Chuyện li kì về Mao Tôn Úc – Truyện dài của Bão Vũ (Kì 8)

Vanhaiphong.com: Sau khi post chương thứ 7. chúng tôi hỏi Bão Vũ: “Dùng kế “Lý thần tổ hiển thánh” tuy khá ngoạn mục. nhưng những kẻ đầu tư trại Phết Cầu đâu có dễ dàng bỏ dở việc kinh doanh của họ như vậy. Quan sở tại liệu có thể làm ngơ?” – Vũ trả lời:” Chính tôi cũng khó tin chuyện ấy. Tuy vậy, cứ chờ xem, đã đến chung cuộc đâu.” Chúng tôi lại bảo:”Đoạn nói về giấc mơ bên sông Như Nguyệt tuy có mùi binh đao, nhưng cũng chỉ thoảng như giấc mộng. Độc giả bây giờ ưa những chuyện “hành động máu lửa”. ông có chiều được không? Vũ bảo, có “hành động” ngay đây. Rồi gửi cho chúng tôi chương mới có những tình tiết rất chi là “máu lửa”… (KÌ 8)

Vanhaiphong.com: Sau khi post chương thứ 7. chúng tôi hỏi Bão Vũ: “Dùng kế “Lý thần tổ hiển thánh” tuy khá ngoạn mục. nhưng những kẻ đầu tư trại Phết Cầu đâu có dễ dàng bỏ dở việc kinh doanh của họ như vậy. Quan sở tại liệu có thể làm ngơ?” – Vũ trả lời:” Chính tôi cũng khó tin chuyện ấy. Tuy vậy, cứ chờ xem, đã đến chung cuộc đâu.” Chúng tôi lại bảo:”Đoạn nói về giấc mơ bên sông Như Nguyệt tuy có mùi binh đao, nhưng cũng chỉ thoảng như giấc mộng. Độc giả bây giờ ưa những chuyện “hành động máu lửa”. ông có chiều được không? Vũ bảo, có “hành động” ngay đây. Rồi gửi cho chúng tôi chương mới có những tình tiết rất chi là “máu lửa”.

Xin mời độc giả tiếp tục thưởng thức KÌ THỨ 8 “Chuyện li kỳ về Mao Tôn Úc” với nhan đề:

8. TRẬN CHIẾN ĐẪM MÁU BÊN BỜ SÔNG NHƯ VÂN

Lại nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc bái biệt Lý Hương trưởng và dân chúng Lý Xá, cho ngựa đi dọc theo bờ sông Như Vân để ra chính lộ. Ngọc Ty Mã mấy hôm được ăn cỏ non, khoai mỡ, uống nước sông trong mát, lại sống giữa đồng quê phóng khoáng nên khoẻ khoắn đẹp mã hẳn ra. Nó đi nước kiệu nhong nhong ra vẻ phấn chấn lắm. Mao Tôn Úc ngồi trên mình ngựa ngắm dòng sông nước xanh trong vắt, phóng mắt trên cánh đồng làng mạc Lý Xá đã trở nên thân thuộc. Đến chỗ có khóm lau rậm rạp ven mép nước mà Úc đã lẩn vào đó, bị các nữ binh bắt sống, để rồi được các bô lão trọng dụng, được Như Vân săn sóc. Úc dừng ngựa bồi hồi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ thấy lại nơi này nữa. Rồi nhìn dòng sông Như Vân mà tức cảnh sinh tình, ngâm lên mấy câu thơ chợt nghĩ ra:

Thử địa tằng lưu ngã sơ trú

Kim giã từ như biệt cố hương

Giang hà vô định trường lưu thủy

Đồng hành qui khách đáo viễn phương

Tạm dịch thơ:

Đất này ta đã dừng chân nghỉ

Nay đi như từ giã quê nhà

Hỡi sông nước chảy về đâu nhỉ

Xin hãy theo người đến chốn xa

( Phỏng theo một tứ thơ Đường – BV )

Úc vừa ngâm xong bài thơ ứng tác, lòng đang rưng rưng cảm động thì trong bụi cây ven đường có một toán người xô ra đứng chặn trước đầu ngựa. Lại vẫn như thường lệ, mỗi khi Úc cao hứng thi ca là y như có chuyện rắc rối.

Mao Tôn Úc vội gò cương, định thần nhìn kỹ, nhận ra đám người cản đường chính là những cô gái Lý Xá đã đánh đập Úc hôm nọ, nhưng không thấy có Như Vân trong đám này. Lúc này trong tay mỗi cô lại có một cây gậy. Úc hoảng sợ, nghĩ các cô vẫn chưa có ý định tha cho Úc, bèn ôm đầu kêu lên:

– Chuyện hiểu lầm đã rõ rồi mà. Tại hạ đâu phải là kẻ hạ lưu đồi bại… Xin cac cô nương đừng đánh!

Các cô gái vội thi lễ, rồi một cô nói:

– Xin tha lỗi cho lũ thôn nữ vụng về, đã đánh liều đón đường quý nhân để nhờ cậy một việc.

Úc hoàn hồn, hỏi:

– Nhưng sao các cô nương lại… cầm gậy…

– Chị em tiểu nữ muốn được theo quý nhân về Bắc quốc, nguyện đi bộ theo chân ngựa. Gậy này để chống vì biết phải vượt qua thiên sơn vạn thủy.

Lúc ấy Úc mới nhìn ra mỗi cô đều đeo một bọc hành lý bên vai, ngạc nhiên hỏi:

– Các cô nương sang Bắc quốc làm gì?

Cô đại diện cho cả bọn nói:

-Ở nơi này muôn vàn cực khổ, sớm muộn gì mỗi chị em tiểu nữ cũng phải làm vợ một gã trai làng cục mịch, rồi quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối ngoài đồng, trong vườn, lặn lội dưới sông Như Vân này đêm ngày mà không đủ ăn, chồng con nheo nhóc cho đến ngày tận số. Mấy hôm nay chị em bàn nhau: Mao quý nhân là người nghĩa hiệp sẽ không nỡ từ chối đem chúng ta  theo về Bắc quốc. Ở đấy sẽ kiếm được công ăn việc làm, may ra tìm được một tấm chồng tử tế.

Úc ngạc nhiên vô cùng không biết xử trí thế nào. Đành nói sự thật :

– Đa tạ đã tin cậy, nhưng nếu các cô nương có ý định xuất dương mưu sinh và lo chuyện gia thất, chi bằng cứ lưu lại quý quán. Tại hạ biết cũng có những người thường đi các vùng quê chiêu mộ nữ nhân xuất ngoại để phục dịch hoặc làm vợ những nhà giàu. Còn tại hạ đang trong cảnh bị truy nã, trong mình chỉ còn sót chút bạc vụn không đủ ăn hôm nay. Dọc đường biết bao nhiêu hiểm nguy rình rập, đi theo Mao này e khó tránh phiền lụy.

Các cô tranh nhau nói:

– Chị em tiểu nữ cũng đã biết có người đến mấy làng ở quanh đây chiêu dụ đàn bà con gái nộp bạc cho họ để được ra ngoại quốc làm nàng hầu, làm tì thiếp, hưởng sung sướng. Nhưng chỉ là chuyện giả trá. Chúng đưa ra ngoại quốc bán cho các nhà như bán gia súc. Rồi dở sống dở chết. Có người không chịu được cực khổ ô nhục phải phải tự vẫn. Có người trốn được về thì cũng thân tàn ma dại. Chúng em biết quý nhân là người trượng nghĩa nên mới xin theo về Bắc quốc. Cũng không dám phiền lụy nhiều, nên đã sắp sẵn chút ngân lượng, ít đồ tư trang, rồi chỉ dám nhờ Mao quý nhân là người thông thạo xứ sở giúp cho việc giao dịch để khỏi bị kẻ xấu hãm hại.

Úc nghe các cô nói trong lòng thương cảm vô cùng, nhưng nghĩ tình cảnh của mình dù muốn cũng không thể giúp được. Chợt có tiếng lanh lảnh cất lên:

– Các em không được làm khó Mao quý nhân…

Mọi người cùng nhìn thấy Như Vân đang đến, tay cũng ôm một bọc. Như Vân đến trước ngựa Mao Tôn Úc, nói:

– Như Vân có ít bánh khảo có thể để được lâu, phòng khi dọc đường nhỡ bữa. Xin vui lòng nhận chút lòng thành.

Mao Tôn Úc vội xuống ngựa đưa hai tay nhận bọc lương khô của Như Vân rồi ứa nước mắt cảm tạ tấm chân tình của người thôn nữ. Như Vân quay về phía các cô gái nghiêm giọng:

– Thật đáng hổ thẹn. Các em là con gái họ Lý mà chẳng nhớ lời nữ vương Triệu Trinh Nương ngày xưa: Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở bể đông chứ không chịu cúi đầu làm tì thiếp người ta! Chính Triệu nữ vương không chịu ô uế vì quân Ngô nên đã trao binh quyền cho 3 tướng người họ Lý chúng ta, rồi nguyện với đất trời “sinh vi tướng, tử vi thần”, mà tuẫn tiết trên núi Tùng Sơn. Các em quên những chuyện đó sao? Hãy mau bái biệt Mao quý nhân rồi về nhà chăm lo ruộng vườn vừa dành lại.

Các cô gái cúi đầu đỏ mặt vái Mao Tôn Úc rồi líu ríu kéo nhau về. Úc nói:

– Đa tạ Như Vân trợ giúp đúng lúc, nếu không Mao này sẽ bị mang thêm tội dụ dỗ gái nhà lành dẫn ra ngoại quốc bán thì không sao thoát được án chém.

Như Vân nói:

– Mao quí nhân không rỗ chứ chuyện đưa người ra nước ngoài quanh vùng này là thường tình, được các quan sở tại cho phép. Chỉ cần đóng thuế theo luật định. Tiểu nữ chỉ muốn nói với các cô em họ Lý rằng đi làm tì thiếp hầu hạ người ngoại bang là làm nhục tổ tông.

Mao Tôn Úc tỏ ý khâm phục:

– Như Vân hiểu biết, khí khái không thua kém các bậc nữ lưu trong thiên hạ.

Như Vân ngượng ngùng nói:

– Mao quý nhân quá khen, tiểu nữ chỉ là kẻ quê mùa, được người trên dạy bảo chút lễ nghĩa.

Úc nói thêm:

– Tôi đi rồi, quan quân có thể đến đây sách nhiễu. Nếu dân làng có ai oán tôi đã đem thêm họa đến cho Lý Xá, xin Như Vân giảng giải giùm. Còn Lý hương trưởng, tuy có mấy ngày gần gũi, tôi thấy ông là người trung nghĩa khí tiết, chắc cũng khó bề yên ổn với quan quân sở tại. Có tai biến gì, nhờ cậy Như Vân chăm sóc.

Như Vân cảm động nói:

– Người Lý Xá không ai dám oán trách quý nhân. Còn về Lý hương trưởng, người chính là ông ngoại của Như Vân. Cha mẹ khuất núi từ khi Như Vân lên tám tuổi, ông đã nuôi dạy Như Vân.

Hai người bịn rịn hồi lâu không biết nói gì thêm. Úc đành miễn cưỡng bái biệt. Lên ngựa đi được một đoạn, ngoảnh lại vẫn thấy Như Vân đứng nhìn theo, bóng in xuống mặt sông Như Vân lung linh như tranh vẽ.

Khi đi khuất sau rặng cây, Mao Tôn Úc dừng ngựa ngẫm nghĩ. Ta phải đến trại Phết Cầu nhìn tận mắt bọn người vô lương phải từ bỏ tham vọng làm khổ dân lành như thế nào. Bèn quay ngựa hướng về phía trại Phết Cầu.

***

Đây nói về chuyện ở phủ Vân Giang.

Đêm hôm trước, Ban phó cùng các nhân công trại Phết Cầu nhìn thấy Lý thần tổ hiển thánh đọc thơ nhiếc mắng chúng, thì hồn xiêu phách lạc, sáng hôm sau liền nhổ trại kéo về phủ Vân Giang là nơi chính sở của họ. Quan tri huyện Dương Đình Hống được báo, liền cho triệu Ban phó trại Phết Cầu vào phủ đường, mắng rằng:

– Các ông tự tiện bỏ việc kinh doanh mà không báo cho bản phủ biết là sao?

Ban phó thưa lại chuyện kinh hoàng đêm hôm trước. Hống nghe xong, quát:

– Hoang đường!

Ban phó gọi gã Thuật sĩ cùng mấy kẻ giúp việc đến làm chứng. Hống là kẻ vô thần vô đạo, chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ, thần linh, nói:

– Chuyện này rất ám muội. Hoặc giả các ngươi thần hồn nát thần tính, tin nhảm. Hoặc giả có kẻ bày trò. Mà dù Lý thần tổ có hiển hiện thật thì cũng phải tuân theo luật nước. Đức vua còn ban sắc phong cho các vị thần địa phương. Vua là con Trời. Thần thánh chống lại con Trời là chống lại Trời.

Vừa lúc ấy, lính phủ vào báo có người ở Lý Xá muốn trình việc khẩn. Hống bảo cho vào. Một gã trai rụt rè bước vào, quỳ sụp xuống vái Hống, rồi thưa:

– Tiểu dân xin bẩm báo chuyện hệ trọng. Nhưng xin đại quan sau đó thưởng cho chút bạc.

Kẻ ấy chính là Lý Đắc Nhược, con trai của vị bô lão Lý Xá, Lý Đắc Thiển.

Quan tri huyện phán:

– Cứ nói, nếu đúng là chuyện hệ trọng ta thưởng bạc. Còn chuyện nhảm nhí làm mất thì giờ của bản phủ thì sẽ bị nghiêm trị.

Nhược nói:

– Đêm ngày hăm ba, con được ngài Ban phó đây thưởng cho ít bạc nên sang làng Phạm Xá chơi bài. Đến cuối giờ Tý, thua hết tiền con trở về Lý Xá. Đến bờ sông Như Vân, nghe có tiếng vó ngựa, ngỡ quan quân đi tuần, con sợ bị nghi là đạo chích sẽ bị bắt, bèn trốn sau bụi cây. Con thấy một võ tướng cao lớn cưỡi con ngựa đen lực lưỡng phi đến gần. Lúc bấy giờ trăng hạ tuần đã mọc, con nhìn thấy rõ đó là Lý hương trưởng Lý Xá mình mặc giáp đồng khoác bào trắng, tay cầm thanh đại đao, phi ngựa về phía gò miếu Thần tổ. Con chạy theo, thấy hương trưởng xuống ngựa bước vào miếu. Trong miếu thắp nến sáng. Con thấy Lý hương trưởng nói chuyện với một người đàn ông mấy hôm nay vẫn ở Lý Xá, được gọi là quý nhân. Hương trưởng nói: “Kế của quý nhân thật linh diệu. Lão phu nghe thấy bọn trại Phết Cầu đứa rú lên sợ hãi, đứa khóc xin thần linh tha mạng. Sáng mai, tên Ban phó ắt sẽ nhổ trại. Bọn Phết Cầu đi rồi, dân Lý Xá sẽ trở về làng cũ, an cư lạc nghiệp.” Người kia giúp Lý hương trưởng cởi bỏ giáp trụ, rồi ngồi bàn về việc đối phó với quan tri huyện. Nhưng họ thì thầm, con không nghe rõ. Người lạ ấy sau con được biết tên là Mao Tôn Úc.

Dương Đình Hống nghe xong cả giận đập bàn quát lớn:

– Bọn nghịch tặc to gan. Ta mới tiếp được thông tri về việc truy nã mấy kẻ văn tặc trong đó có tên Mao Tôn Úc. Đích thị tên này đến Lý Xá gây loạn. Bản quan sẽ thẳng tay trừng trị cả bọn. Ông Ban phó trại Phết Cầu, đã rõ chuyện chưa? Ngay chiều tối nay, ông phải quay trở lại sắp xếp nhà trại, làm việc bình thường như chưa hề có chuyện này. Nếu chần chừ để qua đêm nay, đám dân đói khát quanh vùng sẽ đến đào tận gốc nhà xưởng của ông lên. Sáng mai ta sẽ đich thân đem quân đến hỏi tội bọn giặc Lý Xá.

Hống truyền thưởng Lý Đắc Nhược 100 lượng bạc, cho ở lại huyện đường để mai cùng về Lý Xá làm nhân chứng.

Sáng hôm sau tri huyện sai viên đại Đô đầu họ Trình điểm ba trăm quân sở tại, rồi đích thân Dương Đình Hống dẫn quân về Lý Xá. Đến nơi, Hống cho dồn dân làng ra sân đình tra hỏi chuyện vì sao chống lệnh quan, quay về làng cũ cản trở việc xây khu Phết Cầu. Không ai nói gì. Lý hương trưởng bước ra đem luật lý mà Mao Tôn Úc bày cho để cãi. Hống quát bảo:

– Đấy là luật Canh Thìn đã cũ. Nay dùng luật Tân Tỵ. Tuy vậy, do quê mùa không hiểu luật lệ bản quan tạm tha. Nhưng tội giả mạo Lý thần tổ hiển thánh gây hoảng loạn cho người ngoại quốc, quyết không dung. Kẻ nào bày ra trò ấy?

Lý hương trưởng cung kính:

– Bẩm, chuyện Lý thần tổ hiển linh là có thật. Các vị bô lão trong làng đều nhìn thấy.

Hống thét lên:

– Xằng bậy, man trá. Lý Đắc Nhược đâu, mau ra đối chứng.

Nhược từ trong đám quân binh, bước ra bẩm hết mọi chuyện. Lý Đức Thiển thấy rõ đứa con phản phúc như vậy, bèn kêu lên “Nghịch tử!” rồi ngã vật ra đất, ngất đi. Hống quát hỏi Lý hương trưởng:

– Ngươi còn gì để nói không?

Lý Sinh vẫn cứng cỏi:

– Lão phu đã làm chuyện ấy để nhắc những kẻ ăn cơm mặc áo của dân phải biết sống theo luật đời theo lẽ trời, chớ làm chuyện ích kỷ hại dân hại nước mà bị quả báo. Việc làm đó của lão phu chẳng có gì phạm pháp. Bất quá thì cũng như chuyện phường chèo diễn trò mà thôi.

Dương Đình Hống vỗ gươm quát lên:

– Còn già mồm ngụy biện. Ta cũng chẳng chấp trò “đội váy nát mẹ” ấy. Nhưng bản quan hỏi: Ngựa chiến cùng bộ giáp trụ và thanh đại đao ngươi lấy đâu ra?

Lý Sinh giật mình. Báu vật thiêng của thần tổ đã bị lộ. Hống đắc ý, nói:

– Bản quan sẽ khép ngươi vào tội tàng trữ, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và võ khí. Lại còn tội chứa chấp văn tặc Mao Tôn Úc nữa. Xem ngươi có chối tội được không?

Lý Sinh ngửa mặt lên trời nói:

– Thề có hoàng thiên. Lý thần tổ muốn cứu giúp con dân Lý Xá nên đã cho thần mã Ô truy cùng với giáp trụ và đại đao xuất hiện, khi xong việc thì tự biến. Quả thật là chuyện linh diệu như vậy. Dù có bỏ tù hay chém đầu cả làng, cũng xin chịu. Còn Mao Tôn Úc chỉ là kẻ nhỡ độ đường bị dân chúng tưởng lầm gian tế nên lỡ tay đánh đập thành thương, nên đã chúng tôi đã giữ lại đây chữa chạy để chuộc lỗi. Nay người ấy đã đi xa rồi.

Dương Đình  Hống cười nhạt:

– Được, cứ về huyện đường xem có còn nói xằng được nữa không.

Hống cho quân cưỡng bức chúng dân trở lại khu gò Miếu. Rồi đóng gông Hương trưởng Lý Sinh giải về phủ. Như Vân chạy theo ôm lấy ông ngoại khóc như mưa:

– Ông ơi! Con xin cùng chịu tù tội để săn sóc ông trong ngục thất.

Nhưng Lý Sinh đã nhìn thấy cặp mắt đỏ rượu thịt của Dương Đình Hống nhìn chăm chằm vào cháu gái mình. Ông khẽ nói với Như Vân:

– Con mau đi tìm Mao quý nhân mà nương nhờ. Ông không sống được lâu đâu. Đừng để tên huyện quan háo sắc kia làm nhục. Nếu không nghe lời, ông sẽ đập đầu chết ở đây.

Như Vân đành gạt nước mắt quay trở lại.

Lại nói Mao Tôn Úc phi ngựa đến trại Phết Cầu thấy trại vẫn còn người tra vào như không có chuyện gì xảy ra. Úc vào một quán trà gần đấy uống nước và hỏi chuyện. Chủ quán trà bảo:

– Đúng là sáng qua họ đùng đùng bỏ trại kéo đi. Nhưng đến chiều tối lại quay về ngay. Sáng nay có người trong trại ra đây uống trà bảo “Bị dân Lý Xá lừa”.

Mao Tôn Úc thất kinh vội quay ngựa về Lý Xá. Đến bờ sông Như Vân, Úc nhìn thấy có một toán quân đi đến, bèn chú mục nhìn. Đi đầu đám quan binh là một người lùn tịt béo tròn cưỡi ngựa Mai hoa, trên đầu phất phới lá cờ đại đề mấy chữ: “Dương Tri phủ Vân Giang”. Lại thấy một người đầu tóc rũ rượi, cổ mang gông bị dong đi. Nhìn kỹ thì đó là Lý Sinh, hương trưởng Lý Xá. Úc than thầm: Nguy rồi, kế của ta đã bị bại lộ. Phải thoát thân rồi tính cách cứu Lý hương trưởng sau. Úc toan rẽ ngựa xuống cánh đồng, thì có tiếng quát lớn:

– Văn tặc Mao Tôn Úc chớ chạy!

Chỉ còn cách đám quan quân một quãng ngắn. Mao Tôn Úc thấy khó bề thoát thân, nên nghĩ bụng, đã lâm vào đường cùng thì ta cũng để cho bọn mọt dân thấy được bản lĩnh của kẻ sĩ. Bèn cười to, rồi vòng tay nói:

– Ha-ha-ha! Tại hạ đã thấy tận mắt quan binh trùng điệp, khí thế ngút trời, trổ oai hùm bắt được một lão nông già yếu. Thật đáng khâm phục!

Dương Đình Hống gầm lên một tiếng, quay lại hỏi thuộc hạ:

– Ai có thể băm vằm tên văn tặc kia làm ngàn mảnh cho ta hả giận?

Viên Đại đô đầu họ Trình dạ lớn:

– Có mạt tướng.

Hống gật đầu:

– Trình Đô đầu hãy bắt sống tên giặc đó giải về Đại La lãnh thưởng. Nhưng chớ coi thường. Ta nghe nói bọn Bắc quốc võ nghệ siêu quần.

Trình Đô đầu là mãnh tướng đệ nhất của phủ Vân Giang, y rút hai cây búa tầm sét đeo trên lưng múa tít, thúc ngựa nhằm Mao Tôn Úc xông đến.

Úc ngồi trên ngựa Ngọc Ty, khẩu khí cứng cỏi mà hai đầu gối run bắn, vì ngoài cây bút lông ra Úc có biết võ nghệ gì đâu. Nhưng biết luật nhà võ, nên tìm cách trì hoãn, cố trấn tĩnh quát to:

– Tên thất phu kia, hãy xưng tên họ. Ta không muốn giết kẻ vô danh tiểu tốt.

Viên Đô đầu dừng ngựa nói:

– Bản tướng họ Trình tên Văn Độ, phụng mệnh lấy đầu tên văn tặc họ Mao.

Úc kêu lên:

– Khoan! Ngươi vội chết đến thế sao. Nghe ta hỏi, ngươi họ Trình, lại cầm đôi rìu chẻ củi, vậy có phải là hậu duệ của Trình Giảo Kim đời Đường không?

Trình Văn Độ tức giận vô cùng vì vũ khí của y bị coi là rìu bổ củi, và bị coi là hậu duệ của một viên tướng già lẻo mép võ nghệ kém cỏi đời Đường, bèn vung búa xông đến:

– Văn tặc hãy coi đây!

Mao Tôn Úc sợ hãi vội rút trong bọc ra cây bút lông lớn chuyên viết thư pháp, múa vung lên. Đám quân lính huyện phủ trong thấy cây bút lớn đen nhánh trong tay Mao Tôn Úc lấy làm ngạc nhiên về thứ vũ khí kỳ dị đó. Gã phó đô đầu là kẻ thông hiểu về võ khí, kinh hoảng hét lên:

– Đại Đô đầu! Coi chừng văn tặc sử dụng “Phán quan bút”.

Trình Văn Độ nghe thấy thế, tâm thần giao động. Nguyên, tự cổ trong thập bát ban võ khí không có loại “Phán quang bút” (Bút của các phán quan dưới âm phủ để ghi án). Chỉ đến đời nhà Thanh mới có một văn nhân tinh thông võ học chế ra thứ khí giới kỳ lạ ấy. Đó là cây bút lớn bằng thép có hình dáng như cây đại bút của các thư pháp gia. Khi sử dụng, dùng cách viết chữ trong không gian mà đả thương địch thủ. Thường các võ quan đều mù chữ hoặc biết rất ít chữ, nhất là chữ viết theo thể “Cuồng thảo” (đã nói ở chương 7) nên không biết đường nào mà tránh đòn. Khi bất ngờ bị một nét “chấm” hay nét “mác” là có thể thủng ngực, đứt cổ như chơi.

Tên quân đánh trống đốc trận của huyện phủ đã lâu không được trổ nghề, nay có dịp đã thúc trống vang lừng khiến không khí thêm trầm trọng. Quan quân nín thở chờ trận đấu kinh hồn giữa đại Đô đầu của họ với tên văn tặc ghê gớm đang có lệnh truy nã khắp nơi. Sẽ là một trận chiến đẫm máu.

Trình văn Độ múa rìu thúc ngựa tiến đến lên. Nhưng khi sắp giáp mặt địch thủ thì đột nhiên chân ngựa của Độ sụt vào một hố ổ gà, loạng choạng khiến y luống cuống tự đập vào mũi mình một búa cực mạnh. Viên đại Đô đầu thét lên đau đớn, máu mũi chảy đầm đìa, ngã vật xuống đất bất tỉnh. Con ngựa hoảng hốt lao xuống dốc bờ sông, kéo theo chủ. Trình Văn Độ mặt đẫm máu chết ngất bị kéo lê trên cỏ, trông rất khủng khiếp. Cả đám quan quân hoảng kinh kêu lên vì dũng tướng đệ nhất của họ đã bị hạ trong chớp mắt. Tri phủ Dương Đình Hống sợ hãi, muốn ngã khỏi yên ngựa.

Chính Mao Tôn Úc cũng không hiểu vì sao gã đại Đô đầu hộ pháp kia lạ bị như vậy. Ngọc Ty mã phấn khích chồm lên hý vang khiến cho Mao Tôn Úc trông càng ghê gớm trước mắt đám quân binh. Chỉ có một mình Lý Sinh nhìn thấy rõ chân ngựa của Trình Văn Độ sụt ổ gà trên mặt đê. Lý hương trưởng cũng nhận thấy tình cảnh hiểm nghèo của Mao Tôn Úc nếu Dương Đình Hống định thần lại, bèn kêu lên:

– Mao tiên sinh vô can trong chuyện của Lý Xá nên không có tội gì ở phủ Vân Giang. Vậy đừng giết người mà đắc tội. Việc của lão phu đã có pháp đình phân xử. Tiên sinh hãy đi đi, nếu gặp Như Vân xin cứu giúp, lão phu đội ơn.

Mao Tôn Úc nghe thấy thế, hiểu ý. Bèn quát lên với đám quan quân:

– Còn kẻ nào không thiết sống, muốn nếm mùi Phán quan bút của ta?!

Cả đám quan quân run sợ đứng im thin thít. Úc bèn chỉ roi ngựa về phía Dương Đình Hống, nói:

– Tại hạ nể tình Lý hương trưởng nên bỏ qua chuyện này. Dương đại nhân hãy công minh, chớ nên hại người vô tội, đẩy dân chúng Lý Xá vào cảnh cơ cực. Bái biệt.

Rồi quất ngựa rẽ xuống bờ sông Như Vân men theo mép nước mà đi thẳng.

Đến khi Dương Đình Hống hoàn hồn, quát bảo quân lính kíp truy đuổi văn tặc trả thù cho đại Đô đầu thì Úc đã khuất dạng. Hống đành nuốt hận sai người vực Trình Văn Độ lên ngựa, giải Lý Sinh trở về huyện đường.

Thật là:

Thiểu đa cường nhược nan thành bại

Linh giang độc huyết trận kinh hoàng

Tạm dịch : Nhiều – ít, mạnh – yếu khó định thắng thua / Bên dòng sông thiêng một trận đổ máu kinh hoàng.

Muốn biết câu chuyện sẽ ra sao, xin xem tiếp chương sau.

BV

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder