Chuyện li kì về MAO TÔN ÚC – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 2)

– Tên họ Mao, thằng cẩu mao, lông chó… ta sẽ cạo trụi lông nó, nướng trên lửa như thui chó mới hả giận! Trường Nhân, mi giấu tên Mao Tôn Úc ở đâu? Ta sẽ cho đánh gãy tay chân cả hai ngươi rồi treo lên cổng chợ Đồng Xuân để thị chúng…

– Tên họ Mao, thằng cẩu mao, lông chó… ta sẽ cạo trụi lông nó, nướng trên lửa như thui chó mới hả giận! Trường Nhân, mi giấu tên Mao Tôn Úc ở đâu? Ta sẽ cho đánh gãy tay chân cả hai ngươi rồi treo lên cổng chợ Đồng Xuân để thị chúng.

Kì 2 – BỨC CHÂN DUNG MAO TÔN ÚC

Lại nói chuyện Trường Nhân sau khi tiễn Mao Tôn Úc đi rồi, lui vào quán, bồn chồn ngồi sau quầy rượu chờ tai hoạ giáng xuống đầu. Quả như tiên đoán, gần canh giờ sau, một bọn người mặt mày dữ tợn tay cầm hèo gậy hùng hổ xông vào quán. Lão áo tía dẫn đầu đám người ấy, quát lớn:

– Tên họ Mao, thằng cẩu mao, lông chó… ta sẽ cạo trụi lông nó, nướng trên lửa như thui chó mới hả giận! Trường Nhân, mi giấu tên Mao Tôn Úc ở đâu? Ta sẽ cho đánh gãy tay chân cả hai ngươi rồi treo lên cổng chợ Đồng Xuân để thị chúng.

Lũ văn nhân cả sợ nép vào góc quán đứng im thin thít, để mặc một mình Trường Nhân đối mặt với lão áo tía. Trường Nhân ra vẻ ngạc nhiên:

– Bọn kỹ nữ phố Khâm Thiên là lũ vô lại, không giữ điều độ cho lão Trưởng Thượng, để người quá chén, lại tuổi cao nên hùng khí phát tiết đến độ xung thiên. Xin ngồi nghỉ để tại hạ hầu trà giải tửu.

Rồi Trường Nhân gọi tiểu nhị lấy trà thanh nhiệt hạ hỏa. Lão áo tía gạt đổ ấm chén, chỉ mặt Trường Nhân:

– Đừng giả bộ chọc tức ta. Tôn Úc đâu, ta muốn lấy mạng nó?

– Thưa, có chuyện gì ạ? Mao tiên sinh đã chẳng hết lời ca tụng và thán phục văn tài của lão Trưởng Thượng là gì.

– Chả lẽ nhà ngươi cũng không biết tên cẩu mao ấy ví thơ của ta với cái “phụ Chi” (chân phụ) ở giữa hai “Chi” dưới? Lão quay lại hỏi đám văn  nhân đang đứng nép ở cuối phòng: – Các ngươi cũng nghe thế, cũng hiểu đúng như thế chứ?

Đám văn nhân đồng thanh :

– Dạ đúng thế ạ.

Trường Nhân kêu lên:

– Chính là lão Trưởng Thượng vừa nói thế đấy chứ! – Rồi quay ra hỏi đám văn nhân đang chết khiếp vì sợ hãi: Ban nãy các văn hữu ở đây đã thấy Mao Tôn Úc hết lời tán dương bài thơ “Chi hồ giả dã” của lão Trưởng Thượng, và Trưởng Thượng rất đẹp lòng đã thưởng rượu ngon cho các vị… Đúng không nào?

Đám văn nhân lại đồng thanh:

– Đúng…a…ạ!!!

Lão áo tía mắng đám văn nhân:

– Lũ vẹt, im ngay! Trường Nhân, nếu không muốn ta đốt cái quán này thì nói ra, Mao Tôn Úc ở đâu?

– Thưa,… Mao tiên sinh ăn uống xong, đã rời tệ quán lên xe đi rồi.

Lão Tử Y, để cho tiện, từ nay tạm gọi tên lão áo tía theo màu áo, lão Tử Y quát hỏi:

– Hắn đi với ai, về hướng nào?

– Thưa, đi cùng với một ca nữ tuyệt sắc, về hướng Nam…. Mao tiên sinh có nói…

– Ta cấm ngươi gọi tên Mao cẩu ấy là “tiên sinh” .

– Vâng, người “hậu sinh” họ Mao ấy lên chiếc xe tứ mã tốc hành, nói  là phải đến gấp Thuận Hóa kịp vui trò hoan ca trên Hương Giang đúng vào đêm thượng tuần này.

– Có ca nữ, vừa đi vừa hát xướng thì chưa đi xa được. Bay đâu, chia làm bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc truy đuổi bắt bằng được tên lông chó ấy về đây cho ta. Bắt cả ả ca nữ ấy nữa.

Gã cầm đầu đám thủ hạ ngơ ngác:

– Thưa Trưởng Thượng, Trường Nhân chủ quán nói là gã họ Mao đi về phương Nam…

Lão Tử Y trừng mắt:

– Tin làm sao được lũ văn nhân. Chúng nói “nhất” thì phải hiểu là “nhị”, mà nói “nhị” thì phải hiểu là “tam”, “tứ”. Tên chủ quán này là kẻ biến báo khôn lường, phải suy vượt lên hai bậc. Nên phải truy cả bốn phương.

– Thưa Trưởng Thượng…

– Còn không mau đi, tên cẩu Mao ấy mà thoát thì ta treo luôn cả lũ ngươi lên cổng chợ cùng với gã chủ quán này…

– Nhưng… chúng đệ tử không ai biết mặt tên họ Mao ạ.

Tử Y cũng nhận ra điều nan giải ấy. Lão lại chỉ mặt Trường Nhân:

– Ngươi dung dưỡng tên văn tặc, làm loạn văn giới, bây giờ khắp kinh thành đã đàm tiếu về bài thơ thiếu “phụ Chi” của ta, bảo thơ ta không bằng cái “chân phụ”. Tội ngươi khó tha. Nhưng, ngươi có nghề hoạ, muốn chuộc tội, hãy tốc họa hình tên họ Mao để thuộc hạ của ta nhận diện, truy nã hắn.

Trường Nhân chủ quán than thầm:“Trời hại ta rồi. Cổ nhân đã răn: Gặp buổi nhiễu nhương mà theo nghề hoạ là đeo nghiệp hoạ, bây giờ thành họa thật. Vẽ hình Mao tiên sinh cho lão tục phu này truy hại kẻ văn tài thì ta còn mặt mũi nào nhìn thấy văn hữu trong thiên hạ, lại mang tội với hậu thế. Mà không tuân lệnh lão cũng không xong”.
Nhưng tay chủ quán này không phải vô cớ mà có cái danh là “Tác Nghiệp”. Than như thế nhưng y đã tính ra cách. Trường Nhân lấy giấy bút trải ra bàn rượu rồi vung bút như múa, một thoáng đã hoạ xong.

Lão Tử Y nhìn tranh, hỏi:

– Nhà ngươi vẽ quái vật nào đây?

Trường Nhân đáp:

– Lão Trưởng Thượng chẳng bảo tôi vẽ Mao Tôn Úc là gì.

Lão Tử Y thét lên:

– Nhưng đây là hình yêu quái! Ngươi không sợ ta bẻ gãy tay ngươi, rồi đốt quán của ngươi sao?

Đám văn nhân tuy kinh hãi nhưng vẫn tò mò, đánh liều len đến gần nhìn bức hoạ của Trường Nhân. Đó là hình mặt người vô cùng dị dạng: Một mắt ngang vượt ra khỏi khuôn mặt, một mắt dọc kéo dài từ đỉnh đầu đến cằm. Mũi rất lớn. Miệng nhỏ tí chỉ bằng cái lỗ đinh. Tai bên tả to như cái quạt, tai bên hữu lại nhỏ chỉ bằng nét “sổ đứng” ( : l ).
Trường Nhân phân trần:

– Thưa lão Trưởng Thượng, Trường Nhân tôi trước kia không biết gì về nghề hoạ. Một lần có gã người Tây Dương đi du lịch bụi, hết tiền đói khát, xin vào quán này tá túc ít bữa. Y nói trong người không có một vảy bạc, nhưng về họa pháp thì thiên hạ vô địch, sẽ truyền nghề cho tôi để đổi cơm rượu. Tôi ưng thuận. Y đã dạy tôi thuật “Trừu tượng hoạ đồ” và “Siêu thực họa đồ” do vị đại họa sư tên là Bi-Cát-Lộ (Picasso) xứ Y Pha Nho dùng công phụ thượng thặng luyện thành. Thuật này dễ học nhưng thực hành thậm khó. Người thưởng lãm muốn hiểu tranh phải có học vấn cao hơn cả hoạ công. Xin được trình giải bức chân dung này:

Tôn Úc là bình luận gia văn chương tài ba đời nay, có nhãn quan vượt khỏi khuôn khổ tầm thường, nên tôi họa mắt ra ngoài khuôn mặt là thế. Kẻ hành nghề phê bình văn chương phải tinh tường bao quát mọi điều trong kinh sách, mọi lẽ trong trời đất nên Mao phải có đủ mắt ngang, mắt dọc. Cũng như vậy, khứu giác kẻ phê bình phải mẫn cảm với mọi mùi mẽ văn chương trên đời, nên mũi của Mao cực lớn. Kẻ phẩm bình văn chương phải thẩm thấu được những ngôn từ tinh túy vi diệu nên Mao có một tai rất to. Lại phải biết bỏ ngoài tai lời gièm pha đàm tiếu để giữ bản lĩnh nên Mao có một tai rất bé.

– Thế sao miệng hắn lại nhỏ như cái lỗ đồng xu thế kia? – Lão Tử Y chất vấn.

Trường Nhân cười lớn:

– Chính đấy là đặc điểm cốt yếu của chân dung họ Mao. Phê bình văn chương không cần nói nhiều. Hơn người là ở sự đích đáng, chứ không phải đa sự loạn ngôn. Với lại kẻ làm nghề phê bình văn chương chân thực thì đói, không mấy khi có ăn nên miệng chẳng cần lớn.

Lão Tử Y lại hỏi:

– Mặt hắn đầy những vệt ngang dọc như vết đâm chém là cớ làm sao?

Trường Nhân cười, đáp:

– Đấy cũng lại là đặc điểm riêng để nhận ra Mao. Kẻ hành nghề phê bình văn chương phải có đởm lượng hơn người thường.“Uy vũ bất năng khuất”, dù có phải đối diện với rừng gươm biển giáo cũng không sờn lòng, không thay đổi lời phê, vì thế thân mình đầy sẹo là lẽ đương nhiên. Thật ra loại tranh này, những người tài trí minh mẫn như lão Trưởng Thượng nhìn qua là biết ngay. Tiểu nhân giảng giải như vậy chỉ để cho mấy kẻ đầu đất cầm hèo gậy kia hiểu.

Lão Tử Y nghiêng ngó bức tranh một hồi, không hiểu gì cả, nhưng cũng không muốn mang tiếng là kẻ ngu độn, nên đành gật gù:

– Cũng có mắt mũi mồm tai, đủ thất khiếu. Mười phần giống đến vài ba”. Thôi được, ngươi viết thêm cho ta bốn chữ “Truy nã văn tặc” trên tranh.

Trường Nhân tuân theo, đề bốn chữ ấy vào góc tranh. Lão Tử Y cuộn bức tranh đưa cho gã cầm đầu bọn thủ hạ, nạt:

– Cho các ngươi một canh giờ. Không bắt được tên Mao cẩu, lông chó ấy thì tự trói về đây chịu tội.

Bọn thủ hạ lục tục kéo đi. Khi ấy đã là cuối giờ Thân, mặt trời đã khuất sau những nóc nhà rêu phong. Có tiếng trống thu không ở cửa thành Bắc gần đấy. Trường Nhân lẩm nhẩm khấn Trời Phật, mong cho Mao Tôn Úc qua ngần ấy thời khắc đã bình an ra khỏi kinh thành.
Gã cầm đầu đám tay chân của lão Tử Y đến chỗ khuất, ngắm nghía bức tranh, rồi chửi tục:

– …mẹ. Hình dung cổ quái thế này thì chỉ xuống âm phủ mới mong gặp được, mà lại có mỗi bức tranh cho cả bốn hướng. Gã gấp bức tranh làm tư, xé cho mỗi toán một mảnh, bảo: – … Chân dung thế thì có cả hình cũng như không. Lão Trưởng Thượng luôn miệng chửi tên Lông Chó, vậy chúng mày cứ thấy thằng nào có nhiều râu ria lông lá thì dù không phải là MaoTôn Úc cũng bắt. Hay là tay dắt chó cũng bắt. Đi với một ả đàn bà con gái cũng bắt. Khỏi phải đối chiếu với chân dung.

Cả bọn chia làm bốn toán rầm rộ kéo đi náo loạn cả phố phường.

……….

Lại nói về Mao Tôn Úc sau khi từ giã Trường Nhân cứ thẳng hướng mặt trời lặn mà đi, vừa đi vừa vò đầu bứt tóc tự trách mình đã làm hại ân nhân. Mao nghĩ, không hiểu lão áo tía ấy là ai mà Trường Nhân chủ quán và các văn nhân kinh hãi đến thế. Thật không sao hiểu nổi. Càng nghĩ Mao càng thương cho thân phận mình, bỗng dưng thành ra kẻ tội phạm bị truy đuổi không chốn nương thân.

Đường xá kinh thành như bàn cờ, phố phường chật chội, lại thêm người ngựa đông đúc đi lại loạn xạ không ra hàng lối, quán xá bày bán lộn xộn. Mao Tôn Úc đi mãi không thấy cổng thành Tây, phố xá ngang dọc dày đặc thêm. Úc cả sợ, lại nhớ đến trận đòn của gã hàng thịt trước kia, mồ hôi toát như tắm. Úc cũng nhớ tới cảnh đói khát giữa đường, nên thấy có quầy bánh bao vội mua mấy chiếc cất vào bọc rồi rảo bước.

Mao Tôn Úc vừa lập cập bước vừa thầm cầu khẩn vong linh tổ phụ Mao Tôn Cương cứu nạn… Không, chính vì ta thừa hưởng tài phê bình văn chương của tổ phụ mới đến nông nỗi này. Tôn Úc nhớ đến những lời lăng mạ của lão áo tía có nhắc tới các bậc tiền bối họ Mao. Phải rồi thừa tướng Mao Diên Thọ bị quan quân nhà Hán truy đuổi đã dùng thuật cải dạng vượt trùng vây trốn thoát sang Phiên quốc. Tôn Úc cầu khấn vị thừa tướng đồng tông có tài linh hoạt ấy. Nhưng vẫn không thấy cổng thành Tây. Lại cầu khấn hồn linh của Mao Toại, người nước Yên thời Chiến Quốc giỏi thuật độn thổ hành, có tài đi ngầm dưới đất như trên mặt đất đã giúp Tôn Tẫn phá Bát quái trận đồ. Cầu xin vị tiền bối đồng tông đưa lối cho con thoát khỏi cái kinh thành kỳ dị này.

Thật là linh ứng, vừa dứt lời cầu khấn thì ngay trước mắt Mao Tôn Úc là tòa cổng thành sừng sững. Nhưng trên cổng thành lại đề hai chữ “Đông môn”. Úc đã đi lạc sang cửa Đông, mà cổng thành đã đóng. Đúng lúc ấy có tiếng hò hét ở phố phía bên hữu:

– Bắt lấy tên tiểu tử đang dắt chó kia, cả tên rậm râu mặc áo lông kia nữa. Bọn Mao cẩu, lông chó, bắt hết cho Trưởng Thượng Văn Hào trị tội…

Mao Tôn Úc hồn xiêu phách lạc. Úc không có râu rậm, chỉ vài sợi lơ thơ dưới cằm, nhưng trên mình đang khoác chiếc áo lông cừu của Trường Nhân, vội cởi áo lông ra lộn trái, rồi rẽ vội vào một ngõ tối bên tả. Tiếng hò hét đã đến gần. Mao chạy sâu vào trong ngõ tối, đứng nép dưới mái hiên một căn nhà tồi tàn, miệng thở hồng hộc.

– Ai đấy?

Có tiếng trong nhà hỏi, rồi một người mở cửa bước ra. Đó là một lão nhân mình hạc xác ve, da xanh xao như có bệnh, lại như đói ăn lâu ngày. Mao Tôn Úc vái chào:

– Vãn bối người lương thiện, chẳng may gặp họa giữa đường, cúi xin lão trượng cứu giúp.

Chợt có tiếng quát tháo:

– “Đằng kia có tên đẩy xe chở cả một lồng nhốt toàn chó, đích thị là Văn tặc cẩu mao rồi. Bắt lấy…” Tiếng hò hét của đám thủ hạ lão áo tía vọng vào ngõ. Lão nhân vội đẩy Mao Tôn Úc vào trong nhà, khóa trái cửa lại.

Căn nhà tối tăm ẩm thấp chỉ có một ngọn bạch lạp nhỏ bằng ngón tay út soi sáng một mặt bàn thấp bày đầy sách vở giấy bút. Mao Tôn Úc nghĩ bụng, chắc cũng là một văn nhân. Chẳng biết là mình gặp phúc hay lại là họa. Thôi cũng liều. Úc phục xuống, vái lão nhân:

– Vãn bối là kẻ theo đòi bút mực, đang gặp họa văn chương. Xin lão trượng cứu mạng, không dám quên ơn.

Lão nhân thở dài:

– Nhìn qua cũng biết là kẻ ngu dại. Bách nghệ không chọn lại đâm đầu vào nghiên mực đen mà  chết. Ta cứu ngươi thì ngươi đền ơn thế nào?

– Có gói bạc của người tri kỷ tặng làm lộ phí hồi hương, xin dâng lão trượng. Nếu thoát thân về được đến nhà, con sẽ bán gia sản đền ơn cứu tử.

– Cho ta bạc thì ngươi lấy gì mà ăn đường? Bán gia sản rồi lấy nơi nào nương thân? Đọc sách cho lắm rồi chỉ nghĩ không quá chu vi tờ giấy.

Mao Tôn Úc không biết nói sao cứ nằm phủ phục, mà cũng vì hoảng loạn đến suy kiệt, nên nhân thể nằm nghỉ ngơi luôn. Lát sau, vị lão nhân hỏi:

– Ngươi có lương khô trong người không?

Tôn Úc vội lấy trong bọc ra mấy chiếc bánh bao mới mua ngoài phố.

– Thưa, con có mấy cái bánh bao.

– Đền ơn thế này cũng hậu lắm rồi.

Lão nhân cầm lấy một chiếc đưa lên miệng cắn, ngần ngại như muốn nhè ra, rồi lại nhai nuốt ngốn ngấu. Lão ngồm ngoàm bảo Tôn Úc:

– Nếu ngươi không quá đói thì đừng nên ăn những chiếc bánh bao này. Ta đã nhịn mấy hôm nay, mà ta cũng không sống được lâu nữa, nên có chết sớm một vài tháng cũng chẳng sao.

Từ khi đặt chân đến xứ này, Mao Tôn Úc gặp nhiều chuyện kỳ lạ. Thấy chuyện vị lão nhân này cũng không bình thường. Bèn hỏi:

–  Lão trượng nói thế là sao?

Lão nhân đã nhai chiếc bánh bao thứ hai, nói như với chính mình:

– Bánh bao này nhân bằng giấy bồi. Chẳng biết là giấy chúng nhặt ở đâu để nhét vào bánh. Lại trộn độc chất để bánh trương to. Ngươi có hiểu không, Tôn Úc?

Tôn Úc kinh ngạc. Bánh bao nhân giấy bồi, trộn độc chất. Một lão già điên. Nhưng lão điên sao lại biết tên Tôn Úc. Hay vì quá mệt mỏi kinh hoảng mà chính Tôn Úc đã phát điên. Úc cứ nằm phủ phục ngẫm nghĩ, nghi hoặc. Lão nhân vẫn ngồi nhai những cái bánh bao mà ông bảo là nhân bằng giấy bồi trộn độc chất.

Ăn xong cái bánh bao thứ tư, lão nhân ngồi thừ, ưỡn ngực dướn cổ trợn mắt nhìn lên mái nhà.

Hỏng rồi! Tôn Úc kinh hãi nghĩ, lão bị nghẹn, bị bội thực chết thì Úc sẽ mang thêm tội sát nhân.

Nhưng lão nhân không chết nghẹn, một lúc sau buông tiếng thở dài thê thảm hơn cả đã chết rồi:

– Mấy hôm nay ta nghe kinh thành đồn đại chuyện hậu duệ của Mao Tôn Cương là Mao Tôn Úc từ Trung Hoa mới sang, ngày ngày ngồi bình thơ văn tại quán cơm Trường Nhân. Ta giật mình, đoán định chẳng chóng thì chầy ngươi sẽ gặp đại nạn. Ta cũng là kẻ chịu thiên hình văn chương (*), rất ngưỡng mộ Mao Tôn Cương, nên muốn được giúp hậu duệ của tiên sinh. Nay ngươi đã gặp họa đến đây cũng là cơ duyên, là trời thương hai ta vậy. Bây giờ chịu khó nhịn đói vào nhà trong nghỉ tạm đêm nay, mọi việc để ta liệu.
Tôn Úc cả mừng, lạy tạ lão kỳ nhân rồi đeo bọc hành trang lần mò bóng tối đi vào nhà trong.

Thật là:

Xa luân thiên cơ luân hý cuộc (**)
Văn nhân văn nạn ngộ văn nhân

Tạm dịch : Bánh xe trời quay thành trò đùa dỡn. Văn nhân đã gặp nạn văn chương lại gặp phải văn nhân.(***)

Chính tôi, BV, cũng chưa biết lão kỳ nhân là người thế nào và số phận Mao Tôn Úc ra sao, phải sưu tầm tiếp. Xin quý vị đón xem phần sau sẽ rõ.

(Còn tiếp)

_______________________________

(*) Hình phạt của trời dành cho kẻ đeo nghiệp văn chương
(**) Xa luân là cái bánh xe của cỗ máy trời. Ý nói như trò chơi “Chiếc nón kỳ diệu” của kênh VTV3 Đài THVN thời bây giờ.
(***) Hai câu thơ kết đoạn này trong văn bản chúng tôi sưu tầm được, tác giả dùng thuật chơi chữ, lại dẫn chuyện hý trường đời Thanh có sân khấu quay để thay cảnh diễn trò. Vì vậy rất khó dịch, xin tạm hiểu như trên và lượng thứ cho kẻ thiển học này. (BV)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder