… Sáu mươi lăm tuổi, doanh nhân Phạm Thiện Căn đã trải qua không ít những thăng trầm. Để quyết định dứt bỏ nghiệp “làm thầy” để bước vào kinh doanh, ông đã phải trải qua bao trăn trở, có lẽ đó là “cuộc cách mạng” đầy sóng gió mà ông phải đối diện. Ông dò dẫm những bước đi đầu tiên với không biết bao nhiêu khó nhọc khó có thể nói hết. Nhưng dường như, không thử thách nào có thể làm khó được con người này. Trái lại, nó làm ông mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và… thành công hơn.
… Sáu mươi lăm tuổi, doanh nhân Phạm Thiện Căn đã trải qua không ít những thăng trầm. Để quyết định dứt bỏ nghiệp “làm thầy” để bước vào kinh doanh, ông đã phải trải qua bao trăn trở, có lẽ đó là “cuộc cách mạng” đầy sóng gió mà ông phải đối diện. Ông dò dẫm những bước đi đầu tiên với không biết bao nhiêu khó nhọc khó có thể nói hết. Nhưng dường như, không thử thách nào có thể làm khó được con người này. Trái lại, nó làm ông mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và… thành công hơn.
Doanh nhân Phạm Thiện Căn giao lưu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa tại buổi gặp mặt kỷ niệm
Ngày Phụ nữ Việt Nam do Hội VHDN Hải Phòng tổ chức ngày 18/10/2011.
Phạm Thiện Căn – Chuyện đời thường
Suốt dọc đường đi, tôi hình dung ra một Phạm Thiện Căn lãng tử, ga lăng và có dáng vẻ bề ngoài giống nghệ sĩ hơn là một doanh nhân lịch lãm. Tôi chưa một lần gặp người đàn ông đó mà chỉ biết ông qua lời kể của vài người. Hầu như tất cả những gì tôi nghe được đều rất giống nhau, đó là sự khen ngợi, ca tụng và sauđó thường là câu chốt: “ Phạm Thiện Căn, người giống như tên, rất thích làm từ thiện”.
Từ giới doanh nhân cho đến người đi đường đều nói với tôi về nhân vật này với vẻ rất thân thiện và ngưỡng mộ. Họ dành cho ông những lời nhận xét đầy thiện cảm cùng lời giới thiệu rất ấn tượng của nhà văn Đình Kính (Chủ tịch Hội văn hóa doanh nhân Hải Phòng) càng khiến tôi tò mò mong sớm gặp ông .
… Lần theo dòng địa chỉ trên tay, cuối cùng tôi cũng đến được với cơ ngơi sản xuất kính Kala của ông. Dừng chân trước cổng bảo vệ, tôi thoáng chút ngỡ ngàng. Những gì tôi bao quát được trong tầm mắt thật khác xa với sự tưởng tượng bấy lâu. Là cơ sở sản xuất nhưng lạ kỳ, ở đây không hề có một tiếng ồn, không khí trong lành chẳng khói bụi rất giống một khu vực hành chính hay khu nghỉ ngơi điều dưỡng. Chiều xuân lất phất mưa phùn làm cho cảnh vật, không gian xung quanh đây có vẻ gì đó rất tĩnh tại.
Anh trợ lý của ông ra đón và đưa chúng tôi vào phòng ông. Thì ra, tôi đã tưởng tượng ra một hình mẫu khác hẳn. Phạm Thiện Căn trước mặt tôi không “ hầm hố” chút nào mà rất ấm áp. Sau một phút dè dặt, ông gấp cuốn sách đang đọc dở lại rồi bước ra bàn uống nước, bắt tay, thân thiện cười với chúng tôi, xua đi không khí xa lạ của lần đầu gặp gỡ.
Sự cởi mở rất tự nhiên của ông chẳng mấy chốc làm cho mọi câu chuyện trở nên thân mật. Ông kể cho chúng tôi về gia đình của mình. Đó là một gia đình nề nếp, có truyền thống hiếu học. Các anh em của ông mỗi người chuyên về một lĩnh vực và họ đều rất ưu tú, rất thành công trong lĩnh vực họ chọn lựa. Ông hài hước: “tôi là anh cả, chuyên nấu cát. Các em của tôi người làm rác, người làm đất…”.
Rồi ông bộc bạch chút riêng tư về cái tên của mình cũng như năm anh em, tất cả đều do ông nội đặt với mong muốn lấy chữ THIỆN làm tư tưởng xuyên suốt trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh. Tôi say sưa nghe ông kể về đại gia đình mình và nhận ra trong mỗi cử chỉ, lời nói, ông không giấu được sự mãn nguyện và tự hào. Thật hiếm có một gia đình lớn vẹn toàn như vậy.
..Sáu mươi lăm tuổi, doanh nhân Phạm Thiện Căn đã trải qua không ít những thăng trầm. Để quyết định dứt bỏ nghiệp “làm thầy” để bước vào kinh doanh, ông đã phải trải qua bao trăn trở, có lẽ đó là “cuộc cách mạng” đầy sóng gió mà ông phải đối diện. Ông dò dẫm những bước đi đầu tiên với không biết bao nhiêu khó nhọc khó có thể nói hết. Nhưng dường như, không thử thách nào có thể làm khó được con người này. Trái lại, nó làm ông mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và… thành công hơn.
Tất cả mọi hành động, mọi việc làm cho dù để kiếm tiền cũng phải xuất phát từ chữ THIỆN. Ông cho rằng, mọi sự giả dối, chụp giật đều nên tránh vì kết cục nó đều mang đến cho người ta sự mất lòng tin với đối tác, từ đó đến thất bại là rất gần. Ông nhấn mạnh: “Phương châm của tôi trong kinh doanh là sòng phẳng. Đó cũng là bí quyết làm giàu. Muốn làm giàu được dứt khoát phải sòng phẳng và tuyệt đối không để nợ nần.” Rồi ông cười rất sảng khoái và xen vào đó là câu chuyện đế chúng tôi cùng thư giãn. Ông nói: “Phương châm sòng phẳng của tôi còn áp dụng cả trong tình yêu, ví dụ có cô nào đó yêu tôi bằng cả trái tim, tôi cũng sẽ dâng tim mình cho cô ấy. Chỉ tiếc pháp luật Việt Nam không cho phép lấy nhiều vợ ..”. Tiếng cười, chất giọng và phong thái của ông khá trẻ trung và hài hước.
Không sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, liệu có phải đơn giản như ông nói là “duyên” hay chính người doanh nhân trước mặt tôi đã có một tầm nhìn xa thôi thúc ông đặt chân đến thành phố cảng để rồi trụ lại trước những cơn bão gió của thời kỳ hội nhập, cùng góp phần làm giàu cho thành phố của tôi. Và, ông đã làm được những gì trong khoảng thời gian hơn hai chục năm qua?
Phạm Thiện Căn – ông chủ kính Kala
Nhà máy kính Trường Sơn; một cơ sở sản xuất khang trang trong số bốn cơ sở kính hoành tráng của ông nằm ngay bên cạnh con đường lớn thuộc xã Trường Sơn (An Lão). Cơ sở sản xuất kính Kala này được xây dựng và đi vào hoạt động từ những năm 2006 (là cơ sở thứ hai ở Hải Phòng sau công ty sản xuất kính Kiến An) với công suất lúc đầu là 220 tấn/ ngày rồi sau nâng dần lên với những con số đáng kể 250 tấn/ ngày, 500 tấn/ ngày…và những con số chắc chắn không dừng lại ở đó.
Sản phẩm kính của công ty ông không những phát triển và chiếm giữ vị trí hàng đầu trong nước mà hiện nó đã có mặt ở hơn ba chục nước trên thế giới như: Thái Lan, Hàn Quốc, Bangladesh, Phinipines.. được đối tác công nhận về mẫu mã đa dạng và hơn cả là chất lượng tuyệt vời của sản phẩm. Thương hiệu kính của Kala không những làm nên tên tuổi cho ông mà còn là sự khảng định tài năng của doanh nhân Việt Nam. Ông có vẻ rất hãnh diện, rất tự tin khi nói đến khả năng của người Việt nói chung: “Cứ tin đi, tôi đảm bảo trình độ và trí thông minh của họ hoàn toàn không thua kém gì các nước tiên tiến”.
Tôi thật sự cảm phục người doanh nhân này. Tôi hình dung mỗi đêm ông trằn trọc, mỗi ngày ông mày mò nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật và tất cả những gì có thể nghiên cứu để tìm ra cho mình một lối đi riêng biệt từ cái vốn khởi đầu là chân đất đầu trần trong điều kiện khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Trải qua bao sóng gió cùng với biến động của nền kinh tế suy thoái toàn cầu, ông đã vững vàng chèo chống không mệt mỏi để góp phần đưa ngành công nghiệp kính Việt Nam vượt lên thử thách, cạnh tranh, áp đảo kính Trung Quốc và một số dòng sản phẩm kính khác để rồi ngày hôm nay, tên tuổi ông được những người đương thời nhắc đến với thái độ cảm phục, kính nể. Từ cơ sở đầu tiên là nhà máy kính do ông xây dựng từ những năm 1999 tại Kiến An, nay ông đã phát triển được thêm những cơ sở sản xuất khác ở An Lão, Kiến An, Hà Nội. Trong đó, cơ sở sản xuất nào cũng hoạt động rất đảm bảo cả về năng suất và chất lượng sản phẩm, khảng định được bản lĩnh và sức mạnh cạnh tranh không những trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Sản phẩm kính Kala có những ưu việt vượt trội về độ phẳng, độ thấu quang cao nên được người dùng tin cậy và coi đó là lựa chọn sáng suốt.
Hơn thế nữa, thương hiệu kính Kala của công ty ông được xây dựng trên chất lượng sản phẩm nên nó được đối tác tin tưởng lựa chọn. Giữa thời buổi hội nhập toàn diện, toàn cầu, con mắt của tất cả những người tiêu dùng cũng trở nên tinh xảo hơn, tiêu chuẩn mà họ đưa ra cũng “khó tính” hơn. Vậy mà, qua thực tế sử dụng, sản phẩm của ông đã làm vừa lòng các thượng đế khó tính cả trong và ngoài nước, hàng các đối tác đặt có nhiều lúc bị cháy. Điều này không chỉ là niềm vui cơm áo gạo tiền với người lao động mà nó còn là nguồn khích lệ tinh thần lớn lao cho nhà sản xuất kính Kala. Sản phẩm của công ty ông đã được trao tặng Huy chương vàng và chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Doanh nhân Phạm Thiện Căn bên dây truyền xử lí chất thải.
Phạm Thiện Căn – những trăn trở với môi trường
Phải, tất cả mục đích sản xuất, tất cả những nghiên cứu tìm tòi của tất cả nhân loại cũng là vì cuộc sống con người. Và ông đã trăn trở, ông muốn thử sức mình trong một lĩnh vực khác, lĩnh vực nóng hiện nay: làm thế nào để có một môi trường không ô nhiễm? Không chịu bằng lòng với những thành công của mình, Phạm Thiện Căn còn đầu tư vào lĩnh vực gia công và sản xuất sản phẩm sau kính. Vào cuối năm 2013, qua nghiên cứu, học hỏi, ông đã tự chế tạo thành công và cho ra mắt lò đốt rác hiện đại trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và nhận được sự đánh giá cao.
Theo lời ông, để mua những lò đốt rác từ nước ngoài, nhà nước đã phải tốn kém rất nhiều ngoại tệ mà đem về nước hoạt động lại không đạt hiệu quả. Hiện nay, ông đang nỗ lực dành thời gian quan tâm đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải. Lò xử lý rác thải của ông được xây dựng ngay tại nhà máy kính để thử nghiệm. Rác tươi mà ông thu gom được cho vào máy chém, sấy khô và xử lý ngay, khói trắng phớ, bụi thu gom vì thế không có chuột bọ hay mùi hôi thối. Tất cả được xử lý triệt để trong lò có các bộ phận xử lý khép kín, tỉ lệ độc hại qua công nghệ đã được kiểm nghiệm là dưới mức cho phép.
Khi được hỏi ông có phải thuê kỹ sư chuyên môn hỗ trợ không, “thày giáo dạy hóa” đã cười thật lớn và nói rất thoải mái rằng: “Tôi cho kỹ sư khóc luôn. Bởi tất cả các nguyên lý, các phản ứng hóa học, tôi đều nắm khá chắc, cái này là thế mạnh của tôi, đúng chuyên môn mà”. Cười xòa, tỉnh bơ sau câu bộc bạch “rất kiêu” ấy, ông hồ hởi…mời kẹo và giục chúng tôi: “Ăn đi, chốc nữa các vị sẽ được mục sở thị”. Ông tự tin, bản lĩnh đến độ “không nhất thiết phải khiêm tốn”. Ông khảng định rất đanh thép: “Chỉ cần sống được thêm vài năm nữa, chắc chắn mình sẽ phải nổi danh trong lĩnh vực xử lý môi trường”. Với ý chí của một người dám nghĩ, dám làm, tôi tin những lời ông khảng định là hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi vừa đùa lại vừa động viên ông sẽ thoải mái thời gian để cho ông thực hiện được mục tiêu của mình; mong sao có thể khích lệ ông chút ít để ông quên đi việc sức khỏe đang xuống cấp do tuổi tác và bệnh tật. Phút chốc, tôi ao ước giá như tôi, bạn và mọi người đều có được phần nào ý chí của ông, lẽ sống của ông thì cuộc sống và xã hội mà chúng ta đang sống sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu! Cả gương mặt, ánh mắt của ông như bừng sáng, linh hoạt hẳn lên khi ông nói về dự án mới. Ông say sưa vừa chỉ trỏ, diễn giải lại vừa như nhìn ra rất xa: “Tới đây, tương lai rất gần thôi, kala xanh thành lập sẽ có hai cơ sở tầm cỡ ở Thanh Hóa và Cần Thơ với chức danh “Tư vấn, thiết kế xử lý ống khói và rác thải” do tớ làm giám đốc sẽ phải thành công, chắn chắn không thể khác” (lại vẫn phong cách cũ, rất tự tin). Khi tôi nói về vấn nạn ô nhiễm nơi làng quê của mình và những cố gắng của các lò đốt rác nhỏ, ông tỏ ra rất quan tâm, Ông nói: “Giới thiệu cho tớ, chỉ cần họ có giấy phép kinh doanh, tớ có thể tư vấn, giúp đỡ cùng làm cho họ thành công”. Nghe chuyện ông nói, tôi càng lúc càng cảm thấy ông… lạ. Câu nói quen thuộc “thương trường là chiến trường” đâu có hoàn toàn đúng. Ông không hề ích kỷ, chẳng lạnh lùng, ông muốn dìu dắt những người chưa đủ mạnh vì một lý tưởng cao cả hơn chuyện làm giàu rất nhiều lần. Thật là một nhà kinh doanh “đa đoan”, có tâm và có tầm. Ông không chỉ lo làm giàu cho công ty của mình mà còn trăn trở với thực trạng bài toán nan giải của vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Đáng khâm phục là các công nghệ cùng kỹ thuật sản xuất chủ yếu đều do ông tự sáng chế. Vốn là một thày giáo hóa sinh nên ông có được những hiểu biết cần thiết để phục vụ cho công việc hiện tại. Những quy luật chuyển hóa các chất trong hóa học, ông đã nắm vững từ khi còn đứng trên bục giảng, đó là một thuận lợi mà không phải nhà kinh doanh nào cũng có được.
Ngay từ lúc còn ở vào thời điểm khó khăn nhất trong sản xuất, ông đã cùng công ty rất chú trọng đến các chiến lược quảng bá thương hiệu không ngừng cải tiến công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến ISO 9001 2008, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001. Đó chính là đường lối đúng đắn trong thời kỳ công nghệ phát triển hội nhập toàn cầu. Trong cuộc cạnh tranh đầy cam go và áp lực với các công ty kinh doanh cùng dòng sản phẩm trên thương trường, ông luôn chú ý đến việc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận mà không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Điều này, hiện nay rất ít những cơ sở sản xuất làm được. Chưa kể còn có nhiều công ty, nhiều cơ sở sản xuất vì mục đích lợi nhuận mà vi phạm nghiêm trọng đến việc giữ vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe nhân dân quanh vùng. Phạm Thiện Căn được coi là người chiến sĩ tiên phong với những đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ bài toán nan giải về “quốc nạn” ô nhiễm. Ông bật mí, hiện nay ông đang tấn công vào lĩnh vực xử lý ống khói môi trường và ống khói đầu tiên được xử lý ở Việt Nam là do ông thực hiện. Ông còn đi các tỉnh làm công tác tư vấn xử lý rác thải. Ở công ty ông, người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn cao về mọi mặt…
Ngoài ra, việc xây dựng và quan tâm tới cuộc sống của đội ngũ công nhân cả vài trăm người cũng là vấn đề được ông chú trọng. Công ty đã xây dựng được chi bộ Đảng, công đoàn, Hội phụ nữ, dân quân… chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các đoàn thể này hàng năm đều đạt vững mạnh, xuất sắc. Yếu tố con người, lực lượng sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa công cuộc kinh doanh của ông đến thành bại. Những ông chủ kinh doanh có tài, tuyệt đối không bao giờ xem nhẹ việc chăm lo cho cuộc sống của những người làm thuê. Và đúng là thế, ông diễn giải: CĂN là gốc, có lẽ mỗi ngày, mỗi ngày ông luôn tự nhắc đến cái tên của mình. Trong cái tên ông, có cả một phương châm sống và làm việc. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một sự ổn định và phát triển mang tính bền vững cho con đường kinh doanh của doanh nhân tiêu biểu Phạm Thiện Căn.
Phạm Thiện Căn – những đóng góp không nhỏ
Sự đóng góp của công ty ông với ngân sách nhà nước được thể hiện qua những con số rất đáng ngưỡng mộ. Chỉ riêng năm 2009, công ty nộp ngân sách cho thành phố Hải Phòng 8, 621 tỷ đồng. Cho đến nay, con số ấy là trên 20 tỷ đồng. Số tền dành cho công tác từ thiện cũng lên tới con số trên một tỷ đồng.
Chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên, một doanh nhân bận bịu với trăm công, ngàn việc, suốt ngày này, ngày khác trăn trở với các phát minh, các sáng chế và lo cho cơm áo của đội ngũ công nhân vài trăm người sao lại có được thời gian để đến với những hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời đặc biệt như vậy. Còn tôi, trực tiếp nghe ông bộc bạch, tôi hiểu được chữ TÂM luôn ngự trị trong ông. Ông coi sự chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh là nghĩa vụ và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đó bằng cả trái tim mình. Hiện tại, ông tham gia công tác lãnh đạo ở Hội kính Việt Nam, Hội VHDN Hải Phòng, Hội đồng họ Phạm, Hội DN nhỏ vừa rồi Câu lạc bộ văn thơ. Ở cương vị nào, ông cũng được giữ vai trò là người chiến sĩ tích cực trong lĩnh vực từ thiện. Liên tục trong nhiều năm ông được UBND thành phố Hải Phòng trao tặng bảng vàng, tấm lòng vàng trong các chương trình ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt miền Trung, chương trình vì người tàn tật, trẻ mồ côi, nhịp cầu trái tim…
Tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy ông là người rất xứng đáng với mong ước mà ông nội ông đã gửi gắm vào cái tên Phạm Thiện Căn. Có phải chăng, mỗi con người sinh ra đều có số phận và số phận cuối cùng luôn ưu ái cho ông? Tôi đã thắc mắc như vậy. Song qua trò chuyện, được nghe ông trải lòng, tôi dần hiểu ra ngoài năng lực, ý chí đặc biệt ông còn có những cái “căn” giúp cho ông thành đạt.
Suốt từ những tháng năm tuổi trẻ, ông luôn tu dưỡng để nâng cao tri thức. Ông nói: “Mỗi khi đi diễn thuyết do các đơn vị mời, tôi luôn nói với lớp trẻ sự thật về bí quyết làm giàu, bí quyết kinh doanh, ngoài phương châm sòng phẳng thì sự hội tụ giữa kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm, tiền vốn .. là rất cần thiết. Những cái đó, giờ tôi khảng định là tôi đã hội tụ đủ”.
Ông tỏ ra khá tự tin khi nói về mình và tôi hiểu, có được điều này, ông đã phải trả giá không nhỏ từ sự vật lộn mày mò, từ truân chuyên thất bại của những ngày tháng khi ông đặt chân đi những bước đầu tiên trên con đường chông gai con đường làm giàu.
Ông thường được mời đến tham gia những chương trình nói chuyện với các sinh viên về việc kinh doanh. Từ thực tế đã trải, ông luôn thận trọng trong việc khích lệ các bạn trẻ. Có lần, ông ngồi dưới, nghe một vị giáo sư đã nói rất hùng hồn: “Nếu các em muốn làm giàu thì ngay ngày mai, các em hãy bắt tay vào kinh doanh”. Vì lý do tế nhị, ông không thể phản đối song đến lượt mình, ông đã chia sẻ một cách thẳng thắn những lời tâm huyết. Ông biết rất rõ, thật nguy hiểm nếu các bạn trẻ bước vào lĩnh vực kinh doanh khi chỉ có duy nhất một tấm bằng đại học, điều này cũng giống như con chim chưa mọc đủ lông cánh đã đòi bay cao thì việc xảy ra rủi ro là tất yếu. Khi tham gia với lớp trẻ, ông tuyệt đối thận trọng. Trí tuệ là sự tổng hợp trên tầm tri thức, không phải học giỏi đã là có trí tuệ. Nóng vội sẽ dễ đưa các bạn trẻ đến với thất bại. Có nhiều người, cũng chỉ vì nóng vội, muốn sớm làm giàu mà đã “cắp núi nhảy sông” và hậu quả là vỡ nợ, mất phương hướng, vào tù rồi tự vẫn…
Chúng ta đều hiểu, tất cả không hề đơn giản, không hề dễ dàng, đặc biệt là khi chọn “dấn thân” vào con đường kinh doanh thì lớp trẻ cần biết bao nhiêu những “mảnh gương” Phạm Thiện Căn để soi mình vào đó!
Biết bao bài học đau xót từ việc kinh doanh “bản năng”. Theo ông, cần cảnh tỉnh cho lớp trẻ điều đó. Lớp người đi trước muốn khích lệ các bạn trẻ cũng cần phải cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết, những nguyên tắc khắt khe mà người làm kinh doanh nhất thiết phải hiểu biết và mang theo coi như hành trang trên con đường làm giàu. Quan điểm của ông là hoàn toàn đúng; điều này thể hiện ông là một người giàu kinh nghiệm và rất thận trọng. Phải chăng, những phẩm chất này cũng sẵn được hội tụ trong ông, đưa ông đến tầm một ông chủ kinh doanh có trí tuệ, góp phần tạo nên cho ông những thành công như hôm nay.
Tham gia kinh doanh đến nay đã gần ba chục năm, Phạm Thiện Căn đã luôn cố gắng tìm tòi và thử thách mình đến quên cả mệt mỏi. Ông chia sẻ: “Tôi đã nhận được bằng khen của thủ tướng chính phủ cũng như nhiều danh hiệu của các đơn vị phi chính phủ dành cho doanh nhân trí thức, doanh nhân vượt qua thử thách rồi hiền tài quốc gia… Hội đồng họ Phạm đã phong cho ông – người con ưu tú của dòng họ mình danh hiệu: danh nhân có lòng nhân ái. Tới đây, tôi sẽ hoàn tất hồ sơ đề nghị nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba. Nếu còn sống thêm nhiều năm nữa, tôi sẽ phấn đấu lên hạng hai. Thế thôi”.
Sau cái từ “thế thôi” ông cười rất sảng khoái. Tôi nhận ra từ những lời bộc bạch một điều, tất cả những thành công, những gian khó trong cuộc đời kinh doanh của ông nó đến rất tự nhiên như vốn dĩ phải thế. Dường như ông rất có bản lĩnh đối mặt với mọi chuyện xảy ra không chỉ trong kinh doanh mà trong cả cuộc sống hàng ngày.
Phạm Thiện Căn còn dự định, thời gian tới ông sẽ xây dựng thêm một nhà máy xử lý rác thải ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với tổng diện tích đã đề xuất với thành phố là 30 ha.
Chắc chắn rồi, những gì ông nói và làm, những gì ông đã gặt hái và đóng góp cho thành phố của tôi và cho đất nước thật xứng đáng cho ông đứng vào hàng ngũ những anh hùng lao động được cấp nhà nước công nhận.
* * *
Thiết nghĩ một vài trang viết không thể thể hiện được hết những thăng trầm cũng như những thành tích mà doanh nhân Phạm Thiện Căn đã có được trên con đường làm giàu. Song hy vọng, nó góp phần bày tỏ sự ngưỡng mộ của cá nhân tôi và của những ai biết về ông khi nói đến một nhân vật đương thời, một tấm gương sáng về sự phấn đấu, sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa của thành phố cảng Hải Phòng và của đất nước. Tạm biệt ông, chúng tôi ra về trong cái bắt tay ấm áp. Cũng đã cuối chiều, thời gian trôi đi thật vội vã, thật hối hả như cái khí thế của ông vậy. Ông đưa tôi ra đường và chuyến xe ấy tiếp tục đưa ông về với huyện Tiên Lãng làm công việc từ thiện của một nhà hảo tâm giúp người nghèo và các gia đình chính sách. Ở đó ngoài trời, mưa xuân vẫn lất phất bay, tôi nhìn quanh cơ ngơi của ông thêm lần nữa, cảm thấy như xung quanh đây, một sức xuân đang cựa mình mạnh mẽ. Chúc cho ông, một trí thức, một doanh nhân, một nhà hảo tâm, một nhà khoa học… luôn có một sức khỏe dồi dào để ông có thể tiếp tục thực hiện những đam mê, tiếp tục đi những bước đi vững chắc trên mọi nẻo đường mà ông đã lựa chọn. Chúng ta cùng mơ ước với ông sẽ có cuộc về đích ngoạn mục!
N.T.T
________
Nhà văn Nguyễn Thị Toàn
Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng
ĐT: 01276479475