Chùm thơ dự thí số 34 là cảm xúc của các tác giả về mẹ, về quê hương sâu đậm da diết. Tại đây cũng có những suy nghĩ xót xa về thân phận con người nơi đầu sóng khi “cơn bão” đi qua và có cả những giây phút rất thi sỹ khi các nhà thơ mộng mị về câu chuyện tình nơi hiên chùa nơi nhân vật dân gian Thị Màu đầy hương sắc đa tình…
Vanhaiphong – Chùm thơ dự thí số 34 là cảm xúc của các tác giả về mẹ, về quê hương sâu đậm da diết. Tại đây cũng có những suy nghĩ xót xa về thân phận con người nơi đầu sóng khi “cơn bão” đi qua và có cả những giây phút rất thi sỹ khi các nhà thơ mộng mị về câu chuyện tình nơi hiên chùa, khi nhân vật dân gian Thị Màu bất chợt hiện về đầy hương sắc đa tình…
Nguyễn Thị Thùy Linh (Hải Phòng)
MƠ VỀ MẸ
(Gửi tặng mẹ sau giấc mộng kinh)
Chông chênh giữa một cơn mơ. Mắt đẫm lệ nhòa con bước lạc
Tiếng thổn thức xé đêm dài nứt toác. Ánh sương mờ gầy rạc nuốt hình con
Mẹ chìm trong cơn đêm. Giấc mơ kia mang mẹ đi rồi…Con quặn lòng với gọi
Sương sa vị sầu trên môi con mặn đắng. Mẹ xa con…Hụt hẫng cả bầu trời!
Vắng mẹ trong mơ, mộng đêm sao ngột ngạt. Gió ngừng tiếng hát. Đời ngừng tiếng cười. Con ngừng tiếng Mẹ ơi…
Chờ mong hơi đêm mang mẹ về. Con khóc. Mẹ ở phương nào? Tim con quặn thắt
Nhớ dáng mẹ liêu xiêu. Nghiêng vẹo cả bóng chiều. Nhớ nụ cười hiền, ấm tan mùa đông lạnh. Nhớ bàn tay chai ráp, nặn con tuổi xanh…
Con chơi vơi trong giấc mộng kinh. Cơn gió lạnh nào xé cào tâm can con nhói buốt. Con thảng thốt, giật mình!
Cơn đêm rủ tình thâu ác mộng. Vỡ vụn màn đêm, sáng rõ bóng mẹ hiền
Mẹ vẫn ngồi bên hiên, nơi bình minh ló rạng. Đời con vụt sáng! Cỏ hoa xông hương đâu đây
Muốn ôm chầm lấy. Thân mẹ gầy hao, tóc nhuộm phai nắng chiều
Mẹ xua đêm cô liêu…
TRÊN ĐƯỜNG ĐÊ
Chiều một mình lang thang trên đê
Lục tìm thời ngây dại hay chốn bình yên nơi kia đánh mất
Quẳng xa tất bật!
Vội sà lòng đón hương cỏ hoang
Nghe rực màu hoài niệm
Mảnh ký ức nào còn nằm đây, im lìm thoi thóp
Vết thời gian phồng rộp
Ký ức xù xì sao ấm lạ quanh thân đê…
Cô bé đội chiếc nón mê da đen nhẻm lom khom mò ốc
Một mảnh trữ tình hay cuộc mưu sinh khó nhọc
Gió phì phò ru hương chiều ngọt
Gạn trong tâm hồn
Đê xoải dài hứng bóng hoàng hôn
Nâng bước chân lạc miền cổ tích
Vấp chùm hoa tinh nghịch
Thong dong lối về…
Chu Thị Minh Nguyệt (Hải Phòng)
CƠN BÃO CUỐI MÙA
Làng oằn mình trong bão
Sóng gầm gào át tiếng kêu than
Biển bất kham
Tung mình đạp mảnh vỡ.
Làng đổ nghiêng bờ đá.
Đá lặng thinh.
Người hóa đá trông chờ.
Trắng bãi xác xơ
Bè trôi theo gió.
Biển cho làng những đàn ông vạm vỡ
Rồi trả họ về đại dương
Chỉ còn những người đàn bà vô hồn
mưa tuôn vũng cát.
Chỉ còn đám trẻ buồn xo ngơ ngác
Những ngư phủ một thời… đờ đẫn níu thời gian.
Cơn bão cuối mùa đi qua tan hoang
Làng chài
Ôm hơi ấm người thân
Cắm chân vào cát.
Ngửa mặt khấn trời.
Nguyễn Vĩnh Bảo (Tp Hồ Chí Minh)
NHỚ MẸ
Ngoài vườn cau đã chín rồi?
Không người đến hái, cau rơi rụng đầy
Còn đâu bóng mẹ khom gầy!
Mỗi ngày đưa ngọn trầu cay vào giàn
Bây giờ lá úa khô tàn
Con về nhặt quả cau vàng đem phơi
Nhớ thương mẹ quá đi thôi
Nhìn lên hình Mẹ mà rơi lệ sầu
Tay run giữ chặt khay trầu
Nghe văng vẳng tiếng mẹ sau tấm hình.
Lam Bình (Hà Nội)
Lạc mùa
Lạc mùa, táo chín vẫn chua
Trái tình rụng buốt sân chùa… tiểu ơi!
Ai đem hoài niệm ra phơi
Hong thành khô nỏ cái thời xưa xa
Lạc mùa, hoa vẫn lại hoa
Hồn nhiên cứ nở như là vì ai
Kệ kinh phong kín hương nhài
Mặc duyên hờn tủi bên ngoài gió phơi
Lạc mùa, trăng cũng rong chơi
Ngang sân chèo cổ, đánh rơi khoen rằm
Ngả nghiêng say, nợ đêm nằm
Í a… trả nghĩa trăm năm giếng đình
Lạc mùa, lại nhớ người xinh
Giá đêm hội ấy… Ta, mình thành đôi…
À, mà vơ vẩn đấy thôi
Ẩm ương giời đất nên…tôi lạc mùa!