Chương chín
Quan Kiến lăng sử giục kiệu đi như bay đến phía tây lăng. Bụng ngài nóng như lửa đốt. Phía tây của lăng là noi tập trung thể hiện tất cả tài năng và cảm hứng của ngài. Ở đấy là chỗ mà mặt trời trước khi lặn vào đêm âm u, còn rực chói lên lần cuối cùng, trong sự vụt loé của ánh tà dương. Chính sự phản chiếu của mặt tấm đá được mài cong hơn lắp nghiêng với độ chếch của toàn bộ tường lăng tấm đá đó, cao tới 80 trượng: dài hơn 100 bộ, nặng đến độ mà trước khi nghĩ ra cách cắt nó ra từ đỉnh núi để chuyển về, quan Kiến lăng sử đã nhiều đêm bần thần, vẽ sơ đồ cung cách mất hàng trăm tấm lụa mới nghĩ ra cách chuyển nó về. Tấm đá mà ngay khi cưa ra khỏi núi đã nghiến trọn 20 thợ đục đá – và khi đưa về đã đè nát 32 lục phu xấu số. Rồi khi mài nó theo cự ly kích thước yêu cầu của quan Kiến lăng đã giết thêm 5 thợ mài sành sỏi. Có phải vì máu người chảy quá nhiều thấm vào đá hay không mà lúc mài xong, những tia sáng hoàng hôn đầu tiên chạm vào làm ửng lên trên gương đá những vệt hồng óng ánh như máu. Đã có lần đứng trước tấm đá đó, quan Kiến lăng đã than thở trong cảm giác u hoài “đời ta sẽ tổn thọ để tên tuổi ta sáng chói vĩnh cửu”. Hoà trong những vệt đỏ rực của sắc máu đó là bức chạm nổi công phu kể lại những truyền thuyết oai hùng về các triều đại với những con voi trận tung vòi, những con ngựa chiến giơ cao vó, những chiến tướng dữ tợn chĩa gươm lên trời, và xác quân thù toi tả, bẹp rúm, phía trước đoàn quân và hình trống sắt đang toé mặt trời, và cánh chim phượng hoàng – mà vua Biđa không hiểu sao rất thích thú coi như một vật tổ thiêng liêng của triều đại mình. Quan Kiến lăng sử còn dự định rằng sau chuỗi hình những đoàn quân hùng dũng với những chiến tích huy hoàng đó, ông sẽ cho chạm một chuỗi tượng kể rõ những người cày ruộng, đúc lò, đánh cá, và sau đó là hình ảnh đứa trẻ con bụ bẫm hai tay vươn ra đò ăn. Thâm ý của ngài muốn phô bày một suy nghĩ – con người ta sống trên mặt đất không phải vì những giáo, những gươm, những người lính mà vì những kẻ cày cuốc, đọc sách, ngâm thơ và những đứa trẻ… Hai gã thợ cả mà quan Kiến lăng sử chọn lựa để hướng dẫn hiệp thợ ở phía tây lăng chính là hai học trò yêu quý của ông. Gã Quang Sa quê ở tổng An Nghê, gã Bảo Lực ở tổng Đôn Chu hai vùng quê nghèo, đất cằn cỗi mà hiếu học. Công trình của hiệp thợ do hai gã cai quản đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn phần sửa sang hoàn thiện, thế mà…
Chiếc kiệu từ từ hạ xuống, Bá Thông đại nhân vén rèm nhìn. Ngài thấy bao quanh mình là những người thợ như vừa từ trong đá bước ra. Quan Kiến lăng sử chỉ thiếu chút nữa thôi giật lùi lại. Đây là những con người mà hơn một năm trước đây tráng kiện, hồng hào đấy ư? Những khuôn mặt giờ đây như bị phủ trong làn bột đá mơ hồ, hốc hác và tối tăm. Những ánh mắt long lanh, vui vẻ đã mất đi để thay vào đó là sự lờ đờ, chậm chạp của đồng tử xám xịt. Chân họ run rẩy khô đét dưới những ống quần xơ xác, tay người nào người ấy bạc phếch, răn rúm nắm chặt cán đục. Họ ngơ ngác nhìn con người oai vệ, phương phi vừa bước xuống. Quan Kiến lăng cố nén tiếng thở dài, và tránh bắt gặp mọi ánh mắt, ngài ngước nhìn lên tường lăng và ngài chợt nhận thấy, chính cả ngài và lũ người khốn khổ này có là gì trước chiếc lăng khổng lồ, cao vời vợi, nhẵn thín và bóng loáng này. Lúc đó những tia mặt trời cuối cùng đang tắt dần, dải tà dương xuyên qua làn mây tím chiếu thẳng vào tường lăng. Bá Thông đại nhân bỗng giơ tay rú lên:
- Máu, trời oi máu.
- Thưa ngài, mầu trên đá đấy ạ. Đốc công đổng lý từ đầu đến giờ ngồi lặng trên ngựa, tay nắm chặt đốc gươm vội bẩm.
- Màu trên đá, sao khủng khiếp thế kia?
- Đúng là màu đấy ạ. Chính đại quan đã từng thích thú mầu sắc
đó.
- Ta ư, có lẽ nào? Ta không tin. – Quan Kiến lăng lắc đầu?
- Thưa ngài – đốc công Tinô xen vào – ngài nên tra lũ thợ xem, xác của Quang Sa và Bảo Lực đâu?
- À, quan Kiến lăng cúi xuống. Bây giờ ngài mới nhớ ra việc vì sao lại đến đây. Phải rồi, phải rồi, bọn mi nói đi.
Tất cả hiệp thợ chết lặng. Người nào người nấy gầm mặt nhìn mặt đất lởm chởm mảnh vụn đá, hay bàn tay sứt sẹo của mình.
- Kìa, chúng mày bị khâu mồm cả rồi sao. Trình quan đi chứ.
Lúc đó không ai để ý, luồng ánh sáng cuối cùng trên trời đã tắt. Bóng đêm trùm lên. Một giọng nói khê nồng man dại bật lên.
- Rồi đến lúc máu các ngài cũng chảy thôi.
- Đứa nào nói đấy? – Đốc công Tinô dập mạnh chuôi gươm. Quan Kiến lăng tím môi, ngài thấy một gã mã phu động đậy, rồi ánh lửa đuốc cháy lên, đám thợ đá câm lặng nhấp nhoáng trong ánh đuốc bập bùng.
- Xác hai kẻ đó chúng mày vứt đâu?
Đốc công đổng lý mạnh bạo hon khi có ánh sáng ngọn đuốc.
- Không biết, không biết.
Gã thợ đứng đầu có khuôn mặt xương xẩu lý nhỉ.
- Không giấu được ta đâu.
Tinô sấn tới làm gã thợ vừa nói co rúm người lại. Vừa lúc đó, từ sau đám thợ, có ngọn đuốc rập rờn đi lại, tiếng người nào đó the thé kêu lên.
- Các đại nhân đi theo ta, ta sẽ chỉ cho. Ma nhiều lắm, nhiều lắm, xác chết nào cũng có.
Mọi người run sợ khi nghe thấy tiếng nói. Tất cả quay lại, và cùng á lên đồng thanh “thằng điên, đúng là thằng điên”.
N.H