Mụ sợ toát mồ hôi. Rút kinh nghiệm, từ nay viết chuyện gì tránh địa danh xóm núi, kẻo có ngày phải cắp bị gậy cuốn xéo…
Lỗi tại mụ ta nhiễu sự. Ai khiến mụ đến đây? Cái xóm nhỏ gồm vài chục nóc nhà, như lũ rệp nép mình bên dãy núi lùn tè, lấy đâu ra làn khói lam chiều, tiếng mõ trâu hoà tiếng sáo diều vi vu của lũ trẻ mục đồng… như các cố thi nhân đã viết. Nhưng mụ quyết gọi một cách văn vẻ đây là chốn sơn khê cho thoả sự hào hứng của mụ.
– Mình tìm được một nơi đích thị là chốn sơn khê bấy lâu ao ước, không nghi ngờ gì nữa!
Giời ạ, nghe sốt ruột! Đây chỉ cách bãi biển du lịch vài trăm mét, lớn bé già trẻ xóm núi kéo nhau ra phục dịch ngoài đó tất, tựa lũ ruồi bâu vào miếng thịt trâu ôi. Họ vẫn nghèo kiết xác, nhưng đã dùng bếp dầu, bếp than tổ ong để cướp thời gian, hỏi bói đâu ra làn khói thơ mộng bảng lảng vương vít trên mái rạ? Và lũ trẻ chăn trâu chọi ở đây nghịch hơn lũ giặc, oánh nhau thành thần, dẫu cho ăn kẹo cũng đố thổi được sáo. Đòi khê với chả cháy cơ!
– Mình cương quyết sống hết quãng đời còn lại ở nơi êm ả này thôi.
Ây là khi mụ nghe tiếng chim bìm bịp kêu da diết ngay sau ngôi nhà mới mua, gần tảng đá to bằng chiếc giường đôi, án ngữ con đường lên núi. ( Mụ đâu biết vợ chồng bìm bịp này là cặp uyên ương duy nhất sống sót sau mấy lần thoát bẫy vào hũ rượu ngâm thuốc của dân xóm núi ). Tức thì chốn phồn hoa Thủ đô bị tiếng chim bìm bịp đánh gục. Mụ quên phứt cái thế giới náo nhiệt ngay khi chân ướt chân ráo về đây.
Thật tội nghiệp cho những ảo tưởng.
Do tại mụ có tính hãi người, hay mụ đa sự ? Cứ làm như mình là một cô tiểu thư khuê các, rèm che trướng rủ, hồi còn mồ ma tiểu thuyêt thứ bảy, giờ không thể dung hoà với cuộc sống hiện đại đang trở nên hỗn tạp… Chả thế ái nương chưa kịp sửa sang đã dọn thốc về căn nhà nhỏ xíu trong cái xóm núi ẩm ương, khỉ ho cò gáy, để tự nhủ được đi ở ẩn tại chốn sơn khê rồi!
Mà ẩn ai, trốn ai? Ai nhớ thương tìm kiếm phải ẩn? Xét theo mặt Bưu điện, vài ba năm nay tịnh không một mống tri âm nào trao đổi thư từ với mụ. Xét theo mặt nhân sự, mụ sống dai hơn những anh bạn già ngày xưa từng tơ tưởng chuyện gắn bó. Điểm mặt khắc biết, họ đã rủ nhau đi tiệt. Kẻ bị con cái quắp sang tận chốn trời Tây, kẻ chống gậy không ra thoát khỏi cũi giường, người xấu số hơn còn bị mời xuống cõi Âm thành lập các thứ Hội. Con cháu mụ mỗi đứa mỗi việc, chúng chúi mũi vào mê hồn trận của hàng trăm điều lo toan mưu sinh. Vậy dù mụ ở ngay trung tâm thành phố cũng khác gì ốc đảo giữa hoang mạc?
Ai cũng đến tuổi bị quên lãng khi vòng quay cuộc chơi đẩy bắn ra lề đời. Quy luật không từ ai. Mụ chấp nhận. Lại phải mừng mụ không có lũ đàn em giương mắt nhái coi mình bằng cái rác. Đúng quá. Và phàm đã bị quên, có ở giữa chợ cũng cô đơn chẳng kém xó núi, việc gì mụ phải cầu kỳ cái sự ở ẩn đến thế?
Vâng, còn có một điều bí mật mụ không bao giờ nói ra, chỉ mình mụ biết. Mụ giấu kỹ lắm. Thì thôi, mụ cứ việc giữ kín những nguyên cớ riêng tư cho mình, miễn sao thấy được toại nguyện.
Nhưng nếu mụ chịu ở ẩn như người ta tưởng, nó đi một nhẽ. Đằng này chưa kịp ấm chỗ, mụ bỗng táy máy bày ra những trò vè vớ vẩn khiến dân xóm núi phát hoảng. Người ta kháo rằng mụ viết chuyện xóm núi vừa in trên báo đấy bà con ơi!
Quái lạ, xóm núi heo hút có gì đáng đưa lên báo kể lể? Ông trưởng thôn bí mật lên tận thị xã truy tìm tờ báo. Hoá ra mụ viết về cái thời tám hoánh, khi dân xóm núi còn ra biển thả lưới kiếm ăn, thời cánh đàn ông trần như nhộng, nồng nỗng vác cà khoeo nghênh ngang đi đánh te, coi thiên hạ bằng củ khoai; chuyện lão ngư dân Phó Văn Cụm từng bắt phi công Mỹ rơi ngoài biển, nhưng bị gán cho tư tưởng đòi công cá nhân, đến nỗi hắn cáu tiết nổi điên rồi chết…
Khi túm được tờ báo, dân xóm núi tá hoả chuyền tay nhau bàn tán um lên. A , khéo sẽ tới lúc mụ này bới móc chuyện nhà ông, chuyện nhà tôi chứ chẳng chơi. Cần phải đề phòng mụ mới được. Kẻ có tật giật mình đánh thót, người không tật cũng giật mình theo như bị lây dịch.
Rõ khổ, đã nói chỉ do tính táy máy của mụ thôi. Rỗi việc, lại sẵn có tí chút chữ nghĩa, mụ lôi ra xài. Rồi gửi báo cho vui. Khi chị Miện, người quét dọn sân vườn thuê rỉ rả đến tai, mụ liền ngớ ra:
– Cháu kể cho bà nghe biết thôi nhé. Đúng bà viết báo, viết đài không? Thì bà cứ viết cái gì hay ho, đừng động chạm đến ai cả, để tránh tiếng xì xào này nọ. Mấy hôm nay cháu ra sức thanh minh với mọi người rằng bà rất hiền lành, chẳng có lòng hại ai. Nhưng họ không tin. Hiền lành mà lôi chuyện lão Cụm ra kể?
Mụ sợ toát mồ hôi. Rút kinh nghiệm, từ nay viết chuyện gì tránh địa danh xóm núi, kẻo có ngày phải cắp bị gậy cuốn xéo.
Chậc, mà sao phải viết? Tốt nhất cất béng cây bút vào ngăn kéo cho khuất mắt đi. Nó cứ nằm trên mặt bàn mời mọc có thánh nhịn được. Xong rồi! Hãy nằm yên đấy. Lũ mọt ngăn bàn quản lý mày!
Xóm núi im ắng một dạo. Thấy mụ ngày ngày tản bộ ra tận bãi biển, người ta hài lòng. Tốt thôi, đi bộ là hình thức thể dục nhẹ nhàng hợp với tuổi mụ. Viết lách thêm mệt vào thân. Có thể biển sẽ khiến mụ xì hơi, xoa dịu những ham muốn, những kích động còn tồn dư trong người đàn bà này. Hãy nhìn mặt biển mênh mông để thấy cái hữu hạn nhỏ nhoi của thân phận con người, để nhận ra cái vô nghĩa phù phiếm trong mỗi mơ ước.
Bờ biển phía bên kia đường giờ thuộc thế giới các hàng quán, sang trọng lẫn tầm tầm. Các em gái từ mọi ngả đổ về kiếm sống, chân dài có, chân ngắn ngủn cũng có, miễn sao em nào cũng sẵn số vốn trời cho giống nhau. Lẫn sau màu sơn đỏ móng chân, dễ thường còn ánh lên màu vàng ruộm của bùn đất. Họ cười ngây thơ, dặt dẹo trên những đôi giày cao gót, diễu dọc bờ biển từng đàn. Tha hồ ngắm, tha hồ chọn, các Thượng đế ơi!
Không rõ vì lý do gì mụ làm quen với một cô gái vừa được đưa từ Hoà Bình xuống. Mụ lại lân la làm quen cả bà chủ cô ta, qua một người xóm núi rửa bát thuê cho quán. Mụ ngã giá với bà chủ: Cô gái sẽ theo người rửa bát tới nhà mụ vào buổi sáng thứ hai, thứ ba đầu tuần, khi quán vắng khách. Mụ sẽ trả tiền cho chủ quán, tính y như những lượt đi khách ra ngoài của cô bé.
Nể lắm bà chủ mới đồng ý. Thôi thì các sáng đầu tuần khách cũ đã về hết, khách mới còn bận giao ban, chủ trì các cuộc họp, cho hàng đi kiếm thêm càng may…
Nhưng để làm gì đây? Bà chủ tra hỏi cặn kẽ lúc cô gái ở nhà mụ về. Thưa mẹ, con chẳng phải làm gì cả, chỉ cởi quần áo rồi đứng trên tảng đá ngoài vườn cho bà ấy vẽ thôi ạ.
Dân xóm núi thắc mắc bằng mấy bà chủ nhà hàng. Con ruồi bay vào xóm này còn bị nhận diện huống hồ một cô gái mắt xanh mỏ đỏ, ngồn ngộn sức sống, áo quần khêu gợi thế kia. Cô ta đi đâu? Ai trong xóm núi liên quan tới cô gái nhà hàng này nhỉ?
Không lâu sau người ta biết hết. Biết rồi xì xào như ve mùa hè. Chết chửa, có đời thuở nhà ai lột quần áo con người ta ra vẽ không? Giả dụ mụ là đàn ông, nó hư đốn một nhẽ. Đằng này… không giải thích nổi. Đích thị mụ có vấn đề, vấn đề nghiêm trọng chứ chẳng chơi!
Chị Miện được người ta bắt mối dò xét mọi hành tung của mụ. Vẽ làm gì? Bán cho ai? Hay vẽ xong bán vé cho người xem lấy tiền như đám chiếu phim khiêu dâm? Làm cách nào chụp lấy những bức hình khả ố đó để báo cáo chính quyền, công an bây giờ?
Báo cáo đến ngọn nguồn, người xóm núi ớ ra khi biết mụ đang chuẩn bị tham gia một cuộc triển lãm tranh đàng hoàng cơ đấy. Cô gái được vẽ vào bức tranh “ Hoa Bèo’’, đứng loã thể trước sóng biển, mây gió vần vũ chung quanh, tay cầm bông hoa bèo tím, dưới chân cô vẫn vương những cụm bèo xanh trôi giạt từ cửa sông nào ra đây. Hẳn ý mụ thương cảm với thân phận bao thiếu nữ bèo bọt đã bị hoàn cảnh xô đẩy tới bờ biển.
Đành rằng cái thiện chí rất rõ, nhưng thiếu gì cách nói? Ai lại triển lãm cả những loại tranh không mặc quần áo, trông gay cấn thế kia ư? Loạn to mất rồi!
Bằng vào những chuyện to nhỏ chân thành của chị Miện, mụ chợt hiểu chốn sơn khê của mụ đâu phải nơi ở ẩn ngon lành. Tức thì mụ cất cọ vẽ, cất luôn mấy bức toan còn trắng tinh và viết thư có tính di chúc cho hai con gái. Các con cố giữ lấy những bức tranh mẹ vẽ, dù xấu dù đẹp ( cũng không có nhiều đâu ), để lại làm kỷ niệm. Không phải vì sau khi mẹ chết, những bức tranh này được giá cao hơn, mà mãi mãi không còn có người nào vẽ như mẹ vẽ. Chúng quý ở chỗ là sản phẩm của sự sáng tạo duy nhất, của một người duy nhất. Hãy nhớ lấy.
Mụ dặn cho đỡ tiếc. Chứ sau khi mụ hai tay buông xuôi, chúng mang che cửa sổ bếp cũng đành thôi.
Không còn việc gì làm, mụ quyết định dành thời gian đi quanh xóm thăm thú mọi nhà làm thân. Đến đâu người ta lập tức bỏ mọi công việc đón tiếp.
– Quý hoá quá, hôm nay rồng đến nhà tôm, bà sang chơi hay có việc gì cần chúng em đấy ạ?
– Không, là tôi chỉ sang chơi thăm hai bác, chỗ lân bang láng giềng, hôm nay rỗi rãi… ấy chết, hai bác cứ vá lưới đi. Trông thấy mọi người có công ăn việc làm, tôi mừng.
– Vâng, vá thuê cho người ta, vá víu suốt ngày…Chúng em có còn đi biển đâu. Giờ vẫn đi biển chắc chết đói. Thuyền phải to, đánh bắt phải ra khơi xa, chứ cá mú ven bờ vắt mũi chưa sạch đã tiệt chủng rồi bà ạ.
Hai ba ngày, mụ qua hết lượt xóm núi, nghe được bao nhiêu chuyện. Cái Gái sắp lấy chồng Đài Loan, phải vay nợ đi xoá vết ve mắt. Ai ngờ phẫu thuật thẩm mỹ xong, hôn phu Đài Loan đã kịp về nước với cô vợ khác. Thằng Tí ra trường lái xe, bán nửa mảnh vườn lấy tiền nộp công ty ký quỹ hợp đồng. Người chủ mới khu vườn đào móng xây nhà, đào trúng được một hũ bạc hoa xoè, giá trị gấp mấy mươi lần tiền mua vườn. Thằng Tí chết đắng. Cô Bân giặt chăn ga cho một nhà hàng ngoài biển, đêm hôm nọ vớ được hai trăm đô la khách đánh rơi, bị gã chủ lột hết, lại còn vu cho ăn cắp. Cô Bân ức quá treo cổ tự tử. May có đứa con la làng đến cứu…
Gì chứ nhặt chuyện viết thì ối. Nhưng xem ra lũ mọt ngăn kéo quyết giữ cây bút mụ lại. Này mụ, đừng dại. Thừa hơi chẳng nói với mày. Mai tao đi cày tao nói với trâu…
Và dù có những bi kịch nhỏ bé ấy, chốn sơn khê của mụ vẫn rất lý tưởng, không khiến người ta khiếp đảm. Đâu có như cái đêm hãi hùng nọ…
Đêm ấy… Ngôi nhà mụ nằm trong ngõ nhỏ một khu cán bộ văn hoá cấp xoàng ngày xưa, gần trung tâm thành phố, trước kia có giá lắm. Giờ cư dân tạp nham, đi ra ngõ vẫn phải nhìn xuống chân tránh bao cao su vứt bừa bãi. Mụ ít khi ra cổng, chỉ ru rú tại nhà. ấy bởi thỉnh thoảng gặp mấy quý tử hàng xóm mình trần trùng trục, đầu cạo trắng hếu, một bên tai đeo vòng bạc, trợn mắt nhìn mình, nửa chào hỏi lại nửa như đe doạ, mụ thấy ngán lắm. Còn may cả khu toàn nhà nghèo, chưa xảy điều gì nghiêm trọng, ngoại trừ vài chiếc xe đạp mất cắp, vài bộ quần áo phơi hớ hênh bị bay hơi. Và nhà nào biết nhà nấy, không ai nhòm ngó ai. Bà ăn thịt voi hay đi cấp cứu cũng mặc xác bà.
Đêm ấy mụ vừa chợp ngủ thì tiếng la hét rầm rĩ ngay ngoài cửa khiến mụ run cầm cập, ngồi bật dậy. Sao thế? Sao có tiếng kêu la đau đớn lẫn tiếng đánh đập huỳnh huỵch thế? Mụ luýnh quýnh chạy ra bật đèn ngoài hiên, mở cửa nhìn. Khung sắt cửa ngõ vẫn đóng nên mụ không lo lắm. Nhưng cảnh tượng mụ chứng kiến khiến tim mụ muốn rụng xuống. Ba thằng thanh niên lực lưỡng của khu ngõ, những thằng đeo khuyên tai, cánh tay cuồn cuộn nổi hình đại bàng, chúng cùng hai gã trung tuổi làm nghề thu mua chó, kẻ giữ người đánh một thanh niên gày gò ốm o đang kêu la van lạy như tế sao.
– Ôi giời ơi, con van các ông, con chết mất!
– Mẹ mày, chúng ông quyết đánh chết mày, không đưa đi đâu cả!
-Ối bà con ơi, cứu con với, con có làm gì đâu!
– Này cứu này, này cứu này!
Mụ níu lấy chấn song cửa, gào toáng cho những người đang hờ hững đứng xúm lại xem quanh đó.
– Các ông các bà can họ đi chứ! Giời ơi, đánh chết người ta kìa!
Nhưng tất cả giương mắt nhìn mụ lặng thinh. Một thằng đeo khuyên tai chắc còn nể mụ vì ở ngay cạnh nhà, vẫn thường nhờ vả, dừng tay quay nhìn mụ trừng trừng, quát:
– Bà vào nhà đi, không liên can gì đến bà, đừng rách việc!
Mụ sợ đến mức giọng run rẩy líu lại, nhưng cố van nài:
– Nó tội gì các anh giải nó lên đồn công an, chứ đánh hội đồng thế kia nó chết mất.
– Đêm hôm lảng vảng đến đây không ăn trộm thì làm gì? Khu này mới mất xe tối hôm nọ, bà không biết hả? Việc gì phải giải đi đâu!
Gã thanh niên bị đánh thấy có người lên tiếng can thiệp liền lấy hết sức tàn hét lên:
– Con không ăn trộm… Con đi tìm nhà người quen, lạc vào khu này thôi. Con lạy các ông các bà…
Gã chưa kịp nói hết câu đã bị một thằng to khoẻ nhất bọn bóp cổ ằng ặc, đập đầu vào tường.
Mụ rú lên khi thấy máu me vọt ra. Gã thanh niên héo rũ như tàu lá úa, ngã xuống bất tỉnh.
…Hôm sau mụ ra ngoài chợ cóc, nghe người ta kháo nhau có một xác chết vô thừa nhận bị vứt ngay cạnh mương nước, vừa được mang đi.
Chấm hết. Ngay lập tức mụ khoá cửa lên trú ngụ ở nhà con gái. Chẳng biết có công an đến dò hỏi vụ việc ấy không. Vả nếu có, liệu mụ dám báo cho họ biết sự tình, chỉ mặt những thằng đeo khuyên bạc giết người ở cạnh nhà mụ? Xem ra mụ cũng như tất cả mọi người trong khu này đều sẽ im như thóc.
Mấy đêm liền mụ không ngủ được. Hơi có tiếng động lạ bên ngoài lập tức mụ chồm dậy hốt hoảng. Mụ hình dung đâu đó những gã thanh niên tiêm chích, cờ bạc, lang thang vạ vật từ những xóm nghèo ngoại ô, từ mảnh ruộng vườn khô cằn ra tỉnh làm cửu vạn, những sinh linh khốn khổ khốn nạn của Chúa, đang sống hết kiếp đoạ đầy trước sự dửng dưng tàn bạo của đồng loại đô thị. Cuối cùng chúng sẽ bị vứt còng queo ở những bờ mương, xó rãnh thôi… Chúa ơi là Chúa, vậy Chúa lên thánh giá, chịu đóng đinh câu rút đỡ tội cho nhân thế, nhưng không dành chút ơn phước tí xíu nào phần những con chiên ghẻ ư?
Sau đêm ấy, mụ bị khủng hoảng thần kinh. Mụ nhớ lại từng dòng báo chí khiếp đảm đã đọc qua. Tội ác ngày càng…trẻ hoá! Hai đứa bé hơn mười tuổi giết chết bé năm tuổi vì muốn đòi tiền chuộc. Cháu thắt cổ bà, con đâm bố, thiếu nữ cứa cổ người tình… Thì đấy, người ta sẵn sàng đập chết một con người ngay trước mắt mụ, chẳng cần phải biết kẻ ấy có tội hay không. Chỉ vì họ mất cái xe, bộ quần áo đấy.
Và mụ quyết rời bỏ thành phố đi về chốn sơn khê hoang sơ sống nốt quãng đời còn lại. Chí ít cũng tránh được ưu phiền vì phải chứng kiến nỗi con người sống với nhau ngày càng dữ dằn, khốc liệt.
Mụ vẫn lấy làm may mắn đã không khó khăn khi mua được ngôi nhà xóm núi ở đây. Dù mấy ngày qua đôi vợ chồng chim bìm bịp biến mất khiến xóm núi lạnh lẽo hẳn đi, nhưng không sao, mụ sẽ mua một đôi chim cu gáy treo trước hiên thay thế chúng. Mụ hồ hởi nghĩ đôi bìm bịp chỉ đang ấp trứng đâu đó… Mong sao đời cứ bình yên đơn giản thế này thôi.
Nhưng hôm nay mới bảnh mắt đã thấy bà Thản, một người đàn bà xóm núi, khóc mếu bước thấp bước cao chạy đến nhà mụ.
– Bà ơi, bà cứu cháu mấy! Bà có chữ nghĩa, may ra bà cứu được mẹ con cháu. Bà viết cho cháu nó cái đơn, trình bày sao để cháu nhẹ bớt tội đi.
Tức chuyện thằng Tí, con rể bà Thản, chạy xe gạo chẳng may cán chết người. Giờ nó phải tường trình khai báo trước khi người ta đưa ra toà.
– Bà cứ bảo nó sang đây kể đầu đuôi tôi nghe đã.
Thằng Tí sang, kể lại đầu đuôi câu chuyện bằng giọng ầng ậng nước mắt. Nó tránh đường cho xe cẩu, bị lạng tay lái, cán chết người đàn ông thồ xe rau. Nhưng mắc ở chỗ nó không giải thích được chuyện xe nó lùi lại, cán thêm lần thứ hai qua người nạn nhân.
– Bà viết hộ cháu, vì cuống quá đã mất trí, lùi xe lại. Liệu thế có được không hở bà?
– Cậu mất trí? Tội nghiệp ông ta! Giá cậu dừng lại kịp, có thể ông ấy không chết.
Tí im lặng một chút rồi nhìn thẳng vào mắt mụ, khẽ trả lời rất thành thực:
– Cháu phải làm thế chính vì biết ông ta vẫn còn ngắc ngoải. Lần thứ hai bị nghiến qua người, ông ta mới chết hẳn. Việc ấy nhiều người trông rõ rành rành… thành thử cháu phải khai thế nào cho thật khéo…
– Sao lại thế ?
– Theo luật, cán chết người chúng cháu phải đền có hăm nhăm triệu thôi bà ạ. Nhưng lỡ họ chỉ tàng tật, hay bán thân bất toại, mình phải chạy chữa đền bồi, thuốc thang nuôi nấng gấp mấy lần hăm nhăm triệu cơ.
Mụ đánh rơi cây bút. Người ta có thể tính toán như thế thật sao?
Ngay lúc mụ đang còn sởn cả chân tóc thì bất chợt nghe tiếng kèn đám ma réo rắt nổi lên. Từ khi về đây mụ chưa một lần thấy kèn đám ma. Mụ cứ nghĩ dân xóm núi lo hiếu sự qua quýt, không ai cầu kỳ cái chuyện kèn trống. Nhà nào lại đình đám thế?
Tí thấy mụ lắng tai nghe liền mau miệng kể:
– Nhà ông Thuấn, cái nhà xây đá ong cuối xóm vừa có đám bà ạ.
– Ai chết hở cậu?
– Chính ông Thuấn đấy. Ông ấy làm chức gì to lắm ở Huyện, mắc chuyện tiền nong đất cát khó gỡ tội nên về nhà treo cổ tối hôm kia.
Giời ơi, chốn sơn khê thế này sao? Đây có còn là nơi người ta nghĩ chuyện ở ẩn không ?
X
X X
Những ngày tháng bảy mưa Ngâu buồn bã. Ngồi bên khung cửa sổ nhìn núi non mưa giăng giăng, mụ mơ màng chợt nhớ có người mách một mảnh đất tận Tân Sơn-Lục Ngạn, cũng núi, cũng suối, rất thơ mộng, nghe giới thiệu vậy. Nhưng biết sơn khê ấy có còn xịn hơn đây không?
Rồi mùa thu đến nhanh quá đi thôi. Trăng xóm núi thật dịu dàng trong vắt. Trăng núi thế chứ… Mùa thu gợi nhớ đến một đêm trăng sáng vằng vặc, có người đàn ông yêu dấu đã nồng nàn hỏi: Em ơi, em làm vợ anh nhé? Người đàn bà run rẩy trong đêm, khẽ gật. Ôi những đêm tháng tám mùa thu năm xa xưa! Tại sao nó lẩn quất trở lại, hôi hổi như người ta mới sống ngày hôm trước? Nó khiến mụ lãng đãng trong kỷ niệm suốt mùa thu, không lòng dạ nào nghĩ đến chuyện gì khác.
Mùa đông qua đi vẫn thấy mụ trụ lại xóm núi. Cho đến khi cây gạo phía sau nhà nở hoa đỏ rực, thắp muôn vàn ngọn lửa giữa buổi sớm chưa dứt mưa xuân… Mụ đứng lặng, ngây người ngắm nó. Từ khi chuyển về chốn sơn khê, mụ chưa có dịp chứng kiến mùa hoa gạo nở, giờ nó bỗng đỏ bùng lên, đỏ thổn thức bên triền núi xanh yên tĩnh.
“Không, dù thế nào thiên nhiên xóm núi cũng nhân ái đến nỗi không cho ai dứt tình mà đi! ’’
Mụ biết chắc mình không cầm lòng được, sẽ lại lôi bức toan trắng với hộp sơn dầu cất trong xó nhà, khai bút đầu xuân. Nao nức đầy tự tin! Với cây gạo mùa xuân, mụ không phải do dự né tránh các công trình phụ của những người đẹp…
Trại sáng tác Sầm Sơn
10-2009
Đ.L