Cô bộ đội ấy đã đi rồi – Phạm Tiến Duật

Phải, xa nhau như đồng đội xa nhau hôm nay… chẳng phải lần đầu, và càng chẳng phải lần cuối cho những cuộc xa nhau của những đồng đội, đồng nghiệp, đồng nhân…, nhưng ý nghĩa cuộc sống và vẻ đẹp của Tổ Quốc, Nhân Dân và Thơ Ca thì tươi non mãi mãi như anh từng hớn hở reo vui

Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo
Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.

Anh Duật ơi, anh đẹp lắm… NGUYỄN KHẮC PHỤC

Anh Duật ơi, anh chẳng đi đâu cả. Anh chỉ chuyển vị trí đóng quân như chính anh đã từng nhắn tin cho đồng đội bằng bài thơ “Cô bộ đội ấy đã đi rồi”:

Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau…

 

.

Nếu nước mắt có trào ra trên mặt tôi thì chỉ vì “biết đến bao giờ mình mới được gặp nhau”, chứ không phải là sự tàn khốc của thời gian và định mệnh chia lìa nổi chúng ta. Sáng nay, lúc tôi vào Viện 108, điện tâm đồ chạy ì ạch rồi tắt dần để cuối cùng chỉ còn lại một nét ngang lạnh buốt, trái tim anh ngừng đập nhưng thơ ca của anh, bản thông điệp bất diệt của anh gửi lại thì mãi mãi màu hồng như chính anh nhắn gửi.

Tôi muốn gửi bản thông điệp màu hồng cho tất cả dương gian.

Một bạn đọc trẻ Sài Gòn ngay khi nghe tin trái tim anh dừng lại ở thời khắc 8 giờ 49 phút sáng nay, đã nhắn cho tôi qua mạng: Chú ơi, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bắt đầu giấc bình yên trên cái cõi các Nàng Thơ bay lượn múa hát bên suối trong, cỏ xanh, hoa thơm ngát, bác Duật trẻ nhất trong những vị tân khách dự bữa tiệc ấy với những Nguyễn Du, Ta-go, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, An-na A-khơ-ma-tô-va và Tố Hữu đang quây quần bên nhau…

Vâng, tôi tin là anh chỉ “chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy”, vì anh còn nhắn tôi thế này:

Bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay
Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá…

Tôi vừa là em anh về tuổi đời, vừa là em anh trong nghề nghiệp, nhưng anh nâng tôi lên làm đồng đội của anh. Tôi hãnh diện vì thế hệ mình có những nghệ sĩ như anh. Tôi biết ơn anh vì điều đó, lẽ ra tôi phải viết hoa chữ Anh, nhưng tôi biết là anh chỉ muốn tôi gọi anh là anh, anh Duật. Anh đẹp vì thế. Tôi trở nên đẹp vì tôi được anh cho tôi làm đồng đội.

Phải, xa nhau như đồng đội xa nhau hôm nay… chẳng phải lần đầu, và càng chẳng phải lần cuối cho những cuộc xa nhau của những đồng đội, đồng nghiệp, đồng nhân…, nhưng ý nghĩa cuộc sống và vẻ đẹp của Tổ Quốc, Nhân Dân và Thơ Ca thì tươi non mãi mãi như anh từng hớn hở reo vui:

Trong chiến tranh một ước ao sôi nổi
Là Nhân Dân đoàn tụ muôn đời…

Ai bảo đó là khẩu hiệu ta cũng chả bận lòng, chỉ biết ta nâng niu, tự hào vì những năm tháng ấy không phải để hoài cổ mà để tiến lên, để hy vọng, để tập hợp, tin cậy và để được yêu thương hơn, mãnh liệt hơn cái ý nghĩa cuộc sống và những cuộc vượt lên…

Vì vậy mà tôi không khóc nữa, tôi ngắm mãi chân dung anh mặc áo trấn thủ năm 1970 giữa chiến trường. Lòng tôi rộn ràng và rực rỡ lên từ ánh mắt anh nhìn…

Anh Duật ơi, anh đẹp lắm…


Ngõ Dã Tượng,
đêm 4 tháng 12 năm 2007.

NGUYỄN KHẮC PHỤC

Theo Sai gòn giải phóng

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder