Chú bé có tài mở khóa: Truyện dài của Nguyễn Quang Thân

Phần thứ nhất

Nam đưa trả mẹ tiền tàu , tiền ăn quà mẹ cho và nói:

– Mẹ ơi, con không đi thăm bố nữa đâu.

– Sao thế con? Hay là con tôi ốm rồi?

– Không phải, mẹ ạ. Con đi vắng lâu, ở nhà ai nấu cơm cho mẹ. Với lại còn con thỏ đen, ai cắt cỏ, tìm lá cho nó?

Mẹ vuốt tóc Nam:

– Con tôi ngoan quá. Nhưng con không phải lo. Mẹ sẽ nuôi hộ thỏ. Con cứ đi chơi với bố nửa tháng rồi về ôn hè cũng vừa. Đây là quà thưởng của bố mẹ cho con. Năm vừa rồi con là học sinh tiên tiến của lớp 5A1 mà.

Nam rơm rớm nước mắt, thầm cảm ơn mẹ rồi ra tàu đêm, về thành phố cảng thăm bố.

Dạo này tàu khách rút bớt chuyến để dành đường cho tàu chở hàng từ cảng về Thủ đô. Ngồi ở sân ga, Nam đợi mãi. Nhưng chỉ có những chuyến tàu hàng dài dằng dặc vút qua, bánh tàu dập ình ình trên đường sắt, vang động cả một khu ga mênh mông. Thùng sắt lớn bằng cả một gian nhà, xếp thành hàng trên những dãy toa trần. Sắt thép từng bó, máy cày đỏ chóe dưới nắng chiều. Lại một chuyến tàu nữa qua. Bông trắng từng kiện lè ra cửa sổ. Đoàn tàu hàng nào cũng dài, cũng nặng và bánh xe nghiến ầm ĩ trên đường sắt. Bao nhiêu hành khách đợi tàu, kẻ ngồi, người đứng, ai cũng sốt ruột. Cuối cùng, nhà ga thông báo: Chuyến tàu khách từ Hà Nội về sẽ rời sân ga xuống thành phố cảng vào mười giờ đêm.

Mười giờ tàu chạy. Nam lên một toa đen, có ghế dài, ngồi thu mình bên cạnh mấy chú bộ đội trẻ và nghịch. Mẹ bảo rằng, đi tàu, đi xe cứ ngồi cạnh các chú bộ đội là yên trí nhất. Ai bắt nạt thì các chú ấy bênh vực. Lên tàu, xuống xe, các chú ấy thường giúp đỡ người già và trẻ con. Chẳng ai bắt nạt Nam, Nam cũng có thể tự mình lên xuống tàu. Nhưng Nam thích ngồi gần mấy chú là vì những khẩu súng còn mới, mới từ quai đến báng, đến nòng làm Nam mê mẩn.

Hai giờ sáng, tàu đến ga Hải Phòng. Nam thấy tiếc, giá tàu cứ chạy mãi để Nam được ngồi gần mấy chú bộ đội. Nhưng phút chia tay đã đến rồi, các chú đưa Nam ra cửa soát vé, rồi sân ga. Các chú đi công tác ra đảo, phải ra bến Bính đợi tàu thủy đi Cát Bà. Đồng chí chỉ huy thấy mấy chú còn bịn rịn bên Nam liền nói:

– Chuẩn bị, thành hàng!

Chỉ đến khi đó tiểu đội lính mới dứt ra được khỏi Nam. Một chú lính vui tính bẹo tai Nam, nhoẻn cười:

– Chào cậu cả. Nếu đường tối thì ở lại sân ga, sáng hãy về nhé.

– Vâng ạ! – Nam trả lời, cố làm ra giọng đàng hoàng.

Đã hai giờ sáng, tất nhiên là Nam chẳng về nhà làm gì, vừa làm bố mất ngủ, vừa sợ đường tối. Nam ngồi lại sân ga, dưới cái cột đèn cao áp giữa sân. Chú chỉ huy đưa tiểu đội lính đi. Nam nhìn theo và nghĩ lớn lên mình cũng sẽ như các chú ấy. Bây giờ thì hẵng ngồi lại đây đợi trời sáng.

Đêm trên sân ga cũng vui như trên tàu. Nam ngắm nhìn tất cả mọi người, mọi hoạt động, ngắm cả những người ngủ gà ngủ gật dưới mái hiên đợi chuyến tàu sáng. Tàu hỏa, sân ga, thành phố… từ lâu là những thứ gợi lên trong lòng Nam những cảm giác thèm thuồng…

Nam bỗng thấy bố mặc một bộ quần áo tây rất đẹp, chân đi giày đen, tươi cười bước lại gần Nam và nói:

– Con ở nhà quê ra bao giờ vậy?

Đúng là bố rồi, bố hay dùng tiếng “nhà quê” để chỉ làng Phượng Vĩ xinh đẹp và vui tươi của Nam. Cộp! Đầu Nam đập vào một vật cứng. Nam mở mắt ra. Thôi chết rồi, mình vừa ngủ gật và bố chỉ là một giấc mơ ngắn. Một bàn tay mềm mềm vỗ lên vai Nam.

– Chú mình ngủ gật mà say nhỉ?

Nam dụi mắt. Một cậu bé hơn Nam khoảng hai, ba tuổi (nghĩa là độ mười bốn, mười lăm là cùng), đầu tóc cắt vừa phải, mặc chiếc áo sơ mi có túi, có cầu vai, ngắn tay, đang cho hai ngón tay cái chọc vào dưới thắt lưng, nghiêng đầu nhìn Nam miệng huýt sáo khe khẽ.

– Em vừa trên tàu xuống – Nam lúng túng, muốn nói một câu gì đó để làm quen.

Gương mặt của cậu bé kia rất khôi ngô, lanh lợi, đẹp như một cô gái.

Cậu bé nhìn nghiêng xuống phía chân Nam và đến lúc này Nam mới thấy rằng cậu ta hơi hơi lé. Hơi lé một chút thôi, nhưng cũng gọi là lé.

Cậu ta ngừng huýt sáo:

– Này, lần sau thì đừng vội gì mà khai nhé. Có phải cái còi đâu mà chưa thổi đã kêu. Chú mình đói hẳn?

Quả thật, Nam đã thấy đói. Nhưng Nam trả lời:

– Em không đói.

– Nói dối rồi. Trông chú mình vã mồ hôi thế kia. Này, ngốn đi. Bánh còn nóng giòn đây.

Cậu ta đưa cho Nam nửa cái bánh mì. Còn nửa kia, cho vào miệng nhai. Trông ngon quá. Thật khó mà từ chối lòng tốt của cậu ta được. Vả lại, bánh mì… Bánh mì thì ở thành phố mới có thôi, thứ bánh

vừa nóng vừa giòn ấy. Còn ở làng Phượng Vĩ người ta bán những que củi chứ không phải là bánh nữa. Nó vừa lạnh vừa khô không khốc. Nam cầm nửa cái bánh nhỏ, cũng cho vào mồm, nhai không kém ngon lành.

Chú nhãi vừa ăn vừa ngắm Nam. Cứ cắn một miếng bánh chú lại hát:

Bé bé bằng gang

Cắn một miếng nữa rồi lại hát:

Đôi má vàng vàng

Một miếng nữa:

Bé đi câu cá

Một miếng nữa:

Cá câu cua càng

– Này – Cậu ta nói – Chú mình đi đâu đó? Nam im lặng. Nam không phải là cái còi.

– Tớ hỏi, chú mình đi đâu đó? Bây giờ tớ hỏi nghĩa là chú mình phải trả lời, nghe không? Có phải hội đuôi không?

Hội đuôi là hội gì nhỉ? Nam chẳng biết trả lời thế nào.

– Em ở quê nhà lên thăm bố. Em sợ, sáng mới về nhà.

– Vậy hả? Thế chú mình tên là gì?

– Em tên là Nam.

– Nam gì mới được chứ? Như anh đây tên là Hùng. Nhưng là Hùng Lé. Như thế mới gọi là tên chứ.

– Em con bố Thành. Chúng nó gọi em là Nam Thành để khỏi nhầ̀m với Nam con bà Linh, gọi là Nam Linh.

– Nam Thành, quỷnh lắm. Không ra sao cả. Cứ gọi là Nam Quỷnh cho rồi. Như thế oai hơn, rõ chưa?

Nam im lặng. Ai muốn gọi Nam thế nào thì gọi.

– Bây giờ ăn bánh rồi, chú ngồi đây, ngồi đúng chỗ này. Tí nữa anh nhờ chú mày tí việc.

Hùng Lé huýt sáo, bỏ đi. Bóng nó khuất vào đám người lố nhố trên sân ga.

Nam ngồi chờ. Chờ mãi, nhưng không thấy Hùng Lé trở lại nữa.

Thế mà trời đã sáng hẳn rồi. Nam chờ một lúc nữa.

Hùng Lé vẫn không trở lại, Nam đứng dậy, vươn vai, đi ra cổng, bước vào đường phố còn ngái ngủ.

Đường phố sạch sẽ hơn đường trong làng, nhưng lại khó nhận ra vì quá nhiều ngã ba, ngã tư. Nam đã đến nhà bố nhiều lần, vậy mà phải lạc mất hai bận mới tìm được đường phố quen thuộc. Chả là vì có một dãy xe cần cẩu mới tinh vừa đưa từ cảng lên che khuất mất lối vào. Nam đi qua mà không nhận ra. Nhưng rồi nó vẫn nhìn thấy ngôi nhà ba tầng đằng sau một dãy tường chạy dọc theo đường phố. Nó vào sân, bước lên cầu thang giữa, đi dọc một đoạn theo hành lang gác hai và đứng trước phòng của bố. Đúng là phòng của bố rồi. Trước cửa có một cái chậu rửa mặt cũ đổ đầy đất. Trong chậu trồng một cây đinh lăng bố mang từ vườn nhà lên. Còn cái cửa sổ thì không nhầm đi đâu được. Thành cửa có một vết dao như cái sẹo. Dạo Nam bảy tuổi, lên chơi với bố, Nam kề miếng gỗ vào thành cửa sổ đẽo cái súng diêm. Lưỡi dao chém nhầm vào thanh gỗ ngang phía dưới.

Nhưng cửa đã khóa chặt. Trên ván cửa, một hàng chữ phấn viết vội: “Thành đi nghỉ mát, 25 tháng 6 mới về”. Nam muốn khóc òa lên một tiếng thật to. Thế là không còn hi vọng gặp được bố. Bây giờ

biết làm thế nào đây? May mà Hùng Lé cho nửa chiếc bánh mì không thì đói rã tay chân. Cái khóa bi còn mới như nói với Nam: Xin lỗi bạn, bạn hãy đứng bên ngoài!

Nam quay người, xuống thang gác. Bây giờ chỉ còn mỗi việc là ra ga, mua vé rồi lên chuyến tàu chợ sẽ chạy vào quãng bốn giờ chiều nay để về nhà. Nhưng lấy tiền đâu mua vé nữa? Mẹ cho Nam đủ tiền tàu, xuống thành phố đã có bố lo cho ăn uống, lúc về thì bố mua vé tàu hay gửi Nam theo xe cơ quan về tận làng, còn lo gì nữa. Hai mẹ con đã không tính được chuyện bất trắc này. Số tiền còn lại trong túi chỉ vừa đủ mua một cái bánh mì thôi. Nam dừng lại góc đường mua bánh, nhưng chưa ăn vội mà cho vào túi. Thôi, cứ ra ga hẵng hay. Người ta nói nếu không có tiền mua vé thì có thể chen vào, lên tàu rồi tìm cách trốn khi người ta soát vé. Cách ấy gọi là lậu vé. Nam thì chịu, Nam không hề làm những chuyện như thế bao giờ.

Chỉ còn một hi vọng thế này nữa thôi. Ra ga, ngồi chờ và nếu như gặp một người quen nào đó cùng làng, nhất là một người bà con thì… Nam có thể vay tạm một ít tiền mua vé. Hay là… quay lại cơ quan bố? Ngượng chết đi được. Hay là hỏi vay tiền tàu của bác Nga, bà hàng xóm của bố? Bác ấy sẽ nghĩ như thế nào? Đúng rồi, thằng lỏi con chắc là bị mẹ đánh, bỏ quê nhà trốn lên với bố đây. Vào đây, vào đây… Và thế là bác ấy căn dặn, giảng giải… phải thế này nên thế kia, không thể như thế được…

Vừa nghĩ đến đó, chân đã bước tới sân ga. Nam ngồi xuống bậc thềm nhà đợi, rút chiếc bánh, nhấ́m nháp từng miếng nhỏ, lòng buồn như chấu cắn.

Là dân ở sân ga, mọi việc xảy ra trong khu đất lắm người và hàng hóa này đều không qua khỏi mắt Hùng Lé. Nó chỉ như một chiếc lá trong đám lá, một hạt thóc trong đống thóc, nhưng nó khác mọi người ở chỗ này, trong khi người ta không hề để ý gì đến nó thì nó lại để ý đến tất cả mọi người. Vì vậy, Nam Quỷnh vừa trở lại sân ga, Hùng Lé nhìn thấy ngay. Từ xa, dựa vào một gốc cây bàng nhỏ, Hùng lặng lẽ quan sát thằng bé nhà quê mất hút từ sáng sớm nay. Hồi sáng, nó định nhờ thằng bé làm một việc nhỏ, nhưng rồi không cần nữa. Thằng bé đã trở về kia rồi, đang ngồi nhai bánh ngon lành.

Hùng thủng thẳng bước tới.

– Trở lại hả? Sao chú mình không đến chỗ bố? Hay là nói dối đấy?

Nam mừng lắm. Dẫu sao cũng gọi là gặp người quen trong cảnh bơ vơ này. May ra Hùng Lé có thể giúp Nam việc gì chăng?

– Em đến nhà bố, nhưng bố đi vắng, không vào được.

– Vậy hả? Bố chú mình đi những đâu?

– Bố đi nghỉ mát, một tuần nữa mới về.

Hùng Lé nghiêng đầu bên này, rồi bên kia, hai ngón tay bật vào nhau tanh tách. Nó huýt một tiếng sáo miệng rồi hát:

Bố đi mất đâu

Bố đi lối nào

Ngồi khóc, ngồi khóc

Nhóc ơi là nhóc

Giờ biết tính sao?

Bây giờ chú mình định thế nào hả?

– Em đợi tàu về quê đây – Nam nói. Hùng Lé vỗ vai nó:

– Quỷnh ơi là Quỷnh! Sao chú mình ngốc thế hả? Cứ vào nhà bố mà ngủ, nấu cơm, nấu mì ăn rồi rong chơi mấy ngày cho biết phố xá thì đã sao? Về quê làm gì? Chăn trâu à? Chăn trâu sao vui bằng bát phố hả?

– Nhưng em không có chìa khóa! Em không vào nhà được.

– Quỷnh ơi là Quỷnh! Đi theo tao, tao mở cho mà vào – Hùng Lé kéo vai áo Nam, lôi nó đứng dậy.

– Anh có chìa khóa đâu mà mở? Bố em cầm chìa cơ mà?

– Bố chú mình gửi chìa khóa cho tao. Nhiều nhà trong phố đi đâu vắng đều gửi chìa khóa cho tao. Rồi chú mình sẽ biết, tao mở cho mà xem – Nó hạ giọng – Nhưng hàng xóm có ai hỏi thì bảo rằng bố chú mình đưa chìa khóa nhé. Còn tao là anh họ, anh họ nhớ chưa? Tao tên là Hùng. Tao là anh họ chú mình đấy.

Nam không còn đủ thì giờ để suy nghĩ nữa. Hùng Lé xốc nách nó bước ra cổng ga. Nam đi cạnh Hùng như một đôi bạn thân, về nhà của bố. “Phải đấy, ta sẽ quét dọn, lau chùi bàn ghế, đồ đạc cho bố. Bố về chắc là sẽ ngạc nhiên lắm…” – Nam nghĩ.

Bác Nga là người hàng xóm hay tò mò của bố Nam. Chẳng những hay tò mò mà bác còn thích tham gia vào chuyện người khác. Bác là nhân viên kế toán của cơ quan nọ, bây giờ bác về mất sức, gọi là về “một cục”, thường làm nghề đan len để kiếm thêm tiền. Bác gặp Hùng và Nam ở cầu thang, gần phòng của bố.

– Chào bác ạ! – Không tránh được bác, Nam chào vui vẻ.

– Thằng Nam! Cháu lên bao giờ? Bố đi nghỉ mát rồi, cháu vào nhà thế nào được.

Nam lí nhí đáp:

– Bố cháu đưa chìa khóa cho cháu, cháu sẽ ở đây rồi đợi bố cháu về.

– Vậy hả? Nhưng phải cẩn thận đấy, đi đâu là phải khóa kĩ, nghe chưa?

– Vâng ạ!

Lần đầu tiên Nam nói dối. Nó thấy tai nóng dừ lên vì xấu hổ.

– Cậu nào đây? – Bác Nga tò mò.

– Cháu là Hùng, anh họ Nam ạ – Hùng lễ phép nói.

– Anh họ cháu – Nam ngập ngừng.

– Ở quê ra hả? Cẩn thận nhé, đi đâu là phải khóa cửa ngay. Thôi, bác đi chợ đã.

Hai anh em không gặp ai trong cầu thang và hành lang nữa. Mọi người đều đi làm. Ở các gian nhà khác người ta khóa cửa, nhốt trẻ con ở trong.

Hùng Lé nhìn ổ khóa. Nó bật ngón tay cái tách:

– Vừng ơi, mở cửa. Vừng ơi… mày biết chuyện ấy không hả Nam? Truyện Alibaba ấy mà? Vừng ơi, mở cửa… thế là cái cửa hang bằng đá mở ra cho bọn cướp vào.

Nó vừa huýt sáo vừa rút trong túi ra một chùm chìa khóa. Nam chưa bao giờ nhìn thấy một chùm chìa khóa như vậy, hình như ở đấy có mọi loại chìa khóa trên đời. Hùng lúi húi một chốc bên cái ổ khóa và… một tiếng tách nhỏ, cái khóa bật ra. Cửa mở. Một mùi ẩm mốc mát lạnh. Nam khoan khoái bước vào nhà bố – nhà của mình.

– Tao còn là Hùng-vạn-năng nữa kia đấy, chú mình ạ. Nhưng tao thích cái tên Hùng Lé hơn. Hùng Lé, oai hơn phải không chú mình? Chà, nhà bố chú mình mát quá. Nhưng bố chú mình nghèo thật đấy. Trong nhà chẳng có cóc khô gì cả!

Nam chẳng hề để ý xem bố giàu hay nghèo. Nó hồi hộp nhìn thùng đựng gạo của bố. Nó mở nắp thùng ra. May quá, còn những nửa thùng. Rồi nó nhấc chiếc bếp dầu dưới nhà lên. Dầu sóng sánh ra tay nó. Vậy là tuyệt rồi.

– Em nấu cơm, anh Hùng nhé!

– Phải đấy, nấu cơm mà ăn. Còn tao không ăn đâu. Tao ăn quán quen rồi. Cũng có nhiều lúc đói như mẻ, nhưng bây giờ thì no căng, no như quả bóng thế này này. Chà, nhà bố chú mình nghèo quá, chẳng có cái cóc khô gì cả. Nhưng được cái mát thật, tao chợp mắt tí đây.

Nam đã nấu cơm xong. Không có tiền mua rau, nhưng trong chạn bố còn tôm rảo kho đường. Bát đũa thì có sẵn. Mỗi lần lên thành phố thăm bố, thế nào mẹ cũng mang theo một bó đũa, mẹ ngồi vót đũa những lúc rỗi rãi, những đôi đũa mẹ vót bằng gốc tre đực, bóng như đũa mun. Mẹ vẫn thường nói: “Tội nghiệp bố, nấu ăn lủi thủi một mình!”. Mẹ biết rằng bố còn bận công tác, bố không thể chuyển về quê nhà làm việc được. Bởi vì bố là kĩ sư đóng tàu thủy, bố về xã làm gì?

Nghe nói nhà máy đóng tàu của bố rộng mênh mông, bố và các chú công nhân đang đóng những con tàu hàng ngàn tấn.

– Anh Hùng ơi, dậy ăn cơm đi! Hùng Lé bật dậy, hốt hoảng:

– Chết rồi! Tao ngủ đã lâu chưa hả chú mình? Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?

– Chưa đến mười một giờ đâu – Nam nói.

– Thôi được, không sao – Hùng nhìn nồi cơm, đĩa tôm kho đường – Mày nấu cơm gạo quê à? Thơm điếc cả mũi. Ngon đấy, sáng nay tao ăn hết một xỉa mà bây giờ đã đói rồi.

– Một xỉa là gì hả anh?

– Là mười đồng ấy mà. Rồi mày cũng biết những thứ đó ngay thôi. Nhưng mày ăn cơm đi chứ!

– Cả anh ăn nữa.

– Không, tao chỉ ăn một con tôm thôi. Tao phải đi ra ga đây. Chậm chút nữa là Râu Xồm nó luộc tao chín như khoai ấy.

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder