Vanhaiphong.com: Biết rằng trở lại kinh thành Đại La sẽ gặp những mối hiểm nguy, nhưng Mao Tôn Úc được ở bên người đẹp Như Vân suốt đường trường nên đã bất chấp mọi sự. Không biết những gì đang đợi Mao Tôn Úc. chúng tôi đã nhắc nhở, nhưng do bận với cuộc thi Truyện ngắn và Ký của Hội Liên hiệp VHNT HP nên đến nay Bão Vũ mới sưu tầm biên soạn xong chương 12.
Xin mời độc giả tiếp tục theo dõi câu chuyện…
Vanhaiphong.com: Biết rằng trở lại kinh thành Đại La sẽ gặp những mối hiểm nguy, nhưng Mao Tôn Úc được ở bên người đẹp Như Vân suốt đường trường nên đã bất chấp mọi sự. Không biết những gì đang đợi Mao Tôn Úc. chúng tôi đã nhắc nhở, nhưng do bận với cuộc thi Truyện ngắn và Ký của Hội Liên hiệp VHNT HP nên đến nay Bão Vũ mới sưu tầm biên soạn xong chương 12.
Xin mời độc giả tiếp tục theo dõi câu chuyện.
12. NHỮNG SỰ LẠ TRƯỚC KHI VÀO THÀNH ĐẠI LA
Lại nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc cùng Như Vân giả làm hai vợ chồng lái buôn lên Đại La để lo chuyện của Lý hương trưởng.
Ngày đi, đêm vào quán trọ bên đường nghỉ. Hai người mang danh là phu thê mà thuê hai phòng thì chủ trọ sinh nghi, lại tốn tiền nên chỉ thuê một phòng. Mao Tôn Úc nằm trên trường kỷ, hoặc dưới sàn. Có đêm muỗi nhiều, Như Vân thấy ái ngại, không nỡ để Úc mất ngủ nên bảo chàng cứ lên giường cùng nằm. Mao từ chối, bảo:
– Ta với nàng tuy đã là tình huynh muội, nhưng không phải ruột thịt, cần giữ lễ, để sau này muội không bị người khác nghi kỵ.
Như Vân thở dài:
– Biết ai là người khác sau này? Nếu vậy thì huynh nằm trên giường một canh giờ, muội nằm dưới sàn, rồi đến lượt muội một canh giờ, cứ thế thay đổi.
Mao Tôn Úc nói:
– Đường xa vất vả, hiền muội sức nữ nhi cứ ngủ trên giường cho khỏe. Ta chịu dãi dầu đã quen rồi.
Như Vân đành nằm giường, trong lòng nửa kính phục nửa trách hận Mao Tôn Úc, nên không ngủ được, cuối canh ba đã dậy bảo Mao Tôn Úc:
– Huynh lên giường ngủ, muội xuống gặp chủ quán hỏi chuyện buôn bán rau ở đây xem sao.
Như Vân lấy cớ ra khỏi phòng để Úc được ngủ. Úc lên giường nằm, nghĩ: Ta đâu phải là gỗ đá mà không biết đến tấm lòng của Như Vân. Nhưng đã trót sinh ra là văn nhân ta đâu nỡ như kẻ vô luân đem tai họa cho người cho đời.
Suốt mấy ngày trời, hai người cứ thế nhằm hướng kinh thành mà đi. Dọc hai bên đường ruộng đồng vắng bóng người, lại thấy nhan nhản những bảng treo rao bán đất đai vườn tược. Trong một quán nước, Úc hỏi một gã nông phu áo vá vai đang ngồi uống rượu:
– Có đại loạn hay sao mà đang vụ mùa không thấy cày cấy mà lại bán ruộng đất?
Y bảo:
– Cày cấy làm gì cho mệt thân. Bây giờ đây đã là đất Đại La, giá đất đắt như vàng, bán đi ăn cả đời nhàn hạ không sung sướng sao?
Úc lại hỏi:
– Nhưng ai cũng bán thế thì ai mua?
Gã nông phu nói:
– Các bậc quan lại, các phú gia nhiều vàng bạc mua đất để đấy, sau này bán đi ắt có lãi lớn. Lại còn nhiều người ngoại quốc cũng mua nhà trên đất nữa. Sợ không có đất mà bán.
Nghe nói đến người ngoại quốc được mua nhà trên đất, Mao Tôn Úc hỏi:
– Mua nhà trên đất là thế nào?
Gã nông dân trả lời:
– Là mua dinh thự đã xây cất trên đất, rồi được ở trong dinh thự ấy đến 50 năm. Tuy không gọi là đất của riêng, nhưng cứ ở đấy hết đời cha đến đời con, rồi lại gia hạn mua tiếp nữa thì có khác gì đất của họ.
Mao Tôn Úc nghĩ bụng: Nếu nhiều người ngoại quốc cùng mua lâu đài dinh thự ở một nơi rồi hợp thành một châu quận riêng, cũng hay. Giá mà ta có thật nhiều bạc mua một ngôi biệt thự ở châu quận ấy, để có thể sống yên bình cùng… Như Vân ở đất Vạn Xuân này – Mao đưa mắt nhìn Như Vân đang cầm tấm khăn ướt lúi híu lau mình cho ngựa Ngọc Ty. Chàng thở dài nhớ đến tình cảnh của mình vẫn đang là một văn tặc bị truy nã. Trên đường thỉnh thoảng bắt gặp những cáo thị truy nã các tội phạm. Một lần Mao Tôn Úc dừng ngựa xuống xem cáo thị ấy thấy tên mình đứng thứ ba trong “Danh sách văn tặc”. Các tội phạm khác cũng nhiều, cướp của giết người, buôn người, cưỡng bức đàn bà con trẻ, lừa đảo gian trá,… Cũng có cả tội tham ô rồi đào tẩu, nhưng tội này thuộc hàng dưới cùng và lời lẽ cáo thị có phần ưu ái. Ví dụ cáo thị viết:
“… Tên Tôn Thất Lương nguyên Phó tổng quản Ngân khố nếu hồi tâm đầu thú, sẽ được giảm án tới mức tha bổng, bảo tồn cương vị, hoặc chỉ bị dịch ngạch giáng bậc. Nếu lập công chuộc tội khai báo thành thực có thể được thăng phẩm hàm“…
Còn dưới danh sách những kẻ mang tội danh văn tặc thì có thêm dòng ghi chú viết bằng son như sau:
“…Nghịch tặc tối nguy hiểm. Khi truy bắt, nếu chúng chống cự thì quan quân được phép đả thương hoặc trừ khử tại trận.”
Mao Tôn Úc kinh hãi khi thấy tội danh văn tặc thuộc hàng đầu bảng mà mình lại đứng thứ ba danh sách ấy. Úc buồn rầu nói với Như Vân:
– Hiền muội đi với huynh có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Nếu có chuyện bất trắc, thì muội cứ thoát thân tiếp tục lo việc giải cứu ông ngoại. Đừng vì huynh mà bị liên lụy, hỏng việc lớn.
Như Vân cũng đọc cáo thị, khóc mà rằng:
– Hiền huynh nỡ coi tiểu muội là kẻ khi gặp nạn thì dễ dàng lìa bỏ thân hữu sao?
Mao Tôn Úc cảm động nói:
– Muội đừng hiểu lầm mà trách oan. Ý của huynh là lo cho ông ngoại và dân Lý Xá. Vậy thì từ nay ta và muội, nếu một người gặp hoạ thì cả hai cùng chịu.
Úc nói thế, cả hai người đều lấy làm mãn nguyện lắm. Từ đấy cũng không gặp chuyện gì nữa.
Đến chiều ngày thứ ba, đã nhìn thấy thành Đại La. Lại thấy có khói nghi ngút gần cửa Đông. Úc bảo Như Vân:
– Khói bốc lên, e có biến. Nếu xảy ra chuyện hỗn loạn bị thất lạc nhau, hiền muội cứ hỏi thăm đường đến nơi chúng ta hẹn, huynh cũng sẽ tìm đến đấy, ắt sẽ gặp lại nhau.
Như Vân gật đầu lo lắng. Nhưng khi đến nơi có khói ấy thì thấy một đám đông mặc tang phục đang hóa vàng mã trước một ngôi mộ mới. Đống vàng mã cao chất ngất cháy đùng đùng gặp gió bốc cao nên xa hàng dặm đường cũng thấy. Có nhiều người qua đường tò mò đứng xem. Hai người cũng dừng ngựa xuống xem. Thân nhân người chết vật vã than khóc quanh ngôi mộ mới. Lại có một phường bát âm tấu nhạc ầm ỹ cùng mấy gã ca công mang y phục trắng lóa nhảy múa gào lên những câu hát quái gở. Hát rằng:
Nếu ta chết… Chớ chôn ta với riêng một mình ta…
Nếu ta chết… Chớ chôn ta với một người yêu ta…
Nếu ta chết… Hãy chôn ta với một phê bình gia !…
Mao Tôn Úc nghe thế lạnh toát cả người, tưởng họ sắp chôn sống mình, vội lùi dần ra phía ngoài. Chợt nghe có tiếng thì thào bàn tán:
– May có lão Kim chết cùng lúc, nếu không thì phải có gã phê bình văn chương nào đó chết theo.
– Vậy mà mộ lão Kim thì trống trơn lạnh ngắt thế kia…
Mao Tôn Úc nghe thấy thế, bèn hỏi người vừa nói:
– Tôn huynh bảo là Kim lão chết cùng lúc là thế nào?
Người vừa nói là một gã đàn ông trạc ba mươi tuổi ra vẻ thông thạo, bảo Úc:
– Vương công tử chết, quàn trong lãnh thất, chờ đúng ba hôm thì lão Kim lăn cổ ra chết.
Úc hỏi:
– Có phải là ông Kim ở ngõ Hàng Hũ ?
Người kia bảo:
– Phải. Lão Kim Thánh Phán, phê bình gia chuyên viết bậy lên giấy cho mấy nhà ở phố Hàng Mã.
– Kim Lão sao lại liên quan đến Vương công tử?
– Lão Kim nghèo túng, ăn bậy trúng độc thực phẩm mà chết. Lão không có ai thân thích may gặp đúng lúc Vương công tử yêu cầu được chôn cùng một phê bình gia, quan sở tại báo lên trên. Lão Kim được nhà họ Vương mai táng làm phúc. Nhưng họ chỉ chôn gần mộ Vương công tử chứ không cho chôn cùng quan tài như người chết yêu cầu.
Úc lại hỏi:
– Vương công tử chết ra sao mà đám ca công lại hát thế?
Người kia ghé tai Úc nói khẽ:
– Chớ nói to mà mang vạ. Vương công tử là quý tử độc nhất của Vương gia đại nhân. Công tử phải lòng một kỹ nữ, thuê người viết một tập thơ cho mình để tặng nàng. Có nhà phê bình văn chương biết, đem chuyện này ra bình phẩm trầm trọng. Dân chúng đàm tiếu khắp kinh thành. Vương công tử lấy làm hổ thẹn, đã cùng chúng bạn làm cuộc đua ngựa bạt mạng, chẳng may ngã ngựa chết. Khi hấp hối có nói :”Nếu ta chết, hãy chôn ta với một phê bình gia”. Bọn ca công lấy câu ấy mà hát.
Mao Tôn Úc sực nhớ ra có một văn nhân đã nói câu ấy từ lâu, chứ không phải là câu của Vương công tử. Văn sĩ này sinh thời thường bị các phê bình gia quấy đảo không yên nên đã nói vậy(*). Nhưng Úc cũng nhớ tổ phụ Mao Tôn Cương có nói:” Người sáng tác văn chương chỉ tạo ra nguồn phóng chiếu nên không tự định được giá trị của mình. Phải được phản chiếu như người soi gương mới khả dĩ tự tri. Như vậy văn tài mới thăng tiến. Phê bình văn chương chính là tấm gương giúp cho người làm văn vậy”. Chắc Vương công tử cũng như cha mình là quan đại thần, ham hư danh, ưa xu nịnh hơn là phê phán nên mới phẫn chí thiệt thân.
Mao Tôn Úc nghĩ vậy rồi đưa mắt nhìn quanh thấy bên hữu ngôi mộ Vương công tử cách chừng mươi thước có một nấm đất trên cắm một bảng gỗ viết chữ gì đó. Chàng kéo Như Vân dắt ngựa đến bên nấm đất đó thấy chính là một ngôi mộ mới, tấm bia gỗ đề hàng chữ:
“Văn chương phê bình gia Kim Thánh Phán chi mộ“.
Trên nấm mồ sơ sài không có hương hoa, nếu không có bảng gỗ chú thích thì chỉ là một nấm đất thường. Mao Tôn Úc ứa nước mắt nói với Như Vân:
– Đây là mộ phần người tri kỷ của huynh. Phiền muội đến hàng quán đằng kia mua cho huynh ít vàng hương và một nậm rượu. Như Vân vâng lời lên ngựa đi. Mao Tôn Úc quỳ trước mộ Kim Thánh Phán khóc nói:
– Trời xanh độc ác nỡ hại người hiền tài khiến Kim lão tiền bối chết thê thảm. Phải chi Kim tiền bối ngày ấy hồi hương cùng vãn bối…
Nói xong, Úc lại nghĩ, nếu Kim lão ở bên mình những ngày vừa qua, chắc gì người đã sống đến hôm nay khi gặp phải bao nhiêu chuyện nguy khốn.
Như Vân đem lễ vật về, Úc đốt vàng hương, tưới rượu lên mộ Kim lão, rồi bịn rịn đứng lên toan cùng Như Vân bước đi, nhưng bâng khuâng nghĩ về cái duyên của mình với người nằm dưới mộ kia như một mối tiền định. Vậy mà mình đang tìm đường về cố quốc, bỏ Kim lão nằm lại một mình nơi đất khách. Không đành lòng, Úc bèn quay lại bên mộ đọc một bài thơ tâm sự mong linh hồn Kim lão nghe thấy. Nguyên văn bài thơ chữ Hán khá dài, chúng tôi tạm lược dịch, đại ý như sau:
Người về ngàn dặm quan san
Người trong mộ địa mơ làn khói bay
Người về nghiêng đổ hồ đầy
Người trong đất lạnh buồn say khướt hồn
Người về băng giá hoàng hôn
Người trong u huyệt mình ôm hận mình
Người về với kiếp phù sinh
Người nằm với nỗi bất bình ngàn thu…
Úc ngâm thơ rồi bưng mặt khóc khiến Như Vân phải khuyên giải hồi lâu chàng mới nguôi lòng, lên ngựa. Vừa lúc đó đám người bên nhà họ Vương xong việc đang lục tục ra về. Mao Tôn Úc chợt nghĩ ra cách đi lẫn trong đám tang ấy cùng vào thành để qua mặt lính canh. Hôm ấy trong toán lính gác cổng thành Đông có mấy người thuộc đội Trọng Sự quân thấy một kẻ giống hình văn tặc trên cáo thị ngồi trên ngựa cùng người đẹp, thì sinh nghi, nhưng lại thấy mặt y rầu rĩ, mắt vừa khóc đỏ hoe nên cho là thân nhân của Vương công tử nên không để ý nữa.
Vừa vào trong thành thì trời sầm sập đổ cơn mưa lớn. Mao Tôn Úc cho ngựa rẽ vào lối phố vắng vẻ, nhưng mưa mỗi lúc một to, nước trên đường phố dâng cao, đành núp dưới một hiên nhà trú tạm. Dưới mái hiên, Mao Tôn Úc kể cho Như Vân nghe chuyện của lão kỳ nhân Kim Thánh Phán. Như Vân nghe xong cũng thương cảm vô cùng. Chừng hơn canh giờ sau mới ngớt mưa. Nước đã dâng đến bụng ngựa. Đường phố thị biến thành sông, người người đi lại bằng thuyền. Sóng nước dập dờn bóng nhà cửa in xuống mặt nước lung linh trông thật ngoạn mục. Như Vân kêu lên:
– Hôm nay tiểu muội có diễm phúc được nhìn thấy kinh thành huyền ảo đẹp như trong tranh vậy.
Có mấy gã công tử đang đứng trên bao lơn ngắm phố, nghe thấy thế, cười rộ lên. Một gã nói:
– Người đẹp nói nghe thật dễ thương. Nhưng khi nàng bơi lội trên những phố sông của kinh thành này mà không cẩn trọng, để tạp vật xú uế bám nhiễm vào mình ngọc thì tiếc lắm thay!
Rồi chúng còn buông lời châm chọc mãi không thôi. Mao Tôn Úc toan thúc ngựa lội đi nhưng ngựa Ngọc Ty mang trên mình hai người cùng hành lý mà không nhìn thấy mặt đường nên cũng ngần ngại. May sao khi ấy có con thuyền gỗ nhỏ bơi đến. Người chèo thuyền hỏi:
– Nhị vị đi đâu, tại hạ chở. Giá rẻ thôi.
Mao Tôn Úc e ngại, hỏi:
– Nhưng… chúng tôi muốn vào sâu trong thành, đi thuyền trên đường phố có sợ bị quan quân quở phạt không?
Người kia bật cười lớn:
– Quan khách từ xa đến nên không rõ. Kinh thành năm nào đến mùa mưa là lụt. Không bay trên trời như chim, không bơi trong nước cống như cá, như chuột được thì chỉ có đi thuyền thôi. Quan quân đi lại cũng phải dùng thuyền, làm sao mà phạt.
Mao Tôn Úc nghe hữu lý, lại nhớ trong sách của người Tây Dương nói, ở Ý Quốc có thành phố Vô Nhị Sơ (Venise), các dinh thự đền đài cung điện quanh năm ngập trong nước biển, dân chúng đi lại trên phố bằng thuyền, là nơi rất được du khách thập phương ngưỡng mộ.
Úc đỡ Như Vân lên thuyền, buộc ngựa Ngọc Ty vào đuôi thuyền bảo người lái đò chở đến phố Hàng Mã. Ra đến phố rộng mới thấy cơ man thuyền lớn thuyền nhỏ đủ hình dáng màu sắc bơi từng đoàn nhộn nhịp như trong một thuỷ đô thành sầm uất, vô cùng ngoạn mục.
Như Vân lần đầu được nhìn thấy cảnh lạ ấy, bèn nói với người lái thuyền:
– Các bác ở kinh thành làm nghề này thật nhàn hạ lại vui thú. Không như những kẻ nông phu…
Gã lái đò cười sặc sụa:
– Vâng, người Đại La như chúng tôi thật là thiên phúc vạn hạnh, khiến thiên hạ phải ghen tị. Ô – hô – hô !!! – Dứt tiếng cười, gã lái đò cất tiếng hát:
Kinh đô ấy Thủy Đô thành
Tràng An dân chúng biến thành nhân ngư!
Muốn biết câu chuyện sau này thế nào, xin xem tiếp chương 13
(Còn tiếp)
_________________________
(*) Có sách nói văn sĩ Nguyễn Tuân nói câu này. Cũng xin xem lại chương 3 để biết nhiều nhà văn nói về các phê bình gia văn chương thế nào.