Vanhaiphong.com: Chúng tôi vừa nhận được chùm thơ của nhà thơ Vương Trọng và chùm thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu gửi tới nhằm hưởng ứng cuộc thi thơ năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức. Cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vanhaiphong.com: Chúng tôi vừa nhận được chùm thơ của nhà thơ Vương Trọng và chùm thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu gửi tới nhằm hưởng ứng cuộc thi thơ năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức. Cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vương Trọng
NGHĨ VỀ THƠ
Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ
Muốn là rượu phải có gạo, ngô… và men cây, men lá
Không có rượu cất lên từ nước lã
Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ.
“Ta đứng trên vai những vĩ nhân đi trước”
Đó là lời các nhà khoa học
Với nhà thơ, chẳng ai công kênh ai
Đỉnh quá khứ mãi còn sừng sững phía tương lai.
Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu
Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục
Nông, sâu là ý, tứ
Trong, đục ấy ngôn từ…
SỢI TÓC HAI MẦU
Quờ bàn tay vô nghĩa lên đầu
Nhổ sợi tóc nửa đen, nửa bạc
Mặc câu thơ lẻ loi trang giấy nháp
Ta lặng yên nhìn sợi tóc hai màu:
Một nửa ánh ngày, một nửa đêm thâu
Một phía dầm mưa, một đầu hửng nắng
Không, sợi tóc nửa chiều, nửa sáng
Trưa – cuộc – đời ta vừa mới đi qua.
Hai bàn tay căng sợi tóc ra
Mong manh thế mà sao rắn chắc
Trục thời gian tượng hình trước mặt
Ta đang ta, hay ta khác ta rồi?
Phút bàng hoàng sợi tóc hoá gương soi
Khuôn mặt mình chập chờn sáng, tối
Má đã vạch đường hằn không mong đợi
Cười làm chi cho nham nhở nụ cười!
Sợi tóc căng như một mũi tên dài
Mũi tên bay theo chiều đen – trắng
Ta đang bay khi ta ngồi yên lặng
Cái tận cùng đâu đó chẳng còn xa.
Sợi tóc căng khắc nghiệt trước mắt ta
Ba-ri-e hai màu thách thức:
– Thôi, ý nghĩ đừng vượt lên tuổi tác
Phép mầu nào chống chọi nổi thời gian?
Nhìn ngoài trời mây ngũ sắc bay ngang
Và tia nắng chia màu trên dây điện
Gió chẳng hẹn, gió tìm cây ghé đến
Chiếc lá vàng rơi rụng xuống đất nâu…
Chở thời gian xê dịch giữa hai màu
Sợi tóc rụng, với đôi bàn tay mỏi
Trang bản thảo, ta thẫn thờ nhìn lại
Câu thơ nằm dưới bóng sợi tóc rung!
KHÓC GIỮA CHIÊM BAO
Tưởng nhớ Mẹ
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về…
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
Con lang thang vất vưởng giữa đời thường
Đâu cũng sống, không đâu thành quê được
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.
Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao!
THẬT VÀ GIẢ
Khi cái giả tưởng thật
Cái thật thành giả thôi
Đâu chỉ minh châu ngọc
Mà ngay cả con người.
Thật giả hay giả thật
Truy nguyên có ích gì
Đâu phải người nước Vệ
Mới có Lã Bất Vi?
V.T
Lê Huy Mậu
NHÂN DÂN
(Kính tặng những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược)
Khi được vận động làm đơn vào Đảng
Con tôi trả lời:
– Tôi chỉ muốn làm một công dân tốt mà thôi!
Tôi chẳng biết nói gì với con tôi
Chỉ buồn con chẳng quan tâm gì tới chính trị!
Thôi thì:
– “Đời cua cua máy, đời cáy cáy mò!”
Tôi thật không ngờ
Khi Trung Quốc hùng hổ kéo giàn khoan xâm lấn
Con tôi bỗng sục sôi
Ăn biển Đông, ngủ cũng biển Đông
Trong đoàn biểu tình con tôi gào khản cổ:
Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam!
Xưa tôi thế giờ con tôi cũng thế!
Khi nước có xâm lăng
Tuổi trẻ chẳng hề tính toán thiệt hơn
Sẵn sàng có mặt ngay nơi tuyến đầu Tổ Quốc!
Nhìn con rồi nhìn rộng ra Nhân dân
Tôi bỗng thấy yên lòng
Tổ quốc mình sẽ trường tồn mãi mãi!
Nhân dân như con hùm thiu thiu ngáy
Nhưng xin đừng vì thế vuốt râu hùm!
Ôi ! vui sao!
Những ngày cả nước xuống đường!
Cả đất nước sục sôi như choàng thức
Con tôi và tất cả con những người lính khác
Muôn người như một
Đồng lòng
Hướng tới biển Đông!
“Ôi Nhân dân!
Một Nhân dân như thế
Con nguyện lại hy sinh nếu được sống hai lần!”*
15/05/2014
_________
*Câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc
CUỐI NĂM XẾP LẠI GIÁ SÁCH
Thì ra mình giàu có đấy thôi
Bốn giá sách xếp đầy những chữ
Văn học, triết học, khoa học, lịch sử
Quá khứ trùng trùng sau lớp bụi thời gian
Những tác phẩm kinh điển. Những tri thức cẩm nang
Những bộ tuyển hùng vĩ trong, ngoài nước
Những tạp chí đổ về như lũ lụt
Trên giá sách mình ngổn ngang…
Như không phải mình xếp lại sách mà mình xếp
Những thứ bậc tài năng. Những thứ bậc tâm hồn
Như không phải mình xếp lại sách mà mình xếp
Những sóng gió. Những đa đoan. Những thân phận. Những vui buồn…
Sau ồn ào bươn chải áo cơm
Mệt mỏi trở về căn gác nhỏ
Im lặng cùng sự lặng im bão tố
Những trăm năm, ngàn năm trầm tích giữa trang văn!
Sắp xếp lại những cuốn sách ngày cuối năm
Bỗng hiểu: – Thì ra mình giàu có !
…
22/01/2014
PHAN KIM LIÊN*
Lịch sử vừa trả lại sự trắng trong cho nàng Phan Kim Liên
Người đàn bà nhan sắc
Người đàn bà bị mang tiếng dâm ô, độc ác
Chỉ vì sự bịa đặt thành văn.
Chuyện đã mấy ngàn năm
Mà nỗi oan bây giờ mới giải
Làm sao đốt được sách Thủy Hử
Làm sao thanh minh được mấy chục kiếp người?
Tôi
Một thi sĩ quèn tỉnh lẻ mà thôi
Nhưng ít nhiều cũng can dự vào sự viết
Chưa thấy ai đâm chết người bằng ngòi bút
Nhưng ngòi bút giết người độc địa vạn lần hơn!
Nếu có thể dựng lại tượng đài Phan Kim Liên
Cho tôi góp đến chữ cuối cùng tôi có
Để cái đẹp rạng ngời bất tử
Để hình ảnh nàng trắng trong kiều diễm giữa đời!
Phan kim Liên nàng ơi!
Xin đừng oán Thi Nại Am và Thủy Hử
Xin đừng oán tài năng và con chữ
Nhan sắc nào chẳng chịu kiếp hồng nhan!
Dù thơ tôi không đủ dựng lại tiết hạnh nàng
Cũng xin viết lên trời ba chữ
Cho hôm nay và cho cả ngày mai nữa
Phan Kim Liên!
Trong trắng
Phan Kim Liên!
(04/04/2013)
L.H.M
________
* Từ xưa tới nay, người ta luôn nhắc tới Phan Kim Liên như một “điển hình” cho loại phụ nữ xinh đẹp nhưng dâm loạn và độc ác. Không chỉ ngoại tình với Tây Môn Khánh, Phan Kim Liên còn hợp mưu với họ Tây đầu độc giết chết chồng mình là Võ Đại Lang. Tuy nhiên, những sử liệu mới nhất lại chứng minh rằng, cuộc ngoại tình huyền thoại này thực tế chỉ là sự bịa đặt của các nhà tiểu thuyết mà thôi.