ông Thiện- Ác to lớn, cây si vươn những bàn tay ôm lấy cổng tam quan và cái giếng đá nước luôn trong vắt ngay cạnh sân chùa đã trở nên rất đỗi thân thuộc. Vậy mà đáng tiếc, tất cả đã phôi pha theo thời gian, mà lại do tác động của chính con người.
Cây thị lâu niên ở sau chùa Hoà Hy là nơi thuở học sinh cấp 1 chúng tôi thường xuyên nô đùa dưới bóng rợp của nó giờ cũng chẳng còn dấu vết. Có một dịp về thăm quê đi ngang qua lối cũ tôi có thấy ngổn ngang những khúc thân của nó…
Nếu các cây cổ thụ kể trên là nơi trẻ con chơi nhiều trò và cảm thấy có cái gì thật gần gũi thì với những cây duối lại là chuyện khác. Kề cận với chúng thường là những ngôi miếu cô tịch đầy vẻ âm u hoặc gắn với những sự tích khiến lũ trẻ yếu bóng vía khi đi ngang qua thường cảm thấy rợn người.
Bên trái đình Lục Độ có một cây duối già, nó già tới mức ngày bé tôi đã thấy dưới gốc của nó có một hõm ăn sâu vào thân tới mức một người lớn ngồi lọt. Người lớn kể rằng ở đó có ma, một lần ban tối ma đã kéo một người vào hốc. Khi người ta phát hiện thì người đó mắt mở trừng, miệng ú ớ. Dân tình phải lấy roi cành dâu nhúng nước giải quất vào thì ma mới buông tha. Bởi vậy, buổi tối từ đình về nhà lũ trẻ chúng tôi thường đi đường vòng cho nhẹ lòng.
Ngày trước, đi lên từ bến Gót về trung tâm bao giờ cũng phải qua ngôi miếu Nghè cuối làng Đôn Lương với một cây duối sừng sững ở bên phải. Tôi nghe kể lại: Những người xuống bãi đánh cá, nửa đêm về sáng ngang qua đây thấy một bạn nghề nằm vật giữa đường, bèn vực dậy xoa dầu cho hồi tỉnh. Ông ấy thuật lại trong nỗi sợ hãi: Trong đêm tối trời thanh vắng, gió nhẹ thổi từ phía biển, ông bắt gặp ở đây một đứa trẻ đứng khóc bên đường. Nghĩ là nó theo bố đi đánh cá bị rớt lại, ông dỗ dành, rồi bảo nó ôm lưng để ông cõng xuống chỗ bố. Đi một quãng ông thấy nó nặng dần, hai chân và hai tay nó cũng dần vươn dài ra phía trước. Ông hoảng quá ngoái nhìn lại thì trên vai ông là một khuôn mặt to lớn và cái lưỡi xanh lè. Ông bủn rủn hết tay chân và khuỵu xuống ngất đi.
Mỗi ngôi miếu ở Cát Hải thường có cây lâu năm bên cạnh, nó dường như làm cho các ngôi miếu bớt đi vẻ cô tịch. Có rất nhiều những ngôi miếu trên đảo quê tôi: Miếu Nghè nói trên, Miếu phía Đông Lương Năng, Miếu xóm Hậu Hoà Hy, Miếu thôn Đông Đồng Bài, Miếu cạnh cống Cầu Cao Trung Lâm… Kể sao cho hết những điều ly kì ma mị về các ngôi miếu ấy. Thật tiếc tôi chẳng biết các ngôi miếu này thờ ai, nhưng chắc cũng không ngoài lẽ thường: Người ta lập miếu thờ những người có công trạng nào đó (chưa lớn như Thành Hoàng làng) nhưng cũng đủ để người dân ghi nhận công lao của họ, hoặc thờ những vong hồn “bất đắc kì tử” linh thiêng… Mặc dù chẳng hiểu gì nhiều nhưng mỗi lần ngang qua các miếu bọn trẻ chúng tôi cũng vẫn thường có đôi câu khấn thầm thần miếu phù hộ cho mọi việc suôn sẻ.
Nếu như các cây cao tuổi thể hiện được bề dày văn hoá làng xã thì cây dừa và cây phi lao mới là những cây tạo nên vẻ đẹp thơ mộng của đảo Cát Hải quê tôi.
Ngay phía hồi nhà tôi một bên là cây đa cổ thụ, một bên là cây dừa cao vút, giữa là con đường từ Lục Độ sang Lương Năng hơi chếch trước hiên nhà. Sau này người ta mới nắn thẳng con đường, và khi ấy cây dừa không còn nữa. Ngày bé tôi thấy cây dừa khác lạ với các cây khác: chẳng có cành, chỉ có tàu lá, mỗi trận bão gió lại ném tàu lá dừa vào hiên nhà tôi, thân cao thế mà nó lại hút được nước từ dưới đất lên chứa đầy trong các quả; mà lạ thật nước dưới giếng lờ lợ mặn là vậy mà nước quả dừa thì lại ngọt làm sao?
Những cây dừa khá cao tôi nhìn thấy từ khi còn nhỏ đã được trồng từ thời thuộc Pháp. Chúng có mặt ở khắp các địa danh trên đảo, tuy không nhiều nhưng chúng giống như những ngọn đèn hải đăng trên đất để người ta nhận ra hướng xóm làng mình. Những lần đi câu ngoài biển bằng thuyền nan chúng tôi thường định vị bến đáp bằng những cây dừa ngay trên bờ kè đá: cây này ở Đôn Lương, cây này ở Hoà Hy, còn cây này ở Gia Lộc… Các cây dừa trên bờ kè đá đều có dáng cong nghiêng ra biển. Tôi đã viết: “Chúng đứng đó hút cái nước biển mặn mòi để mà xanh, luôn phải đương đầu với bão tố triều dâng, vẫn cần mẫn chắt lấy cái nắng từ lúc bình minh rực rỡ trên dãy Hà Sen cho đến lúc chỉ còn le lói ánh vàng đậm hoàng hôn trên đảo cát, để kết trái ngọt cho đời”. Những cây dừa đó khiến tôi liên tưởng tới tấm lưng còng của biết bao người mẹ quê tôi, một đời vất vả vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để nuôi dạy cả “bầy con” khôn lớn trưởng thành góp ích cho xã hội.

“Cây dừa ở đảo quê tôi
Cũng dáng lưng còng giống mẹ
Triều dâng bão bùng dâu bể
Ngả nghiêng sóng gió dập vùi…”

Sau khi hoà bình lập lại, những năm 59-60 của thế kỉ trước, toàn bộ hệ thống đê điều được hình thành thì cũng là lúc cây dừa và cây phi lao được trồng nhiều trên đảo Cát Hải. Chúng đã tạo một sắc thái mới cho đảo quê tôi. Nếu như tôi có mạo muội nói rằng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã lấy ngẫu hứng từ hình ảnh thực tế của Cát Hải để tạo nên một phần ca từ trong ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” thì chắc cũng không ngoa: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời, nghe sóng vỗ dạt dào biển cả, dãy phi lao gió thổi bên bờ…”. Thậm chí cả một rừng Dừa đã dần hiển hiện và ghi dấu ấn sâu đậm với các thế hệ trẻ quê tôi.
Sau khi hòan thành việc đắp đê và những con đê trở thành đường liên thôn khắp đảo, người ta trồng khá nhiều dừa dọc các tuyến đê, tuyến đường: Lục Độ – Lương Năng, Gia lộc – Trung Lâm – Văn Chấn, Đôn Lương – Bến Gót… nhưng chắc do đất đắp đê được lấy từ tầng “đất sinh phèn” (chua mặn) không phù hợp nên cây dừa ở nhiều tuyến không phát triển được. May mà chúng ta vẫn còn có được một con đường mà hai bên được tô điểm bằng dừa xanh chạy dài từ Bến Gót lên trung tâm huyện đảo. Những cây dừa đã có bao năm tháng đứng đó, cành lá như những bàn tay vươn ra chào mừng khách thập phương ghé thăm đảo cát, đón những người con xa quê trở về, vẫy chào hành khách thường xuyên xuôi ngược bằng đường thuỷ. Tôi tưởng tượng rằng chúng cũng đã bao lần giơ tay tiễn biệt những thế hệ trai tráng quê tôi lên đường làm nghĩa vụ quân sự, nhiều người trong số đó đã không trở về, và cây dừa cũng có lúc rũ lá tiếc thương những đứa trẻ lớn lên dưới bóng rợp của nó đã hy sinh vì Tổ quốc.
Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh khi về quê được ngồi trên chiếc xe ngựa lăn bánh dưới rặng dừa, bên này là cánh đồng muối trắng, bên kia là những luống rau xanh, xe lướt qua miếu mạo, chùa chiền, rồi những làng xóm thân thuộc. Tiếc rằng hình ảnh đó giờ đây đã dần trôi về quá khứ .
Ai đã có một thời tuổi trẻ trên đảo Cát Hải mà lại không lưu giữ những kỉ niệm về rừng Dừa – nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm về tình bạn tuổi học trò nói chung và tình yêu nói riêng, nhất là với các anh chị lớp trước và các bạn đồng trang lứa nhưng sớm có kinh nghiệm tình trường, chứ chẳng “ngố” như tôi. Tôi còn nhớ có bạn đã viết được thế này: “Anh không giữ trong anh một kho tàng hay một danh vọng mà chỉ giữ trong anh một buổi chiều trên bãi biển, khi hoàng hôn nhuộm vàng mái tóc em”. Đúng là cái mơ mộng của tuổi học trò!.
Còn gì vui hơn khi có một buổi học được nghỉ đột xuất kéo nhau xuống Rừng Dừa vào ngày triều xuống cạn. Một màu xanh ngút ngàn của dừa chạy dài miên man song song với bờ cát trải rộng trước mặt. Nhìn về phía biển qua một lạch sâu là một cồn cát dài hàng cây số. Chúng tôi được thoả chí nô đùa: đá bóng, nghịch cát, nghịch nước, nhặt vỏ ngao sò, tìm đá “cọ lưng”, ngắm dã tràng xe cát… Và chắc chắn có những bạn có suy tưởng giống tôi: Phía sau cái dãy núi Hà Sen sừng sững và xa hơn về phía biển kia là gì nhỉ?
Bây giờ sau bao năm tháng qua đi, câu trả lời trên đã được giải đáp. Đó là cả một đại dương êm đềm và sóng gió, một thế giới an bình và hiểm hoạ, hạnh phúc và khổ đau. Hai mặt đối lập ấy nó cũng đang diễn ra trên mảnh đất quê tôi: sự Phát triển và Xoá sổ, nó giống như sự Bồi đắp và Xói mòn vậy.
Tôi cũng may mắn trải qua nhiều vùng biển, vùng đất (những công viên rộng hàng trăm ha) nhưng cái mặt biển “mênh mông” nhìn từ bờ kè đá, và cái Rừng Dừa thơ mộng – Công viên của tuổi thơ kia sẽ mãi luôn rộng lớn và sẽ mãi còn ghi đậm nét trong tôi.
Tôi dành phần cuối của bài viết để nói đến những cây không có cái uy nghi của cây cổ thụ hay vẻ đẹp thơ mộng của cây dừa, phi lao nhưng chúng lại hết sức gần gũi với đời sống người dân trên đảo quê tôi. Đó là những cây thuộc rừng ngập mặn rất phổ biến ở vùng triều thành phố Hải Phòng nói chung và đảo Cát Hải nói riêng như: Mắm, Sú, Trang, Vẹt…  Ấy là chưa kể đến những cây ở tuyến triều cao hơn và có khả năng chịu mặn: Dứa dại, Giá hay một số thảo mộc như Đỗ mèo ( Móc mèo), Cỏ gà… Chúng phủ xanh khá nhiều chỗ trên những triền đê góp phần chống xói mòn hữu hiệu.
Những năm ca-nô tuyến Cát Hải- Hải Phòng còn chạy qua sông Ruột lợn thì hành khách luôn có dịp ngắm nhìn những thảm xanh của những cánh rừng ngập mặn ven con đê Lương Năng – Đồng Bài, bên phía Phù Long, Cái Viềng, Cái Tráp…  Hàng ngàn héc ta rừng theo ta đến tận khu vực Cảng Hải Phòng.
Thời Pháp thuộc tôi còn quá nhỏ để ghi nhớ được hình ảnh của những cây rừng ngập mặn. Bấy giờ làm gì đã có hệ thống đê điều bảo vệ các xóm làng và chắc rằng các vạt rừng ngập mặn đã góp phần không nhỏ che chắn cho các khu dân cư trước sóng gió và thuỷ triều và cũng là nguồn cung cấp chất đốt cho dân đảo.
Đầu những năm 60, Cát Hải đã hoàn thành các tuyến đê bao, các cống cấp thoát nước và hình thành hàng loạt các đầm nước lợ. Tôi gia nhập vào đoàn quân thường xuyên lăn lộn trong các đầm nước lợ để câu, đánh lưới, đơm đó, soi cá đêm… Bởi vậy tôi hình dung được toàn cảnh các vạt rừng ngập mặn trước đây.
Có thể nói rằng thuở trước trên tất cả các bãi triều Cát Hải đều được bao phủ bởi rừng ngập mặn (RNM) trừ diện tích của những lạch nước. Chúng không chỉ là tấm bình phong che chắn cho các làng xóm vốn rất mỏng manh trước sóng gió mà còn góp phần tạo nên sự phong phú về nguồn lợi hải sản cho huyện đảo Cát Hải cả ngoài biển lẫn trong các khu vực mặn lợ. Phần lớn các loài hải sản như tôm cá đều sinh sản ngoài biển nhưng giai đoạn “thơ ấu” lại sinh sống ở gần bờ nhất là khu vực vùng triều rừng ngập mặn cửa sông – nơi phong phú về nguồn thức ăn giúp chúng mau chóng “trưởng thành” và nó như sân chơi của chúng vậy. Ấy là chưa kể đến hàng loạt các loài hải sản khác được khai thác ở nơi đây: cua, cáy, rạm, ngao sò (ngao, ngán, sò huyết, vạng, ngó), hầu hà, giá biển, sâu đất, sam và cơ man các loài ốc… Chúng tạo nên rất nhiều món ăn dân dã của quê tôi. Nói vậy để thấy rằng sự xoá sổ RNM đồng nghĩa với sự làm mất đi nguồn lợi hải sản là điều tất yếu.
Trước hết phải kể đến vạt rừng chạy từ Cái Vỡ (Gia Lộc), xuống dọc phía sau xóm Hậu Hoà Hy, qua Lục Độ, Đôn Lương tới sát mạn trái bến Gót. Dãy các cây mắm rất lớn ở phía trước làng Lương Năng. Phía sau làng Lương Năng sang tới Đồng Bài có diện tích RNM khá lớn. Một dãy cây vẹt che chắn trước cửa làng Đồng Bài Giữa. Cả một cánh rừng những cây trang, cây vẹt kẻ phía sau Hoàng Châu tới Ninh Tiếp. Đáng kể nhất phải nói tới RNM phía sau Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Ninh Tiếp chúng lan rộng tới mép Cái Tráp.
Trong các đầm nước lợ RNM bị triệt tiêu dần vì chúng không chịu được ngập hay cạn thường xuyên và bị đốn hạ dùng làm chất đốt cho dân. Tuy nhiên nhiều vạt rừng vẫn tồn tại khá nhiều năm trong các đầm nước lợ.

* * *

Thiếu rừng ngập mặn thì quê tôi sẽ mất đi sự dồi dào về nguồn hải sản và tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng nếu thiếu rừng ngập mặn cung cấp chất đốt thì cuộc sống của dân quê tôi sẽ ra sao. Ngày mới hoà bình lập lại, tuy người ta chở khá nhiều bó củi gỗ (còn gọi là củi núi) từ Hiền Hào, Xuân Đám, Gia Luận sang Cát Hải bán, nhưng củi sú, trang, vẹt khai thác từ các cánh rừng ngập mặn mạn Đồng Bài, Phù Long vẫn là chủ yếu. Sau này Cửa hàng bách hoá mới bán thêm than bùn cho dân.
Vậy đấy, khi sống cây ngập mặn kết rừng nuôi dưỡng sự phong phú về nguồn hải sản và khi chết lại hoá thân thành ngọn lửa nuôi dưỡng cuộc sống. Đến giờ khi tóc trên đầu đã điểm bạc, trong tôi vẫn nghe râm ran bản hoà tấu của tôm Gõ mõ (tôm Bao Võ theo tiếng địa phương) khi chân tôi ngập trong bùn bãi triều, rong ruổi trong các cánh rừng ngập mặn; Vẫn nhớ có lúc ngồi trên triền đê nhìn nước triều lên ngập dần các cánh rừng, những ngọn cây dường như cố chới với ngoi lên như người đuối nước giơ tay vùng vẫy trước khi ngập chìm dưới mặt nước mênh mang. Vậy mà khi triều rút nó lại sống, lại xanh và sẽ không ngoa khi tôi nói những cây rừng ngập mặn quê tôi là biểu tượng của khát vọng sống mãnh liệt.
Hè vừa rồi có dịp về quê, thoải mái lướt trên cây cầu Tân Vũ nối huyện đảo Cát Hải với đất liền và được chứng kiến biết bao sự đổi thay của quê tôi: một nhà máy ôtô, một bến Gót mới mẻ, một bãi cảng vươn xa ra biển và một cuộc sống đầy sôi động đang diễn ra trên đảo cát. Những ngôi đình chùa được tôn tạo. Bờ kè đá được xây dựng chắc chắn đẹp đẽ… Đó là những điều đáng mừng cho mảnh đất quê tôi. Nhưng tôi cũng bất giác thấy rất nhiều thứ đang trôi dần về quá khứ. Phải ở cái lứa tuổi của tôi, từng chứng kiến biết bao những thăng trầm của một huyện đảo đầy sóng gió chắc mới thấy quý những cái đang dần mất đi trên đảo quê. Bởi vậy trong thời gian vừa rồi của năm 2018 tôi đã cố gắng viết khá nhiều bài về Cát Hải: về nghề muối, nghề mắm, đình chùa, giao thông, đầm nước lợ…
Hy vọng các bài viết của tôi là một bức tranh phác thảo lưu giữ được lại những nét rất giản dị về cuộc sống và con người trên đảo Cát Hải – nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Nếu chúng làm cho bạn bè đó đây thêm hiểu biết về quê tôi (ngoài nước mắm Cát Hải) và các thế hệ người Cát Hải thêm yêu quý quê mình thì tôi sẽ rất lấy làm mãn nguyện.

Tháng 11/2018
N.N.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder