Chú bé có tài mở khóa: Truyện dài của Nguyễn Quang Thân

***

Chú bé ấy cũng như hàng trăm chú bé ta thường gặp trên những con đường đầy bụi của Cẩm-Phả-phố. Tuy là dân Cẩm-Phả-phố, nhưng bố mẹ chú suốt ngày sống trong Cẩm-Phả-mỏ. Sáng sớm tinh sương, xe con gấu hụ còi ở ngã ba, đưa bố mẹ chú vào tầng.

Những tầng than lấp lánh của mỏ Đèo Nai. Hùng ngủ muộn hơn bố mẹ một chút, chú dậy rang cơm nguội ăn hay thừa hưởng nửa cái bánh mì ca ba bố để lại trên mặt bàn, rồi cắp sách đến trường. Trưa về tự nấu lấy cơm ăn. Ăn xong, đi mua rau cho bữa tối. Thời gian còn lại, chú ra đường. Con chim đã đủ lông cánh. Nó bay vào trời xanh. Hùng Lé (hồi đó nó đã có cái tên ấy rồi) lang thang suốt ngày trên đường phố, chỉ với điều kiện là trở về trước khi bố mẹ nó có mặt ở nhà.

Tuy điều kiện rộng rãi như vậy, nhưng không phải bao giờ Hùng Lé cũng thực hiện đầy đủ. Chú còn phải ra cầu tàu thủy để xem ca nô chở hành khách từ Móng Cái, Cô Tô cập bến, đổ lên bờ những người dân đảo, xem những lồ cá người ta khiêng từ thuyền vào cửa hàng thủy sản, có khi may mắn ra, gặp được thuyền câu còn được thấy những con mực to như cái quạt mo, những con bạch tuộc có bộ râu dài trắng muốt. Rồi Hùng còn đi theo bọn bạn nhặt than rơi vãi trên đường hay trên cái dốc mịt mù bụi đen lối vào khu mỏ, đem về nhà hay bán rẻ cho dân phố. Một thúng than ở đây chỉ đổi được hai que kem, nhưng dù sao cũng có kem ăn. Và còn bao nhiêu việc,

bao nhiêu trò bận rộn khác của một chú bé đường phố. Hùng Lé về muộn luôn luôn. Đáng lẽ nó phải thổi chín cơm, thức ăn, dọn cơm ra mâm rồi ngồi ở cửa đợi bố mẹ trở về trên chiếc xe con gấu chạy qua nhà. Nhưng thỉnh thoảng mới có một ngày như vậy. Còn ra… nó chỉ về nhà sau khi bố đã đi nằm và mẹ thì buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn phải chong đèn ngồi đợi nó bên mâm cơm. Một lần, hai lần… Mẹ nó đã gặp cô giáo. Nhưng cô giáo thì làm sao có thì giờ để theo dõi học trò của cô ở nhà. Chị phụ trách thiếu niên khu tập thể công nhân mỏ năm lần bảy lượt tìm Hùng, gọi nó đi họp Đội cùng với các bạn khác, nhưng Hùng chỉ đến một hai lần rồi sau đó, nó quên hẳn lối đi về cái hội trường mái phủ một lớp bụi than nằm ở đầu dốc núi ấy. Bạn bè, trò nghịch ngợm trên đường phố, những que kem… tất cả đều hấp dẫn lạ thường.

Bố Hùng lái xe Benla. Mỗi ngày bố chở từ các tầng than ra hai mươi hai chuyến than đen, mỗi chuyến bốn mươi tấn tròn. Bố ngồi trong ca bin chiếc xe, dưới người bố là 400 sức ngựa đang gầm thét, đang kêu gào. Trời nóng như đổ lửa. Mở cửa ca bin thì bụi than bay vào đầy mắt, đầy mũi. Đóng lại thì chẳng khác gì ngồi trong lò than. Tối về, bố tắm giặt qua loa, ăn cơm, uống một chén rượu nhỏ rồi đi ngủ, sáng mai còn lên tầng sớm. Đã nhiều lần, trong cơn ngủ chập chờn, bố Hùng nghe vợ nói với đứa con trai: “Con mà không đổi tính đổi nết, chịu khó học hành thì mẹ phải mách với bố, rồi bố mày làm sao thì làm, mẹ không biết đâu!”.

Hùng nghĩ, thực ra Hùng chưa làm điều gì hư hỏng, Hùng về nhà muộn là có nguyên do. Chẳng hạn, chiều nay mà không đưa thằng Phòng, bạn thân nhất của Hùng, về đến tận nhà thì lũ cơ khí sẽ ăn thịt nó mất. Và hình như lần về chậm nào Hùng cũng có nguyên do “chính đáng” như thế. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong phố, người ta đã thì thầm rằng, thằng Hùng con ông Lư lái Benla thường dẫn đầu một hội mất dạy sục sạo trong mấy dãy phố vào những buổi người lớn các nhà lên mỏ đi làm vắng. Một số nhà bắt đầu bị mất cắp quần áo phơi ở sân sau, hay gà quê nuôi trong chuồng. Bắt đầu có những tiếng chửi đổng đầy hàm ý mà Hùng không hiểu, nhưng mẹ nó, rồi bố nó thì thừa biết rằng người ta đang nói gì, nói đến ai. Và một hôm, khi Hùng còn lang thang trên phố với

mấy đứa bạn, mẹ còn chong đèn đợi nó về ăn cơm, bố đang ngả lưng một chút trên tấm phản ở góc nhà, thì có một người đàn bà lạ mặt ở đâu tận cuối thị xã quẳng vào thềm một con gà trống và chửi bới té tát. Bà ta cam đoan rằng chính là lũ trẻ nhà hàng xóm mách bà: Cậu Hùng, cậu quý tử của nhà này, đã xua con gà trống giống vàng giống ngọc của bà xuống cống nước cho nó chết ngạt. Bố Hùng thấy máu sôi trong người. Ông hầm hầm ngồi nhìn ra đường, chỉ mong thấy mặt thằng con trai. Hùng về nhà, tưởng như mọi hôm, bố đã đi nằm, nhưng vừa bước lên thềm, nó bỗng thấy một bàn tay rắn như thép chộp lấy ngực. Rồi một trận đòn tối tăm mặt mũi. Hùng nhổ xuống thềm một bãi máu. Nó cũng chẳng kịp thanh minh rằng nó hoàn toàn không biết gì về chuyện con gà nọ.

Đó là trận đòn đầu tiên trong đời Hùng. Đó cũng là lần đầu tiên nó cảm thấy ghét bố. Bởi vì Hùng vẫn cho rằng mình vô tội.

Cái gì rồi cũng quen được. Ông bố vốn ít nói, hơi cục cằn trở nên lầm lì đến dễ sợ và càng ít nói, càng cục cằn hơn. Những trận đòn cũng lặp đi lặp lại thường xuyên hơn và đối với Hùng, những trận đòn ấy chẳng có nghĩa lý gì khác là làm nó căm ghét bố nó hơn.

Rồi một hôm, Hùng phạm tội thực sự, nó tham gia vào một cuộc ẩu đả giữa bọn nó và lũ cơ khí. Mấy chú bé bị dẫn vào đồn công an đến mười giờ đêm hôm đó mới được thả ra.

Hùng nhớ lại trận đòn và đêm hôm đó nó không về. Nó lang thang hai ngày ở bến ca nô, nó nghĩ rằng sẽ ra đảo, sẽ xin vào một đoàn thuyền đánh cá, sẽ… sẽ… Nhưng nó đã gặp Sáu Xồm với chiếc thuyền đi biển mang đăng kí TX 162. Cuộc đời nó rẽ sang một bước ngoặt mà chính nó cũng không hề nghĩ tới. Bước ngoặt ấy xảy ra cách đây đã hai năm.

Hai năm, thời gian khá đủ để Sáu Xồm có thể biến một đứa trẻ vốn phóng túng, tự do, thành một đứa ăn cắp – cây mở khóa có hạng.

***

– Như tao thì tao không ra bến tàu – Nam nói – Tao sẽ vào khu mỏ.

– Nhưng lúc ấy tao chỉ muốn làm sao thoát khỏi bố tao, muốn đi thật xa – Im lặng một tí, Hùng buồn rầu nói tiếp – Mà mày tưởng làm thợ mỏ thì sướng lắm à? Đến lúc tao thành thợ khóa thì tao chán. Một lần người ta vớ được tao lúc tao đang tra chìa vào ổ, họ đưa tao về đồn nhưng nửa đường tao tháo được. Lần khác thì chính Sáu Xồm đánh tao. Hắn bảo tao mở khóa nhà một người. Tao thấy ông bà chủ cũng là thợ lam lũ giống bố mẹ tao. Tao làm tắc khóa, nó bị một mẻ hú vía. Tao cũng đã bỏ trốn một lần. Tao nghĩ rằng cuối cùng mình là thằng dại. Sáu Xồm nó dùng tao vào những việc nguy hiểm nhất vì tao là trẻ con. Nhưng tao chỉ là đứa làm thuê cho chúng nó. Vả lại, tao cũng chán cảnh mèo hoang. Mọi người làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối, còn lũ chúng tao thì chỉ sống bằng mồ hôi nước mắt của người ta. Sáu Xồm bảo lũ chúng mình sướng như quan. Nhưng tao trốn không thành. Sáu Xồm cáo già quá. Nó đọc được ý nghĩ của người khác. Muỗi Vằn lấy còng khóa chân tao một tuần liền. Chính trong tuần lễ đó tao đã tìm cách mở được khóa, chúng nó rời thuyền là tao mở ngay cái còng dưới chân, chúng về, tao tự khóa lại.

– Tại sao lúc đó mày không trốn?

– Không trốn được. Tao sợ. Nó bắt được lần nữa thì nó giết.

– Còn lần này, sao mày gan thế?

– Vì mày đấy nhóc ạ. Tao thấy hối hận vì đã lừa mày, mày dại dột tin vào tao. Đáng lẽ hôm ấy mày đừng dẫn tao về nhà mới phải.

– Nếu thế thì hôm nay mày vẫn là thằng Hùng – vạn – năng trong hội Sáu Xồm.

– Cũng không phải như thế. Mấy hôm nay tao mới biết được là bọn Sáu Xồm định trốn ra nước ngoài. Chúng đang rủ rê, tìm người và liên tục đánh quả để lấy vốn mà đi. Vụ nhà hàng xóm mày rồi vụ móc nối với hội trên sông cũng là để có tiền cho chuyến đi ấy. Tao thì không thể đi theo chúng được. Đi với chúng nó sang Hồng Kông, rồi phiêu bạt giang hồ là không bao giờ tao còn nhìn thấy bố tao, mẹ tao nữa. Bây giờ tao mới nghĩ ra điều này: Trước đây tao oán bố tao

là không đúng mày ạ. Bố tao đánh tao như đòn thù vì bố tao vất vả mà tao thì hư quá chứ đâu phải thù ghét gì tao. Mày không biết thợ mỏ khổ như thế nào đâu. Đen thủi đen thui như khúc gỗ cháy, làm quần quật suốt ngày. Còn mẹ tao thì tội nghiệp quá, mẹ tao già đi vì thương nhớ tao, bà ốm mấy trận, bây giờ không đi làm mỏ được nữa, bà giữ trẻ. Một lần cùng Sáu Xồm ra đánh quả ở Hòn Gai, tao lần về nhà. Tao lẻn vào, ngồi lặng đi một lúc lâu ở góc nhà, nhìn bố tao ngủ, ngáy như sấm. Còn mẹ tao thì nói mê, gọi mãi tên tao. Tao buột miệng nói: “Mẹ ơi!”. Mẹ tao ngồi dậy, tưởng là ma, bà hét lên một tiếng lớn. Tao ù té ra ngoài, đi mất. Tao theo Sáu Xồm thế cũng là quá lắm rồi. Giá hồi đó nó không lừa tao là nó ra đảo đánh cá cho hợp tác xã thì tao đã không theo nó. Bây giờ nó định trốn ra nước ngoài, nó cho tao đi, nhưng tao thiết gì.

Nam nhìn Hùng Lé, nó thấy tự tin hơn vì đã hiểu ra những điều tưởng là khó hiểu. Vả lại, khi nó tin vào người nào, nó thấy an tâm và sung sướng hơn là nghi ngờ họ. Đằng sau Hùng xuất hiện một chiếc thuyền buồm, chiếc thuyền như từ dưới nước chui lên, hai cánh buồm no gió đứng kéo chiếc thuyền đến sát xuồng chúng nó. Nam kêu lên:

– Thuyền, Hùng ơi!

Hùng quay lưng lại, nó nói bình thản:

– Của công an vũ trang đấy. Tao nói có sai đâu – Nó nói nhanh – Tao yêu cầu mày một điều, mày có đồng ý không?

– Mày nói đi.

– Vào đồn biên phòng mày đừng nói gì về tao cả. Mày nói rằng chúng mình lấy xuồng đi chơi rồi bị sóng kéo đi. Nhưng mày hãy nói ngay với họ về Sáu Xồm. Mày bảo họ chở chúng mình về đồn công an cảng, báo tin cho các chú ấy về vụ đánh quả tối nay của Sáu Xồm. Thế thôi.

– Tao sẽ còn kể cho các chú ấy nghe về mày nữa…

– Đừng! Chuyện kia cần hơn. Còn tao, không đáng nói.

***

Trước đồn công an cảng, Hùng Lé bảo Nam:

– Mày vào với chú ấy đi, tao đợi ngoài này.

Chú đồn trưởng đồn biên phòng dẫn Nam vào. Không ngờ Nam đã thấy chú Miên đang ngồi nói chuyện với ai đó ở phòng bên cạnh. Nam đứng lên, gọi to.

– Chú Miên! Cháu đây mà!

Chú Miên chạy vụt sang. Chú ôm chầm lấy Nam ngạc nhiên vì thấy nó chỉ còn mỗi cái quần đùi và chiếc áo ngắn tay cũn cỡn trên người. Nam nói nhanh với chú:

– 162 không phải là số nhà. Đó là số thuyền, chú ạ. Chú Miên cười, vỗ vai nó:

– Chú biết rồi. Cháu yên tâm, các chú đã dắt 162 và mấy ông chủ thuyền về chỗ ở mới. Chỉ thiếu mất Hùng Lé thôi, tiếc thật!

– Thế à? Làm sao các chú tóm được chúng sớm thế?

– Cháu tưởng rằng chỉ mình chú cháu ta săn lùng bọn trộm cướp thôi à? Chú và cháu chỉ là cái mắt lưới trong tấm lưới thôi cháu ạ. Hùng Lé sổng mất có lẽ vì mắt lưới nào đó còn thưa quá. Nó nhỏ người quá mà!

Nam vui vẻ:

– Hùng Lé còn đợi cháu ngoài cổng đồn đấy, chú này!

– Vậy à?

Chú Miên kéo Nam ra cổng. Nhưng ngoài cổng chẳng còn ai. Hùng Lé đã biến mất. Hai tiếng đồng hồ sau thì chú Miên và cả Nam nữa

đều tin rằng Hùng Lé quả thật không muốn đợi hai chú cháu.

Hùng đi đâu? Chú Miên bảo Nam:

– Mới có hai ngày mà trông cháu chẳng còn chút gì là cậu bé nhà quê nữa. Cháu lớn lên nhiều quá.

– Cháu vẫn dại, chú ạ. Đáng lẽ cháu phải kéo Hùng cùng vào đồn một thể mới đúng.

Nó sực nhớ là Hùng cầm hộ nó con búp bê của bé Liên. Tự nhiên nó thấy mủi lòng. Không biết Hùng có về nhà thật không? Nếu nó về, bố nó còn đánh nó nữa không? Hay là nó lại trở về với những con đường đầy bụi?

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder