“Có lẽ lời cầu nguyện của gã thợ vẽ đã đến tai đấng Allah chí tôn nên một hôm, vào lúc sẩm tối, có hai người khách đến gõ cửa nhà gã…”
“Có lẽ lời cầu nguyện của gã thợ vẽ đã đến tai đấng Allah chí tôn nên một hôm, vào lúc sẩm tối, có hai người khách đến gõ cửa nhà gã…”
Vào thời nữ hoàng Kara Lambađa ở thương cảng Basơra (1) có một gã thợ vẽ kiểu nhà. Tuy không thuộc loại tài năng xuất chúng nhưng gã thợ vẽ cũng đủ công ăn việc làm. Có điều gã chỉ được vẽ những loại nhà nhì nhằng thôi. Như mọi gã thợ vẽ trên đời, gã thợ vẽ trong chuyện này cũng ngày đêm cầu đấng Allah ( Thánh A-la) dun dủi cho gã được vẽ những công trình cỡ như ngôi đền Taj Mahal (2) của hoàng đế Ấn độ Shah Jehan, hoặc ít ra cũng là một lâu đài của một nhà quí tộc nào đó có hình dáng và nội thất kỳ vĩ, độc đáo để gã được lưu danh hậu thế.
“Có lẽ lời cầu nguyện của gã thợ vẽ đã đến tai đấng Allah chí tôn nên một hôm, vào lúc sẩm tối, có hai người khách đến gõ cửa nhà gã…”
Nhưng mà thôi, tôi sẽ kể chuyện này theo cách thông thường kẻo các vị lại cho rằng tôi bịa đặt, mặc dù câu chuyện kỳ cục giống như truyện “Một nghìn một đêm lẻ” của xứ Ảrập, nhưng là chuyện thực, và gã thợ vẽ kiểu nhà trong chuyện chính là tôi chứ không phải ai khác.
Xin kể tiếp:
Hai vị khách đến nhà tôi tối hôm đó là hai vị tiền bối trong làng xây dựng đã lừng danh một thuở, rất đáng được kính trọng và tin cậy.
Một vị ghé vào bản vẽ của tôi: “Cái gì thế này, nhà dân à? Vứt! Bọn ta đem đến cho chú một công trình ngoại hạng đây.”
Vị kia tiếp: “Vào việc luôn. Theo kiểu Mỹ, không rườm rà” – Ông trải ra một tờ giấy với những nét vẽ bằng bút bic nguệch ngoạc chỉ vị trí, kích thước khu đất xây dựng.
Một công ty thiết bị điện tử siêu quốc gia ở HN có ông tổng Giám đốc là một nhà khoa học, cần xây dựng một bullding làm văn phòng đại diện. Kinh phí xây dựng là vô hạn, chỉ cần kiến trúc thật đẹp, thật nổi bật và phải là một công trình không lạc hậu cho đến khi nền kiến trúc hiện đại cáo chung.
À, đây rồi! Đây chính là công trình trong mộng tưởng của tôi. Tôi đờ đẫn cả người vì hạnh phúc rơi vào đầu tôi quá đột ngột. Không những thế hai vị còn tuyên bố không cần một tý “puốc xăng” nào trong khoản thiết kế phí của mấy tên thợ vẽ khốn khổ, Các vị đã có cái món kếch sù là thầu thi công.
Hai vị phúc thần của tôi bay đi sau khi hẹn ngày lấy hồ sơ.
Tôi dẹp hết mọi công việc để lao vào công trình lý tưởng ấy. Suốt ba tuần lễ tôi lên cơn sốt sáng tạo. “Tồn tại cùng với nền kiến trúc hiện đại” Chà, việc này phải mời chư vị kiến trúc sư của đất nước mặt trời mọc mới xong. Tôi lôi các ông Kenzo Tange, Maykawa, và Shiko Kurokawa v.v… từ trong tủ sách ra “xin ý kiến”. Vì tôi cho rằng sáng tác bắt nguồn từ cảm hứng và nghệ thuật kiến trúc truyền thồng như các kiến trúc sư Nhật đã làm chắc chắn sẽ tạo ra những công trình để đời.
Hai phương án kiến trúc phác thảo đã xong với sự hỗ trợ của các chiến hữu. Tôi sút mất hai ký lô, mỗi phương án vị chi tiêu mất một kí! Cũng đáng lắm, có lẽ cái ông Tổng Giám đốc của công ty ấy sẽ phải xây dựng cả hai phương án. Đúng hẹn, hai vị môi giới đến đem hồ sơ đi HN. Tôi khắc khoải đợi chờ như người đánh đề đợi kết quả sổ số.
Rồi họ trở về, mặt mày rạng rỡ: “Chú mày khá lắm, cha tổng Giám đốc rất khoái. Nhưng tình hình có khác hơn và đáng mừng hơn là thằng cha ấy có quá nhiều tiền, hắn đã thôn tính được cả một dãy phố để làm công trình vĩ đại hơn”.
Đa tạ thượng đế. Tôi từ trước đến nay hay làm việc phúc đức, luôn cho tiền những hành khất và hát rong, tôi không hề giết một con kiến. Bây giờ Trời Phật đã có chế độ đãi ngộ đối với tôi.
Lần này tôi được thời hạn một tháng vì ông tổng Giám đốc bận ra nước ngoài giải quyết một vụ buôn bán tàu biển. (Sao thiết bị điện tử lại liên quan tới buôn tàu biển nhỉ? À đúng rồi, bây giờ người ta có thể làm được tuốt, ai cũng có cái đầu đa hệ mà.)
Sau một tháng, tôi và các chiến hữu hoàn thành hai phương án mới tôi sung sướng gấp đôi trước và tuy không cần kiểm tra sức khoẻ nhưng tôi cũng biễt là mình sút cân gấp đôi lần trước.
Tôi đã tưởng tượng đến lúc công trình được xây dựng. Trong lễ khánh thành giữa các tiếng reo vui của các quan khách, tiếng pháo nổ và tiếng bật nút săm-panh, tôi sẽ rưng rưng nước mắt nắm tay ông tổng Giám đốc bày tỏ sự biết ơn đối với vị Mạnh Thường quân đã cho tôi một cơ hội để thành danh trong nghề vẽ kiểu nhà. Còn về mặt tài chính thì… rồi thiên hạ sẽ biết, tôi sẽ sắm một lúc hai cái xe cub loại tối tân nhất thuộc hệ tự động hoàn toàn, loại xe mà cho tới năm 2000 vẫn còn là ước mơ của các tay chơi.
Hai vị môi giới từ Hà Nội về với vẻ mặt tươi tới mức không còn có thể tươi hơn được nữa: “Tuyệt chú em ạ. Hắn ta không ngờ chú mày đoán được cả ý muốn của hắn. Cái vườn treo hiện đại theo kiểu New York và cái bể bơi trong mây đã làm hắn mê mẩn. Tuần sau, cha Tổng Giám đốc sẽ về tỉnh ta bàn về việc xây dựng công trình. Thiết kế nền móng trước, xây ngay.”
Nếu có cái máy đo niềm vui – một cái “hoan hỉ kế” – mà áp vào ngực tôi lúc đó, chắc là máy sẽ cháy luôn.
Tôi chờ đợi với nỗi phấn chấn tăng lên hàng ngày tới mức không chịu nổi phải khoe với vợ tôi: “Ta sắp chuyển sang trang mới rồi, u mày sẽ biết. Nu Pagađi – Thỏ, hãy đợi đấy!”
Đến ngày hẹn. Chúng tôi thắng bộ complet, cravat giữa trời hè nóng ba mươi nhăm độ, ngồi đợi ông Tổng Giám đốc.
Tổng Giám đốc đến. Từ chiếc Toyota thượng hạng, ông ta và đoàn tuỳ tùng bước xuống trước sự thán phục của dân phố. Chiếc xe lại phóng đi luôn.
Trái với chúng tôi, ông tổng Giám đốc và các thuộc hạ mặc áo cộc tay nhàu nát, chân đi dép lê. Ờ, có ối nhà tỷ phú Mỹ ăn mặc như những gã bụi đời. Chúng tôi đâm ngượng về sự trịnh trọng quê mùa của mình.
Sau câu thăm hỏi xã giao, tổng Giám đốc cho biết ông không có chương trình làm việc với chúng tôi. Ông đến Hải Phòng là để bàn về việc xây dựng một cái Cảng ngư nghiệp liên doanh với nước ngoài, giá trị tới vài chục triệu USD. Chúng tôi há miệng thán phục cái con người mới ngoài bốn mươi tuổi một chút mà chí lớn tài cao đến vậy. Chúng tôi khẩn khoản xin ông ít phút để bàn về việc xây dựng bullding của ông. Tổng giám đốc chấp thuận.
Trước hết ông đánh giá cao nhiệt tình sáng tác của tôi, ông tỏ ý hài lòng về cái bể bơi trong mây và khu vườn treo. Sau đó ông dội cho tôi một thùng nước lạnh là các phương án thiết kế của tôi chưa đúng với ý muốn của ông. Gọi là office nhưng thực ra công trình của ông phải là một võ đường luyện công. Tổng Giám đốc cho biết là đã từ lâu ông theo đuổi muôn khoa học siêu phàm này. Việc kinh doanh khác chỉ là một mặt phụ trong hoạt động đa dạng của công ty. Ông đã “luyện công” tới mức có thể tắt mở ti vi từ xa mà không cần dùng đến remote control ( thiết bị điều khiển ). Ông đến Hải Phòng từ hôm trước. Đêm qua, ở Đồ Sơn ông thử “phát công” về H và đã có kết quả.
Tôi nhìn sang hai vị môi giới và hai vị đó cũng tròn mắt nhìn lại tôi. Tôi đã nghiên cứu nhiều sách chưởng, tôi đọc thấy rằng những bậc đại cao thủ trong võ lâm, những người mà công phu đã đạt tới mức thượng thửa cũng chỉ “cách không phát chưởng” đánh gẫy cây vỡ đá cách xa vài trượng mà thôi. Mà cũng phải hàng trăm năm võ lâm mới sản sinh ra được một nhân tài cỡ như vậy. Đằng này ông tổng Giám đốc lại có thể thi triển tuyệt học “cách thiên lý phát công” thì thiên hạ nghìn năm may ra mới có một.
Ông còn cho biết là ông có thể đọc được ý nghĩ trong đầu người khác. Và lập tức ông nhìn trừng trừng vào mắt tôi bằng cái nhìn khác thường.
Tôi hốt hoảng vội cố xua đuổi một ý nghĩ không lành mạnh chợt hiện ra trong đầu. Tôi đang nghĩ là rồi đây liệu ông có thanh toán cho chúng tôi công sức lập bốn phương án thiết kế kia không?
Quả là ông đã đọc được ý nghĩ tầm thường đó của tôi. Ông nói rằng tiền nong không thành vấn đề, ông cần một thiết kế đặc biệt mà hai vị môi giới đã không truyền đạt đúng ý muốn của ông.
Đó là một võ đường luyện công để ông có thể một lúc phát công cho hai trăm đệ tử, truyền nội lực cho họ.
À như vậy là ông muốn có một công trình có những khối hình biến hoá, xung đột đầy kịch tính như một dị bản của kiến trúc Barocco để có thể tạo ra những xung điện và từ trường có lợi cho việc luyện công phu.
Tôi lại sung sướng và hy vọng. Tôi đã chẳng ước ao được thiết kế một công trình đặc biệt là gì.
Tôi sẽ đọc Kinh Dịch để học về Bát quái, về âm dương ngũ hành. Tôi sẽ tìm hiểu về phép bày “Thạch đồ trận” của Khổng Minh. Tôi sẽ khảo cứu phép dụng binh của Tôn Tử để biết cách sắp xếp “Ma trận” và “Mê cung”.
Công trình của tôi sẽ trở thành một kiệt tác, sẽ gây kinh ngạc trong giới kiến trúc. Người ta sẽ so sánh nó với nhà thờ Rông-săng của Le Corbusier về lối chơi ánh sáng kỳ bí hoặc đem nó ví với bảo tàng nhân chủng học Gughenhaimo của Frank Lloyd Wright về tính triết lý cao siêu.
Ông tổng Giám đốc hứa sẽ gửi cho tôi một cuốn băng Video kể về “công phu” của ông, rồi cùng đoàn tuỳ tùng về HN. Ông về bằng tàu hoả vì cái Toyota thượng hạng ấy biến đi đâu mất.
Sau đó ít lâu, tôi được biết cái công ty siêu quốc gia ấy chẳng có tiền, có đất gì cả. Còn ông tổng Giám đốc ấy chỉ có mỗi cái “chí lớn” thôi. Bốn phương án thiết kế của anh em tôi không biết trôi dạt nơi nào.
Còn tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn đang nghiền ngẫm về kiệt tác kiến trúc của mình. Và tôi cũng tập luyện công để cố xua đi khỏi đầu óc một câu hỏi không lành mạnh: “Ai trả tiền công cho mấy anh em chúng tôi về bốn phương án kiến trúc mà chúng tôi đã dồn tâm huyết tạo nên?” Nếu như ở HN ông tổng Giám đốc đọc được ý nghĩ xấu này của tôi thì không hiểu ông sẽ làm gì với gã thợ vẽ kiểu nhà khốn khổ ở thành Basơra này.
Ông sẽ thương tình mà “trả công” cho gã, hay là ông sẽ nổi giận từ xa “phát công” phóng chưởng vào đầu gã cho bõ ghét?!
V.B
Chú thích:
(1) Cảng Basơra thì có thật trong truyện “một nghìn một đêm lẻ” Nhưng “Nữ hoàng Kara Lambađa thì,… xin quí vị tha lỗi, người viết đặt bừa một cái tên.
(2) Ngôi đền Taj Mahal do hoàng đế Sab Jehan xây dựng để tưởng niệm một mối tình.