Vanhaiphong.com – Sau khi post chương thứ 6 truyện dài về Mao Tôn Úc, chúng tôi bồn chồn chờ xem Mao tiên sinh dùng kế sách gì để giúp dân Lý Xá thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Bèn gọi điện hỏi Bão Vũ: “Ông chỉ mới cứu được một mình Mao Tôn Úc thoát khỏi trận đòn hội chợ, cũng tạm gọi là khá. Nhưng còn dân chúng Lý Xá, chúng tôi đang rất lo không biết số phận của họ ra sao, ông đã có cách gì chưa?” Bão Vũ kêu trời, bảo chính mình cũng chưa biết Mao sẽ dùng kế sách gì.
Nhưng rồi chúng tôi cũng nhận được phần 7 câu chuyện. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý…
Vanhaiphong.com – Sau khi post chương thứ 6 truyện dài về Mao Tôn Úc, chúng tôi bồn chồn chờ xem Mao tiên sinh dùng kế sách gì để giúp dân Lý Xá thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Bèn gọi điện hỏi Bão Vũ: “Ông chỉ mới cứu được một mình Mao Tôn Úc thoát khỏi trận đòn hội chợ, cũng tạm gọi là khá. Nhưng còn dân chúng Lý Xá, chúng tôi đang rất lo không biết số phận của họ ra sao, ông đã có cách gì chưa?” Bão Vũ kêu trời, bảo chính mình cũng chưa biết Mao sẽ dùng kế sách gì.
Nhưng rồi chúng tôi cũng nhận được phần 7 câu chuyện. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý.
7. “VĂN TẶC” DÙNG KẾ ĐUỔI ĐIỀN TẶC
Lại nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc nằm ngủ trong cổ miếu, nửa đêm chiêm bao gặp Lý Thần tổ, được người ủy thác cho việc cứu giúp dân Lý Xá. Tỉnh giấc, Úc không sao ngủ được nữa, bèn trở dậy thắp nến, đốt ba nén hương trước bài vị Lý thần tổ, xá dài, rồi lấy giấy bút trong bọc ra viết lại bài tráng thi đã nghe được bên sông Như Nguyệt trong giấc mơ.
Bài thơ Úc đã thuộc nằm lòng dần hiện ra trên giấy, mỗi chữ như có lẫn tiếng quân reo ngựa hý tiếng trống trận ầm vang, có lửa cháy sóng gào sấm sét vang động trời đất khiến Mao Tôn Úc rạo rực như được nhấp bầu thần tửu, hùng khí xung phát, bèn cất giọng sang sảng ngâm bài thơ thành lời.
Bỗng có tiếng động ngoài cửa miếu, Úc nhìn ra thấy cô gái hôm qua đang đứng khoanh tay thành kính. Úc hỏi:
– Cô nương đứng đấy từ bao giờ vậy?
Cô gái bẽn lẽn:
– Thưa quý nhân,… tiểu nữ đem nước đến từ sớm để ngoài hiên, để người rửa mặt khi tỉnh giấc. Nhưng thấy người đang viết chữ nên đứng xem. Thật là không phải, xin thứ lỗi.
Người đẹp như làn gió đồng trong lành mát rượi khiến làm Mao Tôn Úc tỉnh cơn phấn chấn chữ nghĩa thi ca. Bấy giờ trời đã sáng rõ, Úc ra ngoài hiên rửa mặt. Cô gái bưng vào một khay nhỏ trên đặt bát cháo bốc khói và chiếc thìa sứ:
– Xin quý nhân dùng bữa sáng.
Úc nhìn bát cháo thấy có màu da cam ánh kim lấp lánh rất lạ mắt, bèn hỏi:
– Món cháo gì vậy?
Cô gái lễ phép thưa:
– Đây là cháo cá vàng.
Úc húp một thìa thấy vị thơm ngon kỳ lạ, bèn hỏi:
– Cá ngọt đượm lại có vị bột nghệ thơm cay. Ở đây xa kinh kỳ, sao lại có món quý như đồ ngự thiện dành cho bậc đế vương thế này?
Cô gái nói:
– Thưa quý nhân, đêm qua chị em tiểu nữ ra sông Như Vân bắt cá vàng, rồi lẻn về Lý Xá đến vườn nhà đào trộm ít củ nghệ để nấu cháo.
Úc hỏi:
– Sao phải lẻn về làng của mình đào trộm củ trong vườn nhà?
Cô gái trả lời:
– Lệnh huyện quan cấm dân Lý Xá không được lai vãng về làng cũ, sợ cản trở việc xây khu phết cầu. Nhưng đám cai phu của họ thì vẫn thường đến đấy tìm bắt gia súc hoang, bẻ quả cây, hôi của còn sót. Về làng ban ngày gặp bọn ấy dễ bị họa.
Úc tức giận bỏ dở bát cháo:
– Đáng giận thay bọn điền tặc. Nếu không có chúng thì dân Lý Xá được yên hưởng món cháo cá vàng quanh năm.
Cô gái nói:
– Thưa quý nhân, cá này cũng hiếm lắm. Cứ mười năm mới có một lần ba ngày giống cá vàng tụ hội về sông Như Vân sinh nở, mà cũng chỉ đúng vào khúc sông của làng Lý Xá.
Nghe nói thế, Úc dò hỏi xem tuổi cô gái:
– Vậy cô nương đã mấy lần nhìn thấy cá này?
– Đêm qua là lần thứ hai tiểu nữ nhìn thấy cá vàng. Lần đầu là lúc tiểu nữ mười tuổi.
Vậy là nàng hai mươi tuổi. Nhưng cô gái lại cười e thẹn, nói thêm:
– Đúng ra là đã có ba lần cá vàng trong đời tiểu nữ…
Thế là có một lần nữa mà nàng vắng mặt không nhìn thấy cá vàng. Nàng đã ở tuổi hai mươi cộng mười, vậy mà trông non trẻ như mười tám đôi mươi. Cô gái nói tiếp:
– Lần ấy tiểu nữ chạm vào cá vàng nhưng vừa lọt lòng nên không biết gì. Thân mẫu sinh hạ tiểu nữ rớt trên sông Như Vân lúc bắt cá. Thân phụ đang cầm vợt đứng bên cạnh đã nhanh tay vớt tiểu nữ lên khỏi mặt nước lẫn với ba con cá vàng. Tiểu nữ được đặt tên Như Vân là thế.
Úc nghĩ: Nàng vẫn chỉ hai mươi. Lần đầu tiên là mới lọt lòng không kể. Ta thật mê mụ vì chuyện thơ phú văn chương, đến nỗi phép tính của con trẻ cũng không nghĩ ra. Vậy mà còn định tính kế cứu hàng mấy trăm người. Úc đứng lên bảo cô gái:
– Đa tạ quý nương đã cho ăn món ngon nhất chưa từng thấy. Từ nay xin đừng gọi tôi là “quý nhân”. Tôi họ Mao, chỉ là một thường nhân thôi. Gọi là “Mao huynh” cũng là hân hạnh cho Mao này lắm rồi.
Như Vân vội cúi mình:
– Tiểu nữ đã một lần mạo phạm, đâu dám thất lễ thêm nữa. Nhưng đã vậy, xin… Mao huynh cứ gọi em là “tiểu muội”, thay cho “quý nương” với “cô nương”
Rồi xin phép đi lấy cỏ cho ngựa NgọcTy. Lát sau Hương trưởng Lý Sinh đến. Mao Tôn Úc kể lại giấc chiêm bao đêm qua. Lý Sinh vô cùng kinh ngạc, hỏi:
– Quý nhân nói, vị đại tướng quân bên sông Như Nguyệt mặc giáp đồng, cầm thanh đại đao có chuôi bọc ngà voi nạm bạc?
Úc gật đầu. Hương trưởng lão đứng lên thắp hương ban thờ Thần tổ, khấn vái, rồi khuất vào sau bệ thờ, hồi lâu đem ra một hòm gỗ đen. Ông mở hòm lấy ra một bộ giáp trụ bằng đồng, một thanh đao thép và một ống quyển gỗ sơn màu huyết dụ khắc họa kim vân. Bộ giáp trụ và thanh đao tuy đã có chỗ hoen rỉ nhưng vẫn chắc chắn. Mao Tôn Úc sửng sốt, nói:
– Đúng là bộ giáp trụ trên mình vị tướng quân mà tại hạ đã thấy trong giấc mơ đêm qua, tuy bộ giáp này cũ hơn nhưng vết đột trên tấm hộ tâm này thì vẫn nhớ rất rõ. Lúc ấy tại hạ nghĩ chắc đó là dấu vết mũi tên của giặc. Còn thanh đao này Lý tướng quân đã cầm lên ngựa ra trận. Trong mộng thì đao để trong bao da, chỉ thấy đúng chuôi đao này có buộc thêm chùm tua đỏ. Ống quyển này thì đặt trên án thư của tướng quân.
Lý Sinh mở nắp ống quyển lấy ra một cuốn lụa bạch trông rất cũ kỹ như đang mủn nát. Hai người thận trọng mở tấm lụa. Mao Tôn Úc nhìn thấy trên lụa có viết một bài thơ. Lý Sinh nói:
– Lão phu đã có lần mở vuông lụa này ra, thấy phần Chính văn này thư thể lạ lùng rối rắm không sao đọc được, chỉ có hai hàng Lạc khoản theo thể Hành thư là còn hiểu được vài chữ.
Mao Tôn Úc lặng người ngắm những chữ viết trên tấm lụa. Chính là bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Bài thơ phần Chính văn viết bằng son theo thể Cuồng thảo, chỉ nhìn mà thấy bài thơ như gào thét tung hoành, có máu tuôn lửa cháy rừng rực, những chữ được nhập thần linh động như thiên binh vạn mã đang xung trận. Thật đúng như lời Lý Bạch :”Thư thành khấp quỷ thần”, chữ viết ra khiến quỷ thần đều phát khóc. Hai cột Lạc khoản bên hữu viết mực đen:”Lý triều Đại đô úy Lý Dực cẩn đề. Như Nguyệt giang, Vãn xuân, Bính Thìn niên, Thái Ninh đệ tứ hiệu.” Dưới đóng ấn chương “Lý gia” đỏ chói. Úc giải từng chữ cho Lý Sinh hiểu rồi đem bản chép bài thơ chàng nghe thấy bên sông Như Nguyệt trong giấc mơ, đối chiếu với bản cổ thì trùng từng chữ. Lý Sinh lau mồ hôi trán, đứng lên vái Mao Tôn Úc:
– Người đúng là cứu tinh của dân Lý Xá đã được Thần tổ ủy thác trọng trách. Xin chớ chối từ. Cần gì, cứ truyền bảo, chúng tôi xin hết lòng phò tá.
Úc ngẫm nghĩ rồi hỏi còn có ai biết những cổ vật này nữa. Lý Sinh đáp:
– Đây là di vật thiêng của Thần tổ, những người nối dõi thuộc trực hệ của Ngài trước khi chết mới truyền cho người kế vị biết. Hiện thời, những di vật này giấu kín trong căn hầm dưới gầm bàn thờ chỉ có lão phu biết cách mở hầm. Người các chi Lý Văn, Lý Đình, Lý Đắc ở đây không ai biết. Quý nhân được Thần tổ tin cẩn trọng dụng nên mới tiết lộ.
Lát sau, ba vị bô lão đến, Lý hương trưởng kể lại giấc mơ Mao Tôn Úc gặp Lý thần tổ. Ba người mừng rỡ khôn xiết vì Thần tổ đã chọn được cứu tinh cho dân Lý Xá. Úc nói:
– Tại hạ được Thần tổ phó thác trọng trách, nhưng từ phương xa đến, không hiểu gì về nơi này. Xin hỏi, có vị nào biết nội tình của bọn người ở trại Phết Cầu Lạc?
Lý hương trưởng chỉ một bô lão dáng vẻ buồn thảm, bảo:
– Thiển lão biết việc này, hãy nói ra để quý nhân rõ.
Vị bô lão ấy ngơ ngác nhìn quanh như người mất hồn, rồi cất tiếng:
– Thưa quý nhân, lão là Lý Đắc Thiển có con trai là Đắc Nhược. Tên nghịch tử nhà lão đã lấy trộm bạc bồi thường ruộng vườn của lão đến đánh bạc với bọn ở khu phết cầu, thua hết cả. Bây giờ Đắc Nhược ngày ngày vẫn la cà chỗ ấy. Nó bảo những kẻ ngoại quốc cũng cạn kiệt ngân lượng vì vật giá tăng cao. Họ đang dụ các doanh gia khác chung vốn, nhưng chưa có ai. Họ đã rút đi, chỉ còn viên Ban phó ở lại canh chừng khu trại. Ban phó là kẻ mê tín, thường lập đàn dâng lễ vật xin thần linh run rủi các doanh gia đến góp ngân lượng để xây xong khu phết cầu. Phu thợ đã nghỉ việc gần hết, còn ít thuộc hạ hàng ngày ngồi chơi bạc giải khuây. Đắc Nhược đến đấy phục dịch chuyện cầu cúng của Ban phó để kiếm chút cơm thừa, lâu ngày bị nhiễm thói mê tín nên cũng thành lẩn thẩn. Lão đã mất hết nhà cửa ruộng vườn, mất cả con trai vì cái khu phết cầu chết tiệt ấy. Lão hận bọn phết cầu. Sao trời không… phết bọn chúng bắn đi khỏi đất Lý Xá này.
Đoạn Lý Đắc Thiển bưng mặt khóc rất thảm thiết. Các bô lão xúm vào khuyên giải.
Mao Tôn Úc nói:
– Lý thần tổ đã ủy thác cho tại hạ chuyện lớn, nhưng hiện chưa có kế gì, còn chờ thần tổ chỉ bảo. Xin các bô lão hãy về nhắc chúng dân thu xếp việc nhà gọn gàng phòng khi có chuyện.
Các bô lão cung kính vái Úc rồi ra về. Úc lưu Lý hương trưởng lại, hỏi:
– Thiển lão vừa nói Ban phó khu phết cầu là kẻ rất mê tín là thế nào?
Lý hương trưởng đáp:
– Ban phó là dân Bắc Đảo, luôn có bên mình một lão thuật sĩ lo chuyện cầu cúng và đoán độn tiên lượng giúp quyết định công việc. Y cho xây hẳn một ngôi điện lớn thờ Tài thần, Thổ thần.
Úc lại hỏi:
– Sáng nay tại hạ được nếm món cháo cá vàng rồi được nghe cô nương Như Vân nói qua về chuyện loài cá vàng. Hương trưởng có tường chuyện dị thường ấy không?
Lý hương trưởng kể:
– Giống cá vàng ấy phát sinh từ thượng nguồn sông Như Vân thuộc hồ Kim Ngư chân núi Kình Thiên. Loài cá này sống lâu đến hơn ba mươi năm, cứ mười năm mới sinh đẻ một lần. Chúng lựa chọn rất khắt khe vùng nước thích nghi để phối sinh. Chỉ có một quãng sông Như Vân ở Lý Xá là phù hợp, nhưng phải đúng vào ba ngày thuộc tiết Hạ chí là ngày hai mươi, hai mốt, hai hai tháng sáu. Những ngày ấy nước sông rút dần từ giờ Tuất đến giờ Tý chỉ còn một phần ba, mặt nước bốc khói như mây mù đứng gần không rõ mặt sông. Bầy cá chọn đoạn chính giữa dòng sông là khu vực làng Lý Xá để phối sinh, nên dân làng bao đời cứ đến những ngày đó là kéo ra sông bắt cá.
Mao Tôn Úc không hỏi gì nữa. Hương trưởng ra về. Úc ngồi một mình suy tính.
Ban ngày Như Vân lo chuyện ăn uống cho Úc. Đêm đến, chàng một mình ngủ tại miếu Thần tổ. Sang đêm thứ ba, chỉ còn một ngày hôm sau là đến hạn theo lời Thần tổ mà Úc vẫn chưa nghĩ ra kế. Úc bồn chồn, tìm trong bọc hành lý xem có sách gì khả dĩ giúp được, nhưng chỉ có tập “Thiên gia thi” và một tập sách do tổ phụ Mao Tôn Cương lược soạn những lời bình các văn tác trứ danh. Phải chi lúc này có tập “Mưu kế Quỷ Cốc Tử”. Nhưng rồi nhớ ra, sách Quỷ Cốc hay Binh pháp Tôn Ngô đều có một thượng sách là “Tẩu vi chi kế”. Vậy bỏ trốn khỏi Lý Xá là hơn. Úc đã thưa với Lý thần tổ, mình chỉ là thường nhân sức thư sinh, không chút ngân lượng quyền thế, chống chọi sao được đám phú gia ở trại Phết Cầu cùng quan binh sở tại. Chắc Lý thần tổ với chúng dân sẽ lượng thứ. Nghĩ vậy, bèn giở sách ra đọc đợi giờ Tý sẽ cưỡi Ngọc Ty tẩu thoát.
Cuối giờ Hợi, bỗng có cơn gió lạnh thốc vào miếu làm tắt nến. Úc lấy đá lửa châm lại nến thì thấy gió đã lật qua nhiều trang của tập sách, đúng đến bài bình truyện “Hán Sở chí”, đoạn nói về Trương Lương thổi tiêu phá quân Sở bên Ô Giang. Mao Tôn Cương viết:
“Trương Lương chỉ là một văn thần, không có tài cung kiếm, nhưng thấu hiểu tâm trạng địch quân, nên chỉ với một ống tiêu mà làm tan rã mấy chục vạn binh mã Hạng Vương. Thế mới biết mãnh lực của văn nhân cũng ghê gớm thay!”
Đọc đoạn ấy, Úc thấy trong lòng khoái hoạt, nghĩ, tổ phụ đã khích lệ ta gắng tìm cách giúp dân Lý Xá. Bèn đi nằm, rồi thiếp đi. Nhưng suốt đêm ấy Úc không mộng mị gì cả.
Sáng hôm sau, Úc ăn xong bát cháo cá vàng do Như Vân đem đến thì có tiếng vó ngựa gõ đến trước cửa miếu. Nhìn ra thấy Lý hương trưởng uy phong trên con tuấn mã sắc lông đen nhánh. Úc kêu lên:
– Hương trưởng trông thật hùng dũng. Ngựa ở đâu mà đẹp vậy?
Lý Sinh xuống ngựa, nói:
– Đêm qua lão phu cùng dân làng ra sông Như Vân bắt cá. Khi về chợt nghe có tiếng ngựa hý dồn dập. Đến gần thì thấy ngựa này. Lão ra về, nhưng con ngựa cứ theo từng bước, quát đuổi cũng không bỏ đi. Nghĩ, âu cũng là duyên cớ gì đây nên đem nó về.
Úc bàng hoàng lại gần con ngựa nhìn kỹ, thấy chính giữa ức ngựa có một điểm trắng sáng hình ngôi sao. Đúng là con chiến mã Ô truy của tướng quân Lý Dực trong giấc mộng. Thật kỳ lạ. Cũng chính lúc ấy Mao Tôn Úc nghĩ ra một diệu kế, bèn mời Lý Sinh vào trong miếu, Úc ghé tai bảo: “Cứ như thế… như thế… ” Hương trưởng lão gật đầu rồi cười rạng rỡ ra về.
Ngay sáng hôm ấy, Lý hương trưởng lệnh cho dân Lý Xá nhà nào nhà nấy đồng loạt trở về làng cũ, vì Lý thần tổ đã hiển thánh truyền như vậy. Dân chúng hoan hỷ nhảy múa reo cười, thu dọn tài vật, gồng gánh, bồng bế dắt díu nhau về ngôi làng đã bỏ hoang từ lâu nay.
Đến đây, chuyện nói về cha con Lý Đắc Thiển, là vị bô lão trong hội đồng hương chính Lý Xá. Hôm ấy con trai Thiển lão là Đắc Nhược từ khu trại Phết Cầu về gò miếu Thần tổ thì thấy mọi người đã dọn về làng cũ. Nhược hỏi cha, sao dân làng dám đến ở đất của trại Phết Cầu. Thiển lão chỉ mặt con mắng rằng:
– Nghịch tử, mi dám nói đất đai tổ tiên là của bọn Phết Cầu sao? Nói cho mi biết, Lý thần tổ đã hiển thánh truyền cho dân Lý Xá trở về làng cũ.
Đắc Nhược lâu ngày theo hầu lễ bái cho Ban phó Phết Cầu cũng mê tín, nên lo sợ hỏi:
– Cha trông thấy Lý thần tổ hiển thánh thật chứ?
Thiển lão bảo:
– Đêm hôm kia, Ngài hiển linh giáp trụ ngời ngời, khoác bạch bào, ngự trên ngựa Ô truy, tay cầm đại đao, giọng sang sảng truyền con dân Lý tộc không được bỏ Lý Xá. Ngài thề sẽ quét sạch bọn Phết Cầu Lạc. Còn mi, hãy về nhà tu tỉnh làm ăn, theo đuôi bọn ấy sẽ không khỏi vạ lây.
Nhược sợ hãi vâng dạ, nhưng rồi lại nghĩ phải đến trại Phết Cầu báo tin để được trả công. Chập tối, Nhược trốn cha đến gặp viên Ban phó kể hết sự tình. Ban phó cuống cuồng sai Nhược gọi thuật sĩ chuyên đoán độn đến. Lão thuật sĩ vốn từ lâu thấy xây trại phết cầu ở đây là chuyện viển vông, cả xứ này có mấy kẻ chơi phết cầu, biết khi nào mới hồi được vốn. Riêng y cũng tựa như bị lưu đầy tại đất này xa vợ con mấy năm nay rất cực khổ. Nên nghe xong câu chuyện Lý thần tổ hiển thánh, thuật sĩ bèn bấm độn rồi lấy giọng thần nhân mà phán rằng:
– Khởi đầu đã nói đất này bất an. Nay lại độn thấy có cao nhân đến giúp lũ nghịch dân ấy, nên đại sự bất thành, sẽ mang họa lớn. “Thoái vi đắc sách”. Bỏ đi, tuy có thiệt vài phần nhưng toàn mạng.
Ban phó nghe sợ hãi vô cùng, truyền ngay sáng mai sẽ nhổ trại. Cũng giữ thuật sĩ luôn ở bên mình qua đêm. Đắc Nhược hỏi xin Ban phó ít bạc vụn rồi nói dối cha đang bị bệnh phải về nhà.
Đêm ấy khí trời âm u trầm trọng như sắp có giông bão. Ban phó buông rèm thắp hương nến trên bàn thờ rồi nằm thấp thỏm chờ sáng để thoát khỏi vùng đất dữ. Đến giờ Tý, bỗng nghe như có tiếng người vang vọng lúc gần lúc xa. Ban phó run sợ, gọi thuật sĩ. Thuật sĩ mở cửa bước ra ngoài hiên nhìn về phía sông Như Vân, kêu lên thất thanh:” Hãy ra xem chuyện lạ.” Ban phó lập cập bước ra, nhìn theo hướng tay chỉ của thuật sĩ. Sự lạ hiển hiện trước mắt: Trăng hạ tuần đã mọc, mặt sông Như Vân khói bốc mờ mịt. Có bóng con ngựa Ô truy tung vó như bay trên mặt sông sương khói ấy. Trên mình ngựa là một võ tướng mặc giáp trụ, khoác bạch bào tay cầm thanh đại đao oai phong lẫm liệt. Võ tướng phi ngựa đến ngang trại Phết Cầu Lạc thì gò cương, chỉ đao về phía trại cất giọng vang như sấm ngâm một bài thơ tiếng Hán chấn động không trung.
Bài thơ như sau:
Tự cổ địa điền nông phu canh
Thiên thư quốc luật khẳng định thành
Như hà điền tặc xâm phân đoạt
Nhữ đẳng hành khan tảo tảo thanh
Tạm dịch thành thơ:
Từ xưa ruộng đất dân cày cấy
Lẽ trời luật nước đã rành rành
Cớ sao “giặc-ruộng” chia nhau chiếm?
Rồi bay sẽ bị quét sạch sanh !
Ban phó thất kinh ngã vật ra bất tỉnh, thuật sĩ vội vực vào trong phòng cấp cứu. Hôm sau, trời chưa sáng rõ Ban phó đã hạ lệnh nhổ trại gấp. Đến giờ Ngọ cả trại phết cầu đã trống không.
Buổi chiều, Lý hương trưởng cho người đến trại Phết Cầu dò la thấy vắng tanh, không một bóng người. Cả làng Lý Xá giết lợn gà lễ tạ Lý thần tổ, rồi ăn mừng suốt đêm.
Sáng hôm sau Mao Tôn Úc từ biệt Lý Xá. Dân làng bùi ngùi đưa tiễn vị “quý nhân – cứu tinh”. Úc đưa mắt nhìn không thấy Như Vân và các cô gái đã bắt giữ chàng hôm đến đây, nghĩ họ vẫn còn thẹn nên tránh mặt. Úc dặn dò Lý hương trưởng về việc dùng lý lẽ để đối đáp với quan binh sở tại. Khi ở Đại La, Mao Tôn Úc đã được đọc trên cáo thị luật điền địa. Chiểu theo luật ấy thì những quan chức Vân Giang và trại Phết Cầu trưng dụng điền địa đã quá hạn ba năm không bồi thường đầy đủ cho dân, lại không hoàn tất việc xây cất, để đất đai hoang vu, gây thiệt hại cho dân Lý Xá, khiến họ chịu cơ cực mấy năm nay, là đã vi phạm luật lệ hiện hành.
Lý Sinh nghe rồi níu cương ngựa, ứa nước mắt hỏi Úc:
– Đến nay chúng tôi vẫn chưa được tường quý danh, xin thể tình cho biết để ghi lòng tạc dạ.
Úc cảm động cung tay vái Lý hương trưởng và dân làng, nói:
– Tại hạ họ Mao, tên Tôn Úc, là người phương Bắc, tuy bất tài vô dụng nhưng đã được dân làng chiếu cố nuôi dưỡng mấy bữa nay, xin cảm tạ, cảm tạ. Bái biệt.
Đoạn thúc ngựa theo dọc bờ sông Như Vân mà đi.
Thật là:
Vô luận tráng sĩ ư kẻ sĩ
Bất bình tại lộ bất dung gian
( Dù là anh hùng hay kẻ sĩ, gặp chuyện ngang trái trên đường cũng chẳng thể bỏ qua)
Mao Tôn Úc đã ra sức thận trọng, nhưng chỉ một khắc bất cẩn mà tiết lộ danh tính, chàng sẽ phải chịu hậu quả. Muốn biết chuyện sẽ ra sao xin xem tiếp chương thứ Tám.
BV
(Còn tiếp)