– Bệnh viện chúng tôi ở trong rừng. Chúng tôi sẽ mổ cho bác sĩ ngay tại đây.
Người viện trưởng Nhật Bản mở to đôi mắt, hỏi lại:
—————————-
Năm giờ sáng.
Chuông điện thoại giật mình kêu lên trong cơn mê. Người thường trực đã quen tiếng réo bất ngờ, nhưng cũng như mọi lần, anh nhấc vội ống nghe.
– Cho tôi gặp bác sĩ Lưu.
– Không được. Trực mổ suốt đêm qua, bác sĩ Lưu về nghỉ chưa được nửa giờ.
– Đây là điện khẩn. Cho tôi gặp bác sĩ Lưu ngay.
Cửa phòng bác sĩ Lưu còn khoá, người thường trực đi thẳng ra vườn hoa bệnh viện. Nếu vẫn chưa gặp, chắc chắn bác sĩ đang trong phòng thí nghiệm. Nếp sinh hoạt đó của người Viện trưởng đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người.
Ở buồng mổ về, bác sĩ Lưu ra chăm sóc mấy khóm hoa. Đây là một niềm vui, và cũng là một nhu cầu. Đôi mắt người bác sĩ đã từng nhìn thẳng vào cái gốc của sự chết lại vô cùng thiết tha được ngắm những nhành hoa đơm bông. Sau những phút giây căng óc chiến đấu với thần chết, đôi mắt anh muốn thanh thản nhìn hoa cho thần kinh trở lại bình thường. Đến đâu, anh cũng vận động trồng hoa. Sơ tán cũng trồng hoa. Khu nhà vợ con anh ở, anh cũng trồng hoa. Bệnh viện mỗi ngày một đẹp. Sau mỗi buổi làm, anh đi dạo ngắm hoa.
Nghe tiếng chân quen thuộc, anh nhận ra ngay.
– Phúc ơi, hoa chữa rắn cắn đây này. Hôm nào…
– Anh về nghe điện khẩn của tỉnh.
Giọng hồi hộp của Phúc không làm anh mất bình tĩnh.
– Hôm nào nhớ mang giống về trồng từ nhà ra ao cho chị Phúc. Đêm hôm ra ao rửa bèo giặt giũ, đỡ lo chị Phúc bị rắn cắn.
“Điện khẩn”. Chắc có ca cấp cứu. Sao lại cần gặp chính mình? Bác sĩ Lưu bước những bước vội vàng. Đó là tác phong của anh, cũng như của mọi người bác sĩ. Nhưng ở anh, trong dáng đi vẫn giữ được vẻ điềm nhiên. Đôi mắt qua một đêm thức trắng đã tưởng chừng được nghỉ, bỗng tỉnh giấc.
Anh mang cả dáng đi vào trong giọng nói:
– Tôi là Lưu, đang nghe đây.
Tiếng nói ở đầu dây đằng kia rành rọt, dứt khoát:
– Tôi là Sinh. Mời anh tới ngay khách sạn khám bệnh cho một người nước ngoài.
– Mười lăm phút nữa, tôi có mặt.
– Bây giờ năm giờ năm phút. Tôi đợi anh.
Buông ống nghe, anh bước vào phòng Đạt, dựng Đạt dậy trong giọng nói thân tình của đôi bạn gắn bó và thông cảm:
– Cho mình đi ngay bây giờ.
Không trả lời, nhưng đó là cách trả lời nghiêm chỉnh nhất của người lái xe tin cậy và dũng cảm. Đạt nhảy xuống giường, châm điếu thuốc rít một hơi dài, rót chén chè đặc uống liền một hơi, bước ra hiên vươn vai, vặn người, ấp khăn đẫm nước vào mặt. Thế là anh có thể đi trên bất cứ quãng đường nào và đi đến bao giờ cũng được.
Bác sĩ Lưu chờ ở xe. Đạt kiểm tra một lượt từ lốp xe, bình xăng đến các bộ phận khởi động. Không kiểm tra kỹ càng, bác sĩ Lưu chưa để anh ngồi vào buồng lái. Chiếc xe ra đường cái với hai ngọn đèn pha mở to, mặc dù trời đã sáng rõ. Không khí buổi sớm nhẹ nhàng như tấm lụa, nhưng dấu hiệu mây trời báo một ngày nắng gắt.
Từ đằng xa, bác sĩ Lưu đã nhận ra một người chắc nịch, đi đi lại lại bên đường vào khách sạn.
Không kịp chào hỏi, đồng chí Sinh nắm tay bác sĩ Lưu dắt len lỏi qua đồi dẻ.
– Có một đoàn đại biểu Nhật Bản sang Việt Nam điều tra tội ác giặc Mỹ. Đoàn đến làm việc ở tỉnh ta. Tối qua, sau bữa ăn, đồng chí Y-ô-tô trưởng đoàn, cũng là Viện trưởng một bệnh viện lớn ở Tô-ki-ô, lên cơn đau bụng. Vừa rồi, cơn đau tăng lên, tôi phải gọi điện cho anh.
Hai người bước vào phòng ngủ của đồng chí Y-ô-tô. Người bệnh trăn trở trên giường, vẻ mặt cố kìm những cơn đau dữ dội. Hai bác sĩ gặp nhau trong trường hợp hiếm có, không phải để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, mà người nọ đã trở thành con bệnh của người kia.
Người bệnh đưa mắt nhìn bác sĩ Lưu, nghĩ ngợi về người cùng nghề với mình. Khuôn mặt thông minh, dầy dạn, vầng trán cao, đôi mắt ấm áp.
– Ông là y sĩ?
Trước khi để bác sĩ Lưu khám bệnh, đồng chí Y-ô-tô hỏi.
– Là y sĩ cách đây hai mươi năm; còn bây giờ, đồng chí Lưu là bác sĩ, viện trưởng – đồng chí Sinh nhanh miệng đỡ lời.
Bác sĩ Lưu chỉ muốn nhận mình là y tá. Vì sự thực, khi đi theo cách mạng, anh là y tá. Anh cũng không muốn giới thiệu chức vụ Viện trưởng làm gì, nhưng với người bệnh, dù người đó là ai, công việc đầu tiên là phải xây dựng một lòng tin cho họ. Chắc đồng chí Sinh đã nghĩ thế.
Sau một lúc im lặng, bác sĩ Lưu nói:
– Tôi sẽ mời hai bác sĩ nữa tới đây hội chẩn.
Họ tự phân công. Trong khi bác sĩ Lưu gọi dạy nói về Viện thì đồng chí Sinh đã giục Đạt đánh xe về. Hai mươi phút sau, bác sĩ Hải – khoa nội, bác si Đồng – khoa ngoại, y sĩ Lan – xét nghiệm, y sĩ Tư – chuyên viên dạ dầy đã tới.
Họ làm việc khẩn trương, xác nhận ý kiến bác sĩ Lưu là chính xác.
Sau khi hội ý với đồng chí Sinh, bác sĩ Lưu đến bên giường bác sĩ Y-ô-tô.
– Thưa bác sĩ, theo sự chẩn đoán và kết quả xét nghiệm của chúng tôi thì bác sĩ bị viêm ruột thừa cấp.
Người bệnh khe khẽ gật đầu.
– Hẳn bác sĩ đã rõ, trường hợp này, mổ được sớm chừng nào, tỉ lệ an toàn cao chừng ấy.
– Đúng.
– Đáng lẽ chúng tôi đưa bác sĩ về Hà Nội, các bác sĩ bậc thầy của chúng tôi sẽ mổ cho bác sĩ. Nhưng theo báo cáo của Hội đồng phòng không, ngày hôm nay giặc Mỹ sẽ bắn phá dữ dội. Đi trực thăng không có gì bảo đảm. Còn đường bộ, qua phà, qua sông rất có thể bị chậm trễ. Bởi vậy, chúng tôi sẽ làm công việc đó. Bác sĩ thấy thế nào?
Sau khi chớp mắt hồi lậu, có lẽ chưa nghĩ người ngồi trước mặt là một bác sĩ đáng tin cậy, nhưng vào hoàn cảnh khó từ chối, bác sĩ Y-ô-tô không trả lời vào thẳng câu hỏi.
– Bệnh viện của các đồng chí có xa đây không?
– Bệnh viện chúng tôi ở trong rừng. Chúng tôi sẽ mổ cho bác sĩ ngay tại đây.
Người viện trưởng Nhật Bản mở to đôi mắt, hỏi lại:
– Tại nhà ăn này?
– Vâng.
Nghe xong tiếng “vâng”, hai bàn tay người bệnh kéo chiếc chăn trắng trùm lên qua đầu. Bác sĩ Lưu ngồi đó, trong lòng tự nhiên bối rối. Đôi mắt bác sĩ hiền dịu trải lên tấm chăn trắng một nguồn tình cảm và muốn trải theo cả một nguồn động viên. Thì ra, bạn bè ta chưa hiểu đầy đủ về ta. Chính minh nhiều khi cũng chưa hiểu sâu sắc điều đó. Một bác sĩ trên thế giới, tiếp xúc nhiều nhất là hai mươi ca mổ mỗi năm. Còn chúng ta, chúng ta được rèn luyện để có thể đứng mổ liền hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tay dao không hề run, đôi mắt không hề mất hướng… Thôi được, cuộc chiến đấu sẽ diễn ra không đến nỗi đáng lo như vậy đâu, bác sĩ Y-ô-tô ạ.
Đôi mắt anh cứ nhìn người bệnh, chờ khuôn mặt đau đớn của người bệnh lộ ra, anh sẽ nói một vài câu lấy lại niềm tin. Nhưng bác sĩ Y-ô-tô vẫn cứ nằm im như thế.
Đồng chí Sinh từ ngoài bước vào.
– Đồng chí Tuấn muốn gặp anh ngay bây giờ.
“Bí thư tỉnh ủy muốn gặp, có nghĩa là công việc không đơn giản như mình nghỉ”. Bác sĩ Lưu nhẹ nhàng ra khỏi phòng, căn dặn các bạn mình chuẩn bị mọi phương tiện làm việc rồi khẩn trương lên xe ô tô.
Đồng chí Bí thư ra tận cửa đón bác sĩ Lưu.
– Tôi đã thăm bác sĩ Y-ô-tô nhưng muốn đồng chí cho biết tình hình cụ thể
– Đây là trường hợp viêm ruột thừa cấp. Phải mổ ngay.
– Viêm ruột thừa thì phải mổ.
Đồng chí Bí thư nhắc lại, rồi nhìn thẳng vào bác sĩ Lưu như muốn quyết định, mà cũng như muốn hỏi.
– Đưa về Trung ương?
– Đưa về Trung ương thì đỡ phiền ta. Nhưng Hội đồng phòng không cho biết, hôm nay giặc Mỹ sẽ bắn phá tỉnh ta ác liệt, nếu bị tắc giữa hai chuyến phà thì không tài nào cứu nổi.
– Thế thì tuỳ đồng chí.
– Không. Đồng chí mới là người quyết định.
Biết dừng lại ở đó là đủ rồi, đồng chí Bí thư kéo tay bác sĩ Lưu đứng dậy.
Nắng buổi sớm vàng nhạt. Bác sĩ Lưu ngồi trong xe nhìn nắng trải mình trên đồi dẻ.
Anh đã từng cầm dao mổ từ khi tỉnh cũ Bắc Giang chỉ có mình anh là người dám mổ. Đến ngày nay, anh được giao nhiệm vụ làm Viện trưởng bệnh viện tỉnh hợp nhất. Anh lớn lên từ cuộc kháng chiến chống Pháp, và giờ đây lãnh đạo một tập thể y, bác sĩ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Giặc Mỹ oanh tạc nơi nào, anh cũng là một trong những người đến đó sớm nhất. Cách đây mới hai hôm, giữa lúc giặc Mỹ lồng lộn bắn phá Hà Nội, máy bay gầm rũ trên bầu trời tỉnh nhà, anh đã bước vào phòng mổ, mổ đẻ cho một chị đau tim. Đó là một kỉ niệm sâu sắc. Người đàn bà ấy đau tim nặng, hở van tim, đẻ đứa con đầu lòng. Bác sĩ Lưu nhận trách nhiệm cứu cả hai mẹ con. Từ tháng thứ bảy, anh cho chị vào viện để tiện theo dõi. Bây giờ là phút quyết định sự sống chết của hai mẹ con.
Mọi cặp mắt đổ dồn sự lo lắng vào anh.
– Tình hình này khó mổ an toàn.
Anh đặt lại vấn đề:
– Nhưng không mổ, chắc chắn bệnh nhân không qua khỏi sáng nay.
Quay sang phụ tá, anh hỏi tiếp:
– Các đồng chí làm tiền mê rồi chứ gì?
– Vâng, nhưng xin anh xuống hầm. Chúng tôi hứa hoàn thành ca mổ. Anh còn trách nhiệm với toàn Viện.
– Không! Tôi phải có mặt ở đây, chính trong giờ phút này.
Nói rồi, anh bắt tay vào việc. Mặt đất rùng mình. Bàn mổ có lúc rung nẩy lên như trên một toa tầu. Không gian chấn động vì tiếng mổ, nhưng thật kì lạ, những tiếng nổ dừng lại trên những con dao. Bốn mươi nhăm phút ghi một chiến công. Mẹ chị, chồng chị đến xin anh đặt tên cho đứa bé là Nguyễn Hoàng Lưu. Họ bố, đệm mẹ, và đứa trẻ mang tên anh.
Còn bây giờ là một cả mổ ruột thừa! Ấy thế mà bác sĩ Lưu thấy lòng bồn chồn. Rất có thể trong một vạn trường hợp chỉ xảy ra một trường hợp sai lầm, và nó lại rơi đúng vào trường hợp này. Chính mình phải cầm lấy dao mổ, phải nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải chiến thắng.
Cơn nồng nực ngày hè vẫn quấy rầy tâm trí bác sĩ Lưu. Đúng tám giờ, một phòng mổ được trang bị giữa khách sạn. Trần căng chiếc dù chiến lợi phẩm, sàn trải kín chiếu hoa, xung quanh quây vải trắng vô trùng. Bác sĩ Y-ô-tô nằm trên bàn mổ, chỉ tấm ga trắng mỏng đắp kín ngực, bác sĩ nhìn trần nhà, nhìn xung quanh, nhìn những con người đang rộn rã, ông ngỡ mình đang trong giấc chiêm bao. Các y, bác sĩ đi lại nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, màu áo trắng mang những bước đi của ánh sáng.
Bác sĩ Lưu kiểm tra lại dụng cụ, soát lại các ống thuốc cần thiết, và không nói ra, anh cảm thấy một niềm kiêu hãnh. Tất cả đều như ý muốn, bác sĩ Đồng thân hành làm phụ tá, anh tin tưởng bước đến bàn mổ.
Người kĩ sư nông học, phó đoàn bước vào. Ông nhìn vào nét mặt từng người, tìm một niềm tin trên đó. Đôi mắt mỗi lúc một đờ đẫn. Đôi bàn tay bất thần chắp lên ngực. Đó là dấu hiệu ông yêu cầu mọi người dừng lại. Bước tới bàn mổ, ông đăm chiêu nhìn bạn, rồi vuốt khuôn mặt bạn cho tươi tỉnh để chụp ảnh, chụp trong nhiều tư thế, chụp từ nhiều góc độ. Chụp xong, ông cúi đấu cảm tạ mọi người. Có lẽ, ông nghĩ rằng đây có thể là giây phút cuối cùng của bạn mình, và những bức ảnh kia sẽ ghi lại cho vợ con, gia đình, bạn bè hình ảnh cuối cùng của bác sĩ.
Bác sĩ Lưu nhận ra điều đó. Anh muốn an ủi một đôi câu, nhưng thay cho câu nói, anh cùng bác sĩ Đồng tiến đến bàn mổ.
Bác sĩ Lưu cầm con dao, đưa mắt lựa chọn một đường rạch làm sao cho nó được nghệ thuật một tí, còn làm kỉ niệm suốt đời cho bác sĩ Y-ô-tô kia mà. Thoáng trong anh ý nghĩ: “Nhát dao này quyết định số mệnh của hai con ngưòi, của hai bác sĩ, của hai Viện trưởng”. Nghĩ rồi, anh đưa một nhát rạch thông thường. Máu tuôn ra, bác sĩ Đồng kịp thời cặp dòng máu lại. Anh rạch nhát thứ hai, nhát thứ ba, rồi nhát thứ tư. Bốn nhát rồi vẫn chưa qua được lần mỡ. Những cặp mắt quanh bàn mổ lo lắng nhìn nhau. Chưa bao giơ có ca mổ như thế này. Lần nào cũng chỉ nhát mổ thứ hai là xong. Nhìn mô mỡ cứ đùn lên, bác sĩ Lưu liền đưa rao rạch rộng thêm, cho phần mỡ rộng ra. Bàn tay bác sĩ Đồng ra hiệu cần bình tĩnh, bác sĩ Lưu gật đầu như muốn trả lời: “Cứ yên tâm, mình tìm ra rồi. Ở mình chưa có kinh nghiệm về những lớp mỡ này, phải từ từ kẻo lỡ ra phạm vào phần phủ tạng bên trong”. Anh tiếp tục đưa mạnh lưỡi dao. Đúng như sự nhạy cảm. Lần này, lớp mỡ đã mở. Niềm vui rung rinh trên đôi mắt mọi người. Bác sĩ Lưu ấn chiếc “mét” xuống, phần ruột trồi ngay lên. Chỗ viêm đỏ mọng, to gấp bồn năm lần bình thường. Anh đưa dao cắt một nhát đứt hẳn, nhanh nhẹn làm các thao tác cầm máu, kiểm tra kĩ càng xung quanh vết cắt. Khi thấy đã chắc chắn an toàn, anh đẩy ruột xuống. Thế là xong. Chỉ còn việc khâu lại. Hai y sĩ Lan và Tư làm nốt công việc đó.
Bác sĩ Lưu tháo đôi găng, nhẹ nhõm bước ra, vui như lần anh mổ ca đầu tiên mười sáu năm về trước. Đứng trước chậu rửa, anh tưởng những bắp thịt của mình đang giãn ra, tế bào thần kinh mở xoè như cánh hoa.
Anh nắm tay đồng chí Sinh, biết bạn mình vừa qua một cơn căng thẳng.
– Xong rồi.
– Hoan hô! – Lời múc mừng bật dậy.
Đồng chí Sinh gọi điện cho Tỉnh uỷ.
– Thay mặt Đảng bộ, đồng chí Tuấn nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí.
Người kĩ sư nông học đến nắm chặt tay bác sĩ Lưu, cảm động không nói nên lời. Lúc này, bác sĩ Lưu như vừa qua kì thực tập, nao nao niềm vui, không còn tâm trí nào tiếp chuyện một ai. Anh ngồi xuống ghế, đỡ cốc nước chanh từ tay người phục vụ khách sạn, uống cạn một hơi, rồi ra hiệu xin thêm cốc nữa. Mồ hôi vã ra. Một cảm giác mát dịu miên man khắp người.
Quay lại phòng mổ, kiểm tra lần cuối cùng, bác sĩ Lưu cử y sĩ Tư ở lại theo dõi, còn cả tổ trở về bệnh viện. Đường về của những con người hoàn thành nhiệm vụ bao giờ cũng là đường vui. Bác sĩ Lưu mải mê nhìn màu xanh trong nắng, không tham gia vào câu chuyện.
Suốt cả sáng, cả trưa, sang cả chiều, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá nhiều nơi trong tỉnh. Bị đánh trả quyết liệt, chúng hèn nhát thả bom tấn, bom bi xuống cầu A, một chiếc cầu dài chưa quá mười mét, bắc ngang một ngòi nước nhỏ, nằm ở vùng đông dân. Kinh nghiệm những lần trước, bác sĩ Lưu dự đoán không tránh khỏi thương vong, liền cho tập trung toàn bộ xe, bổ sung người trực viện.
Giữa lúc đó, có điện từ bên Tỉnh uỷ.
– Đúng năm giờ chiều, mời tập thể y, bác sĩ đã cứu chữa đồng chí Y-ô-tô tới Nhà khách dự buổi chiêu đãi của đoàn Nhật Bản.
Nhận điện rồi, bác sĩ Lưu thấy trong lòng không yên. Tiếp xúc với đoàn Nhật Bản, mình không đi là không được rồi. Đồng ở nhà được không? Khoa ngoại thiếu người được không? Dĩ nhiên, những người trực ca ngày đã đến lúc được nghỉ ngơi, nhưng nhiệm vụ người thầy thuốc có phép nào cho nghỉ trong giờ phút cứu người như cứu lửa. Thời gian nặng nền lê từng bước tích tắc qua đầu bác sĩ Lưu. Chưa lần nào, anh thấy lúng túng như thế này. Phép lịch sự ngoại giao và tinh thần thường trực của người thầy thuốc, bên nào nặng hơn?
Điện của Tỉnh nhắc lại một lần nữa, không cho phép anh cân nhắc. Cả tổ lên đường. Anh căn dặn trước buổi giao ca:
– Điện mời năm giờ, chậm lắm bảy giờ chúng tôi đã trở về. Bác sĩ Đức thường trực toàn quyền giải quyết. Có chuyện gì đột xuất, gọi điện thẳng tới Tỉnh uỷ cho chúng tôi.
Người phó đoàn Nhật Bản, đôi mắt tươi vui, ngồi đối diện với bác sĩ Lưu, ngạc nhiên như gặp một con người khác, duy có đôi mắt đầm ấm dịu dàng mang chiều sâu của tâm hồn, giờ đây ông mới thấy.
– Các bạn có đủ khả năng xây dựng một bệnh viện lớn – Ông nói.
– Trước ngày giặc Mỹ gây tội ác, tỉnh chúng tôi có một bệnh viện năm trăm giường cho bệnh nhân. Giặc Mỹ đã trải đầy bom bi vào nơi đó, chúng tôi phải chia sẻ về nhiều nơi. Nơi nào có nhiều người bệnh, nơi đó bác sĩ sẽ đến, nơi nào có người cần mổ, nơi ấy sẽ có bàn mổ. Trong cuộc kháng chiến này, chúng tôi tìm thêm nhiều cách chữa hiệu nghiệm. Bác sĩ Đồng, bạn tôi đây, đã tiến hành thành công hai ca mổ động mạch tay.
Ngưòi phó đoàn biểu lộ niềm kính phục, rót đầy cốc rượu lớn mời bác sĩ Lưu.
Lúc đó đã quá bảy giờ. Bác sĩ Lưu ghé vào tai bác sĩ Đồng:
– Một trong hai chúng ta không được uống. Say cả, mổ làm sao được.
Anh mong mọi nghi thức chóng kết thúc. Rồi nếu sự việc trở lại bình thường, anh sẽ ngủ một giấc thật thoả thuê. Hai đêm thức trắng rồi, anh thèm ngủ như người mổ thèm nước vậy.
… Chín giờ đêm bữa tiệc mới tan. Ngồi trên xe, bác sĩ Lưu ngả người trên thành ghế thiu thiu ngủ, cái ngủ cứ muốn rủ anh đi say sưa hết đêm. Chẳng có giấc ngủ nào ngon lành đến thế. Một cái xóc nảy tung ngưòi lên, dụi mắt nhìn ra, biết là chưa đến nơi, anh lại tiếp tục ngủ. Mọi người nhìn anh ngủ ngây thơ như em bé gửi lòng tin cậy vào người mẹ, ai cũng hiểu Viện trưởng của họ đã qua những ngày căng thẳng quá sức chịu đựng của mình. Một tuần qua anh không tạt qua nhà mặc dù vợ con chỉ cách chỗ anh hai ki lô mét.
Chiếc xe dừng lại bên đường. Anh em xuống giữa chừng, định bụng để xe đưa bác sĩ Lưu về nghỉ.
Anh tỉnh giấc ngơ ngác.
– Sao lại xuống đây? Báo động hả?
– Không. Anh mệt và say, chúng tôi bàn nhau đưa anh về nhà.
Bác sĩ Lưu giục:
– Lên cả đây. Mình có đảo qua viện một tí, về nghỉ mới yên tâm.
Trong phòng bệnh, còn mười hai người đang chờ cấp cứu. Một mình bác sĩ Đức xoay sở cho một em bé bị bom bi, và chưa biết giải quyết các trường hợp còn lại cách nào.
Bác sĩ Lưu đến xem từng trường hợp. Bác sĩ Đồng đẩy anh ra ngoài.
– Lấy tư cách chủ nhiệm khoa, xin hứa với anh chúng tôi giải quyết tất cả trong đêm nay với trách nhiệm ngưòi bác sĩ nhân dân.
– Năm trường hợp nguy nặng. Giỏi lắm, đêm nay anh lo xong ba ca.
– Anh cứ về. Không ai cầm dao mổ khi mệt và say như thế này.
Kiểm tra lại từng trường hợp, bác sĩ Lưu không cầm được nước mắt.
– Chẳng thà tôi gục xuống đây trong khi tay đang cầm dao mổ… – Rồi như tự nói với mình – Máu trong người bà cụ cứ rỉ ra, mặt thằng bé nát những vệt bom bi. Chịu làm sao nổi.
Không đợi ý kiến khác, anh quyết định chuẩn bị thêm hai bàn mổ, rồi bước những bước nhanh nhẹn về buồng riêng. Anh tìm thuốc nôn. Mồ hôi ướt đẫm hai chiếc áo, anh cởi vội ra, khoác trên mình chiếc áo của người thầy thuốc. Cảm giác khoan khoái đến với anh.
Mùi hoa trong vườn, mùi sương đêm lay động tâm hồn anh. Anh muốn ngâm một bài thơ, muốn nhảy ùm xuống con sông đầu làng vùng vẫy trong chốc lát. Nhưng nơi nhộn nhịp dáng người, nơi ánh sáng được khoác tấm nguỵ trang, chính nơi đó anh sẽ làm nên chiều sâu của vết mổ, rạch đến cùng nỗi đau, làm bật dậy sức sống – bao giờ cũng chỉ như mầm non nhú lá – nơi ấy đang kêu gọi anh. Đôi mắt sau cơn ngủ đỗ trên xe trở lại tỉnh táo.
Lưu giải quyết xong ba trường hợp nguy hiểm, bác sĩ Đồng hoàn thành năm ca, bác sĩ Đức bốn ca còn lại, ba người gặp nhau tại vườn hoa khi trời vừa hửng sáng. Tiếng loa đài phát thanh giữa xóm đã vang lên điệu nhạc mở đầu buổi phát thanh nông thôn.
– Vừa trọn một ngày, mình cứ tưởng bây giờ mới bắt đầu của ngày hôm qua.
Nhưng không phải hôm qua. Mà chính là hôm nay. Vì hôm qua mười ba thứ bảy, còn hôm nay chủ nhật mười bốn rồi.
9-1969
VHL