“Bố ơi! Khi lá thư này đến tay cả nhà thì con đã ở tận đâu rồi. Con tình nguyện theo một người để họ bán sang Trung Quốc…
Thuý khe khẽ hát, bài hát kể về mối tình cay đắng của một cô gái nghèo. Cứ mỗi lần nghe con hát bài ấy, lão Thực lại thấy đau nhói vùng ngực.
Ngày trước lão ấy lấy vợ dễ đến mức thời nay kể ra khó ai tin: Một hôm đi tắm với chúng bạn về, lúc đó đã loà nhoà tối, quần vắt vai, tồng ngồng tới đầu ngõ đã thấy mẹ đứng chờ:
– Cu! Mặc quần vào, về bố mày bảo cái gì kia kìa.
Thì ra bố mẹ định hỏi vợ cho Cu. Cu đáp: “Lấy cũng được”. Thế là mới lên bảy, Cu đã có vợ. Vợ Cu hơn Cu bốn tuổi. Lý do hỏi vợ cho Cu thật đơn giản: Nhà neo người mà con người ta chẳng sớm thì muộn ai cũng phải có vợ, có chồng. Cái thích đầu tiên của việc có vợ với Cu là quần áo được mặc cả ngày và có người chiều chuộng, thỉnh thoảng lại rửa mặt mũi cho.
Phải đến tám năm sau, Cu mới hiểu thế nào là mê trận của đàn bà. Từ đó xòn xòn khi năm một, khi ba năm đôi. Kể tới Thuý, hai vợ chồng đã có tám con, không kể những đứa vì ốm đau bỏ họ mà đi. Chẳng phải mê trận của đàn bà mà ý chí có bằng được đứa con giai đã cuốn lão Thực vào cuồng trận với bà mụ. Cuối cùng lão cũng “thắng” nhưng phải trả giá đắt và di hại của nó còn đeo đẳng đến lúc này.
Tuy nhiên lắm con không phải lúc nào cũng hại, vào thời bao cấp, phụ cấp lương con của lão gần bằng lương chính, đã vậy thỉnh thoảng còn được trợ cấp khó khăn, rồi con cái đi học trường chuyên nghiệp, dù dốt như bò vẫn được học bổng loại một trăm phần trăm. Khối người ghen với lão: Những người ấy chắc bây giờ có kẻ thấy cảnh lão mà hả dạ. Từ hơn mười năm nay lão có như không trong cái nhà này. Trừ Thuý, dường như cả ngày không ai hỏi đến lão một câu và lão cũng chả có gì cần nói với ai. Chiếc giường ọp ẹp góc nhà là cái xó của lão. Lão sống âm thầm với cái xó âm thầm ấy. Có phải đi đâu, nếu phía trước có đứa con nào đi tới, lão đều nép sát vào tường nhường lối cho con. Trời đã phú cho lão cái thân hình mỏng dính, lão lại có lối nép người thực khéo, cứ ẹp như con dán. Thế mà vẫn cứ bị thằng con kêu vướng lối. Nhà chật thì có chật nhưng đâu đến nỗi không đi lọt. Đó chỉ là cái cớ, không cớ này thì cớ khác, trong một ngày, thằng chó ấy không tìm ra cớ gì để gây sự với lão thì nó không yên. Nó thù lão đã đẻ ra nó! Có lần nó đã chửi lão là đồ dê cụ! Quá quắt, tệ hết chỗ nói, mất hết cả luân thường đạo lý.
– Luân thường đạo lý là cái khỉ gì? – Nó quặc lại khi lão phân tích cho nó hiểu lẽ ở đời – Đừng có giở giọng phong kiến ra với tôi. Xưa quá rồi!
Con người ta khác con vật chính là cái trí tuệ – Có lúc lão Thực đã cay đắng triết lý – Nhưng chính trí tuệ làm cho người ta khổ, nhất là lúc phần tốt đẹp của nó bị lụi tàn gần hết chỉ còn lại những cặn bã; lúc này là lúc cả nhà lão từ già đến trẻ ai cũng chỉ còn lại rặt những cặn bã để trút cặn bã lên đầu nhau.
Có lẽ chỉ trừ Thuý bởi vì nó còn bé và ngây thơ quá. Nhưng bài hát nó hát nghe não lòng làm sao, như báo trước một cái gì đó đáng lo ngại, có khi còn lo ngại hơn cả những lo ngại đã từng xảy ra trong cái nhà này. Thuý dịu dàng hiền hậu như mẹ, lại đẹp như hồi mẹ nó còn trẻ. Trước đây, vợ đẻ con gái mãi, có lúc lão Thực đã doạ sẽ lấy vợ hai, sẽ đi hủ hoá để kiếm bằng được đứa con giai nhưng điều đó đã không xảy ra chỉ vì lão không thể phản lại người vợ dịu dàng và hiền hậu. Còn Thuý, nó hát như thể bị phản bội, giọng hát rất buồn, mới 15 tuổi mà nó đã tội tình vậy sao? Lão bị cái gì đâm suốt vào tim. Thằng Thông, đứa con quý hoá của lão ngồi đăm chiêu hút thuốc lá, hình như cũng chăm chú nghe em hát. Mặt đần ra vẻ nghĩ ngợi. Nhưng bài hát vừa dứt, nó đã sầm sầm tới chỗ lão, nói:
– Có tiền không, cho vay mấy đồng, đang rất cần!
Bên cạnh đám con rể khốn nạn, vẫn có đứa chưa đến nỗi nào; trong đám con gái đã đi lấy chồng, cũng có đứa không thù lắm với việc lão đẻ nó ra, những đứa ấy thỉnh thoảng vẫn cho lão tiền. Nhưng tiền giấu đâu, thằng con trời đánh của lão vẫn tìm ra và ăn cắp bằng được. Cuối cùng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, lão cũng có chỗ giấu đố nó lần ra. Từ đó nó hỏi vay. Vay chẳng bao giờ nó trả, lão đã mắc lừa với nó không chỉ một lần. Lạ là nó vẫn hỏi vay chứ không xin, nghe rất lịch sự và tử tế, dĩ nhiên lịch sự tử tế theo cái kiểu của nó. Lần này lão dứt khoát lắc đầu. Thằng con bảo:
– Thế thì kệ ông đấy! Nổ mẹ nó ống khói rồi! Ông hiểu không?
Nhà này vô phúc quá mất rồi. Ghét thì ghét, lão Thực vẫn phải cho tiền thằng con. Lão vẫn phải có trách nhiệm với nó, nhất là những gì có liên quan đến nòi giống, cháu chắt lão không thể là đám sứt môi lòi rốn. Trộm cắp để sống rồi trai gái, nghiện hút để chơi bời, để tự giết mình rất gần nhau, thế đấy.
Chứng kiến cảnh anh trai hạch sách bố và sa đoạ, Thuý lặng lẽ khóc. Nước mắt của đứa con gái út làm người cha mủi lòng. Đáng lẽ được thằng Thông, vợ chồng lão nên thôi, không đẻ thêm nữa, nhưng lão muốn chắc chân! Lão bảo rằng đã có kinh nghiệm. Vợ lão nghe bùi tai. Nhưng lại gái. Bà Thực đẻ xong Thuý, bị hậu sản rồi chết. Thuý quắt queo. May mà đúng dịp ấy, người chị thứ hai của Thuý cũng sinh cháu, nên em được chỗ bú.
Lão Thực chỉ muốn chết để chấm dứt nợ đời, nhưng kiểu này trời đày còn lâu. Khi chết có khi cũng nằm liệt giường liệt chiếu mới chết nổi. Chẳng hiểu sẽ như thế nào nếu như đến ngày ấy không có Thuý ở bên, nó lấy chồng xa chẳng hạn. Ai săn sóc lão? Cái ngày ấy tránh sao nổi khi ngay cả cặn bã của trí tuệ lầm lạc cũng không còn nữa, thân xác thì trở thành một thứ giẻ rách. Khôn hồn thì nhằm một chiếc xe ô tô mà lao vào hay nằm sẵn ở đường tàu hoả. Không tin vào thuốc ngủ, nói đúng hơn, không mong người ta sẽ bán cho một liều thuốc ngủ bởi có thể những tay bán thuốc ngờ vực hành động của lão, hoặc thương lão, hoặc muốn xỏ lão lại bán cho lão cả một lọ thuốc bổ. Chọn ô tô, tàu hoả là phương án hay nhất, cái chính là chẳng hiểu đến lúc cần phải như thế, có còn đủ sức lần đi hay không!
Song lão phải lo chồng cho Thuý thì mới chịu nhắm mắt. Lão sẽ kiếm cho nó một đứa thật tử tế mà lại khá giả, có người thân ở nước ngoài luôn luôn gửi tiền về. Lão chưa làm được gì cho con cái. Thuý là cơ hội cuối cùng: nó đáng được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất ở trên đời. Nhưng lão lo sẽ không làm được gì cả, mấy năm nay lão thấy yếu rõ rệt, nhất là sau những lúc đau ngực. Có khi điều tồi tệ nhất lại xảy ra ở chính Thuý, mới 15 tuổi mà nó đã hát những bài hát não lòng.
Một hôm Thuý bảo bố:
– Con có việc phải đi xa ít lâu. Ở nhà bố phải giữ gìn sức khoẻ. Trời bắt đầu lạnh rồi đấy. Con mua cho bố đôi tất mới đây này, không đẹp nhưng là tất đá bóng vừa dày vừa cao, bố cứ kéo đến tận đầu gối, tha hồ ấm. Hôm nọ con đã đem phơi quần áo rét của bố, được nắng, thơm lắm.
– Nhưng con đi đâu mới được chứ? – Lão Thực run run hỏi, có cái gì chợt cắn ngực lão nhoi nhói.
– … Con chẳng biết nữa.
– Sao lại thế hở con?
– Con đã dặn chị cả thỉnh thoảng đến thăm bố. Chẳng trông mong gì được hai chị ở nhà và anh Thông đâu.
– Bố biết. Thế con bỏ mặc bố hay sao? Bố dại, bố khổ làm các con phải khổ theo. Bố sắp chết rồi, con đừng để bố đến chết còn khổ, với lại bố chưa lo được chuyện chồng con cho con, con phải lấy một đứa thật tử tế…
Thuý xụt xùi khóc nhưng cô vẫn đi.
Mấy hôm sau chị cả của Thuý đến, tay cầm phong thư của Thuý, chị bước vội vàng vào nhà, mặt mày tái nhợt. Lão Thực từ khi Thuý đi cứ ngẩn ngơ, dở ốm dở khoẻ, nghe nói có thư của Thuý, vội nhỏm dậy, bảo đọc ngay cho lão nghe. Chị cả Thuý nói chị đã đọc rồi, giờ chị không thể đọc nổi lần nữa, chỉ xin nói tóm tắt. Thông giặt phắt lấy thư:
– Vậy để tôi đọc. Nghe đọc đây này: “Bố kính mến, các chị và anh Thông thương nhớ” Hà! Thương nhớ cả mình nữa đây cơ chứ. Mình khác chó gì thứ sinh trùng trong cái nhà này mà cũng có đứa thương nhớ mới lạ. Sĩ diện rởm thật đấy… Chữ viết khó đọc quá, hay do mình đếch đọc nổi? Cả một lũ vô học có khác! Tiếp nhá: “Bố ơi! Khi lá thư này đến tay cả nhà thì con đã ở tận đâu rồi. Con tình nguyện theo một người để họ bán sang Trung Quốc. Con biết ở bên đó cũng chẳng sung sướng gì nhưng con đi, đỡ gánh nặng cho gia đình, trước mặt lại được 500 nghìn. Toàn bộ số tiền này con đã gửi bưu điện, đề địa chỉ của chị cả, chị lĩnh đồng thời giữ luôn, chỉ dùng cho bố. Về phần con, con chẳng ân hận gì, chỉ trách mình không được ở bên bố những lúc ốm đau. Trăm sự nhợ chị cả. Chị luôn luôn về thăm bố nhá. Xin bố tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Các chị và anh ơi…”
Thông không đọc tiếp nữa, hắn buông thư bảo:
– Đoạn sau chắc chỉ than vãn, sướt mướt… 500 nghìn là bán được giá đấy, bởi vì con Thuý nhà này xinh gái, tôi biết có chỗ không được như thế. Nhưng 500 nghìn chị cầm cả là không được đâu đấy. Cái Thuý làm thế là không đúng nhưng tôi không chấp trong lúc nó đang u mê quẫn trí, với lại nó cũng xéo mẹ nó rồi nên tôi chịu. Đúng ra số tiền ấy tôi phải cầm cả vì tôi là con trai, lại đang còn ở cái nhà này. Chị là gái lại đã đi lấy chồng.
– Chú cầm để chú tiêu hết à, vả lại có nhiều nhặn gì cho cam, nói thế chứ tôi cũng chưa nhận được giấy báo lĩnh tiền của bưu điện. Đáng lẽ chú phải khổ tâm mới phải. Em chú bán mình mà chú cứ nhơn nhơn như không. Chú còn há muồm bảo bán được giá với đòi tiền.
– Tôi chẳng có gì phải đau khổ. Thế chị tưởng tôi sung sướng đấy à? Tôi chẳng khác gì cái Thuý, nó bán mình cho người, còn tôi, tôi đang phải bán mình cho quỷ đây! Tôi chẳng cần phải thương ai vì có ai thương tôi đâu. Chị bảo tôi há mồm đòi tiền ư? Tôi có quyền đòi chị hiểu chưa? Sống ở đời, tôi có quyền được làm người như mọi người. Nhưng bố mẹ đã để tôi sống như một thằng ăn mày. Cả các chị nữa, các chị cũng sống không khác gì những con ăn mày!
– Chú… chú không được nói thế!
Người chị không biết làm gì hơn là ôm mặt khóc. Hai người chị nữa của Thông về, Thông bảo họ:
– Này hai bà chị ơi! Cái Thuý nó gửi tiền về cho bố, bà chị cả quý hoá của mình, chị ấy định cầm hết đây này!
Chị cả Thuý vừa khóc vừa giải thích. Thông làm ầm là chị ta định chiếm hết số tiến ấy. Người chị la lên:
– Sao tôi dốt thế không biết, tôi lại đem thư cho cái loại này đọc. Thuý ơi là Thuý ơi, em tha lỗi cho chị…
– Ngu thì im đi, còn kêu tướng lên, càng ngu!
– Thôi được, tôi sẽ không cần số tiền đó nữa, bao giờ có giấy báo của bưu điện, tôi sẽ mang đến đây, cả nhà cùng đi lĩnh nhưng bố sẽ cầm số tiền đó. Thuý nó gửi cho bố.
– Giữ lời hứa đấy nhá, ai giữ tính sau nhưng tôi nói cho các chị biết, tôi phải có phần. Thử hỏi từ bé đến giờ tôi đã được hưởng cái gì đáng giá ở cái nhà này? Hay đã hai lần mang án về tội trộm cắp? Tôi ăn cắp vì đói, vì rét, vì không ai săn sóc tôi. Trời sinh voi, trời sinh cỏ nhưng tôi không thể ăn cỏ để sống được.
Hai người chị của Thông cũng đòi chia phần. Cuộc tranh luận làm người ta quên mất lão Thực. Nằm trong cái xó của mình, lúc đầu lão còn nghe rõ, sau láo pháo câu được câu chăng vì tai cứ ù dần. Ngực buốt không thể chịu được, đầu lại nhức, cứ như bị một lưỡi dao cứa đi cứa lại rất sâu. Rồi lão chỉ còn trông thấy lờ mờ đám con múa tay múa chân như sẵn sàng giết nhau. Lão nói một câu gì đó nhưng không ai nghe thấy, chính lão cũng không nghe thấy. Nước mắt lão ứa ra, nóng như giọt lửa. Sau hết, đến nhìn lão cũng chẳng nhìn thấy gì nữa.
Cuộc tranh cãi kết thúc. Năm trăm chi làm bốn: Thông hai, ba bà chị mỗi người một. Những ai không biết thì thôi, cùng nhau thoả thuận không để họ biết chuyện này. Thông hài lòng hất hàm về phía góc nhà:
– Thế nào, phương án ăn chia thế, bố có ý kiến gì không? Chị cả chị ấy vẫn giữ được cho bố một trăm đấy, cứ chỗ ấy mà moi, đừng có eo xèo, rầy rà đến bọn này nhá.
Lão Thực không trả lời, mắt trợn ngược. Lão uất quá, đã chết từ bao giờ, những người mải tranh cãi không ai hay.
L.V.K