Năm nay mùa đông đến muộn, đã thế lại nóng rét thất thường. Còn mấy ngày nữa Tết Nguyên đán thì trời lại mưa sùi sụt. Làng tôi đang vụ thu hoạch hành tỏi. Nhà nào cũng mong nắng ráo để cắt hành tỏi bán đi tiêu Tết. Trong không khí ẩm ướt mùi hành, tỏi nẫu dọc hăng nồng phả ra khắp ngõ to, ngõ nhỏ. Mới nhập nhoạng tối mà nhà nhà đã ăn cơm. Không ai muốn dầm cái rét ngọt như thế này ở ngoài đồng. Trời tối đen. Tiếng mưa phủ từng lớp, từng lớp đều đặn và dày dần lên trong khu vườn. Mấy tàu chuối loang loáng ướt. Nhìn mấy thân chuối lặng im hứng mưa bỗng lại thấy chạnh lòng thương những ai phải chịu cảnh mẹ cút con côi. Ngồi bên bếp lửa đun bằng lõi bắp ngô, tôi và lũ trẻ con được hưởng trọn vẹn một đêm ở làng bên mẹ, xì xụp nếm kẹo chè lam, lóng ngóng chẻ những sợi dây giang để ràng bánh chưng mà đợi Tết. Mọi năm lá dong và lạt giang rẻ lắm, người làng chẳng buồn mua trước, cứ để khoảng 25 Tết mới rinh về. Năm nay thì khác. Lá dong đắt hơn, năm bảy mươi ngàn một trăm lá. Dây ràng bánh cũng mấy chục ngàn một trăm dây. Mẹ tôi mua ống giang chưa chẻ từ cữ ngoài rằm về để đó rồi chẻ lấy. Còn nhớ lúc nhỏ, cha tôi chẻ dây bánh rất nghề. Sau khi pha ống giang thành từng miếng nhỏ, ông bắt đầu ngồi chẻ dây mảnh. Ông ngậm một đầu dây trong miệng và lột suốt thân ống một cách nhẹ nhàng mà nhanh. Sợi dây lột qua những cái đốt dễ dàng. Giờ tôi làm công việc ấy thấy khó quá. Những miếng giang sắc lẹm dễ đứt tay như chơi. Lũ trẻ thì ngó nghiêng lạ lẫm, bởi chúng chưa thấy những điều đó ở thành phố. Ở quê tôi, người ta thường gói bánh chưng dài, lớp trong lót bằng lá chít (người làng tôi gọi là lá ỏng), lớp ngoài là lá dong. Lá cũng được luộc, thay nước, rồi rửa thật sạch để bánh được trắng. Thân bánh được ràng bằng năm cái dây giang (hoặc nứa) quấn hai lượt rồi cài nút vào nhau. Cái bánh chưng lá xanh dây trắng mập mạp và gọn ghẽ, chứ không phải cái bánh ràng dây ni lông chằng chịt như ở phố. Chính vì thế mà chẻ dây phải khéo sao cho dây mảnh, to bản vừa phải mà dẻo dai, không nhiều bọng thì ràng bánh mới đẹp. Chẻ được một lúc tay tôi đã rộp lên không làm được. Thế mới biết cái bánh chưng được ăn từ tấm bé cũng ngốn bao công sức của cha mẹ mình. Lũ trẻ nhìn ra trời quê đen thẫm, lạnh buốt mà tỏ vẻ nghĩ ngợi. Chúng hơ cái que cời bếp ra hứng lấy những vệt mưa đan xéo nhau phía ngoài cửa bếp. Chỉ có một khoảng sáng bằng khung cửa in trên sân, còn lại là mịt mùng mưa giăng. Phía nghĩa địa của làng nhấp nhoá mấy vệt lân tinh xanh lét, lơ lửng. Lũ trẻ nép vào lòng bà ngoại tin vào những câu chuyện ma trơi. Trong bếp, vỉa than cháy nục bỗng toé hoa cà hoa cải lên cao. Lũ trẻ bỗng kêu lên vừa thích thú vừa sợ hãi, bởi chúng còn đang liên tưởng đến những bóng sáng bay ngoài xa. Tiếng chó sủa ủng oẳng xa xăm trong ắng lặng. Bà nội tôi khi còn sống bảo rằng đó là tiếng chó cắn ma. Tiếng sủa dấm dẳn, rời rạc mà dai dẳng, mơ hồ. Mẹ tôi bắc cái chảo gang lên bếp, rấp ướt tay để lấy nha ra khỏi cái nồi nhôm rồi cho vào chảo đun lên. Lại nhớ kẹo mạch nha mà hàng đổi quế hay đi qua ngõ hồi xưa. Sau tiếng rao “ Ai nhôm đồng, sắt vụn đổi quế đơi…” là lũ trẻ chúng tôi lại nhặt nhạnh những chiếc dép nhựa cũ mang ra đổi quế. Khi thì được miếng vỏ quế cay nồng, khi là cái bánh tráng bằng bột khoai lang nhuộm xanh đỏ, khi là kẹo mạch nha óng vàng, trong vắt, được quấn vào cái que nhỏ. Mạch nha được nấu từ mầm lúa nếp nên thơm, ngọt tinh khiết và thanh mát. Nha đã sôi lăn tăn trong chảo, mẹ nhỏ một giọt xuống bát nước lạnh, thấy hạt mật lăn tròn. Lập tức mẹ cho bột gạo nếp vào (bột được nghiền từ bỏng gạo nếp), rồi cho nước cốt gừng, lạc rang, ngũ vị vào đảo đều lên. Chảo kẹo sền sệt thơm phức. Mẹ trải bột áo ra cái nong, đổ chảo kẹo trên bếp ra, lấy đũa cán cho nguội bớt rồi vê lại thành từng khúc nhỏ, để khô sẽ thành chè lam. Chè lam ăn nóng mềm dẻo và béo ngậy. Chè lam tự làm ngon hơn hẳn thứ mua ngoài chợ. Lũ trẻ con vừa ăn vừa thổi xuýt xoa, hai má hồng rực. Khuôn mặt mẹ tôi rạng ngời hạnh phúc. Đúng là đàn bà, lúc nào cũng lọ mọ vì con cái, ngày tư ngày Tết có con cháu về đàn đống là vui. Bữa chè lam này cũng ngon hơn bất kỳ sơn hào hải vị nào. Trẻ con vừa ăn vừa mơ tưởng ngày mai Tết rồi, sẽ chơi những đâu. Người lớn thì tận hưởng thật chậm những giây phút thanh bình, ấm áp, lòng tan chảy thành một thứ chè lam ngọt ngào khác khi ngắm mấy đứa trẻ. Mai này cuộc sống lại tất bật mưu sinh, liệu có nhiều lúc thế này? Nhìn tóc mẹ bạc cũng lo sợ một ngày nào đó mình già thì mẹ sẽ thế nào… Những âu lo mơ hồ vụt tan đi khi tiếng trẻ thơ cười giòn tan. Đêm trước Tết có cái màu đen huyền bí rất lạ, sâu thẳm hơn, thao thức hơn. Tiếng mấy con gà chen nhau lích rích trong chuồng, tiếng mèo rên grừ grừ trong xó bếp, tiếng con trâu gõ sừng vào thoang chuồng lộc cộc cùng những cái bóng người in trên tường đã mặc định trong lòng người ta cái không gian vừa ấm áp vừa huyền ảo. Mỗi lúc nghĩ về quê nhà, nghĩ về ngày Tết là lập tức đầu tôi hiện lên những thứ ấy. Lại nhớ đến mấy mẹ con nhà bạn. Một người mẹ đơn thân nghèo ở cùng hai đứa con trong ngôi nhà bé xíu không biết tết nhất thế nào. Nhiều đêm nghe tiếng gió rít qua nóc nhà lại chạnh lòng nhớ mẹ con nhà ấy. Ban sáng, đi qua cánh đồng đã thấy những luống mạ vuông vắn như ô bàn cờ ngả màu xanh vàng. Tại sương muối thì phải. Ăn Tết xong là người làng tôi xuống đồng cấy lúa. Nước đổ ải đã loang loáng ngoài đồng. Nhớ mãi những chiều ba mươi Tết hồi tiểu học. Bố tôi dặn phải dắt trâu ra đồng cho nó ăn cỏ một lúc để mấy ngày Tết nó ở nhà. Tôi đã vừa dắt trâu vừa rạo rực chỉ muốn về, bởi lẽ khung cảnh người làng làm cỗ đồng (mang cỗ ra cúng ở mộ và mời người thân về ăn Tết) đốt vàng hương lả tả. Mắt tôi hết nhìn những cái tàn tro ấy lại nhìn đến những màu xanh khác nhau của từng ô mạ. Nhìn trân trân không chớp mắt. Vừa nhìn vừa tưởng tượng ra ngày mai mình sẽ được chơi khắp làng cùng lũ bạn thế nào. Đâu ngờ rằng, sau này, cứ chớm xuân là mấy cái ruộng mạ ấy mọc xanh trong ký ức mình. Nó nhắc nhớ về một khoảng thời gian chờ đợi, mong ngóng đến sốt ruột để Tết về. Cũng ban sáng, lúc qua bến sông, vẫn còn những cụ bà lội ra rửa rổ, rá, xoong nồi, giặt chiếu, đãi đỗ gói bánh chưng. Ngồi trên hòn đá xanh một tí là thấy tuổi thơ chạy ào về cùng với cảnh tắm tất niên rét tím môi, hay cảm giác thích thú tột độ khi được bố mẹ đưa ra chợ mua cho quần áo mới diện Tết. Chưa khi nào lại có một phiên chợ nhiều màu sắc như chợ Tết. Người lớn cũng chưa khi nào hào phóng đến thế. Lũ trẻ được tự do chọn một vài thứ mình thích như bóng bay, nơ buộc tóc hay mấy bông hoa nhựa đỏ chót. Niềm vui tràn đầy trong lòng trẻ con chảy qua người lớn. Đường làng đâu đâu cũng gặp những khuôn mặt hân hoan, những bước đi hối hả. Ai cũng chờ đợi năm mới đến như chờ đợi một vị thần có quyền năng siêu phàm, làm tiêu tan mọi thứ đen đủi, không may mắn để mang đến sự mới mẻ, tươi non, tràn trề hy vọng…Và giờ đây, vị thần đầy quyền năng ấy đang ngự trong bóng tối ngoài kia. Nơi mà những mầm cây căng tràn nhựa sắp chồi lên, nơi mấy chiếc lá măng tơ he hé cựa mình. Nơi sự ấm áp, sinh sôi đang đợi, đang tích tụ để mai này, khi tia nắng đầu tiên chiếu xuống, tất cả sẽ oà lên khúc hoan ca khởi nguyên đẹp đẽ. Vị thần ấy là mùa xuân. Tôi bắc nồi măng lên bếp luộc mà như thấy vị thần ấy đang kết hoa lên đầu mấy đứa trẻ. Chúng đang ngồi nghịch lửa và nghe bà kể chuyện “ sự tích cây nêu”. Hạnh phúc tràn đầy lên mắt chúng. Tôi cũng thấy mình như vậy. Những mệt nhọc, lo toan vụn vặt đã vuột trôi đi như mình vừa được gột rửa, thanh sạch. Bố tôi đã ngủ, bố của các con tôi và các cậu còn thức bàn bạc viêc gì đó trên nhà. Còn tôi cùng mẹ và các con mình trở thành những người đưa tin cho vị thần đầy quyền phép. Một bên là bếp lửa bập bùng. Một bên là trời mưa giăng mắc. Chúng tôi ở giữa, nơi có thể cảm thấy lửa ấm áp, nơi có thể nghe mưa làm nảy nở triệu triệu mầm sống mới. Ngày mai là Tết. Cái mới mẻ, tươi sáng sẽ bao trùm khắp không gian này. Trời sẽ khác. Gió khác. Nắng khác. Khu vườn khác. Con người cũng khác. Con người nói với nhau những điều tốt đẹp, biết tự răn mình trước những mầm cây non vừa vươn ra từ đêm tối. Chúng tôi là những người đưa tin mùa xuân về sớm nhất. Bởi lẽ, không gì kỳ diệu hơn khi chúng tôi đã chờ đợi hết một đêm với kiểu chờ đợi một vị thần. NTMP