Những người lính biên phòng do Lò Văn Ngân chỉ huy phục kích đã bắn chết ông ta khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Lò Văn Ngân được thăng chức trmg úy. Ngân cưõi con ngựa sông Đông đến chơi nhà Muôn. Anh tặng Muôn đôi vòng tay bạc. Muôn hỏi:
– Nếu giết được một người thì được tăng một chức à?…
Những người lính biên phòng do Lò Văn Ngân chỉ huy phục kích đã bắn chết ông ta khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Lò Văn Ngân được thăng chức trmg úy. Ngân cưõi con ngựa sông Đông đến chơi nhà Muôn. Anh tặng Muôn đôi vòng tay bạc. Muôn hỏi:
– Nếu giết được một người thì được tăng một chức à?
Bạc Kỳ Sinh là hậu duệ của dòng họ Bạc đất Mường Vài. Đây là một dòng họ quý tộc xa xưa, đồn rằng ông tổ là người Kinh đã từng làm chức thượng thư, bỏ lên Tây Bắc vì chán thời thế. Đấy là vào khoảng thế kỷ XVIII, thời vua Lê, chúa Trịnh, một thời nhiễu nhương trong lịch sử. Ông tổ của Bạc Kỳ Sinh lấy vợ người Thái, lập trang trại, sống nhờ vào việc buôn bán thuốc phiện với người Lào và người Hoa. Đến đời Bạc Kỳ Sinh, thời thế thay đổi, chính quyền mới đang tồn tại cùng chúng ta đây thành lập. Một đồn biên phòng đóng ngay ở đất Mường Vài. Việc buôn bán thuốc phiện bị cấm. Những người lính biên phòng thường xuyên xuống bản, giúp dân làm ăn, dạy học cho trẻ và giữ gìn trật tự an ninh trong vùng. Đồn trưởng biên phòng là Lò Văn Ngân, người Thái ở Yên Châu, một thiếu úy mẫn cán và sắt đá. Số phận éo le, giữa Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh có những mối quan hệ thật trớ trêu.
Một lần, vào dịp Tết cổ truyền, người ta tổ chức một cuộc đua ngựa cho thanh niên trong vùng. Chặng đua khá nguy hiểm, phải vượt qua nhiều suối và núi đá tai mèo. Có nhiều giải thưởng, giải nhất là một con ngựa tuyệt đẹp. Muôn là cô gái xinh đẹp nhất đất Mường Vài sẽ trao dây cương cho người thắng trận.
Mười bảy kỵ sĩ tham gia cuộc đua, trong đó có Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh. Hai người ganh đua từng phân một và họ bỏ xa các ky sĩ khác. Ở chặng cuối cùng, nguy hiểm nhất là phải băng qua vực đất sụt. Nghe nói dưới đó có mạch nước ngầm từ xa xưa, mạch nước ngầm này còn lớn hơn cả con sông Đà, nhiều chỗ mạch nước ngầm phun lên làm nơi đó biến thành bùn lầy vô cùng nguy hiểm. Lò Văn Ngân là kỵ sĩ giỏi. Con ngựa anh cưỡi là con ngựa giống sông Đông ở Nga. Hồi ấy loại ngựa này chỉ nhập vào Việt Nam có sáu con để phối giống, được nuôi ở trại ngựa Bá Vân, Thái Nguyên theo tiêu chuân đặc biệt, người ta tìm cách nhân nó lên để cung cấp cho lính biên phòng. Con ngựa này phi rất nhanh, nếu đường sá tốt có thể phi tới 300 cây số một giờ, bước nhảy của nó xa tới 4 mét. Nó cao gấp rưỡi con ngựa bình thường. Bạc Kỳ Sinh cưỡi con ngựa của người miền núi Tây Bắc, chân thấp, tướng mạo xấu xí, trông giống một con la già, chạy không nhanh nhưng dai sức, khi leo núi thì không khác gì sơn dương. Loại ngựa này đặc biệt nhạy cảm với địa hình miền núi, nó ăn rất ít và chịu được khát.
Khi qua đèo, con ngựa sông Đông của Ngân chạy song song với con ngựa của Bạc Kỳ Sinh. Đường rất hẹp, hai con ngựa chèn nhau khi vượt khúc quanh ở hem núi. Gió thổi mạnh, con ngựa sông Đông khỏe hơn nên hất con ngựa của Bạc Kỳ Sinh xuống khe núi. Bạc Kỳ Sinh thoát chết nhờ vào sự nhạy cảm thần kỳ của con tuấn mã. Con ngựa chụm bốn vó lăn tròn ở vạt dốc nghiêng, không hiểu làm sao móc được một chân vào thân cây dâu da. Sau này Bạc Kỳ Sinh kể lại: Lúc đó mạng sống thật là ngàn cân treo sợi tóc. Con ngựa hình như cũng biết điều đó, nó chỉ doãi cẳng chân ra là cả hai sẽ lao xuống vực sâu 300 mét. Gió thổi, đá cào làm nó lột xước hết cả da. Nó run bắn lên, mồ hôi túa ra đầm đìa. Mắt nó như muốn dò hỏi: Tại sao? Tại sao lại chết vô lý thế này? Thế là nó vùng vẫy sức lực của nó như được nhân lên gấp bội…
Loay hoay mãi, Bạ Kỳ Sinh móì gỡ được mình ra và dìu được con ngựa từ trên cây xuống. Bạc Kỳ Sinh bị thương khá nặng: xương đùi gãy, một chân bị trẹo khớp. Nhưng một kỵ sĩ miền núi thì chẳng bao giờ bỏ cuộc. Y vẫn tiếp tục cuộc đua. Để đến đích, nếu theo con đường cũ dễ dàng thì thất bại là chắc chắn: với hơn 20 cây số đường rừng như vậy thì người và ngựa sẽ kiệt sức vì mất máu. Bạc Kỳ Sinh quyết định vượt qua núi đá tai mèo để về thung lũng: đường ngắn hơn, chỉ có hơn hai cây số nhưng làm như thế nghĩa là leo núi chứ không phải còn là đua ngựa nữa. Được cái cuộc đua không hề quy định lộ trình bắt buộc. Từ xa xưa, dân miền núi đã quen chỉ xác định hướng đi chứ không xác định sẽ đi như thế nào, con người phải tự mò mẫm một mình và chỉ có linh cảm, trực giác mới giúp họ vượt qua tất cả.
Bạc Kỳ Sinh vượt qua vách núi tai mèo, nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay, hy vọng sống trong một phần nghìn. Không hiểu làm thế nào mà Bạc Kỳ Sinh vượt qua được. Máu loang lổ bết đầy người và ngựa. Y đến đích không khác gì một con ma rừng.
Cuộc đua kết thúc. Không ai trao giải thưởng cho con ma rừng. Giải thưởng thuộc về Lò Văn Ngân và con ngựa giống sông Đông. Bạc Kỳ Sinh chỉ được sự tán thưởng ngầm của ít người dân miền núi lầm lì nhất, họ có cách đánh giá riêng cửa họ về các giá trị con người.
Bạc Kỳ Sinh dưỡng bệnh ở nhà ông Sùng là bố của Muôn. Ông là thầy thuốc biết chữa bệnh bằng nhiều thứ lá cây rừng. Tình yêu của y với Muôn bắt đầu nảy nở trong những ngày đó. Nhưng Lò Văn Ngân, viên thiếu úy đồn trưởng biên phòng cũng rất yêu Muôn.
Bạc Kỳ Sinh khỏi bệnh vào cuối mùa thu. Lúc ấy rừng đang thay lá. Rặng cây sau nhà Muôn từ màu xanh chuyển sang màu đỏ như mận và màu đỏ của máu. Hoa đinh lăng là thứ hoa đơn ở rừng có màu vàng như là hoa tai vàng nở rất nhiều ở hàng rào đầy những dây tơ hồng cũng màu vàng như màu nhẫn vàng. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên cửa sổ. Muôn ngồi xe sợi ở ngoài chái nhà, cô ê a hát bài hát mà cô ưa thích:
Ing noọng ơi, ing noọng ơi
Nếu em xây nhà
Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng
Trong nhà có bếp lửa hồng
Ông Sùng hỏi Bạc Kỳ Sinh:
– Này Sinh, mày có nghĩ rằng dân miền núi sẽ có hạnh phúc hay không?
Bạc Kỳ Sinh cười:
– Khi còn mê muội…
Muôn hỏi:
– Vậy văn minh?
– Không tốt gì! – Một người đàn ông Thái vừa bước lên cầu thang vừa nói. Đây là Lò Văn Cường, em trai ông Sùng, chú ruột của Muôn. Ông ta gùi một gùi hàng nặng. Ông ta vẫn buôn thuốc phiện từ Tam giác vàng qua đường Thượng Lào sang Tây Bắc.
Đêm hôm đó, Lò Văn Cường ngủ ở nhà anh trai mình. ông bảo Bạc Kỳ Sinh:
– Cháu Sinh ạ, tao đã thấy mày đua ngựa với người của chính phủ. Theo tao đi! Mày là ma rừng phải đi đường hẻm. Mày muốn con Muôn thì hãy nghe tao! Mày hãy đi gùi hàng lên Hoàng Su Phì! Hãy nghĩ đến tự do và tiền bạc rồi sau hãy nghĩ đến đàn bà. Con Mnôn nó sẽ giết mày! Nửa tháng sau, Lò Văn Cường bị bắn chết.
Những người lính biên phòng do Lò Văn Ngân chỉ huy phục kích đã bắn chết ông ta khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Lò Văn Ngân được thăng chức trmg úy. Ngân cưõi con ngựa sông Đông đến chơi nhà Muôn. Anh tặng Muôn đôi vòng tay bạc. Muôn hỏi:
– Nếu giết được một người thì được tăng một chức à?
Ngân bảo:
– Điều ấy tùy vào người bị giết là ai.
Muôn nói:
– Ông ta là chú tôi.
Ngân bảo:
– Tôi không biết.
Khi Ngân đi xuống cầu thang thì con ngựa sông Đông của anh đã bị cắt mất gân chân đang nằm gục bên hàng rào. Ngân chạy lên cầu thang rút súng chĩa vào Bạc Kỳ Sinh:
– Mày giết ngựa! Mày có biết con ngựa ấy đáng giá bằng mấy mày không?
Bạc Kỳ Sinh nói:
– Cần thì tao cắt gân mày chứ không cắt gân con ngựa!
Bạc Kỳ Sinh bị bắt. Muôn than thở:
– Anh ta đang ốm.
Ngân nói:
– Con ngựa này mỗi ngày ăn hết 20 cân thóc, 6 lít sữa với 2 cân đường. Cả nước bây giờ chỉ còn hai con như thế!
Bạc Kỳ Sinh bị giam chín tháng trong tù. ở trong tù, những người bạn của Lò Văn Cường chỉ cho y các mối hàng, cách đi rừng, cách chơi gái sao cho không bị mang bệnh, cách trốn lính biên phòng, cách phân biệt tiền giả thật, tiền bạt Thái Lan và tiền kíp Lào, rất nhiều thứ mà người ta không biết phân biệt đấy là những kiến thức về tự do hay sự từng trải phóng đãng.
Một tay ăn trộm người Dao tên là Triệu Phú Đại rủ Bạc Kỳ Sinh vượt ngục. Đêm hôm ấy trời mưa to, hai người rỡ mái tôn chuồn được ra ngoài luồn rừng chạy về phía rừng Thuận Châu trốn tránh.
ít ngày sau Bạc Kỳ Sinh tìm đường về đến nhà Muôn. Triệu Phú Đại cằn nhằn:
– Chúng ta phải chuồn sang Thượng Lào ngay lập tức. Loanh quanh ở đây rồi chết có ngày.
Bạc Kỳ Sinh nói:
– Mày biết gì về tình yêu?
Triệu Phú Đại thở dài:
– Đấy là thứ tình cảm không lương thiện.
Muôn chạy ra đón Bạc Kỳ Sinh, trên tay đeo đôi vòng bạc của Ngân tặng cô.
Bạc Kỳ Sinh hỏi:
– Cô yêu nó à?
Muôn nói:
– Không biết! Em chỉ thích bộ quân phục.
Bạc Kỳ Sinh và Triệu Phú Đại ở nhà Muôn ba ngày. Triệu Phú Đại bảo Bạc Kỳ Sinh:
– Mày lựa chọn đi. Hoặc đi Thượng Lào. Hoặc ở đây rúc váy con Muôn để đợi thằng Ngân đến bắt. Năm giờ sáng, lính biên phòng bao vây nhà Muôn. Triệu Phú Đại và Bạc Kỳ Sinh nấp trong buồng kín. Triệu Phú Đại nói:
– Phen này chết là chắc. Tao không tiếc gì. Chỉ tiếc mày mới hai mươi lăm tuổi.
Bạc Kỳ Sinh nói:
– Khi thằng Ngân bước lên cầu thang tao sẽ dí dao vào cổ nó…Khi người ta đưa ngựa tới, mỗi thằng chạy về một phía… Bạc Kỳ Sinh treo người ở trên chái nhà giống như con dơi. May cho y là 5 giờ sáng thì trời vùng núi còn tối như mực. Lúc ấy trời lại đổ mưa to. Hai người chạy thoát sang đất Thượng Lào.
Bạc Kỳ Sinh nói:
– Chắc cha con ông Sùng bị bắt mất.
Triệu Phú Đại cười:
– Có con Muôn thì chẳng sợ. Biết mèo nào cắn mỉu nào!
Bạc Kỳ Sinh buôn bán dọc ngang ở vùng Thượng Lào, nhiều khi sang cả Thái Lan. Y có tiền, có nhiều thứ nhưng trong lòng khôn nguôi nhớ Muôn và nhớ quê hương. Thỉnh thoảng y tìm đường liều lĩnh về thăm đất Mường Vài. Một lần về y bị bắt và xảy ra vụ trốn chạy ở chợ Mường La mà tôi chứng kiến.
*
Bạc Kỳ Sinh và Muôn trú ở nhà tôi sang ngày thứ hai thì họ cãi lộn với nhau. Cả hai đều mất bình tĩnh. Tôi không hiểu lắm vì họ nói bằng tiếng Thái rất nhanh, tôi chỉ lõm bõm biết một số từ. Tôi đoán hai người đã không đồng ý về cách giải thoát tình trạng hiện thời. Muôn nài nỉ điều gì đó nhưng Bạc Kỳ Sinh dứt khoát chối từ. Một lúc sau, Bạc Kỳ Sinh cũng nài nỉ điều gì đó nhtng Muôn không chịu. Cuối cùng Bạc Kỳ Sinh đứng lên tru một tiếng khủng khiếp như chó sói hú. Trông y rất đau đớn. Muôn ôm mặt chạy ra ngoài trời mưa. Lúc ấy trời đâ khuya lắm. Bạc Kỳ Sinh chạy theo. Họ giằng co nhau một lúc lâu rồi Muôn chạy về phía rừng. Bạc Kỳ Sinh quay vào nhà, y nằm vật ra ở bên đống lửa.
Tôi ngồi lặng lẽ chứng kiến hai vị khách trọ. Tôi mơ hồ thấy một nỗi thương cảm xót xa. Tại sao lại phải dày vò mình, phải dày vò nhau như thế? Hồi ấy tôi còn trẻ tuổi, tôi chưa nếm trải vị ngọt cũng như vị đắng tình yêu. Ôi tình yêu! Sau này tôi mới biết đấy là thế nào! Bạn trẻ, bạn hãy yêu đi! Nó sẽ làm cho bạn hóa rồ hóa dại, nó sẽ làm cho bạn tốt lên hoặc xấu đi thì tôi cũng chẳng biết nữa nhưng tôi biết chắc chắn đó là một điều tuyệt vời nhất trên đời, đó là thứ giá trị nhất trong mọi thứ giá trị mà Thượng đế ban cho con người. Bạn trẻ! Bạn đừng tin những kẻ nói với bạn rằng tình yêu là sai lầm! Không có tình yêu sai lầm…Đấy là những kẻ ghen tị với tình yêu, những kẻ không có cơ hội để có tình yêu, vu khống, xúc xiểm tình yêu…
Suốt đêm hôm ấy chúng tôi không thấy Muôn trở lại. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên bếp lửa như hóa đá. Tôi cố gợi chuyện y. Y thở dài:
– Cô ấy sẽ không trở lại…Đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng để chuồn ra ngoài…
Trầm ngâm một lúc, y nói tiếp:
– Về bản chất, đàn bà đứng về phía trật tự… Không có trật tự nào dung được tình yêu to lớn…
Tôi lấy củi chất thêm vào đống lửa. Mưa rất to. Hai chúng tôi ngồi bên đống lửa đến tận sáng bạch. Bạc Kỳ Sinh đã kể cho tôi nghe về tình yêu nồng cháy của y. Y nói về phụ nữ, về cuộc đời, về nhiều thứ khác. Y nói:
– Không ai mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc và đau khổ như Muôn. ông đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu dạy cho ta bước đi của hổ, của báo, cho ta sức mạnh của mãnh thú. Nó dạy cho ta sự giảo hoạt của cáo, của rắn độc…Nó khiến ta nhân đạo hơn hoặc độc ác hơn…Những kẻ hèn hạ không có tình yêu. Tôi dò hỏi Bạc Kỳ Sinh về Muôn. Y nói:
– Cô ta cũng giống như mọi người đàn bà khác. Tôi quá điên rồ, quá nguy hiểm đối với cô ta. Trước sau gì cô ta cũng sẽ trèo qua cửa sổ để về với một môi trường tầm thường hơn nhưng an toàn hơn. Cô ta chết chậm hơn tôi. Nhưng thôi, tất cả những điều tôi nói không có ích gì, sau này rồi ông sẽ hiểu…
Bạc Kỳ Sinh ở với tôi đến trưa hôm sau. Y dứt khoát trả tôi tiền trọ. Món tiền khá lớn, bằng tổng số tiền lương giáo viên của tôi trong nhiều tháng. Tôi và Bạc Kỳ Sinh chia tay nhau. Y nói rằng y sẽ đi Thái Lan ngay hôm ấy. Cả hai không nghĩ rằng rồi sẽ gặp nhau. Tôi cũng không ngờ hai mươi lăm năm sau, tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh trong một hoàn cảnh lạ lùng kỳ dị.
ít năm sau, tôi có dịp quay lại Mường La. Tôi gặp Lò Vàn Ngân, bấy giờ đã lên chức thiếu tá. Ngôi nhà của Ngân ở ngay cổng chợ Mường La, ngôi nhà thiết kế giống như những ngôi nhà khác ở thành phố, tầng dưới để bán hàng hay để cho thuê văn phòng, tầng trên để ở. Ngân và Muôn lấy nhau, họ có hai đứa con, cả hai đang học Đại học. Tôi gặp Ngân nhưng anh tiếp chuyện tôi dè dặt, thậm chí có phần lạnh lùng. Chúng tôi không nói gì về chuyện cũ.
Lựa dịp thuận tiện, tôi tìm cơ hội để gặp riêng Muôn. Muôn còn rất đẹp. Cô mặc quần áo sang trọng theo lối dân thành phố. Tôi gợi lại chuyện về Bạc Kỳ Sinh thì Muôn thất kinh, hốt hoảng nói:
– Bò hụ…! Ai nhá nhắc lại chuyển cẩu nưa…
(Không biết! Anh chớ nhắc lại chuyện cũ nữa).
Tôi quay lại chợ Mường La. Cũng không khác xưa nhiều lắm: các cô gái Thái, gái Xá…ngồi bán đào, mận, mắccoọc…hái ra từ trong núi, những người đàn ông, đàn bà người Hmông gùi những gùi sa nhân, đẳng sâm, ba kích, nếp tan…ở góc chợ vẫn có ông già người Hoa ngồi xem bói. Không có đám đông nào vây quanh ông già. Tôi đến gần ông già đặt tiền, gieo quẻ và hỏi về số phận của Bạc Kỳ Sinh. ông già đọc cho tôi nghe một bài thơ chữ Hán:
– Ngộ bất ngộ
Phùng bất phùng
Nguyệt trần hải để
Nhân tại mộng trung…(1)
Tôi thở dài quay đi ngẫm nghĩ. Tôi tự hỏi mình:
– Này số phận! Những gì tạo nên số phận? Điều gì giá trị? Điều gì vô giá trị? Điều gì trên đời này có ý nghĩa nhất cho một con người?
*
Tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh tình cờ khi tôi đến Mỹ mấy năm trước đây. Hôm ấy ở New York, tôi đến một quán cà phê nơi vẫn tụ tập khá nhiều nhà thơ và nghệ sĩ. ở đấy có một người Việt Nam chơi đàn ghita rất điệu nghệ. Người này hát những bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Khi nghe một bài hát tôi đã lặng đi không thể tin được. Đấy chính là một phần bài hát tôi từng được nghe ngày nào:
Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi…
Pò mệ sinh con từ hang núi.
Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm
Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm
Ôi tụ do, tình yêu, quê hương
Những con đường chông gai, nhọc nhằn
Con mình trần thân trụi run rẩy
Và sờ soạng trong bóng đêm
Con nhặt được một vật mềm, ướt át
Con sợ hãi, không biết vật gì
Nó phập phồng trong tay con
Đau quá, đau nhói ở đây
Con ngửa mặt lên trời và hỏi:
Đâu tình yêu? Đâu tự do? Đâu quê hương..
Pò mệ ơi…
Pò mệ sinh con từ hang núi…
Người đánh đàn ghita và hát là Bạc Kỳ Sinh. Tối hôm ấy, Bạc Kỳ Sinh đưa tôi về nhà. Đó là một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng trên gác của một chung cư. Ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi. Bạc Kỳ Sinh thuê ngôi nhà này ở đây và sống độc thân. Sau lần gặp tôi, y sang Thượng Lào, sang Thái Lan rồi tới định cư ở Mỹ. Chúng tôi uống rượu suốt đêm. Bạc Kỳ Sinh hỏi tôi rất nhiều về vùng Tây Bắc Việt Nam. Tôi hỏi Bạc Kỳ Sinh xem có cơ hội trở về Việt Nam hay không. Y buồn bã lắc đầu, chỉ vào ngực mình:
– Tôi không biết. Tôi vẫn thường đau ở trong ngực này…
Y cười, vẫn nụ cười như diễu cợt ai hay giễu cợt mình.
Trên tường nhà Bạc Kỳ Sinh có treo ảnh Muôn. Nước ảnh đã cũ, đã ố vàng nhưng Muôn trông rất đẹp. Tôi không nỡ nói với Bạc Kỳ Sinh là ở Việt Nam, Muôn đang sống hạnh phúc. Bạc Kỳ Sinh ép tôi uống rượu mạnh. Cả tôi và y đều say khướt. Tôi hỏi y thế nào là tình yêu. Bạc Kỳ Sinh bảo:
– Tin tôi đi! Đấy là một hung thần…
Đêm hôm ấy ở New York trời mưa rất to, mưa như ở vùng Tây Bắc Việt Nam, một thứ mưa nhiệt đới dai dẳng, tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được…
(1) Gặp như không gặp
Được như không được
Như trăng dưới biển
Người ở trong mộng…
N.H.T