Chuyện li kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 13)

Vanhaiphong.com: Những nỗi hiểm nguy đang chờ  Mao Tôn Úc ở  thành Đại La. Nhưng lần này có người đẹp Như  Vân ở bên cạnh, không biết Mao dễ thoát hiểm hơn hay là vì vướng víu mỹ nhân mà mang hoạ. Xin mời độc giả đọc tiếp câu chuyện. Và, lại để có thêm chút không khí hành động, kỳ này câu chuyện có nhan đề là:

13. THỦY CHIẾN THÀNH ĐẠI LA

Vanhaiphong.com: Những nỗi hiểm nguy đang chờ  Mao Tôn Úc ở  thành Đại La. Nhưng lần này có người đẹp Như  Vân ở bên cạnh, không biết Mao dễ thoát hiểm hơn hay là vì vướng víu mỹ nhân mà mang hoạ. Xin mời độc giả đọc tiếp câu chuyện. Và, lại để có thêm chút không khí hành động, kỳ này câu chuyện có nhan đề là:

13. THỦY CHIẾN THÀNH ĐẠI LA

Lại nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc cùng Như Vân sau khi viếng mộ Kim Thánh Phán, liền đi lẫn vào đám người đưa đám tang công tử bên nhà họ Vương để qua mặt lính canh. Hôm ấy trong toán lính gác cổng thành Đông có thêm mấy người thuộc đội Trọng Sự quân thấy một kẻ khả nghi ngồi trên ngựa cùng người đẹp, nhìn kỹ thấy Úc giống bức chân dung văn tặc trong cáo thị treo trên tường, liền ghé tai nói với người lính bên cạnh về nghi ngờ của mình. Người lính kia gạt đi, bảo:

– Tại chú mày bị hoa mắt vì người đẹp ngồi sau gã nên nhìn gà hóa cuốc. Trông gã mặt mày rầu rĩ, mắt vừa khóc đỏ hoe, ắt là thân quyến của đại Vương gia. Gây chuyện với người nhà Vương đại nhân đang lúc có tang, khác gì chọc tức sư tử.

Người lính này nghe nói thế, sợ hãi, không dám để ý nữa. Úc và Như Vân yên ổn đi theo đám tang vào thành.

Vừa qua cổng thành thì trời sầm sập đổ cơn mưa lớn. Mao Tôn Úc cùng Như Vân trú dưới một mái hiên. Chừng hơn canh giờ sau mới ngớt mưa. Nước trên đường phố dâng cao đến bụng ngựa. Đường phố thị đã thành sông, sóng nước dập dờn bóng nhà cửa in mặt nước lung linh huyền ảo trông thật ngoạn mục. Như Vân kêu lên:

– Hôm nay tiểu muội có diễm phúc được nhìn thấy kinh thành đẹp như trong tranh vậy.

Mao Tôn Úc toan thúc ngựa lội đi nhưng ngựa Ngọc Ty mang trên mình hai người cùng hành lý mà không nhìn thấy mặt đường nên tỏ ra ngần ngại. May sao khi ấy có con thuyền gỗ nhỏ bơi đến. Người chèo thuyền hỏi:

– Nhị vị đến đâu, tại hạ chở đi. Giá rẻ thôi.

Mao Tôn Úc e ngại, hỏi:

– Chúng tôi muốn vào sâu trong thành, đi thuyền trên phố có sợ bị quan quân quở phạt không?

Người kia bật cười lớn:

– Quan khách từ xa đến nên không rõ. Kinh thành năm nào đến mùa mưa là lụt. Không bay trên trời như chim, không bơi trong nước cống như cá như chuột được thì chỉ có đi thuyền thôi. Quan quân đi lại cũng phải dùng thuyền, ai phạt ai được?

Mao Tôn Úc nghe hữu lý, lại nhớ trong sách nói ở Ý Quốc có thành phố Vô Nhi Sơ (Venise), dinh thự đền đài cung điện quanh năm dầm chân trong nước biển, dân chúng đi lại trên phố bằng thuyền, là nơi rất được du khách thập phương ngưỡng mộ.

Úc đỡ Như Vân lên thuyền, buộc ngựa Ngọc Ty vào đuôi thuyền bảo chở đến phố Hàng Mã. Đúng như gã chèo thuyền, vào sâu trong phố thuyền bè đủ các loại lớn nhỏ đẹp xấu bơi trên các phố như mắc cửi. Như Vân luôn tấm tắc khen cảnh sầm uất của kinh thành.

Thuyền đến Hàng Mã, Mao Tôn Úc tìm hỏi cửa hàng nhà họ Phạm là nơi chuyên đặt Kim Thánh Phán viết thuê mà Úc đã biết tên khi viết giúp Kim lão. Úc nói với ông chủ hàng mã đặt làm một bộ giáp trụ và thanh đại đao giống y như thật có thể mặc vào người dùng cho hội tế Thành hoàng làng. Nói rồi lấy giấy bút vẽ lại mẫu giáp trụ và thanh đao của Lý Thần tổ, có chú rõ kích thước quy cách. Chủ hàng mã nhìn bản vẽ, rồi nói: Bảy hôm sẽ xong. Hết 200 lượng bạc. Úc nghĩ, ở lại Đại La ngày nào là mang vạ ngày ấy, liền nói: Xin biếu thêm 100 lượng, ông cố làm xong trong bốn hôm. Ông chủ họ Phạm ưng thuận, lại mời hai người ở lại cửa hàng để phụ giúp công việc. Ngay đêm ấy, đám thợ mã thay nhau làm việc suốt đêm. Úc cố nhớ lại những chi tiết của bộ giáp trụ và thanh đại đao, hướng dẫn thợ làm cho thật giống nguyên bản.

Chiều ngày thứ ba, bộ giáp trụ đã xong phần cốt bằng giấy bồi và thanh đại đao bằng gỗ đẽo. Mao Tôn Úc nhìn qua cửa sổ thấy cảnh phố xá lại trạnh nhớ đến những cố nhân ở Đại La, bèn chờ khi trời tối, bảo Như Vân:

– Mấy hôm nay muội cũng mệt mỏi, hãy đi nghỉ sớm. Huynh có chút việc ra phố một lát sẽ về.

Như Vân lo lắng:

– Chân dung của huynh niêm yết khắp nơi, chốn kinh thành dày đặc quan quân, rất nguy hiểm. Có việc gì cần kíp khiến huynh phải liều thân như vậy. Hay là… muội nghe nói… đất Đại La là nơi có nhiều thanh lâu, kỹ nữ…

Úc cười:

– Hiền muội chớ hiểu lầm. Huynh đâu phải người như vậy. Ta chỉ muốn thăm lại nơi ở của Kim lão tiền bối, thắp nén hương cho ngôi nhà hoang đỡ quạnh quẽ mà thôi.

Đoạn Mao Tôn Úc kéo chiếc nón tu lờ sụp xuống che mặt rồi bước ra hè vẫy một chiếc thuyền nhỏ, còn nghe tiếng Như Vân vẳng theo: “Hiền huynh hãy bảo trọng…”

Lúc bấy giờ đã đầu giờ Dậu, phố xá ngập nước, ánh đèn nến chiếu xuống mặt nước lóng lánh, trông như một khu làng chài trên sông, rất vui mắt. Thuyền đưa Úc đến đầu phố Hàng Hũ thì dừng lại vì khu này nước đã rút. Úc trả tiền đò, mua một bình rượu ngon, tiền âm phủ cùng hương nến, rồi rảo bước đi vào trong con phố nhỏ dài mà hẹp. Phố này đèn đường không thắp, tối như hũ nút. Úc bồi hồi dừng trước ngôi nhà gỗ lụp sụp mà chàng đã từng ẩn náu. Úc ngậm ngùi nghĩ, nếu lúc này Kim Thánh Phán còn sống, ta quyết đưa bằng được ông về Bắc quốc.

Mao Tôn Úc đang toan tìm cách mở cửa vào thì chợt nghe có tiếng ho khan trong nhà vẳng ra. Úc giật mình, ghé mắt nhìn qua khe cửa vào nhà trong thấy có ánh đèn. Đúng lúc đó có tiếng ngâm thơ vẳng ra, ngâm bài thơ “Hồ trường” nhưng câu chữ bị biến dạng kỳ quặc:

Trường hồ! Hồ trường ta rót ta chót vót!
Hồ trường, ta rót, ta nhót
Rót mù mịt trời Nam ta rót
Vi vút bay ngọn Bắc phong… ta rót

Ta rót, ta thót, ta gót

Mót cót… ta thót

Rót ta vào ai tỉnh ta say chót vót
Hồ trường! Trường hồ! Tồ tồ ồ ồ

Rồ…Dzồ… Bà phồ
Rót ta vào ta rót ta sót ta mót

Ta leo tót… (*)

Rồi có tiếng cười ha hả ghê rợn.

Mao Tôn Úc rùng mình toan bỏ chạy, nhưng rồi vẫn nán lại chú mục nhìn kỹ qua khe cửa thấy dưới ánh nến lờ mờ bóng một người mặc đồ trắng đang ngồi bên chiếc bàn thấp trên nền nhà, nơi chàng đã từng ngồi viết. Trời ơi, bóng người áo trắng ấy chính là lão kỳ nhân Kim Thánh Phán. Văn nghiệp tan tành, chết thảm nơi đất khách ôm mối hận xuống huyệt nên hồn oan Kim lão không thể siêu thoát. Thương thay một kiếp văn nhân tài hoa. Lúc này tuy âm dương khác biệt, nhưng Úc sẽ lấy hết can đảm vào ngồi đối ẩm với hồn ma, mong an ủi vong linh Kim lão. Chàng nhớ sách “Liêu Trai chí dị” đã chép không ít chuyện người trần cùng giao hòa với yêu ma.

Nghĩ vậy, Úc quên nỗi sợ hãi, gõ cửa và cất tiếng gọi:

– Kim lão tiền bối! Có vãn bối họ Mao kính viếng.

Tiếng ngâm thơ im bặt, có tiếng chân bước rồi cửa bật mở, khí lạnh trong nhà ùa ra khiến Úc rùng mình. Người vừa mở cửa đứng trước mặt là một trang thiếu niên chừng hơn hai mươi tuổi mặc bộ tang phục trắng, khuôn mặt giống hệt Kim Thánh Phán nhưng trẻ trung lanh lợi hơn tuy có vẻ ngây dại. Úc bàng hoàng như đang ở trong cõi mộng mị vô minh. Thiếu niên giương cặp mắt thất thần trừng trừng nhìn Úc, rồi cười nhạt, hỏi trống không:

– Phê bình gia văn chương Mao Tôn Úc đó chăng?

Úc sửng sốt nói:

– Chính là tại hạ. Tiểu huynh đệ là ai, sao biết ta, và sao lại ở nhà Kim lão?

Thiếu niên đưa tay túm áo Mao Tôn Úc kéo vào trong nhà, sập cửa lại, bảo:

– Vào đây, khắc rõ chuyện.

Trong nhà có một hương án khói hương nghi ngút đặt bài vị đề tên Kim Thánh Phán. Mao Tôn Úc bày lễ, thắp hương bái lạy. Đoạn ngồi nghe chuyện của gã thiếu niên kỳ dị.

Thiếu niên chính là con trai của Kim Thánh Phán.

Cách đây hơn hai mươi năm, thuở Kim Thánh Phán mới đến Vạn Xuân được vài năm, tài danh đang lừng lẫy kinh thành, chàng dan díu với một người con gái tài sắc là tiểu thư nhà họ Lã, một nhà buôn giấy lộn rất giàu có. Đất kinh kỳ nhiều văn nhân chuyên hành lạc thi phú, mỗi năm các văn nhân tài tử thải ra hàng núi giấy lộn, nên việc buôn bán mặt hàng này rất phát đạt. Tình ái nồng nàn, Lã tiểu thư mang thai. Nhà họ Lã sợ tai tiếng, cho con gái uống thuốc phá thai nhưng cái thai cứ lớn, bèn đem gửi về quê ngoại ở Hà Đông. Lã tiểu thư sinh hạ một con trai giống Kim Thánh Phán như đúc, đặt tên là Kim Thánh Sinh tự là Thánh Sống (vì người ta muốn hủy bỏ thằng bé mà nó cứ sống). Giữa lúc ấy Kim Thánh Phán mắc vạ văn chương, bị lưu đầy phát vãng (xem chương 3 ) Có kẻ biết chuyện Kim dính líu với nhà họ Lã, đến trình quan. Họ Lã bị liên đới, tán gia bại sản, phiêu bạt lên vùng thượng du rồi tàn tạ ở đó. Lã thị theo nghiệp nhà, sắm đôi quang thúng buôn giấy lộn để nuôi con. Thánh Sinh lớn lên mắc chứng điên dại nhưng rất thông minh, được mẹ cho theo đòi đèn sách. Tuy văn hay chữ tốt mà mấy lần ứng thí đều có kẻ cáo giác Kim Thánh Sinh là con trai của văn tội đồ Kim Thánh Phán, lại thêm tính khí thất thường, gây gổ với lính coi trường thi, nên dù văn bài trác tuyệt vẫn bị đánh trượt.

Thánh Sinh mang huyết thống họ Kim nên dẫu chẳng có học vị gì nhưng có tài thẩm bình văn chương thao thao bất tuyệt khiến các nho sinh khắp vùng nể phục. Lã mẫu tuổi cao, sợ đột tử, đã kể rõ cho con trai về người cha của chàng. Kim Thánh Sinh lên kinh thành tìm gặp được Kim Thánh Phán, ở lại ngôi nhà phố Hàng Hũ cùng cha. Nhưng hàng ngày hai cha con cãi nhau kịch liệt vì bất đồng chuyện thi phú. Kim lão thường kể chuyện Mao Tôn Úc và tỏ ra rất ái mộ, khuyên con trai lấy Úc làm mẫu mực về văn học và đức độ, khiến Thánh Sinh mong có ngày gặp họ Mao để so tài. Lã mẫu lâm bệnh qua đời. Thánh Sinh trở về miền thượng du lo tang mẹ. Xong việc, trở lại Đại La thì Kim lão cũng đã tạ thế từ mấy hôm trước.

Nghe câu chuyện, Mao Tôn Úc ngậm ngùi nói:

– Có lẽ do phụ thân của tiểu huynh đệ làm văn chương nên số phận con cái gian truân là phải. Ấy là trời xanh ghen với giới văn nhân vậy.

Kim Thánh Sinh cười lớn:

– Song thân của ta đều liên quan đến văn chương, nhưng chẳng ra sao. Một người làm được chính văn thì chỉ là thứ văn cổ hủ; còn một người thì buôn bán giấy lộn là “phế văn”. Tuy vậy, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ta. Làm văn mà thức thời thì thời nào cũng vinh hiển.

Mao Tôn Úc ngạc nhiên khi nghe Kim Thánh Sinh nói thế. Nhưng lại nghĩ, dù sao thiếu niên này cũng là huyết nhục của Kim lão, nên vẫn tỏ ra thân tình, cùng Thánh Sinh ngồi uống rượu đàm đạo văn chương. Úc thấy trên bàn có mấy cuốn sách dày ngoài bìa đề: “Tiền Vị lai thi phái” (Trường phái thơ Trước Tương Lai ), “Bạch chỉ thi tập” (Tập thơ giấy trắng), “Vô ngôn thi” (Thơ không lời), “Thi phi thi” (Thơ phi thơ)…thì lấy làm lạ lắm, bèn hỏi Kim Thánh Sinh:

– Những tập thơ có tên kỳ dị này là của ai vậy?

Thánh Sinh trả lời:

– Của những tác giả đang nổi danh. Họ thuê ta viết bình luận tán dương để thiên hạ hiểu được mà ngưỡng mộ họ.

Mao Tôn Úc ngạc nhiên hỏi:

– Kim huynh đệ lại có thể viết bình luận thuê sao?

Kim Thánh Sinh hỏi lại:

– Sao lại không? Họ trả tiền thì viết như ý họ. Mỗi tập thơ ta đòi 300 lượng. Đấy là các bậc tài danh nhưng hết thời. Còn lũ làm thơ vô danh tiểu tốt thì ta bắt trả 500 lượng mỗi tập. Bọn bất tài hiếu danh làm ra các loại “Xú thi” (Thơ thối) thì phải trên dưới ngàn lượng.

Mao Tôn Úc cầm tập “Bạch chỉ thi tập” dày đến vài trăm trang mở ra thấy ngoài những chữ trên bìa và  ngày hoàn thành tập thơ ở trang cuối, còn toàn là giấy trắng, tuyệt nhiên không có một chữ nào khác. Úc hỏi Thánh Sinh:

– Tiểu huynh đệ bình thế nào về tập giấy trắng này?

Kim Thánh Sinh cười lớn:

– Đó chính là tập thơ thuộc hàng tuyệt phẩm. Ta đã có lời bình hay nhất so với những tập đã bình. Đại ý, ta bình rằng: – Kim Thánh Sinh cầm tờ giấy lên đọc một đoạn:

“Sự cao siêu chẳng cần lời. Đạt tới thượng thừa chính là chân không. Hư vô chính là vô cùng vậy. Đức Tu La Kha Đạt ma giảng đạo mười ba ngày đêm trên đỉnh núi tuyết cho ba môn đệ. Chung cục, ngài hỏi các đồ đệ:”Ta đã giảng điều gì? Các ngươi đã nghe thấy điều gì?”

Đồ đệ thứ nhất thưa:”Thầy không nói gì nên con chẳng nghe thấy gì cả”. – Ngài bào người ấy hãy cút xuống núi mà hoàn tục.

Đồ đệ thứ hai thưa: “Thầy nói những điều cao siêu con không hiểu nổi.” Ngài cũng bảo người ấy hãy xuống núi, xéo về nhà mà lấy vợ đẻ con.

Đồ đệ thứ ba thưa: “Thầy không nói gì cả, nhưng con nghe thấy những điều về vũ trụ vô cùng”. Đức Tu-La-Kha cười vang, làm băng tuyết trên núi lở ầm ầm, rồi nói với người ấy: Ngươi chính là hậu sinh của ta. Hãy hạ sơn, dùng sách này mà thay ta hành đạo. Đoạn ngài lấy trong tay áo ra một tập kinh thư rất dày đưa cho đồ đệ ấy, rồi ngồi nguyên mà hóa. Đồ đệ này không mở tập Kinh thư ra mà vùi xuống tuyết rồi xuống núi. Hai đồ đệ kia lấy làm lạ, moi tập kinh lên, mở ra đọc thì thấy chẳng có chữ gì cả. Đó chính là tập “Vô tự kinh” nói về thế giới càn khôn.

“Bạch chỉ thi tập” chính là tập thơ đạt tới độ thượng thừa vậy.”

Kim Thánh Sinh đọc xong cười ngất, tỏ ra đắc ý lắm.

Mao Tôn Úc chờ Thánh Sinh dứt cơn cười, mới thở dài bảo:

– Đức Tu-La-Kha ấy cùng chuyện giảng đạo là đệ bịa ra. Chẳng có sách nào nói thế. Người phê bình văn chương không thể làm như vậy.

Thánh Sinh lấy ống tay áo lau nước mắt vì trận cười, nói:

– Mao huynh thông thái mới thấy điều đó. Còn lũ háo danh ngu muội sao biết được.

Úc hỏi:

– Chắc đệ giàu có lắm phải không?

Thánh Sinh đắc ý trả lời:

– Hiện giờ thì chưa, nhưng một hai năm nữa Thánh Sinh này sẽ có vài muôn lượng bạc, mặc áo gấm, ngồi xe tứ mã vào cung vua như đến với bằng hữu. Trưởng Thượng Văn hào Tử Y đã cho người đến đây bảo ta, nếu vào phủ của lão nhận một chân thư lại chuyên bình thơ văn cho lão cùng các bậc đại quan muốn làm thi sĩ, sẽ được thanh giải cái tiền sử “thân nhân văn tội đồ”.

Úc lại hỏi:

– Đệ đã chấp thuận?

Kim Thánh Sinh gật đầu, nói:

– Ta biết hynh mang tội danh văn tặc, đang bị Trọng Sự quân truy nã gắt gao. Vì chút tình đồng hương với phụ thân, ta sẽ xin lão Tử Y miễn tội cho. Huynh ở đây, chờ ba ngày sau tang lễ, ta sẽ đưa vào  phủ Trưởng Thượng đầu thú, tạ tội rồi cùng ta nhận việc ở đó.

Mao Tôn Úc đứng lên, đến trước bài vị Kim Thánh Phán thắp hương vái rồi khóc rống lên:

– Than ôi Kim tiền bối, thật vô phúc cho người! Chuyến này về nước, vãn bối nguyện sẽ đến huyện Khổ đất Sở lập đại đàn tràng giải hận cho Kim lão để anh linh người được siêu thoát.

Đoạn Mao Tôn Úc rũ áo bỏ ra cửa, không hề chào từ biệt. Kim Thánh Sinh cả giận, cầm bầu rượu trên bàn ném theo rơi vỡ tan tành, thét to:

– Văn tặc Mao Tôn Úc dám khinh ta. Rồi ngươi sẽ biết. Dù có mọc cánh ngươi cũng đừng hòng ra khỏi thành Đại La này.

Mao Tôn Úc nghe lời đe dọa ấy, tuy vẫn ra vẻ cứng cỏi nhưng trong bụng sợ hãi vô cùng, vội rảo bước thoát khỏi phố Hàng Hũ, vẫy một chiếc thuyền bảo chở đi quanh co hồi lâu để tránh bị theo dõi rồi mới quay về Hàng Mã.

Về đến quán nhà họ Phạm, Úc thấy bộ giáp trụ và thanh đao đã xong. Thợ hoa man còn hơ muội đèn làm cho ra vẻ như đồ cổ han rỉ nữa. Úc mừng lắm, mang thử vào người, mắt thường chẳng thể biết đó là đồ hàng mã. Xong việc, Mao Tôn Úc bảo Như Vân ra phố mua chút thực phẩm về đãi thợ. Như Vân đi một lúc về ngồi trên xe ngựa cùng Lương Văn Hàn. Gặp lại Mao Tôn Úc, Hàn  khóc nói:

– Đại ca có đại ân với tiểu đệ. Nay thân mẫu đã bình phục, bây giờ ra chợ phụ việc bán rau với các chị Lý Xá kiếm cơm hàng ngày. Tiểu đệ nhận được việc chở thùng gỗ từ Đại La về Biên Hải cho xưởng làm mắm. May gặp chị Như Vân cùng đại ca ở đây.

Úc mừng rỡ hỏi những thùng gỗ mà Hàn chở kích thước thế nào. Hàn bảo thùng lớn nhất cao gần đến ngực, đường kính tới sáu tấc. Úc ngẫm nghĩ rồi ghé tai nói nhỏ cùng Như Vân và Văn Hàn: “Ta đang chưa biết ra khỏi Đại La bằng cách nào. May gặp Hàn đệ chở những thùng gỗ. Vậy thì ta sẽ dùng kế “Thoát Hoan tẩu Bắc”. Như Vân cũng hiểu ra, mừng lắm.

Lương Văn Hàn hẹn cuối giờ Mão ngày mai, lĩnh xong các thùng gỗ sẽ đánh xe ngựa đến.

Hôm sau Mao Tôn Úc cùng Như Vân gói bộ giáp trụ thanh đao cho vào bao, thanh toán tiền cho nhà hàng mã rồi ngồi chờ Lương Văn Hàn. Mới giữa giờ Mão, Mao Tôn Úc nghĩ ra một điều, bảo Như Vân:

– Ta đang ở Đại La, nên chẳng đành lòng ra đi mà không gặp lại Trường Nhân. Vậy Vân muội ở đây chờ Lương Văn Hàn, chừng nửa canh giờ, ta sẽ quay lại. Giờ ấy người ra vào thành tấp nập chúng ta sẽ dễ thoát hơn.

Nói rồi lại kéo nón tu lờ che mặt, để ngựa Ngọc Ty lại cho Như Vân, gọi một con thuyền bảo chở đến phố Hàng Giấy. Nước vẫn chưa rút, thuyền đi lại như mắc cửi trên đường phố. Mao Tôn Úc đến nơi thì thấy có nhiều người đỗ thuyền vây quanh khu vực quán của Trường Nhân làm nghẽn một đoạn phố. Nhìn lại cái quán nhỏ của cố nhân, trong lòng Mao Tôn Úc cảm động vô cùng. Nhưng lúc này ngôi quán đóng cửa im ỉm, lại có những kẻ mặc áo đen, bịt mặt, thoăn thoắt leo trèo lên xuống khắp mặt quán như bầy khỉ đang loay hoay tháo dỡ bứt phá gì đó. Mao hỏi một người ở thuyền phía trước:

– Xin hỏi, những người mặc áo đen kia đang làm gì cái quán rượu ấy?

Người kia trả lời:

– Bọn Hắc-Cơ (Hacker) đang định phá quán.

Mao Tôn Úc hỏi thêm:

– Bọn Hắc-Cơ là ai mà dám lộng hành như thế kia ngay trên đất kinh kỳ?

Người kia chỉ tay lên trời, không nói. Úc lại hỏi::

– Họ có hành hạ chủ quán không?

– Chúng chỉ phá quán thôi. Nếu chủ quán có trọng tội theo luật thì Trọng Sự quân sẽ “làm việc”.

Mao Tôn Úc nghe nói thế trong lòng lo cho Trường Nhân vô cùng. Lại thấy rất khổ tâm vì đứng nhìn bạn bị hoạn nạn mà chẳng biết làm gì để trợ giúp. Úc không nén được, bỏ nón tu lờ ném xuống sạp thuyền giận giữ kêu to:

– Thật quá đáng. Tức chết đi được!

Vừa lúc ấy một chiếc thuyền lớn bằng sắt chở một toán lính mặc áo đen nẹp đỏ lừng lững áp đến. Một võ quan to béo có bộ ria chữ bát đứng nghênh ngang trên mũi thuyền quát hỏi:

– Kẻ nào dám nói tức tối gì ai?

Một gã lính ngồi trên thuyền chỉ về phía Úc:

– Bẩm thày Đội, là tên kia!

Thật là oan gia, lại chính là thày Đội cùng toán Trọng Sự quân đang giải phạm nhân. Vẫn là hai kẻ mặt trắng mà Úc đã thấy trong quán cơm hôm nào. Hai tội nhân này cổ vẫn bị gông lại có dây thừng buộc vào sau thuyền, phải vừa lội vừa bơi dưới nước, mặt mày nhợt nhạt trông rất khổ sở. Mấy tháng nay hai người này bị giải đi hết Bộ Hộ sang Bộ Hình, lại về Bộ Binh mà các quan vẫn không định được tội trạng. Thày Đội vung đoản côn thét lên:

– Văn tặc Mao Tôn Úc, lần này chớ hòng thoát khỏi tay ta…

Mao Tôn Úc tức giận chỉ mặt thày Đội nói:

– Về nói với lão Tử Y cùng thượng quan của ông rằng, hãy tỉnh táo mà lo những mối hoạ lớn hơn là chỉ chuyên tâm vào chuyện làm khổ mấy kẻ văn nhân hiền lương sức trói gà không chặt.

Rồi Úc đứng thẳng người trên thuyền quay xung quanh kêu lớn:

– Bớ chúng dân, đê sông Nhĩ Hà đã vỡ rồi. Hãy mau thoát thân, kẻo sẽ biến thành cá…

Nói rồi nhảy tùm xuống nước bỏ chạy. Các thuyền nhốn nháo tiến thoái loạn xạ. Thật may cho Mao Tôn Úc, nước trên đường phố nơi này chỉ ngập gần đến bụng nên Úc dễ dàng tẩu thoát, còn chiếc thuyền nặng của đội Trọng Sự lại bị mắc cạn không sao tiến được. Úc chạy vào một ngõ nhỏ. Thầy Đội xua lính bỏ thuyền chạy bộ đuổi theo. Trọng Sự quân chen nhau nhảy xuống nước làm thuyền tròng trành rồi lật úp, cả bọn bị chìm nghỉm trong nước bẩn, sặc sụa, ướt như chuột. Các thuyền dân nhốn nháo xoay ngang xoay dọc hỗn độn, nên quân Trọng Sự lúng túng chẳng thể truy đuổi văn tặc. Thày Đội đứng trên thuyền nghe tiếng chân của Úc lõm bõm xa dần mà không làm gì được, tức tối hò hét mãi không thôi.

Vậy là trận thủy chiến giữa kinh thành, Mao Tôn Úc không giáp mã võ khí, chỉ với tay không ở thế độc cô mà đả bại đội Trọng Sự quân hùng hậu.

Thật là:

Thiên địa mang mang như trung chưởng

Giang hồ bôn tẩu hựu ngẫu phùng

Tạm dịch: Trời đất mênh mang mà chật hẹp như trong bàn tay / Trốn tránh khắp sông hồ mà vẫn phải đối mặt.

Liệu Mao Tôn Úc có thoát khỏi thành Đại La không, xin xem tiếp chương 14.

______________________________

(*) Để phù hợp với hoàn cảnh câu chuyện nên người viết đã dùng những câu thơ được biến tấu từ bài lược trích “Hồ trường” của Dương Bá Trác và có ảnh hưởng những bài thơ ở phần “Ngoại luật” và tiểu mục “Jờ Joạcx” trong tập thơ Trần Dần. Tuyệt không có ý giễu nhại hai vị tiền bối đáng kính.(Xem nguyên bản lược trích “Hồ trường” của Dương Bá Trác – Chương 3  )

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder