Chùm thơ Chế Lan Viên

Rất khó có thể tìm thấy hình ảnh tương tự của một thi sỹ Việt Nam khác lần đầu tiên xuất hiện như thế. Và hình như càng khó hơn để kiếm tìm một hình ảnh tương tự của các nhà thơ ở thời đại chúng ta trong những bước đi cuối cùng trên trang viết trước khi rời bỏ thế gian.

vanhaiphong – Khi nói về Chế Lan Viên, ta hay nghĩ đến một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ đầy tính triết lý, và chúng ta thuộc hoặc biết rất nhiều những bài thơ của thi sĩ đã từng đăng đàn thi ca. Song lại có rất ít người biết tới những thi phẩm của ông chưa từng xuất bản, Và mãi sau này, vào thời kỳ đổi mới những bài thơ ấy mới được giới thiệu.

Vẫn lối triết lý định hình trong phong cách xưa, nhưng người đọc sẽ giật mình vì có một Chế Lan Viên khác thăm thẳm những nỗi đau thế sự chỉ biết gửi vào…thơ.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ như thế của ông.

Hương sen

Anh cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn?
Thân phận người mà, ai chả có bùn đen?
Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết
Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen.

Hai câu hỏi

“Ta là ai?” như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
“Ta vì ai?” khẽ xoay chiều gió bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Tìm đường

Nửa thế kỷ tôi loay hoay
Kề miệng vực
Leo lên các đỉnh tinh thần
Chất ngất
Theo các con đường ngoắt ngoéo chữ chi
Gẫy gập
Mà đâu được gì?
Khi tôi cưỡi trên mây
Thì máu người rên dưới đất
Mẹ hỏi tôi
– Con lên cao mà làm chi?
Mẹ ở dưới này cơ cực
Về đi!
Ôi! Con đường không ra đường
của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất
Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ
Mẹ đâu biết cho rằng:
Hoa tôi hái trên trời
Cũng chính là nước mắt
Dưới xa kia

(Rút trong tập nháp: Bào thai và mảnh vỡ)


Nghệ Thuật Mới Khi đọc thơ Chế Lan Viên hay khi suy ngẫm về con đường sáng tạo thi ca của ông, tôi thường hình dung về thi sỹ Chế Lan Viên khi Điêu Tàn xuất hiện. Đó là sự xuất hiện với những bước đi và tiếng gầm đầy uy lực của sư tử trong cánh rừng thi ca hiện đại Việt Nam. Và khi ông rời khỏi thế gian này thì những bước đi và tiếng gầm kia trong Di Cảo một lần nữa lại dội vang.

Rất khó có thể tìm thấy hình ảnh tương tự của một thi sỹ Việt Nam khác lần đầu tiên xuất hiện như thế. Và hình như càng khó hơn để kiếm tìm một hình ảnh tương tự của các nhà thơ ở thời đại chúng ta trong những bước đi cuối cùng trên trang viết trước khi rời bỏ thế gian.

Ngay trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời với tuổi tác và bệnh tật, Chế Lan Viên vẫn là một thi sỹ hiếm hoi có khả năng minh triết đến phút cuối cùng, có khả năng chứa đựng những dày vò và đau đớn của thời đại và có khả năng quyền lực hóa ngôn từ.

Khi nghĩ về Chế Lan Viên, tôi thường nghĩ về sự khởi đầu và sự kết thúc của ông. Sự khởi đầu đó là Điêu Tàn và sự kết thúc đó là Di Cảo.

Đây là hai giai đoạn tách rời nhau và cách xa nhau hàng chục năm, nhưng hai đoạn đó lại mang một tinh thần thống nhất và chuyển động với một nghịp điệu kỳ vĩ trong tinh thần sáng tạo của ông.

Và nếu hai giai đoạn ấy là một dòng chảy không tác rời thì chân dung ông sẽ là một chân dung mà những người yêu thi ca không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới phải ngắm nhìn với một con mắt khác hơn.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder