Chỉ giáo của người xưa – Đinh Thường

 

Dòng sông Bạch Đằng lịch sử của Hải Phòng từ lâu là đề tài được nhiều văn nghệ sĩ khai thác đưa vào các tác phẩm văn học nghệ thuật. Riêng với sáng tác thi ca, Bạch Đằng Giang là một trong những nguồn cảm hứng bất tận, nhất là với văn nghệ sĩ Hải Phòng. Tùy theo cảm nhận của từng người, từng lĩnh vực, mỗi người sáng tác lại có cách thể hiện riêng. Bài thơ dài “Chỉ giáo của người xưa” của nhà thơ Đinh Thường như áng sử thi thu gọn, hội tụ niềm tự hào lớn lao của người đất Cảng với lịch sử văn hóa của dân tộc.
VHP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

CHỈ GIÁO CỦA NGƯỜI XƯA

Đêm xuân Bạch Đằng sao mà lạ
Sóng trào rạo rực đẩy mù sương
Người lính đặt lưng sau đêm tuần biển
Mơ màng chất ngất tiếng quân reo.
*
Đỉnh rừng sú vẹt cờ phấp phới
Chữ “Ngô”, chữ “Lê”, chữ “Trần” quyện gió bay
Bất chợt vị tướng râu tóc như mây ngạo nghễ giữa rừng gươm giáo
– Kìa các con! Chúng ta đại diện cho quân sĩ các triều Ngô – Lê – Trần thuở trước nghe lời thỉnh của người đương thời về dự hội xuân nay
Ta và ngươi khác thời nhưng cùng chung sứ mệnh
Gìn giữ giang san há chẳng vui sao!?

– Thưa tướng quân!
Chúng con lớp người hậu thế
Cửa Bạch Đằng bao ngày được giao trấn giữ, qua trang sử hào hùng thêm tự hào về khí phách tiền nhân
Nay được gặp Người quá đà cảm kích, xin đôi điều chỉ giáo
Âu cũng là hạnh ngộ ngày xuân.

– Hẳn ngươi đã biết chuyện tự hai ngàn năm trước
Nữ tướng Lê Chân chiêu dân lập ấp dựng cờ
Nao nức một Trang An Biên – Hải Tần phòng thủ
Miền đất hoang sơ lẫm liệt cõi bờ.

Hải Phòng ta mở ra từ đó
Biển rộng, sông dài, bờ bãi phì nhiêu
Lũ hùm beo phương Bắc mặt người, dạ thú
Ôm giấc mộng xâm lăng như chó hóc xương gà.

Năm 938, Quân dân Tĩnh Hải quân mưu lược
Dựng cọc Bạch Đằng phá giặc Nam Hán gian tham
Lưu Nghiễm hoảng hồn khóc Lưu Hoằng Tháo tử trận
Ơn Đức Ngô Vương, nước non ta sang trang tự chủ, hùng cường.

Năm 981, kiên cường thay quân dân Đại Cồ Việt
Cửa Bạch Đằng tiếp nối trang sử hào hùng
Tướng giặc Lưu Trừng bại trận
Chẳng hổ danh Lê Đại Hành, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thành công.

Năm 1288, cửa Bạch Đằng hào khí Đông A sáng tỏ
Cọc nhọn… Hưng Đạo Vương dụng kế sách người xưa
Quân Nguyên Mông kinh hồn, bạt vía
“Non sông muôn thuở vững âu vàng”(1)…

Bạch Đằng không phải ngẫu nhiên đi vào lịch sử
Đất thiêng bởi có linh khí tụ về
Hồn tráng sĩ Việt ngàn năm bất biến
Nương bóng cỏ cây sức sống tràn trề.

Nhìn thành phố đổi thay ta thấy lòng tĩnh tại
Chỉ mong các con kế tục giống nòi
Xây dựng quê hương, canh chừng giặc dữ
Lưu tiếng thơm dân Việt ngàn đời…

– Thưa Tướng quân!
Chúng con đâu dám phụ lòng tiên tổ
Chưa một phút giây sao nhãng nỗi dân tình
Kiến thiết dựng xây nâng cao đời sống
Phòng thủ chăm lo, tôn tạo yên bình…

Hải Phòng đi lên từ khát vọng làm giàu, đánh thắng
Con tàu quê hương chung sức, chung lòng
Ý thức bứt phá được đặt vào tay người cầm lái
Thêm những hải trình rộn rã muôn phương…

Kìa ngày xuân hội trăm miền đã mở
Con xin được làm người đưa đường các anh linh thăm thú đất Hải Phòng ta.
Đây di tích Bạch Đằng Giang lịch sử thờ các vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm; Kia khu tưởng niệm Trạng Nguyên Lê Ích Mộc – biểu trưng lòng hiếu học muôn đời; Về Đông Môn nghe hát ca trù, trở ra Phả – Phục nghe hát Đúm; Hay thăm nhà máy Xi măng, khu công nghiệp VSIP, sân Golf Sông Giá…
Ôi đất Thủy Nguyên đã sang trang vạm vỡ từng ngày!

Biển quê hương dạt dào sóng nước Bạch Long Vỹ
Cát Hải, hội làng nghề đánh cá nhớ buổi Bác về thăm
Chữ “Đảo tiền tiêu” thêm nặng phần trách nhiệm
Mỗi độ xuân về náo nức khúc hát khơi xa!

Diện mạo Thành phố như chú khủng long thức giấc
Mỗi nhịp cầu là một bước khoan thai
Thăm chùa Vẽ, chùa Vẻn, chùa Hàng, đền Nghè, đình Kênh… dạo Tam Bạc phố; dự Lễ hội Nữ tướng Lê Chân trước thềm lễ hội Hoa Phượng Đỏ…
Đô thị khang khang bởi cách nghĩ rộng dài!

Mời các anh linh về thăm Kiến Thụy
Tưởng nhớ vương triều Mạc một thời vang bóng, nghe câu chuyện “khoán sản” lừng danh.
Trở ra Đồ Sơn đón cơn gió biển, thăm tháp Tường Long – “nơi rồng vàng hạ thế”
Ghé bến K15 nghe sóng hát bản anh hùng ca “Đoàn tàu không số”, lòng giục lòng rạo rực nghĩa Bắc – Nam.

Qua Kiến An, thượng sơn 116 mét trải lòng trước Đài thiên văn Phù Liễn
Nghe thông reo, phóng tầm nhìn khát vọng cao xa
Về An Lão thăm đền thờ tiến sĩ Lê Khắc Cẩn
Thêm hiểu bậc hiền tài “mến nước thương dân”(2).

Trở lại tìm hiểu An Dương đang chuyển mình từ những khu công nghiệp lớn
Xuôi đường 10 về với đất Tiên, nghe kể chuyện chống càn sách sử còn lưu
Thăm Vĩnh Bảo – đọc câu sấm Trạng nhắc ta chăm lo bờ cõi
Thêm bình tĩnh ngoan cường trước bão táp Biển Đông!

Ôi, Hải Phòng một trường thiên lễ hội
Văn hóa đắp bồi bởi khát vọng vươn xa
Ai đã sống với mảnh đất này nồng nhiệt
Sẽ bội thu những mùa hoa trái thơm ngon!
*
Tiếng cười “ha, hả” của vị Tướng quân loang ra bờ bãi
Bồng bềnh sóng nước những con tàu hối hả vào ra
Người lính sực tỉnh thấy lòng thêm vững chãi
Non nước này truyền đời mang hào khí ông cha!

Thủy Nguyên, ngày 2/11/2019
_______
1. Thơ Trần Nhân Tông.
2. Chữ của GS. Vũ Khiêu.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder