Vanhaiphong: Thưa đọc giả mến quí! Tết Ất Mùi, Ban BT rất vui vì có khá đông bạn bè vào” thăm” CÂU ĐỐI TẾT . Chúng tôi hết sức cám ơn các cộng tác viên đã gửi bài qua email tới Ban Biên tập. Tuy nhiên, do nhiều lý do, chúng tôi chưa đáp ứng được những mong mỏi của bạn đọc, rất mong thông cảm.
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Từ ngày mai mọi việc sẽ trở lại bình thường, hôm nay là lần đăng câu đối cuói cùng của Tết Ất Mùi
Vanhaiphong: Thưa đọc giả mến quí! Tết Ất Mùi, Ban BT rất vui vì có khá đông bạn bè vào” thăm” CÂU ĐỐI TẾT . Chúng tôi hết sức cám ơn các cộng tác viên đã gửi bài qua email tới Ban Biên tập. Tuy nhiên, do nhiều lý do, chúng tôi chưa đáp ứng được những mong mỏi của bạn đọc, rất mong thông cảm.
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Từ ngày mai mọi việc sẽ trở lại bình thường, hôm nay là lần đăng câu đối cuói cùng của Tết Ất Mùi
Trong lần cuối này, chúng tôi đăng vài ba vế đối liên quan đến một số nhân vật lịch sử để bạn đọc tham khảo.
Tam biệt và hẹn gặp lại
Lê Lai
Lê Lai người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hoá), là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng. Lê Lai tính tình cương trực, dung mạo khác thường, có chí khí. Ngay trước khởi nghĩa Lam Sơn ông đã theo hầu Lê Lợi có nhiều công lao. Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, ông là tướng luôn ở bên cạnh, xông pha nhiều trận đánh hiểm nguy. Bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn lực lượng còn yếu, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Cuối tháng 4 năm 1418, Lê Lợi bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lai đã vâng mệnh khoác cẩm bào của Lê Lợi mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh ngỡ là Lê Lợi nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai xung trận giết giặc rồi kiệt sức, bị quân Minh bắt và đem hành hình, hôm ấy là ngày 29 tháng 4 âm lịch. Anh ông là Lê Lạn tử trận khi tham gia đánh ải Khả Lưu năm 1425. Lê Lai có 3 con: Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm, đều được Lê Lợi nuôi như con đẻ. Lê Lư tử trận khi vây thành Nghệ An năm 1425. Lê Lộ có công tham gia đánh bại các tướng Minh là Trần Trí và Phương Chính, rồi tử trận tháng 10 năm 1424. Lê Lâm sau khi khởi nghĩa thành công được xếp vào hàng công thần thứ ba. Năm 1430 Lê Lâm làm tiên phong đi đánh Ai Lao, đuổi giặc bị trúng chông độc tử trận. Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông được truy tặng là “Sùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm thiếu uý, thụy là Toàn Nghĩa. Năm sau, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của ông bỏ vào trong hòm vàng. Các đời vua sau tiếp tục phong tặng cho ông, cao nhất là năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc vương. Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Theo tài liệu hiện có thì đền được trùng tu một lần Bảo Đại thứ 14 (1939). Năm 1971 dân làng đã dựng lại một ngôi nhà gỗ lợp kè 8 mái trên nền tiền đường cũ với kiến trúc hình chữ đinh. Nằm trên sườn đồi quay mặt về phía Đông Nam. Nhìn ra hồ nước và cánh đồng, với vị trí đẹp theo thuyết phong thủy, đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Nhà tiền đường là nơi dừng chân đầu tiên của du khách trước khi vào tế lễ, ngôi nhà 8 mái lợp kè, bố trí vì kèo đơn giản với 20 chân cột. Năm 1997 Nhà nước đã đầu tư kinh phí trùng tu tôn tạo lại nhà tiền đường trên nền móng cũ theo lối kiến trúc chồng rường giá chiêng, toàn bộ kiến trúc được lắp ghép thông qua hệ thống cột xà kẻ bẩy có độ chính xác cao. Đề tài cham khắc trang trí là hoa văn vân mây sóng nước, xen lẫn hoa lá cách điệu. Tiền đường có chiều dài 12m, rộng 9.5m, bên trong đặt hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, trên hương án có long ngai và bài vị, phía trên cùng là bức đại tự cùng 2 câu đối. Hậu cung trùng tu lần cuối vào năm 1944 trên thượng lương còn ghi “Hoàng Triều Bảo Đại thập niên cửu tuế thứ Giáp Thân tức năm Giáp Thân thứ 19”. Kiến trúc hậu cung là “Thượng sàng hạ mộ”. Phần móng nhà tương đương với phần mộ, vật liệu kiến trúc bằng gỗ, móng xây bằng đá xanh, nhà bố trí vuông vắn có chiều dài 9.5m rộng 9m. Kết cấu với 3 hàng cột hiên kê trên tảng đá xanh. Bên trong là bàn thờ xây bằng gạch theo hình vòm cuốn, trên đặt tượng Lê Lai tạc bằng gỗ mít sơn đỏ và sơn đen ngồi trong ngai, chân đặt lên 2 con sư tử, phía dưới là bát hương và đồ thờ. Trên cùng là bức đại tự “Thiên cổ anh linh” nghĩa là “ Anh linh muôn thuở”, hai bên là hai câu đối bằng gỗ:
黎朝顯迹忠良將 Lê triều hiển tích trung lương tướng (Bậc tướng trung lương của Lê triều)
南國芳名上等神 Nam quốc phương danh thượng đẳng thần (Vị thần lừng danh của Nam quốc)
Quan nhà Minh và học trò Giao Chỉ
- Lê Thúc Hiến và Thượng Thư Hoàng Phúc (1363 – 1440):
Hoàng Phúc tự là Như Tích, biệt hiệu Hậu Nhạc Ông, người Xương Ấp, Sơn Đông, là một đại thần triều Minh, từng được vua Minh Thành Tổ cử sang Đại Việt giữ chức Tán Quân Vụ để cai trị và truyền bá văn hóa Trung Hoa. Sử Việt Nam chép Hoàng Phúc sang Việt Nam hai lần, lần đầu ở Việt Nam suốt 18 năm, từ 1406 đến 1424. Lần thứ hai sang với tư cách trợ lý cho Liễu Thăng năm 1427. Như thế, trong bộ máy cai trị của nhà Minh đặt tại Đại Việt, Hoàng Phúc là người đứng đầu bộ phận dân sự. Ông mở trường để dạy cho các nho sinh Đại Việt. Nhân một hôm mưa bão nổi lên, nhà sập đổ, tường xiêu vẹo điêu tàn.
Trước đám học trò, Hoàng Phúc đọc: Tai chiêu phong vũ gia gia đồi hoại cựu viên tường (Hôm qua mưa gió nhà nhà sập đổ vách tường xiêu) và bắt học trò đối lại.
Câu này có ý gì sâu xa không? Lẽ nào chỉ là câu tả thực? Trong lúc mọi người đang suy ngẫm thì một nho sinh xin đọc: Kim nhật càn khôn xứ xứ phát sinh tân thảo mộc (Nay đất trời quang chốn chốn mọc lên cây cỏ mới).
Câu đối thật tài tình bởi quang cảnh đổ nát ở đây do mưa bão gây nên cũng như kẻ thù đã làm cho nước Nam điêu đứng. Cây cỏ mới mới mọc lên cũng như nhân tài Đại Việt sẽ sớm xuất hiện để khôi phục lại đất nước. Tác giả câu đối này là Lê Thúc Hiến, con trai của Lê Cảnh Tuân, ông bị quân Minh bắt giam ở Kim Lăng cùng với con trai Lê Thái Diêu đều chết ở trong ngục. Sau vụ này, Lê Thúc Hiến cùng với anh là Lê Thiếu Đính vào Lam Sơn chiến đấu dưới lá cờ Lê Lợi và đã lập nhiều chiến công hiển hách.
- Phan Nhân với viên quan đô hộ nhà Minh:
Tại làng Phan Xá, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có chàng hàn sĩ Phan Nhân bị quân Minh bắt về hầu hạ viên học quan Trung Quốc sang Đại Việt mở trường để truyền bá văn hóa Trung Hoa và ca ngợi công đức nhà Minh. Một hôm y ra một vế đối và bắt nho sinh Đại Việt đối lại:
Hồng lựu tự hỏa phi cầm lai vãng bất thiêu thân (Hoa lựu đỏ như lửa, chim bay qua lại thân chẳng bị thiêu).
Phan Nhân ứng khẩu đọc: Lục tảo như ti du lý phù trầm nan tước vĩ (Đám rêu xanh như tơ, cá lội nổi chìm đuôi chẳng bị vướng).
Vế ra viên quan nhà Minh muốn nói: Đạo quân của chúng tuy bề ngoài có vẻ hung dữ nhưng thực chất là đạo quân nhân nghĩa chẳng làm hại ai. Còn vế đối của Phan Nhân khẳng định rằng: Dù bị bủa vây nhưng không ngăn nổi ý chí tung hoành của người Đại Việt. Sau cuộc đấu trí này biết kẻ thù đang theo dõi mình, Phan Nhân đã trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi và đã lập được nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nguyễn Trãi
- Đối đáp với Nữ Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ (1400 – 1442):
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một qúy tộc đời Trần. Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước tạ Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên, ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn ở ẩn. Tương truyền, lúc còn làm quan trong triều, sau một buổi chầu trở về, qua Hồ Tây trời xâm xẩm, Nguyễn Trãi gặp một cô gái đi bán chiếu rong. Rung động trước vẻ đẹp tuyệt trần của cô gái, tâm hồn thi sĩ bỗng nhiên lên tiếng:
Nàng ở đâu ta bán chiếu gon, chẳng hay chiếu ấy hết hay còn? xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi, đã có chồng chưa được mấy con?
Người con gái nhìn thẳng vào vị đại thần, tình tứ đung đưa cặp mắt lá răm: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon, nỗi chi ông hỏi hết hay còn? xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ, chồng còn chưa có hỏi chi con?
Nguyễn Trãi thấy đối đáp trôi chảy, trong lòng xốn xang. Hỏi tên biết nàng là Thị Lộ, quê làng chiếu Hải Triều, Thái Bình, mới đem về cưới làm vợ lẽ. Nguyễn Thị Lộ là người vợ tâm đắc nhất của Nguyễn Trãi, nàng lại được phong làm Lễ nghi nữ học sĩ trong triều và được Lê Thái Tông (1434- 1442) rất yêu mến. Rồi cũng chính vì thế mà gây nên tấm thảm kịch rất đáng thương tâm cho gia đình và họ hàng Nguyễn Trãi. Nguyên sau hồi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần gièm pha nên phải xin về nghỉ ở Côn Sơn, Hải Dương. Nhưng chẳng được bao lâu, ông lại bị triệu ra làm quan. Năm 1442, Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Hải Dương và mất đột ngột ở Lệ Chi Viên, Bắc Ninh. Thị Lộ vì mối quan hệ thân cận với nhà vua cũng có mặt trong khi vua chết; do đó triều thần đã vu oan cho Nguyễn Trãi tội sai nàng hầu giết vua, rồi đem tru di cả 3 họ Nguyễn Trãi.
- Câu đối của Vinh Lộc Đại Phu Nguyễn Mộng Tuân (1380 – ? ) viết tặng khi đến chơi nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn:
一條水冷知三館 Nhất điều thuỷ lãnh tri Tam quán (Nhà quan Tri Tam quán sự mà lạnh lẽo như một dòng nước)
四壁家貧冨六經 Tứ bích gia bần phú lục kinh (Bốn vách trống trải xác xơ nhưng rất giàu sách vở)
Nguyễn Mộng Tuân tự là Văn Nhược, người làng Phủ Lí, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông tên thật là Vũ Mộng Nguyên người làng Viên Khê, năm 21 tuổi sau khi thi đỗ liền đổi tên thành Nguyễn Mộng Tuân. Khi quân Minh xâm lược Đại Việt, ông lui về ở ẩn một thời gian, sau đó đến với nghĩa quân Lam Sơn và được Lê Lợi trọng dụng. Đời Lê Thái Tông, ông giữ chức Trung thư lệnh rồi Khinh xa đô úy. Đời Lê Nhân Tông ông giữ chức Tả Nạp ngôn, rồi Tri quân dân Bắc đạo, cùng Bình chương Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, trở về được vinh phong là Vinh Lộc đại phu. Nguyễn Mộng Tuân tham gia giám khảo các kỳ thi Tiến sĩ khoa Nhâm Tuấn (1442) với vai trò là Trung Thử sảnh, Trung Thư Thị Lang; và kỳ thi năm Mậu Thìn (1448) – Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch. Nguyễn Mộng Tuân từng tiếp các đoàn sứ bộ của các nước, đặc biệt ông còn được mời vào dạy vua học ở tòa Kinh Diên, và từng giữ chức Tế Tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, được vua trọng ban cho lễ ưu đãi tuổi già.
- Những câu đối khắc ở đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê huyện Thường Tín thủ đô Hà Nội:
勲業赫南邦文謨武略 Huân nghiệp hách Nam bang, văn mô vũ lược (công lớn dậy trời nam, tài văn mưu võ)
科名留越史國廟鄕祠 Khoa danh lưu Việt sử, quốc miếu lương từ (danh cao ghi sử Việt, miếu nước đền làng)
謀王將略爭天地 Mưu vương tướng lược tranh thiên địa (mưu vị tướng giúp vua, so với trời đất)
憂國臣心照斗奎 Ưu quốc thần tâm chiếu đẩu khuê (lòng bề tôi lo việc nước, sáng như sao Đẩu sao Khuê)
- Những câu đối do Lập Trai Phạm Quý Thích (1760 – 1825) viết về Nguyễn Trãi:
事業文章開國首 Sự nghiệp văn chương khai quốc thủ (Văn chương sự nghiệp công khai quốc)
旂常帶礪故家聲 Kỳ thường đái lệ cố gia thanh (Cờ biển non sông tiếng cố gia)
功存開國藍山錄 Công tồn khai quốc Lam Sơn lục (Công lao khai quốc, sách sử cũ
慶衍傳家故邑祠 Khánh diễn truyền gia cố ấp từ (Cúng tế truyền đời, thôn ấp xưa)
英雄氣魄依高廟 Anh hùng khí phách y cao miếu (Cao miếu anh hùng còn khí phách)
翊濟勲勞感聖朝 Dực tế huân lao cảm thánh triều (Thánh triều tả hữu vẫn khuông phù)
功齊藍岳千峯峙 Công tề Lam nhạc thiên phong trĩ (Lam lĩnh công lao nghìn ngọn thẳm)
慶共蘇江一帶流 Khánh cộng Tô giang nhất đái lưu (Tô giang phúc trạch một giòng xuôi)
Phạm Quý Thích tự: Dữ Đạo, hiệu: Lập Trai, biệt hiệu: Thảo Đường cư sĩ; ông sinh ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Sau gia đình ông dời lên kinh đô Thăng Long, ngụ ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm Kỷ Hợi (1779), ông đỗ Tiến sĩ lúc 19 tuổi, được bổ Đông các hiệu thư, rồi lần lượt trải các chức: Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử, Thiêm sai tri Công phiên. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, ông chạy lánh sang Kinh Bắc, sống cuộc đời ăn nhờ ở đậu, nay đây mai đó. Đầu đời Gia Long (1802), ông được triệu đến trao cho chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Ông cố chối từ, xin ở lại Bắc thành, được cử làm Đốc học. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau ông xin từ quan về nhà. Năm Gia Long thứ 10 (1811), ông lại được triệu về kinh đô Huế, giao cho việc chép sử, được ít lâu, lại cáo bệnh đi về. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), lại có chỉ tuyên triệu lúc ông đang ốm nên từ chối được. Kể từ đó, ông chuyên việc dạy học ở quê nhà, học trò của ông rất đông, trong đó có các trí thức tên tuổi như là Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lữ, Chu Doãn Trí, Phạm Hội…Ngày 29 tháng 3 năm Ất Dậu (16 tháng 5 năm 1825) Phạm Quý Thích mất, hưởng thọ 65 tuổi.
Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông là vị vua mà tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang đã gắn liền với giai đoạn cường thịnh của Việt Nam nửa cuối thế kỷ 15. Trong gần 40 năm làm vua, ông đã tiến hành nhiều cải cách về chính trị, quân sự, kinh tế; khởi xướng bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của Việt Nam; đề cao những giá trị văn hóa dân tộc. Bản thân ông là một nhà thơ lớn, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tên tuổi và sự nghiệp Lê Thánh Tông gắn chặt với một giai đoạn cường thịnh của Việt Nam ở nửa sau thế kỷ 15. Lê Thánh Tông tên thật là Hiệu, sau đổi là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ, con thứ tư Lê Thái Tông, mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao. Lê Thánh Tông lên làm vua năm 1460, hai lần đổi niên hiệu: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Trong gần 40 năm làm vua, ông đã đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa. Sử gia Ngô Sĩ Liên khen Lê Thánh Tông là “vua sáng lập chế độ, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, văn vật tốt đẹp, thật là vua anh hùng, tài lược”.
Tự thuật và viết hộ người dân
1 – Câu đối tự thuật:
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã (Ba người cùng đi tất trong đó có tôi)
Thiên lý nhi lai diệc lợi ngô (Ngàn dặm xa tới chắc hẳn có lợi cho tôi)
2 – Những câu đối viết hộ người dân:
- Vào tối 30 Tết năm nọ, vua Lê Thánh Tông giả làm chân học trò đi dạo xem các câu đối ở kinh thành. Chợt qua cửa nhà một người đàn bà làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà vua lấy làm lạ ghé vào thăm hỏi. Người đàn bà kêu là goá chồng, con trai là học trò nhỏ chưa biết làm câu đối. Nhà vua liền bảo lấy giấy hồng điều và bút mực, rồi vua hạ bút viết hộ một câu đối như sau:
天下青黃皆我手 Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ (Xanh vàng thiên hạ đều tay mỗ)
朝中朱紫總吾門 Triều trung chu tử tổng ngô môn (Đỏ tía trong triều bởi cửa ta)
Mấy hôm sau, Thượng thư đương triều là Trạng nguyên Lương Thế Vinh đi chầu qua nhà thợ nhuộm thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, họ Lương tâu với vua rằng ngoài phố có nhà ấy nhà nọ có ý muốn làm bá chủ thiên hạ, cần phải cho người đi dò xét. Lê Thánh Tông nghe xong, phì cười, nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, khiến Thượng thư họ Lương bị một phen chưng hửng. Nhưng sau đó, quan Thượng thư thầm nghĩ rằng nhà thợ nhuộm mà Tết nhất lại được Thiên tử ngự giá đến, hẳn sau này con cháu phải giàu sang lắm, bèn đem ngay cô con gái út đến gả cho con trai nhà thợ nhuộm. Có thuyết khác lại nói đôi câu đối này do vua Thiệu Trị tặng hàng thợ nhuộm.
- Vào một dịp tết khác, vua Lê Thánh Tông lại ăn mặc giả làm thường dân đi chơi phố phường kinh đô để xem xét dân tình. Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, nhà vua rất hài lòng. Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn kết hoa, cũng chẳng có đối liễn gì hết. Vua rẽ vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng: “Chả nói giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với phố phường cho thêm tủi!” Vua ngạc nhiên nói: “Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?” Chủ nhà cứ thật thà trả lời: “Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ!” Nhà vua nghe xong, cười bảo: “Ồ, nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!” Rồi vua gọi lấy giấy bút, viết giùm cho một đôi câu đối như sau:
身衣一戎衣能擔世間難事 Thân nhất nhung y đởm thế gian chi nan sự (Khoác chiến bào, lo toan những việc khó khăn trên đời)
手持三尺劍盡收天下人心 Tri tam xích kiếm thu thiên hạ chi nhân tâm (Cầm ba thước gươm, thu tấm lòng mọi người trong thiên hạ)
- Lê Thánh Tông trong ngày cuối năm đã mặc giả thường dân, ra ngoại thành xem dân tình chuẩn bị Tết. Nhà vua ghé thăm một quán bán trầu nước, thấy gia đình neo đơn, chưa hề có không khí đón Tết, đã tự tay viết giúp bà chủ quán đôi câu đối đỏ hoàn toàn bắng tiếng mẹ đẻ treo trước cửa hàng:
Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm
Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng
Câu đối trên miêu tả một quán bán trầu nước mà ta thường gặp, có đủ giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước, bát, hàng… nhưng lại mang khẩu khí của bậc đế vương: “Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng”
XIN GẶP LẠI BẠN ĐỌC Ở MỤC CÂU ĐỐI TẾT SANG NĂM
N.C.