Chiếc chậu gỗ – Truyện ngắn: Phạm Xuân Hiếu

 

Thích chơi đồ cổ, lần nào mua đồ tôi cũng nói dối chồng. Mua nhiều nói ít; mua mười chỉ nói năm, ba. Đôi khi bảo người ta cho hay xin của bạn. Phải nói thế để yên nhà, chứ chơi đồ cổ mà chỉ nghĩ mua rẻ, chờ biếu, chờ cho thì chỉ có đồ nhái, đồ bỏ đi. Thời buổi thóc cao gạo kém, đồ quý ai bán rẻ cho mình. Ấy là nói vậy chứ trong thực tế, thú chơi đồ cổ có rất nhiều bất ngờ và luôn quyến rũ người chơi nghiện như ma men…
Khuya. Đang ngon giấc, chồng tôi chạy vào véo tai tôi, lôi dậy: “Em lấy vàng của anh làm gì? Vợ với chả con!”. Giọng chàng giận dữ. Tôi không nói, không phản ứng, ngoan ngoãn để chàng dựng dậy lôi vào chỗ mất tiền. Phó mặc! Vàng đã lấy, đồ đã mua. Chiếc chậu gỗ nằm chềnh ềnh ở góc nhà dài như chiếc thuyền con, chung quanh chạm khắc rồng phượng, đường nét tinh vi, hương thơm lan tỏa như nước hoa. Tôi dự cảm đó là món đồ cổ quý độc nhất vô nhị trời cho mình. Ngược lại, chồng tôi mỗi khi nhìn thấy thường ca cẩm: “Cổ gì! Chiếc máng ngựa chật nhà!”. Hai người lại cãi nhau, bảo vệ ý tưởng của mình.
Thích chơi đồ cổ, lần nào mua đồ tôi cũng nói dối chồng. Mua nhiều nói ít; mua mười chỉ nói năm, ba. Đôi khi bảo người ta cho hay xin của bạn. Phải nói thế để yên nhà, chứ chơi đồ cổ mà chỉ nghĩ mua rẻ, chờ biếu, chờ cho thì chỉ có đồ nhái, đồ bỏ đi. Thời buổi thóc cao gạo kém, đồ quý ai bán rẻ cho mình. Ấy là nói vậy chứ trong thực tế, thú chơi đồ cổ có rất nhiều bất ngờ và luôn quyến rũ người chơi nghiện như ma men.
Việc một phụ nữ đam mê đồ cổ như tôi là rất hiếm thấy. Vì thế tôi được nhiều người quý mến, ân cần chỉ bảo, hướng dẫn cách xem niên đại, đồ thật, đồ giả khác nhau ở chỗ nào. Học mãi, kiến thức của tôi vẫn chưa thấm vào đâu so với kho tàng cổ vật mênh mông muôn hình muôn vẻ. Mỗi hiện vật là một triều đại, một dáng hình. Mỗi hoa văn họa tiết là một tác phẩm nghệ thuật, không đồ nào giống đồ nào. Muốn sở hữu một hiện vật, người chơi phải có tiền, có tư duy bản lĩnh. Nhưng đôi khi vẫn nát óc, run tay trước một tác phẩm lạ men, lạ dáng chưa nhìn thấy bao giờ.
Mấy năm săn tìm, tôi mua được vài chục cổ vật bày chơi, đồ lành đồ vỡ, đồ thật, đồ giả lẫn lộn. Người khen, kẻ chê không biết tin ai. Thú chơi sắp phá sản thì một ngày kia, trên đường về ngoại, điện thoại trong túi tôi rung lên: “Em về ngay, có khách”. Tôi quay xe. Chiếc ôtô màu xanh đỗ ngoài cửa. Người đàn ông dáng cao gầy, đeo kính trắng tóc hoa râm đang chắp tay sau lưng đi dạo quanh nhà. Chồng tôi vắt chân nằm trên giường đọc sách. Thường những người đến nhà dính dáng đến cổ vật là chàng không tiếp. Chàng cho rằng tất cả họ đến chỉ để tán tỉnh, lừa phỉnh tính nhẹ dạ cả tin của vợ mình, nên không bao giờ mời nước. Gặp người không ưa thì sa sầm mặt: “Hỏi gì? Nhà tôi không có nhà, đi chơi xa”. Nhưng hôm nay, không hiểu ông khách này nói gì mà chàng lại nhẹ nhàng gọi tôi về.
Nghe tiếng chào của tôi, ông khách quay lại, đưa bàn tay thon dài bắt tay tôi, giọng kẻ cả:
– Là cô?
– Vâng!
– Cô chơi đồ cổ lâu chưa?
– Dạ, em mới chơi, bây giờ thì chán lắm rồi anh ạ.
Tôi bộc bạch tâm trạng đang muốn thanh lý tất cả những món đồ trong nhà cho đỡ ngứa mắt chồng. Ông khách nhẹ nhàng:
– Thế thì tốt, có gì không thích bán cho anh. Tôi bảo:
– Bác là đại gia, mua những đồ loạch xoạch nhà em làm gì cho phí tiền!
Ông cười:
– Cô thật thà quá. Chơi đồ cổ mà như cô là dễ bị người ta lợi dụng lắm. Anh tên là Hoành, cũng thích chơi đồ cổ. Nghe tin cô chú muốn bán một số đồ nên tranh thủ lại xem.
Nghe khách bộc bạch, tôi nhanh nhảu:
– Anh mua gì em cũng bán.
Tình ngay, ý gian, chồng tôi nghe vậy vứt bịch quyển sách đang đọc xuống giường, chồm ngay dậy, nhìn tôi hậm hực rồi đi ra cửa. Biết lỡ lời, tôi vội chữa:
– Những đồ này nhà em không thích chơi. Em muốn bán hết cho gọn nhà anh ạ.
Ông Hoành bước tới chiếc tủ bày đồ cánh kính:
– Cô cho phép anh tự nhiên nhé. Có sợ anh đánh vỡ không?
Mở tủ, ông nhẹ nhàng nâng hai tay từng món đồ sứ ra xem. Tôi đứng cạnh, nhìn cử chỉ của ông nửa đùa nửa thật:
– Em chỉ thích bác đánh vỡ thôi.
Cầm chiếc bát Lý hình chóp nón, vẽ cánh sen màu Seldon, mắt ông nheo lại, liếc về chiếc chậu gỗ để dưới gầm giường:
– Chiếc bát này bao nhiêu tiền?
– Một triệu anh ạ, đồ thật của em đấy.
– Thì tôi có bảo đồ giả đâu. Thế cả chiếc tủ đồ này và chiếc chậu kia bao nhiêu?
– Để em tính. Mấy chiếc bát Lê, mấy chiếc đĩa Trần một triệu đồng chiếc. Mỗi chiếc lá lật đời nhà Thanh ba trăm năm, lành vỡ đổ đồng hai trăm nghìn đồng chiếc. Riêng chiếc chum Khang Hy cao sáu mươi phân em mua của người thân hai ngàn đô. Chủ nhân bảo đảm đồ thật một trăm phần trăm.
Ông Hoành xua tay:
– Thôi, gộp cả là bao nhiêu? Gọi chú ấy vào đây. Bán gì thì bán cũng phải thuận vợ, thuận chồng.
Ông Hoành vừa dứt lời, chồng tôi xộc vào, mặt hằm hằm, giọng trịch thượng:
– Không bán. Không bán gì hết.
Tôi tái mặt, sững sờ nhìn chàng, nhìn khách:
– Bác thông cảm, nhà em không thích đồ này, mọi quyết định là do em.
Như lửa cháy đổ thêm dầu, chàng vung chân múa tay:
– Không bán, bảo không bán là không bán.

Tôi đứng chết lặng. Ông Hoành gật đầu à lên một tiếng khiến tôi lúng túng không biết giấu mặt vào đâu. Bình thường không vì chiếc chậu thì chàng hiền lành, điềm đạm. Sao hôm nay trông khuôn mặt chàng đáng ghét thế. Chàng đánh tháo mà như chính tôi đang đánh tháo. Đúng là đàn ông. Đàn ông gia trưởng, độc quyền. Tôi nhớ lời ai: Mua làm sao được đồ của vợ chồng nhà ấy, lần nào chồng bán vợ cũng đứng nghe. Đến khi thành giá sắp trả tiền là sấn sổ kêu: Tôi không bán, tiền của ông đâu mà ông bán… Tình thế ấy khách chỉ còn nước cất tiền vào túi là thượng sách. Chuyện nhà tôi hôm nay sao giống nhà người ta quá. Tôi có muốn thế đâu? Sao chồng tôi lại dở chứng như vậy! Ngượng chín cả mặt, hai mi mắt sụp xuống, tôi muốn biến ngay khỏi nhà.
Ngược với thái độ của chồng tôi, ông Hoành tươi cười: “Thì tôi đã mua đâu”. Miệng nói tay nhẹ nhàng đặt những chiếc đĩa vào tủ, ông đi ra ghế ngồi, mở hộp thuốc, châm điếu xì gà, hít một hơi dài. Làn khói cuộn tròn ngai ngái. Đôi mắt nâu thoáng dừng ở góc nhà. Có lẽ ông đang xem thái độ của vợ chồng tôi, ước tính niên đại, giá trị các món đồ, tìm cách mua chiếc chậu dưỡng sinh của vua Thiệu Trị bằng gỗ Tử Đàn. Dúi điếu thuốc mới châm vào gạt tàn, ông vẫy hai vợ chồng tôi lại:
– Có người giới thiệu anh chị bán đồ tôi mới lại hỏi mua. Bán hay không là ý mình. Lần sau muốn bán cái gì, vợ chồng phải thống nhất trước. Đó là văn hóa của người chơi cổ vật. Đừng như vậy. Người chơi đồ cổ đích thực bao giờ cũng là người quân tử. Quân tử nhất ngôn mới có hậu!
Dứt lời, ông Hoành đứng lên, ra xe. Tôi theo sau chưa kịp nói lời thanh minh, giữ ông lại, chiếc xe đã vọt nhẹ khỏi cửa. Chồng tôi đờ đẫn đứng dính vào tường không nhúc nhích. Tôi tiến lại, vênh mặt nhìn thẳng vào đôi mắt lấm lét của chàng, dằn giọng:
– Nói đi! Nói đi! Hàng ngày anh chê bai giục bán cho sạch nhà, sao hôm nay lại giữ? Anh làm kiểu gì thế? Lỡ hết cơ hội bán đồ. Từ nay đừng có ca cẩm chê bai.
Chàng không phản ứng, đứng một lúc rồi lặng lẽ lên giường đọc sách. Tôi lấy xe phóng đến nhà ngoại rủ mấy cô em ra nhà hàng. Khuya mới về, không nói không rằng để cả quần áo nằm lăn ra ngủ.
Biết lỗi, đêm ấy chàng thức đợi làm lành:
– Em đừng giận, không hiểu sao anh lại hành động như vậy. Đừng để bụng.
Tôi quát:
– Để cái gì? Mất khách, dơ cả mặt. Anh không chơi đồ cổ không biết. Những người chơi cổ vật lịch sự không có văn hóa ứng xử như anh. Anh tiếc tiền. Em sẽ trả anh tiền, trả anh gấp nhiều lần chỗ em lấy. Đợi đấy!
Chàng thở dài:
– Không biết ông ấy thích thứ gì? Mà từ lúc đến, anh để ý mắt ông ấy cứ dán vào chiếc chậu. Anh sợ em bán hớ nên kiếm cớ đánh tháo. Liệu ông ấy có giận anh không? Bao giờ thì quay lại? Mà em cũng quên xin địa chỉ, số điện thoại.
Tôi bảo:
– Tại anh, không thì em đã bán hết những của nợ ấy, chơi đồ khác cho đỡ cãi nhau. Đàn ông các anh tinh ranh thật. Những ý tứ như thế em làm sao mà hiểu được.
Chàng âu yếm kéo tôi vào lòng, hôn nhẹ lên môi.
*
Vợ chồng tôi không phải đợi lâu, một tuần sau ông Hoành quay lại. Chồng tôi đon đả:
– Bác ngồi chơi xơi nước, em gọi nhà em.
Miệng nói, tay bê chén, chàng lấy gói trà ngon pha vào ấm:
– Vợ chồng em tưởng bác giận. Em ơi, có khách.
Tôi từ trong buồng chạy ra:
– Em chào bác. Thái độ ông Hoành lần này thận trọng, không tỏ ra hồ hởi, vui mừng:
– Hôm nay tôi đi qua rẽ vào thăm cô chú, xem mua thêm được đồ gì mới không? Tôi chép miệng:
– Còn mua đồ gì nữa, chỉ có bán đi cho đỡ cãi nhau.
Ông hững hờ nâng chén nước rồi đứng dậy đi dạo một vòng xem các đồ trong nhà có thay đổi gì.
Với kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm, ông Hoành lướt nhìn các vật phẩm là nhận ra ngay giá trị, niên đại đồ quý, đồ không quý trong trăm ngàn cổ vật đang trưng bày mà không cần lời giới thiệu. Trò chuyện dăm ba câu là ông hiểu trình độ, đẳng cấp người chơi cổ vật ở mức độ nào. Vui chuyện, ông lý giải: “Đẳng cấp người chơi tranh, chơi nghệ thuật, cổ vật khác xa các giới chơi đồ tiêu dùng. Muốn mua súng, có tiền là mua ngay được súng, loại gì, nước nào cũng có. Cần bạch phiến, thuốc phiện, gật đầu là có người mang đến tận nhà. Còn chơi đồ cổ, ngoài có tiền còn phải hiểu rộng biết nhiều, có tư duy, kiến thức, quyết đoán nhanh, nếu không sẽ bị phỗng tay trên những món đồ quý. Thiếu suy đoán sẽ ôm đồ giả, ngậm bồ hòn”.
Ngồi trầm ngâm một lát bên chén trà, ông đột ngột quay sang chồng tôi thăm dò:
– Mấy hôm nay, cô chú đã thống nhất bán đồ chưa?
Tôi bảo:
– Vợ chồng em đã thống nhất. Em thanh lý cho bác cả chiếc chậu kia, nhưng bác phải trả đủ hai cây vàng dự phòng để em trả cho nhà em.
Nhìn tôi, ông lắc mái đầu bạc hoài nghi:
– Mã đàn bà như cô sao có gan bỏ ra mấy cây vàng mua chiếc chậu kia.
Tôi hiểu ý hơi chột dạ. Ông tủm tỉm xoa dịu:
– Vợ lấy tiền của chồng đi mua đồ cổ, chỉ có cô là người số một. Thường những người chơi đồ cổ đều là đàn ông, mấy khi có người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đam mê cổ vật như cô. Không chơi vàng bạc, kim cương, đá quý lại đam mê những thứ xấu xí chỉ đáng để ở ngoài vườn. Bản lĩnh. Bản lĩnh!… Tôi đồng cảm với những người mê cổ vật, nhìn thấy đồ đẹp là quên ăn, quên ngủ. Chưa có tiền xoay tiền, mua được ai trả đắt không bán; không thích cho không lấy, rẻ không mua. Còn chơi đồ như một số người vẫn chơi chỉ gọi là thợ chạy vì đồ mua về bày chưa nóng chỗ đã gọi bán kiếm lời, ai gọi là chơi. Thôi, tôi nói vui vậy, cô chú đừng tự ái nhé. Tổng cộng các món đồ là bao nhiêu?
Chồng tôi bảo:
– Bốn mươi tám ngàn chín trăm đô.
Ông gật gù:
– Tài tính thật, sao không tính cho tròn?
Như vậy là ông đã đọc thấu bụng dạ vợ chồng tôi. Lúc bàn tính, chàng bảo rút một trăm cho có vẻ rẻ. Tôi bảo: “Anh lù khù mà quái”. Chàng thanh minh: “Anh mới đọc báo: Nhà nọ có một chiếc bình cổ, để mãi ở góc nhà. Người thân xin nể chắc cho ngay, vô tình có người hỏi mua. Tưởng được giá bán liền. Không ngờ sau này mới biết chiếc bình có giá trị gấp rất nhiều lần thì đã quá muộn!”. “Thảo nào anh tính cái gì cũng đắt đi đôi, đi ba. Em xấu hổ, ngượng nói lắm”. Chàng bổ sung: “Mấy ông bạn ở quán bia còn bảo đồ cổ ai thích cứ nói cao cho đỡ hớ, làm gì có giá. Cứ tính vậy đi, ông ấy trả xuống là vừa. Không ai trách người mới chơi như em”.
Tôi tranh luận mãi nhưng vẫn thua thế đàn ông, đành để chồng đứng ra bán cho đỡ ngượng. Sau khi phát giá, hai vợ chồng đều nhìn khách hồi hộp thăm dò thái độ. Ông Hoành chắp tay sau lưng, trầm ngâm đi lại trên nền nhà rồi dừng lại, nhìn vợ chồng tôi: “Liệu có đắt quá không?”. Mặt chàng không biến sắc, giọng lạnh lùng phớt đời: “Thì chúng em cứ nói thế, còn tùy bác”. Ông Hoành bảo: “Tính tôi không muốn mặc cả, thích mua của những người hiền lành thật thà như cô chú. Chốt lại đi”. Chàng liếc tôi, cướp lời: “Bác đã nói vậy, em gia lộc cho bác một trăm”.
Ông Hoành nhìn chúng tôi rồi chốt một câu: “Vợ chồng còn gì thay đổi nữa không? Bàn tiếp với nhau đi kẻo sau này lại tại anh, tại em”. Không hiểu ý ông mua hay không, chúng tôi đồng thanh: “Được như vậy em để cho bác”. Miệng nói, trong lòng tôi không khỏi áy náy, nghĩ đắt như thế ông mua gì! Chẳng qua nói chơi thăm dò vậy. Để chắc ăn, ông Hoành hỏi lại: “Lần này chú có đánh tháo nữa không?”. Tôi bảo: “Lần này không bán cho bác, vợ chồng em tìm lỗ chui đầu xuống đất”. Ông đưa bàn tay cho chúng tôi nắm như giao kèo: “Thế nhé, vui vẻ chưa?”. “Chúng em đồng ý, còn khi nào bác lấy là tùy bác”. Ông bảo: “Tính tôi sòng phẳng, đã nói là làm”. Dứt lời, ông ra xe lấy ca táp, bật khóa rút sấp đôla đặt trên bàn khiến vợ chồng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau: “Ngày mai cô chú gói đồ chở đến nhà tôi, địa chỉ đây”. Lưỡng lự một chút, ông chỉ chiếc chậu gỗ dưới gầm giường: “Khênh chiếc chậu này ra xe tôi mang về trước. Mai tôi lại lấy tiếp”. *
Mấy tháng sau không thấy ông lại, chồng tôi sinh nghi: “Sao ông ấy chỉ lấy mỗi chiếc chậu? Hay ông ấy ốm đau bệnh tật…”. Gói tiền vẫn để nguyên. Vợ chồng tôi thấp thỏm ngày đêm.
Một tối, nhà vừa dọn cơm, thấy trên tivi giới thiệu chương trình đấu giá cổ vật tại bảo tàng lịch sử. Vợ chồng tôi sững sờ nhận ra chiếc chậu gỗ nhà mình được trưng bày trang trọng tại phiên đấu giá. Cô thuyết minh đang giới thiệu chi tiết lịch sử chiếc chậu tắm bằng gỗ Tử Đàn của Vua Thiệu Trị. Giá khởi điểm là một triệu đôla. Không tin ở tai mắt mình, chúng tôi chết lặng, nhìn nhau, nhìn lên tivi tên các nhà sưu tập cổ vật đang đua nhau nâng giá báu vật độc nhất vô nhị. Hối tiếc, mặt chàng đỏ phừng phừng, người run như cơn sốt rét, mồ hôi lã chã ướt đẫm áo. Mâm cơm còn nguyên không ai nuốt được một miếng.

P.X.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder