Vanhaiphong.com: Bạn đọc đã cùng Mao Tôn Úc trải qua bao nhiêu vui buồn và những nỗi hiểm nguy suốt 15 chương. Nhưng rồi theo lẽ tự nhiên, mọi chuyện trên đời dù hay, dở thì cũng đến hồi kết thúc. Vì vậy, rất tiếc phải thông báo cùng bạn đọc:
Đây là chương cuối cùng của truyện dài “Những chuyện lạ về Mao Tôn Úc”…
Vanhaiphong.com: Bạn đọc đã cùng Mao Tôn Úc trải qua bao nhiêu vui buồn và những nỗi hiểm nguy suốt 15 chương. Nhưng rồi theo lẽ tự nhiên, mọi chuyện trên đời dù hay, dở thì cũng đến hồi kết thúc. Vì vậy, rất tiếc phải thông báo cùng bạn đọc:
Đây là chương cuối cùng của truyện dài “Những chuyện lạ về Mao Tôn Úc”.
16.- NHỮNG CHUYỆN LẠ TRƯỚC KHI GIÃ TỪ ĐẤT VẠN XUÂN
Nói tiếp chuyện Mao Tôn Úc và Như Vân vừa vào phòng khép cánh cửa thì có tiếng đập cửa ầm ầm cùng tiếng quát tháo. Úc sợ hãi, nghĩ hành tung của mình đã bị bại lộ, quan quân đến bắt, toan chui xuống gầm bàn thì cửa bật mở, có ba người hùng hổ xông vào phòng. Hai người chưa biết đối phó ra sao thì người to lớn nhất trong bọn kia gầm lên như sấm:
– Trong hai ngươi, kẻ nào dám khinh thị Tam Thánh lừng lẫy Bắc Hà?
Người gầy gò nhất trong bọn ấy cũng quát lên bằng giọng kim the thé:
– Các ngươi ăn gan báo hay sao mà dám phạm vào “Tam Thi thánh” chúng ta?
Người thứ ba thấp bé da đen thui như Bao Chửng đời Tống, cũng quát:
– Bọn bay không có mắt hay sao mà dám nhổ vào ba đại thi hào này?
Mao Tôn Úc hiểu ra, khi nãy Như Vân nhổ nước bọt xuống bãi biển chẳng may trúng vào ba vị nhà thơ này, bèn tươi cười làm lành:
– Thất lễ, thất lễ. Tiểu muội đây vô tình nên lỡ phạm đến các vị. Xin thể tình cho chúng tôi từ xa mới đến mà đại xá cho.
Người to lớn nói:
– Lẽ ra chúng ta dùng võ lực để giáo huấn các ngươi, nhưng là lỗi của kẻ nữ nhi nên thể tình, chỉ phạt bạc thôi.
Người gày còm nói:
– Đại ca nói chí phải. Phải bồi thường cho mỗi chúng ta 100 lượng. Vị chi 300 lượng bạc.
Mao Tôn Úc cố nhịn cười, hỏi:
– Vậy ba đại thi hào đây là…
Người đen nhẻm vội nói:
– Hãy rửa tai mà nghe: Vị to lớn này là thi hào Văn Nhất. Vị nhỏ nhắn đây là thi hào Trọng Nhị. Còn ta là thi hào Đức Tam.
Mao Tôn Úc kêu lên sửng sốt:
– Tại hạ đang mơ hay tỉnh đây? Thiên hạ vẫn đồn: Trời cho trần gian 5 bồ thơ thì các thi nhân đời Đường chiếm 1 bồ. Các thi nhân Tây Dương cổ kim chiếm 1 bồ. Còn 3 bồ thuộc về Tam Thánh Nhất – Nhị – Tam của nước Vạn Xuân. Vậy mà được gặp các vị đây, thật là vạn hạnh, vạn hạnh!
Ba người kia chưa được tâng bốc như thế bao giờ, nghe thế lấy làm hả dạ lắm. Úc nói thêm:
– Vân muội hãy tạ lỗi cùng Tam Thánh đi.
Như Vân cũng cố nhịn cười bước lên cúi mình thi lễ, miệng khẽ nói theo Mao Tôn Úc:
– Tiểu nữ thật là… vạn hạnh.
Mao Tôn Úc giật mình nghĩ, Như Vân thật bất cẩn, nói thế khác nào bảo là hân hạnh được nhổ vào ba gã gàn này. Vội nói:
– Tiểu muội của tại hạ dân quê mùa nay có diễm phúc được nhìn thấy tam đại thi hào.
Người cao lớn hỏi Mao Tôn Úc:
– Các hạ chắc cũng theo đòi văn nghiệp?
Úc nói:
– Quả là trước kia cũng theo đòi văn thơ, nhưng từ khi Tam Thánh xuất thế, tại hạ tự thấy mình chỉ là hạt bụi trước ba ngọn Thái Sơn này, hổ thẹn vô cùng, đã bẻ bút đập nghiên, bỏ đi buôn nước mắm.
Người gày gò căn vặn Như Vân:
– Đã đi buôn nước mắm, sao lại có thể nhổ nước bọt khi thấy mùi nước mắm ở xứ sở thơ này?
Như Vân lúng túng không biết nói sao. Mao Tôn Úc vội đỡ lời:
– Tiểu muội này tạng người yểu điệu thục nữ, lần đầu đến đây, bị ngợp bởi cảnh quan, thơ phú, nên trong người hơi bị nôn nao.
Người gày gò nói:
– Nôn nao vì thơ thì cũng có lý. Người chưa quen với thơ nên bị thế. Cũng như khi ăn nước mắm ngon, nếu không biết, thấy mắm thơm ngon mà quá tay tưới nhiều, ăn mặn khi đang đói cũng dễ bị cồn cào như say rượu vậy.
Người bé choắt nói:
– Nói để hai người biết, Tam Thánh chúng ta sẽ giật giải thơ nước mắm năm nay. Vì điểm mặt những ké đã đến đây vào lúc này thì chẳng ai bằng chúng ta cả.
Mao Tôn Úc cúi mình tỏ ý ngưỡng mộ lắm:
– Tại hạ cũng tin như vậy. Tiếc là công việc buôn bán khẩn trương nên không được ở đây cho đến ngày trao giải để có lời chúc mừng Tam Thánh.
Ba người kia cười vô cùng đắc ý. Người đen nhẻm giảng giải:
– Các hạ là người biết điều, chúng ta bỏ qua chuyện mạo phạm vừa rồi. Ở đây mấy hôm nay trời nắng, dân làm mắm phơi chượp nhiều nên khắp vùng có mùi hơi khó ngửi. Vì thế các vị cần lưu tâm, đất này thi nhân nhiều như cát biển, sao trời nên từ việc nhỏ như phóng uế, đổ nước thải cũng phải cẩn trọng, kẻo gây vạ lớn.
Nói rồi ba người ra khỏi phòng, điệu bộ rất đắc ý. Như Vân bật cười, bảo:
– Thiếu chút nữa muội tiêu phí mất ba trăm lượng bạc. Thật đáng trách.
Mao Tôn Úc hỏi:
– Vừa rồi một vị “Thánh Thi” nói đến làm nước mắm gì mà “chượp… chượp…” rất khó hiểu. Muội có biết không?
– Muội biết. Ở Lý Xá, dân chúng vẫn tự làm nước mắm để ăn. Người ta cho cá ướp muối để trong chum sành rồi phơi nắng nhiều ngày cho lên men, gọi là chượp, rồi đem nấu lên lọc lấy nước gọi là nước mắm. Khi chượp lên men có mùi, rất khó chịu, nhưng là điều đáng mừng vì chượp dậy mùi, mắm sẽ ngon. Nếu gặp trời mưa, chượp hỏng thì khóc dở mếu dở.
Úc gật gù ngẫm nghĩ:
– Thì ra “chượp” là cá bị thối. Ta lại gặp thêm chuyện kinh ngạc. Vì không chịu được mùi cá thối, nên nhổ một bãi nước bọt mà trúng vào ba nhà thơ. Chẳng có nơi nào nhiều thi nhân như ở đây. Có khi ta cũng bị lây nhiễm mà thành thi sĩ mất. Vân muội nghe thử ta ứng tác một câu thơ “chượp” xem sao. – Rồi Úc cất cao giọng ngâm:
Nắng cho chượp nức hương đời
Mưa về giấu nửa nụ cười vào chum…
Thì chỉ vài khắc sau ba vị Tam Thánh ban nãy chưa xuống khỏi cầu thang, đã ầm ầm trở lại, hùng hổ xông vào phòng . Vị nhỏ thó mặt tái mét, lắp bắp hỏi Mao Tôn Úc:
– Các hạ vừa đọc thơ?
Mao Tôn Úc sợ hãi, nghĩ rằng chỉ vì một lúc cao hứng bất cẩn mà mình đã bị lộ thân phận “văn tặc tội đồ”. Bèn chống chế:
– Tạ hạ chỉ nói về việc làm “chượp” mắm bằng câu văn vần cho dễ nhớ thôi, chứ tuyệt đối không biết gì thơ phú cả.
– Đừng chối. Ta nói cho các hạ biết. Câu thơ vừa rồi cũng thuộc hàng cao đẳng, có thể tranh chấp với thơ chúng ta. Nếu các hạ không sớm rời khỏi nơi này, sẽ ân hận đấy. Cách đây hơn canh giờ, gã làm thơ tên là Cao Bá, người Đại La, là kẻ ngông cuồng đã bị các thi sĩ vùng này đánh què chân, thập tử nhất sinh, không biết có lết nổi về Đại La hay không. Hãy trông gương hắn.
“Tam Thánh” lại ầm ầm bước xuống cầu thang. Vừa lúc ấy Lương Văn Hàn trở lại, báo tin:
– Chiều mai đệ phải chở nước mắm về Đại La. Đệ cũng ra bến thuyền hỏi, được biết ngày mai, giờ Mùi có chuyến thuyền về Bắc.
Như Vân vội hỏi:
– Thế chuyến thuyền về Bắc sau nữa vào ngày nào?
Hàn bảo:
– Nhanh nhất là nửa tháng nữa. Mùa này biển động nhiều, chuyến nào đi được thì biết chuyến ấy.
Mao Tôn Úc thở dài nói:
– Dù thế nào cũng phải cấp bách rời khỏi đây kẻo gặp tai họa. Bây giờ đi ăn cơm chiều, rồi sửa soạn hành lý ngày mai.
Ba người xuống phòng ăn tầng dưới thấy thực khách rất đông, đang ăn uống cười nói ầm ỹ. Lương Văn Hàn chọn một bàn khuất ở góc phòng rồi gọi thức ăn. Hàn nói:
– Ngày mai đệ bận nhận hàng, hôm nay xin được mở tiệc nhỏ tiễn Mao huynh hồi hương.
Mao Tôn Úc ngậm ngùi nói:
– Hàn đệ có mấy lượng bạc mà đãi ta với Vân muội? Thôi, tiệc rượu ly biệt này để ta lo.
Như Vân ứa nước mắt, ngồi lặng đi không nói gì. Tiểu nhị bưng rượu thịt đến. Đúng lúc ấy có tiếng chửi mắng ầm ỹ ở giữa phòng. Mao Tôn Úc hỏi tiểu nhị:
– Có chuyện gì vậy?
Tiểu nhị đáp:
– Thưa, mỗi lần hãng nước mắm lập đài đấu thơ, văn nhân thập phương kéo đến chật các hàng quán quanh vùng. Nhà hàng này lấy giá rẻ nên rất đông khách. Họ thường uống say rồi cãi cọ ẩu đả nhau. Hôm nay cũng thế. Sắp đánh nhau đấy.
Gã tiểu nhị bỏ đi, miệng làu bàu:”Nghèo khổ, túng thiếu, đói kém, nốc toàn loại rượu tồi, nói toàn lời gàn dở..” (*)
Quả như lời gã tiểu nhị, có tiếng bàn ghế bát đĩa đổ vở loảng xoảng cùng tiếng đấm đá huỳnh huỵch. Ba người chú mục nhìn về phía ấy, thấy một người gầy còm và một người béo lùn đang túm tóc nhau ra sức đẩy đối thủ. Hai người có vẻ ngang tài ngang sức nên người này đẩy người kia lùi ba bước thì người kia lại đẩy lại ba bước, miệng cùng chửi: “Con mẹ mày chết đi, đồ ngu xuẩn, chưa thuộc hết mặt chữ mà cũng thơ phú” – “Viết một câu không nổi mà đòi phê bình văn của đại lão gia”. Trông thật ngoạn mục, y hệt như cảnh AQ đánh nhau cùng cu D trong “AQ chính truyện” của văn hào Lỗ Tấn.
Chợt có một người cao lớn râu quai nón từ ngoài cửa đi vào dừng lại trước quầy rượu hắt hơi một tiếng nghe như tiếng trống.Tất cả bỗng im phăng phắc. Hai kẻ đang ẩu đả vội buông nhau ra, ngồi xuống ăn uống bình thản như chưa hề xảy ra chuyện gì.
Mụ chủ quán ngồi quầy rượu đon đả chạy ra cúi rạp trước người vừa vào:
– Đại phúc, đại phúc!… Thày cai Trọng Sự quân hạ cố tệ quán… Bay đâu, rượu thượng hạng !…
Mao Tôn Úc nghe nói đến Trọng Sự quân vội quay mặt vào tường, kéo nếp khăn nhiễu xuống ngang mày. Cả Như Vân và Lương Văn Hàn cùng lo lắng. Nhưng chợt Mao Tôn Úc lấy tay che miệng cúi gục đầu xuống bàn cố nhịn cơn cười làm rung cả chén bát. Lương Văn Hàn đập vai Úc nhắc phải cẩn trọng. Như Vân tưởng Úc buồn cười về cuộc ẩu đả của hai gã cuồng sĩ, liền cau mày khẽ nói:
– Hiền huynh còn vui cười được sao?
Hồi lâu, Mao Tôn Úc mới ngửng đầu lên nói với hai người:
– Ta không nhịn cười được vì nghĩ đến cái khoái của phê bình gia Kim Thánh Thán khi vị tiền bối ấy chứng kiến cảnh: Hai gã nho sinh gàn dở cãi nhau về một chuyện không đâu. Cả hai đỏ mặt tía tai, đầy mồm “chi, hồ, giả, dã” không ai chịu ai. Bỗng có một lực sĩ đi đến, vung tay quát một tiếng, thế là cả hai im thin thít(**). Mọi lý sự của kẻ sĩ chẳng bằng cái vung tay của kẻ vũ phu.
Lương Văn Hàn nói:
– Có buồn cười thì đại ca cố nhịn, kẻo lộ diện, nguy hiểm.
– Ta mấy tháng nay râu tóc khác trước nhiều, thầy cai Trọng Sự quân kia chưa gặp ta bao giờ, dù có bức vẽ chân dung nhập nhòe của ta, cũng khó có thể nhận ra được.
Úc nói thế nhưng ba người cũng thận trọng, ăn uống mau chóng rồi lên phòng nghỉ.
Như Vân bồn chồn vì thời gian trôi dần đến lúc ly biệt mà nàng vẫn chưa biết làm thế nào để thổ lộ lòng dạ của mình với Mao Tôn Úc.
Đêm ấy Mao Tôn Úc cũng trằn trọc không sao ngủ được. Giường bên cạnh, Lương Văn Hàn ngáy to như sấm. Còn phòng trong, nơi Như Vân nằm cũng thấy im ắng. Chắc nàng đã ngủ say. Ngày mai, Mao Tôn Úc sẽ giã từ đất Vạn Xuân. Ngẫm lại những chuyện kỳ lạ đã trải qua, chàng thấy như vừa qua một giấc chiêm bao.
Chợt có tiếng nức nở từ ngoài ban công vọng vào. Mao Tôn Úc lắng tai nghe, tiếng khóc nhỏ dần, rồi có tiếng nói khẽ thành kính như lời khấn vái:”Xin Lý thần tổ linh thiêng kêu cầu cho mặt trời đừng mọc để không có ngày mai… Vì ngày mai Mao huynh sẽ hồi hương… chẳng còn người bày kế giúp dân Lý Xá đỡ cảnh cơ cực.
Đó chính là tiếng của Như Vân. Mao Tôn Úc cảm động vô cùng, bèn trở dậy mặc áo ngoài, mở cửa ra ban công. Như Vân đang quỳ chắp tay hướng về phía Lý Xá mà khấn khứa. Mao Tôn Úc nâng nàng đứng dậy, nói:
– Xin Vân muội đừng làm ta thêm đau lòng. Vẫn biết Lý Xá còn khốn khổ bởi lũ tham quan ô lại, nhưng ta là kẻ ngoại lai, không tiền tài thế lực, bị truy nã khắp nơi, ở lại cũng chẳng ích gì mà còn khiến chúng dân Lý Xá liên lụy. Ta mong có ngày Lý Xá được Lý thần tổ phù hộ thoát cảnh cơ cực. Xin hãy để cho ta được an lòng rời khỏi đất này.
Nghe Mao Tôn Úc nói thế Như Vân khóc òa lên, rồi nàng đọc cho Úc nghe bức thư của ông ngoại mà nàng đã thuộc lòng.
Úc nghe xong, lòng bồi hồi cảm động, nói:
– Ta rất cảm kích mối thâm tình của Lý lão cùng Vân muội dành cho ta. Được cùng muội trở về Trung Nguyên thật không hạnh phúc nào bằng. Song, xin hiểu cho tình cảnh của ta. Nơi quê nhà ta không có tài sản gì, trong tay lại chẳng có lấy một nghề độ nhật ngoài cái nghiệp chướng văn chương toàn đem đến những tai họa, để nàng lâm cảnh cơ hàn nơi xứ lạ, ta không nỡ. Vậy xin vui lòng chờ đợi. Chuyến này về Bắc, ta quyết học nghề thương mại, sau vài năm trở thành một doanh nhân phát đạt, ta sẽ trở lại Vạn Xuân đầu tư tài chính. Khi đó các quan nhân ở đất này sẽ chẳng truy nã ta mà rộng tay nghênh tiếp. Ta sẽ mua lại trại Phết Cầu để trả lại đất đai cho dân Lý Xám đoàn tụ cùng Vân muội.
Nghe Mao Tôn Úc nói vậy, Như Vân thấy cũng hữu lý, đành gạt nước mắt, nói:
– Mao huynh nói vậy, muội sẽ vâng lời. Nhưng biết bao giờ hiền huynh mới tái hồi Vạn Xuân…
Mao Tôn Úc chỉ tay lên bầu trời sao, nói với Như Vân:
– Vân muội có thấy những ngôi sao kia kết lại giống hình con ngựa không? Đó là chòm sao Thiên Mã, là Ngọc Ty của chúng ta. Mỗi khi nghĩ đến nhau ta sẽ cùng nhìn lên trời sao nhìn hình Ngọc Ty kia, hình dung ra ta đang cùng rong ruổi trên lưng nó như những ngày nào. Như thế sẽ nguôi đi nỗi thương nhớ…
(Trong nguyên bản sưu tầm được, đoạn này Mao Tôn Úc và Như Vân than thở với nhau còn rất dài và đẫm nước mắt, văn phong giống như trong những truyện ngôn tình Tây Sương Ký, Hồng Lâu mộng… Khi đăng, chúng tôi biên soạn rút ngắn lại. Độc giả nào muốn đọc xin cho biết, chúng tôi sẽ gửi riêng)
Hai người than thở cho đến khi gà trong xóm chài gần đấy xao xác gáy vang báo rạng đông. Mao Tôn Úc xuống tầu ngựa nhà trọ bảo tiểu nhị sắp cho một chậu lúa trộn mật hảo hạng để đãi Ngọc Ty trước khi từ biệt. Ngọc Ty khôn ngoan nhận ra sắp có chuyện gì bất thường nên không chịu ăn, cứ đứng dụi đầu vào tay Mao Tôn Úc ra vẻ quyến luyến lắm. Mao thở dài nói:
– Nghĩa mã ơi, té ra nơi này chỉ có những người nghèo khổ chất phác ít chữ nghĩa và loài khuyển mã như mi là còn có chút tình.
Đến giờ Mùi, Lương Văn Hàn đi nhận hàng rồi đánh chiếc xe chở nước mắm đưa Mao Tôn Úc và Như Vân ra bờ biển. Bến thuyền viễn dương nằm trên đường về Đông Thành rồi đi Đại La, có tên là Khuynh Độ (Bến Nghiêng).
Mao Tôn Úc nắm tay Như Vân nói:
– Xin Vân muội hãy hiểu cho lòng ta. Hẹn ngày tái ngộ!
Rồi quay sang bảo Lương Văn Hàn:
– Bấy lâu nay ba chúng ta đã như tình cốt nhục. Như Vân là nhi nữ, gặp chuyện gì bất trắc ta trông cậy Hàn đệ trợ giúp. Phen này ta về Trung Nguyên, quyết thành doanh nhân sẽ trở lại Vạn Xuân, khi ấy chúng ta sẽ tái hợp trong vinh hoa phú quý.
Lương Văn Hàn nói:
– Đại ca cứ an tâm hồi hương lập nghiệp. Đệ sẽ chẳng phụ lòng ủy thác.
Úc lại bên Ngọc Ty vuốt ve:
– Nghĩa mã! Hãy vì ta mà ở lại giúp Vân muội và Hàn đệ. Giữa nơi đầy rẫy tai họa, mi đã nhiều phen giúp ta thoát hiểm. Ta sẽ chẳng bao giờ quên mi.
Dưới bến, chủ thuyền hô đã đến giờ khở hành. Mao Tôn Úc đeo bọc hành lý bước xuống thuyền. Như Vân òa khóc, nói:
– Mao huynh bảo trọng. Đừng quên Lý Xá.
Ngọc Ty hý lồng lên vùng vằng muốn hất đổ xe nước mắm. Mao Tôn Úc đã xuống đến thuyền, hướng lên bờ nói lớn:
– Vân muội, Hàn đệ về đi. Ngọc Ty chớ kinh động làm đổ xe. Rồi ta sẽ quay lại cùng các em.
Thuyền nhổ sào, ra khỏi bến gặp gió mạnh buồm cương mãn lao đi vùn vụt, chẳng mấy chốc chỉ còn là chiếc lá nhỏ trên mặt sóng. Ngọc Ty vẫn hý lên những tiếng xé lòng. Lương Văn Hàn ngậm ngùi đánh xe đi.
Thuyền ra biển xa. Xe ngựa lăn bánh quay về. Ấy là cảnh:
Biển chiều sóng dậy cơn buồn
Thuyền đà tách bến bờ còn ngóng theo
Người đi chiếc bách đưa vèo
Người về dặm thẳm hắt hiu bóng tà
….
Từ đấy người ta không còn nghe nói gì về Mao Tôn Úc nữa. Như Vân và Lương Văn Hàn luôn dò hỏi những thương nhân thường qua lại Trung Hoa tin tức của phê bình gia họ Mao, nhưng toàn những tin đồn thất thiệt. Có người bảo: Úc về Tràng An gặp thời Văn thịnh, bèn lập Văn đàn, lên ngôi bá chủ được vua vời vào triều phong “Nhất đẳng Văn thần”. Người thì bảo: Úc bỏ văn nghiệp làm nghề buôn tơ lụa sang vùng Tiểu Á, thành phú gia địch quốc. Nhưng lại có tin nói, Mao Tôn Úc về đến Tràng An thì vợ con đã chiếm bán hết gia sản. Gã hàng thịt ở chợ Trường An ngày xưa vẫn còn hận Mao, đe sẽ tìm gặp đánh cho trận nữa. Mao sợ hãi trốn đi. Rồi biệt tích hẳn.
Thật là:
Bách nghệ thiên nghiệp hà như ý
Lập thân tối mạt thị văn chương
( Đại ý: Trăm nghìn nghề sao không ưng nghề nào, lại chọn nghiệp văn chương tệ hại?)
HẾT
___________________
(*) Câu này tác giả viết theo lời cô con gái 14 tuổi của một nhà báo nói về các nhà văn nhà thơ, và giữ nguyên văn 2 từ “đói kém” rất ngộ nghĩnh.
(**) Kim Thánh Thán (1608 – 1661) nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng đời nhà Thanh Trung Quốc, nổi tiếng đọc rộng, uyên bác nhưng tính khí ngông ngạo, kì dị. Theo The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường, Kim Thánh Thán viết về những cái khoái của mình, có đoạn: Qua phố thấy hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện… Cả hai đỏ mặt tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn hoa tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm “chi, hồ, giả, dã”… Câu chuyện kéo dài, không biết bao giờ mới xong. Bỗng có một lực sĩ đi lại, vung tay ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Há chẳng sướng sao?”
GHI CHÚ: Các tranh minh họa cho truyện này chúng tôi lấy từ nguồn trên Internet trong đó có tranh của các danh họa Picasso, Tề Bạch Thạch, v.v… và xử lý một số bức ảnh thành tranh vẽ bằng các phần mềm FotoS., Caricature S. (BV)