Chuyện li kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 11)

Vanhaiphong.com: Mao Tôn Úc chạy trốn đám Trọng Sự quân truy đuổỉ, may gặp Như Vân, được giấu vào sọt rau cúc dại thì hết chương 10. Chuyện đang gay cấn, sợ Bão Vũ lại chậm gửi chương tiếp theo nên chúng tôi đã nhắc tác giả: Để Úc ngồi trong sọt rau khá lâu, e bất tiện. Nhưng Vũ đang bận viết báo Tết, trả lời: Hắn ta đang yên vị trong đám rau dại ngát hương đồng quê, sát cạnh người đẹp, thì ngồi bao lâu mà chả được. Nghe nói ngang như vậy, thật bực, nhưng cũng đành chờ…

Đến hôm nay Bão Vũ gửi đến chương 11. Xin trân trọng giới thiệu với những bạn đọc đang quan tâm đến số phận của phê bình gia đại tài phương Bắc…

Vanhaiphong.com: Mao Tôn Úc chạy trốn đám Trọng Sự quân truy đuổỉ, may gặp Như Vân, được giấu vào sọt rau cúc dại thì hết chương 10. Chuyện đang gay cấn, sợ Bão Vũ lại chậm gửi chương tiếp theo nên chúng tôi đã nhắc tác giả: Để Úc ngồi trong sọt rau khá lâu, e bất tiện. Nhưng Vũ đang bận viết báo Tết, trả lời: Hắn ta đang yên vị trong đám rau dại ngát hương đồng quê, sát cạnh người đẹp, thì ngồi bao lâu mà chả được. Nghe nói ngang như vậy, thật bực, nhưng cũng đành chờ…

Đến hôm nay Bão Vũ gửi đến chương 11. Xin trân trọng giới thiệu với những bạn đọc đang quan tâm đến số phận của phê bình gia đại tài phương Bắc.

11. MAO TÔN ÚC ĐI… BÁN RAU, RỒI TRỞ LẠI THÀNH ĐẠI LA

Lại nói Mao Tôn Úc bị toán Trọng Sự quân truy đuổi ráo riết, may sao gặp Như Vân và mấy cô gái Lý Xá đang ngồi bán rau ở chợ. Họ giấu Úc vào sọt rau rồi chỉ sai hướng, đánh lừa thày Đội và toán Trọng Sự đi xa.

Chờ cho bọn lính đi xa hẳn, Như Vân dỡ những bó rau cho Mao Tôn Úc ra khỏi sọt.

Úc thoát nạn, cung tay cảm tạ Như Vân và các cô gái:

– Nếu không được các cô nương cứu mạng hôm nay, tại hạ chắc khó tránh khỏi lao thất. Xin ghi lòng tạc dạ ơn này.

Như Vân gạt đi:

– Xin chớ đa lễ khách khí. Dân Lý Xá vừa qua đã cùng Mao huynh chia sẻ tai nạn, từ nay xin coi nhau như huynh muội, phúc họa cùng chung hưởng

Các cô gái đều khen phải. Úc vui vẻ bảo cũng chỉ mong được thế. Từ đó gọi các cô là tiểu muội và xưng là huynh. Như Vân để các cô gái ngồi bán rau, còn mình đưa Mao Tôn Úc về nhà trọ trong khu xóm chợ gần đấy.

Hai người về đến phòng trọ. Nhà trọ nằm sâu trong xóm nghèo, kín đáo nên Mao Tôn Úc nghĩ có thể trú ngụ tại đây an toàn. Như Vân hỏi nhà chủ cho thuê thêm một phòng cho người anh trai ở quê ra buôn bán. Ngựa Ngọc Ty cũng có chỗ trú mưa nắng trong chiếc chuồng bò cũ.

Khi đã yên ổn, Như Vân kể cho Mao Tôn Úc nghe chuyện ở Lý Xá:

Sau trận kịch chiến với Mao Tôn Úc bên bờ sông Như Vân, đại Đô đầu Trình Văn Độ bị trọng thương, tri huyện Dương Đình Hống cũng bớt hà khắc hơn với dân Lý Xá. Nhưng Hống vẫn giam giữ hương trưởng Lý Sinh với tội tàng trữ trái phép quân trang, vũ khí. Cũng may, con ngựa ô truy mà Lý Sinh bắt được dùng cho mưu kế đêm hôm đó là ngựa của một trại binh đi lạc, sau họ đến tìm lại, các bô lão đã nhờ họ xác nhận cho. Chỉ còn bộ giáp trụ là phải lý giải. Như Vân cùng các bô lão và những người can đảm của Lý Xá kéo lên huyện đường đòi tri huyện thả Lý hương trưởng. Dương Đình Hống bảo, chừng nào giao nộp bộ giáp trụ và thanh đại đao sẽ tha Lý Sinh. Nếu không sẽ bị khép vào tội trữ vũ khi mưu phản loạn. Hương trưởng Lý Sinh bị khảo đả đã khai đó chỉ là những đồ thuê của phường chèo, nhưng Hống không tin. Như Vân và các bô lão chưa biết làm cách nào để cứu Lý hương trưởng thoát khỏi tù ngục.

Dân làng Lý Xá bây giờ phải trở lại tá túc trong những lều lá trên gò Miếu thần tổ và trong hang Cô Sơn, đời sống vô cùng cực khổ. Như Vân nghĩ cách cùng các cô gái Lý Xá hái rau cúc dại ngoài đồng đem ra chợ phố bán lấy tiền độ nhật. Nhưng nhà xa nên mấy cô đi bán rau phải thuê nhà trọ ở phố chợ, còn trai gái ở lại Lý Xá thì hàng ngày ra đồng hái rau, cứ cách hai hôm lại đem ra phố chợ tiếp cho các cô ngoài đó bán. Dân phố gần đây thích ăn rau dại vì giá rẻ, lại không bị nhiễm độc như rau ở quanh thành Đại La.

Nghe xong chuyện, Mao Tôn Úc bảo Như Vân:

– Nghe Vân muội nói, ngu huynh tự thấy mình cũng có lỗi trong việc để Lý hương trưởng mắc vào vòng lao lý.

Như Vân nói:

– Mao huynh chớ nghĩ thế. Việc lớn không thành do Lý Xá có kẻ phản phúc là Lý Đắc Nhược. Hiện giờ Thiển lão quá phiền muộn vì có đứa nghịch tử, đã lâm trọng bệnh, nằm liệt giường. Dân chúng hiện nay đang hoang mang. Tiểu muội nghĩ, chuyện cần thiết bây giờ là tìm cách cứu ông ngoại của muội ra khỏi lao thất để về lo việc làng.

Úc ngồi suy tính, rồi nói:

– Huynh có kế này khả dĩ cứu được Lý trưởng lão, muội nghe xem có được không.

Rồi sợ quanh đấy có kẻ lạ tình cờ nghe thấy, như chuyện ở miếu thần tổ trước kia, Úc ghé tai Như Vân nói nhỏ… ” Cứ như thế, như thế “…

Như Vân tươi nét mặt, nói:

– Đại huynh quả là người thông thái. Chỉ lo một nỗi, nếu trở lại kinh thành, huynh có được yên ổn không. Hay để muội cùng đi với huynh.

Mao Tôn Úc ngẫm nghĩ, rồi gật đầu:

– Nếu có Vân muội cùng đi sẽ dễ qua mặt quan quân. Vân muội sẽ đóng giả một tiểu thư đi lên Đại La thăm người thân. Còn huynh sẽ làm kẻ đầy tớ, dắt ngựa cho muội.

Như Vân kêu lên:

– Một kẻ đầy tớ trông rất sáng sủa thông minh lại dắt ngựa cho một tiểu thư quê mùa cục mịch thì ai tin được. Mà đường đến kinh thành xa lắc xa lơ, huynh đi bộ dắt ngựa mãi sao được. Có lúc phải cùng ngồi chung ngựa với muội, người ta sẽ nghi ngờ. Sao ta không làm đôi vợ chồng lái buôn?

Úc khen phải, và trong lòng nghĩ đến lúc được ngồi chung ngựa với Như Vân mà quên hết cả nỗi e sợ lão Tử Y cùng đám Trọng Sự quân. Úc nói:

– Ngày mai, Vân muội phải về Lý Xá, lên phủ Vân Giang tìm cách gặp Lý Hương trưởng, thông báo cho người biết để cung khai cho tiền hậu như nhất, kẻo khi ta đi Đại La, Lý lão lại nói điều gì sơ suất.

Như Vân nói:

– Tiểu muội về Lý Xá phải mất hai ba ngày. Nhưng việc bán rau ở đây vẫn phải làm để có tiền độ nhật cho mọi người. Các em đều là gái quê thô vụng, dại dột chưa hề đến nơi kẻ chợ xa lạ như ở đây, chẳng may gặp những kẻ bất lương dễ bị lừa hại, nên cần có người từng trải giúp đỡ.

Úc bảo:

– Nếu thế, huynh sẽ cải trang ra chợ cùng bán rau với các cô ấy. Khi nào xong việc ở quê, Vân muội đưa một người trong làng đứng tuổi, thông thạo ra đây trông nom công việc khi chúng ta đi Đại La.

Như Vân gật đầu:

– Huynh nói phải. Từ ngày mai nhờ huynh cùng ra phố chợ giúp cho các em.

Hai người bàn định công việc rất là tâm đầu ý hợp. Chiều tối hôm đó, tại nhà trọ trong xóm nhỏ yên tĩnh, Mao Tôn Úc được nếm lại món canh rau cúc dại ngọt ngào thơm ngát, bên cạnh Như Vân và các cô gái Lý Xá xinh tươi như một sự đền bù cho những gian nan vừa qua. Cô gái cao lớn mạnh mẽ tên là Thị Nga đã ra cánh đồng phía sau khu xóm chợ cắt về một thúng lớn cỏ mật non để đãi Ngọc Ty, khiến nghĩa mã cũng không còn nhớ đến chuyện bị cô gái ghì dây cương đến tê dại cả hàm hôm nào.

Sáng sớm hôm sau, Như Vân cưỡi ngựa trở về Lý Xá. Nguyên, Lý Hương trưởng thời trẻ có đăng lính kỵ nên ông cưỡi ngựa rất thành thạo, sau này đã dạy cho cháu gái biết cưỡi ngựa.

Mao Tôn Úc chọn bộ quần áo cũ kỹ, quấn khăn kín đầu, quệt mấy vệt đất lên mặt cho ra vẻ lam lũ rồi cùng các cô gái khiêng mấy sọt rau cúc ra chợ phố ngồi bán.

Khu phố chợ này trước kia là một thị tứ hẻo lánh, nay được nhập vào đất Đại La nên đã có vẻ khởi sắc. Dân chúng không có chuyện gì cũng đi lại tấp nập để ra vẻ là một vùng kinh kỳ đô hội. Đám trai thị tứ mới được thành trai kinh kỳ vài bữa nay, thấy mấy cô gái quê trẻ xinh tươi, toan chọc ghẹo, nhưng cũng ngại cái gã mặt mày khó đăm đăm ngồi đấy như canh giữ. Có lúc gặp người mua rau bất bình thường, Mao Tôn Úc phải can dự giúp các cô gái. Buổi sáng, có một mụ đàn bà đẫy đà béo tốt dáng quê kệch nhưng ăn mặc lụa là đồ trang sức đầy người làm ra vẻ quyền quý, cùng đi mua hàng với người hầu. Mụ này dừng ở hàng rau, hỏi các cô gái Lý Xá:

– Đây là đất kinh kỳ, cớ sao các ngươi lại đem loại cỏ dại dành cho lừa ngựa đến đây bán?

Mấy cô đùng đùng nổi giận toan cho mụ hợm hĩnh một trận đã xúc phạm đặc sản của quê mình. Nhưng Mao Tôn Úc đã đưa tay ngăn lại, rồi đứng lên cung kính nói:

– Thưa phu nhân, xin hãy nhìn lại kỹ rau này. Đây là đệ nhất “phỉ thúy thảo”. Trước kia nơi này chưa thuộc Đại La, chúng tôi theo lệnh quan trên không được bán rau này cho thường dân mà phải đem đến tận phố Tông Đán trên kinh thành để hầu các bếp ăn của nhà quan. Gần đây, quan trên rộng lượng cho phép được bán rau này trên toàn đất Đại La nên chúng tôi mới dám bán ở đây cho khỏi đi xa. Phu nhân là người giàu sang cao quý lịch sự chắc người có đem đủ bạc theo, xin hãy mua rau này về tẩm bổ cho đức ông.

Mụ béo nghe Mao Tôn Úc nói thế mặt mày nở nang, cười bảo:

– Thì ra đây là rau quý chỉ dành cho các ngài trên Đại La ngự. Quan ông nhà ta cũng ở kinh kỳ hàng tháng về đây với ta, mà chưa thấy lần nào ông ấy nói đến món rau này.

– Chắc là trước kia biết ở đây chưa có rau này nên đức ông không đòi hỏi.

Mụ béo cười:

– Đúng thế. Vậy bán cho ta một ít ăn thử xem. Úc nói:

– Thưa phu nhân, rau này nấu với thịt chim hoàng yến băm viên thành món canh chuyên dụng bồi bổ cho các đức ông, những vị đại quan nhân ngày đêm lao tâm khổ tứ cho dân cho nước. – Úc quay lại bảo các cô gái – Các em buộc cho phu nhân mười mớ rau. Chọn đúng loại thượng hạng đang trổ hoa. Phu nhân chỉ nên mua mười mớ, đừng dùng ít hơn hay nhiều hơn mới tốt.

Mụ béo hớn hở, hỏi:

– Được rồi, ta sẽ mua đúng mười mớ. Nhưng có đắt lắm không?

Úc vẫn kính cẩn:

– Thưa, tuy rau thậm quý hiếm nhưng không đắt, vì lũ thảo dân quê mùa chúng tôi chịu vất vả quen rồi, mà chỉ thấy chút bạc cũng đã mừng lắm. Mỗi mớ rau này chỉ có giá một đĩnh bạc thôi ạ.

Các cô gái sửng sốt vì cái giá rau cao tận trời mà Mao Tôn Úc phát ra, đã săn sàng đối phó nếu mụ béo nổi giận gây sự. Mụ béo tuy thấy giá rau cao ghê gớm, nhưng đã được phong là người giàu sang lịch sự nên cũng ra vẻ không coi là đắt, mà chỉ hỏi:

– Vậy trên chợ Tông Đán các ngươi bán bao nhiêu một mớ rau này?

Mao Tôn Úc tay nâng niu cẩn thận bó rau đưa cho đứa hầu gái của mụ béo, rồi trả lời:

– Dạ thưa, cũng không khác mấy giá ở đây. Tuy phải đi xa, tốn tiền xe ngựa, rau lại héo úa hỏng đến quá nửa nhưng đến chợ Tông Đán chúng tôi chỉ bán 10 mớ rau giá 15 đĩnh bạc. Ngày nắng to rau hỏng nhiều thì giá hơn thế chút ít.

Mụ béo lẳng lặng lấy trong bọc ra 10 đĩnh bạc đưa cho Mao Tôn Úc. Lại hỏi thêm:

– Đúng là rau này nấu canh ăn bổ cho các đức ông chứ?

– Thưa vâng, rất bổ. Nhưng xin phu nhân đừng cho đức ông ăn nhiều quá 30 mớ trong tháng. Nấu canh thì thả những viên thịt chim hoàng yến trước vào nước sôi già đun chừng tàn một nén hương rồi cho rau này vào, đun sôi lên là được. Ăn nóng bỏng. Để nguội chất bổ kém đi.

Mụ béo hỏi:

– Như ta ăn rau này có tốt không?

Úc trả lời:

– Thưa, đàn bà ăn rau này thì da thịt mịn màng mát mẻ, trắng trẻo hồng hào, thân hình thon thả như dáng kiều nữ.

Mụ béo hớn hở bước đi cùng người hầu gái. Khi mụ béo đã khuất dạng, các cô gái Lý Xá vẫn chưa hết bàng hoàng. Rồi một cô hỏi:

– Những lời vừa rồi Mao huynh nói thật đấy chứ?

Mao Tôn Úc cười, bảo:

– Huynh bịa đấy. Để dạy cho kẻ giàu có hợm hĩnh bài học không được coi khinh dân thường chúng ta. Nhưng bây giờ các em phải chọn những loại rau cúc có trổ nụ vàng xếp riêng một sọt. Nếu mụ quay lại sinh sự ta sẽ bảo đấy là loại rau quý, còn lại là rau thường bán cho bình dân, giá rẻ.

Thị Nga bật cười bảo:

– Nhưng Mao huynh ơi, những cây rau đã có hoa thì già, ăn không ngon bằng rau chưa ra hoa.

Úc nói:

– Các em cứ làm như thế. Trông rau có hoa đẹp mắt hơn, quý hơn. Khi nào bán hết rau không hoa thì lấy rau có hoa vặt hoa đi để bán tiếp.

Các cô gái nghe theo và tỏ ý rất khâm phục Mao Tôn Úc. Họ thầm thì với nhau “Ai có được đức lang quân như Úc thì có phúc lớn”. Úc nghe thấy, thở dài ngậm ngùi nhớ lại chuyện ở Tràng An, bị vợ chê là vô tích sự, đã bỏ đi.

Thế là chỉ ra chợ một buổi sáng Mao Tôn Úc đã đem về cho các cô gái bán rau dại được 10 đĩnh bạc. Có chiêm bao, các cô gái Lý Xá cũng không gặp chuyện này. Úc bảo Thị Nga ngay chiều nay, đem hết số bạc về Lý Xá đưa cho Như Vân để trợ cấp cho dân làng.

Buổi chiều, khi những sọt rau đã gần hết chỉ con vài mớ thì có một thanh niên trông khôi ngô hiền lành nhưng ăn mặc rách rưới đến bên Úc rụt rè hỏi:

– Xin đại ca cho phép tiểu đệ được nhặt những cây rau héo đã loại bỏ đi?

Úc nhận ra gã thanh niên này đứng quanh đây từ đầu giờ chiều, hỏi:

– Nếu chú em lấy rau nuôi gia súc sao không sang những hàng rau lớn bên kia đường có nhiều rau thải chất đống mà chọn.

Gã thanh niên cúi mặt ngượng ngùng:

– Dạ em chỉ cần… rau cúc dại.

– Chú cần rau cúc dại làm gì?

– Thưa, thân mẫu của tiểu đệ là người quê. Người ra phố đã lâu nay, nhớ rau dại… nghe nói ở đây có bán… Nhưng…

Mao Tôn Úc ái ngại:

– Ta hiểu rồi. Sao chú em không nói từ sớm?

– Tiểu đệ không dám…

Mao Tôn Úc bảo các cô gái buộc hết mấy rau còn lại cho gã thanh niên. Rồi bảo:

– Chú đem về nấu canh cho thân mẫu. Đến mai sáng sớm ra đây, lấy rau tươi nữa.

Sáng hôm sau, gã thanh niên ra chợ sớm giúp các cô gái sắp xếp rau dọn dẹp quán hàng, rồi lễ phép nói với Úc:

– Mẹ em đang ốm mệt, thèm rau dại quê nhà quá, tối qua được ăn canh rau cúc mà như đã khỏe ra. Người bảo em sáng nay ra cám ơn đại ca và các chị. Khi nào mẹ em đi lại được sẽ thân ra đây bái tạ. Úc gạt đi bảo chuyện nhỏ mọn không phải bận tâm, rồi hỏi gia cảnh của gã thanh niên.

Gã thanh niên ấy họ Vương, tên Văn Hàn, được mẹ ở quê nuôi cho ra thị tứ học, nhưng rồi bà mẹ đau ốm không kiếm đủ tiền cho con ăn học nên Hàn phải bỏ học đi làm nghề đánh xe ngựa thuê. Hàn gần hai mươi tuổi, có hiếu, có chí. Làm nghề nông không đủ ăn nên đưa mẹ ra đây thuê nhà trọ ở, ngày ngày đi làm nuôi mẹ. Mấy ngày nay ngựa kéo xe bị bệnh đang chạy chữa, phải nghỉ làm nên túng quẫn. Mao Tôn Úc nghe chuyện, thấy Hàn là người lương thiện, hiếu nghĩa nên đưa cho 50 lượng bạc bảo đem về nuôi mẹ và chữa cho ngựa. Vương Văn Hàn cảm động khóc lạy tạ Úc mà nhận bạc, rồi ra về. Mao Tôn Úc thở dài nhìn theo bóng dáng Vương Văn Hàn gầy gò thất thểu bước trên đường. Úc nghĩ đến mụ béo sáng nay bỏ ra 10 đĩnh bạc mua những mớ rau dại tầm thường để tẩm bổ cho lão “đức ông” của mụ.

Lại nhớ câu thơ của Lý Bạch đời nhà Đường:

Cửa son sặc mùi rượu thịt

Đường cái đầy những bóng xương khô…

Thời có những câu thơ ấy được gọi là thời thịnh trị. Vậy mà Lý Bạch chẳng thể chịu dựng được khi thấy dân đen chịu cảnh cùng khổ dù chỉ là ở một nơi thâm sơn cùng cốc nào đó trên đất Trung Nguyên mênh mông. Nếu nhà thơ họ Lý ấy sống vào lúc này và đến đây, không hiểu những câu thơ của ông sẽ thế nào.

Nơi thị tứ héo lánh này đã thành đất kinh kỳ nên nhiều kẻ quyền chức giàu sang ở Đại La cũ về đây mua đất làm dinh thự thường đi về những ngày nghỉ để làm chỗ nuôi thê thiếp giấu vợ chính ở Đại La cũ. Mụ béo sáng nay chắc cũng được một vị đại quan ở Đại La giấu chính thất nuôi nấng ở đây. Những kẻ ấy bỏ ra hàng chục đĩnh vàng một buổi chợ, còn những người như mẹ con Vương Văn Hàn lam lũ cả đời không dám mơ có số bạc ấy.

Hai hôm sau, Như Vân và Thị Nga từ Lý Xá ra, đưa theo một người đàn bà dáng vẻ nhanh nhẹn, tháo vát. Đó là người sẽ cai quản các cô gái bán rau khi Úc và Như Vân đi Đại La. Như Vân kể riêng cho Mao Tôn Úc:

Dân chúng Lý Xá đang rất thiếu thốn. Bạc do Thị Nga đem về kịp mua gạo cứu tế cho cả làng. Như Vân cũng dùng bạc đút lót lính gác ngục để gặp được ông ngoại. Lý hương trưởng đã được biết mưu kế của Mao Tôn Úc về bộ giáp trụ. Ông bảo sẽ đối phó với tri huyện Dương Đình Hống theo kế ấy.

Hôm sau, Mao Tôn Úc cùng Như Vân giả trang thành đôi vợ chồng lái buôn lên Đại La cất hàng. Hai người cùng ngồi trên ngựa Ngọc Ty nhằm hướng Đại La mà đi. Mao Tôn Úc nhường cho Như Vân ngồi trước cầm cương ngựa. Không biết trong lòng thôn nữ Như Vân thế nào, còn Mao Tôn Úc thấy trời đất cỏ cây trên đường đều đẹp đẽ khả ái vô cùng. Môt bài hát vang lên trong tâm trí Úc, bài hát của dân Duy Ngô Nhĩ nói về một chàng trai muốn bỏ hết của cải tài sản đi theo một cô gái chăn ngựa, để ngày ngày được nhìn thấy nàng quất làn roi giữa bầy ngựa làm tung màn bụi hồng trên đường đẹp như mây… Chàng quên cả quê nhà ở nơi nào… quên cả chuyện đám Trọng Sự quân có thể bất thình lình xuất hiện trước đầu ngựa.

Ấy là cảnh:

Mỹ nhân áp lãng gia hà tại

Bất quan địch cản mã bất tiền

Tạm dịch: Bên cạnh người đẹp quên cả quê quán ở nơi nào / Cũng không để ý đến quân lính chặn trước ngựa.

Muốn biết chuyện sẽ tiếp diễn thế nào, xin đón đọc chương thứ 12.

BV

(Còn tiếp)

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder