Chủ tịch tỉnh phải làm hiệu trưởng trường đại học, khổ thân ông ấy quá! – Nguyễn Đình Minh

 

Trường ĐH Hạ Long được thành lập ngày 13-4-2014 theo quyết định số 1869/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này là bà Vũ Thị Thu Thủy – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên tháng 01 năm 2020, bà Thủy về nghỉ hưu vì thế, ngày 18.5, theo Quyết định 1588/QĐ-UBND UBND tỉnh Quảng Ninh ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định này được ban hành căn cứ theo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác cán bộ theo Thông báo số 1756-TB/TU ngày 9.5; đề nghị của Hội đồng Trường Đại học Hạ Long, đề nghị của giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh.
Có lẽ đây là năm thịnh phát của vị Chủ tịch tỉnh này nên ông cũng đồng thời được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Ninh thay cho bà Đỗ Thị Lan (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh được chuyển tới làm Ủy viên thường trực của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội). Như vậy đến thời điểm này, ông Thắng giữ hàng loạt các trọng trách mà ít người trong lịch sử thời đại Hồ Chí Minh đã làm được. Theo đó, về chức vụ Đảng gồm 3 chức danh: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy… và chắc chắn sẽ là Bí thư Đảng ủy trường Đại học Hạ Long; Về chức vụ trong Quốc hội nắm giữ một vị trí là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; Về chức vụ chính quyền giữ 2 cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.
Không biết tỉnh Quảng Ninh cạn kiệt nhân tài hay do ông Thắng là thánh nhân mới “xuất” mà lại làm được nhiều việc đến thế. Việc nào cũng lớn lao: 3 việc vì Đảng, 1 việc vì Quốc hội, một việc là chăm lo dân với tư cách Chủ tịch tỉnh và một việc là làm phát triển sự nghiệp giáo dục đại học của Tỉnh. Thế là “Sáu trong một”, thực sự “choáng”! Không biết ông lấy đâu thời gian chăm lo các việc gia đình, cá nhân, họ hàng, bè bạn, nghỉ ngơi… Sau này chắc ông phải làm cái hàm giáo sư, hoặc phó giáo sư nữa mới ổn, mà làm giáo sư thì phải dạy sinh viên. Thôi thì cứ lấy giáo trình đọc chép trên lớp cũng “ô văn kê”, song khó là phải dạy bằng tiếng tây. Để nói được tiếng tây với sinh viên… như gió, ông phải học ngoại ngữ; Nhưng thế chưa quan trọng, ông phải viết giáo trình để mà dạy, viết đề tài khoa học đăng trên tạp chí khoa học của “Tây”… Ôi cả một núi việc cao hơn cả đỉnh Chomolungma của Trung Quốc!
Một ngày có 24h, vị chi tính cho 6 đầu việc chính thì mỗi việc chỉ có 4h đồng hồ, còn nếu làm 8 giờ/ngày thì mỗi việc ông chỉ đầu tư có 1h20p/ngày, với điều kiện không ăn, ngủ vui chơi, giao tiếp họ hàng bè bạn. Thế mà vẫn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, xem ra ông không khác nhân vật huyền thoại Phượng sồ (Bàng Thống) trong Tam Quốc tái sinh. Vì vậy không phải thánh mới lạ!
Sự kiện ông tạo ra chưa gây sóng gió gì, nhưng sự “lăn tăn” thì có. Ban đầu là ý kiến của bà Đỗ Thị Lan (Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) khẳng định: chắc chắn việc kiêm nhiệm này sẽ là một áp lực rất lớn cho người đứng đầu vì phải kiêm nhiều việc, áp lực về khối lượng công việc, thời gian. Còn bên hành lang Quốc hội sáng ngày 22-5, bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết khá bất ngờ về thông tin chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường đại học ở Quảng Ninh, vì việc này “chưa có tiền lệ”. Theo bộ trưởng Tân, cán bộ làm lãnh đạo trong cơ quan nhà nước có thể tham gia trong các đơn vị sự nghiệp, nhưng với vai trò là hội đồng nhà trường.
Về phía cơ quan chủ quản, ông Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ Giáo dục nêu quan điểm “Tôi nhấn mạnh lại, việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường đại học chỉ nên là giải pháp tình thế trước mắt”. Còn TS Nguyễn Thị Kim Phụng – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ: Cá nhân tôi cho rằng riêng về thời gian, mỗi vị trí đã yêu cầu phải làm việc đủ giờ hành chính nên rất khó để một người có thể đảm nhiệm cả hai vị trí, nếu như không muốn nói là việc một người thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả hai vị trí trên trong suốt nhiệm kỳ là khó khả thi. Đồng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến – Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: “Công việc chủ tịch UBND tỉnh hay hiệu trưởng đều đòi hỏi làm toàn thời gian, một cá nhân sao có thể làm kiêm nhiệm được? Ông Nguyễn Văn Thắng là chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng, giờ lại về trường làm hiệu trưởng thì hội đồng trường miễn nhiệm ông hiệu trưởng kiểu gì? Tôi thấy chuyện này buồn cười lắm”.
Các vị nói gì cứ nói “vận dụng” gì cứ vận dụng… chỉ có điều Luật GDĐH 2012 quy định về một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm” – (Điều 20); thì không biết ông Chủ tịch tỉnh có đạt không? Vì chưa thấy ghi trong trích ngang của ông Chủ tịch tỉnh đã từng giảng dạy ở bậc đại học?
Và nhớ đây là Luật!
Không biết ông Chủ tịch tỉnh kia nghĩ gì mà lại “Hạ” thân “Long” xuống cát Quảng Ninh cho nó thêm bụi bặm ngứa ngáy. Còn tôi thì cứ thương cái trường Đại học Hạ Long. Ai đời, cả một trường đại học lại không kiếm được một người đủ phẩm chất năng lực làm hiệu trưởng lại đi bắt một ông Chủ tịch tỉnh “Vạn công, triệu việc” làm thay cho. Thế thì ai dám gửi con cháu vào đây mà học?

N.Đ.M

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder