Chuyến tàu ngược Lạng Sơn từ từ chuyển bánh rời ga Hàng Cỏ lúc 7h45. Các toa chỉ lác đác ít hành khách. Hôm nay đã là 30 Tết. Chỉ có những người quá bận bịu, hoặc có lý do gì đặc biệt lắm thì giờ này mới lên tàu xe tìm về nhà, chứ chẳng còn có ai đủ tâm trạng, đủ hứng thú lại đi công chuyện hay đi chơi vào những giờ phút cần có mặt xum họp với gia đình, người thân trong ngày tất niên thế này.
Đoàn tàu như con rắn khổng lồ, chầm chậm bò qua cầu Long Biên, tiến về phía Bắc. Lam Bình nhìn qua cửa sổ, hướng mắt về phía bãi Phúc Xá xa xa, nơi có căn nhà nhỏ của mình. Chị chăm chú dõi mắt, quên đi bên tai tiếng bánh sắt đang đều đều trên đường ray hòa cùng những tiếng động rung lên từ cây cầu già nua cũ kỹ, tạo thành thứ âm thanh riêng biệt như một bản giao hưởng trầm hùng. Gần chục năm nay, kể từ ngày người chồng thân yêu không qua khỏi căn bệnh nan y, lần nào cũng vậy, thói quen đã thành phản xạ mỗi khi theo con tàu ngang qua đây chị đều không thể bỏ qua động tác này, như một lời chào. Công việc của một nhân viên phục vụ thường xuyên phải theo những chuyến tàu bất kể thời gian hay thời tiết, cứ đúng lịch của ca trực là chị lại lên đường. Cũng may là Thuận Vi đã sớm biết lo và đỡ đần việc nhà giúp mẹ. Đến bây giờ đã là sinh viên Ngoại thương năm cuối rồi, bận học là thế nhưng con bé cứ về đến nhà là lại thay mẹ đủ việc…
Tiếng loa trên tàu dứt Lam Bình khỏi dòng suy nghĩ miên man, đưa chị trở về thực tại.
Tàu đã vào ga Gia Lâm. Chỉ dừng lại ít phút đón khách, đoàn tàu lại tiếp tục chuyển bánh. Lam Bình đi đến từng hàng ghế để làm nhiệm vụ soát vé. Chưa đầy hai chục hành khách ngồi rải rác các ghế trong toa. Người nào cũng lỉnh kỉnh những túi đầy quà tết các loại. Duy nhất có một người đàn ông chừng trên 50, ngồi một mình ở hàng ghế gần cuối toa có vẻ khá đặc biệt. Ông ngồi yên lặng, mắt dán vào một cuốn sách trên tay. Đồ đạc ngoài một túi khoác kiểu các nhà báo hay đeo thì chẳng thấy có gì nữa bên mình. Trông cứ như một người nhàn tản đi du lịch?
– Xin lỗi quý khách cho kiểm tra vé ạ. – Lam Bình nhẹ nhàng đến bên người đàn ông.
Tay đón chiếc vé nhưng chị lại đưa mắt nhìn cuốn sách trên tay vị khách. Hóa ra đó là tập “Cỏ thức”, một tập thơ có cái tên khá gợi mà chị rất thích và đã thuộc lòng nhiều bài trong đó. Lam Bình thấy tò mò về người hành khách đặc biệt này. Trở về chỗ của mình phía đầu toa, thỉnh thoảng làm như vô tình lại nhướng mắt nhìn về chỗ người đàn ông. Chị thầm mỉm cười tự diễu mình thật vô duyên tự dưng lại đi để ý đến một người xa lạ.
Con tàu cần mẫn lao lên phía trước, chừng như cũng vội vã mau mau cho xong nhiệm vụ để được về nghỉ Tết. Qua mỗi ga, khách lên xuống chả có mấy người.
Mãi đến gần 12h trưa, tàu mới đến ga Đông Kinh. Hầu hết khách trong toa đều xuống đây. Người đàn ông cũng nhanh nhẹn rời tàu. Lúc đi ngang qua chỗ Lam Bình đứng đầu toa, anh khẽ gật đầu cười thay cho lời chào. Lam Bình thấy vui vui. Thông thường hành khách đến ga là mau mau chóng chóng đi xuống, có người còn chen nhau đi cho nhanh. Mấy ai còn để ý, nói gì đến chào những nhân viên trên tàu?
*
Xuống tàu vào nhà ga, Vũ tiến đến ngay cửa bán vé để mua luôn vé về. Anh tính thế cho đỡ cập rập, vội vàng khi chuyến tàu xuôi Hà Nội sẽ từ Đồng Đăng trở lại ga Đông Kinh lúc 3h chiều và chỉ dừng lại có 5 phút đón khách. Như vậy anh sẽ có ngót ba tiếng đồng hồ để thực hiện công việc của mình. Một việc hoàn toàn bất ngờ, được anh quyết định chóng vánh đêm qua, chính xác hơn là ngay khi anh thức giấc lúc 2h đêm, sau giấc mơ lạ lùng.
Đúng là đêm qua Vũ đã gặp một giấc mơ thật kỳ lạ. Trong giấc mơ, người thủ trưởng cũ trong những năm chiến đấu bảo vệ vùng đất biên cương phía Bắc, đã trách anh lâu rồi chưa lên thăm. Ông mong gặp anh để còn giữ đúng lời hứa gả con gái cho, lại còn cẩn thận dặn dò kỹ lưỡng đi bằng tàu cho an toàn vì xe pháo ngày tết hay bị tắc đường…
Giật mình tỉnh giấc, Vũ toát hết mồ hôi khắp sống lưng và cứ nằm suy nghĩ mãi vẫn không thể lý giải nổi sao lại có sự trùng hợp đến kinh ngạc, cứ như là sắp đặt? Thì đấy, lúc tối trong chương trình thời sự trên TV chả đã đưa tin đoạn đường từ Bắc Giang lên Lạng Sơn bị tắc hàng giờ đồng hồ liền cả dãy xe dài đến hơn cây số là gì? Còn chuyện vì mải bận với công việc nên đã ba năm nay anh chưa lên với ông nữa, cũng bị cụ nhắc, làm anh từ lúc ấy cứ nóng ruột như lửa đốt. Trằn trọc xoay hết bên nọ sang bên kia rồi lại nhỏm dậy ngồi ngẫm nghĩ. Nhìn đồng hồ đã 4h sáng, Vũ đi đến quyết định sẽ dậy bắt chuyến xe đầu tiên lên Hà Nội để đi tàu lên Lạng Sơn với người thủ trưởng cũ…
*
Nguyên ngái ngủ thò đầu ra khỏi chăn khi bị bố lay dậy. Cậu chợt tỉnh như sáo giữa chiều hè, khi nghe thấy Vũ bảo đưa ra bến xe Cầu Rào để đi chuyến đầu tiên lên Hà Nội.
– Có chuyện gì thế hả bố?
– Con đưa bố ra bến xe bây giờ. Bố có việc cần phải lên Lạng Sơn gấp, không thể chậm trễ được.
Nghe bố nói thế, anh con trai vội ngồi bật dậy đưa tay lên sờ trán bố. Vũ mỉm cười, khẽ gạt tay con trai:
– Không. Bố không bị làm sao cả. Con cứ đưa bố đi đi rồi về bố sẽ kể cho con nghe sau. Bố sẽ về ngay sau khi xong việc. Việc này phải làm ngay trong ngày hôm nay.
– Có việc gì quan trọng mà bố lại phải bỏ nhà mà đi trong ngày 30 tết như thế này?
– Ừ. Bố phải đi. Có những việc chỉ người lính mới hiểu được. Con cứ yên tâm, bố không sao cả. Bố sẽ về trước giao thừa.
Biết tính bố, Nguyên dậy vớ lấy áo khoác rồi quay ra chuẩn bị xe máy trong khi Vũ cũng đi chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho chuyến đi.
*
Mẹ không chấp nhận cuộc sống với đồng lương eo hẹp, suốt ngày kêu ca, dằn vặt bố, nên khi bạn bè rủ rê đã nằng nặc đòi bố để cho mẹ sang Nga làm ăn, hòng đổi đời. Mẹ bỏ đi khi Nguyên mới là cậu học sinh 10 tuổi, để hai bố con tự xoay xỏa ở nhà với nhau, may mà còn có bà nội. Mẹ đi nước ngoài để lại cho bố cả một khoản nợ lớn khi bố phải chạy vạy vay mượn bạn bè để mẹ có vốn đem đi làm ăn.
Ai cũng bảo sao bố lại liều thế, để mẹ đi nước ngoài? Những lúc ấy bố chỉ khỏa lấp sang chuyện khác hoặc mỉm cười im lặng.
Mẹ đi được ba năm rồi về. Cả nhà mừng vui tíu tít. Hai bố con thuê xe lên tận Nội Bài chờ đón mẹ.
Mẹ về, bà nội bảo “đẻ thêm đứa em gái cho thằng Nguyên có anh có em”, mẹ thủng thẳng “đẻ thêm bây giờ có mà chết à. Còn phải lo làm ăn đã chứ!”. Cứ tưởng mẹ chỉ nói đùa, nhưng ở nhà được một tháng, mẹ lại nằng nặc bảo phải sang vì còn cả cửa hàng quần áo bên đó không thể bỏ được.
Thế là mẹ lại tuột khỏi vòng tay của hai bố con.
Bữa mẹ đi, bà nội chỉ thở dài. Nhìn vẻ mặt của bố với nụ cười gượng, Nguyên cũng biết bố buồn lắm nhưng cố làm bộ vui vẻ để bà nội khỏi buồn theo. Còn Nguyên thì thấy giận mẹ lắm.
Chỉ năm sau nghe phong phanh người ta bảo mẹ Nguyên đã cặp bồ với một bạn buôn. Những cuộc gọi điện về nhà thưa dần. Rồi sau đó ít lâu là một lá đơn xin ly hôn được gửi về để lấy chữ ký của bố. Bà nội biết chuyện, đổ bệnh nằm rệt một chỗ cả năm, sau đó đi về với ông. Từ ngày ấy Nguyên không bao giờ nhắc đến mẹ một câu nào nữa. Cậu rất biết thương bố, không hề đua đòi theo chúng bạn mà chỉ suốt ngày chú chuyên vào học hành. Nguyên là niềm an ủi lớn nhất của bố. Không chỉ là một sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của Trường Ngoại thương, mà bây giờ vừa có một công việc khá tốt trong một doanh nghiệp tên tuổi ở Hải Phòng.
*
Rời ga Đông Kinh, Vũ lên một chiếc taxi tìm đến chợ Bờ sông. Anh đến dãy hàng hoa chọn mua chục bông cúc vàng và một bó hương lớn rồi bảo lái xe đưa đến nghĩa trang liệt sĩ Lạng Sơn.
Nghĩa trang được xây dựng trên quả đồi nhỏ nằm ven đường 1 cũ, xưa là vùng ngoại ô, nay đã là một phường mới của thành phố. Ngày cuối cùng của năm cũng chẳng còn ai đến nơi này nữa, việc ra mộ thắp hương mời người đã khuất về ăn tết theo phong tục đã được làm từ những ngày trước đó, hôm nay người ta chỉ còn tập trung cho bữa cơm tất niên đoàn viên cùng gia đình.
Cả nghĩa trang chỉ có mình Vũ. Anh nhanh chóng tìm đến bên ngôi mộ số 79 nằm ở bên phải nghĩa trang. Đã nhiều lần lên đây, nên anh đã thuộc lòng lối đi.
Hình như đã có người quét dọn trước đó để đón tết nên nghĩa trang khá sạch sẽ. Vũ lấy chiếc khăn tay trắng tinh được chuẩn bị từ nhà, nhẹ nhàng cẩn thận lau tấm bia và khắp thành ngôi mộ. Anh đặt bó cúc vàng ngay ngắn lên chính giữa, từ tốn bật lửa đốt hương, thành kính cắm lên năm nén, rồi lần lượt đi đến từng ngôi mộ xung quanh. Xong đâu đấy, Vũ trở lại bên ngôi mộ số 79. Anh ngồi im lặng, bất động, mắt chăm chắm vào tấm bia có dòng chữ trắng nổi bật giữa nền đen: Tiểu đoàn trưởng Trần Kiến Xương, hy sinh ngày 19/3/1979 tại mặt trận Lạng Sơn.
Hồi lâu, có tiếng còi ô tô bim bim vẳng tới như giục giã. Chắc anh lái xe taxi sốt ruột nên bấm còi nhắc gọi. Vũ bần thần đứng dậy, anh lặng lẽ cúi đầu thì thầm với người nằm dưới mộ, rồi quay xuống dưới chân đồi. Anh vội vàng đi nhanh theo từng bậc xuống dưới đường nơi chiếc taxi đang chờ mà không để ý có một phụ nữ cũng đang bước từng bậc lên cổng nghĩa trang.
Người phụ nữ đó chính là Lam Bình. Chị ngạc nhiên khi gặp lại người hành khách đặc biệt trên chuyến tàu sáng nay. Dừng lại, nhìn hút theo phía người đàn ông vừa cúi đầu chui vào xe, chị tự hỏi sao anh ta cũng có mặt ở đây lúc này? Chẳng lẽ anh ta cũng có người thân nằm ở đây và giống như chị đi thắp hương trong ngày cuối năm?
Từ hôm qua, chị đã báo cáo với Trưởng tàu cho phép chị xuống ga Đông Kinh mà không phải theo tàu lên tận Đồng Đăng như hành trình, để có thời gian tranh thủ đi thắp hương cho người cha đã hy sinh trong trận chiến 1979 năm xưa, hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Lạng Sơn.
Nghĩa trang chiều cuối năm đìu hiu vắng lặng. Vệt nắng nhạt nhòa, len qua hàng bạch đàn, vắt ngang dãy mộ từ xa trông như một chiếc khăn trắng. Lam Bình rảo bước đến bên mộ cha mình. Chị sững người khi thấy trên ngôi mộ một bó cúc vàng được đặt ngay ngắn chính giữa, năm nén hương vẫn còn đang nghi ngút.
Lam Bình nhìn quanh không có ai cả. Không lẽ lại là người đàn ông lúc nãy? Đúng rồi, làm gì còn có ai ở đây ngoài anh ta lúc này?
Những thắc mắc như muốn làm rối tung đầu óc Lam Bình. Anh ta là thế nào với cha mình? Chẳng lẽ là một người họ hàng gì sao?
*
Thằng Tí em được mẹ nó sinh ra vào đúng năm đói 1945. Cả nhà năm người chỉ trông vào bố nó đi làm thuê, làm mướn. Mẹ nó vừa ở cữ cũng phải để cái Hĩm ở nhà trông em, để còn dắt thằng Tí lớn cùng đi ra ngoài đồng mót rau dại về nấu mà nhét cho đầy bụng. Người làng đã chết vì đói vì dịch bệnh la liệt. Các gia đình đã phải bồng bế nhau bỏ làng đi tìm cái ăn. Bố nó cũng dắt díu cả nhà lần bước sang phía Ninh Giang. Thằng Tí em đói sữa khóc ngằn ngặt. Hai bầu vú mẹ teo tóp thế kia làm gì còn giọt sữa nào cho nó bú. Nghe tiếng con khóc không ra hơi, chỉ khò khè như tiếng mèo hen, chẳng đặng đừng, khi đi ngang qua một ngôi chùa lạ, bố mẹ nó dứt ruột đánh liều vào gặp sư trụ trì, khóc lóc van xin cho nó được ở lại đây, may ra còn cơ sống sót, kẻo cứ thế này thì chả mấy chốc nó cũng khó mà qua được. Chừng như sợ bị tìm trả lại con, nên khi sư cụ hỏi bản quán ở đâu, bố nó không dám nói rõ tên làng tên xã, mà chỉ dám nói ở bên tổng Kiến Xương, Thái Bình qua đây, rồi lại sấp ngửa dắt díu mẹ và anh chị nó đi ngay như trốn chạy.
Nó được sư cụ nuôi bằng nước cháo nước hồ từ đấy cho đến ba tháng sau có vợ chồng nhà ông Ký Lung tận bên Hải Phòng, đã nhiều tuổi mà vẫn hiếm muộn tìm đến xin về làm con nuôi, vừa đỡ gánh nặng cho nhà chùa, vừa để có đứa con nhờ cậy sau này. Họ đặt cho Tí em cái tên Kiến Xương để có cái mà nhớ về nguồn gốc.
Cứ thế thằng Kiến Xương sống với bố mẹ nuôi mà không hề biết mình là con nuôi. Còn bố mẹ đẻ cùng anh chị nó phiêu dạt tận đâu, không biết có qua được đận đói không cũng chẳng còn ai hay nữa.
Anh thanh niên Kiến Xương tròn tuổi hai mươi đúng lúc giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang, đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc. Cũng như trai tráng thuở ấy, Kiến Xương làm đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Anh đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, một mạch cho đến tận sau chiến dịch 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kiến Xương được đơn vị cho nghỉ hẳn hai tháng phép. Anh trở về không những nguyên vẹn, chẳng mảy may mất đi tí da thịt nào, mà còn đem theo một món quà quý cho bố mẹ. Đó là Thảo, cô quân y sĩ xinh đẹp, cùng đơn vị, cũng vừa được giải quyết cho ra quân. Hai người đã dự định về đợt này tổ chức cưới, nên Kiến Xương đã bàn với Thảo cùng về Hải Phòng trước, rồi anh sẽ đưa Thảo về quê cô ở Hà Đông sau đó.
Kiến Xương muốn dành bất ngờ cho bố mẹ nên không viết thư báo trước. Với lại có khi người về đến nhà rồi mà thư còn ở tận đâu đâu ấy chứ.
Tròn mười năm đi xa, phố xá đã có nhiều thay đổi sau chiến tranh, nhưng anh vẫn nhận ra ngôi nhà thân thuộc ở phố Lê Lợi, nơi đã gắn bó với cả thời niên thiếu của mình. Ngôi nhà dường như vẫn vẹn nguyên, chỉ cũ kĩ đi theo thời gian.
Kiến Xương nhanh nhẹn đẩy cửa, hăm hở dắt Thảo bước vào nhà. Chắc bố mẹ sẽ ngạc nhiên và mừng lắm đây.
Đón anh không phải là ông bà Ký Lung, mà là ông Lay em ruột ông Ký Lung.
Ông Lay mừng mừng tủi tủi khi thấy cháu trở về. Ông lập cập, đưa hai bàn tay dăn deo rờ rẫm lên khuôn mặt Kiến Xương, rồi không kìm nén được, ông nức nở:
– Sao bây giờ mày mới về, cháu ơi.
Kiến Xương cũng bồi hồi trước tình cảm của người chú. Anh đưa mắt nhìn quanh, vừa định hỏi bố mẹ đâu, chợt sững người như chết đứng khi bắt gặp di ảnh cả hai ông bà Ký Lung trên bàn thờ được kê khuất ở một góc nhà. Anh như lao đến trước bàn thờ, trân trân nhìn không chớp mắt rồi lảo đảo đổ vật xuống chiếc giường ba xà cũ kỹ ngay cạnh đấy, kéo theo cả chiếc ba lô vẫn còn đeo sau lưng. Kiến Xương cứ thế ngồi ôm đầu lặng im bất động, không còn biết ông chú đang nói gì bên cạnh. Hồi lâu, chờ cho nỗi xúc động qua đi, ông Lay mới từ từ kể lại chuyện ông bà Ký Lung đã bị chết thảm trong đêm 16/4/1972 khi B52 rải thảm Hải Phòng, đúng lúc hai người đi ngang qua Sở Dầu về nơi sơ tán bên Thủy Nguyên…
*
Vũ bảo anh lái xe cho dừng lại bên cầu Kỳ Cùng.
Còn đến tiếng rưỡi đồng hồ nữa mới đến giờ lên tàu trở về Hà Nội. Anh muốn đi loanh quanh thăm thành phố xinh đẹp vùng biên cương phía Bắc này, nơi đã gắn bó với anh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm xưa.
Những ký ức một thời bỗng chốc ùa về…
Vừa xốc lại khẩu AK, Vũ vừa hổn hển bám theo Tiểu đoàn trưởng Kiến Xương đang thoăn thoắt đi trước, ẩn hiện giữa những bụi sim, mua dưới chân cao điểm 400.
Hai người trên đường từ Trung đoàn bộ trở về chốt của mình.
– Mệt rồi à? Đúng là thanh niên hoi. Thế này thì làm con rể tớ sao được?
– Ối giời, con gái thủ trưởng mới đang là sinh viên mẫu giáo thì để em chờ đến chết già à?
– Này, đừng có mà chủ quan. Cứ đăng ký trước đi mới đến lượt, không là mất. Con gái tớ 5 tuổi rồi đấy nhé. Cậu mới 18 chứ gì? Còn tơ lắm. Nhà cậu ở Cát Dài à? Tớ trước ở Lê Lợi đấy.
– Ô, thế hóa ra em và thủ trưởng là đồng hương Hải Phòng à? Hèn nào mà em được thủ trưởng ưu ái thế?
– Đừng có mà tưởng bở nhé. Càng là đồng hương thì tớ càng rèn cho ra trò đấy.
– Thì em vẫn phấn đấu theo thủ trưởng đấy thôi. Thủ trưởng có thấy em kém cạnh ai đâu?
– Thế mới là giai Đất Cảng chứ.
– Kể mà con gái thủ trưởng lớn tí thì em xin được nhận thủ trưởng là bố vợ luôn. Sao thủ trưởng lấy vợ muộn thế?
– Tớ nhập ngũ là đi một lèo đến tận giải phóng miền Nam mới về nhà. Về là cưới luôn tắp lự.
– Bữa vợ thủ trưởng lên thăm, ai cũng bảo chị nhà đẹp như diễn viên điện ảnh ấy. Chắc thủ trưởng kén ghê lắm?
– Bà xã tớ trước thuộc diện hoa khôi đấy. Cô ấy mê tớ vì chất lỳ của lính chiến, nên yêu ngay từ ngày gặp nhau ở chiến trường Quảng Trị. Tớ ở đơn vị chiến đấu, cô ấy ở cứ. Mỗi lần gặp nhau là thế nào cũng phải tìm cách được ôm hôn nàng một cái cho bõ nhớ.
– Thủ trưởng cũng lãng mạn ra phết nhỉ?
– Ơ, cái cậu này. Thế cậu nghĩ chúng tớ là gỗ đá à?
– Hì… hì…
*
Chuyến tàu xuôi từ Lạng Sơn về Hà Nội chiều 30 tết vắng ngắt. Có toa còn không một bóng người.
Theo sáng kiến của Trưởng tàu, nhân viên phụ trách các toa mời tất cả hành khách dồn về toa giữa để cùng dự buổi liên hoan tất niên.
Lam Bình hoàn toàn bất ngờ đến nỗi đứng như trời trồng mất một lúc, không nói được lời nào khi gặp lại Vũ trên tàu. Đúng là một ngày đặc biệt. Ít nhất là riêng chị cảm nhận như thế.
– Thật bất ngờ gặp lại anh. – Lam Bình dè dặt tìm cách diễn đạt lời mình cho thật tự nhiên như không biết gì – Hình như anh lên Lạng Sơn vì một công việc cần thiết, rồi lại về ngay?
– Ồ, chào chị. Vâng, tôi có một việc cần phải làm cuối năm trước khi nghỉ tết. – Vũ mỉm cười trả lời.
– Chắc là việc quan trọng và cần lắm nên anh mới phải đi về trong ngày cuối năm như thế này? – Chị không nén nổi sự hồi hộp pha lẫn tò mò đang mỗi lúc dâng lên trong lòng.
– Vâng. Tôi lên thăm một người thân. – Giọng Vũ đột nhiên trầm xuống.
– Hình như anh lên thắp hương cho người nhà? – Lam Bình không kìm nén được, bỗng buột miệng. Chị lúng túng khi nhận thấy mình có vẻ như hơi đường đột – Xin lỗi, tôi… tôi…
– Ồ, không, không! Nhưng mà sao chị lại hỏi thế? Đúng là tôi lên đây để thắp hương cho một người thân của mình. Sao chị lại biết? – Vũ ngạc nhiên, nhướng đôi mắt nhìn Lam Bình.
– Tôi đã gặp anh ở nghĩa trang liệt sĩ lúc trưa nay, khi anh đang đi xuống dưới đường. Chắc lúc ấy anh không để ý?
– Ô, thế à? Thế ra lúc ấy chị cũng ở đó?
– Vâng. Tôi đi thắp hương cho bố tôi. Còn anh?
– Tôi lên với người thủ trưởng cũ của mình. Ông hy sinh hồi cuộc chiến bảo vệ biên giới.
– Có phải ông Kiến Xương? – Lam Bình lại buột miệng. Giọng chị run run lạc đi, như nói thầm với Vũ.
– Sao… sao…? Chị vừa bảo cái gì? – Vũ cũng sửng sốt hỏi lại. – Đúng là thủ trưởng Kiến Xương. Sao chị lại biết?
Những giọt nước mắt ầng ậng trên hai khóe mắt Lam Bình. Bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén bất chợt như vỡ òa. Chị nức nở.
– Đấy là cha tôi!
Mọi người xung quanh lúc này dường như đều lặng nghe trước câu chuyện của hai người. Tất cả đều im lặng, xúc động.
Thời gian như dừng lại.
Đoàn tàu sầm sập lao nhanh trong chiều Xuân ấm áp.
*
Tàu đến ga Hàng Cỏ lúc 7h tối. Lam Bình được Trưởng tàu ưu tiên cho nghỉ sớm để cùng ra ga tiễn Vũ bắt xe về Hải Phòng.
Sân ga Hàng Cỏ ngày thường lúc nào cũng ồn ào, xô bồ những người, xe qua lại như một cái chợ, chiều tối 30 tết bỗng quang quẻ hẳn đi, chỉ còn thưa thớt người. Vũ và Lam Bình đứng ngay phía trước cửa ga hướng ra đường Trần Hưng Đạo, chờ con gái Lam Bình đến đón chị.
Cả hai cùng im lặng.
Hình như họ muốn nói với nhau nhiều lắm nhưng lại không thể nói được gì lúc này.
Mãi sau Lam Bình mới khẽ khàng:
– Thôi, anh đi đi! Cứ dùng dằng mãi thế này thì lại không kịp xe về nhà mất.
– Không lo đâu. 9h vẫn còn chuyến cuối cùng. Xe chạy đường cao tốc, hơn tiếng đồng hồ sau đã có mặt ở Hải Phòng rồi. Cứ để anh đứng đây cùng chờ con đến đón em thì anh mới yên tâm.
– Em đi như thế này bao lâu nay rồi chứ có phải mỗi lần này đâu. Hôm nay là ngày tết được nghỉ nên con mới đòi đưa đón em đấy chứ. Anh cứ đi đi, cứ chờ thế này nhỡ muộn lại hết xe thì sao?
– Lo gì. Hết xe thì càng được ở lại ăn tết với hai mẹ con em.
– Ai thèm cho anh ở lại chứ.
– Ơ kìa! Anh thực hiện lời của thủ trưởng anh đấy nhé. Lính thì phải nghe theo lệnh của chỉ huy chứ.
– Hứ! Chỉ được cái vơ vào thôi… Kìa, con đến rồi kia kìa.
Vũ hướng mắt theo phía Lam Bình nhìn. Từ phía đường Cửa Nam lại, một cô gái trẻ trung trong chiếc áo khoác kiểu cách, ào xe đến chỗ hai người đang đứng.
Vừa dừng xe cô đã reo lên:
– Con chào mẹ!… Ơ, bác. Con chào bác. Sao bác lại ở đây ạ?
Cả Vũ và Lam Bình đều ngạc nhiên. Hai người thốt lên cùng lúc:
– Thế ra cháu là con mẹ Lam Bình?
– Con cũng biết bác Vũ?
Ba người mừng vui tíu tít bên nhau hồi lâu.
– Thuận Vi là bạn gái của Nguyên nhà anh. Chúng nó cùng học trường Ngoại thương với nhau. Đứa khóa trước, đứa khóa sau. – Vũ vui vẻ giải thích cho Lam Bình, rồi anh quay sang với Thuận Vi – Còn bác với mẹ là…
Vũ còn đang ngập ngừng chưa biết tìm cách nói như thế nào cho Thuận Vi rõ, thì cô bé đã láu lỉnh: Con biết rồi! Hóa ra chúng ta là người một nhà cả. Thích thế! Con phải báo ngay cho anh Nguyên biết bây giờ mới được.
Bất chợt bầu trời bừng sáng một chùm pháo điện từ đâu bắn lên. Cả ba người cùng ngước nhìn những bông pháo hoa rực rỡ đang tỏa sáng trong đêm.
Vũ khẽ nắm lấy bàn tay Lam Bình. Chị để yên tay mình trong bàn tay anh ấm áp.
Một mùa Xuân mới đang bắt đầu.