Chuyện li kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 14)

Vanhaiphong.com: Nhà văn Bão Vũ đã sưu tầm và biên soạn xong 16 chương của toàn bộ câu chuyện về Mao Tôn Úc. Dịp nghỉ tết dương lịch vừa qua, liên lạc giữa vanhaiphong.com với Bão Vũ có chút gián đoạn nên đến nay chúng tôi mới nhận được chương 14. Chúng tôi post lên để chúng ta cùng theo dõi tiếp câu chuyện.

3 chương cuối của “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” sẽ cùng đăng với tiểu thuyết “Mạc Đăng Dung” của Lưu Văn Khuê…

Vanhaiphong.com: Nhà văn Bão Vũ đã sưu tầm và biên soạn xong 16 chương của toàn bộ câu chuyện về Mao Tôn Úc. Dịp nghỉ tết dương lịch vừa qua, liên lạc giữa vanhaiphong.com với Bão Vũ có chút gián đoạn nên đến nay chúng tôi mới nhận được chương 14. Chúng tôi post lên để chúng ta cùng theo dõi tiếp câu chuyện.

3 chương cuối của “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” sẽ cùng đăng với tiểu thuyết “Mạc Đăng Dung” của Lưu Văn Khuê.

14.-  LÝ THẦN TỔ HIỂN THÁNH

Nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc giữa kinh thành dày đặc quan quân mà một mình dám đương đầu với đội Trọng Sự quân hùng hậu, tuy phải bỏ chạy nhưng rốt cuộc trận thủy chiến ấy Úc đã thắng. Thuyền của quân tướng thày Đội bị lật úp, khi chấn chỉnh được đội ngũ thì Mao Tôn Úc đã tẩu thoát. Thầy Đội cùng mấy người lính bị uống nước ô uế, sau đấy phải nhập y viện vì bị tiêu chảy cấp.

Mao Tôn Úc về đến phố Hàng Mã thì vừa lúc xe chở thùng của Lương Văn Hàn đã đến và Như Vân cũng thanh toán xong tiền công cho nhà hàng mã. Ba người đánh xe đến một ngõ nhỏ. Nhìn quanh thấy không có người, Úc lên xe, mở nắp một thùng gỗ, trèo vào trong ngồi. Như Vân xếp hành lý và bao giáp trụ lên trên rồi đậy nắp thùng lại.

Lương Văn Hàn thắng cả Ngọc Ty vào xe thành song mã rồi cho xe ra lối cổng thành Tây là nơi quân canh chểnh mảng hơn. Lại bảo Như Vân sắp sẵn ít bạc lẻ để trên đường đi nộp cho các các quan cai lộ, gọi là “hành luật”.

Đến cổng thành, mấy người lính canh chặn xe lại xét hỏi. Như Vân cười nói duyên dáng rồi giúi ít bạc vào tay chú đứng đầu toán lính, “để các thày quyền uống rượu”. Họ vui vẻ mở cổng thành cho xe đi.

Số là ngày xưa, tướng giặc Nguyên là thái tử Thoát Hoan khi bị quân Nam triều đánh bại trên đất Vạn Xuân, bị truy kích suốt dọc đường tẩu thoát, tên đạn như mưa, y đã phải chui vào trong ống đồng để cho quân lính khiêng đi mới toàn mạng trở về Bắc quốc. Bây giờ Mao Tôn Úc đã dùng kế “Thoát Hoan tẩu Bắc” mà thoát khỏi thành Đại La.

Xe thắng hai ngựa nên chiều hôm sau đã về đến Ngã Ba Tam. Mao Tôn Úc bảo Lương Văn Hàn cho xe về thẳng Lý Xá. Đầu giờ Dậu, trời bắt đầu tối, xe ngựa đến lối rẽ xuống huyện Vân Giang. Mao Tôn Úc cùng Như Vân xuống xe, cưỡi ngựa về gò Miếu thần tổ. Như Vân đưa Mao Tôn Úc vào hang Cô Sơn. Trong hang ngột ngạt vắng tanh. Dân chúng kéo nhau lên đồi hóng gió. Hai người tìm một ngách sâu kín cất bao giáp trụ và thanh đao hàng mã, rồi đánh dấu nơi đó. Xong việc, lại lặng lẽ vượt qua cánh đồng, ra ngoài đường cái lên xe ngựa trở lại Ngã ba Tam.

Hôm sau, Lương Văn Hàn đánh xe chở thùng đi Biên Hải. Như Vân trở về Lý Xá lo công việc. Mao Tôn Úc ở lại nhà trọ chờ đợi. Khi Như Vân lên ngựa, Úc đưa cho nàng một phong thư, ghé tai dặn dò:

– Chuyến này về Lý Xá, lên phủ Vân Giang hiền muội sẽ gặp chuyện khó phải tự quyết định. Huynh không thể đi cùng nên hiền muội phải cẩn trọng. Gặp chuyện nan giải cứ mở thư này ra xem, trong đó có ba bức thư, muội mở theo thứ tự sự việc, huynh đã tiên liệu cả, cứ theo đó mà hành xử.

Như Vân cảm động dặn Úc đừng khinh xuất ra khỏi nhà trọ dễ bị quan quân phát giác. Nàng cất phong thư vào trong nội y rồi thúc ngựa Ngọc Ty phóng đi. Về đến Lý Xá, Như Vân vào miếu thần tổ thắp hương, rồi mời các bô lão đến tính kế lên phủ Vân Giang cứu Hương trưởng Lý Sinh ra khỏi ngục thất. Các bô lão bảo chỉ có cách giao nộp giáp trụ cùng đại đao của Thần tổ thì Dương Đình Hống mới chịu thả người. Việc trọng đại ấy phải do chính Lý Hương trưởng quyết định. Mà cũng phải có bạc đút lót cho đám thư lại và ngục tốt mới được việc.

Như Vân nói:

– Bạc để đút lót thì cháu sẽ cố lo, nhưng việc thuyết phục tri phủ cho gặp Hương trưởng phải có bậc trưởng thượng của làng đứng ra nói. Những lần cháu lên phủ tiếp tế, ngục tốt bảo ông cháu là trọng phạm nên có lệnh tri phủ cấm không cho ai gặp. Việc hối lộ cũng cần có người thông thạo phủ đường giúp cho.

Bô lão Lý Đắc Thiển đứng lên nói:

– Chuyện không may vừa qua của Lý Xá này một phần do tên nghịch tử Lý Đắc Nhược nhà tôi gây nên. Tôi đã làm văn tự từ bỏ và truất quyền thừa kế của nó. Nhưng hôm kia, Nhược về nhà quỳ khóc lóc xin tôi tha tội, hứa sẽ lập công chuộc lại lỗi lầm với đức Thần tổ và dân chúng Lý Xá. Tôi nghĩ hắn đã hồi tâm vì dẫu sao cũng mang trong huyết quản dòng máu họ Lý ta. Nay, nếu cần người thông thạo phủ đường thì để cho Đắc Nhược có cơ hội chuộc tội.

Mọi người khen phải. Nhưng Như Vân không an tâm liền xin phép các bô lão vào hậu cung thắp hương, rồi mở thư thứ nhất của Mao Tôn Úc ra xem, thấy có chữ hai chữ “Gian tế”. Vốn thông tuệ, Như Vân ngẫm nghĩ rồi hiểu ngay. Bèn ra ngoài hẹn với các bô lão ngày mai giờ Mão sẽ lên phủ.

Hôm sau Như Vân cùng ba vị bô Lão Lý Xá kéo lên phủ đường Vân Giang, đưa Lý Đắc Nhược đi theo. Cả bọn vào ra mắt tri huyện. Lý Đắc Thiển xin được gặp Lý Sinh để thuyết phục Lý hương trưởng nộp tang vật. Như Vân cũng bước ra khóc nói xin tri huyện tha cho ông ngoại của mình kẻo tuổi già sức yếu sống lâu ngày trong lao thất, e sinh trọng bệnh. Dương Đình Hống ngẫm nghĩ rồi thuận tình, nhưng chỉ cho Như Vân và Lý Đắc Nhược được xuống đại lao gặp Lý Sinh. Như Vân thấy tri huyện chỉ thuận cho mình và Lý Đắc Nhược xuống đại lao nên lo lắng không hiểu sao. Trên đường đi, nàng lén giở bức thư thứ hai của Mao Tôn Úc ra xem, thấy có hai chữ “Tựu kế”. Nàng nghĩ, rồi cũng hiểu ý Mao Tôn Úc.

Đến đại lao, Lý Đắc Nhược tìm gặp cai ngục, bảo Như Vân đưa bạc xin cho gặp riêng trọng phạm Lý Sinh theo lệnh huyện quan. Như Vân nhìn thấy ông ngoại thân hình tiều tụy, đang ốm nằm mê mệt trên ổ rơm thì khóc òa lên. Lý Sinh mở mắt ra nhìn thấy cháu gái thì mừng lắm, nhưng lại thấy có Lý Đắc Nhược liền đùng đùng nổi giận chỉ mặt hắn mà mắng rằng:

– Nghịch tử, phản tổ hại tông, sao dám vác mặt đến đây?

Lý Đắc Nhược quỳ sụp khóc nói:

– Xin lão bá tha tội. Cháu ngu dại chót gây họa, nay đã biết tội nên đã xin phụ thân được đến đây lập công chuộc lỗi.

Như Vân gạt nước mắt nói:

– Ông ơi, cháu nhìn thấy ông mình hạc xác ve mà đau đớn vô cùng. Xin ông hãy vì đứa cháu gái côi cút này, vì dân Lý Xá mà khai báo thành khẩn, nộp tang vật để được về với cháu cùng dân làng đang ngày đêm mong ngóng ông.

Nghe Như Vân nói thế, Lý Sinh hiểu ý, biết Mao Tôn Úc đã lo liệu xong, bèn cúi đầu ra vẻ ngẫm nghĩ. Như Vân bảo Lý đắc Nhược ra xin ngục tốt ít nước nóng để ông ngoại uống mấy viên thuốc hoàn nàng đem theo. Lý Đắc Nhược chần chừ rồi cũng vâng lời đi ra ngoài. Nhân lúc ấy Như Vân ghé tai ông ngoại nói thầm nơi cất giấu bộ giáp trụ hàng mã trong động Cô Sơn, chỗ có đánh dấu.

Đắc Nhược mang nước đến, Lý Sinh uống thuốc rồi sai gọi cai ngục đến, bảo:

– Nghe lời đứa cháu tội nghiệp, Lý Sinh này đành đắc tội với tiền nhân. Phiền ông báo cho quan tri huyện biết, lão phu xin khai báo.

Lính dẫn Lý Sinh đến công đường.Trước mặt Dương Đình Hống, Lý hương trưởng nói:

– Lão phu nhất thời muốn cứu giúp chúng dân nên mạo danh Lý Thần tổ để cảnh tỉnh kẻ đã gây họa cho Lý Xá. Nay đại nhân muốn thấy những tang vật mà lão phu đã sử dụng, thì xin giao nộp. Nhưng sau đó xin được giữ lại dùng cho việc thờ phụng thần tổ.

Hống nói:

– Cứ nộp cho bản phủ thấy vật chứng rồi sẽ xét.

– Vậy xin đưa lão phu về Lý Xá lấy tang vật.

Chiều hôm đó, Hống dẫn quân bản bộ giải Lý Sinh về Lý Xá. Đến nơi, Lý Sinh đưa Hống vào hang Cô Sơn theo dấu Như Vân đã chỉ, lấy ra bao đựng bộ giáp trụ và thanh đại đao mà hàng mã đã làm, nộp cho quan quân. Hống cho gọi Lý Đắc Nhược đến hỏi có biết những vậy ấy không. Nhược bảo, đó chính là trang bị của Lý hương chủ mang trên người vào cái đêm Lý thần tổ hiển thánh. Hống quát hỏi Nhược:

– Đêm tối sao ngươi biết được chính là bộ giáp này? Mi biết tội gian chứng sẽ bị trị thế nào không? Nhược xin được lại gần nói rõ những chi tiết trên bộ giáp trụ cho quan tri huyện rõ. Dương Đình Hống lại gần, Nhược chỉ những chỗ sạm rỉ trên bộ giáp trụ bảo hắn nhận ra bộ giáp này là thật vì những chỗ giống như han rỉ này. Rồi Nhược hạ giọng nói nhỏ với Hống chuyện hắn thấy Như Vân nói thầm gì đó với Lý Sinh trong ngục thất.

Như Vân để ý thấy Đắc Nhược nói gì đó với Dương Đình Hống, biết Nhược vẫn là kẻ “chó đen giữ mực” cam tâm làm tai mắt cho viên huyện quan bất nhân. Nàng thầm thán phục Mao Tôn Úc là người phòng xa.

Còn Dương Đình Hống nghe Nhược nói thế cũng hoài nghi, nhìn kỹ bộ giáp trụ, rồi đập án quát:

– Ta chẳng tin những đồ hàng mã nguỵ tạo này lại làm lũ người ở trại Phết Cầu phải hoảng sợ.

Viên thư lại chuyên soạn thảo văn bản cho quan phủ ghé tai Hống:”…Xin đại nhân cứ làm như thế, như thế… sẽ rõ thực hư”. Hống khen phải, cho người đến trại Phết Cầu gọi viên Ban phó và gã Thuật sĩ cùng mấy kẻ đã chứng kiến Lý thần tổ hiển thánh đến làm nhân chứng. Lại bảo Lý Sinh phải tái diễn mọi chuyện đêm hôm đó, như quy định của phép tra xét hình sự.

Lúc ấy trời đã tối, Hống cho quân dựng trại bên bờ sông Như Vân nấu cơm ăn. Viên Ban phó trại Phết Cầu cho người mua rượu ngon cùng đồ nhắm tốt đến mời quan phủ. Hống ngồi uống rượu cùng Ban phó cùng chờ đến giờ thẩm án.

Lý Sinh đã được tháo gông nhưng vẫn có lính giám sát, được phép cùng cháu gái Như Vân vào miếu Lý thần tổ thắp hương khấn cầu. Như Vân thấy ông ngoại mới ra khỏi ngục thất, lại đang lâm bệnh, người lảo đảo, chân đi không vững thì lo lắng, không hiểu làm cách nào để ông có thể tái diễn chuyện Lý thần tổ hiển thánh. Nàng bèn lui vào hậu cung mở bức thư cuối cùng của Mao Tôn Úc ra xem lại thấy có hai chữ. Đó là hai chữ rất kỳ lạ: “Thần tửu”. Lần này Như Vân không hiểu gì cả, bèn khẽ nói hết chuyện về mấy bức thư với ông ngoại cùng mối lo về sức khỏe của ông. Lý Sinh ngẫm nghĩ rồi bảo:

– Ông hiểu rồi. Mao Tôn Úc quả là thần cơ diệu toán, có tài tiên lượng chuyện vị lai.

Đúng canh ba, Lý Sinh nhờ người lính đang giám sát giúp mình mặc bộ giáp trụ hàng mã vào người, ngoài khoác bạch bào, cầm lấy thanh đại đao bằng gỗ. Lý Sinh sây sẩm mặt mày, tay yếu  chân run đứng không vững. Ông thở dốc, bảo Như Vân:

– Cháu lấy cho ta bình rượu trên ban thờ Thần tổ.

Như Vân đem bình rượu thờ đến, Lý Sinh uống một hơi cạn bình rượu, bỗng thấy bừng bừng dũng khí, bệnh tật tiêu biến hết, trong người thấy khoái hoạt vô cùng. Lý Sinh nhảy lên ngựa ô truy phi ra bờ sông Như Vân. Vẫn là con ngựa chiến lực lưỡng có đốm sao trên trán lần trước, do Hống sai người đến đồn binh gần đó mượn lại.

Dương Đình Hống kéo viên Ban phó trại Phết Cầu cùng đám thư lại huyện đường ra cửa trại đứng chờ đợi. Dân chùng Lý Xá cũng đến xem rất đông.

Đêm đó trăng mười sáu sáng vằng vặc. Khi Lý Sinh phi ngựa đến bờ sông thì bỗng nhiên mây đen kéo đến che khuất mặt trăng, trời đất âm u. Gió lạnh nổi lên, mặt sông Như Vân bốc khói nghi ngút. Nghe văng vẳng tiếng quân reo ngựa hý, như có thiên binh vạn mã đang lâm trận. Hống và quân sĩ thuộc hạ cùng đám người ngoại bang bỗng thấy tâm thần giao động, rồi cả bọn nhìn thấy một bóng chiến mã Ô truy tung vó như bay bên bờ sông sương khói. Trên mình ngựa là một võ tướng mặt vàng như nghệ, râu ba chòm đen nhánh, mình mặc giáp trụ bằng đồng, ngoài khoác bạch bào, tay cầm đại đao, oai phong lẫm liệt. Võ tướng phi ngựa đến ngang trại quân phủ Vân Giang thì gò cương, chỉ đao về phía lều của huyện quan quân, cất giọng sang sảng vang trời, mắng rằng:

– Bớ Dương Đình Hống, tri huyện Vân Giang, nghe ta hỏi tội: Rượu ngon thịt béo xe tốt nhà cao mà ngươi hưởng là của dân chu cấp, mũ cao áo dài ngươi mang cũng do dân ban cho ngươi, cớ sao lại nhẫn tâm làm điều phản nước hại dân. Giang sơn đất đai thấm đẫm máu xương của tiền nhân đâu phải tư thổ của các ngươi mà dám tự tiện cắt nhượng cho ngoại bang mưu lợi riêng, khiến dân lành điêu đứng không còn ruộng đất canh tác sinh nhai. Vậy những kẻ như các ngươi có còn đáng là bậc chăn dân trị quốc nữa không? Nay, anh linh Thái úy Lý Thường Kiệt hiển thánh quyết trừng trị bọn bay. Hãy nghe ta phán truyền:

Võ tướng cất giọng vang rền như sấm ngâm một bài thơ tiếng Hán chấn động không trung:

Tự cổ địa điền nông phu canh

Thiên thư quốc luật khẳng định thành

Như hà thổ tặc xâm phân đoạt ?

Nhữ đẳng hành khan tảo tảo thanh !


(Từ xưa đồng ruộng dân cày cấy

Lẽ trời luật nước đã rành rành

Cớ sao “giặc-đất” chia nhau chiếm?

Rồi bay sẽ bị quét sạch sanh! )

Dân chúng Lý Xá mục kích Lý Thần tổ hiển thánh mắng lũ mọt dân liền quỳ rạp xuống, kêu khóc như ri, xin Lý thần tổ cứu con dân họ Lý đang khốn cùng. Lời than khóc ai oán khiến Lý thần tổ cả giận gầm lên như sấm, hoa đại đao quất ngựa lao thẳng vào khu trại quân huyện phủ. Ngựa ô truy đi đến đâu cuốn theo lều trại sập đổ tan tành. Đèn đuốc vung vãi bén vải lều bốc cháy đùng đùng. Dương Đình Hống cùng quân sĩ táng đởm kinh hồn, kẻ kêu thét ôm đầu tháo chạy, kẻ bị díu chân ngã vật chết ngất. Cảnh tượng kinh hoàng như đêm xưa quân Nam triều đại phá trại giặc Tống Quách Quỳ bên sông Như Nguyệt.

Viên Ban phó cùng viên thuật sĩ trại Phết Cầu cũng hồn xiêu phách lạc nằm phủ phục xuống đất ôm đầu bất tỉnh. Đến lúc ấy Lý Sinh mới dừng lại, nhưng vẫn ngồi như trời trồng trên lưng ngựa, khí phách lẫm liệt. Hồi lâu sung khí thoát hết Lý Sinh từ từ ngã xuống ngựa, thiếp đi. Như Vân cùng dân làng vực Lý hương trưởng dậy, ông vẫn mê man không biết gì. Các bô lão Lý Xá quỳ rạp hướng về miếu thần tổ, khóc nói:

– Lý thần tổ thương con dân Lý Xá nên đã hiển thánh nhập vào Lý hương trưởng để cảnh tỉnh lũ tham quan ô lại… Xin Thần tổ xui khiến bọn họ hồi tâm trả lại ruộng đất cho chúng con sinh sống.

Đến lúc trời hửng sáng, Dương Đình Hống cùng quân huyện phủ mới hoàn hồn. Hống nhìn cảnh lều trại tan hoang, trong lòng vô cùng khiếp hãi, tin chuyện Lý thần tổ hiển thánh là có thực nên không còn hung hăng như trước. Ban phó trại Phết Cầu đứng trước dân lắp bắp hứa sẽ từ bỏ việc xây khu phết cầu, chẳng dám phạm đến đất thiêng nữa.

Hống truyền tha cho Lý Sinh, rồi ra lệnh thu quân về huyện đường. Dân chúng reo hò mừng rỡ.

Nhưng rồi mãi sau này không thấy tri huyện Vân Giang nói gì đến chuyện hoàn trả ruộng đất cho dân Lý Xá. Khu Phết Cầu lạc vẫn cứ vừa xây vừa dừng do thiếu bạc, do ngày càng sinh ra những thủ tục phiền hà, do giá vật tư và nhân công ngày một tăng, nên mãi không xong. Dân Lý Xá  tuy vẫn sống cảnh màn trời chiếu đất khổ cực nhưng cũng hả lòng vì cho rằng Lý thần tổ đã trừng phạt đám người ngoại bang, không để cho họ xây xong khu Phết Cầu.

Hương trưởng Lý Sinh làm đơn kêu lên các quan trên. Số giấy đơn của Lý hương trưởng suốt mấy năm lên tới hơn chục cân mà chẳng thấy hồi âm.

Đó là chuyện về sau đấy. Mà những việc quan tụng ở xứ này thường triền miên vô hạn định nên chuyện này không nói nữa.

……

Hôm sau, Hương trưởng Lý Sinh đã bình phục, Như Vân kể lại cho ông ngoại nghe chuyện thần tổ Lý Dực hiển thánh nhập vào ông, mắng nhiếc tri huyện Dương Đình Hống rồi phá trại của huyện phủ khiến quan quân bạt vía. Hương trưởng mừng lắm, người khỏe hẳn. Như Vân cũng đem chuyện mình và Mao Tôn Úc đến Đại La ra kể. Lý Sinh  khóc nói:

– Mao Tôn Úc vì giúp ta giữ gìn di vật thiêng của Lý thần tổ mà chịu muôn vàn hiểm nguy. Thật phúc lớn cho dân Lý Xá gặp được một quý nhân như vậy. Nếu bộ giáp trụ và thanh đại đao lọt vào tay bọn tham lam ngu xuẩn thì những báu vật thiêng liêng vô giá ấy sẽ bị chúng bán cho bọn buôn đồ cổ, có khi chúng lại quẳng cho hàng đồng nát đổi lấy ít bạc vụn để uống rượu. Linh vật của tiền nhân còn thì tráng khí non sông còn, hào kiệt cũng không thiếu. Giang sơn Vạn Xuân vẫn vững âu vàng. Việc trọng đại đã xong.Ta không còn lo đắc tội với thần tổ.

Như Vân cũng cảm động nói với ông ngoại:

– Mao huynh dọc đường đi với cháu luôn tỏ ra là người quân tử, luôn chu đáo với cháu nam nữ cận kề mà không hề tỏ ra sàm sỡ, khiến cháu kính phục bội phần.

Lý Sinh thở dài nói:

– Tiểu Vân con nghe đây: Ta tuổi đã cao, lâu nay phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vừa rồi lại chịu cực khổ trong lao thất, nên chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Chuyện của Lý Xá chưa xong, ta quyết đến chốn pháp đình đối đầu với đám tham quan. Nhưng ta còn có cháu là phận gái, nên chẳng thể yên lòng lo việc lớn. Nay ta xem Mao Tôn Úc là bậc văn tài, nhân nghĩa, lại có tiết tháo của đấng trượng phu. Nếu con được nương bóng một người như vậy thì thật là phúc lớn. Ta có ý định gả con cho Mao Tôn Úc. Con nghĩ sao?

Như Vân đỏ mặt, cúi đầu hồi lâu mới cất lời:

– Được như ông ngoại lo cho con như vậy thì thật là mỹ mãn. Nhưng biết được ý của Mao huynh như thế nào. Hơn nữa, nếu Mao huynh còn quanh quẩn ở đất này, sẽ khó bề thoát khỏi cảnh tù tội, nên chỉ còn cách trở về Bắc quốc mới được yên thân. Vậy ngày mai ông cùng cháu ra Ngã ba Tam gặp Mao huynh nói chuyện.

Lý Sinh lắc đầu nói:

– Ta cũng rất muốn gặp lại Mao Tôn Úc để tạ ơn nhưng không thể được. Vì bây giờ ta đi một bước, ắt có gian tế theo chân. Chúng sẽ lần ra chỗ ở của Mao quý nhân. Khi đó ta sẽ làm hại tới ân nhân của Lý Xá. Ngày mai con cứ đi gặp Mao tiên sinh, ta sẽ viết một bức thư nói rõ sở nguyện của ta về chuyện trăm năm của cháu.

Hôm sau Như Vân theo mấy cô gái đem rau cúc lên Ngã Ba Tam như thường lệ. Trên đường đi nàng vui mừng vì ông ngoại đã thoát cảnh lao tù mà vẫn bảo tồn được di vật thiêng của tổ tiên, nhưng lại bâng khuâng buồn vì chuyện giữa mình và Mao Tôn Úc cũng mong manh như mây khói.

Thật là:

Tổ tông gia sự quá tai họa

Tư phận duyên tình ngộ mệnh nan

( Tạm dịch ý: Gia đình tổ tiên vừa qua tai hoạ lại vướng vào chuyện trắc trở về tình duyên số mệnh )

Muốn biết chuyện của Mao Tôn Úc và Như Vân rồi đây như thế nào, xin đón xem chương sau sẽ rõ.

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder