Mấy năm trở lại đây, dòng văn học ngôn tình Trung Quốc tràn vào thị trường sách, khoảng hơn chục cây bút trẻ cũng đua nhau viết theo lối này với những chuyện sến, bi lụy, đôi khi mê mị. Tuy nhiên, loại sách này lại được đông đảo bạn đọc tuổi teen đón nhận. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Phong Điệp về cách chọn sách để không bị “đầu độc”..
Mấy năm trở lại đây, dòng văn học ngôn tình Trung Quốc tràn vào thị trường sách, khoảng hơn chục cây bút trẻ cũng đua nhau viết theo lối này với những chuyện sến, bi lụy, đôi khi mê mị. Tuy nhiên, loại sách này lại được đông đảo bạn đọc tuổi teen đón nhận. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Phong Điệp về cách chọn sách để không bị “đầu độc”.
Khoảng 5 năm, đặc biệt là 3 năm trở lại đây, thị trường sách nước ta bùng nổ tiểu thuyết ngôn tình, ướt át. Các nhà sách trưng bày la liệt, lấn át các dòng sách khác. Và khu sách văn học Việt Nam thì bị thu hẹp. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Thị trường sách văn học hình như chưa bao giờ chỉ phát triển một dòng thuần nhất. Điều ấy cũng dễ hiểu. Bởi nhu cầu, thị hiếu của độc giả hết sức đa dạng. Sách cũng như những món ăn khác nhau, đáp ứng nhiều nhu cầu, sở thích khác nhau của bạn đọc. Việc chọn sách để đọc là quyền của mỗi người. Trước trào lưu sách ngôn tình mà hiện nay báo chí nói nhiều thì chúng ta đã chứng kiến trào lưu văn học ling lei cũng từ Trung Quốc tràn vào. Rồi bạn thấy đấy, độc giả cũng sẽ chán ngay thôi mà. Tôi tin những cái gì ít giá trị thì cũng nhanh chóng bị lãng quên thôi.
Tất nhiên, có cầu mới có cung. Do thị hiếu của giới trẻ nên dòng sách đó bán chạy. Các nhà sách không dại gì mà không khai thác. Nên có thể nào sinh ra một hệ lụy khác về thị hiếu thưởng thức văn học cũng như có sự lệch lạc về văn hóa?
Với độc giả trưởng thành, họ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình. Với cái mà bạn gọi là “lệch lạc về văn hóa” – tôi nghĩ là hoàn toàn có, đã có và đang có. Và những lựa chọn sai lầm, những mê muội sẽ phải trả giá. Chính xã hội, chính cộng đồng sẽ lên tiếng về việc này.
Như thế có phải văn học Việt, đặc biệt văn học trẻ đang yếu thế?
Là người theo dõi khá sát đời sống văn học trẻ, tôi chưa bao giờ thấy nó yếu thế. Hiện tôi đang tham gia chấm sơ khảo cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ. Trong gần 2.000 bản thảo gửi về dự thi, tính đến thời điểm này, bạn có tin được không, đa phần là sáng tác của người trẻ. Và những tác giả được hy vọng nhất của cuộc thi này cũng chính là những gương mặt trẻ. Họ thổi một không khí mới mẻ, tươi tắn cho cuộc thi. Một cuộc thi lớn, với số lượng tác giả, tác phẩm lớn như vậy, liệu đã là một câu trả lời đáng tin cậy về đời sống văn học trẻ hiện nay hay không?
Thêm một điều nữa là không ít bạn trẻ có trào lưu đọc truyện, tiểu thuyết “lôi” xuống từ blog. Cũng là những chuyện tình theo kiểu phim Hàn Quốc nhưng bán khá chạy, in dày, đẹp. Theo chị, đó có phải thị hiếu của bạn trẻ hay các cây bút trẻ (tạm gọi là chính thống) của ta chưa đủ sức để tạo ra một dấu ấn, một sức hút?
“Không ít bạn trẻ” không có nghĩa là tất cả các độc giả trẻ đều thích trào lưu đọc truyện hay tiểu thuyết lôi từ blog xuống. Nếu không, tại sao tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư mới xuất bản đã bán được cả vạn bản? Tại sao sách của Nguyễn Nhật Ánh chưa xuất bản mà bạn đọc đã háo hức đến vậy? Tại sao Xách balo lên vai và đi của Huyền Chip gây xôn xao cộng đồng mạng đến vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần có cái nhìn toàn diện. Những cuốn sách tử tế vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Những thứ phù phiếm, ít giá trị sẽ nhanh tan như bụi trôi chỉ sau một trận mưa mà thôi. Về phía các đơn vị xuất bản, tôi tin họ có thể thu lợi nhanh do chạy theo trào lưu sách hot, nhưng những trào lưu này cũng “sớm nở tối tàn” – và bạn thấy đấy, những thương hiệu còn lại là những địa chỉ cung cấp cho bạn đọc những cuốn sách giá trị. Thương hiệu ấy, uy tín ấy tiền bạc không thể mua được.
Điều đó có nghĩa chúng ta phải chấp nhận “sống chung” với dòng văn học ngôn tình, đang ảnh hưởng đến cả chục cây bút đang là sinh viên ở các trường đại học. Và dường như 3 năm nay, những cuốn sách “ướt át” này ra đời rất nhiều. Chúng ta có cần có biện pháp định hướng cách đọc cho giới trẻ?
Chấp nhận hay không chấp nhận thì thực tế dòng văn học ngôn tình đang tràn ngập thị trường sách hiện nay rồi. Và phản ứng của xã hội – như bạn đã thấy: rất nhiều tờ báo đã lên tiếng về vấn đề này. Sự lo ngại, những hồi chuông cảnh báo, thậm chí nguy cơ lệch lạc ở một số người trẻ nếu cứ đắm chìm vào dòng văn học này. Nó khiến cho người nhiễm dòng văn học này sẽ sống trong ảo mị và khi đối đầu với hiện thực cuộc sống dễ sinh chán nản và thậm chí nảy sinh những hành vi tiêu cực. Nhưng vấn đề là những cảnh báo, những lời kêu gọi đã có và quan trọng là người trẻ có lắng nghe những điều này hay không? Tôi chỉ mong muốn rằng, những độc giả trẻ, ở ngưỡng cửa ban đầu của bước đường trưởng thành, hãy là một người đọc thông minh và sáng suốt.
Song song với điều đó thì một số cuốn sách bị Cục Xuất bản thu hồi vì nội dung thiếu lành mạnh, đi ngược với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Rõ ràng những tác phẩm này không mang lại những giá trị cần thiết cho người đọc. Nhưng có một nghịch lý là càng cấm lại càng kích thích giới trẻ tò mò. Chị nghĩ sao ạ?
Bản tính của người trẻ là tò mò và thích làm ngược. Càng cấm càng phải làm bằng được. Đó là tính cách lứa tuổi. Khi họ chín chắn, trưởng thành hơn, họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình một cách nghiêm túc, đúng đắn hơn.
Như một số chuyên gia xã hội học đúc kết lại, không phải cứ đọc tràn lan đã tốt mà đọc cái gì mới quan trọng. Cho nên người ta mới nói đến một điều gọi là “văn hóa đọc”. Xét ở góc độ giáo dục, đọc sách truyện không phải là không có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại rằng không phải mọi tác phẩm văn học đều chứa đựng những yếu tố tích cực. Xin chị chia sẻ.
Tôi kêu gọi mỗi người đọc hãy là một chuyên gia thông thái. Giống như khi bạn chọn đồ ăn, hãy biết chọn món ăn chế biến từ thực phẩm an toàn, bổ dưỡng.
Xin cảm ơn chị!
H. M & P.D
(Nguồn: SKĐS)