Chuyện đời dâu bể – Truyện ngắn của Phạm Xuân Hiếu

Đáng lẽ những di chỉ đó cần được bảo quản, gìn giữ không bị xâm hại thì các ông lại hiện đại hoá thành vật liệu xây dựng. Ở đất nước chúng tôi, mơ những di chỉ tiền sử như thế không có nên tôi mới ấp ủ sang đây. Nếu đúng như vậy, tôi đến cũng không còn gì để nghiên cứu. Ngày mai, xin phép hai ông tôi bay về nước. Công việc ở bên đó tôi rất bận”…

Đáng lẽ những di chỉ đó cần được bảo quản, gìn giữ không bị xâm hại thì các ông lại hiện đại hoá thành vật liệu xây dựng. Ở đất nước chúng tôi, mơ những di chỉ tiền sử như thế không có nên tôi mới ấp ủ sang đây. Nếu đúng như vậy, tôi đến cũng không còn gì để nghiên cứu. Ngày mai, xin phép hai ông tôi bay về nước. Công việc ở bên đó tôi rất bận”.

 

“Cậu ở nhà giờ chắc cũng giàu” – Giao nói chắc nịch. Tôi lắc đầu: “Tính mình hay nói thẳng, không lắt léo, giàu làm sao được. Hiện giờ trong số bạn bè mình ngày xưa ai giàu nhất? Ai nghèo nhất?”. Giao hậm hực, vẻ bực mình: “Thằng Ba Toác giàu nhất. Thằng Liều nghèo khổ nhất”. Tôi tròn mắt: “Sao lại có sự ngược đời như vậy? Thằng ba hoa nói một tấc lên mây, bán trời không văn tự lại giàu. Thằng phấn đấu không biết mệt mỏi lại nghèo đi, lạ nhỉ!”…

Tôi dẫn người bạn nước ngoài vào khách sạn thuê phòng rồi nói nhỏ: “Ông ở đây đợi tôi đi tìm người thân”. Tôi đến nhà Giao – người bạn chí cốt trước lúc vượt biên. Chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào. Tôi nhìn Giao ước lượng những thay đổi sau ba mươi năm. Vầng trán nhăn, mái đầu một màu trắng, dáng vẫn trai lơ, vồn vã, ôn tồn: “Về bao giờ? Sao không điện cho mình ra đón?”.

Ngày tôi lên thuyền trốn đi Hồng Kông, Giao tháo chiếc đồng hồ Ponrot ấn vào tay: “Cầm làm vốn”. Tôi sửng sốt đưa lại vì đồng hồ là tài sản quý hiếm, chỉ những tay chơi mới dám đeo; người vượt biên thường tìm mua mang theo. Giao còn đưa thêm một bọc gói giấy báo, bảo là đồ cổ mang sang bên đó bán đắt lắm.

Tôi ngần ngừ không cầm, Giao cứ ấn vào tay hai thứ: “Mất thôi. Được làm vua, thua không sao!”. Chiều bạn, tôi cầm hai món đồ xuống thuyền theo “lệnh” của Giao. Sang đến Hồng Kông, tôi mới biết trong gói đồ cổ Giao đưa có một đôi đĩa men xanh ngọc dày nặng. Lòng đĩa đắp nổi đôi cá chép ngược chiều nhau, bên ngoài hoa văn vuốt cánh sen.

Một đôi bát mười tám phân cốt sứ men ánh trăng vẽ hoa cúc kín xung quanh. Ba cái rìu, hai cái vòng tay, mấy cái khuyên tai đều bằng đá xám xấu xí. Tôi nghĩ bụng Giao thần kinh hay sao mà đưa cho toàn những thứ vớ vẩn, các thêm tiền cũng không ai lấy.

Tôi với Giao cùng làm ở Công ty Đúc Lắp, Đội Xây dựng. Ở chung một lán, mộng mơ thi đỗ vào đại học nhưng không được vì “lý lịch có vấn đề”. Bố Giao là địa chủ. Chú tôi đi Bảo Hoàng. Thành phần như chúng tôi chỉ được phân công vào đội lao động phổ thông chuyên đào móng, đóng cọc, xây tường. Giao có năng khiếu đàn hát, ngâm thơ, vẽ giỏi, tính galăng, giao lưu rộng.

Mỗi lần đi thăm bạn gái, Giao diện đúng mốt: quần Simily gỗ là thẳng tắp, dép nhựa tiền phong trắng, đầu chải bóng. Giao bảo: “Đứng trước phụ nữ phải oai, phải oách mới dễ chiếm cảm tình”. Tôi lù khù ít nói, không có năng khiếu gì nên đi bên Giao bao giờ cũng bị các cô gái để ngồi một mình.

*

Đến Hồng Kông, nhờ mấy thứ Giao giúi cho mà tôi được ông Catos – Trưởng đoàn người tị nạn quan tâm. Khi thẩm vấn, kê khai tài sản mang theo, tôi bỏ những món đồ cổ ra. Ông Catos bần thần vì bất ngờ nhìn thấy đồ quý. Ông nhẹ nhàng với tôi hơn người khác: “Nhà anh nhiều đồ cổ! Sao lại vượt biên?”. Chắc ông nghĩ tôi giỏi về lĩnh vực này. Tôi không hiểu, thanh minh: “Tôi thân một mình, có vàng bạc gì đâu?”. Ông ta nhìn tôi chỉ mấy thứ rồi giơ ngón tay cái ý nói “năm bờ oăn”. Người  biết chơi đồ cổ là người có nhiều kiến thức.

Mấy ngày sau tôi được mời lên văn phòng riêng của ông Catos. Ông nhỏ nhẹ: “Anh đồng ý bán đôi bát, đôi đĩa đời nhà Tống và những đồ tiền sử kia? Tôi sẽ cho anh đi nước thứ ba sớm. Anh lấy bao nhiêu tiền?”. Tôi ngỡ ngàng không hiểu đồ đời Tống là gì? Đồ tiền sử là gì? Mấy cái bát, cái đĩa xấu xí có đựng thức ăn cũng không ai dám gắp. Không biết Giao có được từ đâu? Lại biết ở nước ngoài đắt lắm.

*

Tôi biết nhà Giao ở gần dãy núi Tràng Kênh, một di chỉ khảo cổ học. Ngày cải cách, tài sản, nhà cửa Giao bị tịch thu không còn gì. Bố mẹ ra bờ đê ở. Giao yêu nghệ thuật, ham đọc sách, nhanh nhạy thị trường, hay giao lưu với giới trí thức nên chuyện gì cũng am tường. Tôi đọc ít, quan hệ ngoại giao kém nên mọi thông tin biết được đều nhờ Giao kể cho nghe.

Tôi đoán, những món đồ cổ Giao xin được trong thời kỳ bài trừ mê tín dị đoan. Đình chùa phá làm kho, tượng thờ, bát hương vứt lăn lóc ngoài sân, góc vườn. Đồ cổ xin cho nhau dễ hơn xin tí thuốc đánh răng, mượn bánh xà phòng. Khi ấy, mọi thứ giá trị là miếng cơm manh áo, không ai quan tâm đến những món đồ cổ xấu xí, xa vời với đời sống tầm thường hàng ngày.

Sang Hồng Kông, tôi hy vọng chiếc đồng hồ bán được, có vốn dựng nghiệp, nhưng không ngờ đồng hồ Liên Xô bên đó không xài. Thị trường Hồng Kông là thiên đường kinh tế của châu Á. Thứ gì nhìn cũng mới lạ, đẹp như trong mơ. Phận nghèo, lạc hậu ăn không no, mặc không ấm như tôi nhìn thứ gì cũng thích. Tất cả những thứ người vượt biên mang sang đều bỏ đi tất. Cái bọc bát đĩa Giao đưa tôi vẫn cho là đồ bỏ đi, đến khi vị đại diện say mê hỏi mua, tôi mừng hơn vớ được vàng, liền bảo ông: “Chỉ cần đi được nước thứ ba, không bị đuổi về, tôi tặng ông tất cả”. Vị trưởng đoàn lắc đầu: “Tôi không dám nhận nếu anh không lấy tiền”.

Tôi cầm một sấp đôla, đếm được mười ngàn, cùng với gia đình cô người yêu đi nước thứ ba sớm nhất. Ở Thụy Điển tôi được bố trí việc làm và nhà ở. Mấy cái bát đĩa giúp gia đình người yêu thơm lây nên khen tôi có tài. Tôi biết mình tài cán gì đâu.

Đường cùng mới phải vượt biên theo cô bạn trốn ra nước ngoài không mất đồng nào còn phiền họ, sao dám làm cao. Catos thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, mấy lần đến chơi muốn tìm hiểu xuất xứ những món đồ. Tôi kể bừa ở Việt Nam rất nhiều nhưng không ai biết chơi. Nhiều người đào bới được đồ cổ trong các hầm mộ, tìm được đồ đồng, đồ đá trong núi. Catos chăm chú nghe, thích thú hẹn ngày cùng tôi về Việt Nam. Tôi ầm ừ vâng dạ cho qua chuyện.

Nhiều năm tôi chuẩn bị về thăm quê nhưng không về được vì chuyện nọ, chuyện kia tự dưng đưa đến, không hiểu tại sao? Tuy không duy tâm nhưng trong thâm tâm thường ám ảnh những món đồ cổ và những chuyện đào bới mồ mả lúc còn làm xây dựng cùng với anh em. Những người cùng chuyến vượt biên năm ấy chỉ còn mình tôi, ba mươi năm mới được về thăm thân nhân, thăm Giao.

*

Nhà Giao trong đặc khu Cẩm Dương. Căn biệt thự có lối kiến trúc nửa Âu, nửa Á đẹp không kém gì những ngôi nhà cổ thời La Mã. Chiếc xe Lexus đời mới đỗ trong gara. Bên cạnh là vườn cảnh. Những cây tùng, cây bách, cây sanh vài trăm năm được trồng trong những chiếc chậu vuông, tròn, chữ nhật khổng lồ màu nâu thẫm. Mỗi cây một vẻ, dáng thế Rồng thăng, Phượng múa, Trực, Huyền… Tất cả bày thành từng hàng bên cạnh vườn phong lan đua nhau toả hương, khoe sắc. Dãy lồng chim tre trúc đan xen những thế cây. Chim hoạ mi, chim yến, sáo, vẹt như tỉnh giấc nghỉ trưa, thi nhau hót như một dàn hợp xướng. “Nhạc trưởng” là chú chim gáy gật gù, cúc cu nhịp nhàng rộn rã.

Nhìn khuôn viên, tôi ngỡ không phải đang ở Việt Nam, đang ở nhà bạn mình. Người bạn nghèo khó một thời, nay đã đổi thay quá nhiều. Tôi phải thốt lên: “Sao cậu giàu thế?”. Giao cười: “Mình nhằm nhò gì. Bằng cái vẩy của mấy đại gia”.

Thấy tôi chưa tin, Giao tiếp: “Ở Việt Nam bây giờ nhiều người giàu lắm. Việt kiều các cậu xếp thứ hai. Hiện cậu đang ở đâu? Về đây ở với tớ cho vui”. Tôi ầm ừ: “Biết thế”. Giao dắt tôi vào phòng khách, với chai Giemy: “Uống một ly chúc mừng hội ngộ”. Tôi bần thần: “Nhiều năm chưa về, không ngờ đất nước khác lạ quá”.

Giao nâng ly: “Cậu đi được hai năm, mình nghỉ cơ quan, thành lập công ty đi thu mua bạch đàn, sắt phế liệu, phá dỡ tàu cũ vật liệu rác thải công nghiệp chưa ai để ý, khai thác, lãi không ngờ. Có vốn mình bám càng mấy tay lập dự án, buôn bất động sản, đầu tư đất đai, mới có cơ ngơi như thế này”.

Tôi gật gù: “Con cháu địa chủ có khác, sớm nhạy bén với thương trường. Nhà nước mới hé cửa một tí là lách luật làm giàu. Không khéo lại là địa chủ thời hiện đại, có ngày bị tịch thu tài sản trắng tay”. Giao lắc đầu: “Bây giờ không có chuyện đó”. Tôi liền hỏi: “Thế Giao có dám công bố tài sản là bao nhiêu không?”.

Giao thư thả: “Không dám, loại như mình vài triệu đô trong thành phố này đếm không hết, nhưng chỉ là hiểu ngầm với nhau. Còn loại vài chục triệu đô gửi ngân hàng Thụy Sỹ thì trên mạng có, nhưng ai kiểm chứng, ai kiểm tra”. “Lại còn thế, ở Việt Nam làm giàu dễ nhỉ? Bên Tây, lương kỹ sư quản đốc như mình chi các khoản, tháng để ra một ít, nếu đi du lịch là hết. Mấy chục năm mà bây giờ vẫn chưa trả hết tiền nợ mua nhà”.

Giao nói như giảng giải: “Cậu đi lâu không biết, bây giờ ở Việt Nam nhà nào cũng có vàng. Thời cậu ở nhà, ai có một, hai chỉ là mua được nhà. Bây giờ mỗi căn hộ như vậy vài chục, vài trăm cây vàng, cậu bảo đất nước nghèo ở chỗ nào?”.

“Cậu ở nhà giờ chắc cũng giàu” – Giao nói chắc nịch. Tôi lắc đầu: “Tính mình hay nói thẳng, không lắt léo, giàu làm sao được. Hiện giờ trong số bạn bè mình ngày xưa ai giàu nhất? Ai nghèo nhất?”. Giao hậm hực, vẻ bực mình: “Thằng Ba Toác giàu nhất. Thằng Liều nghèo khổ nhất”. Tôi tròn mắt: “Sao lại có sự ngược đời như vậy? Thằng ba hoa nói một tấc lên mây, bán trời không văn tự lại giàu. Thằng phấn đấu không biết mệt mỏi lại nghèo đi, lạ nhỉ!”.

Giao ho sặc sụa chạy ra ngoài, vào tớp hớp rượu: “Thằng Ba Toác giàu nhất, được xếp vào hàng đại gia thành phố, nhưng mình vẫn khinh”. “Khinh?” – Tôi càng sửng sốt – “Giao nói thế là thế nào?”.  Giao bảo: “Chả thế nào cả”.

“Sau chiến tranh, nhiều dự án nước ngoài đầu tư xây dựng kinh tế. Tiền cần đất để xây dựng. Thế là đất thành vàng. Vàng thành dự án. Dự án sinh ra tiền. Tiền sinh ra cơ chế. Cơ chế đẻ ra cò, cò nông nghiệp, cò công nghiệp, cò nhà ở… Các cò này đều cơ hội, không cần có học chỉ cần quen biết, dẻo mép là xong. Trong lớp cò này thằng Toác ranh ma hơn, chuyên bám dự án chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất nhà ở nên giàu lắm.

Cậu thử làm phép tính: Một mét đất 03 thu hồi, đền bù giá chỉ đến vài chục ngàn. Sau khi đo vẽ ghi mấy chữ “đất ở lâu dài” đóng dấu son, giá thị trường một vài chục triệu đồng một mét, hỏi làm sao cò không giàu. Toác được bật đèn xanh trúng dăm dự án, thế là thành đại gia, tiền không biết để đâu. Có tiền Ba Toác thành doanh nhân có tư cách, đi với lãnh đạo. Nói có người nghe, đe có người sợ, quan nào cũng thân, vào đâu cũng được. Giới khoa học, trí thức tài ba cũng phải ngả mũ lắc đầu về tài uốn ba tấc lưỡi của Toác. Cậu đến gặp Toác bây giờ chắc không được tiếp”.

Tôi băn khoăn: “Ở ta có nhiều người giàu kiểu như Toác không? Mà tiền vàng ở đâu ra mà nhiều thế?”. Giao cười nhạt: “Cậu vẫn chưa hiểu. Đã bảo ở dự án, ở đi vay nước ngoài. Rồi đến mấy đời cháu, chắt cũng không trả hết nợ. Cậu xem ở mình có gì xuất khẩu ngoài gạo, cá, may mặc giầy dép làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài. Những thứ đó thu được bao nhiêu ngoại tệ? Dân sài toàn đồ ngoại. Tiền ở đâu? Tiền nợ, tiền bán đất, bán dự án…”.

Tôi khen Giao giỏi nắm tình hình thị trường. Giao nhìn tôi thản nhiên: “Thị trường hai mặt, không giỏi thiên hạ ăn thịt. Tranh thủ kiếm lại của chúng một ít phòng thân. Bánh xe lịch sử mà, nếu không bám vào vòng quay thì tự chết. Lương không đủ nuôi mấy đứa con ăn học. Thế mà giàu, giàu như ông vua. Thằng Toác chỉ đại diện cấp tỉnh nhỏ mà đã vậy, còn loại thằng Toác tỉnh lớn khỏi phải bàn”. Tôi cười: “Làm giàu ở nước mình như là huyền thoại. Còn thằng Liều nghèo đi tại sao?”.

Giao hơi cúi xuống, khuôn mặt buồn: “Ý cậu hỏi thăm Liều hả. Khốn nạn cho nó, khổ lắm. Khổ hết chỗ nói. Hai thằng con nghiện chết. Vợ bỏ đi. Hiện ở một mình sống dở, chết dở”. Tôi mủi lòng: “Lạ vậy sao?”. Hồi cùng làm ở đội cẩu với Liều, tôi không đồng xu dính túi. Liều đã có xe đạp Phượng Hoàng, đài Riotong, tiền tiêu rủng rỉnh”.

Giao bùi ngùi: “Cậu nói phải, có một thời Liều giàu hơn thằng Toác nhưng lụi ngay. Hiện khổ thật, khôn ngoan không lại với trời. Trời phạt! Trời phạt!”. Tôi nhổm người đứng lên: “Sao Giao lại nói vậy. Liều ở đâu? Dẫn tôi đi thăm”. Giao bảo: “Hãy bình tĩnh rồi đâu có đó, cậu quên mối hận rồi à?”. Tôi gật đầu chép miệng: “Hận gì nữa? Chuyện cỏn con đã ba mươi năm, kẻ thù thời chiến tranh bây giờ cũng xí xoá bắt tay nhau làm ăn, chung sống hoà bình. Huống hồ tôi với Liều, chấp làm gì? Thù hận chỉ thêm đau khổ, tội lỗi”.

Giao gật gù: “Cậu nghĩ phải, nhưng trời không để yên. Đúng. Thời hoàng kim Liều có vài chục tỷ. Nhà mặt phố tỉnh nào cũng có một vài cái. Đất đai nhiều vô kể. Nhưng bây giờ trắng tay, danh bại, thân liệt. Cậu biết nó lụi vì gì không?”. “Chịu”. Giao đanh giọng: “Tội đào mồ, cuốc mả lấy đất đai”.

À, tôi nhớ ra rồi, ngày làm máy xúc, bao nhiêu mồ mả vô thừa nhận, nó lấy gầu múc tất. Hàng loạt quan tài, tiểu sành bị răng gầu xúc nát. Đầu lâu, xương ống rơi vương vãi lẫn trong đất. Tôi can: “Liều làm như thế là động đến tâm linh, các cụ phạt chết”. Liều bảo: “Người chết thành đất còn gì mà thiêng. Miếu thờ còn phá. Người sống như tớ mới đáng sợ, đừng sợ mấy cái tiểu sành. Để tớ giải quyết nhanh lấy thành tích”.

Miệng nói chân Liều leo lên buồng lái múc bùn đất, tiểu  sành, ván thôi lẫn xương cốt đổ thành đống, nước chảy đen xì, tanh lợm giọng. Người tôi nổi gai, toát mồ hôi. Liều đào được một đoạn nhảy xuống sai tôi lên thay. Tôi không làm. Liều túm áo đẩy tôi lên xe, tôi vùng vằng. Liều tát tôi một cái rồi đưa tiếp quả đấm vào ngực.

Tôi gạt ra, phản công bằng một qủa “đia rếch” vào miệng làm hắn gẫy hai cái răng. Mọi người xúm vào can. Giao xuýt xoa: “Cậu gặp họa rồi”. Giao nói không sai. Tối đó họp đội, tôi bị kiểm điểm cắt mọi thứ, khai trừ khỏi đoàn và thông báo toàn công ty. Cuộc họp nào Liều cũng đưa ra bêu riếu. Nhục quá, thế là bỏ việc trốn đi nước ngoài.

Giao thong thả kể: “Liều lên giám đốc, nhiều người khổ lắm. Ai không về phe, ghép vào tội chống đối, đuổi. Đàn bà con gái vừa mắt, nhờ cậy gì là gạ gẫm xơi tất. Nhiều người mở cửa phòng thấy Liều đang hành sự phải khép cửa nhẹ nhàng đi ra. Khổ nhất là thằng Y có con vợ xinh làm nhân viên văn phòng, Liều dan díu mãi mà ngậm bồ hòn.

Bù lại, Liều cũng kí cho căn nhà cấp bốn hai mươi mét vuông. Lúc đương thời Liều thường lập những dự án trong khu vực có nghĩa trang mồ mả. Cậu có biết tại sao không? Vì ở đó thời xưa hay chôn đồ cổ. Chuyện này có liên quan đến cậu đấy”.

Tôi giật mình, lờ mờ hiểu ra chuyện mấy chiếc bát đĩa Giao đưa cho lúc xuống thuyền chắc là của Liều. Tôi nghe mà rợn cả người, cổ họng đau như nuốt phải xương. Đúng thật nhà Giao không có ai biết chơi đồ cổ. Giao lấy ở đâu?

Thảo nào từ ngày sang bên đó tôi thường ám ảnh về những món đồ ấy. Nhiều đêm mơ về bãi tha ma đen tối mịt mùng. Đầu lâu xương ống chạy như đèn sao. Một ông già lật đật mở nắp hầm cổ vật, rồi lăn ra vì trong hầm trống không. Chuyện đó có liên quan gì đến những thứ tôi mang đi? Sau mỗi lần mơ như vậy là Catos lại đến thăm tôi, rủ về Việt Nam. Bây giờ ông ta đang ở khách sạn, còn Giao thì hé mở chuyện ngày xưa.

“Ngày cậu nghỉ việc, Liều đào được hầm cổ vật. Lấy quyền lãnh đạo cho anh em nghỉ sớm. Đêm đó, Liều mò vào hầm lấy tất cả những món đồ cổ lành, chỉ để lại ít đồ vỡ. Sáng hôm sau những thằng thân tín Liều để lại phá hầm, còn đâu điều đi làm chỗ khác. Một hôm, mình đến nhà xin nghỉ phép thấy Liều đang bán bát đĩa cổ cho tay phiên dịch. Sợ lộ, Liều bảo: “Cầm mấy thứ về chơi”. Tiện tay mình lấy bốn thứ, sau đưa cho cậu lúc xuống thuyền”.

Tôi phân vân hỏi thêm: “Thế còn ít đồ đồng, đồ đá cậu lấy ở đâu?”. “Những thứ đó lấy ở hang động, một trong những di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh nhân một chuyến đi săn với ông chú là nhà sử học”. Tôi hỏi: “Hang đó như thế nào?”. “Cậu chưa vào bao giờ à? Tối om, lạnh lẽo, phải có đèn mới nhìn rõ trên vách đá vẽ những bức tranh loằng ngoằng, người chẳng ra người vượn chả ra vượn. Dưới đất thì đầu lâu xương ống, nồi niêu toàn bằng đất, sợ chết đi được. Ông chú bảo những thứ này của người tiền sử bọn Tây thích lắm. Thế là chú cháu mỗi người nhặt mấy thứ”.

Tôi thở phào. Thảo nào tay Catos cứ săn đón về Việt Nam, chắc muốn lần tìm di chỉ người nguyên thủy. Tôi không hiểu đồ cổ nhưng lúc xuống thuyền mà biết đồ cổ ở bãi tha ma, hang động như thế thì chắc chắn vứt xuống biển cho nhanh. Nghĩ mà sợ.

*

Chín giờ sáng hôm sau chúng tôi về thăm khu nhà lắp ghép “Chuồng Chim” nổi tiếng thời bao cấp. Ba mươi năm, những tấm bê tông hằn vết nối, gỉ sắt chảy vàng, tường rêu xanh xám, quần áo lô nào cũng phơi chật hiên, vài căn hộ mới xây chen khu đất trống. Giao dẫn tôi đến ngôi nhà mái tôn khuất sau mấy cây chuối bên bờ mương nước đen sủi bọt, mùi tanh hôi lợm giọng.

Giao đẩy cánh cổng bằng mấy cây dóc đan chéo nhau không biết để giữ cái gì trong cái sân đất cỏ mọc từng khóm. Tôi rờn rợn sợ giẫm phải đinh. Giao đánh tiếng: “Liều ơi! Có khách”. Trước mắt tôi là người đàn ông tóc trắng xoã kín vai, hóp má, mồm méo, mắt xếch đang gượng đứng trên đôi nạng gỗ sần sùi như cây củi. Tôi chột dạ không thể tin Liều ngày xưa to cao đẹp trai lại đến nông nỗi này?

Tôi đưa tay, Liều lắc lư, gật gật khuôn mặt méo xệch. Miệng mấp máy phát ra những âm thanh nghèn nghẹt trong cổ họng, không biết vui hay buồn. Tôi lấy khăn lau nước mắt. Liều một thời, thế này ư? Không giường chiếu, tủ bàn. Tấm đệm rách trải trên nền xi măng ở góc nhà.

Tôi kéo Giao ra đằng sau thì thầm: “Ngày mai cậu ra cửa hàng cùng mình chuyển về cho Liều chiếc tivi, tủ lạnh và bộ giường nằm”. Thật không ngờ đời Liều lại đến nông nỗi này. Bất chợt tôi rùng mình muốn đòi lại những món đồ đã bán, trả lại cho Liều. Liệu Liều có chuộc lại những lỗi lầm, cứu vớt tâm hồn khốn khổ.

Ra khỏi nhà Liều, tôi nói nhỏ với Giao: “Còn một việc quan trọng tôi chưa nói với Giao. Đợt này mình về cùng với ông Catos – một người rất mê đồ cổ. Chính ông ấy đã mua mấy thứ cậu đưa cho mình”. Giao hỏi: “Thế ông ấy đâu?”. Tôi bảo: “Đang ở khách sạn. Không biết mục đích chuyến đi này của ông ấy là gì? Nhưng mong muốn sang Việt Nam mấy chục năm rồi”. Giao trầm ngâm một lúc: “Đã vậy cứ đưa ông ấy về nhà mình rồi tính tiếp”. Tôi đồng ý vì không còn cách nào hơn.

Sáng hôm sau tôi đón ông bạn Tây về nhà Giao. Sau khi đi vòng quanh khu biệt thự, tôi giới thiệu với Catos: “Giao là bạn chí cốt một thời, người đã đưa cho tôi những món đồ cổ mà ông thích”. Catos niềm nở chắp hai tay theo phong tục Phật giáo phương Đông: “Hân hạnh được gặp ông, hy vọng được ông cho biết nhiều món cổ vật ông sưu tầm được”.

Giao xua tay: “Những thứ đó không phải của tôi”. Catos ồ lên vẻ thất vọng: “Thế của ai? Tôi rất muốn biết xuất xứ những món đồ ấy, ông có từ đâu?”. Sau khi nghe Giao kể, tôi tóm tắt dịch, đại khái là bốn chiếc bát đĩa đời nhà Tống trong hầm mộ, đào được ngoài cánh đồng trong khi xây dựng khu nhà ở. Còn rìu đá, khuyên tai lấy được trong hang đá dãy núi Tràng Kênh, một di chỉ khảo cổ học của người tiền sử.

Mắt Catos sáng lên như sắp được vàng: “Tuyệt, tuyệt. Tôi đoán không nhầm. Các ông có thể dẫn tôi về nơi đó xem được không? Tôi phân vân chưa biết trả lời ra sao, Giao đã cướp lời: “Được”.  Tôi thăm dò: “Giao không sợ dẫn người Tây đi đây đi đó bị ghép tội lộ bí mật, làm gián điệp à”.

Giao cười: “Chuyện đó cổ lắm rồi. Đất nước mình đã đổi mới, người nước ngoài đi đâu cũng được. Không như thời xưa, bọn mình nghe đài BBC phải vụng trộm. Cậu dẫn ông ấy ra xe về quê mình. Khu Tràng Kênh bây giờ đổi mới thành khu công nghiệp. Ngôi nhà bên bờ đê bố mình ở được đền bù làm nhà máy đóng tàu. Dãy núi đá có nhiều hang động cổ, được xếp hạng di chỉ khảo cổ học đang được công nghiệp hoá khai thác triệt để. Núi to, núi bé, hang, động chứa đựng những di vật của người tiền sử đang chui dần vào lò vôi, lò lanh ke làm xi măng, chui vào máy nghiền đá rải đường”.

Catos bật dậy như chiếc lò xo sau khi nghe lời dịch, tiến lại nắm tay tôi: “Ông nói gì? Có đúng thế không?”. Tôi bảo: “Đúng vậy, bạn tôi đưa ông về dãy núi đã lấy được đồ đồng, đồ đá tôi bán cho ông. Nhưng chắc chúng ta không vào được vì đang giờ chắn đường nổ mìn lấy đá”.

Tôi vừa dứt lời, Catos buông người xuống ghế, hai khuỷ tay chống gối ôm đầu. Tôi tưởng Catos bị cảm, kêu toáng lên: “Giao ơi! Ông ấy làm sao?”. Định dìu ra xe đi bệnh viện, Catos xua tay: “Tôi không sao! Bị sốc một chút thôi. Chuyến đi này làm tôi thất vọng. Nói thực với hai anh, tôi là nhà nghiên cứu nhân chủng học. Nguyện vọng của tôi muốn về Việt Nam nghiên cứu những món đồ đá tiền sử đang cầm trong tay. Tôi hy vọng sẽ có một luận chứng khảo cổ học về nguồn gốc xuất xứ của người nguyên thuỷ ở Việt Nam. Nhưng sau khi nghe hai anh nói, tôi thấy xót xa cho những di chỉ khảo cổ học đã ghi vào sử sách lại đang bị tàn phá vì sự đổi thay lạ kỳ.

Đáng lẽ những di chỉ đó cần được bảo quản, gìn giữ không bị xâm hại thì các ông lại hiện đại hoá thành vật liệu xây dựng. Ở đất nước chúng tôi, mơ những di chỉ tiền sử như thế không có nên tôi mới ấp ủ sang đây. Nếu đúng như vậy, tôi đến cũng không còn gì để nghiên cứu. Ngày mai, xin phép hai ông tôi bay về nước. Công việc ở bên đó tôi rất bận”.

Tôi và Giao mời thế nào Catos cũng không ở lại.

P.X.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder