Không ít người lần đầu đi qua sông Mây khi mặt trời vừa trải nắng lên mặt sông đều tần ngần ngắm mặt sông lay động. Sớm nào cứ đúng giấc ấy mặt sông lại lay động và sự lay động ấy không phải vì gió. Khá nhiều người khi gặp giấc sông Mây lay động đã bán tín bán nghi về sự lay động kỳ lạ của dòng sông. Họ cũng thêu dệt lên khá nhiều chuyện về sông Mây. Nào là sông Mây có con cá kình to lắm. Nào là sông Mây chắc phải có con rái cá ngót trăm tuổi. Nào là sông Mây có quí nhân phù trợ nên mới có chuyện kỳ ảo đến vậy.
Người tứ xứ muốn bàn ra tán vào chuyện khúc sông qua làng là việc của họ, còn người làng Mây Cụ chỉ tủm tỉm cười vì họ rành lắm cái giấc mặt sông Mây lay động.
Cái thời đổi mới rằng hay thì quá thật là hay, làng quê nào cũng chuyển mình răm rắp. Rặng tre, giếng nước, vườn rau, ao cá và cả cái sân đình nữa lần lượt bị thổi bay nhường chỗ cho bê tông hoá đường làng xóm ngõ, cho những chiếc cột cõng trên mình nó đủ thứ giăng mắc rình rang và cho cả chiếc cổng làng xây bằng loại gạch chỉ để treo dòng chữ đặc trưng đồng dạng của mọi làng “ Làng văn hoá”. Lão Chính đi trên con đường làng mà cứ thắc thỏm nhớ về một thủa làng Mây Cụ. Ngày nào cũng vậy cứ vào giấc trời nhập nhoạng sáng và lúc trời cũng nhập nhoạng tối, bước trên con đường làng lão Chính vẫn nghe tiếng xạc sào chen trong tiếng cót két của thân tre cọ vào nhau. Bốn mùa trước ngày đều vậy, dù nắng hay mưa rặng tre bao quanh làng vẫn cất tiếng bổng trầm sào xạc của lá tre và tiếng rên rít của thân tre. Sau khi đã quẫy vùng trên sông Mây vào mỗi sớm và đi khắp làng vào mỗi chiều, lão Chính lại hứng khởi vục mặt vào thau nước được múc từ cái giếng của làng lên. Thường nhật, lão Chính cùng với các cụ vào hàng bô lão trong làng vẫn ngồi nhâm nhi với nhau về hồi ức nhớ làng.
– Mình cứ hoài cổ thế này có nên chăng?. Có lần ngồi với nhau, lão Bạch người được xếp vào hàng đại thọ của làng cất giọng khàn khàn vẻ băn khoăn.
– Có cái đếch gì mà không nên!. Lão Chính cất giọng rổn rảng chắc như cua gạch.
– Cụ Bạch cứ yên tâm đi, chúng mình nhớ nếp cũ âu cũng là mong mọi người đừng có mới mà nới cũ. Đường làng bê tông hoá đi không lấm chân, nhưng sao lại lấp giếng, phá luỹ tre.
– Cái cụ Chính này đến là hay, chuyện nào cũng cứ ngang bằng sổ toẹt ra thế nghe nó chối cái lỗ tai ối người đấy cụ ơi!. Lão Bưởi chiêu xong ngụm nước rồi thủng thẳng nói.
– Đúng là mỗi thời mỗi khác. Cái thủa chúng ta chân liền đất, ba đập hai xoa đánh một giấc đẫy tĩ, quấy quá rửa mặt, giắt củ khoai vào lưng quần rồi dong trâu ra đồng cày một mạch khi mặt trời đứng bóng là về xơi cơm muối vừng với dăm quả cà nén, thế là chắc dạ.
– Các cụ nói đều phải cả, âu cũng là cái nhẽ của mỗi người. Tuổi già chúng mình nó vậy phải không các cụ?. Lắm lúc tôi cứ nghĩ, cái thủa mười ba, mười bốn tuổi đầu biết cái đếch gì về chuyện chính trị với chính em, ngày ấy chỉ nghe lỏm có người bảo cách mạng hay lắm, thế là trốn nhà đi xem cách mạng nó thế nào. Đi được dăm năm thấy đi theo cách mạng khổ quá thế là trốn cách mạng về quê. Về đến nhà ai cũng hỏi mày trốn biệt đi đâu mấy năm giời, mình chả dám nói đi làm cách mạng nên đành khịa ra chuyện có người rủ lên mạn ngược kiếm cái ăn thế là đi. Đi rồi mới biết chả kiếm đủ cái ăn lại bò về. Thế thôi!. Lão Bằng nhẩn nha nói.
– Ngày ấy tôi nghe tin đồn cụ Bằng đi làm cách mạng, thế là tôi cũng trốn nhà đi luôn. Dạo cụ Bằng đi là năm bốn ba, bốn tư gì đó, còn tôi đi năm bốn tám. Tôi kém cụ Bằng năm tuổi. Giờ cụ Bằng đã tám nhăm, còn Chính tôi cũng tròn tám mươi rồi. Đời chả mấy đỗi, nhoằng cái đã thành đại lão cả rồi. Nói xong lão Chính cất tiếng cười thật sáng khoái khiến các cụ ai nấy cũng cất tiếng cười theo.
Sống như lão Chính ở làng này quả là bói không ra người thứ hai. Chả phải các cụ trong làng nói về lão Chính như vậy, mà dân trong làng đôi khi cũng đưa đẩy luận bình như thế. Bước vào tuổi tám mươi, từng có ngót hai chục năm xông pha trận mạc. Đã có lần tưởng chết vì bị đạn địch găm vào, may mà có lão Tẩn ở làng Bái kịp đưa về trạm xá. Bị thương, dính sốt rét rừng, thế mà lão vẫn bước phăm phăm, nói năng trò chuyện vẫn rổn rảng đúng cái ngữ người chém to kho mặn. Cái tạng người thó nhỏ, tóc trắng như cước, ai đó trong làng có việc gì nhờ, lão lại hất hàm, phẩy tay làm hết mình. Có người hỏi lão bí quyết sống lâu, sống khoẻ, lão cười ngặt ngẽo giơ hàm răng trắng đều tăm tắp ra mà nói rằng: “ Không chứa ám khí trong bụng là khoẻ re và trường thọ”. Cứ theo lý giải của lão Chính, sống không ganh ghé, không luồn cúi cầu cạnh, nghĩa là sống ngang bằng sổ thẳng, có sao nói vậy và sống đúng như vậy. Lão cười tá lả, mình hiểu hai chữ thanh tao là vậy và sống như mình mới đúng nghĩa chữ thanh tao. Ở tuổi tám mươi như lão Chính mà mọi cử chỉ của lão không chỉ khiến các bô lão mà ngay cả ối người đáng tuổi con, cháu của cụ ở trong làng còn phải lắc đầu, lè lưỡi khi nói về sức khoẻ và sự minh mẫn của lão. Lão nhớ vanh vách ngày nhỏ lão hay chơi trò gì với ai, sau này đi làm cách mạng trở thành người lính lão đã ở với ai, đánh bao nhiêu trận và những trận đánh ấy diễn ra như thế nào. Nghe lão ôn lại chuyện xưa ai nấy đều tròn mắt bái phục một lão nông có trí nhớ mẫn tiệp đến lạ. Hiềm nỗi…, có ai đó vừa cất nhời nói về danh phận của lão, lão Chính vội xua tay, nhăn mặt, luyến thoắng: Khỏi nói!.. Khỏi nói!…
Bỗng dưng lão Chính hơi rướn người, cất cao giọng : “ Tôi có nhời xin các cụ xem như vầy có được không. Không còn bờ ao, giếng nước cũng được, nhưng để thay cho luỹ tre nay làng mình trồng lấy năm khóm tre bao quanh làng. Nhà Chính tôi ở ngoài xin được trồng trước khóm tre. Nếu các cụ thuận lòng cánh già chúng mình sẽ đầu têu làm việc nay. Tiện đây, tôi cũng mạo muội xin các cụ lập lại cái cung cách thả diều nổi tiếng một thời của làng ta. Chính tôi cũng xin các cụ cho được đầu têu làm con diều sáo cỡ thước ba.”. Sau một hồi râm ran bàn ra tán vào, cụ nào cụ nấy cũng vỗ tay lốp đốp khen lão Chính sáng dạ bày trò giữ nếp của làng. Các cụ khoái nhất cái ý của lão Chính là, phải tạo ra nét riêng của làng, ví như mai kia thấy làng ta có tiếng sáo diều các làng Bái, làng Thượng cũng bày trò thả diều thì dứt khoát tiếng sáo diều làng Mây Cụ vẫn khác hẳn tiếng sáo làng Bái, làng Thượng. Hoặc như các làng cũng trồng tre bao quanh làng, nhưng làng ta chỉ trồng đúng năm khóm cùng đồng dạng loại tre Trâu vốn dĩ đã có từ thời lập làng. Theo như nhời lão Chính, phải tạo ra nét đặc trưng của làng, mười làng mười vẻ mới hay, có thế mới cần tìm đến làng của nhau để xem, chứ còn đồng dạng một khuôn đúc để làng nào cũng giống làng nào thì ra phố mà ở chung cư.
Sau cái đận dóc chuyện mà thành, làng Mây Cụ đã có tre bao quanh làng, chiều hè tiếng sáo diều của làng vi vu cung bậc bổng trầm tới tận khuya. Dân của làng đi tới đâu cũng có chuyện để kể về làng. Người tứ xứ lục tục kéo về làng Mây Cụ học cách giữ nếp làng thời đổi mới.
Cho đến bây giờ lão Chính vẫn luôn khắc khoải, răn mình luôn giữ trọn lẽ thanh liêm để được cao ngạo sống thanh tao. Ngày theo cách mạng, anh Trọng đội trưởng hễ mở miệng là, làm cách mạng luôn nhớ sống phải thanh liêm thanh tao. Ở với anh được bốn năm Chính ngấm vào máu cái ý chí thanh liêm thanh tao mà anh Trọng thường nói, anh nằm lòng bốn chữ đó để sống và làm việc. Chuyển sang đơn vị bộ đội Chính được anh Hà dìu dắt, anh tỏ vẻ hài lòng với Chính với cách sống ngang bằng sổ thẳng. Khi không cố được, Chính nói thẳng, báo cáo thủ trưởng Phạm Hà, tôi chịu không thể cố được nữa. Những khi còn cố được Chính khẩn khoản, thủ trưởng hãy để việc đấy cho tôi.
Mới bước vào chiến dịch Mậu Thân, Chính dính đạn địch vào chỗ hiểm nên phải rời mặt trận Quảng Đà ra Bắc an dưỡng. Nằm ở trại ngót hai năm, Chính nằng nặc xin vào chiến trường nhưng không được rồi nghe ai đó rủ rê Chính bỏ trại về Xí nghiệp Thuỷ sản làm công nhân. Một bữa Chính đập bàn tranh cãi với Giám đốc Trần Quảng:
– Tôi là thằng đã vào sinh ra tử, chết còn chả sợ huống hồ lại sợ cái giọng đe nẹt của anh.
– Đồng chí Chính, sống ở đâu cũng phải có nền nếp, có khuôn phép ở đó. Đồng chí dựa vào đâu mà tố giác tôi mang tài sản của xí nghiệp đi làm quà cho người khác.
– Thế cái bọc có mấy con cá còn giãy đành đạch mà anh em vừa đánh bắt về anh lấy mang đi đâu?. Cho ai?. Và tại sao lại lấy của xí nghiệp đi cho?. Mấy con cá ấy chẳng là tài sản thì là cái gì?.
– Đồng chí chỉ biết một mà không biết hai…
– Một là một, hai là hai, không thể lộn sòng một sang hai, hai thành một được. Tôi hỏi anh, những con cá ấy có phải là tài sản không?.
– Đúng, nó là tài sản, nhưng…
– Chả có nhưng nhiếc gì hết. Mang tài sản của xí nghiệp ra khỏi xí nghiệp là biển thủ công quỹ. Mà biển thủ tài sản thì anh biết đấy.
– Theo suy luận của đồng chí, tôi là người có sai phạm, nghĩa là mắc khuyết điểm.
– Gọi đúng tên, biển thủ tài sản đồng nghĩa với ăn cắp, mà ăn cắp là có tội. Tôi thấy anh phạm tội thì tôi phải tố giác tội trạng của anh với tổ chức, nếu không thì tôi sẽ trở thành người đồng loã với anh, mà như vậy là tôi cũng có tội đúng không thưa đồng chí Giám đốc?.
– Đồng chí Chính, đề nghị đồng chí hãy bình tĩnh truy xét việc tôi mang mấy con cá ấy đi đâu, vì mục đích gì.
– Tôi không quan tâm tới mục đích anh mang nó đi đâu. Cá nhân lấy cái gì của tập thể đều là tội phạm. Tội của anh còn là tội lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân. Nói thế anh đã hiểu chưa thưa ông Giám đốc?.
– Đồng chí đã cố tình nghĩ thế, tôi sẽ đưa việc này ra xin ý kiến đảng uỷ, ban giám đốc và chấp hành công đoàn để soi xét cho thấu tình đạt lý.
– Tôi nói để anh biết, anh không được lợi dụng danh nghĩa là bí thư, là giám đốc để luồn cái tình vào trong cái lý. Chỉ có thể xem xét hành động của anh trên cơ sở cái lý chứ không được đưa cái tình vào đó.
– Thôi đủ rồi, hôm nay tôi hiểu thêm con người của đồng chí.
– Con người tôi là thế nào?.
– Đủ rồi, mời đồng chí ra khỏi phòng tôi.
– Tôi không có đồng chí gì với người ăn cắp.
– Này Chính, anh bắt đầu trở nên thô lỗ rồi đấy.
– Còn anh đúng là tên mách qué.
Ấy là năm Hiệp định Pari được ký kết, Chính vùng vằng khoác ba lô về quê.
Về làng, Chính thở dài mà nói với mọi người, không thể sống cùng với những người không rành chữ thanh liêm thanh tao. Chính đằm mình với sông Mây, với ao chuôm, bờ bãi của làng. Đôi lần sau giấc quẫy mình dưới sông lên, nhớ lại chuyện năm ấy ở xí nghiệp, Chính bật cười ngặt ngẽo để mặc tiếng cười của mình được toá loá trên mặt sông.
Lão Chính không màng bất cứ ân huệ nào của làng dành cho, nhưng lão lại săm sái đến độ mê mẩn mọi việc của làng, của người dân trong làng khi cần có bàn tay của lão. Người trong làng cũng thấy lạ khi biết lão từ chối không chính danh tham gia vào các hội đoàn của làng, ấy mà khi hội nọ, đoàn kia có việc cần đến lão là lão lại thoăn thoắt đúng bản tính của người tham công tiếc việc.
Chuyện về lão Chính làng Mây Cụ dần dà loang ra khắp vùng. Có chuyện về lão được người tứ xứ thêu dệt thành cái sự lạ. Và rồi đến một ngày, đúng giấc khi mặt trời phủ sợi nắng lên mặt sông Mây, người bước lên từ sự lay động ở mặt sông ấy là lão Chính. Bấy giờ nhiều người mới ồ à thốt lên: Té ra đó là lão Chính làng Mây Cụ mà mọi người khác làng vẫn quen gọi là Chính Cụ.
25.8.2014
H.T