Chiếc áo cưới – Truyện ngắn của Đức Đào

– Đơn giản thôi, Lành ạ. Tham lam và ích kỷ đã sản sinh ra những người dị dạng như hắn, những kẻ trái tim không bao giờ tồn tại khái niệm hai chữ “ Nhân từ”.  Thôi ! đừng khóc nữa, Cậu khóc làm tớ đau lòng lắm. Mặc dù an ủi Lành, nhưng cô bạn lại sụt sùi to hơn.

Hai người đàn bà ôm lấy nhau vừa cười, vừa khóc. Liệu nước mắt tuôn ra, có giúp họ vơi đi nỗi đau ?..

– Đơn giản thôi, Lành ạ. Tham lam và ích kỷ đã sản sinh ra những người dị dạng như hắn, những kẻ trái tim không bao giờ tồn tại khái niệm hai chữ “ Nhân từ”.  Thôi ! đừng khóc nữa, Cậu khóc làm tớ đau lòng lắm. Mặc dù an ủi Lành, nhưng cô bạn lại sụt sùi to hơn.

Hai người đàn bà ôm lấy nhau vừa cười, vừa khóc. Liệu nước mắt tuôn ra, có giúp họ vơi đi nỗi đau ?

Trong số nữ sinh lớp 9 trường cấp 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lành có dáng cao gầy, nên mọi người trong lớp rất dễ nhận ra. Cô gái nội thành nhút nhát, ít nói và hay mỉm cười. Nụ cười lúc nào cũng như lời xin lỗi, nhưng không biết xin lỗi ai và xin lỗi vì lý do gì. Bạn bè trong lớp, ai cũng mến Lành, cô gái  thùy mị, nết na, dịu dàng. Câu ca dao “Có duyên, sắc lặn vào trong” rất hợp với Lành. Ngày ấy, con gái  cao lêu nghêu thường mặc cảm. Lành đi dép mỏng, mặc quần áo thụng, để  mọi người nhìn cô, có cảm giác thấp đi. Thật trái ngược với mốt bây giờ, chân dài, dáng người cao mảnh, là niềm kiêu hãnh, ao ước đến đau khổ của biết bao cô gái.

Lành học xong cấp ba. Đất nước vẫn đang thời chiến. Bạn cùng học, người viết đơn xung phong ra trận. Người vào các trường đại học sư phạm, ngoại ngữ, bách khoa hoặc đi học nước ngoài. Riêng cô ghi tên vào trường đại học xây dựng, với một ý nghĩa thật giản dị. Sau này hết chiến tranh, cả nước là một công trường xây dựng, rất cần các nhà kiến trúc sư. Bạn học gàn không được, mắng :

– Đồ dở hơi ăn cám lợn, mày bị điên thật rồi.

Lành chỉ cười, nụ cười bẽn lẽn, má cô ửng hồng, làm xốn xang nhiều chàng trai cùng lớp.

Năm năm miệt mài đèn sách, cầm tấm bằng loại giỏi, Lành trở về Hải Phòng công tác. Cô đã tham gia thiết kế, thi công nhiều công trình xây dựng cho thành phố. Các công trình bền vững với thời gian. Nhưng con đường tình duyên của Lành lại muộn mằn. Thành, người yêu của Lành ra trận vẫn chưa trở về. Anh viết thư nói “Biên giới Tây Nam đang rất phức tạp, nhưng anh sẽ về . Em may sẵn áo cưới nha, anh về là chúng mình tổ chức cưới liền à”. Lành bồn chồn ngóng đợi, càng đợi càng bặt tin.

Tháng 10 năm 1979, Thành viết thư báo tin “Anh đang ở tận biên giới Căm pu Chia – Thái Lan, sắp được về với em rồi”. Sang năm 1981, thư anh viết “ Tình hình căng rồi, nhưng anh sẽ về, nhưng chưa biết lúc nào”. Lành viết thư dân dỗi “Áo cưới em may rồi, để mấy năm chưa được mặc, anh ơi”. Anh viết lá thư dài mười trang giấy poluya, đầy ắp những lời yêu thương, khoắc khoải, nhớ nhung da diết. Lành đọc một mạch lá thư dài, không dứt ra được. Cuối thư anh bảo, khi nào về, anh để em mặc áo cưới cả lúc đi ngủ !”. Lành phì cười, mặc áo cưới lúc ngủ, có mà anh khóc cả đêm”. Năm 1982, Lành nằm mơ thấy anh bị thương, người bê bết máu. Sợ quá, cô kêu thét lên, làm cả nhà giật mình tỉnh giấc, tưởng có trộm chui vào nhà. Những đêm sau, cứ nghĩ tới giấc mơ, Lành thao thức mãi mới chợp mắt. Rồi giấc mơ biến thành hiện thực, một đêm khuya, mẹ Thành gọi điện cho Lành, vừa nói vừa khóc “ Con ơi, thằng Thành hy sinh rồi”. Lành chết giấc, lúc tỉnh dậy, một cảm giác trống rỗng xâm chiếm trong lòng cô. Thân thể Lành nặng như chì, chân tay bất động. Lành cứ nằm chết dí trên chiếc giường, chẳng nghĩ được gì. Thành hy sinh, Lành cũng muốn chết theo, nhưng không làm sao chết được.

Báo tử Thành xong, Lành như người mất hồn. Hàng năm sau, nụ cười mới trở lại trên môi, da dẻ cô mới tươi trở lại. Nhưng với tình yêu, trái tim Lành  không còn thấy rung động nữa, mỗi khi có đàn ông đến ngỏ lời.

Thấm thoát Lành đã bước vào đầu bốn. Nếp nhăn chân chim, chân cò, đã hiện về khóe mắt, da mặt cô đã có những nốt tàn nhang, dấu vết xâm thực của thời gian. Một chiều gội đầu, Lành giật mình đánh rơi cái lược, một vài sợi tóc bạc đã rụng theo tóc đen. Trời ơi! mình đã có tóc bạc rồi sao ?. Lành hoa mắt, như bị ai tát mạnh vào thái dương. Từ hôm ấy, Lành yên phận làm bà cô. Đến cơ quan gặp bạn bè, cuốn hút vào công việc, Lành tạm quên đi nỗi cô đơn. Nhưng khi về nhà, buồn ơi trống vắng mêng mông là buồn. Cha mẹ Lành mất sớm, anh em có gia đình riêng. Lành ngồi ăn cơm một mình, một đôi đũa, một tô cơm, một bát canh, một đĩa rau, một khúc cá kho. Ngồi một mình bên mâm cơm, mới thấy tủi thân, nước mắt ứa ra, miệng đắng ngắt không sao nuốt nổi. Bây giờ Lành lại khát khao có người đàn ông bên cạnh, để yêu thương, chăm xóc, để giận hờn, khóc lóc, nhớ nhung, ghen tuông, như ngày nào yêu Thành. Chao ơi, sao Lành lại thèm tiếng khóc trẻ thơ trong đêm thanh vắng đến thế, để dỗ dành, nâng niu, mắng mỏ. Đêm nằm một mình, nằm mãi không sao ngủ được. Nằm có đôi, chân gác lên chân, nằm một mình chân gác lên đâu?. Mệt quá, vừa chợp mắt, Lành mơ thấy mộng mị hãi hùng, tỉnh dậy toàn thân toát dã mồ hôi. Giá mà có bờ vai rắn chắc, để mình rúc đầu vào nách họ, điên đảo mùi vị chua nồng mồ hôi đàn ông. Sống cô đơn một mình sao mà buồn, chông chênh, chán chường và khổ thế không biết. Sáng tỉnh dậy đi làm, dù có thoa chút phấn hồng, quệt nhẹ lớp son môi, vẫn không thể dấu được nét mặt bơ phờ, ánh mắt mệt mỏi, giọng nói khàn đục của người đàn bà mất ngủ nhiều đêm. Lành chua chát khi nghe người đời mát mẻ: “Cau già dao bén thì ngon, gái già má phấn môi son vẫn già”

Đúng lúc ấy anh đến với Lành, qua bạn bè giới thiệu, tuổi anh chưa đến bốn lăm.  Dáng người Bân gầy gò, nét mặt anh khắc khổ, u buồn. Chị vợ đi theo người tình, để lại cho anh một bé gái nhỏ xíu. Trong các cuộc ly hôn, có hàng trăm lý do vợ chồng bỏ nhau và người trong cuộc ra sức  đổ lỗi cho nhau. Sau này, qua người vợ cũ, Lành mới biết anh hiền lành đến nhu nhược. Vợ cũ coi thường chồng ra mặt:

–          Anh ấy đụt tới mức, ra ngõ cũng bị chó bắt nạt !.

Rồi chị ta cười, an ủi bảo Lành :

– Được cô cưu mang hai bố con anh ấy, tôi cũng yên lòng. Chồng đần dễ sai khiến, cô không thiệt đâu.

– Sao chị lại nói anh ấy như vậy?

Lành ngớ ngẩn hỏi lại. Chị ta cười nửa miệng:

– Cứ ăn ở với nhau, rồi cô sẽ biết.

Đối với đàn ông, không có gì nhục nhã và đau khổ bằng bị vợ đá. Đau đớn ê chề, cộng với việc ngày đêm chăm sóc con thơ, anh gần như suy sụp. Cảnh gà trống nuôi con, đàn ông ai cũng trở nên đáng thương.

Gặp hai bố con anh, Lành trào dâng niềm trắc ẩn trong lòng. Nhìn thấy bé An, con anh, quệt nước mắt, nỉ non khóc đòi mẹ. Lành xúc động ôm nó vào lòng vuốt ve, từ sâu thẳm cõi lòng bật lên tiếng thầm thì, nức nở “Mẹ đây, nín đi con…”. Mắt Lành nhòa lệ, mọi người đi cùng cũng nhận thấy thế, hai bố con anh cũng cảm nhận tình cảm của Lành.

Lành làm vợ, nhưng chưa lần mặc áo cưới. Lành làm mẹ, nhưng chưa một lần sinh nở. Tình thương yêu của người mẹ, người vợ, lòng bao dung của người phụ nữ, Lành giành hết cho bố con bé An. Bé An có vẻ sợ sệt, cảnh giác và lảng tránh mỗi khi gần Lành. Mặc cho bố nhắc nhở, thậm chí mắng mỏ, bé An vẫn chỉ gọi Lành là cô, xưng cháu. Lành kiên trì chờ đợi. Lành chăm xóc bé An miếng ăn, giấc ngủ, giỗ dành nâng niu khi bé hu hi, nóng sốt. Thứ bẩy hàng tuần, Lành rủ bé An đi siêu thị sắm đồ. An thích đủ thứ, nhưng Lành không chiều, chỉ mua một số thứ thật cần thiết cho đứa trẻ lên sáu tuổi. Ngày chủ nhật, Lành đưa bé An đi chợ mua đồ ăn. Về nhà, hai cô cháu cùng vào bếp, Lành dạy An nhặt rau. Đến bữa ăn, Lành khoe với chồng:

–          Hôm nay con gái nấu món này, món kia, anh ăn có ngon không ?

Anh hoài nghi nhìn bé An. Còn nó sung sướng được Lành khen. Bé An đỏ mặt, lý nhí :

–          Bữa cơm hôm nay con và mẹ Lành cùng nấu.

Nghe lời nói của bé An, Lành sướng râm ran cả người. Niềm vui của người đàn bà lỡ thì, được con chồng chấp nhận là mẹ, thật khôn tả. Hạnh phúc đến chậm rãi, muộn mằn, có dư vị ngọt ngào pha lẫn đắng cay, nhưng không bất ngờ. Những năm tháng sống với anh và bé An, là thời gian Lành cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mặc cho ai đó mỉa mai “Nước giữa dòng chê trong, chê đục, vũng trâu đằm hỳ hục khen ngon!”.

Đàn bà tuổi ngoài 40, sinh nở thật khó khăn. Mấy lần chậm kinh tưởng có tin mừng, nhưng Lành vẫn chẳng có thai, toàn những lần mừng hụt. Đến bệnh viện, Lành mới ngã ngửa người ra, những lần chậm kinh là do kinh nguyệt không đều. Về nhà, Lành uống thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây, thuốc ta đủ loại, không thiếu một thứ gì. Trong nhà lúc nào cũng ngào ngạt mùi thuốc sắc, nhưng vẫn không có kết quả, Lành buồn lắm. Mỗi lần bé An tỉ tê:

– Mẹ Lành ơi, bao giờ con có em bé?

– Mẹ cũng không biết nữa, chắc cũng hơi lâu An à.

– Ứ ừ, ngày mai mẹ đẻ em bé cho con ngay cơ.

– Thế con thích em bé trai hay em bé gái?

– Con thích em bé trai, mẹ đẻ nhanh em bé nhé, để con bế em, dắt em đi chơi và dạy em bé học hát.

Những lời líu lo hồn nhiên, ngây thơ của bé An, càng làm Lành thêm buồn, buồn đến não lòng. Tự nhiên nước mắt Lành thánh thót rơi trên gò má. Bé An ngơ ngác:

– Kìa, sao mẹ Lành lại khóc, có phải chưa có em bé, nên mẹ buồn phải không?

– Không phải thế đâu con ạ, mẹ bị con muỗi bay vào mắt, chảy nước mắt đó thôi.

Lành càng chữa chạy, hy vọng có con càng xa vời. Và đến một ngày lên khám ở bệnh viện phụ sản thành phố, Lành nhận được cái tin sét đánh: “Buồng trứng của cô bị teo, mất khả năng sinh nở”.

Lành về phòng làm việc cơ quan, đóng chặt cửa, sụt sùi khóc không thành tiếng. Trời ơi, hạnh phúc lớn nhất của người đàn bà là lấy chồng, sinh con, sao mình lại  bất hạnh đến thế. Lành than thân, trách phận, rồi trách cả ông trời ăn ở bất công. Cô ghen tỵ với chị em phụ nữ trong cơ quan. Họ sinh con, đẻ cái, dễ như gà vịt đẻ trứng. Chị họ của Lành, tuổi đã ngoài 50 tuổi, vẫn phải dùng tất cả các biện pháp đặt vòng, uống thuốc, dùng bao cao su. Nhưng thỉnh thoảng vẫn dính, phải đi hút nạo thai. Số phận mình thật hẩm hiu, tuổi thanh xuân chôn vùi nơi công trường xây dựng, mù mịt cát bụi. Đến khi có được tấm chồng, hì hục với nhau bao đêm, mình vẫn chẳng thể sinh cho anh một đứa con. Lành tủi thân khi thấy bạn bè, chị em trong cơ quan. Sau khi sinh nở, cô nào cũng phổng phao, trắng trẻo, long lanh. Lành ngồi khóc một mình, trời tối mịt lúc nào không hay.

Đến tối vẫn chưa thấy Lành về. Bố con anh sợ có chuyện gì xảy ra, hốt hoảng phóng xe  đến cơ quan. Ông bảo vệ chỉ chiếc xe máy và bảo:

– Cô ấy vẫn còn ở trên phòng làm việc.

Cánh cửa phòng bật mở, hai bố con anh chạy ào vào ôm lấy Lành. Nhìn tờ giấy  trên bàn, anh hiểu ra tất cả. Anh có nói gì lúc này, cũng không thể an ủi, xua tan đi nỗi thất vọng đang tràn trề trong lòng cô. Nhưng dù sao, sự xuất hiện hai bố con anh, cũng xoa dịu đi phần nào nỗi đau đang vò xé Lành. Cả ba người đều im lặng và nghẹn ngào trong nước mắt.

Từ hôm ấy, anh quan tâm chăm sóc, ân cần với Lành nhiều hơn. Bé An cũng không còn đòi mẹ Lành đẻ em bé nữa. Lành biết ơn hai bố con anh nhiều lắm. Lành thầm hứa với lòng mình, sẽ đền đáp bằng tất cả niềm tin, sự hy sinh của người vợ, người mẹ cho bố con anh.

Bân đi làm ở nhà máy, lương chỉ đủ cho anh mua xăng xe, ăn sáng, trà nước, bia bọt. Để đảm bảo chi tiêu cuộc sống hàng ngày và tiền học của bé An, Lành nhận  khiết kế tư, mang về nhà làm đến tận khuya. Từ năm 1994 đến năm 2008, là thời gian Lành sống trong hạnh phúc, tin cậy và hy sinh. Người đàn bà nào được chồng con thương yêu, thì “Mái tóc nàng sẽ thêm dài, cái duyên nên đẹp, cái tài nên khôn”. Và họ yêu thương lại chồng con gấp nhiều lần. Trong lúc ấy, bạn bè của Lành, tuổi ngoài năm mươi, con cái trưởng thành. Họ hồi xuân, tung tẩy, chăm chút, ăn diện, chải chuốt, xì tút làm mới lại mình. Riêng Lành vẫn thế, chị quên mình, ngày đêm vun đắp cho tổ ấm gia đình. Điều đó lý giải vì sao mười mấy năm qua, chị hy sinh nhiều đến thế. Sự nghiệp, sức khỏe và tiền bạc tích cóp sau bao năm đi làm, Lành chăm chút, giữ gìn hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi, như cố gắng giữ gìn ngọn lửa trong giông bão.

Đầu năm 2009, Bân tỷ tê với Lành :

– Cái nhà mình xuống cấp quá rồi, sửa lại cho đỡ búi xùi, bạn bè con An đến chơi, nó cũng đỡ ngượng.

Lành cũng đã có ý định sửa nhà từ lâu. Sau khi tính tới tính lui, Lành bàn với chồng :

– Mình mua đất dự án, xây nhà mới là tốt nhất, vấn đề là tiền không đủ.

Anh ngượng ngùng nói:

– Thì vay mượn  bạn bè cơ quan, họ hàng bên ngoại. Em hỏi họ còn cho vay, chứ anh trên răng dưới cát tút, chẳng ai chịu cho vay đâu.

Lành phì cười khi chồng nói đùa. Chẳng hiểu vì sao Bân không có bạn bè thân thiết, anh em ruột thịt thì xa lánh, biết vay tiền của ai ?

Bán căn nhà cũ trong ngõ phố Đà Nẵng, Lành mua một lô đất ở khu đô thị mới thuộc Phường Đằng Hải, gần trục đường Ngã 5 sân bay Cát Bi. Trong sổ tiết kiệm của Lành, cũng chỉ có hơn hai trăm triệu đồng. Số tiền đó mới đổ xong mái tầng ba, đã lõm mấy chục triệu đồng. Lành chạy đôn chạy đáo, chạy ngược, chạy xuôi, vay mỗi người một ít, mới đủ tiền hoàn thiện và mua đồ nội thất. Bạn bè thông cảm với hoàn cảnh của hai vợ chồng Lành, họ vui vẻ nói :

– Cậu cần bao nhiêu tiền, cứ đến gặp tớ, khi nào có trả cũng được.

Hai tháng sau, căn nhà đúc bê tông, ba tầng xinh xắn cũng hoàn thành. Mấy chục năm làm nghề kiến trúc, lần đầu tiên Lành mới thiết kế riêng ngôi nhà cho tổ ấm của mình. Bao nhiêu tâm sức, vốn liếng Lành đổ dồn vào ngôi nhà. Lành đinh ninh sẽ sống hạnh phúc đến cuối cuộc đời với anh và bé An. Bé An, giờ đã là cô sinh viên xinh sắn, học năm thứ ba trường đại học Hải Phòng.

Về nhà mới chưa được một tháng, Lành đổ bệnh nặng. Bao vất vả lo toan khi làm nhà, đã bào mòn sức lực của Lành. Thời gian Lành bạo bệnh, thái độ của anh và bé An bỗng thay đổi hẳn. Đàn ông không đáp ứng được tình cảm, sinh lý, họ cáu bẳn cũng chẳng có gì đáng trách. Nhưng bé An thờ ơ lạnh nhạt, làm Lành đau như cắt. Nó vắng nhà nhiều hơn, có hôm không ăn cơm tối và đến khuya mới về nhà. Bé An hay nói trống không với Lành và cũng chẳng một điều mẹ Lành, hai điều mẹ Lành như trước nữa. Lành buồn hẳn. Chị tự trách mình quá gắng sức, bây giờ ngã quỵ, chẳng còn sức phục vụ chồng con, mới xẩy ra nông nỗi này.

Một tối bé An vắng nhà, Bân ấp úng :

– Tôi có chuyện muốn nói với cô.

Nghe cách xưng hô, Lành đã giật mình, liền hỏi :

– Có việc gì quan trọng không anh, để ngày mai hãy nói, em đang mệt lắm.

– Không, chẳng có chuyện gì đâu, tôi muốn nói ngay với cô tối nay, không  thể để sáng mai được nữa.

– Trời ơi, có chuyện gì gấp phải nói ngay ?

Thấy anh xưng tôi, gọi cô, chị đã linh cảm thấy điều gì chẳng lành. Nén tiếng thở dài, Lành đưa tay lên ngực, giữ con tim đang đập hoảng hốt :

– Anh nói luôn đi rồi mình ăn cơm, em sẵn sàng nghe rồi đây.

– Ừ, nói luôn, nhưng cô phải bình tĩnh để nghe tôi nói đấy và đừng có ầm ĩ lên.

Bân ra đóng kín cửa sổ, cửa đại, để âm thanh không lọt ra ngoài. Lành nín thở, ngồi xuống ghế chờ đợi. Chị nhìn vào mắt chồng. Bân vội cụp mắt và cúi gằm mặt xuống bàn, giọng ráo hoảnh:

– Tôi đã có con với người đàn bà khác.

– Cái gì, anh nói lại cho em nghe xem nào?.

Tai Lành ù đi như bị sét đánh.

– Tôi đã có đứa con trai với người đàn bà khác, cô điếc hay giả vờ không nghe thấy hả ?

Bân nói như quát lên.

Lành ngồi chết lặng trên ghế sa lông, khó nhọc lắm mới cất tiếng :

– Đứa bé mấy tuổi rồi, sao anh không nói từ trước, thế bây giờ anh tính sao?

Anh ta cười khẩy, trả lời:

– Thằng bé ba tuổi rồi, còn tính sao nữa. Bây giờ tôi và cô chia tay, đường ai người ấy đi. Tôi còn phải có trách nhiệm với nó chứ.

– Thế còn em thì sao, lúc ốm đau bệnh tật, em chỉ mong có anh và bé An bên cạnh để an ủi động viên. Bao nhiêu năm nay em tận tình chu đáo với bố con anh, sao anh nỡ lòng nào đối xử với em như thế.

– Không được, ốm đau đã có bệnh viện và họ hàng, anh chị em nhà cô chăm sóc. Con An lớn rồi phải lấy chồng. Con trai tôi còn nhỏ, tôi phải ở bên cạnh nuôi nấng, dạy bảo nó. Bé cậy cha, già cậy con.

– Trời ơi! Trái tim  là cục băng hay sao mà miệng anh lại thốt ra những lời lạnh lẽo, bạc bẽo như vậy ?

– Băng tuyết hay cục nước đá gì tôi không cần biết. Tình yêu đã chết từ lâu rồi. Xin lỗi, tôi nói thật cho cô biết, mười mấy năm nay, giữa tôi và cô làm gì có tình yêu, mà nói tình yêu đã chết. Chia tay thôi, đường ai nấy đi, xin cô buông tha tôi ra, đừng cố níu kéo làm gì.

– Thì ra bấy lâu nay tôi chỉ là cơm nguội lót dạ của anh. Nếu anh cạn tàu ráo máng thế, anh cứ mang quần áo, tư trang đến ở với con trai và người tình của anh đi. Tôi và bé An sống với nhau cũng được, bao giờ nó lấy chồng, vợ chồng nó về đây ở cùng tôi.

– Con An nó không thèm ở với cô đâu. Cô định một mình chiếm cái nhà này chắc, nói sao nghe dễ thế.

– Anh nói sao ?. Tiền mua đất, xây nhà, là tiền bán nhà và tiền tiết kiệm của tôi. Còn tiền vay mượn, sau này tôi cũng phải trả. Aanh có quyền gì đòi hỏi, chia chác căn nhà này?

Bân cười nhạt, ánh mắt vằn đỏ như mắt chó dại trong đêm:

– Ai làm chứng đất, nhà này là của riêng cô?. Hãy tỉnh lại đi, hộ khẩu nhà này có cả ba người, tên cô, tôi và tên bé An. Lẽ ra phải chia ba, song nghĩ cũng thương hoàn cảnh đau ốm của cô, nên tôi hữu nghị chỉ lấy một nửa tiền bán nhà thôi. Thế là tôi quá tử tế, nhân đạo với cô rồi đó. Nói cho mà biết, sáng hôm qua cô đi khám bệnh, tôi đã gọi khách đến xem nhà, ngã giá và nhận tiền đặt cọc rồi. Cuối tuần này họ đến chồng đủ tiền, sang tuần phải giao nhà.

Nói xong, anh ta vơ chiếc mũ bảo hiểm, dắt xe máy phóng đi, bỏ mặc Lành ngồi một mình. Bên cạnh, mâm cơm nguội ngắt nằm chổng trơ trên bàn. Nỗi thất vọng chán chường cùng cực cứ dồn lên ngực, làm Lành không sao thở được. Trời ơi! Sao con khổ thế này. Lành chỉ muốn chết ngay tức khắc, nhưng chết bằng cách nào, đường xuống địa ngục đâu rồi, ai chỉ giùm tôi với?. Cái đài hàng xóm bỗng nỉ non câu hát: “ Ở đâu, ở đâu nỗi buồn hóa đá, ở đây, ở đây đá hóa nỗi buồn…”. Rồi cả khu phố bỗng mất điện lưới, ánh sáng vụt tắt. Không gian hoàn toàn im lặng. Chỉ còn Lành, cô đau đớn rên rỉ trong ngôi nhà trống vắng, lạnh lẽo, tối om như một nấm mồ.

Cả đêm ấy Lành không sao chợp mắt. Lành không thể tưởng tượng được, cái kết cục tàn nhẫn của cuộc tình muộn mằn của mình lại ra nông nỗi này. Mười mấy năm qua, có phải là đó là một hành trình dài của những âm mưu lừa gạt và dối trá ?. Lúc đến với Lành, bố con anh ta không nhà, không cửa, chỉ có chiếc xe đạp cũ và mấy bộ quần áo rách. Không sao, đối với Lành, hai bố con anh và tình yêu thương là đủ. Buổi đầu chung sống, anh ta thì thào :

-Em đúng là người của phật, được bồ tát cử xuống giúp anh. Đời này, kiếp này, anh cũng không biết lấy gì đền đáp công ơn của em đã dành cho anh và bé An.

Nghe Bân nói, chị ứa nước mắt :

-Ơn trời, phật cho em được gặp anh, sao chúng mình không gặp được nhau sớm hơn ?

Mải miết mười mấy năm, Lành quên cả bản thân mình, chăm chút phục vụ chồng con. Đến lúc có nhà mới, khi lành bị ốm đau, bệnh tật. Chân tướng anh ta mới bộc lộ, hiện nguyên hình là kẻ khốn nạn. Còn Lành, chị đã phải trả giá quá đắt khi đặt trọn niềm tin  vào kẻ lừa đảo. Kẻ đã cướp đoạt mười mấy năm cuộc đời và một nửa gia tài của chị. Nhưng điều ấy, cũng không làm chị tổn thương bằng anh ta nhuộm bẩn tâm hồn trong trắng của bé An:

– Dì ghẻ của con là mụ phù thủy xấu xa, độc ác gấp chục lần người đã sinh ra con.

– Xấu xa, độc ác đến mức nào hả bố ?

Bé An ngơ ngác hỏi lại. Táng tận lương tâm, anh ta trắng trợn bịa đặt:

–          Hồi con còn nhỏ, dì ghẻ cho con ăn cơm hớt của chó. Lúc con bị ốm, đã tiêm kháng sinh của lợn cho con !.

Thế gian này còn có người đàn ông nào nhẫn tâm với vợ, nhẫn tâm với người thân, bội bạc với bằng hữu, dối trá với con trẻ hơn thế nữa không?

Lành chết cay chết đắng, chẳng biết thanh minh cùng ai. Chị day dứt tự hỏi, có phải kiếp trước mình nợ nần ai, nên kiếp này bị đày đọa khổ sở đến thế ?

Gia đình đang yên ấm bỗng tan đàn xẻ nghé. Tình nghĩa vợ chồng đã chết. Không nhà, không cửa, Lành phải về ở nhờ đứa cháu con chị gái. Cộng với cơn bạo bệnh làm chị gần như gục hẳn. Lành chỉ còn cách thế giới bên kia một cái nệm giường. Lúc tỉnh dậy, Lành thấy đời mình tràn đầy nước mắt, nghĩ tới quá khứ toát giã mồ hôi. Lúc ốm đau mới biết ai tốt, ai xấu, khi nghèo hèn mới biết tình người thủy chung. May có gia đình, bạn bè, người thân chăm xóc, động viên. Gần một năm trời, Lành chống chọi với bệnh tật và nỗi đau bị phản bội. Bệnh đến như thác lũ, bệnh đi tựa lụa bay. Rồi như có sức sống mãnh liệt, gốc cây cằn cỗi lại đâm chồi nẩy lộc, hồi sinh. Lành run rẩy gượng dậy, nụ cười hé nở trên đôi môi  héo hắt.

Với số tiền chia bán nhà, Lành về Phương Lưu mua mấy chục mét vuông đất, gần đền Phú Xá. Lành tự tay thiết kế, thuê thợ xây cho mình căn nhà nhỏ một tầng xinh xắn. Làm nhà xong, Lành cùng hai em trai Thành, sang tận Căm Pu Chia, tìm đưa hài cốt Thành về Bắc. Tổ chức lễ truy điệu cho Thành xong. Lành phóng to ảnh Thành, lồng vào khung, để lên bàn thờ, bên cạnh khung ảnh của bố mẹ thân sinh ra chị.

Một hôm, cô bạn thân đến thăm. Bạn ghé vào tai Lành, hỏi nhỏ :

– Cậu đã biết tin về lão Bân chưa?

– Chuyện gì vậy, từ ngày lấy được tiền chia bán  nhà, anh ta một đi không trở lại. Gần một năm trời, mình nằm lê lết ở bệnh viện, bố con anh ta cũng không một lời hỏi thăm. Thôi! Cậu đừng nhắc đến kẻ bội bạc ấy nữa, buồn lắm.

– Trời cũng có mắt, Lành ạ, đã trả lại một phần công bằng cho cậu. Lão Bân vừa bị nhân tình tống cổ ra khỏi nhà rồi. Số tiền gần một tỷ đồng, lão cướp trắng được của cậu, mua căn nhà cho tình nhân và đứa con trai ở. Vừa rồi, ả Cave có mái tóc nhuộm vàng bù xù như lông chó xồm. Nó tuyên bố xanh rờn:

-Thằng bé ấy không phải là con ông, bố nó mãn hạn tù về nằm ngủ ở trên gác kia kìa. Ông muốn sống thì thu xếp đồ đạc rồi biến đi cho nhanh. Lấn ná ở lại, nó cắt gân đấy. Đúng là lưu manh gặp côn đồ. Thật đáng kiếp kẻ đốn mạt! Cậu hả lòng, hả dạ rồi chứ?

– Trời ơi! trên đời sao lại có người đàn bà bất lương như vậy?

Lành kêu lên và đau đớn hỏi lại : Thế bây giờ bố con anh ta ở  đâu?

Nghe Lành hỏi, cô bạn lại càng tức giận:

–  Đến bây giờ cậu vẫn còn thương xót kẻ bạc tình, bạc nghĩa ấy à ? Thật cũng đáng đời cho lão, ác giả ác báo, cha nào con nấy. Đứa con gái bỏ học, chơi bời lêu lổng, cặp với thằng nghiện, có chửa rồi. Hiện giờ lão ta chui rúc ở xó xỉnh nào tớ đâu có biết. Mà biết để làm quái gì chứ ?.

Xả cho nguôi cơn giận, thấy Lành im lặng, cô bạn lại mỉa mai :

– Hay là cậu gọi lão về nhà đi. Tớ cam đoan nếu cậu lên tiếng, thằng đểu ấy cũng dám vác cái mặt mo về rúc váy cậu ngay. Loại người cỏ rả ấy, chẳng còn biết liêm sỉ là cái gì đâu.

Ngừng một lát, cô bạn nói tiếp:

– Mình nói đùa cho vui thôi. Tớ khuyên cậu, bài học nhỡn tiền  nóng hổi còn đó, chớ có dại rước sói vào nhà, oan gia ngõ hẹp có ngày. Cậu ở một mình cho nhẹ đũng quần.

Lành chua xót nói với bạn:

– Thôi mà, cậu đừng nói nữa. Bố con anh ta bị trừng phạt như thế quá đủ rồi. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, mình cũng có lỗi cậu ạ…

– Lỗi gì chứ, gần mười năm năm, cậu nai lưng ra làm nuôi báo cô bố con nó. Còn nó đã làm gì cho cậu, ngoài việc ăn trắng mặc trơn, chơi bời bia bọt, trai gái đĩ bợm. Hắn lập mưu cướp trắng nửa gia tài của cậu, bỏ mặc cậu một mình ốm đau, nằm chờ chết. Sao cậu nhân hậu và tử tế quá vậy. Vào tay tớ, tớ băm vằm cái mặt thớt nó ra trăm mảnh cho hả giận…

Ngắt lời Lành, cô bạn tuôn một thôi một hồi cho bõ tức, rồi nói tiếp:

– Cứ nghĩ tới hắn ta, tớ vẫn còn điên cho cậu lắm. Thế mà bây giờ cậu vẫn còn cho mình có lỗi. Cậu ngây thơ, khờ dại, tin người quá. Bao nhiêu năm trời sống chung với loài lang sói, cậu không biết tim đen của nó nằm ở đâu. Hắn gieo rắc tai họa cho cậu chưa đủ sao ?

– Cậu nặng lời quá rồi. Những bất hạnh, nỗi đau mình phải hứng chịu, cũng là bài học, là sức mạnh để mình không bị gục ngã, đứng dậy, tồn tại đến hôm nay. Nhưng mình cũng có lỗi, cậu ạ. Lỗi thứ nhất là quá vội vàng đến với hôn nhân thiếu tình yêu. Hôn nhân không tình yêu thật rủi ro và bất hạnh. Lỗi thứ hai, người đàn bà làm vợ mà không sinh con, hạnh phúc gia đình mong manh dễ tan vỡ lắm, cậu ạ. Giá  mình sinh cho anh một đứa con, thì bây giờ đâu đến nông nỗi này- Ngừng một lát, Lành rơm rớm nước mắt, nói tiếp: Tớ hỏi cậu, nhưng tại sao con người lại dối trá, bỉ ổi và tàn nhẫn với nhau như vậy?

– Cậu vẫn còn bênh hắn ta sao ?. Với loại đàn ông hèn hạ như lão, cậu có đẻ cho hắn mấy đứa con, cũng chẳng giải quyết được gì. Nếu ai cũng lương thiện như cậu, thì cuộc đời này làm gì xẩy ra lắm chuyện tồi tệ như vậy.

– Cậu vẫn chưa trả lời câu hỏi của mình ?

– Đơn giản thôi, Lành ạ. Tham lam và ích kỷ đã sản sinh ra những người dị dạng như hắn, những kẻ trái tim không bao giờ tồn tại khái niệm hai chữ “ Nhân từ”.  Thôi ! đừng khóc nữa, Cậu khóc làm tớ đau lòng lắm. Mặc dù an ủi Lành, nhưng cô bạn lại sụt sùi to hơn.

Hai người đàn bà ôm lấy nhau vừa cười, vừa khóc. Liệu nước mắt tuôn ra, có giúp họ vơi đi nỗi đau ?

Đ.Đ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder