Em Chuột
Tý có một con thú nhồi bông nho nhỏ, nửa giống thỏ, nửa giống chuột. Là thỏ thì hai tai nhỏ quá. Còn là chuột thì cái mõm lại không nhọn. Ông tính gọi thỏ, nhưng Tý quen gọi chuột mất rồi.
Tý quý em Chuột lắm. Ở nhà quấn khăn, mặc bỉm cho em Chuột. Rồi bế em, ru em ngủ hệt như mẹ ru em gái Su Bin. Đi học Tý cũng ôm em Chuột theo. Có lần bỏ quên em ở trường, đến lúc đi ngủ mới sực nhớ, Tý khóc òa, lăn ra bắt đền bà và mẹ.
Sáng chủ nhật, ông đưa Tý đi chơi công viên.
Lúc đi, ông bảo Tý để Chuột ở nhà, nhưng Tý không chịu:
– Để em một mình ở nhà, em khóc thì sao?
– Em Chuột ở nhà với bà, với Su Bin cơ mà.
Tý vẫn khăng khăng:
– Bà còn mải trông Su Bin. Lỡ em Chuột mắc tè, bà không kịp “xi” cho em.
Ông phì cười: “Vậy thì cho em đi”.
Công viên ngày nghỉ đông trẻ con, nhiều trò chơi, vui ơi là vui. Ông bảo:
– Chủ nhật mà bà vẫn phải trông Su Bin, còn bố mẹ dọn nhà. Chỉ có ông với Tý được đi
chơi.
Tý chữa:
– Ông với Tý, với cả em Chuột nữa.
Ừ nhỉ. Suýt nữa ông không tính em Chuột.
Buổi trưa, hai ông cháu… Í quên, ba ông cháu, cùng về nhà. Ăn cơm xong, Tý cho em
Chuột đi ngủ. Đặt em xuống gối, Tý bảo:
– Trưa nay em Chuột ngủ ngoan lắm đây.
Ông cười:
– Trưa nào ông chả thấy em Chuột ngủ không vẫy tai?
– Nhưng hôm nay được đi chơi, em ngủ ngoan hơn.
Có khi thế thật. Bởi vì vừa nói xong câu đó, Tý cũng lăn ra ngủ mất tiêu.
Chuyện của Tý
Bình thường Tý là đứa hay nói. Ở nhà với bà từ lúc còn nhỏ xíu, ba tuổi mới đi trường mầm non, Tý khoe với mọi người: ngày thường Tý đi học trường mầm, còn thứ bảy, chủ nhật Tý đi “trường bà”.
Một lần Tý xếp gọn gàng cho ông mấy tờ báo trên bàn, vừa làm vừa bảo: “Phải quan tâm lịch sự chứ ông nhỉ”? (Ý là “văn minh lịch sự” đấy).
Cái gấu váy bị rách, Tý nhờ bà khâu hộ: “Bà khâu cho con, không tội nghiệp cháu gái ông”! Trời đất! Sao tự nhiên lại kéo cả ông vào đây? À, ông nhớ rồi. Chả là mỗi lần Tý
vấp ngã, ông lại buột mồm xuýt xoa “tội nghiệp cháu gái ông”!
Nhìn thấy cái ấm sắc thuốc của ông, Tý nhận xét: “Cái ấm này béo”. Cái ấm tráng men màu vàng nhạt, bụng phình to, nhẵn bóng.
Ông uống thuốc, Tý bảo: “Ông uống thuốc cho sảng khoái”.
Tý đang ru em búp bê, chợt thấy ông đến, vội vàng ra hiệu: “Ông khẽ mồm cho em ngủ”!…
Ôi, Tý nói nhiều câu khiến ông bổ chửng!
Nhưng hay nói thế mà có lúc phải nhịn thì rất khó chịu.
Như buổi tối hôm nay.
Mẹ đi làm tối, tranh thủ tắm cho Tý trước. Tý mải nghịch, không chịu cho mẹ gội đầu. Mẹ giục thì gào khóc inh ỏi. Ông nghe thấy, giận quá, quát cho mấy câu. Tý sợ, khóc ấm ức, tắm xong lấy hai tay che mặt chạy đi thay đồ. Lúc ăn cơm cũng ăn rõ nhanh, sợ ông mắng.
Ăn xong, ông lên nhà mở máy vi tính. Một lát sau Tý ngấp nghé lên theo. Thấy ông chăm chú làm việc, Tý lẻn đến gần, sờ vào tay ông một cái rồi bỏ chạy. Tý lặp đi lặp lại như thế vài lần: ngấp nghé, sờ tay ông, rồi ù té chạy…
Mọi bữa Tý rất hay nói, nhưng hôm nay chỉ dám “nói” bằng tay.
Ông biết Tý đang muốn làm lành. Ngoài mặt ông vẫn nghiêm, nhưng trong bụng cố nín cười.
Hoa Cúc Áo
Xóm Bờ Giậu quanh năm quạnh vắng bỗng có thêm người tới định cư: cô hoa Cúc Áo.
Cô Cúc Áo từ đâu chuyển đến không ai biết. Một sớm mai thức dậy, từ trong hang nhìn ra, cụ giáo Cóc thấy cô đứng khép nép bên con đường mòn. Thân hình cô mảnh mai với những chiếc lá xanh non bé xíu. Bấy giờ cô Cúc Áo chưa nở bông hoa nào. Cô như lẫn vào đám cỏ dại, phải là người tinh tường như cụ giáo mới nhận ra.
Mùa xuân ấm áp đang về. Anh Dế Còm tân trang lại bộ râu, diện bộ cánh xịn nhất đi làm. Cụ giáo Cóc thôi nghiến răng vì bớt hẳn bệnh nhức xương. Bác Giun Đất cũng chui ra khỏi phòng lạnh để tận hưởng không khí trong lành. Ngày tháng qua mau. Và buổi sáng chủ nhật tuyệt vời ấy đã tới…
Cụ giáo Cóc thức dậy trong mùi hương nồng nàn. Nghe tiếng lao xao ngoài đường, cụ vội lấy gậy chống, thận trọng dò từng bước ra cửa. Chao, cô Cúc Áo như đã hóa thân thành người khác, phô bày tất cả vẻ lộng lẫy của mình qua những bông hoa vàng rực ngát hương. Bên cạnh, anh Dế Còm đứng ngây nhìn. Bác Giun Đất gật gù thán phục. Vài chị Cào Cào áo xanh váy đỏ là người xóm bên có việc đi ngang qua cũng dừng lại nghiêng ngó. Chỉ thiếu mỗi gã Chuột Chù. Ban đêm gã lẻn đi ăn trộm, nên ban ngày không dám nhìn mặt ai.
Trưa hôm đó, Dế Còm sang chơi nhà cụ giáo Cóc. Loay hoay mãi anh chàng mới dám đọc cho cụ nghe bài thơ mình mới làm. Bài thơ về xóm Bờ Giậu từ lâu thiu ngủ, nay bỗng dưng bừng tỉnh trong hương sắc mới:
Nàng từ đâu tới
Nàng diện áo vàng
Vàng như nắng sớm
Hương thơm điệu đàng
Này ông Giun Đất
Này chị Cào Cào
Này cụ giáo Cóc
Bây giờ tính sao?
Tính sao thì tính
Người đẹp nhường kia
Hộ khẩu Bờ Giậu
Nhập vào miễn chê.
Cụ giáo Cóc nghe xong ho khụ khụ:
– Thú vị, thú vị. Đưa được cả hộ khẩu vào thơ. Giỏi!
Nghe cụ giáo khen, Dế Còm sướng ngẩn người.
Cuộc đời kỳ diệu thế đấy: một cô nàng với những bông hoa xinh nhỏ, chỉ trong vòng buổi sáng đã biến anh Dế thành nhà thơ.