Chuyện li kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 6)

CHUYỆN LY KỲ VỀ MAO TÔN ÚC (Kỳ 6)

Vanhaiphong.com – Mấy hôm nay chúng tôi có gọi điện lưu ý nhà văn Bão Vũ việc Mao Tôn Úc đang nguy khốn ở đoạn cuối phần 5, thì Vũ kêu:”Bận quá, cứ để Úc tạm chịu đòn vài bữa nữa.” Chúng tôi tỏ ý lo ngại:”Nhỡ dân làng quá tay đánh chết nhân vật chính thì còn gì mà viết?” Bão Vũ bảo:”Chuyện vặt, nếu Úc chết, chúng ta sẽ tạo ra một siêu thày lang dòng dõi của thần y Hoa Đà, tên là Hoa Kỳ, để cải tử hoàn sinh cho y”. Thật đáng giận. Chỉ có kẻ nhẫn tâm mới bỏ mặc nhân vật yêu của mình cho đám đông đang phẫn nộ hành hung.
Nhưng rồi, Bão Vũ đã kịp gửi cho chúng tôi phần 6 đúng lúc tính mạng Mao Tôn Úc đang ngàn cân treo sợi tóc. Dù sao cũng cám ơn Bão Vũ và xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý phần tiếp theo của câu chuyện…

CHUYỆN LY KỲ VỀ MAO TÔN ÚC (Kỳ 6)

Vanhaiphong.com – Mấy hôm nay chúng tôi có gọi điện lưu ý nhà văn Bão Vũ việc Mao Tôn Úc đang nguy khốn ở đoạn cuối phần 5, thì Vũ kêu:”Bận quá, cứ để Úc tạm chịu đòn vài bữa nữa.” Chúng tôi tỏ ý lo ngại:”Nhỡ dân làng quá tay đánh chết nhân vật chính thì còn gì mà viết?” Bão Vũ bảo:”Chuyện vặt, nếu Úc chết, chúng ta sẽ tạo ra một siêu thày lang dòng dõi của thần y Hoa Đà, tên là Hoa Kỳ, để cải tử hoàn sinh cho y”. Thật đáng giận. Chỉ có kẻ nhẫn tâm mới bỏ mặc nhân vật yêu của mình cho đám đông đang phẫn nộ hành hung.
Nhưng rồi, Bão Vũ đã kịp gửi cho chúng tôi phần 6 đúng lúc tính mạng Mao Tôn Úc đang ngàn cân treo sợi tóc. Dù sao cũng cám ơn Bão Vũ và xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý phần tiếp theo của câu chuyện.

6. “DÂM TẶC” TRỞ THÀNH CỨU TINH

Nói tiếp chuyện chúng dân ở một hương thôn kỳ lạ vừa gặp mặt Mao Tôn Úc đã vô cớ phẫn uất xông vào định giết chàng. Úc trần như nhộng ngồi trên ngựa, hốt hoảng la to:

– Xin chớ nghi oan. Tại hạ bị bùn bẩn, xuống sông tắm, đang khỏa thân dưới nước thì các cô nương đến nên phải tạm lánh vào bụi lau ẩn mình, chứ không có tà ý…

Nhưng đất đá gậy gộc đã vụt đến như mưa. Mao Tôn Úc hốt hoảng giật cương thúc ngựa:

– Nghĩa mã, phải cùng ta mở huyết lộ mới hòng toàn mạng.

Ngọc Ty Mã hiểu ý chủ nhưng đám người dữ tợn từ trên gò kéo đến mỗi lúc một đông, trùng điệp vây kín tứ phía, đành hý lên bất lực. Mao ngửa mặt lên trời than rằng:

– Trời hỡi, chỉ vì theo đòi văn nghiệp mà Mao Tôn Úc này phải bỏ mình nơi gò đất này sao?

Giữa lúc thập phần nguy khốn, bỗng có tiếng quát:

– Dừng tay. Chớ mạo phạm quý nhân!

Một lão nhân cao lớn, tuổi trạc lục tuần, mình mặc áo trắng, râu tóc hoa râm đạo mạo, từ trên gò xăm xăm đi xuống, cất giọng dõng dạc vang như sấm:

– Các ngươi không được hồ đồ làm càn. Đây là quý nhân, cứu tinh của chúng ta.

Người này gạt dân chúng dãn ra rồi đến trước ngựa Mao Tôn Úc kính cẩn vòng tay:

– Xin quý nhân tha lỗi cho đám dân quê thô lỗ chúng tôi đã xử tệ với người. – Rồi quay về phía cô gái đang ôm bọc hành lý của Mao Tôn Úc, quát lớn:” Không mau trả lại hành lý cho quý nhân. Còn các ngươi hãy quay mặt đi để người mặc y phục.”

Đám dân răm rắp tuân theo. Úc không hiểu gì, nhưng cũng xuống ngựa, khum tay che hạ bộ, khom mình cảm tạ lão nhân:

– Đa tạ lão trượng. Tại hạ chỉ xuống sông tắm, rồi lánh mặt khi các cô nương đến, chứ không có tà ý. Các cô nương đã hiểu lầm khiến tại hạ suýt tử nạn, may có lão trượng kịp cứu mạng.

Rồi Úc đón lấy bọc hành lý cô gái đưa trả, chọn lấy bộ quần áo khăn đẹp nhất do Trường Nhân sắm cho, lập cập mặc vào.

Khi mọi người quay mặt lại thì gã “dâm tặc” đã hóa thành một văn nhân  áo thụng lam, đầu quấn khăn nhiễu tam giang, chân dận hài văn, tuy trán có hai cục u nhưng cũng rất khôi ngô lịch sự.

Lão nhân áo trắng ra lệnh cho các thiếu nữ lần lượt đến cúi mình tạ lỗi cùng Mao Tôn Úc. Các cô rất thẹn về chuyện nhầm lẫn, mặt đỏ như bồ quân. Nhìn cô nào cũng đầy đặn nở nang xinh đẹp khiến cho Úc dù trán bươu, đầu u mà vẫn tươi tỉnh nói lời rộng lượng, bỏ qua cho sự sơ suất của các cô. Úc trộm nghĩ: Nơi hẻo lánh này mà có nhiều mỹ nhân thế kia, lũ dâm tặc trong thiên hạ mà biết, sẽ đổ cả về đây mất thôi.

Mọi người kính cẩn đưa Mao Tôn Úc lên gò. Trên đường đi, Úc nhìn quanh thấy có những túp lều tranh dựng rải rác bên những lùm cây. Phía chân núi giáp gò đất có một cửa hang sâu, có người ra vào trong đó. Úc ngờ đây là một bộ lạc bán khai vừa ở lều trại vừa ở hang động, như đám dân Man Động của Mạnh Hoạch thời Tam Quốc mà thừa tướng Gia Cát Lượng đã thu phục khi đem quân chinh phạt phương Nam.

Mao Tôn Úc được lão nhân áo trắng đưa vào một ngôi miếu cổ giữa đỉnh gò. Ngoài cửa miếu đề: “Đại Đô úy Lý triều” Bệ cao chính giữa miếu có ban thờ che rèm kín, trên treo bức hoành phi đề:”Lý Dực thần tổ”.

Khi đã yên vị trên tấm phản gỗ phía bên tả gian cổ miếu, vị áo trắng cung tay kính cẩn nói với Mao Tôn Úc:

– Xin tiên sinh thứ lỗi cho đám tiểu nữ quê mùa vụng dại của chúng tôi. – Rồi gọi một thiếu niên đem rượu thuốc đến, tự tay ông xoa bóp những vết thương cho Úc. Lát sau có ba vị bô lão cũng bước vào miếu cung tay trịnh trọng chào Mao Tôn Úc rồi cùng ngồi tiếp chuyện.

Sau tuần trà, lão nhân áo trắng kể cho Mao Tôn Úc nghe câu chuyện lạ:

– Thưa quý nhân, đây là làng Lý Xá. Lão phu tên Lý Sinh, trước theo đòi đèn sách, có chút chữ nên được bầu làm Hương trưởng. Ba vị bô lão này trong hội đồng Hương chính của làng. Đa số cư dân ở đây là người họ Lý. Miếu này thờ thần tổ họ Lý chúng tôi. Thời vua Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ Tư (1077), tổ phụ chúng tôi là Lý Dực, bộ tướng của Thái úy Lý Thường Kiệt, tham dự trận phá Tống trên sông Như Nguyệt, có công lớn nên được thăng chức Đại Đô úy, lại cấp cho ruộng đất để dựng trang ấp. Ngài là võ tướng nên được ban ân sủng “Thác Đao điền” tức là chọn đất rồi đứng trên núi cao cầm thanh đại đao ném ra xa để hoạch định diện tích được phong. Ngài về đất này thấy ngọn Cô Sơn cái thế, lại có sông Như Vân là chi lưu của sông Như Nguyệt bên bờ phù sa màu mỡ, nhưng hoang vu nên có thiện ý tụ hợp dân nghèo vô gia cư tứ phương về đây cùng con cháu họ Lý khai khẩn điền địa canh tác cho các đời sau được no ấm. Ngài đứng trên ngọn Cô Sơn này vung tay ném đao ra xa, đo được hơn ngàn mẫu, vua ban cả cho. Lý Xá có từ đấy. Qua nhiều đời, dù bao phen biến thiên loạn thế, có đức Thần tổ độ trì nên con dân Lý Xá vẫn sống yên ấm trên đất này. Nhưng mấy năm gần đây, triều đình cho phép những người ngoại quốc đến Lý Xá thám xét lập khu Phết Cầu Lạc. Những doanh gia ngoại quốc ấy được ban đặc ân “Thác Kim điền”. Họ thuê bốn lực sĩ trèo lên đỉnh Cô Sơn này, mỗi người cầm một thoi vàng ròng ném thật lực về bốn hướng (nên mới gọi là “Thác Kim điền”), rồi cứ theo đó mà đo được đến mấy trăm mẫu Tây Dương, chiếm hết cả đất đai ruộng vườn của chúng tôi…

Mao Tôn Úc hỏi:”Khu Phết Cầu Lạc là gì mà họ lấy nhiều ruộng đất đến thế?”

Một vị trưởng lão nói: “Đấy là trò chơi ăn tiền của người Tây Dương. Khách chơi cầm cây gậy kim loại phết thật lực vào một quả cầu bằng ngà voi cho bắn đi xa, vượt qua nhiều chướng ngại. Cứ thế mà phết mãi cho đến khi quả cầu rơi xuống một cái lỗ ở một chỗ nào đó rất xa. Ai phết ít lần hơn mà quả cầu lọt xuống lỗ trước là thắng cuộc, sẽ được rất nhiều bạc.”

Úc lại hỏi:”Khi lấy ruộng đất, họ có bồi thường cho dân chúng không?”

Một lão nhân khác nhăn mặt khổ sở, nói:”Có. Nhưng cái giá họ trả cho dân chẳng đáng là bao. Mà chỉ trả trước được một phần. Quan lại các cấp cũng hà lạm vào đấy không ít. Dân chúng cầm chút bạc ấy, rời bỏ nhà cửa ruộng vườn, phiêu bạt tứ tán khắp đồng bãi, chẳng biết làm gì. Đám trẻ lấy trộm bạc của nhà đem đi mua ngựa cưỡi, sắm khăn áo đẹp như người tỉnh thành, rồi chơi bời rượu chè cờ bạc, phá tán hết, lại hư hỏng cả người. Một vùng trang ấp tươi tốt phồn thịnh xưa, nay như có dịch. Sau, thấy khu gò miếu Thần tổ cao ráo, tránh được lụt lội, lại giáp với Cô Sơn là nơi Thần tổ đã thác đao lập ấp, nên chúng tôi tụ cả về đây mong được tổ tiên che chở. Các hộ dựng lều lá trên gò trú tạm những ngày thời tiết thuận hòa, khi giông bão hay giá rét phải bỏ lều chui vào hang, khổ cực vô cùng. Khu Phết Cầu mấy năm nay không làm xong vì họ cũng thiếu bạc. Làng mạc ruộng đất cứ bỏ hoang đấy. Đã vậy, mấy kẻ hạ lưu trong đám cai, phu của trại Phết Cầu lại thường lân la đến đây chọc ghẹo gái làng, trộm cắp quấy nhiễu, dân chúng phải hợp quần chống lại họ. Cũng vì thế mà ban nãy bị nhầm lẫn, phạm đến quý nhân.”

Úc hỏi thêm:”Ban chiều tại hạ có đi qua một ngôi làng bỏ hoang dưới kia,  đấy có phải là Lý Xá xưa?”

Hương trưởng lão nhìn theo hướng chỉ của Úc, gật đầu buồn rầu:”Chính phải. Một vùng nhà cửa ruộng vườn đẹp đẽ như trong tranh mà bỏ hoang phí.”

Máo Tôn Úc ái ngại: “Vậy nay dân làm gì để sinh nhai?”

Hương trưởng thở dài ngao ngán: “Chúng tôi lần tìm quanh bờ sông bãi sú, thấy mảnh đất nào vô chủ thì theo mùa mà trồng trọt tạm vài thức ngũ cốc đỡ lòng. Quan tri huyện Vân Giang bảo, khi  người ngoại quốc xong việc thì sẽ tuyển mộ dân Lý Xá đến phục dịch cho khu phết cầu. Sẽ được cấp lương thảo để sinh sống.”

Mao Tôn Úc hỏi: “Người Lý Xá có nghề gì để phục dịch cho khu phết cầu?”

Một bô lão nói: “Thưa, sẽ đến trồng cỏ, dọn dẹp tạp vật trên bãi, đeo bao gậy phết theo hầu và đi lượm cầu cho họ. Nhưng làm nghề phục dịch ấy cũng phải được chọn lựa kỹ càng, rồi phải được tập luyện thuần thục. Còn phải biết nghe nói thông thạo thứ ngôn ngữ Tây Dương. Cũng kỳ khu lắm, không phải ai cũng làm được. Chúng dân hiện thời học sao được, đa số sẽ thất nghiệp mất thôi. May ra con cháu chúng tôi các đời sau mới thông thạo được nghề phục dịch ấy. Dân Lý Xá từ xưa vẫn ăn ở hiền lành, chẳng hiểu sao tai họa lại rơi xuống đầu.”

Các bô lão càng nói càng sầu thảm, luôn lấy ống tay áo lau nước mắt khiến Mao Tôn Úc cũng mủi lòng. Sực nhớ khi đến đây, Hương trưởng lão gọi chàng là “cứu tinh”, Úc bèn hỏi chuyện đó.

Lý Hương trưởng cung kính nói:

– Thưa quý nhân, đó là tiền định. Đêm qua, lão phu nằm ở miếu này, giữa canh Tư thiếp đi, thấy một vị võ tướng cao lớn giáp trụ sáng lòa hiện ra, bảo:”Lý Sinh, ta là Thần tổ Lý Dực của con đây. Ta biết dân Lý Xá đang chịu muôn vàn khổ cực nên đã run rủi một quý nhân đến đây. Ngày mai, đúng giờ Thân vị cứu tinh sẽ giáng lâm. Con khá nghênh tiếp trọng thể. Ba ngày sau, quý nhân sẽ có cách cứu các con khỏi thảm cảnh”. Lão phu hỏi lại:”Thưa đức Thần tổ, làm sao biết được ai là vị cứu tinh?” Thần tổ nói: “Người này khi giáng lâm thì khỏa thân, cưỡi trên Ngọc Ty Mã, bị dân Lý Xá truy sát”. Nghe rất kỳ dị, bèn hỏi lại Thần tổ rằng sao dân Lý Xá lại đuổi đánh cứu tinh, thì ngài bỗng nổi giận đẩy lão phu ngã lăn rồi bỏ đi. Lão phu giật mình tỉnh giấc. Sáng ra liền mời các bô lão đến kể lại cơn dị mộng. Ai cũng hoang mang, không hiểu gì cả. Thì chính giữa giờ Thân, quý nhân đến đây, lại đang bị dân làng mạo phạm. Đúng là thần tổ đã đưa người đến cứu giúp con dân Lý Xá.

Mao Tôn Úc nghe xong toát mồ hôi, hoảng sợ, nghĩ: Ta đang bị coi là văn tặc, lo thân mình chưa xong, có bản lĩnh gì mà cứu được dân cư Lý Xá này? Úc hoang mang chưa biết tính sao thì có một cô gái cung kính bưng vào miếu một mâm gỗ trên bày những món ăn bốc khói và một bình rượu. Chính là cô gái cầm đầu đám “nữ binh” bắt sống Mao Tôn Úc. Bây giờ chàng đưa mắt nhìn kỹ. Nàng chừng nhị tuần, dáng người thanh tú, nhan sắc không rực rỡ mà thuần hậu nhu mì. Nàng rót rượu mời Úc và các vị bô lão rồi lễ phép lui ra cửa. Hương trưởng lão chỉ các món trên mâm nói:

– Đây là chim sẻ bẫy trên Cô Sơn, cá bắt ở sông Như Vân, rau cúc dại hái trên đồng. Xin thể tình dân làng đang sống cảnh màn trời chiếu đất nên chỉ có những thức phàm dã để đãi quý nhân.

Đang bụng đói miệng khát, Úc tưởng có thể ăn uống ngon miệng những thức mà rất hấp dẫn trên mâm cơm, nhưng nghĩ đến sứ mệnh là cứu tinh của dân Lý Xá bỗng dưng bị quàng vào cổ, mà không sao nuốt nổi. Úc cảm tạ các bô lão, nâng chén cầm đũa ăn một con chim sẻ nướng và bát cơm chan canh rau cúc dại.

Rồi Úc buông đũa, nhấp chén rượu, ngẫm nghĩ. Văn nhân mang danh kẻ sĩ đeo nghiệp bút nghiên, đọc sách đến thiên kinh vạn quyển, luyện văn hay chữ tốt hơn người, thường mong vang danh thiên hạ rồi theo đường quan chức mưu lợi riêng, mà chẳng mấy kẻ lo đem văn ra giúp đời. Mao Tôn Úc này mà cũng vậy thì thật đáng hổ thẹn. Những chuyện vừa nghe thậm phi, vậy ta thử đem văn chương thảo một bức thư dùng lý lẽ thống thiết để thuyết phục huyện quan mở lượng cho dân Lý Xá xem sao. Bèn hỏi:

– Thưa Lý Hương trưởng, nếu tại hạ cùng chư vị thảo một bức tâm đơn đệ quan tri huyện Vân Giang kêu gọi lòng nhân đức minh trị của ngài thì có khả dĩ không?

Hương trưởng lão bật cười lớn, các bô lão cũng cười theo rơi cả chén đũa, rồi trả lời:

– Xin thứ lỗi, người vừa hỏi một câu làm chúng tôi không nín được cười. Tri huyện Dương Đình Hống là bào đệ của quan đại thần Dương Đình Hách. Hống dốt nát dựa thế anh ruột mà được làm tri huyện. Hống bị khiếm thính, chữ không đọc thông viết thạo. Có việc, chỉ cần đưa bạc kèm theo đơn, Hống căn cứ lượng bạc nhiều ít mà phê. Lên công đường thì có một viên thư lại thông dịch bằng ngón tay. Có lần, một vị đồng sự hỏi Hống:” Ngài trị dân theo vương đạo hay bá đạo?”. Hống trả lời: “Vương đạo, Bá đạo là thứ gì? Bản quan trị dân theo Kim đạo!” Hống là kẻ tham lam vô độ. Tuy dốt nát, nói trước quên sau, vừa ăn xong lại bảo chưa ăn, nhưng y đã cố học thuộc lòng câu cổ thi “Toán lai thế sự kim năng ngữ…” (*), nguyên câu này có ý hận sự đời điên đảo, vàng bạc mà biết nói được. Nhưng Hống lại hiểu là mọi chuyện trên đời không cần nói nhiều, cứ giải quyết bằng kim ngân. Chúng tôi khổ cực thế này cũng vì năm ấy mất mùa, không có đủ số ngân lượng theo ý đám thư lại của Hống. Còn bọn người xây Phết Cầu Lạc thì hối lộ cho các quan hàng ngàn lượng.

Úc nghe xong thở dài, nghĩ. Tổ phụ Mao Tôn Cương của ta khi bình luận pho sách Tam Quốc Chí có đoạn tán dương văn tài Gia Cát Lượng khi sang Đông Ngô thuyết khách, chỉ với ba tấc lưỡi mà đả bại cả một bầy đệ nhất danh tài văn võ xứ Giang Đông. Nhưng thời nay, ở đất này, ngọn bút lông cùn của ta địch sao nổi hàng ngàn lượng bạc của lũ doanh nhân ngoại quốc. Đành chờ ba ngày nữa như lời Lý thần tổ đã báo mộng xem sao.

Đêm ấy, Mao Tôn Úc nằm ngủ trong miếu Lý thần tổ, lo nghĩ trằn trọc không sao chợp mắt được. Khoảng canh ba có tiếng vó ngựa gấp gáp đến gần rồi thấy hai võ quan oai phong hùng dũng bước vào miếu cung tay ôm quyền, bảo Úc:

– Chủ tướng chúng tôi có lời mời Mao tiên sinh đến soái trại. Xin lên ngựa đi ngay kẻo trễ.

Mao Tôn Úc sợ hãi, lập cập leo lên yên Ngọc Ty Mã. Hai võ tướng kèm hai bên tả hữu đưa Úc ra sông Như Vân, rồi cứ thế ba ngựa lướt trên mặt nước mà phi như bay. Chẳng mấy chốc đến một sông lớn sóng cuồn cuộn cao ngất như biển. Vị võ quan bên tả bảo Úc:

– Đây là sông Như Nguyệt, đã đến chiến trại. Chủ tướng chúng tôi đang bận việc quân cấp bách, Mao tiên sinh chỉ nên nghe, chớ nhiều lời.

Úc gật đầu. Hai người đưa Úc lên bờ phía Nam vào thẳng doanh trại, đến một lều vải lớn. Ba người xuống ngựa, quân canh dẫn một mình Úc vào lều. Trong lều đuốc sáng rực, bên chiếc án thư có một người mặc giáp trụ bằng đồng, ngoài khoác áo bào trắng đang cúi mình trên tấm đồ bản. Người ấy ngửng lên nhìn Mao Tôn Úc. Đó là một võ tướng mặt vàng như nghệ, râu ba chòm đen như mực, trông thật uy nghi lẫm liệt. Người ấy cất giọng như chuông ngân:

– Bản tướng vì việc riêng nội tộc mà làm phiền Mao tiên sinh đêm khuya thế này, xin thứ lỗi. Tuy là tư sự nhưng cũng là đại nghĩa, mong Mao tiên sinh chớ từ nan. Tống tặc xâm phạm bờ cõi Nam. Quân Lý ta đã chặn giặc trên sông Như Nguyệt này, diệt gần tám vạn đứa. Nhưng hơn vạn Nam quân cùng nhị vị hoàng tử Lý Hoằng Chân và Lý Chiêu Văn đã bỏ mình (**). Khắp giang sơn này nơi nào cũng có cốt nhục của tiền nhân, đâu phải tư thổ của vài kẻ hậu bối súc sinh đang làm khổ lương dân kia. Nay ta đang mắc việc quân như chữa lửa, Mao tiên sinh tuy là người Bắc phương nhưng cũng là bậc nhân sĩ trượng nghĩa, khá giúp dân Lý Xá ta dành lại đất đai tổ tiên để an cư lạc nghiệp. Ta chẳng quên ơn.

Mao Tôn Úc cung tay khom mình:

– Thưa đại tướng quân, tại hạ lang bạt đến, đang bị truy nã vì tội danh văn tặc. Tuy cũng bất bình về chuyện ở Lý Xá, nhưng chỉ là một hàn sĩ, sức thư sinh trói gà không chặt, trong tay không chút ngân lượng, lại không quyền thế gì, vậy làm cách nào để giúp dân Lý Xá?

Vị tướng khoát tay:

– Tiên sinh chớ ngại, cứ tính kế, ba hôm nữa hành sự, ta sẽ phù trợ.

Vừa lúc ấy, một trong hai võ tướng ban nãy chạy vào quỳ trước án thư:

– Cấp báo! Tướng Tống Vương Tiến cho quân bắc phù kiều vượt sông đánh vào phòng tuyến của ta. Đại soái đang công phá trại giặc Quách Quỳ, cấp truyền chủ tướng dàn quân cự địch.

Vị tướng vội cầm lấy thanh đại đao trên giá binh khí, bảo viên tùy tướng:

– Tiễn khách! – Đoạn bước vội ra cửa lều nhảy lên yên con chiến mã cao lớn vừa được dắt tới, rồi cùng toán quân bản bộ phóng như bay về phía Bắc.

Viên tùy tướng đưa Mao Tôn Úc ra bờ sông lúc này sương khói mờ mịt không thấy rõ mặt nước. Khắp nơi lửa sáng rực, tiếng quân reo ngựa hý vang trời. Bỗng từ trên không trung có tiếng ngâm thơ sang sảng vang vọng như tiếng sấm rền.

Mao Tôn Úc nghe bài thơ, lòng vô cùng cảm động, bỗng bừng bừng tráng trí, muốn phóng ngựa theo vị tướng lẫm liệt kia xông ra trận tiền. Đang ngơ ngẩn thì viên tùy tướng quát lên:

– Không mau về Lý Xá, còn đứng ngây ra làm gì? Rồi quất một roi thật mạnh vào mông ngựa của Úc khiến Ngọc Ty Mã hý lên nhảy vọt xuống sông. Mao Tôn Úc giật mình tỉnh giấc.

Thì ra là giấc chiêm bao. Bên tai còn âm vang bài tráng thi trong tiếng quân reo ngựa hý.

Đó chính là bài thơ “Nam quốc sơn hà” mà người đời sau nói là của Thái úy Lý Thường Kiệt làm ra để khích lệ quân Nam trong trận Như Nguyệt lừng lẫy:

Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ ai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư?

Muốn biết Mao Tôn Úc giúp dân Lý Xá ra sao, xin đón xem phần sau sẽ rõ.

BV

_____________________________________________________________

(*) Thơ Nguyễn Công Trứ “Toán lai thế sự kim năng ngữ / Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minhNgẫm sự đời thấy vàng bạc có thể nói được / Bàn đến chuyện nhân tình kiếm đòi rút ra khỏi vỏ.

(**) Về thương vong của hai bên Tống, Việt trong trận Như Nguyệt, có sách chép phía Tống chết 76.600 quân, có sách chép hơn 8 vạn, cùng nhiều dân phu. Sử chép phía quân nhà Lý có hai hoàng tử chết trận cùng nhiều quân sĩ, dân phu và voi chiến nhưng không ghi rõ số lượng. Chúng tôi tạm lấy số quân Nam tử trận trong cuộc chinh phạt Ung Châu cũng do Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy cùng thời gian đó (1075 -1076)Theo Từ điển Wikipedia. Là truyện phóng tác nên xin thể tất – BV

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder