Chiều biên giới: Bản tuyên ngôn của một người Dáy

Nhà thơ Lò Ngân Sủn, sinh ngày 26-4-1945, dân tộc Dáy ở Bản Qua, Bát Xát, Lào Cai. Ông Nguyên là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai

vanhaiphong – Nhà thơ Lò Ngân Sủn, sinh ngày 26-4-1945, dân tộc Dáy ở Bản Qua, Bát Xát, Lào Cai. Ông Nguyên là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai, đã mất hồi 22 giờ ngày 15-12-2013

Các giải thưởng: Những người con của núi, Tập thơ, giải B – Hội Nhà văn,  1992; Đám cưới Tập thơ, giải A – UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1995 và nhiều giải thưởng khác.

Xin trân trọng giới thiệu một tác phẩm nổi tiếng của ông,

 


Lò Ngân Sủn

Chiều biên giới

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như tiếng chim hót gọi
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của  lá
Như tình yêu đôi ta.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa hoa đào nở

Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùi toả ngát hương bay.

 

 

 

Chiều biên giới em ơi
Rừng chăng dây điện sáng
Ta nghe tiếng máy gọi
Như nghe tiếng cuộc đời
Lòng ta thầm mê say
Trên nông trường lộng gió
Rộng như trời mênh mông.

Chiều biên giới em ơi
Đôi ta cùng chiến hào
Gần nhau thêm bền chí
Tình yêu là vũ khí
Giữ đất trời quê hương.

Chiều biên giới em ơi
Nghe con sông chảy xiết
Nghe con suối thác đổ
Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương


Hoàng Liên Sơn, 1980

Chiều biên giới: Bản tuyên ngôn của một người Dáy

Với tôi, bài thơ Chiều biên giới là bản tuyên ngôn bằng thơ của một người đàn ông dân tộc Dáy về chính cái bản nhỏ bé của mình. Cũng như ông, mỗi chúng ta đều có một bản tuyên ngôn về ngôi nhà của mình, về làng mình với những gì thân thuộc mà thiêng liêng nhất.

Tôi không biết một cách cụ thể bài hát của Trần Chung ra đời khi nào. Nhưng đó thực sự không phải điều quan trọng khi chúng ta nghe bài hát. Lời của bài hát là những câu thơ của nhà thơ dân tộc Dáy – Lò Ngân Sủn. Dù không nói ra, chúng ta đều có thể hình dung bài thơ ấy Lò Ngân Sủn viết khi nào và với điều gì đang xảy ra trong tâm hồn ông.

Nhưng thời gian mà nhà nhơ viết những câu thơ và nhạc sỹ viết từng nốt nhạc ấy không phải là điều mà tôi nói đến trong bài viết này – mà là là tình yêu quê hương da diết và thẳm sâu của hai con người kia: nhà thơ và nhạc sỹ. Khi tình yêu quê hương của hai cá nhân ấy đi đến tận cùng thì nó trở thành tình yêu của tất cả chúng ta với mảnh đất của chính mình.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta

Thực ra cụm từ chiều biên giới sẽ rất khó để chúng ta xác định đến một địa danh cụ thể nào đó. Nhưng những câu thơ tiếp theo được vang lên trong giai điệu da diết như muốn khóc, như muốn ôm ghì, như muốn hiến dâng trọn vẹn… đã cụ thể hóa tất cả như một bộ hồ sơ chính xác nhất cho từng cái cây, từng hòn đá, từng khúc suối, từng con dốc, từng mái nhà, từng tiếng gà gáy, từng ngọn khói… trên dọc dài biên giới nước nhà.

Bỗng chốc, biên giới đã trở nên cụ thể như chính cổng ngõ ngôi nhà của ông bà, cha mẹ tôi, như cái cổng làng của bạn, như phần mộ của những người thân của chúng ta.

Nếu chúng ta không sinh ra và lớn lên, không chôn nhau cắt rốn ở trên chính mảnh đất ấy, nếu chúng ta không buồn vui, không cày cấy, không dựng nhà dựng cửa và không sinh con đẻ cái trên mảnh đất ấy, nếu chúng ta không từng đổ mồ hôi và máu trong hàng ngàn năm lịch sử để dựng lên mảnh đất ấy thì chúng ta, mà cụ thể ở đây là nhà thơ Lò Ngân Sủn, sẽ không bao giờ viết được những câu thơ với cảm xúc như thế.

Bởi những gì không thực sự thuộc về chúng ta thì khi chúng ta nói đến với bất cứ phép xảo ngôn nào, cũng vẫn sẽ lộ ra là một kẻ giả dối.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương

Em ơi có (ư) nơi nào hơn chiều biên giới khi mùa hoa đào nở ,
khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây mù tỏa ngát hương bay
Chiều biên giới em ơi!

Những điều thiêng nhất thuộc về quê hương của một con người lại là những điều giản dị nhất. Tổ quốc luôn luôn là một danh từ vĩ đại – vậy nhưng Tổ quốc lại được tạo nên bởi chính những điều giản dị.

Một nhà văn đã từng viết: “Lịch sử lớn lao của mọi dân tộc lại đi ra từ những ngôi nhà và những lối ngõ nhỏ bé của từng con người làm nên lịch sử đó”. Chính những điều giản dị nhất ấy lại chứng minh một cách hùng hồn và đầy kiêu hãnh cái gì thuộc về người này hay thuộc về người kia.

Tổ quốc của nhà thơ Lò Ngân Sủn là mùa hoa đào nở, mùa cây sở, là ruộng bậc thang… Bởi đó là sự thật mà ông có. Đó là tài sản của ông. Ông không thể nói dối lòng mình và không gì bắt được ông phải chối từ sự thật ấy.

Khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cất tiếng như một bản tuyên ngôn về Tổ quốc mình, ông nói thật giản dị: Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…

Chỉ những gì thuộc về tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta và thuộc về chính đời sống của ta mới trở thành thiêng liêng và da diết trong tâm hồn ta như vậy. Và chỉ những điều gần gũi cả trong đời sống thường nhật và trong sự linh thiêng của đời sống tâm hồn mới làm ta rung động như thế.

Cứ mỗi khi giai điệu và lời thơ lấy làm ca từ của Chiều biên giới vang lên da diết đầy xúc động và thiêng liêng, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh của một người con vĩ đại của Tổ quốc: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Người con ấy trở về sau những năm tháng dằng dặc xa xứ để đi tìm con đường Độc lập, Tự do cho Tổ quốc.

Người trở về cầm hòn đất của Tổ quốc nơi biên giới và cúi xuống hôn. Ngay lúc đó, những người dân nô lệ của mảnh đất này đã nhìn thấy tình yêu Tổ quốc cháy bỏng và thiêng liêng của toàn bộ dân tộc mình trong hình bóng mảnh dẻ của một người con. Và những người Việt Nam nô lệ đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Họ đã cùng người con dân tộc vĩ đại ấy bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đuổi đội quân xâm lược hùng mạnh nhất lúc đó và giành lại Tổ quốc. Rồi trong những ngày chuẩn bị giành chính quyền, dù ốm nặng, Người nói: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được Độc lập”.

Và dân tộc Việt Nam trong lịch sử của mình đã bao lần đi đến Độc lập Tự do bằng mọi cách kể cả cách của máu chảy. Họ đã không bao giờ thất bại bởi một nguyên cớ giản dị nhưng là một chân lý: họ phải đòi lại những gì thuộc về tổ tiên, ông bà, cha mẹ họ cho dù đó chỉ là một hòn đá, một gốc cây, một ngọn cỏ, một mùa hoa đào nở, một mùa sở ra cây, một khúc suối, một ngọn khói lam chiều bay trên mái bếp….

Ở đó, mỗi tấc đất biên cương thấm máu bao thế hệ cha anh hy sinh để bảo vệ , để góp phần viết nên lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc.

Chiều biên giới em ơi,
Đôi ta cùng chiến hào
Tình yêu đẹp tiếng hát
Giữ đất trời biên cương

Với tôi, bài thơ Chiều biên giới là bản tuyên ngôn bằng thơ của một người đàn ông dân tộc Dáy về chính cái bản nhỏ bé của mình. Cũng như ông, mỗi chúng ta đều có một bản tuyên ngôn về ngôi nhà của mình, về làng mình với những gì thân thuộc mà thiêng liêng nhất.

Nhạc sỹ Trần Chung mang bản tuyên ngôn bằng âm nhạc để hòa vào bản tuyên ngôn bằng thơ của Lò Ngân Sủn. Và những bản tuyên ngôn giản dị nhưng xúc động, thiêng liêng và bất diệt của mỗi con người cộng lại thành bản tuyên ngôn của cả dân tộc về Tổ quốc của họ.

  • Minh Luận
N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder