Hội nhà văn Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương và các nhà giáo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho chương trình nội dung sách giáo khoa Ngữ văn mới đang được thiết kế theo hướng lựa chọn dạy học các thể loại lớn (thơ, truyện, ký, kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây.
Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa ngữ văn mới đã chính thức công bố chương trình Ngữ văn mới đã được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc. Trước đó, Hội nhà văn Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương và các nhà giáo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho chương trình nội dung sách giáo khoa Ngữ văn mới đang được thiết kế theo hướng lựa chọn dạy học các thể loại lớn (thơ, truyện, ký, kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây.
*Cụ thể, thay vì 6 tác phẩm “ cứng” như đã công bố, Ban soạn thảo sẽ dựa vào 9 tác gia và các tác phẩm được học trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn, với 3 cấp độ: tác phẩm bắt buộc (tác giả sách giáo khoa và giáo viên bắt buộc thực hiện theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn bắt buộc (tác giả sách giáo khoa bắt buộc lựa chọn trong số tác phẩm cùng cấp độ theo quy định của chương trình) và tác phẩm tự chọn (tác giả sách giáo khoa tự lựa chọn theo gợi ý của chương trình).
* Với hướng bổ sung mới này, ban soan thảo cho rằng đã khắc phục được sự mất cân đối về giai đoạn văn học, thể loại văn học, cảm hứng sáng tác… vốn là những nội dung khiến dư luận trong và ngoài ngành băn khoăn. Song, với nội dung mới vẫn hoàn toàn vắng bóng các tác giả tiêu biểu xuất hiện thời kỳ sau 1945, 1975 và văn học thời kỳ đổi mới với những cái tên như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy… đã không khỏi khiến dư luận băn khoăn về có hay không bỏ quên dòng văn học cách mạng và thời kỳ đổi mới.
Xuất hiện các tác phẩm văn học dân gian
Điểm khác biệt rõ rệt ở lần điều chỉnh này so với các lần công bố trước đây là ban xây dựng chương trình đã bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc. Nghĩa là không bó cứng ở 6 tác phẩm được công bố ban đầu mà cho phép lựa chọn đưa vào chương trình học các tác phẩm văn học viết, của các tác giả sau đây: Thuật hứng (số 24), Thư lại dụ Vương Thông, Ngôn chí (số 20), Bảo kính cảnh giới (số 43) của Nguyễn Trãi; Độc Tiểu Thanh kí, Long thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du; Tự tình 2, Mời trầu, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương; Lục Vân Tiên, Chạy Tây, Ngóng gió Đông của Nguyễn Đình Chiểu; Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Ông Nghè tháng Tám, Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến; Mộ, Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Thuế máu, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh; Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt của Nam Cao; Số đỏ, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng; Vội vàng, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, Thơ duyên của Xuân Diệu; Từ ấy, Khi con tu hú, Việt Bắc, Lượm, Mẹ Tơm, Ta đi tới, của Tố Hữu; Vũ Như Tô, Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng; Chữ người tử tù, Cô Tô, Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Tuy nhiên, với danh sách nhóm biên soạn chương trình đưa ra, người ta thấy vắng bóng những tác phẩm văn học cách mạng, những cái tên như : Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Kim Lân, Chính Hữu, Nguyễn Duy, Huy Cận… vốn làm nên đỉnh cao của dòng văn học cách mạng lại không được bổ sung trong lần sửa đổi này. Cảm giác hụt hẫng vì thế cũng là điều dễ hiểu. Trước đó, GS.TS Đinh Xuân Dũng- nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học- nghệ thuật Trung ương cũng đã đề nghị cần bổ sung thêm vào chương trình nhiều tác phẩm văn học khác bởi theo ông, một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. Đồng thời ông cũng kiến nghị nên thành lập một ngân hàng tác phẩm “mềm” với số lượng tác phẩm chỉ khoảng từ 10-15% so với phần “cứng” để lựa chọn giảng dạy. Điều này vừa “mở” nhưng cũng vừa đảm bảo chương trình.
Và nỗi lo bỏ quên dòng văn học cách mạng
Theo kế hoạch, sau khi tiếp thu ý kiến các cấp, ngành, các nhà giáo, giới chuyên môn và toàn xã hội, chương trình sách giáo khoa ngữ văn mới sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa dự kiến bắt đầu từ năm 2019. Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn chưa đồng thuận khi mục tiêu đổi mới môn văn trong nhà trường là bắt kịp tư tưởng tiến bộ về văn chương, vừa định hướng thẩm mỹ, tư tưởng, văn hoá cho những công dân tương lai của đất nước đồng thời bồi đăp tâm hồn để các em học sinh yêu quý, say mê môn văn thì dường như vẫn còn quá mơ hồ. Tiêu biểu như những tác phẩm văn học được đưa vào chương trình văn 9 như: Tiểu đội xe không kính, hay Người con gái Nam xương… sau khi đọc hiểu văn bản, nội dung yêu cầu các em phải đạt được đó là nắm bắt được hoàn cảnh ra đời, tinh thần lạc quan ( Tiểu đội xe không kính); tố cáo chế độ cũ hà khắc, chà đạp lên thân phận người phụ nữ (Người con gái Nam Xương)…từ đó có những đoạn văn nghị luận liên hệ đến lý tưởng sống của thanh niên hiện nay và về những tiến bộ trong bình đẳng giới… Đến đây nhiều câu hỏi đã được đặt ra, vì sao không đưa vào chương trình những tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới, vì sao lấy hình ảnh Người con gái Nam Xương, lấy hình ảnh Bà Triệu- những người phụ nữ đại diện cho thời cổ đại và trung đại để nói về người phụ nữ ngày nay. Tại sao không là chị Út Tịch hay Chị Sứ… những nhân vật văn học thuộc dòng văn học cách mạng gần gữi với các em hơn… Do đó, đã xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng nội dung chương trình quá nặng, bởi với sự hiểu biết của các em thì những kiến thức xã hội vẫn còn hạn chế, chưa kể chuẩn mực trong văn học vốn không chỉ giản đơn là những công thức trong toán học, nên với người này quan điểm đó là đúng nhưng với người khác chưa hẳn đã như vây. Chưa kể đây là những tác phẩm vốn được đưa vào chương trình dạy và học ở cấp cao hơn.
Thực tế, văn học Việt Nam không chỉ dừng lại ở những áng văn thơ cổ mà còn có một dòng chảy văn học cách mạng mà ở đó tinh thần quật khởi, lý tưởng sống của người Việt Nam thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Song với tư duy biên soạn không theo tiến trình lịch sử mà chỉ chú trọng biên soạn chương trình theo hướng. phát triển năng lực biết đọc hiểu, biết tiếp nhận, biết cảm thụ, phân tích và đánh giá các giá trị văn học thông qua những tác phẩm tiêu biểu thì rất khó để các em có thể hiểu biết về sự ra đời cũng như cảm hứng chủ đạo chi phối lao động sáng tạo của nhà văn trong một tiến trình lịch sử cụ thể. Văn học không thể thoát ly cuộc sống và càng không thể bắt người học phải học và cản thụ những tác phẩm văn học vốn quá xa lạ với các em, nhưng chỉ được thầy cô dạy theo lối tự cảm thụ thì hẳn là rất khó. Chưa kể, thông qua đó nhằm phát triển cảm xúc thẩm mỹ, tâm hồn, tình cảm, nhân cách (năng lực thẩm mỹ – nhân văn)… Chình vì vậy, việc bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc là sự điều chỉnh mang tính tích cực, góp phần giảm bớt sự mất cân đối khiến dư luận và báo giới tốn nhiều giấy mực thời gian qua.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lần điều chỉnh cuối cùng bởi chương trình môn ngữ văn chỉ có thể hoàn chỉnh khi không còn chỗ cho những bài văn mẫu, cho những giáo trình biên soạn sẵn làm thui chột sức cảm thu của học sinh. Và để kết thúc bài viết, xin được dẫn lời Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam việc biên soạn chương trình ngữ văn SGK mới là công việc hết sức quan trọng, không chỉ đối với việc dạy và học ngữ văn hôm nay mà còn vì nền văn học tương lai của nước nhà; bởi những học sinh hôm nay được học những tác phẩm nào, được bồi đắp tâm hồn khát vọng như thế nào, để vài chục năm nữa sẽ có những nhà văn tên tuổi của nền văn học Việt Nam trong tương lai. Đây là chiến lược con người, chiến lược văn học, mà Bộ giáo dục & đào tạo có vai trò hết sức trọng yếu. Vì vậy, những cuộc tọa đàm như hôm nay là hết sức cần thiết và Hội Nhà văn sẽ tiếp tục bằng những cuộc tọa đàm, hội thảo khác nữa và những buổi làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa, lãnh đạo Bộ giáo dục & đào tạo và các nhóm biên soạn của Bộ giáo dục & đào tạo.
Nguồn: Văn nghệ, ngày 21.4.2018.