
Diễn đàn “Học sinh chán học văn – Lỗi do ai?” đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ từ các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên dạy văn ở các trường phổ thông.Dưới đây là trả lời của TS. Đinh Phan Cẩm Vân
Diễn đàn “Học sinh chán học văn – Lỗi do ai?” đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ từ các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên dạy văn ở các trường phổ thông. Dưới đây là trả lời của TS. Đinh Phan Cẩm Vân – Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – xung quanh vấn đề đào tạo sinh viên sư phạm ngành ngữ văn hiện nay.
Theo TS. Đinh Phan Cẩm Vân, trước hết phải thấy rằng, sinh viên (SV) khoa ngữ văn ngành sư phạm cần được chuẩn bị kiến thức và kỹ năng từ thời phổ thông mới có thể “đứng” được trên giảng đường ĐH. Không giống như chương trình cấp dưới, kiến thức ở trường ĐH cao hơn, bao quát rộng lớn hơn. Nhất là đối với SV khoa văn, cần đọc tác phẩm nhiều và phải được làm quen trước đó. Thế nhưng, thực tế cho thấy, vẫn còn SV dù đã chọn cho mình con đường văn chương nhưng thật sự bước vào ĐH các em mới có tâm thế học văn. Hệ quả là còn thụ động trong việc nghe giảng, cũng như khâu làm bài thuyết trình, thảo luận. Đặc biệt, cách trả lời, cách giải quyết vấn đề chưa khẳng định được trình độ và ý thức phản biện của một trí thức tương lai. Đây là xu hướng của giáo dục mà bất kỳ SV nào cũng cần phải có. So với trước đây, tỷ lệ HS thật sự có năng khiếu văn chương chọn ngành văn không nhiều. Đây là một thực tế không vui. Có ý kiến cho rằng đó là do cách nhìn nhận của xã hội về nghề văn. Tôi thấy điều này đúng. Một số em đã thực sự là SV của khoa văn nhưng việc học văn vẫn chưa được tốt. Ngoài những em do có điểm văn cao, yêu thích bộ môn này nhưng có SV vào khoa văn không phải do điểm văn thắng thế mà xét theo điểm tổng của ba môn trong khối C và D1. Như vậy có những SV không giỏi văn nhưng điểm môn khác cao vẫn được học khoa văn. Nếu tuyển sinh lấy điểm theo hệ số cho chuyên ngành thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự “trái khoáy” này. Không có năng khiếu thì việc theo nghề sẽ gian truân hơn. Người học vất vả, người dạy cũng thật sự khó khăn để “kéo” chất lượng lên.
PV: Cách đào tạo SV ngữ văn hiện nay ra sao, thưa TS?
– Cách đào tạo ở trường ĐH bây giờ đã thay đổi, không giống như trước đây. Hiện nay, SV khoa văn đã được đào tạo theo tín chỉ. Theo cách này, các em không chỉ tiếp nhận được nhiều kiến thức mà còn hình thành và rèn luyện các kỹ năng làm việc, nghiên cứu khoa học… Đọc và xử lý tài liệu, đưa ra những vấn đề mới theo suy nghĩ riêng của cá nhân để có cách hiểu, cách tiếp cận mới. Trong môi trường học thuật đậm chất nghiên cứu, các em có điều kiện đến gần hơn với con đường tự học, tự tìm tòi và tự bồi dưỡng, nghiên cứu.
PV: Chắc chắn cũng có những khó khăn nhất định, thưa TS?
– Đúng vậy. Dạy theo tín chỉ cũng có những khó khăn riêng mà trước hết là thời gian học trên lớp rút ngắn. Nếu trước đây một môn được dạy trên lớp 90 tiết thì bây giờ “co lại” trong 30 tiết. Trong thời lượng không lấy gì làm dư dả đó, SV phải đảm bảo được các yêu cầu như tự trang bị kiến thức cho bản thân, biết nêu ra các vấn đề từ sự gợi ý hướng dẫn của giảng viên. Thế nhưng, thực tế thì SV chưa làm được điều đó vì nhiều lý do. Nguyên nhân trước hết là các em chưa biết cách làm việc độc lập, chưa biết tự giải quyết các vấn đề. Những thao tác tuy đơn giản như vào thư viện đọc sách, tự ghi chép những vấn đề cần thiết rất cần cho SV ĐH nhưng đối với các em lại xa lạ. So với SV năm cuối, các em SV năm nhất và năm hai lúng túng hơn nhiều do thiếu kinh nghiệm từng trải. Bên cạnh đó, số lượng SV trong nhóm quá đông cũng là một khó khăn khi học theo tín chỉ. Phòng học thiếu các trang thiết bị cũng ảnh hưởng đến chất lượng khi có cả 100 SV tham gia trong một buổi thuyết trình, thảo luận.
PV: Bên cạnh đó, các em cũng có những phẩm chất vượt trội, thưa TS?
– Đáng mừng là các SV trẻ bây giờ rất năng động và tự tin so với thế hệ chúng tôi trước đây. Đa số mạnh dạn hơn khi nói trước đám đông và không e ngại để đề cập các vấn đề trong cuộc sống. Ở một số tiết thao giảng, dự giờ tại trường sư phạm, nhiều giáo sinh có tác phong chững chạc, biết làm chủ lớp học và có khả năng truyền đạt tốt. Tương lai là những nhà sư phạm có tay nghề chuyên môn.
PV: Như vậy, SV nào học giỏi thì ra trường sẽ trở thành giáo viên giỏi?
Phải khẳng định rằng, phần lớn SV giỏi ra trường dễ trở thành giáo viên dạy giỏi. Như vậy vẫn còn một phần nhỏ, học giỏi nhưng chưa thành giáo viên giỏi. Điều này còn phụ thuộc vào sự phấn đấu và đặc biệt là phụ thuộc vào tố chất sư phạm như kỹ năng nói, khả năng diễn đạt và phương pháp truyền thụ. Đây là một đặc thù rất cần thiết của những ai theo nghề sư phạm, đồng thời đem lại sự thành công cho người thầy dạy văn – những “kỹ sư tâm hồn” trên bục giảng văn chương.
PV: TS đánh giá thế nào về chương trình văn học trong nhà trường hiện nay?
– Trước hết về chương trình phổ thông, kiến thức nặng tính hàn lâm nên rất nặng nề, xa rời thực tế. Đặc biệt là không phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi. Ví dụ ở chương trình lớp 7, các em học thơ Đường thì chắc chắn không hiệu quả bằng khi học ở lớp trên. Phải chăng đây là lý do làm cho các em chán học văn như diễn đàn của Báo Giáo Dục TP.HCM đã đưa ra?
Vậy còn về chương trình ở bậc ĐH, thưa TS?
– Chương trình ĐH lại hơi bị “phổ thông” như theo đánh giá chung. Chương trình hiện nay có vẻ như chỉ phù hợp với cấp học thấp hơn. Đó là một nghịch lý. Điều này quả không sai vì ở đó đang thiếu phương pháp tư duy, nghèo chất nghiên cứu khoa học, tính ứng dụng cũng chưa được coi trọng. Vì những lẽ đó mà chương trình quá lạc hậu so với nhu cầu đào tạo ra những thầy cô giáo dạy văn cho tương lai. Mong rằng đổi mới được chương trình, đổi mới phương pháp dạy học thì chất lượng đào tạo mới được nâng cao và có hiệu quả dù ở bất cứ ngành học nào.
PV: Hiện nay, ngành giáo dục có xu hướng ra đề mở, nhất là nghị luận xã hội và cả nghị luận văn học. TS có ý kiến gì trong “câu chuyện” này?
– Đề mở có tính cập nhật, nóng bỏng tính thời sự là xu hướng đang được nhiều người chấp nhận, rất phù hợp với nghị luận xã hội. Đề mở còn khơi gợi được nhiều cảm xúc trí tuệ đang tiềm ẩn trong vốn liếng văn chương của người viết. Từ các bài làm của mình mà các em sẽ trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận cuộc sống và thế giới khách quan. Điều này trước đây chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng vấn đề quan trọng là phải biết lựa chọn theo hướng nào, mục đích của sự lựa chọn đó là gì. Như vậy đòi hỏi người ra đề phải có định hướng và bản lĩnh rõ ràng. Nếu không sẽ nhận được những tín hiệu trái chiều, thiếu nghiêm túc và cả phản tác dụng giáo dục. Bởi vì ở lứa tuổi các em nhận thức còn chưa chuẩn, đôi khi còn thiên về cảm tính
Xin cảm ơn TS!
Nguồn trang thông tinTrường ĐH Sư phạm TP.HCM