Có một người đàn ông khác cũng thầm yêu trộm nhớ bà Nam Sinh, đó là… anh bồi của ông bà chủ, tên là Lê Văn Thược….
Phố Lê Chân ngày trước có tên là Nam Sinh. Bản đồ thời Pháp thuộc ghi: “Rue Nam Sinh dit Le Van Thuoc” (Phố Nam Sinh tức Lê Văn Thược). Dân chúng nhiều người còn gọi là ngõ Nghè vì đầu phố có đền Nghè thờ bà Lê Chân. Cũng như phố Trần Nhật Duật bên kia ngã tư với phố Lê Chân, nhiều người gọi là phố Cố Đạo hoặc chợ Cố Đạo nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ phố này có tên như vậy, cuốn Lược khảo đường phố Hải Phòng ( NXB Hải Phòng 1993 ) cho biết bởi hồi mới hình thành, phố chỉ có một dãy nhà phía Bắc do nhà thờ xây cho giáo dân thuê nên nhân dân gọi vậy; cái tên đó cũng như những cái tên Nam Sinh, ngõ Nghè và nhiều tên gọi khác của phố ngõ Hải Phòng, như ngã tư Trại Cau, phố Tám Gian, ngõ Tôma, ngõ Đồng Lùn… vẫn chưa hề bị lãng quên trong ký ức nhiều người và không hiểu còn được truyền tụng đến bao giờ, cho dù tất cả đã được mang tên mới từ 50 năm nay!
Sống ở phố Lê Chân nên từ lâu tôi khao khát tìm hiểu về Nam Sinh Lê Văn Thược. Hỏi người này không được, lại hỏi người kia. Nói chung dân phố biết rất lơ mơ, kể cả những người sống ở phố từ hồi trẻ nay đã bảy, tám mươi tuổi. Có người bảo tôi phải về xã Hoà Nghĩa, huyện Kiến Thuỵ. Tới Hoà Nghĩa lại hỏi, có lúc gần như nản chí nhưng cuối cùng tôi cũng đứng trước ngôi nhà của Lê Văn Thược ở thôn Hải Phong, được gặp người thân của nhà thầu khoán kiêm điền chủ và kinh doanh địa ốc năm xưa. Gọi là cháu nhưng tất cả cũng đã tuổi “thất thập”, như ông Lê Văn Chi, bà Lê Thị Vinh ( đều gọi Nam Sinh là chú ), như ông Vũ Văn Chắt tức Bạ Chắt ( viên chưởng bạ của Nam Sinh xưa, nay- tức cuối năm 2004, đã 88 tuổi ). Lúc hỏi thăm nhà Nam Sinh, một người trong làng đã thầm thì với tôi: “Ông Bạ Chắt có khi là con đẻ hay ít ra cũng là con nuôi của cụ Nam Sinh, chứ chưa đầy hai mươi tuổi mà đã làm chưởng bạ thì lạ! Đã vậy lại được thừa hưởng cả cơ ngơi cụ để lại. Phải thế nào chứ! “. Vâng, chưa kể đến việc thừa hưởng cơ ngơi của nhà điền chủ, riêng chân chưởng bạ, tức là coi giữ, trông nom sổ sách, giấy tờ cho chủ cũng đủ khiến tôi tin điều ngờ vực của dân làng không phải không có lý.
Chuyến đi của tôi đặc biệt phải kể đến Vũ Thị Huệ, nhân viên ngân hàng, cháu gái Bạ Chắt. Chị ở nội thành, chủ nhật nghỉ về quê chơi. Huệ không biết nhiều chuyện nhưng chị nhiệt tình dẫn tôi đi khắp nơi, suốt một buổi chiều tới hết nhà nọ nhà kia, phóng xe đến gần cầu Rào để lấy “Bài thơ lập ấp”, lại quay về Hoà Nghĩa khi biết mộ ông Nam Sinh ở nghĩa trang xã. Xong việc, về tới ngã tư Quán Bà Mau, chia tay nhau, đèn thành phố đã sáng trưng…
Cuối thế kỷ XIX ở làng Ông Đình, nay thuộc xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có một gia đình nông dân nghèo sinh được ba người con gái. Vì không thể nuôi nổi các con, họ đã phải đem một đứa ra Hà Nội bán. Đó là Lê Thị Tâm. Nhớ nhà, sợ hãi cuộc sống xa lạ, ngay đó Tâm đã trốn khỏi nhà chủ. Cô bé không biết đường về làng nhưng biết quê cô thường có người đem con ra Hà Nội, chực ở vườn hoa mong người ta đến mua hoặc thuê mướn. Chính mẹ cô cũng đưa cô đến vườn hoa. Nên cô tìm đến một vườn hoa, hy vọng gặp được người làng để theo họ về nhà. Hải Phòng có “Vườn hoa đưa người” thì Hà Nội cũng có loại vườn hoa như thế; lảng vảng ở vườn hoa, dưới gốc cây, rệ cỏ là đám gái làm tiền, đám trộm cắp mệt mỏi mượn chỗ nghỉ ngơi, những người nhà quê chầu chực làm thuê làm mướn hoặc đem con đi bán, những ả Tú Bà, những mụ mẹ mìn mắt la mày lém; còn bên lề đường là đám phu xe tay, kéo xe ba gác rỗi việc…
Có thể hình dung ra nỗi thất vọng và sợ hãi của Tâm khi không thấy người nào quen, xung quanh lại toàn những bộ mặt xa lạ và ma quái. Muốn quay lại nhà chủ cũng không biết đường. Đang lúc ấy, một bà đi tới. Không hiểu với linh cảm nào, Tâm nhận thấy đấy là một người đàn bà tốt bụng. Cô định ngỏ ý xin theo về nhà bà nhưng chưa kịp nói gì đã oà khóc. Người đàn bà nọ lấy làm lạ, cúi xuống lau nước mắt cho cô và chợi hiểu. Trước mặt bà là một cô bé tội nghiệp và xinh xắn.
Lê Thị Tâm thành con sen cho gia đình người đàn bà tốt bụng nọ. Không được đi học nhưng được bà nọ dạy bảo, cô không những đọc thông viết thạo mà còn biết cả chữ nho.
Tâm càng lớn lên càng xinh đẹp. Cô được nhiều người để ý, sau đó thành vợ chủ hãng Nam Sinh ở Hải Phòng, một người Pháp làm nghề thầu khoán, đại diện cho một hãng thầu ở Pháp. Lê Thị Tâm được gọi là bà Nam Sinh từ đó.
Trên bản đồ Hải Phòng vẽ năm 1874, khi người Pháp chỉ có vài cơ sở, trong đó quan trọng nhất là Khu nhượng địa ( Concession ), có một nơi được ghi chú là Marché ( chợ ). Cuốn Lược khảo đường phố Hải Phòng viết: ” Một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp có xin một mảnh đất phía trước chợ, dựng 14 gian lán lợp lá để thuyền bè từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên tới bán gạo thóc, tre nứa. Hằng năm cứ đến mùa mưa bão quán lại đổ, thấy vậy Balô mới thuê xưởng Carông dựng chợ mới bằng sắt, từ đó gọi là chợ Sắt “. Theo con cháu Nam Sinh thì “người phụ nữ lấy chồng Pháp” ấy chính là bà Nam Sinh.
Có một người đàn ông khác cũng thầm yêu trộm nhớ bà Nam Sinh, đó là… anh bồi của ông bà chủ, tên là Lê Văn Thược. Ông Thược quê ở làng Mọc, tỉnh Hà Đông, nay là vùng cống Mọc, gần Ngã Tư Sở, Hà Nội.
Một thời gian sau, người Pháp nọ hết hạn làm việc ở Đông Dương. Có lẽ ông ta đã có vợ con bên Pháp nên không thể đem người vợ Việt Nam về theo. Bà Nam Sinh đề đạt nguyện vọng nếu không thể sang Pháp thì cho mình được lấy ông Lê Văn Thược. Người chồng Pháp bằng lòng, không những vậy còn giao luôn hãng Nam Sinh cho hai người. Bà Nam Sinh thành vợ ông Lê Văn Thược, từ đó ông Lê Văn Thược cũng được gọi là Nam Sinh.
Thầu khoán là một nghề kiếm chác được lúc đó. Cùng thời với vợ chồng Nam Sinh ngày ấy, ” vua đường sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi ( 1874 – 1932 ) cũng xuất thân từ nghề thầu khoán và cũng thành danh trên đất Hải Phòng.
Năm 1925, người Pháp cho lấp một đoạn Kênh vành đai, hình thành vườn hoa và bãi đá bóng, chạy suốt từ đầu sông Lấp 9 nay là hồ Tam Bạc ) đến khu vực cảng. Từ đó đô thị Hải Phòng có điều kiện phát triển mạnh về phía Nam và phía Đông. Được chính quyền khuyến khích tham gia vào việc phát triển đô thị, vợ chồng Nam Sinh liền vay tiền Địa ốc ngân hàng để xây nhà trên con đường mới được mở rộng trên cơ sở của ngõ Nghè cũ, chạy từ đại lộ Paul Doumer ( phố Cầu Đất ) sang phố Metz ( phố Mê Linh ). Người Hải Phòng có thói quen gọi ngõ phố bằng tên những người đầu tiên xây nhà hoặc có mặt ở đấy nên gọi con phố mới mở này được gọi là phố Nam Sinh, sau đó được chính quyền thành phố chính thức hoá, lèo thêm “dit Le Van Thuoc”, có lẽ để người ta khỏi lầm với ông chủ hãng Nam Sinh cũ nay đã về Pháp.
Người Pháp phân biệt: Boulevard là đại lộ, Avenue là phố lớn, Rue là phố nhỏ, Route là đường. “Rue Nam Sinh dit Le Văn Thuoc” thuộc loại phố nhỏ, chỉ dài khoảng 200m, đường và vỉa hè hẹp. Nam Sinh xây phần lớn nhà trên phố, vì để bán cho Hoa kiều hoặc cho họ thuê nên xây theo kiểu Hoa kiều ưa thích: tầng trên riêng tầng dưới riêng, cầu thang lên tầng trên mở ngay mặt phố, rất tiện lợi cho các chủ sở hữu. Những năm đầu thế kỷ XX bêtông giá thành còn cao nên sàn và xà nhà đều bằng gỗ lim, trên lát gạch Bát Tràng. Trải qua hàng chục năm, các viên gạch đều mòn lõm xuống nên sau năm 1975 các nhà lần lượt thay gạch mới, riêng xà và sàn gỗ vẫn giữ lại cho tới nay, tính ra đã bền vững tới hơn 80 năm trời.Trường nữ học trên phố, nay là Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, cũng do Nam Sinh xây theo thiết kế và đầu tư của chính quyền thành phố. Ngày 20/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp về, để đảm bảo an toàn cho Bác, tránh xa nơi quân Pháp chiếm đóng, tổ chức đã bố trí Bác nghỉ trong một căn phòng của trường này.
Vào năm 1928,1929 Nam Sinh còn xây một trường học khác bằng tiền của mình, cho chính quyền thành phố thuê, gọi là trường Nam Sinh, trên phố Belgique ( nay là phố Lê Lợi ); mảnh đất xây trường không vuông vắn nên dân chúng hay gọi là Trường Chéo. Khu đất của trường này về sau ta xây trường Nguyễn Thượng Hiền.
Lược khảo đường phố Hải Phòng cho biết ông bà Nam Sinh còn xây một số nhà ở Đồ Sơn và Kiến An. Thực ra nơi đó mới gắn bó máu thịt của họ, đấy là ấp Nam Sinh, nay thuộc xã Hoà Nghĩa, huyện Kiến Thuỵ.
Xã Hoà Nghĩa thời ông bà Nam Sinh thuộc tổng Tư Thuỷ. Nhân dân Hoà Nghĩa ngày nay nhiều người vẫn nhớ “Bài thơ lập ấp”, tương truyền đã ra đời gần 100 năm nay, tác giả là ông giáo Móm. Bạ Chắt đọc cho tôi nghe bài thơ ấy nhưng với tuổi 88 ông nhớ câu được câu chăng, cuối cùng chỉ đường cho tôi và Vũ Thị Huệ tìm tới ông Đặng Văn Hoạch ở tận xã Hải Thành. Mấy câu đầu bài thơ như sau:
Tỉnh Kiến An có làng Hoà Nghĩa
Nhác trông xem phong cảnh hữu tình
Hỏi ra từ ông Nam Sinh
Xuất tài, xuất lực lập thành xã dân…
Cứ như bài thơ thì hồi đầu thế kỷ XX vùng Hoà Nghĩa còn khá hoang vắng. Ban đầu ấp chỉ có 37 gia đình, khai hoang được 500 mẫu để trồng lúa rồi dựng đình, đền miếu, nhà kho, nhà xe, nhà ngựa, đào ao, vật đất làm đường… “Một tay gây dựng cơ đồ/ Kể phần công của biết cơ muôn nào… Nhớ câu uống nước nhớ nguồn? Bể dâu thay đổi, vẫn còn lưu danh”.- Bài thơ viết.
Tôi ngồi nói chuyện với Bạ Chắt, con cháu ông quây quần xung quanh, sôi nổi góp chuyện. Cơ ngơi của ông bà Nam Sinh để lại không còn rộng như trước nhưng vẫn còn nguyên ngôi nhà gạch thời ấy, chỉ một tầng nhưng lại có tầng hầm cao ráo. Trông cũng đủ biết ngôi nhà được xây khá chắc chắn. Nhiều năm mưa bão lụt lội nhưng nhờ nhà cao, thóc lúa chạy lên tầng trên nên không thiệt hại gì.
Nhân dân Hải Phong, Hoà Nghĩa được hỏi đều mang ơn ông bà Nam Sinh. Họ nói bà Nam Sinh tính tình còn khắt khe chứ ông thì phúc hậu, độ lượng, không tiếc của cứu trợ dân nghèo. Ông là một người khá uy tín trong xã hội nên đã được bầu làm nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ.
Năm 1932 ông Nam Sinh mất, thọ khoảng 60 tuổi, gia đình ông trở nên sa sút. Bà Nam Sinh phải bán đi 100 mẫu ruộng ở Hoà Nghĩa cho một người Pháp thường gọi là Ba Chín Sầu, chủ Công ti Vệ sinh thành phố. Năm 1933, 1934 bà lại phải đòi trường Chéo, bán đất và nhà để trả nợ Địa ốc ngân hàng. Vẫn không hết nợ, nhà của ông bà ở phố Nam Sinh bị chính quyền trưng thu!
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà Nam Sinh cho chính quyền cách mạng dỡ nhà của mình ở Hoà Nghĩa để làm chiến luỹ ngăn quân Pháp từ Đồ Sơn tiến về Hải Phòng. Năm 1954, khi đã 80 tuổi, bà di cư vào Nam và mất tại đó, thọ tới 107 tuổi, con cái sang sinh sống ở Úc. Ông Nam Sinh được an táng tại Hoà Nghĩa. Năm 2004 người cháu đích tôn của ông bà Nam Sinh cùng người vợ Úc đã về Việt Nam, viếng mộ ông Nam Sinh tại nghĩa trang Hải Phong, xã Hoà Nghĩa.
Tôi và Vũ Thị Huệ đứng trước mộ ông Nam Sinh. Trời về chiều, khói hương nghi ngút. Mộ mới được xây lại, không phải do con cháu Nam Sinh mà do ông Đặng Văn Hoạch xây. Ông Hoạch cũng là người đánh vi tính “Bài thơ lập ấp” ra làm nhiều bản, ai hỏi xin cũng cho. Rất tiếc quá vội, lại gặp lúc ông Hoạch đang bận nên tôi chưa kịp hỏi tại sao không phải họ hàng, không là con cháu, bỗng dưng ông lại bỏ tiền ra xây mộ cho Nam Sinh. Chỉ biết, chị Huệ bảo từ lúc ông Hoạch làm việc nghĩa cử ấy, ông Nam Sinh đã phù hộ cho nên gia đình ông Hoạch làm ăn khấm khá! Chị lại bảo tôi: Anh viết bài về ông bà Nam Sinh, có khi cũng được hai cụ phù hộ. Tôi lặng im. Giàu nghèo, êm ấm là do cái số, chỉ biết, viết được về ông bà Nam Sinh tôi như cất được gánh nặng tâm tư trong người.
L.V.K