Chú bé có tài mở khóa: Truyện dài của Nguyễn Quang Thân

Hùng ăn một con tôm và ra đi. Nam nghe tiếng huýt sáo dọc cầu thang. Nó cầm bát cơm lên ăn, vừa ăn vừa suy nghĩ. Hùng Lé là người thế nào? Nó có vẻ tốt mà vẫn thế nào ấy. Nhất là thỉnh thoảng nó nói ra những tiếng lóng nghe chối tai không chịu được. Nhưng không có Hùng Lé thì từ sáng đến giờ mình biết xoay xở thế nào? Dù sao thì cũng phải cám ơn nó, nó chê mình quỷnh là phải. Mình thì ngố, còn nó lại tài ba làm sao!

Nam khép cửa, đưa bát ra phía nhà tắm để rửa. Lúc trở về phòng, nó đi qua một cánh cửa sổ mở toang. Hai cái trán trẻ con dựa vào song cửa, mớ tóc con gái rủ lơ thơ. Nam nhớ ra rồi, đây là bé Liên và bé Hương, hai đứa trẻ sinh đôi của nhà bác Thịnh. Năm ngoái Nam ra chơi, chúng còn bé tí, vậy mà bây giờ đã ra dáng học sinh lớp một rồi.

Nhà bác Thịnh giàu, rất giàu nữa là khác. Người trong dãy nhà ba tầng này nói thế. Bố cũng bảo thế. Bác Thịnh trai là quản đốc phân xưởng, bác thường được đi nước ngoài tham quan người ta đóng tàu. Bác gái đi học ở Đức về, nay làm giám đốc một nhà máy làm sợi len. Trong nhà bác Thịnh, toàn là những thứ đồ đẹp cả. Nào quạt, nào máy truyền hình, nào quần áo len dạ, xe máy nữa. Nhà có nhiều đồ đạc như thế nên khi hai bác đi làm, bé Liên và bé Hương đều bị nhốt. Bác Thịnh trai – tính rất cẩn thận – đã khóa cửa bằng một cái khóa đồng to tướng mua tận Tiệp Khắc. Như vậy là chắc chắn lắm rồi. Lũ trộm chỉ còn ngồi bên ngoài mà khóc thôi. Chỉ tội nghiệp Liên và Hương. Giá như con nhà khác thì chúng đã được giao chìa khóa, muốn đi đâu chỉ việc khóa cửa lại, tha hồ mà chơi.

Nam đặt rổ bát xuống hành lang, lại bên cửa sổ.

– Meo, meo… – Nó làm tiếng mèo kêu và bẹo vào mũi bé Liên.

– Anh Nam, mở cửa cho em ra với. Chúng em bị nhốt từ sáng đến giờ rồi – Liên nũng nịu. Nó vẫn bị Nam gọi là Liên Mèo từ năm ngoái.

– Anh chịu thôi. Anh có chìa khóa đâu.

– Hay là anh bắt hộ em con chuồn chuồn đậu trên hành lang kia – Bé Hương, giống Liên như đúc một khuôn, nói.

– Được, để anh bắt cho.

Nam thè lưỡi, nín thở, đưa tay ra, nhưng con vật bé bỏng mà khôn ngoan đã bay sang đậu một chỗ khác cách đó dăm mét.

Chuồn chuồn có cánh thì bay…

Tiếng Hùng Lé nói sau lưng Nam. Có lẽ nó về lúc Nam đang lúi húi rửa bát đĩa.

Hùng nhanh như một con chồn, nó lần theo bức tường, một nháy mắt, con chuồn chuồn đã nằm trong tay nó.

– Cho em, cho em.

Hai cánh tay đưa ra cửa sổ.

Hùng Lé bước lại, đặt con chuồn chuồn đã bị hớt mất một mẩu cánh vào tay bé Liên. Nó nhoẻn cười với hai đứa trẻ đang vui như hội và nhìn qua song cửa, mắt bỗng sáng lên như có một tia nắng chiếu vào. Nhưng tia sáng ấy lại tắt ngấm ngay.

– Về đi.

Nam nói và kéo tay Hùng Lé về nhà bố.

Cửa lớn khép hờ, Nam giật mình, trong nhà có ai đó. Nó định thần lại và nhìn thấy một thanh niên vạm vỡ, râu quai nón phủ kín hai bên má, từ dưới tai kéo xuống tận cằm. Mái tóc anh ta không để dài mà cắt cao, nhưng vì bộ râu, vì đôi lông mày rậm, trông anh ta dữ tợn như đang muốn đánh ai.

– Vào đây em, vào đây!

Nam ngạc nhiên vì nghe thấy tiếng anh thanh niên gọi nó một cách dịu dàng, thân ái nữa. Dưới chân anh ta là một bao tải trong đựng thứ gì đó có vẻ nặng lắm. Phút chốc Nam tưởng như anh ta là một anh thợ hiền lành vừa đi làm về. Mặt anh khó đăm đăm, có lẽ vì anh quá mệt.

– Em cất bát rồi ngồi xuống đây, anh bảo – Anh ta nói tiếp, vẫn với giọng rất dịu dàng.

Hùng Lé khép cửa. Nó ngồi xuống mép giường của bố. Trông nó không được nhanh nhẹn như khi chỉ có hai đứa với nhau. Nam cảm thấy Hùng sợ anh thanh niên lạ mặt này lắm. Anh ta bảo Hùng:

– Hùng, giới thiệu chú với bạn Nam đi!

– Đây là chú ruột tớ – Hùng nói, vẻ miễn cưỡng.

– Thế đấy – Anh thanh niên nói – Vậy là từ đây ta thành chú họ của cháu, Nam ạ. Chú tên là Sáu, làm nghề thợ điện cùng một nhà máy với bố cháu, nghĩa là cái nhà máy trước đây, khi bố cháu vừa học ở nước ngoài về cơ, bây giờ bố cháu chuyển sang nhà máy khác rồi. Nghe Hùng kể chuyện, chú mừng lắm. Vậy là đã năm sáu năm, chú không gặp bố cháu. Còn trước kia thì quấn quýt nhau như hai anh em vậy. Chả chú là cây sáng kiến của nhà máy mà. Còn bố cháu là kĩ sư giỏi.

Có những người bề ngoài rất khó coi, hung dữ nữa là khác, nhưng bên trong thì rất hiền lành. Ở làng Phượng Vĩ có một ông già quắc thước dữ tướng như hùm, nhưng chiều chuộng trẻ con hết mức. Chú Sáu này có thể là một người như vậy chăng?

– Trời ơi, trông cháu giống bố như hai giọt nước vậy. Lại đây chú cho quà.

Anh ta kéo Nam lại, xoa đầu Nam rồi rút trong túi ra một phong kẹo lạc.

– Ăn đi cháu!

Nam cầm phong kẹo, đưa mắt tìm Hùng Lé, nhưng nó đã biến đâu rồi. Hùng đi đâu? Nó cứ nhanh như con chồn, thoắt ẩn, thoắt hiện không biết đâu mà lường được. Anh thanh niên lấy lại phong kẹo, bóc ra, ăn một thanh rồi đưa cả cho Nam. Nam lấy một thanh, ăn ngon lành.

Trong khi Nam ăn kẹo thì anh thanh niên đi lại trong gian phòng, nhìn rất kĩ bức ảnh của bố, những tờ tranh bố treo trên vách, miệng lẩm bẩm: “Chà trông bố cháu thay đổi nhiều quá đi mất. Chắc là công việc vất vả lắm!”. Rồi anh ta ngồi xuống bàn viết của bố, đưa mắt đọc những tờ giấy bố đang viết dở, lật mấy tờ lên, rút ra một quyển vở, giở ra một cách lơ đãng nhưng vẫn có ý tìm tòi một cái gì. Rồi anh đặt xuống:

– Nhà chú ở xa lắm, tận bên Thủy Nguyên cơ. Chú làm ở thành phố nhiều khi hàng tuần mới về. Đi làm về chú thường đến nhà những người bạn thân ở nhờ, nhiều khi ngủ trưa trong nhà máy. Giá mà chú biết bố cháu ở đây thì khéo chú đã đến ở với bố cháu cho vui. Nhưng được rồi, bây giờ bố cháu đi vắng, chú sẽ ở lại với cháu mấy hôm cho cháu đỡ buồn và đỡ sợ. Cháu biết không – anh hạ giọng – ở thành phố không như quê cháu đâu. Trộm cắp nhiều lắm, cháu ở đây một mình chẳng có lợi chút nào.

Nam cảm thấy chú Sáu muốn nói, nói rất nhiều về tình cảm sâu nặng của chú đối với bố. Nhưng sao chú có vẻ tò mò như thế nhỉ? nhà Nam, đã thành thói quen, Nam, bé Việt và cả mẹ nữa, không ai ngồi vào bàn, lục lọi hay tò mò đọc những thứ bố viết như thế. Có lẽ ở nhà chú này thì khác chăng?

– Cháu ăn nữa đi.

– Dạ, đủ rồi ạ! – Nam mở ngăn kéo, cho gói kẹo ăn dở vào.

– Bây giờ, chú tranh thủ ngủ một chút để chiều còn đi làm. Đúng một giờ rưỡi nhớ đánh thức chú dậy nhé. Nếu Hùng về thì bảo rằng chú đã đi, chiều chú về đây, cả mấy chú cháu ăn cơm rồi cùng rửa bát.

Trong khi nói như thế, đôi mắt anh ta không rời Nam cũng như mọi vật trong phòng, đôi mắt thỉnh thoảng lại sáng lên, trông như mắt mèo.

Chờ “người chú họ” thiu thiu ngủ. Nam mở cửa ra ngoài. Nó muốn tìm một chỗ vắng nào đó để suy nghĩ, để bình tĩnh lại, vì quả thật, sự xuất hiện của người chú họ không quen biết này làm Nam thấy rối trí quá. Nó cẩn thận bóp khóa vào rồi bước dọc hành lang.

Nó nhìn thấy Hùng Lé đang đứng bên cửa sổ nhà bác Thịnh nói chuyện và đùa nghịch với hai cô bé sinh đôi. Hai đứa trẻ tỏ vẻ quyến luyến và khâm phục Hùng sau khi được nó bắt hộ con chuồn chuồn. Còn Hùng thì đang lấy giấy gấp cho chúng những đồ chơi vặt như: con chim, cái thuyền, cái quản bút. Thấy Nam, Hùng lúng túng đặt các thứ xuống thành cửa sổ.

– Bố chúng nó sắp về đấy – Hùng Lé nói và kéo Nam đi khỏi cửa sổ.

Nam thấy ghen tị, Hùng như không muốn Nam chơi đùa với hai đứa trẻ. Cả hai cô bé cũng như quên bẵng Nam, rõ là chúng đã bị Hùng lôi cuốn vì những trò chơi thú vị, những con giống bằng giấy.

Đúng một giờ rưỡi chiều, không đợi Nam đánh thức, “người chú họ” bật dậy. Anh ta lấy tay dụi mắt, tự rót nước trắng trong chai của bố uống một cốc đầy, chụp lên đầu cái mũ cối đã tàng, đeo một đôi kính đen to tướng rồi đứng trước gương ngắm nghía. Anh ta chợt thấy râu quai nón tua tủa quanh cằm liền lấy dao cạo (bố vẫn để dao trước gương, trên một tấm kính nhỏ). Cái dao bào ủi đám râu cứng kêu sồn sột nghe ớn cả người.

– Hùng đâu rồi? – Anh ta vừa cạo râu vừa nhìn vào gương hỏi Nam lúc đó đang ngồi trên mép giường phía sau anh ta.

– Đi rồi ạ.

– Tốt.

Cạo râu xong, anh ta đẩy cái bao tải vào tít gầm giường nói:

– Có mấy thứ đồ nghề của chú gửi cháu. Nhớ đừng có nghịch nhé.

– Dạ.

– Tốt.

Rồi anh ta đi ra, không quên khép kín cửa.

Nam lăn ra giường. Mát quá. Cả một đêm không ngủ, rồi bao nhiêu chuyện lại xảy ra từ sáng sớm đến giờ làm đầu óc nó mụ mị đi. Nó không thể bình thản được khi sực nhớ ra rằng đây không phải là làng Phượng Vĩ của nó. Đây là thành phố, có hằng hà sa số người sống chen chúc trong những ngôi nhà san sát như bát úp, trên một khoảng đất chật hẹp. Ở làng, đi ngủ thường ít khi phải đóng cửa. Ban ngày, người ta đi làm đồng, cửa ngõ, đồ đạc cứ bày ra đấy. Bất kì người nào vào nhà đều được mời uống nước, hút thuốc. Ai đói, người làng sẽ mời ăn cơm. Ai nhỡ đường sẽ được nhường chỗ ngủ. Chính các chú công an xóm sau khi xem giấy tờ sẽ sắp xếp chỗ ăn ở cho những người khách lạ ấy. Ai từ biệt làng Phượng Vĩ cũng luyến tiếc, nhớ nhung. Hùng Lé đã nhường bánh cho Nam ăn, sân ga đã chỉ vẽ cho Nam những điều bỡ ngỡ. Hùng đến nhà, Nam phải đối xử với Hùng như bạn bè. Nhưng còn “người chú họ” kia là ai? Mà thôi, nghĩ vớ vẩn như thế để làm gì khi chưa có gì xảy ra cả. Thật thế, có hai người khách đến nhà Nam và giờ họ đã ra đi. Họ chưa làm gì xấu cả, Nam cũng phải ngủ một giấc đây, ngủ bù cho đêm qua và buổi sáng vất vả. Ngủ trong nhà của bố sau khi no bụng thì có gì phải nói nhỉ? Cửa đã khép lại rồi, chỉ còn cài then bên trong nữa thôi.

Nam tỉnh dậy, sau một giấc ngủ dài và say sưa. Thật không còn biết trời đất gì nữa. Mẹ thường nói: “Ngủ say như củ khoai” là vậy đấy. Gian nhà hơi tối, nhưng mát rượi. Nắng trưa không lọt vào chỗ nào được. Nam mở cửa sổ phía hồi nhà. Mọi vật như cùng tỉnh dậy với Nam, những vật quá quen thuộc, vẫn nằm yên ở chỗ cũ, từ ngày nào Nam không còn nhớ nữa. Nam cúi nhìn xuống gầm giường, chiếc bao tải “đồ nghề” của chú râu quai nón vẫn còn đó.

Nam ra cửa lớn, đưa tay kéo cái chốt. Nó đẩy cửa để ra ngoài. Nhưng sao thế này? Một cảm giác lành lạnh chạy từ gáy dọc theo sống lưng nó. Không thể nào mở được cửa. Nó hiếng mắt nhìn qua chút khe hở và hiểu ngay: Cửa đã khóa ở bên ngoài. Ai đã khóa trong khi Nam ngủ? Hay là chú râu quai nón? Không, lúc chú ấy ra đi không nghe thấy tiếng bóp khóa. Thật ngu, lúc đi rửa bát về Nam lấy chìa ở Hùng để mở cửa rồi quên khuấy, cứ để cái khóa và cả chìa lủng lẳng ở đó. Vậy thì có ai đã nghịch ngợm khóa Nam lại, để dạy cho Nam một bài học đây. Chưa chắc. Ở khu tập thể này chẳng ai nghịch ngợm như thế. Nếu thấy Nam quên khóa ngoài cửa, họ sẽ gọi và đưa cho Nam ngay. Vậy thì ai?

Nam nghĩ đến Hùng Lé, đến “người chú họ” râu quai nón và cảm giác lạnh dọc sống lưng càng tăng. Hay là…

Phải, Nam thấy lóe lên trong đầu một dự đoán đáng sợ. Họ muốn mình phải ở trong nhà, không được đi đâu. Hay là trong chiếc bao tải kia có những thứ quý giá và đắt tiền đến mức người ta phải cẩn thận như vậy?

Nam áp tai vào cửa nghe ngóng. Không có gì đáng ngờ. Nó rón rén lại phía giường, chui vào, kéo cái bao tải ra. Cái bao tải nặng quá chừng, phải cố hết sức mới kéo ra được chỗ sáng. Nam mở sợi dây, cho tay vào trong bao. Vòng bi! Một bao tải vòng bi, dễ có đến hàng trăm chiếc. Nam hiểu ngay đây là những chiếc vòng bi đáng ngờ. Không ai giao cho người thợ điện như ông “chú họ” râu quai nón này một số vòng bi nhiều như thế.

Nó từ từ đẩy chiếc bao tải vào chỗ cũ, lại ghế ngồi, suy nghĩ. Có thể chú ấy đưa vòng bi đi chữa cho nhà máy? Có thể chú ấy đi mua về? Nhưng tại sao lại khóa cửa lại? Nam nửa tin nửa ngờ, không biết thế nào là đúng. Bây giờ có lẽ còn một việc cần làm là hô hoán lên cho hàng xóm biết rằng Nam đang bị nhốt. Không, không nên ầm ĩ như vậy trong khi chưa có chuyện gì xảy ra. Có lẽ mình đã dại dột khi đưa Hùng Lé về đây. Bây giờ tốt nhất là cứ nằm ngủ đợi vài tiếng đồng hồ nữa, Hùng Lé hay “người chú họ” sẽ trở lại và lúc đó hẵng hay.

Nó lại nằm xuống giường nhưng không tài nào chợp mắt được. Có tiếng nói chuyện lào xào đâu đây ngoài hành lang. Ngố thật – Nam nghĩ bụng – hồi nãy mình định kêu lên, nhưng kêu thì có ai thưa.

Dọc hành lang chẳng nhà nào có người ở nhà. Còn lũ trẻ thì đều bị nhốt, đứa thì ngủ, đứa thì đang nấu ăn hay chơi với nhau trong nhà. Ai nói chuyện đấy nhỉ? À, có lẽ bé Liên con nhà bác Thịnh. Nam rón nhẹ chân lại phía cửa. Nó áp tai vào tấm ván, cố nghe:

– Anh Hùng ơi, mở cửa cho chúng em ra ngoài chơi với!

– Suỵt, nói khẽ chứ.

– Anh phải mở cho em ra cơ.

– Được rồi, để mở cho. Phải khe khẽ chứ.

Nam nghe những chiếc chìa khóa va vào nhau lách cách. Có lẽ Hùng vẫn chưa mở được cửa. Hùng mở để làm gì? Tốt nhất là mình lên tiếng để Hùng biết rằng mình đã biết nó đang mở cửa:

– Hùng ơi, mở hộ tôi nữa với! Nam cố hét thật to.

Có tiếng lách cách. Cửa mở ra thật và “người chú họ” bước vào như một cơn gió đen rồi đóng áp cửa lại. Anh ta ăn mặc hoàn toàn khác lúc ra đi. Quần áo bộ đội cũ, chân mang dép cao su, đầu vẫn đội cái mũ cối ấy và không đeo kính râm. Trông anh ta không còn dữ tợn như trước nữa. Cả bộ râu quai nón hình như cũng biến mất.

– Chú Sáu! – Nam nói, giọng lạc đi.

– Không chú cháu gì hết!

Anh ta đưa hai cánh tay như hai cái gọng kìm quặp lên vai Nam, ấn nó ngồi xuống chiếc ghế thấp trong góc phòng.

– Ngồi xuống đây và im mồm, nghe không, thằng nhãi!

Hắn dằn từng tiếng khi nói câu đó và trong nháy mắt Nam hiểu ngay việc gì đang xảy ra. Nó cố vùng dậy dưới hai bàn tay như vuốt đang

 

cố ghìm vai nó xuống rồi kêu to:

– Liên ơi, đừng mở cửa…

Một cái tát như trời giáng làm Nam tối tăm mặt mũi. Nó loạng choạng nhổ xuống nền nhà một bãi nước bọt dính máu. Bàn tay phải của “người chú họ” đang dứ dứ trước mặt nó và qua những tia đom đóm trước mặt nhì nhằng Nam nhìn thấy một khẩu súng ngắn, cái nòng đen ngòm.

– Im mồm!

Hắn ấn Nam ngồi xuống, ung dung thả khẩu súng vào túi quần.

Cửa mở. Một người khác, không to lớn bằng “người chú họ”, ăn mặc như những thanh niên Nam vẫn thấy lang thang ngoài đường phố, đẩy Liên và Hương vào nhà. Cả hai đứa đều nước mắt nước mũi đầm đìa, hai má phồng to. Nam nhìn thấy trong mồm chúng cả một đống giẻ to tướng. Có lẽ là những chiếc khăn rửa mặt.

– Bịt mồm thằng này nữa!

Sáu hất hàm và thằng kia lấy ngay cái khăn của bố nhét chặt vào miệng Nam rồi trói mỗi đứa vào một chiếc ghế. Bé Liên và Hương nhìn Nam không chớp mắt. Nam cảm thấy chúng đang trách móc Nam và tim nó se lại vì hối hận. Nhưng không có cách gì nói chuyện với hai cô bé được nữa rồi. Nếu không có cái khăn mặt này thì nhất định Nam sẽ kêu toáng lên rồi ra sao thì ra!

– Cho tất cả sang đây rồi khóa cửa lại như cũ! – Sáu ra lệnh.

Thằng kia đi ra rồi trở lại ngay cùng với đồ đạc nhà bác Thịnh. Đầu tiên là cái quạt Nhật mạ kền sáng loáng, chiếc va li, một túi ni lông không biết chúng đã nhét đầy những thứ gì, một bó nữa, một bó nữa…

– Thằng Xám vẫn canh dưới cầu thang đấy chứ?

– Còn dưới đó, anh Hai à!

 

– Xe đến chưa?

– Dạ rồi. Có mỗi chiếc xe bò thôi, anh Hai.

– Đưa xuống rồi vù thôi. Đến 162 nghe không?

Chúng nó thay nhau mang các thứ chạy sầm sập xuống cầu thang. Nam không thấy Hùng đâu cả. Có lẽ nó đang đứng canh gác ở đâu đó. Khi mớ đồ đạc đã chuyển đi hết rồi, Sáu là người cuối cùng. Hắn có vẻ vui, bóp bóp nhẹ vào miệng Nam và hai cô bé rồi nói:

– Để xem ba cái khóa miệng có chắc không nào? Hắn nhét vào tay mỗi đứa một chiếc kẹo giấy bóng.

– Chịu khó ngồi một chốc, các “cháu yêu” nhé. Rồi bố mẹ sẽ về ngay thôi mà, lúc đó tha hồ mà ca hát.

Nam buông tay cho cái kẹo rơi xuống đất.

Sáu đi ra, đóng cửa nhẹ nhàng, rồi có tiếng khóa lách cách bên ngoài. Nhưng hắn quay lại. Hắn cúi xuống gầm giường lôi cái bao tải ra:

– Suýt thì quên mất món sò huyết – Hắn nói, cho bao tải lên vai, ra khỏi phòng, khóa lại như cũ.

Nam cố vùng vẫy để làm tung sợi dây, nhưng không có cách gì được. Gian phòng tối om, im ắng. Nam đoán thế nào Hương và Liên cũng khóc, nhưng nó không nhìn rõ nét mặt của hai đứa mà cũng chẳng nghe thấy tiếng sụt sịt nào. Hay là chúng nó đã lịm đi vì mệt và sợ? Ngộ nhỡ chúng bị ngất đi thì sao? Biết làm sao bây giờ? Có cách nào tự cởi được sợi dây thì sẽ ổn tất cả. Nhưng sợi dây là sợi dây. Nam đâu biết rằng nó đã bị trói bởi hai bàn tay của Muỗi Vằn. Những cái nút buộc của hắn đã từng nổi tiếng trong đám trộm cắp kiếm ăn quanh bến cảng.

“Tất cả chỉ tại mình hết” – Nam nghĩ – “Bác Thịnh bị mất trộm của cải là do mình đưa Hùng Lé về nhà. Bé Liên và bé Hương bị đánh,

 

bị đày đọa, vì mình, vì mình hết!”. Nam thấy hết sợ, nhưng nó khóc vì hối hận và nhục nhã… Rồi nó lịm đi lúc nào không biết.

Những tiếng kêu khóc om sòm đánh thức cả ba đứa dậy (Hai cô bé không phải bị ngất mà vì sợ đã lịm đi trước Nam). Nam chỉ còn biết cựa quậy để cho Liên và Hương biết rằng mình đang còn ở trong phòng với chúng nó. Gian buồng nhỏ tối như hũ nút vì ngoài trời đã về chiều. Chắc là mọi người đi làm về, đã phát hiện ra vụ trộm. Bước chân chạy thình thịch ngoài hành lang, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng chép miệng của ai đó. Nổi bật nhất trong mọi thứ ồn ào là tiếng kêu khóc của bác Thịnh gái. Nam thấy bác không kêu rên vì mất của mà chỉ vì lo cho hai đứa bé con bác: “Khốn khổ con tôi, tội nghiệp con tôi, chúng đã giết chết con tôi mất rồi! Hu hu…”. Bác Thịnh trai bây giờ đang làm gì? Bác đi trình công an hay ngồi thừ trong gian phòng trống trơn không nói không rằng gì hết? “Trời ơi, khốn khổ con tôi!”… Tiếng bác Thịnh gái lại gào lên, nghe cào xé cả gan ruột. Nam thấy thương bác quá, nó muốn hét to: “Chúng cháu ở trong này cơ mà!” nhưng nó chỉ ú ớ được như người mơ ngủ. Rồi cả Liên và Hương cũng ú ớ. Chắc chúng nó đã nghe thấy tiếng mẹ bên ngoài hành lang, chúng cũng đang hét lên trong miếng giẻ: “Mẹ ơi, chúng con ở trong này cơ mà!”. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng bác Nga: “Tôi đã biết mà, thế nào cũng có chuyện! Chúng còn bắt cả thằng Nam con anh Thành đi nữa kia. Thằng bé cũng biến đâu rồi không biết!”.

Tiếng người mỗi lúc một nhiều. Chắc là người ta đang bâu kín gian phòng bác Thịnh, ùn chật hành lang. Có nhiều người đang đứng ngay trước cánh cửa phòng bố. Nhưng chẳng ai biết trong phòng đang có ba đứa trẻ bị nhốt cả. Nam thấy sợ. Đến ngày bố về, người ta mới tìm thấy chúng thì sao? Không biết một tuần nữa cả ba sẽ trở thành cái gì?

– Này, im lặng hộ một chút xem nào!

Có tiếng đàn ông lạ nói khá to bên kia cánh cửa. Tiếng ầm ĩ có bớt đi, nhưng vẫn rì rầm như ở chợ.

– Nào, dãn ra, dãn ra, tôi nhờ một tí…

 

Tiếng người đàn ông hồi nãy lại nói. Người ta im lặng thật và Nam nghe rõ tiếng ai đó thở vì hồi hộp. Ngu thật! Nam tự trách mình. Sao hồi nãy đến giờ không vật mình cho ngã xuống? Nó làm ngay và dùng hết sức lực kéo cái ghế đổ theo. Mấy cái chai trên bàn lao xuống vỡ toang.

– Đúng là có người bên trong!

– Khéo bọn trộm còn ở trong đó cũng nên.

– Lùi ra, chúng nó có súng đấy!

– Tôi đã bảo mà!

Nam nghe thấy tiếng bác Nga và sau câu nói đó có tiếng guốc đi nhanh xuống cầu thang. Chắc là bác ngại lũ trộm có súng.

– Phá cửa ra thôi!

Người ta nện vào cửa mấy nhát búa và Nam bỗng thấy tối tăm mặt mũi. Ánh sáng ùa vào cùng với mấy người đàn ông. Nó định thần lại. Một chú công an đang cúi xuống cởi trói cho nó.

***

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder