Không khó bắt gặp nét tinh khôi trong thơ Nguyễn Tiến Ban.Qua những câu thơ trong sáng, ngôn từ dung dị, được viết từ góc nhìn trực cảm, có thể nhận ra gương mặt một người đàn ông kiên nghị, từng trải và cũng dễ mềm lòng trước vẻ đẹp của cuộc sống.
Dường như thế giới quanh anh đều trở nên đẹp đẽ, đáng yêu và gợi nhiều cảm xúc.Tất thảy hiện lên sinh động, gần gũi trong những trang viết tâm thành. Nhờ vậy, thơ Nguyễn Tiến Ban đã góp mặt vào phong trào sáng tác thơ Hải Phòng với một nét riêng đầy hứng khởi.
Nguyễn Tiến Ban gắn cả đời mình với mảnh đất Hải Phòng, anh miệt mài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật Điều khiển tự động và say mê giảng dạy tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và sau đó tại Trường Đại học Hải Phòng.Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban cũng kinh qua nhiều chức vụ tại Viện nghiên cứu và làm công tác quản lý tại các trường đại học nơi anh giảng dạy. Anh có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế và trong nước, viết được nhiều đầu sách kỹ thuật có giá trị, thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu khoa học và dự án khoa học cấp quốc gia trong lĩnh vực của mình.
Một nhà giáo chuyên cần với kỹ thuật máy tàu biển như thế, nhưng phía sau công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy là cả một niềm đam mê với văn học nghệ thuật. Nhiều năm qua, dường như Nguyễn Tiến Banđã chọn con đường sáng tác thơlà một lối đi thầm kín cho tâm hồn mình. Hình ảnh quê hương tuổi nhỏ với bao kỷ niệm thuở học trò, biển cả thân yêu cùng những gian nan của nghề kỹ thuật và nghề dạy học màNguyễn Tiến Bantrọn một đời gắn bó hiện lên trong thơ anh khá sinh động với nhiều góc nhìn độc đáo, đầy rung cảm. Hơi thở của đời sống cần lao trên những miền đất đai mình từng trải nghiệm luôn là nỗi trăn trở trong thơ anh.
Bày tỏ tiếng lòng mình với bao điệu nhớ cung thương, Nguyễn Tiến Ban mê thơ và say làm thơ, ngày đêm trăn trở lựa vần chọn chữ. Bài thơ “Còn nghe đâu đó”như một sự tự bạch kín đáo của tác giả. Khi cuộc sống mở ra ngàn vạn đam mê sẽ không còn bình yên ánh trăng phố núi, không còn lời hát say đắm, không còn ngẩn ngơ lạc cả lối về và con thuyền tình ngọt ngào. Rồi ở đâu đó dường như xa lắm chợt nghe văng vẳng vọng về tiếng con cuốc chiều quê ta quen nghe từ thuở nhỏ; Điều đó ngỡ đơn giản mà ai cũng có thể nhận ra, nhưng nó càng trở nên sâu sắc đối với lớp người quá nửa đời phiêu dạt chốn tha hương.
Bài thơ “Đối diện” không chỉ là bài thơ tình thuần túy mà vượt lên đó là sự giãi bày về cuộc người, thân phận, cơ duyên khi qua những chặng đời không mấy suôn sẻ.
Tháng năm dày sẹo tưởng hết đau
Nắm lá thuốc tưởng làm quên dĩ vãng.
Nắng quái chiều lảng vảng
Cánh chuồn chuồn đã rất thấp chờ mưa.
Về thăm trường xưa, gặp lại bạn cũ, tác giả bồi hồi nhớ tới bao kỷ niệm thân thương tuổi học trò, có một ánh nhìn tư lự, có cánh hoa nào quên trong vở ép khô (Câu chuyện nhỏ lung linh). Phải là một người đa cảm và tinh nhạy giữa đời thường, Nguyễn Tiến Banmới có thể thu hái được những ý thơ , những câu thơ rung lay tâm hồn bạn đọc thân thiết đến như vậy.
Là một Giảng viên cao cấp tâm huyết và giàu kinh nghiệm, thầy giáo Nguyễn Tiến Ban đã tham gia đào tạo hướng dẫn thành công nhiều tiến sĩ, thạc sĩ kỹ thuật tại nhiều cơ sở đào tạo trong nước. Trực tiếp dạy học cho bao thế hệ sinh viên đại học hàng hải ra trường trở thành thủy thủ tàu viễn dương nên anh hiểu nhiều về nghề và người đi biển. Đêm cuối năm dương lịch, bình yên bên gia đình chờthời khắc giao thừa,Nguyễn Tiến Banchợt xốn xang nhớ biển đang mùa gió bấc, nhớ về những người thủy thủ còn đang đằng đẵng biển xa.Anh viết bài thơ “Ở biển nhớ bờ”để ghi lại nỗi niền người thủy thủ giữa miền trập trùng sóng nước:”
Niềm vui nỗi buồn hay cả những nỗi đau
Người thủy thủ dấu mình vào ồn ào rượu bia chốc lát
Những khi sóng yên biển trời vui hát
Lúc nhọc nhằn vượt bão gió đại dương
Vẫn phải tưởng ra một hình ảnh thân thương
Dù đó nhiều khi là dối trá
Thế mạnh chuyên môn của Nguyễn Tiến Banlà nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Điều khiển tự động cho tàu thủy. Anh đã từng thành công trong các dự án chế tạo và lắp ráp các hệ thống tự động, cùng các nhà máy đóng tàu thực hiện thành công những con tàu hiện đại từ những năm 90 của thế kỷ trước với tầm vóc quốc tế trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu biển. Công việc khiến anh yêu biển cả và thấu cảm nỗi lòng người thủy thủ giữa muôn trùng sóng gió:
Bến bờ thân thương hay sóng gió biển xa
Người thủy thủ cố tình trộn vào nhau để sống.
Với người đi trên biển, đường chân trời là ranh giới để gọi mời nhớ nhung. Chỉ những người rong ruổi ngoài khơi mới phát hiện ra khung cảnh thiên nhiên hòa quyện lòng mình:
Vệt cong của biển ngân nga
Vòng cung chùng xuống là ta nhớ người
Mây sà như sắp rớt rơi
Biển dâng dịu lại cuộc đời lênh đênh
Cánh chim như nổi dập dềnh
Giữa muôn trùng sóng bồng bềnh mây hoang
(Đường chân trời)
Thơ Nguyễn Tiến Banđã thấm nỗi phiêu bạt và những sắc thái tình người trên nhiều chặng đường đời mà anh đã qua.Bài thơ “Tuyết trái mùa” nêu ra một phát hiện của tác giả khi lên thăm Sa Pa mà ít ai để ý tới. Du khách thích thú với cảnh tuyết rơi đầy lãng mạn, nhưng
Người nông dân cõi lòng khô cạn
Tuyết trái mùa cuồn cuộn những đầy vơi
Tuyết càng rơi, dân dã rối bời
Mùa tàn
Khi tuyết tan
Nước mắt tràn thành suối
Nguyễn Tiến Banlàm nhiều bài thơ tình. Bằng thủ pháp tự sự, anh kể những câu chuyện tình với bao kỷ niệm êm đềm, với nhiều cung bậc cảm xúcmà chỉ tình yêu mới có. Thơ tình của anh không bó hẹp trong đề tài tình yêu đôi lứa, tình yêu chồng vợ. Cái nhìn bao dung của tác giả trỗi lên niềm thương cảm về người phụ nữ quá lứa nhỡ thì với hình ảnhđế guốc vẹt mòn chợt thoáng chênh vênh và khóe mắt cười xếp mấy lần ngấn lệ (Trôi trôi).Còn bài thơ “Thế là” phác họa cảnh tình duyên nửa đường đứt gánh. Nét họa hằn vệt dao cứa trên da thịt, máu chảy mềm mà vết thương lòng nhói buốt
Thế là xếp lại nhớ mong
Thành câu hát nhỏ trong lòng tự ru.
Thế là lời gió vi vu
Thành lời giã biệt âm u cuối cùng.
Có thể thấy khi sáng tác, Nguyễn Tiến Bankhông bị trói buộc bởi vần luật của những thể thơ truyền thống. Anh chủ yếu viết theo thể loại thơ tự do. Lối sống phóng khoáng của cuộc đời thủy thủ và không gian thoáng đãng của đại dương tạo cho thơ anh sự tung phá cần thiết trong mỗi dòng, mỗi tứ.Câu chữ cuốn cảm xúc người làm thơ ngỡ khó chạm điểm dừng, có khi tưởng chừng vô lý mà vẫn xếp đặt khá gọn ghẽ vào sự có lý của thơ. Nhờ vậy, mạch thơ của anh cứ trôi êm và mang hình thức thơ khá hiện đại. Điều này không hề dễ dàng gì đối với những người làm thơ không chuyên.
Nguyễn Tiến Bankhá vững kỹ thuật thơ khi lựa vần chọn chữ. Anh thông thạo sử dụng một số thể loại thơ cách luật truyền thống, nhất là thơ lục bát.
Bài thơ “Giấc mơ tháng chạp” có những câu thơ khá gợi. Chạnh nhớ chuyện tình duyên đã xẻ chia đôi ngả, “Để nghe quen lạ tiếng cười / Để nhìn chấp chới ánh ngời trong nhau” và nhận ra cả những hình hài cảm mến thuở nồng đượm:
Ngày xưa chỉ một bước chân
Đã sôi nỗi nhớ đã ngân ngấn lòng
Bài thơ “mưa rào cuối xuân” phảng phất hương vị ca dao mà vẫn tạo ra vẻ đẹp của cách nhìn tân thời:
Em cong vạt gió nghiêng che
Để suông cái nóng chớm hè ngất ngây.
Trái xuân óng ả chưa dầy
Mơ trưa vừa tỉnh lại say sang chiều.
Nguyễn Tiến Banđến với văn nghệ, đặc biệt là thơ ca, từ rất sớm. Tuy nhiên do đặc thù nghề nghiệp, tình yêu nghệ thuật phải tạm nhường chỗ chờ đến khi có điều kiệnmới thực hiện. Gần đây, anh tham gia sinh hoạt một số câu lạc bộ thơ ca ở thành phố Hải Phòng quê hương và góp mặt trong nhiều tập thơ quần chúng vượt qua sự cầu kỳ câu chữ, với cách lập tứ trên cơ sở phản ánh những sự kiện đời thường theo lối tự sự về trực cảm chân thực chính mình, thơ Nguyễn Tiến Ban đã ít nhiều chiếm được sự yêu mến của bạn đọc gần xa.
Dung dị ngôn từ và có cách diễn đạt trong sáng, lại được mở rộng biên độ đề tài, tập thơ “Tinh khôi” của Nguyễn Tiến Banđược xuất bản lần này chắc chắn sẽ mang tới bạn đọc một giọng thơ thanh khiết, non tươi từ một người đã lâu yêu say sáng tác thơ ở thành phố Hoa Phượng Đỏ.
- K.