
Cứ tưởng nói thế thì các con sẽ sớm mua vé máy bay cho bố về ngoài Bắc. Ai dè chúng cứ đủng đỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra. Chẳng những thế, mấy hôm sau hai vợ chồng thuê xe ô tô 7 chỗ đưa ông ngoại cùng cả gia đình đi thăm thú khắp thành phố Đà Lạt, thành phố mà người ta bảo đẹp và có khí hậu tuyệt vời nhất nhì hành tinh này…
Cứ tưởng nói thế thì các con sẽ sớm mua vé máy bay cho bố về ngoài Bắc. Ai dè chúng cứ đủng đỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra. Chẳng những thế, mấy hôm sau hai vợ chồng thuê xe ô tô 7 chỗ đưa ông ngoại cùng cả gia đình đi thăm thú khắp thành phố Đà Lạt, thành phố mà người ta bảo đẹp và có khí hậu tuyệt vời nhất nhì hành tinh này.
Nói ra kể cũng xấu hổ, không khéo thiên hạ chả thông cảm lại cười vào mặt, lại bảo là hâm, bỗng dưng đi vạch áo cho người xem có bao nhiêu chiếc xương sườn. Nhưng không nói ra, tôi thấy nó cứ bứt dứt thế nào…Thôi cứ nói, kệ, ai cười hở mười cái răng.
Thực tình thì sẽ không có điều gì để nói, nếu không có chuyện chú Bất, em trai út tôi khoá vừa rồi ứng cử vào Hội đồng Nhân dân xã, thuộc tổ bầu cử số I, nhưng đến khi bầu lại bị trượt thẳng cẳng. Nói đúng hơn, ông tướng chỉ được 186 phiếu tín nhiệm trên tổng số 600 phiếu bầu và đương nhiên thế là trượt, trượt đứt đuôi con nòng nọc còn gì…Chẳng hiểu do phẫn trí, hay do bất mãn mà kể từ hôm giẫm phải “vỏ chuối” đến nay, hắn ta cứ khùng khùng, điên điên, rượu bia tối ngày và nói năng bạt mạng, chả kiêng khem, nể nhái gì, thậm chí nhiều khi lại còn gây gổ với người nọ, người kia nữa. Rất tiếc là quãng thời gian ấy tôi lại vắng nhà, thành ra…
Số là bữa ấy các khu dân cư đang rục rịch họp để làm công tác hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân xã, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đúng dịp ấy, tôi nhận được điện thoại của cô con gái đang cùng chồng con định cư, làm ăn ở Ninh Gia – Đức Tọng – Lâm Đồng, yêu cầu bố cố gắng thu xếp vào ngay, làm cho vợ chồng tôi giật thót cả người.
Trời tháng 5 ở quê tôi nắng nóng như sôi, như luộc. Nhìn những cây cau trước nhà đứng im phăng phắc, hãn hữu lắm mới có vài sợi gió mồ côi đi qua, bà xã tôi khẽ chép miệng phàn nàn :
– Chết thôi, trời nóng như đổ lửa vào mặt thế này, ông vào Tây Nguyên không khéo lại ốm thì khổ.
Cầm tay vợ, tôi tươi cười:
– Bà nó yên tâm đi, tôi khắc biết cầm chừng, vả lại ngày xưa tôi cũng đã có ngót mười năm vật lộn với nắng gió và bom rơi, đạn nổ ở núi rừng Tây Nguyên còn gì.
Đặt vào tay tôi xấp tiền, bà lườm:
– Ngày xưa khác, hôm nay khác. Gớm, sắp U70 đến đít rồi, ông tưởng mình còn trẻ trung lắm đấy mà đã vội chủ quan.
Biết tính bà ấy vụng nói, nhưng được cái thật thà, chất phác thì ít ai hơn. Vì thế tôi cứ cười xoà, rồi bước lên xe Taxi để về sân bay Nội Bài cho kịp chuyến bay Nội Bài – Đà Lạt lúc 10h30 phút. Và sau hơn một giờ cỡi mây, cỡi gió, chiếc máy bay của hãng hàng không Việt Nam Air lines đã đáp xuống sân bay Liên Khương. Ra khỏi nhà ga, tôi suýt nữa reo lên vì thấy thời tiết cao nguyên sao mà mát mẻ, trong lành đến lạ lùng. Trời quang, mây tạnh, le lói nắng mà vẫn cảm thấy se se lạnh. Chả bù cho miền Bắc giờ này đang là đỉnh điểm của mùa hạ, có hôm nóng hơn 39 độ, đùng một cái bị mất điện, thế là cả xóm nháo nhác cứ như là có trộm cướp không bằng…
Cứ tưởng con gái điện vào có việc gì quan trọng, té ra là các anh chị vời bố vào trông nhà, trông các cháu để hai vợ chồng ra rẫy mướn người làm cỏ và chăm sóc, tỉa cành mấy héc ta cà phê vừa mới tàn hoa, kết trái. Nhìn những thảm cà phê trên những quả đồi, dưới thung sâu xanh mướt mát và chạy dài tới tận chân mây mà lòng tôi cứ thấy nhẹ lâng lâng. Bấy lâu vợ chồng tôi cứ âm thầm thương con, lo lắng cho con. Thân con gái yếu đuối, mảnh mai, phải theo chồng đi làm kinh tế mới tận xứ cao nguyên xa xôi, chẳng biết đói nó, sướng khổ ra sao. Giờ tận mắt thấy cơ ngơi của các con tương đối đủ đầy, nhà cửa đàng hoàng và vườn tược rộng rãi, khang trang. Tận mắt thấy các con đã có của ăn, của để mà lòng tôi hả hê không biết chừng nào…Tôi vẫn định ở chơi và giúp đỡ con cháu chừng mươi ngày, sau đó phải về quê để kịp tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ngày 22 tháng 05. Đến khi tôi vừa mới đưa ra ý nguyện như thế, cô con gái bỗng gạt phắt: Không, cụ (nó vẫn gọi theo cách thân thương như thế) phải ở chơi với chúng con vài tháng, chúng con sẽ đăng ký cho cụ bầu cử ở trong này, miễn là cụ vẫn thực hiện quyền công dân là được chứ gì. Bỗng Na, con gái tôi ôm lấy cổ bố thủ thỉ:
– Bố đã vào đây thì phải ở chơi với chúng con lâu lâu, cả đời bố quá vất vả rồi, nay giở về già cũng phải được thư thái, an nhàn và hưởng thụ chút chứ.
Tôi gật gù:
– Ừ, dưng mà ở lâu bố thấy…
Cậu con rể cười khanh khách:
– Cụ thấy nhớ cụ bà chứ gì ?
Tôi hơi thẹn, thật thà:
– Chả thế thì thế nào, các con thông cảm, người ta khi giở về già thường rất nâng niu những kỷ niệm và quý trọng nghĩa tình ghê lắm. Mới lại, hồi này bà ấy không được khoẻ, thi thoảng lại ho khúc khoắc luôn.
Cứ tưởng nói thế thì các con sẽ sớm mua vé máy bay cho bố về ngoài Bắc. Ai dè chúng cứ đủng đỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra. Chẳng những thế, mấy hôm sau hai vợ chồng thuê xe ô tô 7 chỗ đưa ông ngoại cùng cả gia đình đi thăm thú khắp thành phố Đà Lạt, thành phố mà người ta bảo đẹp và có khí hậu tuyệt vời nhất nhì hành tinh này.
Thật vậy, ngồi trong xe được phóng tầm mắt thưởng ngoạn cảnh sắc phố núi mà cứ ngỡ như mình lạc vào cõi non bồng, tiên cảnh. Cả đời tôi đã đi nhiều chốn, nhiều nơi, nhưng chưa thấy có cái hồ nào rộng và đẹp như hồ Xuân Hương, chưa thấy nơi nào lắm hoa và lộng lẫy như vườn hoa Đà Lạt và cũng chưa thấy nơi nào có lối bài trí khác lạ, có phong cảnh đặc biệt và nên thơ như Thung lũng tình yêu. Chả thế, ngồi trên xe, cu Mít cứ bi bô: Mẹ ơi, hoa người ta trồng hay nó tự mọc mà lắm thế ? Con gái tôi chưa kịp trả lời thì bố cu Mít ngồi ở ghế đằng trước đã nhanh nhẩu:
– Tất cả là do bàn tay và khối óc của con người cả đấy con ạ.
Cu Mít nghe bố cắt nghĩa mà cứ ngẩn tò te. Có lẽ mới 5 tuổi đầu, thằng bé chưa thể hiểu hết câu nói xa xôi của bố nó. Chợt nó quay lại hỏi ông: Ông ơi, cây gì mà to và nhiều thế ? Chà, cháu tôi đang chỉ tay về phía những cây thông. Đúng vậy, hình như Đà Lạt là quê hương, là “Vương quốc” của thông, đâu đâu cũng gặp thông bạt ngàn man dã. Cả Đà Lạt dường như được bao phủ bằng thông và đương nhiên thành phố suốt đêm ngày nghe vi vút thông reo hoà trong tiếng ì ầm xe chạy. Tôi càng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi thấy Đà Lạt đông đúc như thế, xe các loại tham gia giao thông và đường trong nội ô chằng chịt như mạng nhện là thế. Vậy mà tuyệt nhiên không có lấy một chiếc cột đèn xanh đỏ để báo hiệu, phân luồng, thế mà ít khi có chuyện xe cộ va quyệt, tai nạn. Càng hiếm khi người ta nặng nhời, to tiếng hoặc nói năng vô văn hoá với nhau, quả là độc đáo, lạ kỳ.
Cũng vì nể và thương con cháu nên dùng dằng và bịn rịn mãi, đến hết tháng bảy các con tôi mới đồng ý cho tôi trở lại quê nhà. Xách ca táp và chiếc túi du lịch vừa vào đến sân, bà xã tôi đã thì thầm:
– Ông vào rửa chân tay rồi khẩn trương sang nhà chú Bất ngay, hồi này chú ấy hư và láo lắm.
Nghe vợ nói khiến tôi sững người, chết thôi, chú em tôi lại giở chứng gì đây ? Tuy lo lắng, nhưng cũng phải đến chiều mát tôi mới lững thững đi bộ sang xóm Nhà Căng. Thấy tôi, cô em dâu đã tất tả chạy ra tận cổng mếu máo:
– Khổ quá bác ơi, nhà em hồi này bỗng dưng đổi tính, đổi nết, bậy bạ và gàn giở quá, không ai nói được. Cả nhà mong từng giờ, từng phút bác về hoạ chăng…Thế rồi em dâu tôi dấp dính kể lể. Thì ra hồi cuối tháng tư, đầu tháng năm, thông qua mấy cuộc nhậu, được bạn bè tán dương rằng: Bất là người có tài, có năng lực. Đợt này nếu Bất ứng cử vào Hội đồng nhân dân xã thì đắc cử cầm chắc trong tay. Hơn nữa Bất vẫn còn trẻ, khoẻ, năng động, tháo vát và ăn nói hoạt ngôn. Trúng Hội đồng nhân dân xã rồi tham gia vào cơ cấu, khi ấy tha hồ mà vùng vẫy, vừa có điều kiện đẩy kinh tế gia đình đi lên và cũng vẻ vang cái mặt.
Có lẽ do rượu vào khiến bộ não của Bất căng ra, hoạt bát hơn và hưng phấn hơn. Càng nghĩ Bất càng thấy bạn bè tham gia quá là chí lý. Đúng, khoá hội đồng trước toàn những người bình thường, nào có ai nổi trội, hơn Bất mấy đâu, nếu không nói là ối người còn kém cạnh xa lắm. Vậy thì hèn gì khoá này Bất không ra ứng cử, thời cơ vụt đến mà mình không biết nắm bắt thì đúng là đầu óc củ chuối. Nghĩ thế, máu iêng hùng ở đâu nổi lên ngùn ngụt, Bất quyết định ứng cử và để cho chắc chắn, Bất viết hẳn một lá đơn gửi lên Hội đồng bầu cử xã, lời lẽ khúc triết và đanh thép lắm. Thế rồi ngày bầu cử đến, cả làng xã ồn ã, vui như ngày hội. Hôm ấy, Bất tắm rửa sạch sẽ và chải tóc thẳng ngôi, quần áo phẳng phiu và giày dép đàng hoàng, chững chạc đi ra nhà văn hoá của khu để dự lễ bầu cử. Trong thâm tâm, Bất cứ nghĩ mình trúng cử trăm phần trăm. Nào ngờ mấy ngày sau kiểm phiếu xong, qua thông báo, Bất không hội đủ số phiếu tín nhiệm để trở thành “Ông hội đồng” như đã từng mơ ước. Bất tẽn tò, bẽ bàng và vô cùng bực bội. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao lại thế ? Liệu có chuyện mờ ám gì chăng và có ai đó cố tình vận động để dìm uy tín của Bất xuống không ? Sau khi thăm dò và cái chính là tài võ đoán của chính mình, Bất đã tìm ra đối thủ là bố con nhà Trần Ngọc, nhà ấy có cô con gái tên là Trần Thị Kim Liên vừa mới học xong Cao đẳng Y dược tỉnh, về nhận công tác ở trạm xá xã được hơn một năm. Ừ, con bé Kim Liên nghe nói hiền lành, ngoan ngoãn và chu đáo với công việc thật đấy, nhưng vẫn là đồ trẻ ranh. Vậy mà đợt này cũng được giới thiệu ra ứng cử và đã trúng với số phiếu khá cao thì hỏi có điên tiết hay không ? Thảo nào trước khi bầu cử, bố nó, anh em nhà nó gặp ai cũng chào hỏi ra tuồng đon đả, lễ phép lắm. Càng nghĩ ngợi và xuy diễn, Bất càng thấy cay cú và căm thù gia đình nhà Trần Ngọc không biết để đâu cho hết. Từ chỗ hằn học, lại thêm có chén rượu vào khiến Bất càn mồm, chửi bóng chửi gió, bậy bạ, chẳng cần biết phải trái, đúng sai là gì…
Nghe em dâu kể đến đấy, máu trong người tôi như muốn sôi lên. Không ngờ chú em tôi lại mơ hồ và càn quấy như thế. Tôi đang tìm cách để lựa lời động viên, an ủi, vừa lúc ngoài cổng có tiếng dép lê, Bất khật khưỡng đi vào, thấy tôi liền lễ phép:
– Bác cả về rồi à ?
Đang cơn bực bội, tôi mát nước:
– Ừ, tôi vừa về đến nhà vội sang để chúc mừng chú đây.
Bất đứng ngây ngạc nhiên:
– Bác bảo sao cơ, chúc mừng em cái nỗi gì ?
Tôi nghiêm giọng:
– Chúc mừng chú trượt Hội đồng nhân dân xã.
Bất bỗng đỏ mặt tía tai, định nổi nóng, chợt nhớ mình là em, nhưng cũng vùng vằng:
– Bác là anh trai mà cũng giễu em, như thế là xúc phạm em đấy.
Tôi thẳng thắn:
– Không, tôi không giễu chú đâu mà mừng thật đấy. Tôi ít học, nhưng cũng nghe người ta bảo Đức Khổng Tử dạy rằng: Quan trọng nhất là mỗi người hãy nên biết mình là ai. Chú không được cử chi tín nhiệm, hẳn cũng cần kiểm tra lại mình xem tư cách đạo đức và lối sống ra làm sao, liệu có tự do, phóng túng và bạt mạng quá không. Trong khi trình độ văn hoá chưa hết Phổ thông Trung học và trình độ chuyên môn không có một chữ trong đầu. Vậy nếu giả sử chú đắc cử, được phân công đảm trách những công việc quan trọng, liệu chú có kham nổi không ? Này, làm cán bộ không đơn giản như chú nghĩ đâu, nếu không có đạo đức, năng lực và trình độ thì có ngày vào tù như chơi. Đừng thấy chiếc bóng của mình trên tường to mà vội tưởng mình lớn. Các cụ bảo: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chú có năng khiếu về kỹ thuật gia dụng thì hãy chuyên tâm vào cái nghề nhôm kính mà chú đang theo đấy thôi, nghề ấy chỉn chu thì cũng hái ra tiền, thậm chí trở thành đại gia đấy. Còn việc chú nghi kỵ gia đình ông Trần Ngọc dìm uy tín của chú là rất bậy, bậy hết chỗ nói.
Bị tôi dồn cho một chập, Bất cãi cùn:
– Bác lại còn bênh, không oan đâu. Em sẽ phải cho nhà ấy biết thế nào là lễ độ.
Nghe đến đấy, tôi lấy quyền làm anh quát:
– Đồ ngu, chú hãy câm ngay, chú có biết người ta là gia đình tử tế, là ân nhân của gia đình nhà mình không mà dám xuy nghĩ, nói năng lếu láo thế, hả ?
Bất ngây ngô:
– Bác nói gì em không hiểu, ai là ân nhân của ai ?
Biết em mình như kẻ bị điểm trúng huyệt, tôi liền hạ giọng:
– Chuyện dài lắm, tôi chỉ kể vắn tắt thôi. Ngày xưa, khi chú mới khoảng năm, sáu tuổi gì đó, đã nghịch nhất nhì cái làng này rồi. Bữa ấy chú cùng lũ bạn đi tắm ao nhà Luyên Vượng, do không biết bơi nên bị đuối nước. May mà vừa lúc ấy ông Trần Ngọc đi tới đã kịp thời nhảy xuống đưa chú lên bờ. Nếu không có ông ấy thì chú đã thành người thiên cổ rồi chú hiểu không ?
Bất đang ngồi trên chiếc ghế sa lông liền đứng vụt ngay dậy, hai mắt tròn xoe:
– Bác nói đùa hay nói thật đấy, chuyện hệ trọng thế, sao bây giờ bác mới nói ?
Tôi chẹp miệng thẫn thờ, như hồi tưởng lại câu chuyện ân tình hơn ba mươi năm về trước. Bất giác tôi thở dài:
– Ngày ấy anh cũng còn ít tuổi, chỉ biết các cụ nhà mình có sang cám ơn và đặt vấn đề cho chú được làm nghĩa tử, nhưng ông Trần Ngọc tươi cười bảo: Trường hợp ấy rơi vào ai cũng đều làm thế cả, đừng mang ơn huệ nhiều cho thêm khó sử, chúng mình lúc nào cũng nghĩ tốt về nhau là quý lắm rồi.
Nghe tôi kể khiến Bất cứ há hốc mồm, mặt chảy ra như mẹt bánh đúc. Bỗng Bất gục xuống mặt bàn khóc rống lên: Ối giời ơi sao mà tôi ngu si, dại dột thế hả giời ./.
N.X.Q