Chiếc nhẫn ngọc – Rabindranath Tagore ( Ấn độ 1861-1941)

TAGORE RABINDRANATH hay Thakur (1861-1941). Nhà thơ, nhà văn, triết gia, nhà giáo dục, nhạc sĩ, hoạ sĩ, đạo diễn, nhà văn xứ Bengal. Giải thưởng Nobel năm 1913. Sinh và mất tại Calcutta. .Đoàn Dự dịch

TAGORE RABINDRANATH hay Thakur (1861-1941). Nhà thơ, nhà văn, triết gia, nhà giáo dục, nhạc sĩ, hoạ sĩ, đạo diễn, nhà văn xứ Bengal. Giải thưởng Nobel năm 1913. Sinh và mất tại Calcutta.

. Đoàn Dự dịch

Sau nhiều chuyện dan díu, Khiroda không còn trẻ lắm song vẫn kiếm được một bạn trai mới để hy vọng hắn cưu mang mình. Nhưng rồi chẳng bao lâu cả người này nữa cũng bỏ rơi nàng như người ta bỏ rơi một manh áo cũ. Nàng cảm thấy ê chề, nhục nhã, và một lần nữa lại phải đi tìm tay khác để có miếng ăn hàng ngày.

Cũng như mùa thu, đoạn cuối của tuổi thanh xuân đến với người ta như một thời kỳ êm đềm đầy quyến rũ, ở đó quả cây của cuộc đời như hạt thóc đang chín vàng trong một bầu không khí êm ả, thanh thản. Những náo động của tuổi trẻ không còn thích hợp với thời kỳ này nữa. Nền tảng của cuộc đời ít nhiều đã được xây dựng vững chắc, nhân cách của người ta đã được phát triển qua những khổ đau và vui sướng, trong một thế giới mà cái ác cũng như cái thiện đã hình thành nên tính cách của mỗi con người.

Trong buổi chiều êm ái đó của tuổi trẻ, khi đến thời gian dành cho những niềm vui yên tĩnh, không gì bi đát cho bằng lại phải bắt đầu tạo lập những mối quan hệ mới, tìm những người quen biết mới, lao vào những cố gắng phù phiếm để gây dựng những mối liên hệ mới, dốc sức vào những việc tìm kiếm và không biết đến đâu là cùng để có một cái gì đó vững chắc. Thật đáng buồn cho số phận của ai đó đến thời kỳ này vẫn không có một chiếc giường để ngả lưng, một ngọn đèn thắp sáng đón mình lúc bước chân về nhà ban tối.

Khiroda năm nay đã đến đọan cuối của thời thanh xuân. Một buổi sáng, nàng thức dậy và nhận ra người tình đã bỏ trốn hồi đêm, cuỗm theo tất cả tiền bạc và đồ trang sức của mình. Nàng không còn chút gì để trả tiền thuê nhà và cả để mua thức ăn cho đứa con trai mới lên ba. Nàng bỗng hiểu ra rằng trong suốt ba mươi tám năm của cuộc đời, nàng đã không có lấy được một người bạn thân nào, không có được một túp lều nho nhỏ để sống và để chết. Lại một lần nữa, hôm nay nàng phải gạt nước mắt, quệt son lên môi, đánh phấn hồng lên má che giấu buổi xuân tàn với một giáng dấp giả tạo, kiên nhẫn đi kiếm những trái tim mới bằng các nụ cười.

Khi nghĩ đến những chuyện đó, nàng không sao chịu nổi. Nàng đóng cửa lại, nằm lăn ra nhà đập đầu xuống đất mãi không thôi. Suốt một ngày nàng cứ nằm sóng soải như thế, không ăn uống, như người dở sống dở chết. Tối đến, căn buồng không ánh sáng mỗi lúc một thêm đen thui. Ngay lúc ấy, một người tình cũ đến gõ cửa gọi “Khiroda, Khiroda”. Khiroda nhào ra, tay cầm chiếc cán chổi, gầm lên như con cọp cái. Người bạn tình trẻ tuổi vội vàng chuồn mất.

Đứa con nàng đã khóc hòai vì đói bèn nằm lăn vào gầm giường mà ngủ thiếp đi. Tiếng la của mẹ làm nó giật mình, lại khóc gọi mẹ trong bóng tối. Khiroda ôm đứa con lên, ghì chặt vào ngực và chạy ra cái giếng ngòai sân, nhảy xuống giếng.

Nghe tiếng rơi, hàng xóm láng giềng xách đèn chạy sang, xúm quanh miệng giếng. Không để mất thời gian, họ tìm cách lôi lên được hai mẹ con. Khiroda mê man bất tỉnh, còn đứa trẻ thì đã chết. Nàng được đưa vào bệnh viện và ít lâu sau bình phục. Sau đó nàng bị quan tòa khép vào tội giết người.

***
Mohit Mohan là một quan tòa nghiêm khắc. Ông muốn xử thật nặng và khép nàng tội tử hình, sẽ bị treo cổ. Các vị thẩm phán, luật sư và công tố viên tranh cãi với nhau về tình trạng dẫn đến hành động điên rồ của người đàn bà tội nghiệp kia, cố tìm cách cứu nàng nhưng không được. Ngài chánh án dứt khóat cho rằng nàng không đáng được hưởng một sự khoan hồng nào cả, cố ý làm chết đứa trẻ thì bị trừng phạt, chỉ có thế thôi.

Có một lý do khiến ngài Mohit Mohan không thể khoan hồng. Trước hết, ông quan niệm rằng tất cả các phụ nữ Ấn Độ đều là nữ thần, do đó phải xứng đáng là nữ thần. Nhưng mặt khác, ông lại không tin một tí nào ở họ. Theo cách ông suy nghĩ, phụ nữ có xu hướng phá vỡ các mối dây ràng buộc với gia đình, những người cầm cân nẩy mực như ngài chỉ cần dễ dãi một chút là sẽ chẳng còn một phụ nữ nào sống nghiêm túc trong khuôn phép xã hội.

Còn một lý do khác khiến Mohit Mohan đi đến quyết định xử tử người phụ nữ đó. Để quý bạn biết rõ lý do này, chúng tôi thấy cần phải kể chi tiết một chút tiểu sử của ngài hồi còn trẻ tuổi.

Khi Mohit học năm thứ hai bậc trung học, ông hòan tòan khác với bây giờ cả ở hình dáng bên ngòai lẫn cách sống. Hiện tại, Mohit có thể khoe cái đầu hói, chỉ còn một ít tóc lơ thơ ở phía đằng sau và trên đỉnh đầu. Mặt ngài đỏ hồng, nhẵn nhụi. Ngày xưa, thời còn sinh viên với cặp kính trắng gọng vàng, hàng ria mép và mái tóc húi theo kiểu Anh, cậu là hình ảnh của một thanh niên hào hoa phong nhã. Gia đình cậu thuộc lọai sang trọng, hơi thiên sang lối sống của thế kỷ thứ XIX, nghĩa là rất chiều con.

Chàng Mohit chăm chút từng ly từng tí về cách ăn mặc và sống rất tự do, không nề hà việc ăn thịt, uống rượu Ăng lê, ngòai ra còn một số tật xấu khác, đại lọai như vậy.

Gần ngôi biệt thự rộng lớn của gia đình cậu Mohit là nhà một tiểu công chức không lấy gì làm giàu có lắm, đồng lương nhà nước ít ỏi. Ông sống với vợ và mấy đứa con, trong số các con đó có người con gái rất trẻ, rất đẹp tên Hemsashi. Nàng mới ở tuổi mười lăm thì người ta đã dạm hỏi và rồi người chồng chưa cưới của nàng chẳng may chết sớm do bệnh. Hemsashi chưa từng lấy chồng mà đã bị coi như góa bụa.

Phong cảnh bờ sông xa với lùm cây xanh nhạt trông đẹp lung linh như tranh vẽ, nhưng khi đặt chân tới thì nó không còn gì là vẻ đẹp nữa. Trong cảnh cô đơn ở mảnh đất này, quan hệ giữa người với người diễn ra như một khu vườn bí hiểm đối với Hemsashi. Nàng tưởng mọi con đường của thế giới trước mặt đều rộng rãi, thẳng tắp và đầy huy hòang. Nàng nghĩ hạnh phúc đang đón chờ ở ngay trước cửa nhà mình. Bầu trời xanh run rẩy theo mỗi rung động của trái tim, và chung quanh, cả vũ trụ xoè mở các đóa hoa hàm tiếu của nó để đón chào cái tuổi tươi non.

Gia đình Hemsashi chỉ có bố mẹ và hai đứa em trai. Ăn sáng xong hai đứa em đi học, trưa về ăn cơm rồi lại đi học thêm ở một lớp tối gần nhà bởi vì ông bố không đủ khả năng kinh tế thuê người đến nhà dạy kèm cho hai đứa con.

Những lúc ngơi tay làm việc nội trợ, Hemsashi thường ngồi trong gian buồng quạnh hiu của mình, đôi mắt buồn mơ màng nhìn người qua lại trên đường cái.

Nàng nghe thấy những tiếng gọi nhau của bọn phu khuân vác đi qua. Nàng tưởng như mọi khách qua đường đều vui vẻ, ngay cả những người hành khất cũng được tự do và những người bán hàng rong không phải vất vả, nhọc nhằn kiếm miếng ăn hàng ngày, mà đó là những diễn viên vui sướng trong một vở kịch diễn trên sân khấu di động của cuộc đời. Hết sáng đến chiều, nàng thấy cậu Mohit Mohan sang trọng, ngạo nghễ đi lại với vẻ kiêu kỳ. Đối với nàng, cậu là hình ảnh của sự tận thiện, tận mỹ. Cậu là thánh thần được thượng đế phú cho mọi tài năng mà những người đàn ông khác khó có thể có được. Cậu ăn diện. Cậu điển trai. Cậu có đủ mọi thứ trên đời. Cũng như con búp bê bằng nhựa nghiễm nhiên trở thành một con người thật trước mắt em bé chơi búp bê; người “góa phụ không phải góa phụ” trẻ tuổi phủ lên con người của cậu Mohit một vầng hào quang tưởng tượng và chiêm ngưỡng vị thần linh mà nàng tự tạo ra. Thỉnh thỏang, vào buổi tối, nàng thấy nhà Mohit rực rỡ ánh đèn và nghe thấy tiếng đàn, tiếng hát, tiếng reo vui nhè nhẹ của những chiếc chuông nhỏ xinh xắn móc ở những chiếc vòng trên cổ tay hay trên cổ chân của các cô vũ nữ cùng với lời ca của họ. Thế là Hemsashi ngồi suốt đêm, đôi mắt thèm khát dõi theo những hình bóng chuyển động trong các ô cửa sổ đó.

Trái tim nàng bị tổn thương và đập mạnh như trái tim của con chim bị nhốt trong lồng. Nàng không chê bai mà cũng không trách móc vị thần linh nàng đã tự tạo ra vì những trò chơi phóng đãng của cậu. Như ánh lửa thu hút những con thiêu thân, ngôi nhà của cậu Mohit tràn ngập ánh sáng đã thu hút nàng như chuyện thôi miên. Lời ca tiếng nhạc tạo nên hình ảnh thần tiên. Cứ thế, nàng xây dựng trong trí óc mình một lâu đài kỳ ảo, trong đó có thần tượng là chàng thanh niên mà nàng tôn sùng. Nàng say sưa, ngây ngất chiêm ngưỡng nó. Từ xa, nàng đâu biết rằng mình rất đẹp và đằng sau những ánh đèn rực rỡ đó có ánh mắt của một con thú đang rình mồi.

Hemsashi sẽ sống như thế mãi nếu một hôm, ánh mắt con thú Mohit không bị chóang ngợp khi nhìn thấy cô gái “thiếu phụ” ngồi bên cửa sổ. Từ đấy, cậu gửi cho nàng nhiều bức thư tỏ tình dưới cái tên giả “Binod Chandra”. Cuối cùng, chàng nhận được một thư trả lời run rẩy, ngập ngừng, đầy những lỗi chính tả và một tình cảm sâu nặng.

Ngày tháng trôi qua đầy giông tố, khi thì lo lắng, khi thì chồng chất hờn ghen hoặc hy vọng hão huyền trong tâm trí u mê chóang váng của nguời con gái son trẻ. Sau hết, con người khốn khổ tội nghiệp đó bị kéo ra khỏi cái thế giới tĩnh lặng và đầy cô đơn của nàng. Một buổi tối, đã khuya, Hemsashi trốn bố mẹ, trốn các em, đi cùng với Mohit Mohan dưới cái tên giả Binod Chandra lên một toa tầu. Thần tượng bây giờ ở ngay bên cạnh, nàng say mê nhưng không phải là không lo lắng.

Khi tàu chuyển bánh, lạ lùng là nàng phủ phục xuống chân “Binod Chandra”, khóc lóc van xin chàng đưa nàng về nhà. Mohit vừa thương hại lại vừa bực, bèn lấy tay bịt miệng nàng.

Bấy giờ con tàu đã bắt đầu lao nhanh trên đường sắt. Hemsashi thấy lại tất cả những người thân. Người cha khi nào ngồi vào bàn ăn cũng có mẹ và nàng ngồi bên cạnh. Thằng em út thích được nàng dọn cho ăn ngay khi đi học về. Hemsashi nhớ lại những lúc mẹ nàng ngồi tiêm trầu buổi sáng. Tối đến mẹ cuộn tóc cho nàng. Mỗi góc nhà, mỗi sự việc nhỏ bé hàng ngày đều hiện lên thân yêu trong trí óc nàng. Hemsashi thấy ngôi nhà bé nhỏ của gia đình mình quả là thiên đường và những chuyện têm trầu, cuộn tóc, quạt cho bố ngồi ăn cơm, nhổ tóc sâu cho bố, chơi đùa với hai đứa em… sao mà đáng yêu đến thế nhưng cũng xa xôi đến thế. Con tầu đang lao đi, nó mang theo nỗi lo lắng của nàng nhưng “Binod Chandra” không cho nàng quay trở lại…

Ít lâu sau, “thần tượng” bỏ rơi nàng trong khi nàng đang bụng mang dạ chửa. Không còn ai nhớ tới nàng nữa và nàng chìm đắm trong sự tủi nhục.

***
Sau buổi tuyên án tử hình Khiroda được hai hôm, Mohit vốn thích ăn rau tươi, ngài đích thân vào vườn rau nhà tù, tự tay hái lấy những thứ rau mà ngài thích. Sực nghĩ tới vụ án Khiroda, ngài tò mò muốn biết người phụ nữ ấy có hối hận hay không khi bị kết án nặng như thế. Ngài rẽ vào khu giam giữ các nữ tù nhân.

Từ xa Mohit đã nghe thấy tiếng cãi cọ. Bước lên trên hiên phòng giam, ngài thấy Khiroda đang cãi nhau với người giám thị. “Hừ, đúng là bản tính đàn bà,” – ngài nghĩ thầm -“Chết đến nơi rồi mà vẫn còn cãi nhau!”

Vừa trông thấy quan tòa, Khiroda đã kêu khóc om sòm: “Bẩm lạy quan chánh án, con xin ngài bảo anh ta trả lại cho con. Anh ta lấy của con chiếc nhẫn!” Hỏi ra, ngài được biết Khiroda đã giấu trong mái tóc một chiếc nhẫn, tên giám thị tình cờ khám phá ra nên đã chiếm đoạt. Ngài Mohit Mohan lại nghĩ thầm: “Chỉ còn ba ngày nữa thôi là bị treo cổ vậy mà vẫn bận tâm đến chiếc nhẫn. Đúng là đồ nữ trang chiếm một vị trí rất lớn trong tâm hồn phụ nữ!” Theo lệnh của quan chánh án, tên giám thị vội vàng trao lại chiếc nhẫn cho ngài.

Lật đi lật lại chiếc nhẫn trong tay, ông giật bắn người. Đó là một chiếc nhẫn ngọc rất đắt tiền, trên mặt có khắc những chữ “Hemsashi” và “Binod Chandra” rất rõ.

Mohit thôi ngắm chiếc nhẫn và nhìn vào khuôn mặt Khiroda. Một gương mặt khác hiện lên trong dĩ vãng xa xăm của hai mươi bốn năm về trước. Gương mặt đó tươi trẻ, ướt đẫm nước mắt, chan chứa yêu thương, tràn đầy lo lắng. Hai gương mặt có những nét giống nhau rất dễ nhận ra. Ông lại ngắm chiếc nhẫn ngọc, và khi ngước mắt lên nhìn người đàn bà nghèo khổ, tội lỗi, tự nhiên ông thấy gương mặt thân yêu của nàng được bọc trong một vầng hào quang. Chiếc nhẫn ngọc nhỏ bé đã biến nàng thành hình ảnh sáng ngời của một vị nữ thần.

(Nguồn VNTQ)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder