Chuyện tham những và thu hồi tài sản – Bùi Hoàng Tám

Nếu tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất từ nhiều những năm qua thì việc thu hồi tài sản cũng là vấn đề bức xúc nhất trong toàn bộ công cuộc chống tham nhũng…

Nếu tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất từ nhiều những năm qua thì việc thu hồi tài sản cũng là vấn đề bức xúc nhất trong toàn bộ công cuộc chống tham nhũng.

Đã có nhiều biện pháp mạnh, thậm chí cả sửa đổi luật nếu đền bù được bao nhiêu phần trăm thì sẽ giảm án, rồi kê biên và công khai tài sản… tuy nhiên kết quả vẫn rất thấp.

Trong khi những vụ tham nhũng, thất thoát luôn là những con số khổng lồ, hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, vụ sau lớn hơn vụ trước thì số tài sản thu hồi được hầu như không đáng kể

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: “Dù đã rất cố gắng nhưng kết quả thi hành còn rất thấp, nhất là những vụ việc thi hành liên quan đến án tham nhũng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên trong quá trình tố tụng, hầu như người phải thi hành án không có tài sản nào khác để thi hành án. Số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản bảo đảm để thi hành án có giá trị rất nhỏ.

Đây là một thực tế mà những người quan tâm đều biết. Điển hình như những vụ thất thoát lớn tại Vinashin, đến nay số tiền thu được “như muối bỏ bể”, thậm chí không thu được cả tiền án phí.

Tại tòa, bị can Phạm Thanh Bình còn nói thẳng: “Bản án sơ thẩm tuyên tôi phải nộp hơn 650 triệu đồng án phí dân sự nhưng gia đình tôi bố mẹ đều là người làm cho Nhà nước, bản thân tôi cũng vậy, nên mức án phí như vậy thì khả năng gia đình tôi không thể thực hiện được”.

Trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (TPHCM), nghĩa vụ phải thi hành án khoản 14.000 tỷ đồng nhưng bước đầu xác định tài sản đảm bảo thi hành án chỉ khoảng 500 tỷ đồng, tức là khoảng hơn 3%.

Có hai câu hỏi được đặt ra. Một là tài sản đó đi đâu? Tất nhiên, nó không tự dưng mất đi một cách vô cớ và không có tăm tích mà sẽ nằm ở đâu đó nơi mà hoặc là chưa phát hiện ra, hoặc là… không phát hiện ra. Đành rằng với đặc điểm của xã hội Việt Nam, nó có nhiều ngõ ngách như gửi bà con, anh em họ hàng. Song, những đối tượng thuộc diện đó không quá rộng và không thể không khoanh vùng được. Cho nên có quyết tâm thu hồi thật không, câu trả lời nằm ở chỗ những người trực tiếp thực hiện.

Câu hỏi thứ hai là vì sao bọn tham nhũng lại kiên quyết bảo vệ tài sản đến như thế? Điều này cũng không khó lý giải bởi với những qui định có phần còn “nhẹ nhõm” hiện nay, họ chẳng dại gì mà không “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.

Xin lấy vụ Phạm Thanh Bình làm ví dụ.

Với số tiền buộc phải đền bù lên tới 500 tỉ đồng, Phạm Thanh Bình đã bị kết án 20 năm tù, tức là mỗi năm 25 tỉ đồng và cũng tức là hơn 2 tỉ đồng/tháng. Số tiền này mua được 1-2 căn hộ sang trọng ở một thành phố lớn hoặc tương đương với lương của khoảng 800 người lao động/tháng ở các khu công nghiệp. Số tiền “khủng” như thế, có mà… điên mới trả. Thôi thì tù cũng tù rồi. Cho nên Bình không dại gì mà không “hi sinh đời bố…”.

Mặt khác, tính đến thời điểm này, Bình đã thụ án gần được 6 năm (8/2010 – 6/2016). Nếu cải tạo tốt có thể chỉ vài năm nữa, Phạm Thanh Bình sẽ ra tù nhờ giảm án và khi đó, số tiền 500 tỉ đồng coi như… xóa sổ?

Người xưa có câu: “Thả lợn ra mà đuổi”. Vấn đề ở đây trước hết và trên hết là có một cơ chế chặt chẽ để không tham nhũng được. Còn khi “đồng tiền” không “đi liền với ruột” thì “chống gậy sắt mà đòi”, phải không các bạn?

B. H. T.

(nguồn Dantri)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder