vanhaiphong.com – Nhà văn Bão Vũ tuần qua bận với việc của lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Hải Phong nên chưa kịp đưa chương tiếp theo câu chuyện về phê bình gia Mao Tôn Úc. Hôm nay chúng tôi mới nhận được chương 5, xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi câu chuyện ly lỳ này.
Chuyện ly kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ – Kì 5…
vanhaiphong.com – Nhà văn Bão Vũ tuần qua bận với việc của lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Hải Phong nên chưa kịp đưa chương tiếp theo câu chuyện về phê bình gia Mao Tôn Úc. Hôm nay chúng tôi mới nhận được chương 5, xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi câu chuyện ly lỳ này.
Chuyện ly kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ – Kì 5…
5. CHƯA THOÁT ĐƯỢC TỘI “VĂN TẶC” LẠI BỊ COI LÀ “DÂM TẶC”
Nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc bị thầy Đội nạt nộ đã sợ hãi rời phạn điếm (quán cơm), đành lòng bỏ lại con ngựa quý. Toán lính nhìn theo đắc ý cười ha hả vì vừa được ra oai lại được một bữa rượu thịt không mất tiền.
Các thày quyền cao hứng ăn uống cho đến tận cuối giờ Mùi, say khướt mới đứng lên. Mặt trời xế bóng nhưng còn nóng nực. Gã lính nhanh miệng ban nãy cười cợt với thày Đội:
– Bẩm thầy Đội, đàn em vất vả mấy hôm nay, giờ đã được việc, xin thầy Đội cho sang Thanh Lâu quán bên kia đường, có kỹ nữ quạt mát, nghe đàn ca đến giờ Thân, tắt nắng ta hồi kinh giao phạm nhân cũng kịp.
Cả toán lính cũng đồng thanh xin thầy Đội chiếu cố.
Nguyên, toán lính này thuộc đội “Trọng Sự Quân” chuyên dẹp những vụ nhiễu loạn trầm trọng. Quân Trọng Sự rất được sủng ái, có quyền “tiền trị hậu tâu” đối với đám nho sinh tà nghịch. Thày Đội vừa truy bắt được hai gã văn tặc với đủ tang vật, công rất lớn, chắc sẽ được thăng thưởng nên cũng có hứng muốn vui vầy cùng kỹ nữ. Nghe bọn lính năn nỉ xin vào Thanh Lâu, thầy Đội vui vẻ gật đầu. Cả bọn reo to kéo nhau sang bên kia đường, quên mất hai tội nhân vẫn đang ngồi nhịn đói nhịn khát trong góc quán. Cả con ngựa của Mao Tôn Úc buộc dưới gốc cây hoè ở góc sân cũng không ai để ý.
Nói về con ngựa của Mao Tôn Úc.
Đây là loại kỳ mã, nhìn bề ngoài, ngay đến những người sành ngựa cũng không mấy ai biết được là ngựa quý. Ngựa này Trường Nhân mua được của một lái ngựa đem từ Bắc phương về. Gã lái ngựa trước cũng là một tài tử ham chuộng thơ văn có thú chơi ngựa nên thành lái ngựa; cảm mến Trường Nhân mà bán cho con ngựa quý nhất trong mấy tàu ngựa của y. Đó là giống NgọcTy Mã, hình dạng tầm thường mà ẩn chứa nhiều quý tính. Chính do bề ngoài xấu xí nên loài ngựa này chuyên dùng vào việc đào tẩu cho các bậc đế vương cùng hoàng thân quốc thích khi lâm nạn. Chỉ cần hóa trang về y phục và ngoại hình cho người cưỡi thì dù là thái hậu, hoàng phi, quận chúa ngọc điệp kim chi, cũng chẳng ai thèm để ý đến kẻ ăn mày trên lưng con ngựa xấu xí.
Người thường chơi ngựa chỉ để ý đến giống ngựa Đích Lư thần mã dành cho vua chúa, là giống đột ngột trổ biệt tài khi nguy cấp như con ngựa đã đưa vua Đường Thái Tôn băng qua núi hiểm thoát khỏi tay yêu tặc Cáp Tô Văn. Hoặc con ngựa của Lưu Bị cõng chủ phi qua vực thẳm khi quân Ngụy truy sát còn cách gang tấc. Hay là giống Hãn huyết bảo mã của các đại đế Tây Vực chuyên giành giật thiên hạ trên lưng ngựa. Hay giống chiến mã Long Câu như ngựa của Tiết Nhân Quý, nguyên soái Đại Đường, đã trong ba ngày đêm đưa chủ tướng vượt biển, băng qua hàng ngàn dặm đường kịp về giải cứu cho kinh đô Tràng An đang bị vây khốn.
Gọi là Ngọc Ty Mã có ý coi loài ngựa này quý hóa như viên ngọc nhỏ, phải có biệt nhãn mới nhận ra ánh lấp lánh của nó trong vô vàn tạp vật. Nó tinh khôn hơn hẳn những giống ngựa kể trên kia, dường như tạo hóa đã đền bù cho những thiệt thòi về hình dạng bề ngoài của nó. Ngựa Ngọc Ty bền sức, giỏi chịu đói khát mưa gió hàn nhiệt, rất thuộc đường, nhớ hơi chủ; không những biết nghe lời chủ mà còn đoán biết được ý chủ, biết tự hành sử khi nguy cấp để cứu chủ.
Khi tặng ngựa cho Mao Tôn Úc, Trường Nhân đã không nói rõ những điều về con ngựa này, nghĩ, Mao là người phương Bắc lại thông thái như vậy ắt cũng biết giá trị của con ngựa. Tán dương món quà của mình với người được tặng là điều kỵ đối với những kẻ lịch duyệt.
Có người sẽ hỏi, ngựa hay như thế sao lại để chủ ngã bất tỉnh nhân sự vì một cái hố trên đại lộ giữa thanh thiên bạch nhật? Đấy cũng là điều đặc biệt cần nói:
Nguyên, khi Mao Tôn Úc nhìn mây cuốn hạc bay, trạnh nhớ quê nhà mà nghĩ tới bài thơ “Tư hương” của thi sĩ Hồ Dzếnh, Mao đã ngâm bằng tiếng Hán. Ngọc Ty Mã lâu ngày sống trên đất lạ nhưng mỗi khi có gió bấc vẫn nôn nao hướng về cố hương. Nay, giữa cảnh đồng quê ngoại đô bát ngát như thảo nguyên bỗng nghe lại được tiếng người phương Bắc, tuy là giống khuyển mã nhưng cũng có tình, nên đã bồn chồn thổn thức đến lãng ý mà không kịp đối phó khi chiếc hố lớn bỗng đột ngột mở ra ngay dưới chân, đành chịu ngã nhào. Thêm nữa, Trường Nhân là thi nhân lại là họa công, tính cách tuỳ tiện theo cảm hứng nên việc chăm sóc ngựa cũng không được chu đáo. Khi thì dồn cho đến bội thực những cỏ tơ thóc non, khi thì rơm khô rạ mục, có ngày còn bị bỏ đói, vì vậy mà ngựa cũng bớt đi sự tinh nhanh.
Ngọc Ty Mã thấy đám lính hùng hổ dẫn hai kẻ bị gông cổ vào quán, rồi sau thấy Mao Tôn Úc hốt hoảng rời phạn điếm, bỏ ngựa lại, dù nó đã hý gọi, thì biết ngay có sự không lành. Nó nhìn theo chủ, định hướng đi rồi nhẫn nhục chờ đợi. Khi toán lính ầm ỹ kéo nhau sang Thanh Lâu quán bên kia đường, đợi một lúc sau không có ai ra vào quán cơm, Ngọc Ty Mã bèn lặng lẽ nhai đứt dây cương buộc trên cành cây, rồi đủng đỉnh bước ra đường. Đám tiểu nhị trong quán đang lo thu dọn bàn ăn bừa bộn của các thầy quyền, không để ý đến con ngựa, nên Ngọc Ty đã tẩu thoát dễ dàng. Ra đến chính lộ, Ngọc Ty Mã liền phi nước đại nhằm hướng Đông, đuổi theo chủ.
Lại nói Mao Tôn Úc rời phạn điếm, đi như chạy mau chóng xa cái nơi có thày Đội nhăm nhe vụt thiết đoản côn lên đầu, hoặc căn vặn truy vấn tìm ra “văn tặc tội đồ”. Chừng một canh giờ, đã cách xa phạn điếm hơn hai dặm, người đẫm mồ hôi, Úc mới đi chậm lại dưỡng sức, nhưng bụng vẫn không yên. Khi đến chốn thưa thớt nhà cửa, thấy có con đường nhỏ đi về phía cánh đồng, xa xa có một khu làng xóm, Úc vội rẽ xuống cánh đồng.
Đúng lúc ấy, có tiếng vó ngựa phía sau. Mao Tôn Úc hốt hoảng nghĩ thày Đội đã tỉnh rượu, nghi ngờ hành tung của Úc, nên dẫn lính tầm nã. Úc cuống cuồng rảo bước, miệng thầm kêu trời và tổ phụ Mao Tôn Cương cứu giúp. Tiếng vó ngựa dồn dập sát sau lưng Úc và tiếng hý hân hoan. Mao Tôn Úc quay đầu lại, nhận ra con ngựa còm của mình. Úc ôm chặt lấy cổ ngựa khóc nói:
– Nghĩa mã… Ta biết mi là giống Ngọc Ty Mã khôn ngoan, không bao giờ bỏ chủ. Ta chỉ vì sợ tù tội mà đành bỏ mi lại phạn điếm. Loài ngưu mã mà hữu tình. Ta sẽ chẳng bao giờ rời mi nữa.
Mao Tôn Úc lên ngựa đi, mừng rỡ quên cả sợ hãi mệt nhọc. Trời đã xế chiều, đang mùa canh tác nhưng khắp cánh đồng vắng lặng, không một bóng nông phu. Úc đã vào đến ngôi làng giữa cánh đồng, định bụng sẽ vào một nhà xin nghỉ nhờ qua đêm. Chàng xuống ngựa rẽ vào túp nhà đầu tiên lên tiếng hỏi chủ nhà. Không có tiếng trả lời. Úc sang nhà bên gọi, cũng không có ai trả lời. Rẽ vào nhà thứ ba vẫn thấy nhà cửa trống trải, không một bóng người, không tiếng chó sủa mèo kêu. Úc lấy làm lạ, lên ngựa đi dọc con đường làng luôn cất tiếng gọi “Có ai ở trong làng không?” Vẫn chẳng một tiếng trả lời, chẳng tiếng chó sủa mèo kêu. Chả lẽ nơi này có dịch bệnh, dân chúng bỏ đi nơi khác.
Mao Tôn Úc đi hết làng, qua cánh đồng đến một con sông. Phía xa có một ngọn núi đá trơ trụi giữa đồng bằng.
Dòng sông rộng nước trong xanh, mặt sông lãng đãng sương khói. Đã mấy canh giờ qua, trên mình người ngựa bùn bẩn hôi thối, gặp nước trong, Úc vội trút bỏ y phục đưa cả ngựa xuống sông vùng vẫy. Ngọc Ty được tắm rửa sạch sẽ, lên bờ rũ bờm hý vang sảng khoái rồi lững thững tìm vạt cỏ non gặm. Úc ngâm mình dưới sông vừa tắm vừa giặt khăn áo. Ngước lên tầng cao thăm thẳm thoáng một bóng cò trắng trơ trọi lượn vòng rồi hạ xuống bờ bên kia mò mẫm kiếm ăn. Úc bỗng thấy bâng khuâng cảm khái giữa cảnh hoang vu, chợt nhớ tới câu thơ Lý Bạch, bèn cất giọng ngâm vang động cả mặt sông:
Trên sông nước lặng như tờ
Có con cò trắng ngẩn ngơ liệng vòng.
Như tìm bên đục bên trong
Một thân lặn lội giữa dòng xa xa…
Câu thơ đúng tâm trạng mình, Úc ứa nước mắt hòa lẫn với nước sông. Nhưng trời xanh cũng như trêu ngươi kẻ văn tài; mỗi khi Mao Tôn Úc gặp cơn cao hứng văn chương là y như lại gặp họa. Ta hãy chờ xem.
Đúng lúc Úc vừa dứt tiếng ngâm câu thơ Lý Bạch, thì có tiếng người vẳng đến. Rồi nghe rõ tiếng của những thiếu nữ đang đến gần. Úc đang khỏa thân ở dưới sông, vội nép vào một bụi lau ẩn mình. Những người con gái ở đâu đó ra sông gánh nước, tắm giặt. Úc lo lắng nghĩ mình không mảnh vải che thân thì sẽ phải ngâm mình dưới nước trong bụi lau này cho đến khi những cô gái ra về.
Những cô gái như có chuyện bất an nên họ tắm rửa mà Úc chỉ nghe có tiếng khoả nước nhẹ nhàng, không thấy tiếng té nước cười đùa chọc ghẹo nhau như thường thấy khi các thiếu nữ tắm đàn. Một lúc sau, có tiếng một cô nghiêm nghị như người đứng đầu cả bọn :
– Hôm nay chị em mình ra sông muộn, các em tắm giặt nhanh tay rồi đem rau, nước về kịp nấu bữa chiều để tối còn đi nghe các bô lão hội làng bàn thảo chuyện trọng đại.
Tiếng các thiếu nữ dạ ran, rồi các cô khua nước lục tục lên bờ. Bỗng một cô rú lên:
– Ối, các chị ơi có kẻ nhìn trộm!
Những cô đã mặc xong xống áo vội cầm đòn gánh nước đổ xô đến khóm lau có Mao Tôn Úc đang ẩn nấp, vụt túi bụi. Mao ôm đầu kêu lớn:
– Xin đừng hiểu lầm, tại hạ không có ý xấu.
Nhưng các cô gái đã đồng thanh thét lên:
– Dâm tặc, đánh cho chết đi. Chúng ta đã khổ sở trăm điều còn bị loài dâm tặc quấy nhiễu… Chết đi !… chết đi !!!…
Họ lôi Mao Tôn Úc lên bờ, thấy trên mình chàng không quần áo, lại càng tức tối, nghĩ kẻ dâm tặc có tà ý đã phục sẵn ở đây. Úc lăn lộn trên cỏ tránh đòn, miệng kêu la:
– Xin đừng đánh. Tôi chỉ tình cờ…
Nhưng các cô gái không nghe, cứ đánh đập túi bụi khiến Úc bươu đầu sứt trán. May thay, nghĩa mã Ngọc Ty đã hý vang lao đến cứu chủ. Mao Tôn Úc trần như nhộng leo lên yên toan ôm đầu máu quất ngựa chạy tháo thân, nhưng một cô gái cao lớn nhất bọn đã nhanh tay nắm được cương ngựa ghì lại. Thế là các nữ binh đã bắt sống được cả người lẫn ngựa tên “dâm tặc”. Người trần như nhộng, Úc đành nằm rạp trên mình ngựa để các cô gái giong đi. Cả bọc hành lý của Úc cũng bị một cô thu giữ. Họ đưa Úc qua khoảng ruộng cằn cỗi đến một cái gò lớn dưới chân ngọn núi đá trơ trụi mà Úc đã nhìn thấy khi ra khỏi ngôi làng hoang vắng. Một đám người từ trên gò đất chạy xuống đón các thiếu nữ. Người cao niên trong đám ấy hỏi:
– Các ngươi đưa kẻ kỳ dị nào về đây thế này?
Cô gái đứng đầu bọn thưa:
– Chúng con đang tắm giặt trên sông thì tên dâm tặc này ẩn nấp nhìn trộm. Chúng con đã đánh cho hắn một trận rồi bắt đem về đây để các vị hương trưởng trị tội. Tên này có khăn áo tươm tất lại có cả ngựa cưỡi, chúng con nghi hắn thuộc bọn ngoại quốc ở trại Phết Cầu Lạc dưới kia.
Đám người thét lên phẫn uất:
– Đánh cho chết loài điền tặc, dâm tặc, súc sinh…
– Cứ đả hội đồng cho chết thẳng cẳng đi. Quan nha có về hỏi thì không ai nhận, cũng chẳng làm gì được ai.
Chúng dân hò hét nhặt đá, bẻ cây xông đến vây quanh Mao Tôn Úc.
Thật là:
Văn nhân tự cổ thiên tiền định
Hoạ đáo bất kỳ nan khả an
(Tạm dịch: Số kiếp văn nhân từ xưa trời đã định sẵn rồi, tai hoạ giáng xuống đầu bất ngờ, khó bề yên thân.)
Chẳng hiểu vì cớ gì mà ngoài tội “dâm tặc” oan uổng ra, Mao Tôn Úc lại còn bị dân chúng gán thêm cho tội là “điền tặc”, và không biết tính mạng Mao Tôn Úc sẽ ra sao, xin chờ chúng tôi sưu tầm, sao lục tiếp chương sau.
BV
(Còn tiếp)