Cháu nội nhà tư sản

Phi thông báo cho trạm điều hành biết xe của nó không có khách…

Truyện ngắn của Bão Vũ

Phi thông báo cho trạm điều hành biết xe của nó không có khách, đang trở về thành phố. Nó dằn mạnh ống nói và chửi tục:
– … mẹ! Mọi thiết bị đo đếm đều khoá mã, niêm phong như két bạc, chọc chạch gì được mà cứ nheo nhéo kiểm tra liên tục!
Nhưng bọn ở trung tâm đâu có biết cánh lái xe còn khối cách kiếm thêm. Mấy chú choai sĩ diện với các em, không thèm nhìn đồng hồ, có khi còn không cần lấy tiền thừa. Mấy bác cán bộ quê không biết số nào với số nào trên bảng điện tử, chẳng thuộc đường xá gần xa, chiều xuôi ngược… thành ra một khoản nói theo thuật ngữ điện toán là “phần mềm”. Cái “phần mềm” ấy rất đáng kể, mà lại chỉ có Trời biết.

Tuy vậy vẫn cứ là “Xích lô đời 97” mà đã xích ngang tầm với cao độ chung. Bạn của Phi, có đứa đã là ông chủ, dù chúng chỉ cỡ tuổi Phi, trên dưới hai mươi. Như thằng Luân, học dưới Phi một lớp, là giám đốc văn phòng đại diện một hãng dịch vụ tàu biển của Đài Loan. Cái thằng giọng ấy nói tiếng Anh chỉ có mình nó hiểu, nhưng nhờ chị nó liều mình làm vợ ông già tổng giám đốc một liên doanh mà “nên người”.
Còn thằng Kinh, cùng lớp Phi, dốt như bò, được bố chạy chọt cho du học. Ở bên Canada, láng cháng thế quái nào bị chó nhà người ta cắn cho một miếng, đi kiện, được bồi thường gần trăm ngàn đô. Bỗng dưng có một tỷ! Liền bỏ luôn về nước mở hãng rượu. Được gọi là “ngài tỷ phú Đooc-Kinh” (Kinh-Chó). Hắn khoái, nghĩ rằng mình cũng thành danh kiểu Envit-Thương, Gimmy-Nguyên, Tômi-Trần,…
Phi nhổ bọt qua cửa xe. Nó cho cuộn băng quen thuộc vào ổ cái-xét. Maicơn Giắcsơn. Bây giờ ít người còn chuộng gã ca sĩ dị biệt này. Nhưng Phi vẫn thích nghe và thán phục Maicơn Giắcsơn. Không phải vì cái tài gào thét và nhảt nhót vặn vẹo của gã mà là vì Maicơn Giắcsơn có một ý chí ghê gớm, quyết thay đổi số phận; thậm chí còn dám biến cải cả hình thể và màu da của mình.
– Một-ba-bảy! Một-ba-bảy đâu?
– Một-ba-bảy nghe! – Phi gắt gỏng trả lời. Lại kiểm tra, chó chết!
– Đón một khách ở trạm xăng, lối rẽ về Đại Hợp.
– Rõ! Một-ba-bảy đón khách ở trạm xăng Đại Hợp.
Phi quành xe. Tốt rồi! Thế là thêm một ít tiền trong ngày. Nó nhếch mép cười, tự khinh bản thân khi bắt gặp mình đang hớn hở vì vớ được một người khách chuyến vét. Làm như cái người khách cuối ngày ấy có thể đổi đời cho Phi. Một cái nghề cò con, không khác gì bọn trẻ bới rác!
Ở chỗ hẹn, một người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ phong trần, mặc bộ complê đen nhầu nát, đeo cái túi vải cũ đứng bên trạm xăng với một bao tải căng phồng dưới chân. Miệng ông ta ngậm một điếu More, thứ thuốc lá đen thui, dài như cái que, một thời dân sành chơi thường hút.
– Bác đi xe phải không? – Phi hỏi người khách.
– Về sân Nhà Hát lớn. Giá cả thế nào? – Ông khách nói, không bỏ điếu thuốc lá ra khỏi miệng. Một tay chơi già, nhà quê, mới bán được lứa lợn, lên tỉnh đi bia ôm.
– Theo đồng hồ! – Phi nói trống không.
– Tao hỏi giá một cây số! Bao nhiêu hãng xe, bấy nhiêu giá. Mà tao thì có tật thích giá rẻ.
– Thôi được! Lên đi! Cẩn thận cái bao, không rách thảm lót sàn.
Người khách đứng bên cửa xe, như chờ đợi. Phi sốt ruột:
– Sao? Lên đi chứ! Chịu giá thấp nhất cho bố, được chưa? – Nó nhìn bộ “vỏ” nhàu nhĩ của ông khách, giễu cợt – Trông bố xịn thế kia mà rắn cực.
– Mày chậm hiểu, con ạ! Ở bên Tây, tài xế taxi luôn nói “Please, Sir!” hoặc “Please, Lady!” (Xin mời quý Ngài, quý Bà!) Và mở cửa xe cho khách, trừ khi khẩn cấp.
Phi bật cười thú vị. Nó xuống mở cửa ghế sau và cúi mình, điệu bộ rất kịch:
– Please, Sir! Nhưng ở đây vắng vẻ, xin Sir đừng cho con một búa! Con còn một mụ vợ già và ba đứa nhóc mới đẻ!
– Hỗn láo! Tài xế taxi phải có con mắt biết nhìn ra người chính, kẻ tà. Và phải biết chút ít võ công. Ông khách nhổ bã kẹo cao su, cho tiếp một chiếc kẹo nữa vào miệng và đưa cho Phi một chiếc. Nó nhai kẹo, giúp ông khách khiêng cái cái bao lên xe và thấy thích người khách khác thường này. Ông khách sập cửa xe, cười:
– Mày lại sai lầm, con ạ! Nếu chiếc kẹo mày đang nhai có thuốc mê?
– Thì vố cũng đang nhai một chiếc đấy thôi?
– Đồ ngốc! Tao đưa cho mày cái có độc, còn tao nhai cái bình thường.
Phi cười to, cho xe chạy:
– Con thích bố đấy! Được nạp mạng cho bố, cũng vui lòng. Thực ra thoạt gặp bố, con đã phác một kế hoạch “vặt lông gà”!
– Mày sẽ trả giá đắt về cái nhìn người đấy! Bên Tây có những tay trùm tư bản mã ngoài rất ngây ngô, nhà quê; thế mà đánh loáng một cái, đã nuốt chửng đối thủ kinh doanh rất ghê gớm của mình, nhanh như trăn gío nuốt thỏ non. Nuốt xong, lại vẫn ngây ngô, nhà quê!
– Đúng, bố nói hay quá! Phi bật cười, nhìn vào gương chiếu hậu. Ông khách có khuôn mặt rám nắng rất đàn ông với bộ râu quai nón tuyệt đẹp, trông như một nhà quý tộc cổ điển Ấn Độ. Nó đã gặp khuôn mặt này ở đâu rồi. Chịu, không nhớ ra! Có thể ở một cuốn phim nào đó kể về những ông hoàng phương Đông.
– Nghe bố nói thì cứ như là bố đã ở bên Tây?
– Ừ, đúng! Người khách trả lời, không nhiệt tình như trước.
– Bố về nước lâu chưa? Trông “bộ vỏ” thì có vẻ bố về lâu rồi?
– Về quê ăn giỗ, mặc xuềnh xoàng, đỡ phiền phức. Thậm chí tao còn nhận cả một bao sắn khô để vui lòng một bà cô nghèo, tốt bụng.
– Bố khôn thật! Bố bắt chước những nhà chinh phục ngày xưa khi đến với những bộ lạc da màu. Chắc bố về nước kinh doanh?
Ông khách im lặng nhìn ra cửa xe.
Con đường nhỏ, vắng vòng quanh chân ngọn đồi thấp. Lúa xanh non lẫn với màu cỏ trên sườn đồi. Nắng cuối ngày vàng cháy một vùng đỉnh đồi. Bầu trời ngay phía trên khu đài thiên văn óng ánh những vệt mây ngũ sắc. Máy xe kêu êm, nghe rõ tiếng chim hót trong những lùm cây bên đường. Có những buổi chiều, nắng và mây làm cảnh vật mà ta vốn quen thuộc trở nên đẹp như ở một xứ xở kỳ thú xa lạ nào đó, chưa từng biết đến. Cho dù lẫn trong tiếng chim hót, có tiếng một người đàn bà đang đánh chửi con trong cái xóm nhỏ dưới chân đồi. Phi mở cửa kính hít thở một hơi thật dài và sâu. Nó mỉm cười nghĩ, nếu nói cái ông khách cảm tưởng của mình về buổi chiều hôm nay, chắc ông ta sẽ bảo rằng tài xế taxi không được phép lãng mạn. Nhưng đúng lúc ấy, ông khách nói với nó:
– Trên đỉnh đồi Chiêm Tinh này mọc toàn một loại cỏ tóc tiên rất dày và mềm… Ngày xưa… có một đôi trai gái bị cấm đoán trong tình yêu, đã đem nhau lên đấy. Họ yêu nhau hết mình suốt đêm trên cỏ, với sự chứng kiến của những vì sao. Toàn thân họ ướt đẫm sương đêm như được tắm trong hạnh phúc. Rồi, khi mặt trời mọc, họ nằm chĩa súng ngắn vào tim nhau. Người con trai kêu lên: “Anh – yêu – Em!” đồng thanh với người con gái: “Em – yêu – Anh!”, như đếm “Một, Hai, Ba” rồi cùng nổ súng.
Phi cười to:
– Bố phịa tài thật! Nhưng ngày xưa làm gì có súng ngắn. Với lại, có ai ở bên hai người trước khi họ nổ súng mà biết câu chuyện?
– “Ngày xưa” là cái thời tao còn bé. Chuyện có thật. Mấy bà chị tao đã theo người ta lên đồi xem hai cái xác bị thủng ngực. Đôi ấy để lại một bức thư tuyệt mệnh. Còn các chi tiết, đám nhà báo hồi đó nghĩ thêm.
– Kinh khủng khiếp! Nhưng chuyện nghe được – Phi nói và hình dung những con quạ đói khát bay trên hai cái xác rữa nát – Bố đã nghe bài hát “Tình đồi Chiêm Tinh” chưa? – Và nó hát:
“… Tính hỡi… ơi là… tình ơi!…
Em đi để lạnh một trời…
Để tôi chết dưới cỏ đồi Chiêm Tinh…”
Ấy là bọn chúng con hát thế thôi chứ em đi đâu thì kệ xác em, tội quái gì phải chết dưới cỏ như một con giun đất. Mà hình như bố cũng là người vùng này?
Một lát sau, ông khách trầm giọng trả lời câu hỏi của Phi:
– Cả vùng này vốn là đất của ta! Lần này về quê, ta xin phép chính quyền được bỏ vốn đầu tư, xây dựng lại cơ ngơi để kinh doanh du lịch.
– Bố nói gì? Cả vùng đất này là của bố?!
– Không tin hả? Mày có nghe nói đến cụ Hàn Hoành – nhà tư sản phú gia địch quốc bao giờ chưa? Chưa à. Thế còn ông Cử Tung, tay chơi phá gia chi tử khét tiếng Bắc kỳ thời xưa? Cũng chưa! Phải rồi, mày mới khoảng hai mươi tuổi, chỉ thuộc tên các danh thủ bóng đá và các ca sỹ nhạc Rock, Pop bây giờ. Phải cỡ cha chú mày trở lên mới biết được. Cụ cố Hàn Hoành là ông nội ta, còn ông Cử Tung thì chính là bố đẻ của ta đấy, con ạ!
Phi há hốc miệng, không kịp tránh một ổ gà lớn.
– Mày có nhìn thấy cái đống đá đen đen trên sườn đồi kia không? Đó là phế tích của một toà nhà ba tầng toàn bằng đá xanh do ông nội ta cất. Xưa kia, cây cối quanh đó um tùm nên ở dưới chân đồi không nhìn thấy toà dinh thự ấy. Ngày trước, nơi đó là biệt thự nghỉ mát của nhà ta. Có lần, chính vua Bảo Đại đã cùng với một bà thứ phi trẻ đẹp đến thăm ông nội ta và nghỉ đêm tại đó. Còn dưới chân đồi, giáp mạn Thuý Sơn kia là trang ấp nhà ta, cơ ngơi thứ hai của bà nội ta. Ta được sinh ra ở đấy.
Cụ Hàn Hoành là một nhà tư sản nổi tiếng cỡ Bạch Thái Bưởi, Đại Phát, Cự Lẫm… Cụ chuyên nghề khai khoáng, từng hùn vốn với các tư bản người Pháp tại các mở than Quảng Yên, Vàng Danh; mỏ thiếc ở Tĩnh Túc. Một bãi đãi vàng đứng tên cụ ở Bồng Miêu. Phần lớn những tài sản ấy được ghi rõ trong văn tự là sẽ thuộc về cha con ta. Vì ba bà vợ cụ Hàn Hoành sinh được hơn mười người con, chỉ có mình cha ta là con trai. Cũng như trong số năm người con của hai bà vợ cha ta, chỉ có một con trai duy nhất là ta – cháu đích tôn của cụ Hàn Hoành, được thừa hưởng hầu hết gia tài của ông nội.
Phi trố mắt nhìn ông khách qua gương chiếu hậu. Bá tước Môngtơ Crixtô (1) đang ngồi trong xe của nó!
– Thế bố có còn giữ được trước bạ, giấy tờ gì về nhà đất hầm mỏ ngày xưa không? – Phi hỏi, ra vẻ thành thạo về chuyện bất động sản.
Ông khách thở dài:
– Còn giấy tờ quái gì nữa! Mày có nhớ lúc nãy tao nói về ông Cử Tung ăn chơi khét tiếng Bắc kỳ thời xưa? Chính là ông bố của ta. Ông học đỗ cử nhân luật, được ông nội ta mở cho một văn phòng ở Sài Gòn. Nhưng ngay vụ làm ăn đầu tiên, ông bị lừa, phải đền một món tiến kếch xù. Rồi ông chán, bỏ nghề, lao vào ăn chơi. Tất cả những sòng bạc lớn trên dải đất hình chữ S này đều có mặt cha ta với những tiếng bạc làm kinh hoàng giới đỏ đen. Ông còn dẫn đầu một đoàn con bạc viễn chinh sang Ai Lao, Cao Mên, Xiêm La (2) gấy náo loạn những xứ ấy.
Nghe nói cái lần vua Bảo Đại nghỉ ở toà dinh thự vừa rồi, cha ta đã hầu ngài vài ván bài và đã cố ý thua nhà vua một số tiền lớn đến mức rất khó hình dung, để gây ấn tượng với và thứ phi. Rồi sau đó, nhân khi nhà vua sang Pháp công cán, cha ta đã rủ được bà thứ phi đi du hí ở Hồng Kông. Chuyến du hí ấy, cha ta tiêu hết gấp đôi khoản tiền thua bạc nhà vua.
– Rồi sao nữa? Chuyện hay quá. Thế nào bố chả còn vài ngôi nhà ở mặt phố Cầu Đất, Cát Dài.
– Khi ông Cử Tung ném hết tài sản của cụ Hàn Hoành vào các chiếu bạc thì bắt đầu Cách mạng Tháng Tám. Ông nội ta đưa gia đình sang Tân Calêđôni. Ta lớn lên trên cái hòn đảo thuộc địa của Pháp đó. Ông nội ta rút ra bài học từ cha ta. Cụ quẳng thằng chái đích tôn vào đời rất sớm. Ta nếm trải đủ mọi cực nhọc. Ta đã làm nghề đào huyệt, lau cửa kính, thông cống, gia sư, phu khuân vác… kiếm từng xu nhỏ, như ông nội ngày xưa. Ta học cách làm một đầy tớ trước khi làm ông chủ. Cho đến khi ông nội mất, thì ta đã có cổ phần đáng kể ở một trong những giếng dầu lớn của Irăng, hai đồn điền cà phê và một trại nuôi ngựa giống ở Úc.
Khi hấp hối, ông nội ta muốn ta phải trở về cố hương, nơi bắt đầu lập nghiệp của cụ, xây dựng lại cơ ngơi trên vùng đất cũ của gia đình, để vong linh cụ không còn hận vì những lầm lỗi của cha ta.
– Hèn nào trông bố có vẻ như mấy nhà tư bản Nhật, từ tay trắng đi lên!
Ông khách không để ý đến câu nói của Phi. Ông tỳ tay lên cửa kính xe, nhìn chiều đang sẫm dần, mơ màng:
– Suốt từ cầu Mây đến chân núi Tượng kia, gồm cả khu đồi Chiêm Tinh này và dọc tả ngạn sông Kinh Mạc là đất cũ của nhà ta. Lần này về nước, ta dự định sẽ xin đầu tư xây dựng những làng mạc, trang ấp, đền đài mếu mạo, tu bổ các thắng cảnh trong vùng, khôi phục lại những tập quán đẹp đẽ, những thuần phong mỹ tục với những hội hè, đình đám, lễ tết, chợ búa… với những nghề làng, nghiệp nhà. Vùng đất này sẽ là một địa điểm du lịch hấp dẫn của Công ty Hàn Hoành – HANHOACO. Không, ta sẽ lập một công-xooc-xi-om gồm nhiều công ty con. Văn phòng của ta sẽ đặt ở đúng nơi ngôi biệt thự nghỉ mát trước kia, với kiến trúc cổ điển phương Tây, xây toàn bằng đá xanh, hệt như ngày xưa.
Phi đột ngột dận ga, cho xe tăng tốc độ và kêu lên phấn khích:
– Tuyệt quá! Bố! Bố cho con làm lái xe cho bố. Con sẽ học võ. Vùng này, đi về ban đêm, bố cần phải có một vệ sĩ.
– Được lắm! Văn phòng của ta sẽ cần đến rất nhiều người. Các chuyên gia về phong tục học, địa dư, thổ nhưỡng, dân tộc học. Các nhà văn hoá, sử gia, nghệ sĩ. Các nhà nông học, kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, hoạ sĩ… và cả giáo viên nữa. Con sẽ là lái xe, là vệ sĩ của ta. Rồi ta sẽ huấn luyện con thành thư ký riêng của ta. Sau này, ta sẽ cho con làm giám đốc một công ty nhánh trong công-xooc-xi-om của ta.
Ông khách nháy mắt với Phi một cách thân tình trong chiếc gương chiếu hậu. Phi tưởng chừng chiếc xe của nó bay trong đám mây màu hồng đang chuyển dần sang màu tím trên đỉnh đồi kia. Nó sẽ là cánh tay đắc lực của một ông chủ từng trải, đầy bản lĩnh. Nó sẽ là giám đốc của công ty quan trọng trong Tổng công ty Dịch vụ Du lịch Văn hoá.
– Bố! Bây giờ còn sớm, con đưa bố ra Đồ Sơn, uống bia với cua bể. Chắc là ở bên Tây hiếm thứ đó.
Ông khách mỉm cười:
– Để lần sau. Với lại bây giờ ta chỉ còn chút tiền Việt đủ trả tiền xe cho con. Hôm nay về quê, thấy họ hàng nhiều người khổ quá, ta đã vét đến đôla cuối cùng.
– Ồ, con đãi bố cơ mà. Còn tiền xe, bố cứ vô tư!
– Khá lắm, chơi đẹp đấy! Nhưng hãy học thằng Bờm; phải biết bằng lòng với nắm xôi nhỏ ngay trước mặt. Để lần gặp sau, chính ta sẽ đãi con.
Phi muốn phản bác rằng: “Bờm à kẻ thiển cận, thực dụng, là một gã theo chủ nghĩa hiện sinh”. Nhưng nó im lặng, vì nó rất thán phục ông khách trải đời và đã thành đạt kia. Phi dừng xe ở quảng trường Nhà Hát lớn thành phố. Ông khách trả tiền xe theo đồng hồ và bảo:
– Nhớ học thêm nhiều thứ nữa và phải biết chịu đựng, con ạ! – Ông gọi xích lô, ngồi lên xe với bao tải sắn, giơ tay chào Phi.
– Cám ơn bố! Hẹn gặp lại bố! – Phi hét lên với theo ông khách.
*
Gần nửa năm sau.
Phi vẫn còn nhớ lời ông khách đặc biệt. Nhưng nó không làm được cái điều quan trọng là phải biết chịu đựng. Vì thế nó đã bị đuổi việc ở hãng taxi. Nó mong đợi cái công ty cứu tinh mang tên cụ Hàn Hoành xuất hiện.
Chiều nay Phi lang thang trên phố, đi tìm một sự may mắn. Nó mua một tờ báo như thường ngày. Số tiền còn lại đủ một cốc bia cỏ. Nhưng, ở trang quảng cáo, hàng chữ HANHOA-CONSORTIUM in đậm nét như một tiếng gọi thân ái của một người quen cũ! Không cần đọc những dòng chữ phía dưới, Phi nhảy vội lên chiếc xích lô đang chờ khách dưới bóng rợp một cây phượng vĩ.
Phi đọc địa chỉ ghi trên báo cho ông xích lô, mắt vẫn không rời cái tên HANHOA – CONSORTIUM. Chiếc xe chạy trên mặt đường bong nhựa khiến những dòng chữ nhỏ phía dưới nhảy nhót, làm nó không sao đọc nổi.
Cái điều tốt đẹp mà Phi chờ đợi đã đến.
– À, anh bạn cũ! Hay lắm, chiếc FERARI của ta đang đợi con. Xe của ta không bóng bẩy, nhưng máy móc cực tốt, ngang với xe cảnh sát. Con đã chuẩn bị làm việc với ta rồi chứ?
– Con có thể làm việc cho bố ngay từ lúc này. Vi con đã bị đuổi việc!
– Tại sao?
– Gã đội trưởng đội xe nghi ngờ con bớt xén xăng dầu và thay đổi phụ tùng xe. Con không bao giờ thèm làm chuyện đó. Con đã cho hắn vỡ quai hàm bằng một cú gót giày đúng lý thuyết. Nhân tiện con xin thưa với bố là ngay sau khi chia tay bố, con đã nhập môn một võ đường nhu đạo và được xếp hạng đai đen. Con cũng đã bổ túc thêm tiếng Anh thương mại, học cấp tốc chương trình com-piu-tơ về quản lý doanh nghiệp. Bố có thể yên tâm về con.
– Khá lắm! Ta rất hài lòng. Ngay ngày mai, con đi làm. Tạm thời con lái xe và làm vệ sĩ cho ta. Lưong khởi điểm 500USD. Sau này, tuỳ theo công việc ta sẽ tăng thêm cho con. Rồi đây khi có đủ điều kiện, ta sẽ giao cho con Công ty Vận tải trong Tổng công ty của ta.
– Bố cứ thử thách. Con có thể chưa lĩnh lương trong thời gian tập sự.
– Rất có bản lĩnh! Nhưng cũng cần phải ăn. Vậy ta tạm trả cho con 300USD mỗi tháng trong ba tháng đầu. OK?
Phi hình dung cuộc gặp lại ông khách đã đi xe của nó như vậy.
Xe chưa dừng hẳn trước cổng văn phòng tổng công ty HANHOA ở một phố vắng, Phi đã vội nhảy xuống. Đi được mấy bước, nó sực nhớ chưa trả tiền xích lô và cũng không còn đủ tiền để trả. Phi tháo chiếc đồng hồ điện tử đặt lên tấm gỗ nắp hộp xe, nói nhanh:
– Bác cầm tạm, lát nữa cho cháu về nhà, cháu sẽ không để bác thiệt.
– Cậu đến đây tìm người quen à?
– Không, cháu đến xin việc làm, theo thông báo này. Phi giơ tờ báo.
– Hôm qua tôi đưa một ông thày lang già đến đây. Ông ấy đọc thông báo trên cổng kia rồi về. Đây là đại diện hãng buôn dược liệu Đông y, liên doanh giữa Hàn Quốc với tỉnh Hoà Bình, nên mới có tên là HANHOA.
Phi thót người, cúi đọc kỹ cái thông báo:
“Cần một thày thuốc Đông y giỏi, đã hành nghề từ mười lăm năm trở lên, biết giám định chất lượng dược liệu, thông thạo Hàn ngữ”.
Nếu muốn vào làm ở đây, nó phải được sinh ra cách đây nửa thế kỷ trong một gia đình thày lang người Hàn Quốc.
– Thôi được! Cậu cứ lên xe, chuyện tính sau.
Phi lập cập lên xe như một người già yếu. Nhưng tuổi trẻ đã giúp nó qua được cơn thất vọng. Công ty Hàn Hoành chưa thành lập. Nó vẫn có thể tiếp tục đợi.
Chiếc xích lô dừng bên một quán bia hơi rất đông khách ở góc vườn hoa.
– Cái đồng hồ “cọp” của cậu đủ chầu bia giải xúi!
Phi bật cười, hưởng ứng ý kiến của ông xích lo kỳ cục. Nó theo ông ta vào quán bia, ngồi dưới một gốc cây trụi lá. Ông bỏ chiếc mũ vải vẫn đội sùm sụp che kín nửa mặt, chạm cốc với Phi. Lúc này Phi mới để ý đến người đạp xích lô.. Nó trố mắt nhìn: Khuôn mặt rám nắng, rất đàn ông với bộ râu quai nón tuyệt đẹp, trông như một nhà quý tộc cổ điển Ấn Độ. Không thể là ai khác được. Chính là ông khách đã đi taxi của nó! Ông ta chùi bọt bia trên đám râu ria quanh miệng, nháy mắt cười với Phi, nụ cười trong chiếc gương chiến hậu ngày trước:
– Ta đùa một chút cho vui, chứ không lừa dối con. Ta đã từng khốn khổ vì tự huyễn hoặc mình bằng những ảo tưởng. Bây giờ ta đổi nghề và cảm thấy sống dễ chịu hơn. Đồng hồ của con đây, đeo vào. Như đã hẹn lần trước, ta đãi con vại bia, cả cuốc xe nữa. Tạm biệt!
Phi ngây người, không biết nên buồn hay nên vui.
Khi nó tỉnh ra thì ông xích lô đã đi rồi. Không, không thể như thế được! Đúng ông ấy là cháu đích tôn của cụ Hàn Hoành – nhà tư sản phú gia địch quốc, là con trai ông Cử Tung phá gia chi tử, ăn chơi khét tiếng Bắc kỳ ngày xưa!…

BV

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder